BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73517)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà giáo một thời nhếch nhác (3)

19 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 1653)
Nhà giáo một thời nhếch nhác (3)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

8.


Thầy Cô . . . .đi học !



 Họp hành và Học tập chính trị. . . có thể nói đấy là một căn bệnh trầm kha của chế độ mới.

 Ở địa phương tôi thì Tổ dân phố gọi bà con tới nhà Tổ trưởng để nghe phổ biến các loại thông cáo, rồi đọc tin tức trên báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng cho nắm vững tình hình, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng.

 Vào thời gian đầu, bà con nườm nượp tới tham dự vì ngán bị chụp vào đầu cái mũ " tàn dư phản động". Nơi họp thì chỉ là căn phòng ngoài của bà Tổ trưởng đã được dẹp bớt đồ đạc đi để đủ chỗ cho nhiều người. Bà con tới trước thì ngồi xổm vòng trong, vòng ngoài. Những người tới sau thì đứng lố nhố, tràn ra cả sân trước. Phụ tá bà Tổ trưởng là một cô thanh nữ. Cô này mặt mũi nghiêm trọng, trên cánh tay đeo một cái băng đỏ lòe chứng tỏ là một thành phần đang phấn đấu để được vào đối tượng Đoàn, tức Đoàn Thanh Niên CS Hồ Chí Minh. Cần nói thêm là dù mới chỉ là giai đoạn mong được trở thành đối tượng thôi, nhưng công cuộc phấn đấu của cô hẳn cũng nhiều gian nan, thử thách, có khi cả năm mới được công nhận trở thành "đối tượng Đoàn". Rồi cũng phải chừng ấy thời gian hay lâu hơn nữa thì cô mới chính thức được kết nạp làm Đoàn viên. Khi đó, trên ngực áo, cô sẽ được đeo cái huy hiệu của Đoàn có vẽ một cánh tay áo đang xắn lên, bàn tay thì gân guốc nắm chắc một cái cán có gắn cờ đỏ sao vàng. Theo lời giải thích thì huy hiệu này biểu thị sức mạnh và ý chí của thanh niên. Nó cũng mang tính "xung kích của tuổi trẻ" trong công cuộc "xây dựng và bảo vệ Tổ quốc '. Về mặt tổ chức thì Đoàn Thanh Niên được coi là cánh tay mặt của Đảng, luôn luôn sẵn sàng để “ đâu cần Thanh Niên có - đâu khó có Thanh Niên".

 Tại Tổ dân phố, khi màn phổ biến thông cáo xong thì đến đọc báo Nhân Dân hay Sài Gòn Giải Phóng. Gớm, cái giọng vừa ngấp ngứ lại vừa dữ dằn cố làm ra vẻ hùng dũng, quyết tâm của cô gái khiến cho bà con ta cứ ngáp dài. Ngáp chán thì xoay ra chuyện trò rỉ rả, trước nhỏ sau to, riết rồi buổi họp ồn ào như đang họp chợ. Giọng đọc của cô cứ dần dần bị chìm lấp đi bởi những tiếng ho, tiếng hắt hơi, tiếng cười, tiếng tranh cãi..v..v.. .cho dù bà Tổ trưởng dã hết hơi kêu gào can thiệp.

 Họp hành như thế nên cứ hễ bị nhắc "Đi họp" là ai cũng thở dài như lại vừa bị mắc thêm một tai vạ. Tuy nhiên không ai dám viện cớ này cớ kia để trốn tránh cả vì cứ sợ thái độ của mình sẽ khiến mình bị liệt vào thành phần ngoan cố, nguy hiểm. Trừ trường hợp một ông già ở ngay sát bên cạnh nhà tôi mà bây giờ ngồi nhớ lại tưởng cũng nên kể ra ở đây.

 Cả gia đình ông này di tản hết nên nhà chi có mỗi mình ông. Ỷ vào tuổi tác già cả, chắc lại còn tiền bạc không phải phụ thuộc vào nhu yếu phẩm bán theo sổ phân phối của mỗi nhà, nên ông cương quyết không bao giờ chịu đi họp. Bà Tổ trưởng dân phố bực mình lằm về thái độ bất hợp tác này. Trước thì bà còn nhắn hàng xóm tới mời ông già đi họp, sau bà đích thân tới gặp, định để giáo dục cho "cái lão già mất nết" một bài học. Nhưng lão trốn tuột lên lầu hai, có đấm cửa, rung hàng rào, hò hét qua lỗ khóa lão ta vẫn êm rơ không thèm mở cửa. Cuộc chiến đấu giữa hai bên giằng dai mãi cho tới một hôm bà Tổ trưởng dân phố bỗng phát huy một sáng kiến rất diệu kỳ. Đỏ là thay vì đập cửa gào to " ông Ba ơi, xuống đi họp !" thì bây giờ bà cất tiếng : " ông Ba ơi, xuống nhận thư ngoại quốc ! ".

 Ôi dào, thật không còn có gì linh nghiệm hơn. Cái lão cứng đầu, bao lâu nay trốn biệt không thò mặt ra, thế mà chỉ nghe có mấy tiếng “thư ngoại quốc" là đã hối hả đáp lại giọng cũng to chả kém ai " Có tôi ! Chớ đó ! Chờ đó ? “, Rồi lão bổ nháo bổ nhào từ lầu hai xuống, hấp tấp mở khóa rồi kéo cánh cửa sắt rộng ra. Báo hại, thư từ chả thấy đâu, chỉ thấy khuôn mặt khó ưa của bà Tổ trưởng đang nở một nụ cười dễ ghét và cất tiếng đắc thắng " Mời ông Ba đi họp ?"

 Cái cơn lôi đình của ông lão sau đó ra sao, ai cũng biết và ai cũng kể lại cho nhau nghe để cùng cời với nhau hể hả. Cuộc sống có nhiều nỗi lo âu , buồn bã, thật hiếm khi lại có những nụ cười vui vẻ như thế ? Chuyện họp hành ở khu phố tôi lâu dần cũng thấy thưa đi. Bởi đời sống khó khăn quá, ai cũng phải lo chuyện mưu sinh nên nảy ra cái tâm lý bất cần. Chẳng họp thì đừng, phải lo nồi cơm trước đã. Cho nên, cuối cùng thì chỉ khi nào thật cần thiết, bà Tổ trưởng mới tới từng nhà dân đập cửa kêu "Mau ra Phường, đi họp ! ". Họp Phường tất cao cấp hơn họp Tổ. Có thể Nhà Nước lại áp dụng đường lối chính sách nào mới mẻ có ảnh hướng đến đời sống đây, nên bà con đành phải nín nhịn rủ nhau cắp nón đi ra Phường. Được cái, lâu lâu thì mới chỉ đi một lần, chứ không bị gọi xoành xoạch như trước. Nhưng cũng chẳng vì thế mà bà Tố trưởng dân phố trở nên dễ thương hơn.

 Có thể nói, bà cũng ]à một thứ tội nợ để dân chúng đổ mọi thứ chê trách lên đầu. Nào nhu yếu phẩm xuất hiện thất thường, lại bị phân phối khoai sùng hay gạo mốc, nào giờ tham gia sinh hoạt "nếp sống mới" khởi sự quá sớm vào lúc 5 giờ sáng. Cứ vào cái giờ bà con còn đang chập chờn với giấc ngủ đó thì tiếng loa đã ồn ào réo gọi tất cá phải kéo nhau ra đường phố để cùng tập thể dục theo tiếng còi "một, hai" phát trên loa. Hồi đầu, bà con hiện diện khá đông đủ, lại còn ríu rít cười đùa, chuyện trò thăm hỏi nhau tạo nên bầu không khí vui vẻ mà ngày xưa không hề có. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, đám đông cứ thưa dần. Việc tham gia sinh hoạt cách mạng không còn gì là hào hứng nữa. Mà hào hứng sao được khi trong bữa cơm hạt gạo đã bị thay thế bằng khoai , sắn hay bo bo. Rồi những thứ ấy cũng chẳng đủ nên nhiều nhà đã biết cái đói là gì.

 Riêng tôi thì chưa đến nỗi. Buổi sáng sớm, lúc ngồi ở phòng ngoài để soạn sách vở đi dạy học, tôi còn được gặm một ổ bánh mì không . Chợt có hôm đang gặm bánh thì thấy xuất hiện một đứa nhỏ con nhà hàng xóm cứ đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Tưởng nỏ chỉ tò mò tọc mạch nên tôi không để ‎ y . Nhưng hôm sau lại thấy nó xuất hiện . Bộ mặt vêu vao thân hình còm cõi , cặp mắt chỉ chăm chú nhìn tôi với vẻ thèm thuồng .Tôi chợt nghĩ ra rằng con bé hẳn là đang đói. Tôi liền bẻ cho nó mẩu bánh đang cầm. Nó vội chộp lấy mà ăn ngấu nghiến.

 Như thế, chuyện dân đói không chỉ còn là những lời bôi bác chế độ một cách vu vơ. Trong dân gian đã xuất hiện những câu vè ta thán :

 Ông Đồng , ông Dun, ông Chinh

 Vì ba ông ấy dân mình lầm than.

 Tệ hại nhất là chính sách Kinh tế dưới thời Đỗ Mười, nghe nói ông ta hồi xưa ít học, chỉ làm nghề thiến heo, năm 1977 leo lên tới chức Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế lại kiêm nhiệm chức Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách Cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam. Dân mới có câu vè rằng:

 Thiến heo lại giữ lắm quyền

 Trách gì dân chúng đảo điên thế này !! .

 Trong nhân dân, chuyện họp hành là như thế. Còn các giáo viên trong nhà trường thì chuyện họp hành của chúng tôi còn gay go hơn nhiều. Nhẩm tính trong tuần, tôi thấy đã phải tham dự nhiều buổi họp: Họp Ban Giám Hiệu, họp Giáo Viên Chủ Nhiệm, họp Tổ Chuyên Môn, họp Tổ Lao Động, họp Công Đoàn trường (chủ yếu là bàn chuyện phân phối nhu yếu phẩm), lại thỉnh thoảng phải đi dự những buổi họp đột xuất mỗi khi ở Ban, Ngành nào đó có nhu cầu.

 Cả năm trời đã rệu rã cả người vì những phiên họp như thế, nhưng đến kỳ nghỉ hè thì các thầy, cô lại còn phải dành ra một tháng liền để tập trung Học tập Chính trị toàn Thành phố. Vậy là toi một tháng hè để bị o ép nữa ?

 Có nhiều nơi được dùng làm địa điểm học tập, như trường Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi thị Xuân, trường Tabert ở Lê Thánh Tôn, trường Bồ Đề ở chợ Cầu ông Lãnh, trường Trưng Vương ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Sở Thú...v..v..Cứ chiếu theo bản thông cáo, giáo viên trường nào tập trung ở đâu thì kéo nhau tới trình diện ở đó . Trong suốt thời gian học tập, ngày hai buổi, sáng từ 8 giờ đến trưa. Chiều từ 2 giờ đến lúc nắng xế. Ai nhà ở xa thì lấy sân trường làm nơi nghỉ trưa, chứ đạp xe đi, về lúc trời nắng gắt vừa mệt nhọc vừa hại lốp xe mà khi đó, cái lốp xe cũng quý như vàng. Ở Tổ Chuyên môn của tôi, một năm mới được bán rẻ cho 1 cái lốp xe đạp. Toàn tổ phải bốc thăm coi ai "trúng số . Chúng tôi cũng chẳng vì thế mà kêu ca. Vì dân chúng Hà nội xem ra còn khổ hơn nhiều. Thằng Tủu đã có lần nói :

 - Ngoài đó thiếu gì cảnh " Đi xe độn báo, mặc áo chuyên gia " !

 Và nó giảng giải: lốp xe vá mãi thì banh nát ra phải lấy báo độn vòng quanh rồi cột dây lại. Còn áo "chuyên gia" hiểu là "chuyên da", tức là áo rách bươm hở cả da thịt ra ngoài. Rút cục, tôi vẫn thường tự nhủ : ăn bo bo, xếp hàng cả ngày thì cũng được đi, vì đất nước nào sau chiến tranh đời sống chẳng khổ cực, nhưng vấn đề là ở chỗ ăn độn xếp hàng trong bao lâu ? Chứ nếu cứ theo cung cách điều hành đất nước kiểu này thì dân chúng còn cực khổ dài dài, không biết đến bao giờ mới chấm dứt cái thời kỳ "quá độ “ khốn khổ này để được sống trong cái xã hội XHCN, một thứ thiên đường nghe vô cùng tốt đẹp mà kể từ ngày thành lập chính quyền mới, cán bộ cũng như các cơ sở truyền thông cứ ra rả tuyên truyền về nó.


Trong việc học tập toàn Thành, các giáo viên cũng được chia thành nhiều Tổ. Mỗi Tổ khoảng 20 người, gồm giáo viên cùng trường chen lẫn với các giáo viên trường khác. Việc ăn nói phát biểu trong sinh hoạt Tổ vì thế cũng phải dè dặt hơn. Ai mà biết được lúc nào thì bị báo cáo về tác phong học tập hay lập trường chính trị chao đảo của mình. Thôi thì cứ chiếu theo tài liệu, sách vở mà phát ngôn. Ai không nhớ câu nào, ý nào thì cứ vừa nêu ý kiến vừa giở giấy ra đọc. Thế cũng còn được đánh giá là có tinh thần tích cực, còn hơn nhiều vị chẳng hiểu mô tê gì hay chẳng muốn hiểu thì cứ làm bộ ngồi lì. Mà càng ngồi, không nghe, không chi chép thì lại càng dễ buồn ngủ. Mà đã buồn ngủ lại phải nghe mấy ông thuyết trình viên lải nhải thì giấc ngủ ùa đến còn dễ dàng hơn. Cho nên ở quanh chỗ tôi ngồi, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một thầy hay một cô ngủ gục. Cũng được đi, nhưng đừng có ngáy.

 

Ngủ mà ngáy thì không ai bao che được, cho nên đôi khi phải huých cùi chỏ vào mạng sườn đương sự để đánh thức. Lại cũng có khi có vị ngủ say thế nào mà đổ nhào sang cả người ngồi bên cạnh, khi choàng tỉnh dậy mới hay biết. May mà hội trường quá đông đúc chất chứa tới bốn, năm trăm người, trên bục giảng thì giảng viên cứ thao thao bất tuyệt, nên dưới "xóm nhà lá" nếu có xảy ra chuyện gì thì cũng chẳng ai quan tâm.

 

Cái tệ trạng này hẳn Ban tổ chức khóa học cũng hay biết, nhưng cũng phải coi là chuyện chẳng đặng đừng. Bởi vì chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi vì phải ôm đồm quá nhiều công tác, đã thế việc ăn uống bồi dưỡng sức khỏe lại cứ ngày càng tồi tệ đi.

 

Hồi tham dự khóa học tại trường Bồ Đề ở cạnh chợ Cầu ông Lãnh, tôi còn nhớ buổi chiều cứ tan ra là các thầy cô xúm lại hàng bán hạt ngô tẽ, cứ 1 đồng thì người bán xúc đầy 1 lon sữa bò. Người nào cũng mua vài ba lon để dùng cho bữa chiều hay ngày hôm sau. Hạt ngô đem về luộc lại ăn thay cơm hoặc nhà còn gạo thì thồi cơm trộn với ngô. Như thế cũng còn sang hơn là ăn bo bo là thứ vừa khó nhai lại trở ngại trong vấn đề tiêu hóa. Trong tình cảnh ấy mấy ai còn đủ sáng suốt để mà nghe thuyết trình viên dài dòng về những thứ trên trời dưới đất, nào là “ quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản từ cuộc cách mạng Dân chủ Nhân dân chuyển qua Cách mạng xã hội Chủ nghĩa , nào là "Cuộc đấu tranh giai cấp của chúng ta là đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn, kết hợp cải tạo với xây dựng mà xây dựng là chủ yếu “ nào là "Chuyên chính vô sản tức là cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ nhằm xóa bỏ giai cấp bóc lột. xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để mọi thành viên trong xã hội làm chủ tập thể, làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình " ....v...v....”

 

Đố ai trong những ngày hè nóng như đổ lửa mà phải ngồi trong một hội trường đông nghẹt những người, chỉ có mấy cái quạt trần uể oải quay chậm, rồi lại phải nghe ngần ấy thứ vớ vẩn trong nhiều tiếng đồng hồ mà không thấy nhức đầu, không buồn ngủ thì phải được phong lên làm Thánh.

 

Mà như thế cũng vẫn chưa xong đâu. Điều ngán ngẩm nhất mà ai cũng phải trải qua là sau mỗi bài giảng, các thầy cô còn phải chia Tổ thảo luận rồi về nhà viết thu hoạch" để hôm sau nộp cho ban Tổ Chức khóa học nữa.

 

"Thu hoạch" ! Nhà nông mà tới lúc này thì hằn ai cũng tràn đầy vui vẻ. Nhưng lũ giáo viên chúng tôi thì lại cho đây là một khoản mà mọi người ai cũng ngán nhất, đặc biệt là các cô giáo miền Nam cũ. Vào thời điểm này, tôi thấy các cô có vẻ thân thiết với nhau hơn là ngày xưa. Hình như những khắt khe của thời thế đã trở thành chất keo gắn bó họ lại với nhau hơn.

 

Họ chia với nhau từng nắm xôi, tấm bánh, chỉ bảo tận tình cho nhau về cách xài miếng thịt, con cá khi lãnh ở trường về, nh chiên xào cách nào cho có lợi nhất, hoặc là cung cách tận dụng những miếng mỡ hiếm hoi tách ra từ lạng thịt. Họ như đang cùng với nhau đi trên một quãng đường đời xa lạ, lại có chung một hoàn cảnh là phải mang gánh nặng gia đình khi chồng không có mặt hoặc vì thất lạc lúc di tản hoặc đang bị giam cầm đâu đó trong nhà tù cải tạo. Những nỗi nhọc nhằn mà họ đang phải chịu đựng khiến mặt họ trở nên khó đăm đăm, mà lại hay lãng trí, đang nói chuyện với người đối diện mà đầu óc cứ để đi đâu, nhiều khi cứ ngớ ra không biết mình đang bàn luận về câu chuyện gì. Ấy thế mà khi túm năm, tụm ba ở riêng một chỗ thì họ lại cười đùa rả rích về những chuyện khôi hài, ngớ ngẩn trong nếp sống bây giờ. Thì ra cái cốt cách hồn nhiên, tươi trẻ của họ ngày xưa vẫn không bị thời thế làm cho tàn lụi đi. Chúng chỉ lặn sâu vào bên trong tiềm thức của mỗi người.

 

Nói cho đúng ra, "thu hoạch" chỉ là một bài viết theo đúng cung cách của một con vẹt. Con vẹt khi nói thì nó đâu có nghĩ gì. Nhưng chủ của nó lại rất thích. Các nhà lãnh đạo bây giờ cũng cùng chung cái tâm lý đó. Đọc một bài 'thu hoạch", họ biết thừa là giả dối, nhưng vẫn mang ra bình phẩm với nhau để cùng gật gù thỏa mãn. Nói cho ngay, chính họ cũng đang giả dối với nhau đấy. Đâu có vị nào dám bầy tỏ ý -kiến là thôi vứt quách cái chuyện viết thu hoạch đi cho rồi, bọn chúng nó chỉ nói vuốt đuôi đấy thôi.

 

Thì ra từ kẻ có quyền xuống tới bàn dân thiên hạ, ai ai cũng đều sống giả dối hết, mà lạ thay, họ lại cùng nhận biết ở nhau là đã giả dối, vậy mà đời sống vẫn cứ tiếp diễn năm này qua năm khác y nhu thế thì mới là kỳ chứ !

 

Tuy nhiên, nói cho cùng thì chuyện viết thu hoạch không hẳn là hoàn toàn không có tác dụng gì. Nó là thước đo sự chống đối của chế độ. Trong hàng ngàn bài viết chất cao thành từng đống, sẽ có một vài bài được đặc biệt moi ra để xăm xoi từng chữ. Đó là bài viết của một số người đã có tên trong danh sách bị nghi ngờ là có đầu óc phản động hay chống đối. Tất nhiên họ sẽ chẳng kiếm được âm mưu gì trong những trang giấy vô tri đó. Nó chỉ chứa toàn những lời lẽ đầu môi chót lưỡi. Cũng chẳng sao, nội dung cứ bẻo lẻo, giả dối đi, nhưng ít ra nó cũng là dấu hiệu của sự phục tùng. Kẻ không phục tùng đời nào chịu viết những lời như thế. Vậy ít ra nó cũng làm thỏa mãn lòng tự ái của những kẻ đang cầm quyền.

 

Có điều là trong hàng ngũ giáo viên, nào có ai tự nghĩ mình không phải là thành phần đang bị theo dõi, ngoại trừ thầy, cô nào có thân nhân là cán bộ từ miền Bắc vô Nam tăng cường công tác. Số này cũng có, nhưng không nhiều. Phần còn lại, hầu như ai cũng có cảm giác như đang có lưỡi gươm lơ lửng trên đầu. Nhà giầu là có tội. Chân tay mũm mĩm không dấu vết chai sạn vì lao động cực nhọc cũng mang mặc cảm là lớp người đi bóc lột. Ngày trước, nếu giao du quen biết với những giới có chức, có quyền thì cũng ngán ngẩm không biết khi nào bị moi ra để bị buộc vào tội đã dính líu đến một vụ việc vu vơ nào đó. Đặc biệt là các bà có chồng đang đi học tập cải tạo thì hầu như đã sống trong sự nhủi chui, dè dặt, chi mong đừng có ai để ý tới mình. Như trường hợp cô Hường ở trường tôi, tôi biết khá rõ. Từ nhiều năm trước, cô cũng là một đồng nghiệp của tôi, chuyên dạy môn Nữ Công, Gia Chánh. Về trình độ học vấn thì cô có vẻ như chỉ qua một hai năm đầu bậc trung học, nhưng về nữ công, gia chánh thì cô lại rất giỏi. Vì thế cô vẫn được tuyển dụng để dạy cắt may, nấu nướng cho nhiều lớp trong toàn trường. Sau tháng T -1975, chồng cô là sĩ quan cấp Tá phải đi học tập cải tạo. Cô ở nhà chèo chống lo nuôi một bầy con nhỏ. Ngày xưa cô khá đẹp, lúc nào cũng thuần nhã từ cung cách ăn nói cho đến cử chỉ giao tiếp bên ngoài. Nhưng nay thì khó tìm ra được nhân vật cũ trong con người của cô bây giờ. Chiếc áo dài xưa không còn nữa. Quanh năm chỉ thấy cô bận chiếc áo cánh nâu, chiếc quần thâm vải dầy và vai lúc nào cũng khoác một cái bị mang đầy ống chỉ, vai thêu, mẫu thêu và những cuốn sổ ghi chép. Rất ít khi thấy cô mỉm cười, nụ cười với hai bên má lúm đồng tiền ngày xa nay tắt ngủm trên đôi vành môi khô héo không được thoa son. Đôi mắt trong veo của cô bây giờ đã thấy vẩn đục. Nó thấp thoáng một vẻ phập phồng, e ngại như lúc nào cũng chờ đợi chuyện bất trắc xây ra cho mình. Sau này tôi mới hiểu lý do tại sao cô lại cứ phơi mang cái tâm trạng bất an ấy. Bởi vì ngoài chuyện dạy may cắt trong trường, cô còn lo chạy hàng xách kiếm tiến nuôi con. Mà nói cho đúng ra, chuyện buôn bán của cô chẳng có gì to tát. Bà cán bộ này cần mua cái quạt máy, ông cán bộ kia đang kiếm dàn loa hay cải tủ lạnh. Cô chỉ lâ người trung gian móc nổi người mua, kẻ bán kiếm lời. Trong nhà của cô tuyệt đối không chứa chấp một món hàng gì. Khách hàng lại cũng không ở cùng phường, cùng xóm. Mối lái mà cô có được là nhờ bạn bè quen biết rỉ tai mách giùm.

 

Nhưng trong cương vị "một giáo viên nhân dân", cô đã thấy mình đang làm chuyện tầy trời. Đã là nhà giáo thì phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối nhà nước không được móc ngoặc, không được buôn bán chợ đen chợ trời, phải phát huy tác phong của con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa, một người vì mọi người, mọi người vì một người..v..v. . .Nghĩa là đủ thứ trách nhiệm đè lên đôi vai của nhà giáo. Nhưng nếu không dấn thân vào chuyện kiếm chác thêm thì con cái đói. Đó là cái điều mà cô thấy tâm trạng của mình lúc nào cũng bất ổn.

Phải dài dòng như vậy là để thấy cô đã lo lắng như thế nào khi phải viết thu hoạch sau mỗi bải thuyết trình của giảng viên. Một lần tan học, cô nán chờ tôi tại chỗ để xe trong sân trường. Cô rụt rè nói:

- Viết thu hoạch khó quá, thầy ơi !

Tôi nhìn quanh rồi mỉm cười :

- Họ không đọc bài của cô đâu. Cứ chép đại một đoạn nào đó trong tài liệu rồi đem nộp là xong rồi.

Cô dãy nẩy :

- Không được đâu ! Nhỡ bị phát hiện, nó lôi ra thì khốn.

- Tôi thấy khối người làm thế. Có sao đâu. Họ đâu rỗi hơi ngồi đọc cả ngàn bài. Chỉ lọc ra những tên tuổi bị nghi là có vấn đề thôi.

- Thôi, thầy giúp tôi đi ! .

Tôi nhìn lại cô một lần nữa. Hình ảnh tiều tuỵ, phu nhân một Thiếu tá đang phải đi học tập cải tạo khiến tôi ngậm ngùi. Nhất là nhìn vẻ mặt của cô, cứ như đang mang một vẻ thất thần của một kẻ chơi vơi giữa dòng trông tìm một cái phao đề níu kéo. Tôi đành chép miệng :

- Thôi được. Tôi sẽ xào nấu bài của tôi rồi để cô chép lại. Đừng có lo lắng quá.

Bất giác cô nhoẻn một nụ cười. Tôi hình dung ra được vài nét tươi trẻ ngày xưa của cô trong nụ cười ấy. Thế là kể từ hôm ấy, cứ độ vài hôm, vào khoảng chiều tối, cô lại tạt qua nhà tôi để lắy bản nháp thu hoạch mang về chép lại. Mà tôi thì cũng chẳng mất công gì nhiều. Cái dàn bài "thu hoạch" mà tôi tự thảo ra đã nằm sẵn trong đầu. Như khởi đầu thì phải nhắc qua mục đích, yêu cầu của bài mà giảng viên đã trình bầy, rồi tóm tắt nội dung bài ấy trong vài câu, nếu cần thì trích nguyên con vài đoạn. Rồi phịa ra vài câu đánh giá mức độ tiếp thu của mình. Sau cùng là liên hệ bản thân rằng "sẽ phấn đấu trong công tác để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của người giáo viên dưới mái nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa". Tất cả cứ tròm trèm 2 trang viết tay khổ giấy đôi là ổn thỏa. Trong suốt khóa học kéo dài 30 ngày, mọi sự cứ thế trôi qua. Nhưng tôi lại không hay rằng mấy bài thu hoạch viết giùm một cách sơ sài như vậy lại được mấy bà, mấy cô cùng trường truyền tay nhau đem ra xào nấu lại.

Một cô giáo trong Tổ chuyên môn ghé vào tai tôi thì thào:

- Họ phong thầy làm "họa sĩ '. Chuyên vẽ giáo án, vẽ biên bản, vẽ thu hoạch. . . .

Tôi hoảng hồn: '

- Bảo họ kín mồm không thì chết tui !

Cô ta cười ngỏn ngoẻn :

- Thầy yên chí đi. Có chết thì chết cả nút chứ đâu riêng gì thầy.

Hóa ra, thỉnh thoảng khi tới trường tôi được người này giúi cho gói xôi, người kia thanh kẹo lạc, đó cũng là nhờ các kiểu vẽ vời ấy của tôi. Tôi không cho những thử quà vặt vãnh đó là những món hối lộ. Tôi chỉ nghĩ rằng đấy là sự biểu lộ tình cảm của những kẻ đồng hội đồng thuyền. Mà điều này thì lại rất quý trong thời buổi này. Nó sẽ xóa tan đi những mối nghi kỵ, dè bỉu lẫn nhau giữa những con người đang cùng phải chống chọi với đủ mọi thứ khó khăn trong đời sống. Nhất là xóa đi được cái sự chụp lên nhau cái mũ của kẻ hèn nhát, giẫm đạp lên nỗi đau của đồng nghiệp để mưu cầu sự bình an cho riêng mình . Những ngày dạy học ở miền Nam xưa, có bao giờ chúng tôi lại phải đối diện với những tâm tình kiểu ấy ! !

9.



VẬT VÃ THEO HỌC KỲ

Vẫn theo như cung cách từ xưa, nhà trường bây giờ cũng chia mỗi niên học thành hai học kỳ, nhưng gọi là Học Kỳ 1 và Học Kỳ 2 thay vì tên cũ là Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt. ở cuối mỗi học kỳ, học sinh các lớp cũng phải làm bài thi cho tất cả các bộ môn để lấy điểm trung bình toàn năm, sau đó sẽ được xét cho lên lớp hay phải học lại.

Ngày trước, việc ra bài, chấm bài của các học sinh thi hai Lục Cá Nguyệt đều do các thầy cô đảm trách, nhà trường không lý tới. Miễn là có thi, có chấm bài và giao bảng điếm cho vị Giám thị là xong việc. Còn bây giờ, tuy tính cách của kỳ thi thì vẫn thế, nhưng nỏ lại được rầm rộ thổi phồng lên, nào họp hành, nào thông cáo, nào quy trình nào ôn tập, nào phụ đạo . . .cứ rối tinh lên, tạo nên một bầu không khí khẩn trương đối với cả thầy lẫn trò. Nhưng cũng vì thế mà nó cũng làm tăng thêm ấn tượng tốt đẹp của mọi người về sự quan tâm hết mức của Ban Giám Hiệu đối với học sinh.

Cho nên, cả tháng trước khi tới ngày thi, các thầy các cô đã đôn đáo hết buổi họp này đến buổi họp khác. Họ phải trình lên ban Giám Hiệu kế hoạch ôn tập trước khi thi, kế hoạch dạy thêm giờ phụ đạo cho các học sinh kém, rồi lại phải mở tung sổ điểm các tháng trước đó để lấy điểm trung bình trên các bài vở của học sinh. Sau đó là lập bảng phân loại, đứa nào thuộc con em chế độ cũ, đứa nào ở A vào hay ở Rừng ra, điểm trung bình nửa năm học của mỗi đứa bao nhiêu để dựa theo đó mà phân biệt: loại giỏi, loại trung bình, loại kém.

Những đứa còn kém thì lên lịch dạy "phụ đạo". Những đứa từ miền Bắc tức ở A vào, mà lại thuộc loại kém thì phải lập danh sách riêng để Ban Giám Hiệu tính toán việc nâng điềm sao cho kết quả kỳ thi nom đừng tệ hại quá. Và nhất là việc xét điểm lên lớp thì tuyệt đối không thể có đứa nào ở A vô mà bị tụt lại. Trong giờ ôn tập, thầy cô phải soạn trước các đề thi thử để cho học trò làm quen với các câu hỏi trong đề. Rồi ở mỗi câu hỏi, người soạn cũng phải viết đầy đủ đáp án đi kèm để Ban Giám Hiệu xem xét, đánh giá hoặc uốn nắn sao cho câu hỏi phù hợp với trình độ học sinh cũng như đáp ứng nhu cầu về lập trường chính trị.

Lắm lúc bị nhồi vào đầu nhiều thứ việc quá, một anh bạn đồng nghiệp của tôi bỗng nổi cáu, văng tục :

- Thi Học kỳ trình độ phổ thông cơ sở chứ có phải Cử nhân, Tiến sĩ ớ. đâu mà cứ ngậu sị cả lên.

Một cô giáo đáp lại:

 -Chẳng Cử nhân, Tiến sĩ gì nhưng nghe nói có đại diện Phòng Giáo Dục Quận xuống thanh tra các buổi thi nên ông Hiệu trưởng nhà ta mới ngậu sị lên thế.

Người văng tục lúc nãy lại lên tiếng hậm hực :

- Mấy thằng Quận thì biết cái đếch gì mà thanh tra.

Rồi anh kể :

 - Bữa nọ một tay ở đó xuống đây. cắp đít đi đi lại lại trên hành lang, vừa lúc tôi xớ rớ đi qua nên tôi mới bị kêu lại hỏi là: "Thầy dạy môn gì?" Tôi đáp tôi dạy môn Lý, cấp 2. Hắn lại hởi:

- "Chư ơng trình Thầy dạy tới đâu rồi, có bị trễ tiết nào không ?”

Tôi đáp là tôi theo đúng giáo án. Trong giảo án có ghi cả ngày dạy, lẫn đề bài. Đó là bài "ảnh thật và ảnh áo trong Thấu kính Hội tự'. Xin cứ mở ra coi .

Đến đây anh cười hề hề:

 - Chắc hắn nghe thấy tiếng . .tụ. . .tụ .. nên hắn giật mình tưởng tôi nói bóng gió lãnh tụ gì đó bèn nghiêm mặt mà nói: thầy nói cái gì ? Ảnh nào chả là ảnh, sao lại có chuyện thực với ảo ở đây?"

 Mọi người cứ ré lên cười, sau lại có người hỏi :

- Rồi thầy trả lời ra làm sao ?

- Ông nội tôi ơi ? Lại còn phải trả lời nữa kia à ?

Tôi thì tôi ngả ngay cái nón ra, vái hắn ta một vái rồi tìm cớ chuồn một mạch !

Những mẩu đối đáp như thế cũng làm cho chúng tôi quên mệt và thì giờ qua mau. .

Nhưng công việc thì chẳng vơi thêm chút nào. Trong những lúc thảo luận hào hứng, Ban Giám Hiệu nhà trường lại còn chấp thuận cho Chi Đoàn được phát động phong trào thúc đẩy học sinh tham gia cuộc thi "Đố Vui Để Học" dành cho các lớp Cấp 2. Đây là sáng kiến của mấy Thầy trong Chi hội Nhà Giáo Yêu Nước “cọp giê" nguyên văn chương trình "Đố Vui Để Học" của đài truyền hình số 9 VNCH mà người sáng tạo ra nó là anh Đinh Ngọc Mô, người đã sớm qua đời mấy năm trước đây.

Dĩ nhiên hình thức học tập nào hay ho, có ích lợi cho việc học của học trò thì rất nên phục hồi và gìn giữ." Ông Hiệu trưởng đã nói thế và chỉ tiếc là ông chỉ tuyên bố câu nói ấy trong có mỗi dịp này. Tổ chức một cuộc thi Đố Vui, nghe thì đơn giản, nhưng cũng nảy nòi ra đủ thứ linh tinh. Trước hết là về việc soạn câu hỏi cho các thí sinh dự thi. Ông Hiệu trưởng đã ra rất nhiều chỉ thị theo kiểu dặn dò về việc này. Nào các thầy cô phải bám sát lập trường chính trị, phải theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước cũng như quy chế của ngành giáo dục. Rồi nội dung các câu hỏi cũng phải có tính cách nâng cao tinh thần giác ngộ cách mạng, phù hợp với trình độ kiến thức của học sinh, và không ra ngoài phạm vi sách vở đã được Bộ Giáo Dục chuẩn y ...vân vân và vân vân..

Khi ngồi soạn những câu hỏi sao cho phù hợp với các yêu cầu đó hẳn cũng đã có nhiều thầy cô oán thán mấy ông trong Chi hội Nhà Giáo Yêu Nước lắm. Trong khi mọi sự cũng đã rối bời lại cử đẻ thêm chuyện để làm gì không biết nữa. Một vị chợt lên tiếng an ủi và giải thích:

- Mình bận thì các cha ấy cũng bận theo, chứ có ngồi không chỉ tay năm ngón đâu. Nhưng họ đang phấn đấu đế được vào biên chế đấy. Lương đang ba chục lên ngay sáu chục, mấy hồi.

Ôi ? Cái vụ Biên Chế này mới chính là mối quan tâm của các thầy cô. Bởi nó là đầu mối chấm dứt giai đoạn "tạm dung". được biên chế là được chính thức công nhận vào hàng ngũ của các nhà giáo trong nhà trường XHCN. Chẳng thế mà trong trường đã có tiếng xì xào bàn tán với nhau, kỳ này những ai thuộc diện biên chế, những ai đang được xem xét, chưa quyết định xong. Người có tin sắp được biên chế thì lại phấp phỏng không biết sẽ ở bậc lương mấy chục đồng. Đang ba chục mà lên bốn chục, bốn mươi lăm thì chẳng ăn nhằm gì. Giá lên được bậc năm mươi, sáu mươi thì tốt hơn. Nhưng có người lại tỏ ra thành thạo phát biểu :

 - Làm gì ra có chuyện "sáu mươi" ! "Năm mươi ' hai" là hết cỡ. Bên mấy trường kia đã như thế rồi.

Thế là lại có tiếng chép miệng :

- Thôi mấy thì mấy, miễn là cứ biên chế cho chắc ăn cái đã ?
Phải trình bầy sơ qua như vậy để ta thấy các thầy cô quan tâm việc biên chế tới mức nào. Bởi vào "biên chế' tức là vừa được lên lương, lại vừa chính thức được Bộ Giáo Dục tuyển mộ vào hàng ngũ các nhà giáo. Người chưa được biên chế thì chỉ là chân tạm bợ, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Mà khi bị sa thải thì Phường Khóm tới nhà mời đi Kinh Tế Mới mấy hồi.

Cho nên, trong những sinh hoạt ngấm ngầm ở trường, ngoài chuyện xì xào về kỳ này ai được biên chế, ai chưa được xét tới, lại còn xuất hiện tình trạng phấn đấu , để được vào biên chế. Hai chữ “phấn đấu' vào thời kỳ này quả là ẩn tàng nhiều ý nghĩa. Nó chất chứa nhiều sự việc, mang nhiều hình thái, chứa đựng nhiều mánh khóe, lắm mưu mô và tất nhiên sẽ phát sinh nhiều bi kịch có thể nhớ đời. Cho nên sẽ không có gì là khó hiếu khi nhu cầu biên chế làm nẩy sinh tệ nạn. Vài vị khả kính có thể đã lén lút gặp cán bộ, xầm xì báo cáo việc này việc kia. Nhưng đa số thì biểu lộ bằng hình thức bớt tệ hại hơn, tức là chỉ cứ cong cổ, gồng sức lên làm việc để "trên" nhìn thấy trình độ giác ngộ cách mạng của mình . Như vậy, trách làm chi mấy vị bên Chi Hội Nhà Giáo Yêu Nước đẻ chuyện, gây rối cho bà con. Họ cũng cần biên chế như ai vậy, vì nếu không cần thì họ đâu có vội chui vào cái Chi Hội mang tên là Nhà Giáo Yêu Nước này !

Được cái là đối với các giáo viên thuộc bộ môn Khoa học như Toán, Sinh Vật, Vật Lý, Hóa Học . . .thì việc soạn câu hỏi cho các cuộc thi Đố Vui Để Học tương đối là dễ. Kiểu như :

- Bộ phận hô hấp của con cá là gì ? " (đáp án : Là Mang con cá, dùng đế trao đổi không khí).

- Muốn 1 gam nước đang sôi bốc thành hơi thì phải cần thêm bao nhiêu nhiệt ?" (đáp án: 539 calo)

- Hóa trị của Nhôm, và cho biết hóa trị gam của nó ?"( đáp án : Hóa trị của Nhôm là 3- Hóa trị gam của nó là :A/n-27/3=9) .

Cứ theo cái kiểu câu hỏi và đáp án như thế thì người soạn chẳng phải lo toan gì đến chuyện đường lối, chính sách hay lập trường chinh trị gì cả.

Nhưng với môn Văn hay môn Sử thì có khác đấy! Tôi đã thấy các giáo viên thuộc hai Tổ ấy cứ đôn đáo chạy tới chạy lui hói nhau, trao đổi từng câu, từng chữ để hoàn tất các câu hỏi như :

- "Bác Hồ đi ra nước ngoài tại đâu, năm nào ?"

Họ cãi nhau ỏm tỏi vì cái đáp án. Người thì cho là ở Nhà máy Ba Son, người thì cho là bến Nhà Rồng. Sau phải hỏi anh Bí thư Chi đoàn thì mới được xác định là bến Nhà Rồng. Còn câu hỏi thì cũng không được nói đi ra nước ngoài trống không, mà phải sửa là đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước mới đầy đủ. Cho nên đáp án hoàn chỉnh sẽ phái là : "Bác đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước ở bến Nhà Rồng, năm 1911.

Mấy thầy soạn câu hỏi được một phen toát mồ hôi hột. Đúng là có đi hỏi thì vẫn có hơn, chứ nếu chỉ nói khơi khơi "Bác đi ra nước ngoài" không thôi, thì chả hóa ra Bác. . . . đi du lịch à ?

Tuy nhiên những câu hói không dính gì tới Bác Hồ thì xuông xẻ và mọi người cảm thấy yên tâm hơn. Thí dụ như :

- Đọc câu tiếp theo của câu thơ sau đây : "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ . . . " và cho biết tác giả là ai ? (đáp án : Câu tiếp theo là “ Mặt tròi chân lý chói qua tim" – tác giả là Tố Hữu)

- "Mặt trận Điện Biên Phủ trên không xảy ra ở đâu? năm nào ?" (đáp án: ở Hà Nội và Hải Phòng – năm 1 972) .

Ngoài kiến thức lấy từ bài học ra, Ban tổ chức cũng phải chêm vào những câu hỏi có tính cách khẩu hiệu, nghĩa là cần nhắc đi nhắc lại trong bất kỳ tình huống nào. Thí dụ như:

- Ai đã lãnh đạo nhân dân ta đánh bại hai Đế quốc sừng sỏ thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ ?(đáp án : Đó là Đảng CSVN quang vinh !). Phải nhớ dặn học trò là đừng quên hai chữ "quang vinh". Gặp những câu kiểu này thì vấn đề thắng-thua chỉ còn là thuộc toán nào nhanh tay bấm nút cho cái đèn bật sáng trưng !

Vì thế, việc bấm nút các toán viên dự thi cũng phải thực tập. Phải vừa nhanh tay, lại vừa chính xác, nghĩa là chộp xong được cái nút rồi thì phải nhấn mạnh tay để bảo đảm mạch điện được nối thì chuông mới kêu, đèn mới nháy. Vốn là những dụng cụ chỉ do chế biến, nên chuông, đèn không được nhậy lắm, mặc dù cũng phải kể đó là một công trình vận dụng óc sáng tạo của các Tổ viên Tổ Đồng Hồ. Vào thời điểm đó, lại chỉ là một trường trung học cấp Quận trong Thành Phố thì ai lấy đâu ra được những bộ phận tinh vi như đã từng có ở Đài truyền hình số 9 trước đây. Cho nên các Thầy đã sáng chế ra một hệ thống bấm nút cho các nhóm dự thi, mỗi nhóm 4 người bằng những cái chuông đồng hồ báo thức nối mạch với 4 cái bóng đèn, thông qua 4 cái nút chuông điện thường có ở cổng các ngôi biệt thự. Đồ tuy han gỉ, xộc xệch, nhưng được mài giũa, chùi rửa kỹ lưỡng thì cũng đủ xài. Chinh ông Hiệu trưởng trường tôi đã đích thân xuống xem xét cái hệ thống nhấn chuông dự thi này. Ông xăm xoi từng mạch điện, ngắm nghía từng cái đồng hồ còn có khả năng reng chuông, rồi lại thử bấm đi bấm lại nhiều lần từng cái nút nhấn. Mà lần bấm nào thì đèn cũng nháy nháy, chuông cũng kêu reng reng, làm ông toét miệng ra cười. Xem ra ông rất hài lòng mà cũng khâm phục lắm ? Đây là một sự kiện hiếm thấy ờ nơi ông khi ông công khai bầy tỏ các thầy giáo ở miền Nam cũng có nhiều khả năng và kiến thức.

Cuộc thi Đố Vui Để Học đã diễn ra rất xuông xẻ. Trong hội trường, tiếng vỗ tay cổ võ, tiếng la hét biểu lộ sự vui mừng chen lẫn với tiếng chuông kêu rèn rét, rèn rét . Sau khi mỗi câu hỏi được đọc lên làm bầu không khí trở nên rất vui nhộn. Thật hiếm khi nào mà Ban Tổ chức và người tới tham dự lại cùng chia sẻ với nhau niềm vui một cách chân tình như thế. Mấy vị cán bộ ở Phòng Giáo Dục trên Quận cũng xuống tham quan, khen ngợi, lại còn hứa viết phúc trình lên Thành ủy để xin "nhân" cái hình thức tổ chức này ra tới nhiều trường khác nữa. Mặt mũi ông Hiệu Trưởng vì thế cứ tươi rói, và đây cũng là một điều rất họa hoằn, ít khi ông chịu biểu lộ ra. Các Toán dự thi tất nhiên là được ban thưởng. Ở Toán thắng giải, mỗi người đều được một tờ giấy khen. Hai Toàn Nhất và Nhì lại có thêm một gói to tướng, bao giấy bóng kính đỏ chói, bên trong có đủ thứ để mang về chia nhau nữa. Một cô giáo tò mò hỏi cô bạn trong Ban Tiếp Liệu :

- Các gói ấy có gì bên trong thế ?

Cô bạn nhẩn nha trả lời :

- Bút chì, tập vở, sổ ghi, kẹo cứng, . . . cả mì gói nữa ?

- Vậy Nhất, Nhì như nhau à ?

- Đâu có ! Giải Nhất còn thêm bột ngọt.

- Úi cha ! Có cả bột ngọt thì ngon quá cỡ rồi !

 ***


Tới hôm tổng kết điểm thi của học trò tại Tổ Chủ Nhiệm Lớp, một cô giáo nói rụt rè:

- Lớp em chỉ có trên 60% đạt điểm trung bình. Còn thì toàn điểm 4 với điểm 3 thôi.

Một vị khác nói:

- Thế còn ngon chán. Cái lớp của tôi có đến hơn 10 tên thuộc loại cá biệt, chúng nó tạo ảnh hưởng xấu trong việc học nên chi có trên 30% là đủ điểm lên lớp thôi.

Có người kêu lên:

- Chết ! Như thế thì 'vớt" làm sao ?

Tôi mỉm cười :

- Đừng có lo. Cứ theo chỉ thị của Ban Giám Hiệu mà làm.

Một cô chép miệng:

- Tình huống này thì phải nâng điểm đến cả nửa lớp mất thôi.

Những băn khoăn thắc mắc của mọi người chỉ kéo dài có vài hôm. Qua tuần lễ được coi là kỳ hạn các giáo viên phải nộp bảng tổng kết sĩ số học trò được lên lớp, thì ngay đầu tuần, tôi được gọi lên văn phòng Ban Giám Hiệu để gặp ông Hiệu Trưởng cùng bà Hiệu Phó. Bà Phó lên tiếng trước :

- Tình hình các lớp của thầy tới đâu rồi. Đã có bảng tổng kết chưa ?

Tôi đáp:

- Về điểm chính thức thì chúng tôi đã cộng xong hết rồi, nhưng chưa vào sổ vì còn chờ coi chủ trương của nhà trường lấy vớt là bao nhiêu ?

- Lớp mà thầy làm Chủ nhiệm có tỷ lệ bao nhiêu đứa được lên lớp ?

- Năm mươi lăm phần trăm.

Ông Hiệu Trưởng bây giờ mới lên tiếng :

- Sao ít thế ? Thầy dạy dỗ ra sao mà kết quả ra nông nỗi ấy ? Có giáo án đầy đủ không ? Có dạy phụ đạo không ? Trước ngày thi có ôn tập không ? Có nghỉ ốm ngày nào không ?”
Bị hỏi dồn một thôi một hồi, tôi chỉ nhún vai không trả lời. Hình như bà Phó lãnh công việc kiểm tra giáo án cũng như việc dạy dỗ của các giáo viên, nên bà biết tôi chẳng hề vi phạm một cải lỗi gì. Vì thế bà lại ôn tồn nói :

- Tình hình chính trị, xã hội bên ngoài chưa ổn định ắt có tác động vào việc học của học sinh nên mới ra nông nỗi ấy. Nhưng sĩ số học sinh bị tụt lại mà lên quá cao thì trường ta còn có cái uy tín gì, nhất lại vừa gây thành quả tốt đẹp sau cuộc thi Đố Vui Đề Học vừa rồi.

Ngưng một chút, bà nói tiếp :

- Cho nên trước tình hình này, tôi đề nghị ta không xét điểm trung bình nữa. Cứ ấn định xong tỷ số học sinh được lên lớp rồi theo đó mà đôn lên. Còn điểm học bạ ta sẽ điều chỉnh sau.

Tôi hỏi :

- Vậy là bỏ qua chuyện trình độ học sinh kém à ?

- Ừ ! Cái đó giải quyết bằng dạy phụ đạo sau.

- Vậy nhà trường ấn định tỷ lệ lên lớp là bao nhiêu?

Bà Phó hỏi ngược lại :

- Theo thầy thì ta nên bao nhiêu ?

Tôi trả lời :

- Dù có đôn những đứa dốt lên cũng chẳng giúp được gì cho chúng vì càng học sẽ càng đuối, có khi làm hại nó không chừng. Tôi vẫn nghĩ là nếu có vớt thì cũng vớt in ít thôi , tùy theo số điểm trung bình . . .

Bà Phó nghiêm giọng :

- Thôi khỏi bàn cãi nữa. Uy tín của nhà trường là điều cần thiết. Phô ra những con số lết bết thì đẹp mặt cả đám, kế cả các thầy. Mà trách nhiệm của các thầy là chính!

Ông Hiệu Trưởng lại xen vào. Giọng ông khàn khàn, ông nói như ra lệnh nhưng lại không muốn nói to để bên ngoài có thể nghe thấy :

- Thôi cho chúng nó lên lớp 95% đi. Trường ta đang ở diện tiên tiến, thế là hợp lý rồi.

Tôi như bị con số 95% ghim vào trong đầu khiến người thấy choáng váng và tôi đã phải nắm chặt lấy tay ghế để tự trằn tĩnh lại mình. Rồi tôi lại nghe thấy ông Hiệu Trưởng dặn dò thêm : .

- Thầy cứ về phổ biến lại trong Tổ của mình, nhưng cấm không được ghi con số ấy vào biên bản đó nghe !

Lúc trở về làm việc, nghĩ đến trình độ sa sút của học sinh do đủ thứ công tác mầu mè, rảnh rang trong suốt niên học lại được cho lên lớp tới 95%. Tôi bỗng nhận chân ra được thực chất nền giáo dục của cái xã hội mới này. Nó được che giấu bằng chủ trương “hồng” hơn “chuyên", có nghĩa là học dốt cũng được miễn là tinh thần phục vụ phải cao, lập trường chính trị phải vững, lý lịch cá nhân phải sạch, được Đoàn, được Đảng phê chuẩn về đạo đức cách mạng cá nhân. . .

Như thế thì tương lai của cái đất nước này sẽ ra cái gì, khi chỉ toàn một thứ dốt, lại thiển cận, cực đoan nắm giữ những địa vị then chốt lèo lái.

Một nỗi chán chường bỗng ùa tới khiến tôi mệt mỏi như muốn khuỵu xuống. Là người đã từng dạy học từ nhiều chục năm qua, lại cũng đã kinh qua nhiều lớp học có đủ loại học trò, lòng yêu nghề trong tôi chi có tăng chứ không hề giảm. Ấy thế mà trong giây phút này tôi bỗng thấy chán trường, chán lớp, chán cả việc dạy dỗ ngay cả với những đứa học trò rất thân mến của tôi. Cứ nh thể giờ đây tôi không phải là một ông Thầy đúng nghĩa nữa.

Tôi tự hỏi không lẽ ở đây, chung quanh toàn là bà con thân thiết hay xa cách lắm thì cũng là đồng bào ruột thịt, vậy mà lại không có một chỗ cho những người như mình ?

10.


 



Đò… cùng một chuyến !

Quá độ là qua đò ! Thời kỳ quá độ là thời kỳ đang qua đò, do đó phải chấp nhận gian khổ, chớ vội vã đòi hưởng thụ. Nếu hiểu là như thế, thì chuyến đò chúng tôi đang đi đã chất lên đủ mọi hạng người, bất kể thuộc chế độ cũ hay chế độ mới, tàn dư phản động hay cách mạng tiên tiến. . . Cái sự qua đò này có phân biệt đối xử với ai đâu?

Cho nên khi nhìn thấy mấy cô cán bộ lui cui lục tìm cái ấm đun nước, cái quạt để bàn hay cái bàn ủi ở chợ cóc ven đường, hoặc thấy mấy anh bộ đội lếch thếch vác cái khung xe đạp, tay còn đèo thêm vài ổ bánh mì hay con búp bê nhựa lòng tôi rất ngậm ngùi. Thân phận của họ cũng đâu có hơn gì mọi người trong này. Có khi còn tệ mạt hơn vì tôi đã được nghe kể lại nhiều chuyện khó tin mà có thật trong đời sống của dân chúng miền Bắc, lại ở ngay thủ đô Hà Nội chứ không phải xa xôi gì. Ở đó đã có thời con người sống quá chen chúc chật chội đến nỗi công viên về đêm trở thành nơi hú hí của nhiều đôi nam nữ. Chuyện đó thật ra là bình thường và nó chi trở thành bất bình thường khi một cặp đang làm tình bị công an bắt về đồn, lúc khai ra thì họ là hai vợ chồng vì nhà cửa quá chật chội đành phải lấy công viên làm ngôi nhà hạnh phúc. Những chuyện như thế, dân chúng miền Nam không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Cũng như nhiều người có dịp ra Hà Nội vào những năm cuối thập niên 70 đã không thể tưởng tượng được rằng, khi vào một tiệm cà phê, các chiếc muỗng để khuấy đều có móc xích gắn vào rìa bàn và bất cứ cái muỗng nào cũng đều bị đục cho thủng lỗ. Hỏi ra mới biết đó là cung cách nhà hàng đề phòng thực khách múc một lần quá nhiều đường hay thậm chí còn thủ cái muỗng cho vào túi áo, đem về xài. Như vậy, tôi như giảm thiểu được nhiều nỗi bực dọc trong lòng mỗi khi thiếu thốn. Thôi, tất cả thì cũng đồng hội, đồng thuyền như nhau cả.



 
Có lần tôi đem những ý nghĩ ấy ra trao đổi với vài bạn đồng nghiệp, người thì cho là cứ dễ tính như thế lại hóa hay, còn hơn là cứ hậm hực, kèn cựa với kẻ có chút lợi lộc hơn mình, vừa không ăn cái giải gì lại có khi mua vạ vào thân. Nhưng một anh bạn đồng nghiệp khác, khá thân thiết của tôi thì lại sâu độc hơn. Anh ta nghe xong thì cười nhếch mép đầy vẻ dè bỉu rồi phán :

- Đúng là lối suy nghĩ của kẻ thấp cơ ! Đã thua thiệt lại còn sĩ diện, muốn quơ lấy lẽ phải để che giấu sự yếu kém của mình.

Tôi cãi :

- Phải trái nỗi gì ? Đó ch ẳng qua chỉ là chấp nhận một sự thực.

Anh bạn hỏi lại :

- Vậy thì cái sự thực ấy của ông hình thù nó ra làm sao ? .

- Thì quá độ là qua đò đó ? Mới đang qua đò thì đời sống còn khó khăn, vất vả. Ai chẳng vậy. Mai mốt sang sông rồi hẳn sẽ khá hơn.

Thế là anh bạn đồng nghiệp của tôi lại ré lên cười . Cười đã, anh ấy mới nói tiếp :

- Ông mà cũng tin cái thứ đò nát sang sông ấy à ? Ái chà chà. . . thế thì quả thật những cái bánh vẽ kiểu này hãy còn có khối người tin. Mà nói cho ngay, ai cứng đầu không tin thì cứ dí súng vào lưng là cũng xong hết.

Tôi cãi lại:

- Lời hứa hẹn nào chả có tính cách của bánh vẽ. Nhưng hình ảnh "qua đò sang sông" nghe cũng hợp tình, hợp lý đấy chớ ! Đất nước vừa hết chiến tranh, đòi có ngay nhà máy với nông trường sao được.

- Đồng ý hoàn toàn ? Nhưng đánh tư sản, tịch thu hết nhà cửa, cơ xưởng của ngời ta rồi bắt đi kinh tế mới thì sẽ đẻ ra được nhà máy à ? Rồi chủ trương ngăn sông cấm chợ thì đẻ ra được các nông trường sao ? Ông ơi, ông nhá bo bo nhiều quá nên lú lẫn hết rồi !

Tôi ngẫm nghĩ câu nói của anh bạn rồi chợt mỉm cười :

- Cậu đúng, nhưng cũng sai một phần ?

Anh bạn ngớ người hỏi :

- Sai ? Sai chỗ nào, chỉ ra coi !

Tôi nói thủng thẳng :

- Đánh tư sản là đường lối của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Ngăn sông cấm chợ là lệnh của Đỗ Mười. Mấy ổng đâu có nhá bo bo ?

Thế là chúng tôi cùng cười xòa xí xóa, cảm thông chuyện tranh luận rồi quay qua bàn tán chuyện "ngăn sông cấm chợ".

Vào hồi đó để tiêu diệt mầm mống tư sản, lệnh ban ra là nhà nông không được tự ý đem bán sản phẩm của mình như thóc gạo, gà vịt, rau trái..v..v. . .mà phải để cho Nhà Nước thu mua, tất nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá cả ở ngoài thị trường. Dân thấy thiệt thòi nên phải lén lút chuyên chở ít gạo, ít thóc, vài kí thịt, dăm chục trứng hay con gà con vịt ra tỉnh bán.

Thế là hàng rào "ngăn sông, cấm chợ" gồm toàn những trạm kiểm soát được dựng lên, nhất là ở những vùng giáp ranh nông thôn với thành thị. Tại các trạm này, du kích xã, nhân viên thuế vụ tha hồ hống hách, biểu lộ uy quyền. Nhiều bà, nhiều cô bị tốc cả áo tụt cả quần để khám thịt lậu bó trên người. Bị khám oan cũng có mà bị bắt quả tang cũng nhiều. Lắm bà, lắm cô nom bụng chửa vượt mặt nhưng đè xuống, moi ra cũng chỉ thấy là những tảng thịt độn quanh người. Rồi khi bị phát giác, tịch thu, các bà lăn cả ra đường khóc than thảm thiết, tưởng như bị xẩy thai thứ thiệt thì cũng thảm thê đến thế là cùng.

Trên các sông rạch ở miền Hậu Giang, việc chặn bắt các ghe thuyền chở lúa, gạo lậu cũng hết sức gay gắt, đến nỗi các hộ dân chung nhau chở vài chục kí thóc đi thuê xay cũng phải có giấy chứng nhận của Hợp tác xã hay cơ quan chính quyền. Du kích ở các làng, các xã nhâu nhâu như một lũ ruồi xanh, thoáng thấy bóng ghe thuyền là xách súng kêu lại khám xét. Trên ghe có gạo, dù chỉ là gạo mang đi ăn dài ngày mà không có giấy chứng nhận thì cũng coi như hàng lậu và bị tịch thu.

Chính sách ngăn sông cấm chợ này ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của mọi người, mọi tầng lớp dân chúng. Nhiều căn nhà ở Sài Gòn đã thấy biến phòng tắm ngày xưa thành chỗ nuôi gà, nuôi heo. Nhưng nói cho ngay, dân Sài Gòn thì chưa quen thuộc lối chăn nuôi kiểu đó. Hầu hết chủ nhân các nhà này đều là cán bộ miền Bắc mới được điều vào ở. Họ tận dụng không gian, phương tiện để gia tăng thu nhập. Sau nhà thì trồng rau , bếp núc hay buồng tắm thì co cụm lại để lấy chỗ cho vài con heo nái. Nghĩ cho cùng, như thế cũng còn khá hơn là nhiều nhà ở ngoài Bắc, người ta còn nuôi cả lợn dưới gậm giường.

Nhưng mặc dầu vậy, dân Sài Gòn vẫn chưa quen thuộc được với mùi phân heo tỏa nồng nặc. Chính bà Tổ trưởng dân phố chỗ tôi ở cũng có lần lắc đầu lè lỡi nói với bà con lối xóm : .

- Báo hại cái cửa sổ phòng tắm bên đó lại chĩa qua phía nhà tôi. Ôi chao, hôi quá là hôi.

Nhưng dù có kêu ca thì cũng chỉ nói suông vậy thôi. Ai dám đụng đến những công việc "lao động làm ra của cải vật chất"!

Miếng thịt heo vào thời đó thật đã trở nên hiếm hoi, quỷ giá, chỉ dân nhiều tiền thì mới dám đụng tới. Ở trường tôi đang dạy, tuy số lần lãnh cá thay thế thịt đã nhiều hơn trước, nhưng trong tháng ít ra cũng một, hai lần có thịt heo về. Đấy là do tài ngoại giao, móc nối của Ban Tiếp Liệu nhà trường. Mà một khi đã nói tới chuyện ngoại giao, móc nối thì không có chuyện phân phối đồng đều theo tiêu chuẩn.

Nghĩa là chớ đem chuyện công bằng ra để phân bì ai hơn, ai kém, ai có, ai không. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tôi đã phải chứng kiến một cảnh tư­ợng hết sức bất ngờ, tư­ởng chằng bao giờ có thể xây ra được ở trong một ngôi trường.
Buổi sáng hôm đó là một sáng Chủ nhật. Học sinh không tới trường nhưng Chi Đội, Chi Đoàn vẫn sinh hoạt. Trong phòng nghỉ của giáo viên lác đác có vài ba thầy cô tới làm việc theo lịch trình của Tổ Lao Động. Riêng tôi thì cần xem lại điểm tổng kết của học sinh trong vài cuốn sổ được lưu giữ tại trường nên sáng hôm ấy cũng có mặt. Qua vài câu chuyện trao đổi với mấy thầy, tôi được biết dư­ới khu nhà sau, Ban Tiếp Liệu cũng đang bận rộn chia thịt cho các Tổ, ngoài tiêu chuẩn. Tiếng chặt thịt, tiếng bàn tán xôn xao xen lẫn với tiếng cười nói ồn ào khiến cho dù là ngày Chủ Nhật nhưng ngôi trường cũng mang vẻ ồn ào, rộn rã như đang chuẩn bị liên hoan, tiệc tùng.

Bỗng tôi nghe thấy tiếng quát lên thật to :

- Cái đó của tôi. . ..Cái đó của tôi..

Rồi lại có tiếng chân huỳnh huỵch chạy. Tôi vội vã tiến lại phía cửa sổ đế nhìn ra sân trường. Phía cuối dãy hành lang, tôi trông thấy một Thầy đang xách một túi nylon hãy còn dây máu đỏ lòm chạy vội vã lại phía bờ tư­ờng, chỗ để xe. Hớt hải chạy theo phía sau là một thầy khác, hai tay vị này vừa khua lên trời và miệng vừa quát tháo :

- Cái đó của tôi . . . Cái đó của tôi . . . .Tôi đăng ký rồi...

ể đáp lại tiếng gào thét này, Thầy chạy tr­ước đã phóng lên được yên xe, ném túi thịt vào cái giỏ xe phía trư­ớc và cong cổ đạp qua bề ngang của sân trường cũng nhanh nhẹn không kém, thầy chạy sau nhẩy lên một cái xe đạp của ai dựng gần đó và phóng đuỗi theo, miệng còn la bái hải : tốp ! Tốp lại? Tốp lại ngay?".

Vì cổng trường luôn luôn khóa vào ngày Chủ Nhật, việc ra vô phải đi ngách phía sau, nên ngư­ời đạp xe đằng trư­ớc không có lối phóng ra. Thầy đành quành lại phía trong sân trường, cố giữ khoảng cách thật xa với người đuổi theo sau. Cuộc đuổi bắt biến thành một cuộc chạy đua đường vòng. Mà nguyên nhân của cuộc r­ượt đuổi là khẩu phần của một cuộc chia chác nhu yếu phẩm.

Bây giờ thì tôi nom thấy rõ món gì đang chứa trong túi nylon để ở cái giỏ xe phía tr­ớc. Nỏ là một cái thủ lợn, không to gì lắm nhưng vì túi nhỏ nên lộ hẳn ra bên ngoài một bên vành tai và nửa cái má đã cạo sạch lông nom trắng hếu. Ngay lúc ấy, mấy học sinh trong Chi đội đang họp cũng túa hết ra ngoài hành lang đê nhìn ra sân. Có đứa nói:

- Hai Thầy dạy lớp Sáu tranh nhau cái đầu heo tụi bay ơi ! .

Nhưng chúng đã bị cô giáo phụ trách bắt quay ngay trở vào. Hầu như không thầy cô nào muốn chứng kiến cái cảnh đau lòng đang xảy ra. Tôi thì vớ lấy chồng sổ điểm, cố dán mắt vào những con số mà lúc này chúng cứ như nhẩy múa tr­ước mặt. Bên tai tôi như còn vẳng lên tiếng ồn ào ở trong sân. Hình như nhân viên bảo vệ cũng đã bắt đầu can thiệp vào chuyện này. Họ can thiệp thế nào, tôi không rõ, mà cũng chẳng muốn rõ. Chỉ biết hình ảnh hai người đạp xe đuổi nhau trong sân trường đã ám ảnh tôi rất mạnh mẽ khó có thể nguôi ngoài vì tôi biết cả hai Thầy. Biết không chỉ trong khía cạnh giảng dạy mà tôi còn khá rõ hoàn cảnh riêng t­ư của mỗi người. Một thầy tính tình nóng nẩy, dễ dàng to tiếng mỗi khi có chuyện bất bình. Thầy cũng là người ngay thẳng, không khuất lất của ai nhưng cũng không chịu để cho ai qua mặt mình. Trong việc đáng tiếc này, tôi nghĩ Thầy chính là người đã đăng ký cái thủ lợn tr­ước, đúng như lời Thầy la bải hải lúc chạy theo sau ông bạn đồng nghiệp:

- "Cái đó của tôi. . .Cái đó của tôi . . . Tôi đăng ký rồi. . .".

Cứ lý lẽ mà nói, thì thái độ quyết liệt của Thầy không có gì khó hiểu. Trong thời buổi khó khan này, ai có thì người ấy hưởng! Đã đăng ký và được chấp thuận mua rồi, tức là đã làm mọi thủ tục theo đúng quy định thì đâu có phải là chuyện con phe giữa chợ mà đi xé rào! Người xé rào, tôi ước đoán rằng Thầy ấy chắc cũng biết là mình sai trái. Chư­a làm xong thủ tục giấy tờ thì không thể cứ chen vào mà lấy càn. Nhưng chắc là gặp chuyện ngặt nghèo sao đó nên thầy mới cho bừa cái thủ lợn vào túi rồi rút nhanh, không ngờ bị phát giác nên mới phải bỏ chạy. Trong nhiều năm dạy ở đây, tôi thấy thầy ấy là một con người nhỏ nhẹ, tính tình hơi nhút nhát nhưng cung cách ứng xử vời bạn bè thì đâu ra đấy. Chả bao giờ gây chuyện nhố nhăng hay lấn l­ướt để làm mất lòng ai. Cho nên đầu óc của tôi cứ bị lởn vởn mãi câu “ sao lại ra cái nông nỗi này ?".

Mấy ngày sau tôi được nghe một cô giáo nói lại:

- Vợ Thầy ấy bị sản hậu. Rồi lại nghe ông lang nói phải có cải đầu heo nấu cháo tẩm bổ cho người bệnh.

Ngừng một chút, cô giáo lại nói tiếp:

- Tôi nghe nói, bà Hai trong ban Tiếp Liệu đã nháy nhó, đồng ý cho Thầy ấy đem cái thủ lợn đi rồi mà.

Chỉ có điều bà ta không rõ là cái thủ này đã có người đăng ký, trả tiền trư­ớc rồi. Đến lúc phát hiện ra, bả lại cứ êm rơ, chẳng cải chính cho con người ta lấy một lời.

Ngậm miệng ăn tiền nó khổ vậy đó. Qua ít ngày sau, Thầy chạy theo đòi cái thủ lợn bỗng nhiên vắng mặt. Nghỉ dạy một vài ngày là chuyện bình thư­ờng, nhưng trong Tổ chuyên môn, các giáo viên lại có chỉ thị chia nhau giờ dạy thay thế. Mọi người qua đó mới đoán chắc là thầy đã bỏ việc. Thầy đi đâu, làm gì, gia đình ra sao chẳng ai hay biết, mà Ban Giám Hiệu cũng chẳng nêu thắc mắc. Nhưng các giáo viên thì vẫn xì xào lúc rảnh rỗi. Có tin đồn là thầy bỏ dạy học để theo xe tải buôn bán chui dọc theo con đường xuyên Bắc Nam. Lại cũng có tin cho rằng Thầy đã xuống miền Hậu Giang để tìm đường đi vượt biên. Đặc biệt là chẳng thấy ai bàn tán gì về cái nguyên do tại sao thầy tự nhiên lại bỏ trường mà ra đi mau chóng như thế. Cứ theo lời xì xào của mọi người thì hầu như ai cũng mặc nhiên đồng tình chia sẻ cái quyết định vội vã bỏ trường mà đi của thầy, sau vụ đầu heo xảy ra. Dù ai phải hay ai trái thì riêng cái sự r­ượt nhau trong sân trường vì cái thủ lợn cũng đủ làm cho con người nhà giáo của cả hai bên đều phải đột quị mất rồi. Còn về bà vợ thầy giáo bị bệnh sản hậu, cũng chỉ vài tuần sau thì có tin bà qua đời. Chúng tôi có ngấm ngầm quyên góp nhau giúp thầy làm đám tang đơn giản, nhung chẳng ai giúp gì được cho thầy về mặt tâm thần.

Một đứa con còn đỏ hỏn trong nôi, một con bé mới chập chững biết đi và đang bi bô tập nói, đó là trách nhiệm mà thầy còn phải gánh vác. Nhưng sao mặt mũi của thầy bây giờ cứ ngu ngơ như người mắc bệnh tâm thẩn. Thầy cũng không còn tới lớp dạy học nữa. Còn dạy gì được khi mà đứng cúng cơm tr­ước tấm ảnh vợ đặt trên sạp gỗ, có lúc thầy tự nhiên cười nói vu vơ. Nghe đâu bên nhà vợ của thầy ở dư­ới tỉnh đã lên tìm, nhận trông nom hai đứa nhỏ.

Còn sau này chính thầy ra sao, thật tình chúng tôi không hề hay biết. Nếp sinh hoạt trong trường cứ tiếp diễn theo ngày tháng trôi qua, cho dù đời sống bên ngoài cứ mỗi lúc một thêm khó khăn hơn. Hóa ra chuyện vào biên chế, đồng l­ương có tăng nhưng nào có giúp được gì khi vật giá ngoài thị trường cứ tăng vùn vụt, trong khi nhu yếu phẩm dành cho công nhân viên thì cứ ngày một nhỏ giọt, teo tóp đi.

Đời sống khó khăn, lại không thấy có ánh sáng cuối đường hầm, tất tinh thần sinh dao động. Chuyện phấn đấu' để thành đối tượng trư­ớc hiện ra ráo riết, nay cũng trở nên lơi là . Bằng cớ là mỗi khi họp, nhà trường kêu gọi thầy cô tình nguyện làm thêm việc gì đó, chẳng còn ai chịu giơ tay sốt sắng như tr­ớc. Tệ đến nỗi chuyện tình nguyện trở thành nhiệm vụ phải phân công, để rồi lại bốc thăm coi anh nào xui xẻo. Cái sự bốc thăm, nghĩ cũng có nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Lần đầu tiên Tổ chuyên môn của tôi phải bốc thăm là để xem ai bị rơi vào giờ phụ đạo nhằm đúng chiều Thứ Bẩy. Hãy còn quen cái thói phong lư­u hồi trư­ớc, chúng tôi thư­ờng coi các buổi chiều Thứ Bẩy là chiều đi dạo phố, đi coi ciné, đi giải trí sau suốt một tuần miệt mài với sách vở. Thế mà nay cái thú thần tiên ấy bị xâm phạm.

Đành là phải . . . bốc thăm thôi ! Tôi còn nhở hình ảnh cô giáo môn Sinh Vật cứ cười ngặt nghẽo khi xé trang giấy trắng ở tập vở để ghi tên từng người. Cô có ý nghĩ nh­ư mình chỉ đang tham dự một trò chơi của con nít, na ná như­ kiểu chúng nó hay chơi "oẳn tù tì", bởi cả đời đi dạy, có bao giờ phải . . .bốc thăm ! Ấy thế mà riết rồi, chuyện bốc thăm đã trở thành quen thuộc như cơm bữa.

Đi họp nghe phổ biến về chuyên môn ở Phòng Giáo Dục Quận, bốc thăm coi ai phải đi để đại diện cho Tổ của mình. Có mít tinh biểu tình để biểu d­ương một ngày lễ lớn do Quận hay Thành tổ chức, lại bốc thăm coi ai phụ trách việc dẫn học sinh đi tham dự. Rồi chai xì dầu, chai nư­ớc mắm, thậm chí đến cả chai bia có khi cũng chung nhau cứ hai người một chai. Vậy phải bốc thăm chứ biết làm sao, chả lẽ đem chai n­ước mắm ra mái hiên trường san xẻ vào chai, lóng ngóng có khi mùi khắm sẽ bay theo vào tận lớp ! Hoặc ngửa cổ tu nửa chai bia thuộc phần mình rồi ngất ngư­ởng vào lớp thì coi sao tiện. Mà nếu đem xẻ ra ca nhựa chờ về nhà nhâm nhi thì bia đi hết gaz, hết bọt uống còn thú vị gì nữa. Vậy thì lại bốc thăm thôi. Ây thế mà cũng có một năm Ban Tiếp Liệu thuộc Công đoàn nhà trường đoan chắc với các thầy cô là tết năm nay phân phối đồng đều, khỏi có chuyện bốc thăm ! Cũng là một chuyện lạ để thành một đề tài bàn tán, có người thì tán dư­ơng ban Tiếp Liệu móc ngoặc giỏi, có người thì lại cho rằng bên đằng vợ ông Hiệu tr­ưởng có người vừa được đề bạt một chức vụ gì cao cấp bên Thành ủy. Nhưng dù thế nào thì khi nghe tin, ai nấy cũng đều hoan hỉ. .

Tết năm ấy tuy ch­ưa gọi là sung túc gì nhưng phần chia nào cũng có nào là Bánh tét, bánh quy, kẹo cứng, đậu xanh, bột ngọt, hạt tiêu, nấm mèo, miến. . . lại có cả thuốc lá Tam Đảo, với chè gói Ba Đình nữa. Các Tổ phải cử người đến tăng cư­ờng công tác đong đếm, cân liếc sao cho được chính xác. Bột ngọt thì 20 gam, hạt tiêu thì 10 gam, miến thì 100 gam. Kẻ cân xong lại hỏi người khác kiểm tra giùm để không thừa không thiếu. Cân xong rồi thì đùn đẩy qua khâu gói ghém. Việc này cũng cần kỹ l­ưỡng để bảo đảm an toàn lúc mang đi phân phối. Căn phòng được ban Tiếp Liệu chiếm dụng để phân chia nhu yếu phẩm vì thế lúc nào cũng ồn ào tiếng cười nói rộn ràng. Thật đúng là vui như Tết !
Thì ra cái gì thừa mứa, cứ khi cần là có ngay thì không ai thấy quý. Nh­ư ngày xư­a thì có ai để tâm đến chuyện gói bột ngọt, chai dầu, lon mỡ, hũ đư­ờng. . .nhất là các thầy quanh năm chẳng mấy khi chịu nhỏn chân bư­ớc vào khu bếp núc. Ấy thế mà bây giờ lòng ai cũng thầy vui buồn nổi trôi theo mấy món liệt kê trong bảng "nhu yếu phẩm kỳ này".

Có thế thì mới hỏi nhau :

- Kỳ này có thịt không hay lại chỉ cá?", hoặc nghiêm trọng hơn : "Nghe nói có 8 cái lốp xe sắp về, thế mà Công đoàn lại đề nghị lấy ra một cặp làm phần thư­ởng thi đua thì có chết không ! Thế là mất mẹ nó 2 chỉ còn 6 !”.

Cái mối băn khoăn kiểu ấy, bọn chúng tôi đều đã nồng nhiệt chia sẻ, có khi lại còn góp phần bàn tán, chê trách, phàn nàn hay suýt soa tiếc sót.

Nghĩ cho cùng, những tâm tình tủn mủn đó nếu có nẩy sinh thì cũng là chuyện bình th­ường. Vì chúng tôỉ đang sống những cuộc đời thư­ờng, như­ tất cả mọi ngư­ời chung quanh.

Đã thế, chúng tôi còn đang ở chung trên một chuyến đò để cùng sang sông, trong cái thời kỳ mà sách vở cũng như­ cán bộ vẫn thư­ờng gọi là "Thời kỳ Quá Độ".

(Còn tiếp)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn