BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73437)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tám Hà Đông

27 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 2958)
Tháng Tám Hà Đông
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54


Tôi viết bài này trong một ngày đầu Tháng Tám năm 2013. Sống ở Virginia Xứ Tình Nhân Kỳ Hoa Đất Trích – thấm thoắt dzậy mà sắp tròn 20 mùa hoa anh đào nở – tôi, người Việt Quốc Gia lưu vong già, nhớ và viết về Hà Đông, thành phố thời thơ ấu của tôi. Thành phố xưa với những chuyện xẩy ra trong Tháng Tám năm 1945, những chuyện tôi mắt thấy, tai nghe, những cảnh tôi nhớ cho tới hôm nay khi thời gian qua đã 65 năm..

Những ngày như lá, tháng như mây..

Xe điện – tầu điện Hà Nội-Hà Đông. Ảnh năm 1935 ở trạm xe Bờ Hồ Hoàn Kiếm.


Từ lâu tôi vẫn théc méc tại sao thành phố nơi tôi ra đời lại có tên là Hà Đông? Hà Nội là thủ phủ Xứ Bắc Kỳ. Các tỉnh Bắc Kỳ đều nằm quanh Hà Nội, đều nhỏ hơn Hà Nội, đều kém đẹp, kém văn minh so với Hà Nội. Những tỉnh ở phiá Bắc Hà Nội có tên là Bắc Ninh, Bắc Giang, những tỉnh ở phiá Nam Hà Nội có tên là Nam Định, Hà Nam, một tỉnh ở phía Tây Hà Nội được đặt tên là Sơn Tây. Đúng thôi. Nhưng hai tỉnh ở phiá Đông Hà Nội là Hải Dương và Hải Phòng không tỉnh nào được gọi là tỉnh Hải Đông, nhưng tỉnh Hà Đông không nằm ở phiá Đông Hà Nội – Hà Đông nằm giữa hai tỉnh Sơn Tây-Nam Định – lại có tên là Hà Đông. Tại sao?

Hà Đông bên hông Hà Nội chỉ cách trung tâm Hà Nội có 11 ki-lô-mét. Vì quá gần Hà Nội, Hà Đông bị Hà Nội đè bẹp nhép. Hà Đông có rạp xi-nê Majestic, có rạp hát Thiêm Xuân Đài, nhưng không có hàng ăn thời xưa gọi là cao lâu – như nhà Đông Hưng Viên của người Tầu ở phố Hàng Buồm Hà Nội – người Hà Đông có tiền, có thì giờ, tức người Hà Đông thanh lịch, ăn chơi vẫn ra Hà Nội xem phim xi-nê, ăn cao lâu, coi bói, mua sắm mọi thứ vật dụng, y phục, sách báo, hàng Tết. Tết Trung Thu Hà Đông không có qua một tiệm bán bánh Trung Thu. Người Hà Đông muốn mua bánh Trung Thu phải ra nhà Đông Hưng Viên ở Hà Nội.

Vì quá gần Hà Nội, thành phố Hà Đông không có gì nổi trội. Không có và không thể có. Thanh niên Hà Đông ăn diện như thanh niên Hà Nội vẫn không được ai trọng nể, vẫn bị coi là Công Tử Tỉnh Lẻ. Công Tử Hà Đông là một thứ đàn em của Công Tử Hà Nội.

Tôi thấy nếu thành phố Hà Đông có cái gì khác với những tỉnh anh em nằm quanh Hà Nội – khác và hơn những tỉnh khác – thì đó là đường Xe Điện Hà Nội-Hà Đông. Đây là đường xe điện dài nhất nước An Nam. Đường xe dài 11 cây số.

Những năm trước năm 1956 Sài Gòn cũng có đường xe điện, nhưng đường chỉ chạy từ đầu đường Bonard đến cửa Nhà Bưu Điện Chợ Lớn. Đường xe chạy giữa đường Galliéni – sau năm 1956 là đường Trần Hưng Đạo – khi thành phố Sài còn ít người, việc người đi xe điện lên xuống xe ở giữa đường có thể chấp nhận, nhưng khi Sài Gòn đông người, việc người đi xe điện lên xe, xuống xe giữa đường bất tiện và nguy hiểm. Sau năm 1956 đường xe điện Sài Gòn bị hủy bỏ. Toàn quốc Việt Nam – bây giờ năm 2000 – vẫn còn, chỉ còn đường xe điện Hà Nội-Hà Đông.

Xe điện Hà Nội 1965


Đường xe điện Hà Nội-Hà Đông chỉ dài 11 cây số – từ Bờ Hồ Hoàn Kiếm vào đến Đầu Cầu Sông Nhuệ – nhưng khách đi phải mất 1 giờ đồng hồ. Như vầy: khởi đi từ Đầu Cầu Hà Đông ra Hà Nội: Tới Thanh Xuân, cách Hà Đông 2 cây số, xe ngừng 5 phút cho khách lên xuống, đến Ngã Tư Sở, cách Hà Đông 4 cây số, xe ngừng 5 phút, đến Thái Hà Ấp, cách Hà Đông 6 cây số, xe ngừng 10 phút, chờ chuyến xe từ Hà Nội vào, đến cửa nhà Anpo – một nhà kho thực phẩm nhập cảng của người Tầu – xe ngừng 5 phút, đến Cưả Nam, cửa vào thành phố Hà Nội, xe ngừng 5 phút.

Đi xe diện mất 60 phút nhưng xe điện rất tốt cho người Hà Đông. Như một năm đôi kỳ ông bố tôi cho mẹ con tôi ra Hà Nội chơi. Lên xe điện ở Đầu Cầu Hà Đông lúc 10 giờ sáng, gia đình tôi đến Bờ Hồ Hoàn Kiếm lúc 11 giờ trưa. Từ đó chúng tôi đi bộ đến Cao Lâu Đông Hưng Viên, Phố Hàng Buồm ngay gần đó. Ăn trưa xong – anh em tôi ăn toàn cơm rang với bánh rán – lúc 1 giờ, 1.30 trưa, chúng tôi đi bộ từ Đông Hưng Viên đến rạp Cinéma Philharmonique ở Bờ Hồ, cũng gần ngay đấy. Xem xuất xi-nê 2 giờ đến 4 giờ chiều, chúng tôi ra khỏi rạp chỉ đi chục bước là đến ngay trạm xe điện Bờ Hồ. Lên xe, chúng tôi về đến Đầu Cầu Hà Đông lúc 6 giờ chiều.

Năm 1946, trước khi xẩy ra chiến tranh Việt-Pháp, tôi từ Hà Đông ra học trường Phan ChuTrinh ở Hà Nội. Tôi lên xe điện ở Hà Đông lúc 6 giờ, 6 giờ 30 sáng, tôi đến trạm xe ngừng ngay trước cửa trường lúc 7 giờ, 7 giờ 30 sáng. Trưa tan trường tôi đi bộ về nhà chị tôi ở phố Sinh Từ ăn cơm trưa, 2 giờ trưa vào học, 5 giờ chiều tan trường, tôi lên xe điện về Hà Đông. Xe đưa tôi về đến Ngã Tư Sở lúc 6 giờ chiều. Đoạn đường từ Ngã Tư Sở về thị xã Hà Đông có cảnh đồng ruộng đẹp nhất. Năm 1946- năm 2013: hơn 60 năm, tôi nhớ hình ảnh chú hocï sinh 14 tuổi 60 năm xưa. Những chiều đi học về bằng xe điện thật đẹp.

Tôi nhớ một trưa mùa hè, được nghỉ học buổi chiều, tôi và chú bạn học cũng dân Hà Đông lên xe điện đến Nhà Depot Xe Điện ở Thụy Khê mua carte đi xe điện. Tất cả xe điện buổi tối phải về Depot, 5 giờ sáng xe từ Depot ra đi. 60 năm, sáng nay tôi nhớ tiếng rào rào của những hàng lá găng trồng hai bên đường xe điện quẹt vào cửa sổ toa xe. Tôi nhớ mùi lá cây ngai ngái bị nắng hè hun nóng. Tôi không nhớ carte đi Xe Điện tôi mua năm xưa ấy là carte cả năm hay carte đi tháng một, mua bao nhiêu tiền. Vé xe địện một chuyến Hà Đông-Hà Nội là 1 đồng, một ngày đi học mất hai đồng tiền vé xe điện. Tôi nhớ Carte Xe Điện là tấm carte d’idendité thứ nhất trong đời tôi, carte có ảnh tôi 4×6 trông khá điển trai. Tôi mất tấm carte này năm 1947 ở làng quê tôi. Có tấm carte Xe Điện cũng sợ bị lính Tây xét hỏi, tôi dấu nó đâu đó trong nhà tôi ở làng quê. Tôi mất nó.

Hôm nay – buổi sáng đầu Tháng Tám 2013 – tôi viết về Xe Điện Hà Đông-Hà Nội để kể chuyện này:

Hà Đông có nhà thương, có nhà pha, tức nhà tù – không biết tại sao người Bắc Kỳ gọi Nhà Tù là Nhà Pha – có trại lính khá lớn. Trại lính Hà Đông có chừng một trung đội lính gọi là Lính Khố Xanh – Garde Indigène. Tháng Ba 1945, Pháp bị Nhật hạ bệ, trại lính Hà Đông và Trung Đội Lính Khố Xanh được trao cho một hạ sĩ quan Việt Nam chỉ huy. Nhân vật này tên là Quản Dưỡng – Adjudant, Thượng sĩ – một quân nhân do Pháp đào tạo có tác phong rất Tây. Quản Dưỡng người cao, quắc thước, nước da bánh mật, đeo kính trắng gọng vàng, mặc quân phục kaki, đi botte da cao đến đầu gối, một bên sườn mang bao da súng lục, một bên sườn đeo thanh kiếm, đặc biệt Quản Dưỡng đi ngựa, ngưạ Tây, to, cao, hùng dũng. Quản Dưỡng là một quân nhân rất nặng phần trình diễn.

Vì Hà Đông những năm tháng ấy chẳng có việc gì làm nên Quản Dưỡng thường cho lính đi diễn binh trong thị xã. Quản Dưỡng cưỡi ngựa đi đầu, theo sau là dàn kèn bu-dzích, rồi trung đội lính. Nghe tiếng kèn trống từ xa bọn trẻ con chúng tôi chạy ra xem. Diễn binh có vị chỉ huy cưỡi ngựa đi đầu, có trống kèn, lính đều bước rầm rập, là cảnh đẹp mắt. Thị xã xưa thời tôi thơ ấu yên bình đến nỗi nghe tiếng xe lăn đường – xe hủ-lô – ình ịch chạy chúng tôi cũng ra xem. Chúng tôi chạy theo chiếc xe kéo quảng cáo đêm hát tuồng để tranh nhau nhặt những tờ gọi là programme.

Tháng Tám 1945 đến. Ngày 18 hay ngày 19 tháng ấy đê con sông Nhuệ chẩy qua thị xã bị vỡ. Đê vỡ ở địa phận làng Đông Lao gần tỉnh. Tôi ở trong số bọn trẻ đi xem nước lụt tràn qua cánh đồng ở cuối tỉnh, khu này là khu Ba La, Bông Đỏ. Sông Nhuệ, tôi nghe nói, là sông đào, túc sông do người đào, vậy mà năm ấy cũng nước lớn làm vỡ đê.

Ngày 20 Tháng Tám 1945, Việt Minh tỉnh Hà Đông tổ chức biểu tình cướp chính quyền. Ông cậu tôi, hơn tôi 5 tuổi, và tôi đi theo đoàn biểu tình. Khi đoàn biểu tình đi đến trước nhà tôi ở cuối thị xã thì dừng lại, rồi tôi thấy người ta nhốn nháo.

Ông cậu tôi bảo tôi:

“Vào trại lính tước võ khí. Mình vào xem súng.”

Tội nghiệp thì thôi. Năm ấy tôi nhỏ dại không biết gì, nhưng ông cậu tôi thì phải biết chứ. Trại lính Khố Xanh thì còn có thứ súng ống gì để xem ngoài mấy khẩu mút-cơ-tông! Cậu cháu tôi tất tả chạy về trại lính. Đoàn biểu tình nay khúc đuôi trở thành khúc đầu, rùng rùng kéo vào trại lính.

Tôi chạy đến cổng trại lính thì trên lô-cốt nổ súng. Tiếng súng mút-cơ-tông nổ lớn khủng khiếp. Tôi tối tăm mắt mũi nhưng còn biết nhào vào nấp dưới chân cây cột cổng trại. Một thiếu niên trạc tuổi tôi lết vào nằm lên lưng tôi. Chú bị đạn bắn trúng đùi, máu tươi từ đùi chú chẩy bê bết lưng áo tôi.

Tôi nằm đó, tán hoán trong tiếng nổ rền trời đất. Mùi thuốc súng khét lẹt. Khi tiếng súng ngừng, tôi nhổm dậy cắm đầu chạy về nhà.

Sau đó tôi được nghe kể bọn Việt Minh, đúng ra là mấy anh thanh niên tỉnh bị bọn đảng viên Việt Minh lợi dụng, đưa dân vào trại lính bắt Quản Dưỡng nộp súng, giao trại.

Quản Dưỡng không chịu:

“Các anh là cái gì mà tôi phải giao súng cho các anh?”

Anh thanh niên rút súng lục ra bắn Quản Dưỡng. Súng anh tự mua là loại súng lục Tây quăng từ năm ông De Gaulle học tiểu học, nên súng tịt đạn. Quản Dưỡng rút súng lục của Y ra, nổ một phát. Anh thanh niên trúng đạn vào ngực, ngã ra chết. Quản Dưỡng đi vào lô-cốt, ra lệnh Bắn. Thế là lính theo lệnh Y, bắn vào dân.

Quản Dưỡng can tội ra lệnh cho lính bắn vào dân. Nếu Y chỉ cho lính bắn chỉ thiên vài chục phát, những anh dân ngu biểu tình hung hăng nhất cũng chạy văng Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra ngoài. Nhưng Quản Dưỡng ra lệnh cho lính bắn dân. Và lính đã bắn dân.

Không ai biết, không bao giờ có thể biết trong buổi chiều oan nghiệt đó có bao nhiêu người dân Hà Đông bị bắn chết oan. Nhiều người bị thương chạy ngã xuống những con đường thấp bị ngập nước lụt quanh trại lính, bị chết thảm dưới nước. Trên khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ chỉ có dân tỉnh Hà Đông bên hông Hà Nội bị chết vì cái trò Việt Minh cướp chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Đêm hôm đó Quản Dưỡng bỏ trại trốn đi. Nghe nói Quản Dưỡng bị Việt Minh bắt trong làng quê Y ở Sơn Tây. Y bị đem về giam ở Nhà Tù Hà Đông, nhà tù ngay cạnh trại lính. Ngày Quản Dưỡng bị đưa ra toà xử, tôi ở trong đám thiếu nhi đứng bên đường trước toà án. Quản Dưỡng bị bịt mắt, bị còng tay, dẫn đi chân đất từ nhà tù đến toà án. Nghe nói Y bị xử tử hình.

Dòng thời gian dài một ánh bay… Những ngày như lá, tháng như mây.. Sáu mươi năm sau năm 1945, người công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà tuổi đời Tám Bó, khuôn mặt in hằn những vết roi đời, sống buồn ở xứ người, cuộc sống tang thương, tuyệt vọng, tình cờ đọc một tài liệu của bọn Bắc Cộng, thấy trong bản gọi là Tiểu Sử của Tổng Bí Thư Đỗ Mười ghi:

“Năm 1945 đồng chí Đỗ Mười là Bí Thư Tỉnh Ủy Tỉnh Hà Đông.”

Người đàn ông khuôn mặt cằn cỗi in hằn những vết roi đời ấy năm 1945 là chú thiếu niên Hà Đông 14 tuổi. Chú ở trong đoàn người Hà Đông vào trại lính toan cướp súng bị Quản Dưỡng ra lệnh cho lính bắn. Đến những năm 2000 chú mới biết Tháng Tám năm 1945 tên VC Đỗ Mười là Bí Thư Tỉnh Hà Đông, kiêm Ủy Viên Tổ Chức Khởi Nghĩa Hà Đông. Đến những năm 2000 chú mới biết Đỗ Mười là tên Việt Minh ra cái lệnh ngu ngốc cho bọn đàn em đưa dân biểu tình vào trại lính đòi Quản Dưỡng nộp súng, làm dân Hà Đông bị bắn chết thảm không biết là bao nhiêu người.

Quản Dưỡng đúng khi Y không chịp nạp súng, Y là quân nhân có nhiệm vụ giữ an ninh trong tỉnh. Y không thể giao súng cho bọn thanh niên lộc ngộc trong tỉnh, bọn người không có thẩm quyền gì cả, mấy thanh niên này tháng trước trông thấy Quản Dưỡng ở đâu là lui lủi đi chỗ khác. Quản Dưỡng có tội ra lệnh cho lính bắn dân. Dân làng Vạn Phúc, làng dân có nghề dệt Lụa, là làng có nhiều người theo Việt Minh hung hăng con bọ xít, bị chết nhiều nhất trong cuộc dẫn xác vào trại lính đòi tước súng trung đội Lính của Quản Dưỡng. Nghe nói trong đêm nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp ở Hà Nội, Hồ Chí Minh ở Hà Nội vào làng Vạn Phúc ngủ một đêm, căn nhà Hồ Chí Minh ngủ được coi là Nhà Lịch Sử.

Như vậy là trong ngày tổ chức biểu tình, anh Bí Thư VM Đỗ Mười, núp kín trong một nhà dân nào đó trong thị xã, anh muốn chơi trội, anh làm một cú cướp chính quyền người Tây gọi là “oong cú rờ-tăng-tít-xăng,” anh ra lệnh cho bọn Vẹm Non đưa dân vào trại lính đòi Quản Dưỡng nộp súng. Không cần phải tưởng tượng, cũng không phải vì có ác cảm với bọn đảng viên Việt Minh nói chung, với Bí Thư Hoạn Lợn Đỗ Mười nói riêng, tôi biết khi tiếng súng nổ, Bí Thư Đỗ Mười sợ đến thót Bác Hồ lên cần cổ. Y không ngờ Quản Dưỡng lại có phản ứng dữ dội đến như thế. Và cũng chắc như bắp là Y sợ đái ra quần, sợ chết run, chết dzế, Y lập cập theo mấy tên đàn em lủi ra khỏi thị xã. Y trốn đến một làng nào đó thật xa. Y sợ ở lại trong thị xã, Quản Dưỡng nó biết, nó đến, nó cho lính lôi cổ ra trước Dinh Tổng Đốc, nó cắt gân, nó bỏ nằm đó cho chết..

Bí Thư Đảng Thiến Heo Đỗ Mười có tội đưa dân Hà Đông vào chỗ chết. Nếu năm xưa đó Quản Dưỡng chịu nộp súng, giao trại, bọn VM sẽ đề cao Đỗ Mười; trong cái gọi là Lịch Sử Cướp Chính Quyền của Việt Minh đã ghi:

Đồng chí Đỗ Mười, Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Đông, đã sáng suốt thực hiện những lời chỉ dẫn về chiến thuật cướp chính quyền của Lãnh Tụ Lênin vĩ đại vào thực tế tỉnh Hà Đông, đồng chí đã khéo léo dùng sức mạnh của nhân dân bắt tên Chỉ huy Đội Lính Khố Xanh Hà Đông phải đầu hàng, nộp súng..”

Quyết định của Đỗ Mười là một quyết đinh Ngu Xuẩn. Nhưng bọn Hồ Chí Minh dzẹp vụ thảm sát này đi, cho chìm suồng. Tin dân Hà Đông vào trại lính đòi nộp súng, bị bắn, bị chết thảm không biết là bao nhiêu người, bị bọn VM ỉm đi, bịt kín, không đăng báo, tất nhiên không loan trên đài phát thanh. Có thể nói tất cả nhân dân Bắc Kỳ năm xưa không biết bọn Việt Minh gây ra vụ đổ máu khủng khiếp Tháng Tám 1945 ở trại lính tỉnh Hà Đông, trừ dân tỉnh Hà Đông.

Tôi viết thêm; Những năm 2000 có thể nói trên cõi đời này chỉ còn một mình tôi – kẻ viết bài này – là người sống sót trong vụ Việt Minh xua dân vào trại lính cướp súng Tháng Tám năm 1945, kẻ dự vào vụ đó, kẻ nhớ vụ đó, kẻ hôm nay kể lại vụ đó.

Năm 2000, ở Kỳ Hoa, tôi thấy trong một tài liệu ghi anh Tướng Đặng Kim Giang từng có thời làm Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Đông. Đặng Kim Giang, anh Việt Cộng từ những năm 1940, những năm 1965 bị bọn Lê Duẩn, Lê Đức Thọ bắt bỏ tù ở Nhà Hỏa Lò Hà Nội. Đặng Kim Giang bị bắt tù mà không đưa ra tòa xử, không biết bị tù vì tội gì. Cũng mang tiếng là “Tướng” mà Đặng Kim Giang hèn, sợ, không dám kêu oan nửa lời, Y chết trong tủi nhục. Tất cả những anh “Tướng VC” không anh nào dám méo miệng nói nửa lời về vụ anh “Tướng” Đặng Kim Giang bị hai tên trên răng dưới dzế Lê Duẩn, Lê Đức Thọ bắt tù mút chỉ cà tha,

Phải chăng sau vụ làm chết dân, Đỗ Mười bị mất chức Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Đông, Đặng Kim Giang về thay Đỗ Mười?

Những năm 1980, Đỗ Mười, Bí Thư Hoạn Lợn Tỉnh Ủy Hà Đông năm 1945, là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam

Hôm nay, Ngày 10 Tháng Tám, 2013, tôi kể chuyện xưa để ghi tội tên VC Đỗ Mười giết dân Hà Đông trong Tháng Tám năm 1945.

Hoàng Hải Thủy

Theo http://hoanghaithuy.wordpress.com/2013/08/18/thang-tam-ha-dong/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn