Về Sài Gòn trời nóng như thiêu nhưng vài ngày sau đó khi tôi ra Đà Nẵng, may mắn là thời tiết dễ chịu vì có đợt gió lạnh từ vịnh Bắc bộ thổi vào nên việc tổ chức lễ giỗ diễn ra khá thuận tiện. Nhờ cuộc họp mặt trong ngày lễ giỗ này, tôi mới biết những căng thẳng từ lâu ở giáo xứ Cồn Dầu mà nạn nhân không ai khác hơn là giáo dân trong đó có anh em ruột của kế mẫu tôi. Dù giáo xứ này có lịch sử tồn tại cả hai trăm năm nay nhưng bị thành ủy Đà Nẵng đưa vào diện quy hoạch dưới “danh nghĩa” là xây dựng khu sinh thái Hòa Xuân mà thực chất là bán cho tư bản nước ngoài đầu tư. Tuy nhiên, vì số tiền bồi thường quá ít, không đủ mua một miếng đất cắm dùi (chứ đừng nói nhà) giáo dân nhất quyết không chịu dời đi. Để gây áp lực, thành ủy ra lệnh cấm chôn cất người chết trong nghĩa địa giáo xứ. Sự việc đáng tiếc nổ ra mới đây khi con cháu một bà cụ qua đời bị lực lượng công an trấn áp không cho chôn bà cụ ở đây. Thế là có máu đổ và công an bắt đi một số người tham gia đưa tang, kể cả con cháu bà cụ. Sau đó, báo chí quốc doanh ĐN đồng loạt gán tội cho giáo dân Cồn Dầu gây rối! Cuối cùng, quan tài đã bị công an áp giải lên xe đi chôn ở nơi khác khá xa. Điều đáng chê trách là thành uỷ quá tham lam nên đã lờ đi sự bất công mà họ gây ra cho người dân Cồn Dầu vì mảnh đất này quá béo bở, nằm sát bên sông Hàn. Dân chúng bao đời lam lũ làm ruộng theo truyền thống của cha ông họ, nay họ không thể làm ăn sản xuất. Thực tế mà nói, toàn bộ đất đai ĐN chạy dài từ bãi biển Tiên Sa đến Ngũ Hành Sơn đều bị bán cho tư bản đủ mọi quốc tịch nước ngoài làm khách sạn, resort, casino ngay cả sân gôn v.v… Thậm chí tay đánh gôn triệu phú người Úc Greg Norman cũng sở hữu mấy chục hecta đất dự bị làm sân gôn 18 lỗ! Số tiền bán đất đó người dân hoàn toàn không biết rơi vào túi quan tham nào trong khi tay bí thư thành ủy từng bị nguyên Trưởng công an thành phố tố cáo tham nhũng. Oái oăm ở chỗ này là ngài bí thư không mất một… sợi lông nào, song viên thiếu tướng công an hôn mê bị khiêng ra toà xử án với tội danh lợi dụng tự do dân chủ (?)! Hôn mê, giả hay thật, cũng chứng tỏ là dù đồng chí với nhau, bị can phải lo lợi dụng tình huống để tìm cách giảm nhẹ hình phạt trả thù của bí thư thành ủy là vua một cõi!
Sau lễ giỗ, thấy còn ngày rộng tháng dài, tôi dự tính đem cả gia đình các em đi du lịch núi Bạch Mã nhưng hỏi hai trung tâm du lịch thì được trả lời là đường sá đang sửa, đợi cuối tháng Ba mới đi được.
Giữa tháng Tư, họ lại trả lời là đường lên núi vẫn chưa sửa xong. Thế là tôi dự tính chuyển qua đi du lịch Cù Lao Chàm song các cháu gái không muốn đi tàu vì sợ say sóng, thành thử cuối cùng tôi làm một công hai việc là đi thăm một người cháu đang làm linh mục chánh xứ Hà Úc, thuộc địa phận Huế, tiện thể ghé núi Bạch Mã xem đường sá đã sửa đến đâu mà hẹn mai hẹn mốt mãi. Ấy vậy mà hóa hay, vì tôi hân hạnh được gặp mặt một trong tam kiệt linh mục cố đô Huế (trong đó còn có linh mục Phan Văn Lợi, Nguyễn Văn Lý) là cha Nguyễn Hữu Giải đang làm chính xứ An Bằng. Cha vui vẻ tiếp "phái đoàn" chúng tôi một cách cởi mở và chân tình. Tôi không ngờ cha Giải đã 70 tuổi mà mái tóc trông còn xanh đen như tóc thanh niên. Nếu nhìn kỹ lắm may ra mới thấy lưa thưa ít sợi bạc. Không nhữngcha trẻ so với tuổi tác mà còn trẻ về tinh thần. Dù bị tù cải tạo 8 năm nhưng cha tỏ ra không sợ gì hết.
Tôi nhắc đến cựu giáo sư Nguyễn Ngọc Lan và linh mục Chân Tín bị kẻ lạ đâm vào xe để xin ngài hãy nên thận trọng, nếu phải đi đâu xa, song cha trả lời là cha đã chuẩn bị sẵn sàng để chết giữa thanh thiên bạch nhật! Cha kể chuyện Đức cha Kiệt từ Roma trở về giữa khi Hội đồng giám mục VN đang họp. Tôi cũng thưa với cha rằng vấn đề bang giao giữa Tòa thánh và chính phủ VN có phần chắc là VC lợi dụng ván bài ngoại giao như 1 thủ đoạn để hất cẳng Đức cha Ngô Quang Kiệt. Trong ván cờ này, tất nhiên con sói (chính trị) sẽ thủ lợi và chiếm thượng phong nhiều mặt trong giai đoạn đầu đối với con cừu (tôn giáo) nhưng về lâu về dài, giáo hội sẽ có điều kiện để đối thoại, thậm chí có thể đối đầu như thời gian qua. Dù sao, Đức cha Kiệt cũng đã đi vào lịch sử như một vị lãnh đạo công giáo thứ hai sau cố giám mục Nguyễn Kim Điền dám đương đầu với quyền lực chính trị nhưng có lẽ ngài đã không gặp thời khi tình hình xã hội VN còn quá nhiều chia rẽ và nghi kỵ, ngay cả trong nội bộ công giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Chia rẽ này do ai thì người có lý trí bình thường cũng dễ dàng suy luận ra được.
Rời An Bằng, chúng tôi đi qua một nơi gọi là "thành phố ma", tức là nghĩa địa đã được dân địa phương xây dựng trông chẳng khác nào lăng tẩm vua chúa như lăng Khải Định chẳng hạn.Thật là nguy nga đồ sộ! Đây cũng là đề tài bị báo chí trong nước thỉnh thoàng đăng lên để chê bai và trách mắng. Tuy nhiên, tôi nghĩ báo chí đã tỏ ra bất công vì dân dùng tiền của họ để xây dựng chứ không phải ăn cắp công quỹ hay tham nhũng như quan chức cán bộ. Nói vậy không có nghĩa là tôi tán đồng việc phung phí tiền của vào chuyện xây mộ nhưng tôi cho rằng báo chí đã lạm dụng để lên giọng đạo đức hơi nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu, đụng đến quan chức thì có nguy cơ bị tống vô tù nên họ tìm cách lờ đi cũng phải, còn người dân có thể đôi khi bị xem như cái cớ chính đáng để họ xả hết bực bội cũng chẳng lạ gì!
Trên đường trở lại Đà Nẵng ,anh tài xế cho xe chạy rẻ về phía tay phải trực chỉ hướng núi Bạch Mã để tôi xem qua cho biết. Chẳng lẽ đi không lại về không, dù đường sá đang sửa, tôi thuê hai chiếc xe ôm đi lên núi Bạch Mã, một chở tôi và chiếc kia chở đứa em, còn các thân nhân khác đi hồ bơi ở chân núi Bạch Mã.
Tuy nhiên, khi còn cách đỉnh núi khoảng 5 cây số thì chiếc xe chở tôi trở chứng… nằm vạ giữa đường. Tôi hơi lo nhưng vẫn nói đứa em ở lại chờ sửa xe hư để tôi tiếp tục lên đỉnh, dù lúc ấy gần bốn giờ chiều và núi rừng chung quanh đang dần toát ra khí lạnh. Dọc đường lên núi, chú xe ôm cứ hỏi tôi đủ chuyện như bác ở đâu, làm nghề gì. Tự nhiên, tôi cảm thấy phải nói dối và nói dối trơn tru như một kẻ nói dối chuyên nghiệp.
Điều này làm tôi hối hận vì mình đã nghi ngờ ngay cả người dân lương thiện khi chú xe ôm thắc mắc rằng sao bác ở Sài Gòn mà hơn 10 năm mới về thăm Huế rứa. Tôi vội nói qua quít là có về thăm nhà ở Đà Nẵng song Huế thì bây giờ mới có dịp đi. Tôi sợ chú xe ôm cũng phải, giữa bốn bề núi rừng hoang vắng, nhất là chú xe ôm lạc tay lái thì mình rơi xuống vực chắc chắn thịt nát xương tan! So với núi Bà Nà ở Đà Nẵng, núi Bạch Mã ở Huế cao chất ngất và hùng vỹ quá! Tiếc rằng địa điểm du lịch này còn nhếch nhác, nhiều đoạn đường còn quá nham nhở và chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Ngay cả khách sạn cũng chưa được sửa sang gì, phòng ốc thì trống toang trống tuếch với dăm ba cửa sổ đung đưa theo gió chực chờ rớt xuống đất bất cứ lúc nào!
Sau vài ngày nghỉ ngơi, tôi một mình khăn gói đi Quy Nhơn vì các em đều bận sinh kế và các cháu lại bận học hành. Nơi đây có Bác sĩ Huỳnh Cầm, bạn học cùng lớp trường Phan Châu Trinh nhưng vào học Y khoa trước tôi một khóa. Tôi tính thuê khách sạn nhưng Cầm bảo “thuê làm gì, nhà tao tha hồ mà ở”. Quả vậy, Cầm làm chủ một ngôi nhà rộng, ngay mặt phố. Vợ con ở Sài Gòn, còn Cầm giữ chân “trụ trì” ở đây, ăn chay trường kỳ và nghiên cứu kinh Phật. Cầm chăm chỉ tập Yoga mỗi sáng song thấy Cầm trồng cây chuối, tôi lại có cảm tưởng khổ thân quá, có vẻ như Cầm là một chàng nghệ sĩ thích “thú đau thương”!
Quy Nhơn không phải là nơi tôi đến lần đầu. Khoảng năm 1960, tôi từng ghé chơi nhưng lần này về tôi cùng với Cầm đi thăm mộ Hàn Mặc Tử và Bệnh viện Phong Quy Hòa. Có hai mộ Hàn Mặc Tử. Mộ ở Ghềnh Ráng, có tượng Đức Mẹ,ở trên đồi cao nhìn xuống biển, trông khá trang trọng. Còn mộ nữa nằm ở trong sân bệnh viện, do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xây thì nhỏ và đơn sơ hơn nhưng cũng xinh xắn. Đi sâu vào phía trong có Phòng lưu niệm HMT, trong đó có tấm bảng ghi lời của Chế Lan Viên ca tụng thi tài họ Hàn: mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và chỉ còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là HMT (trích Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh). Bệnh viện phong Quy Hòa ngày nay dù vẫn được các xơ dòng Thừa Sai Đức Mẹ phục vụ nhưng bị nhà nước quản lý cẩn trọng như một cơ quan chính trị. Ngay ở cổng vào đã treo la liệt những khẩu hiệu lăng nhăng vì vô duyên, chẳng dính dáng gì đến y tế. Nhân viên gác cổng thì đăm đăm nhìn khách qua lại. Tôi chỉ tặng một số tiền vừa phải. Giá mà trực tiếp cho các xơ thì hay biết mấy vì tôi chắc chắn sẽ dâng cúng nhiều hơn gấp bội!
Chia tay với Cầm ở ga Diêu Trì, tôi tiếp tục đi Nha Trang để thăm người anh họ từng ở tù VC gần 15 năm vì tội “phản động”. Vụ án đó chấn động một thời ở Nha Trang. Từng làm việc ở Ty Y Tế trước 1975, anh hỏi tôi có biết bác sĩ Nguyễn Trọng Đỉnh, tốt nghiệp y khoa Huế vẫn còn ngồi… câu cá ở phòng mạch tại đây nhưng tôi chỉ ghé Nha Trang có hai ngày nên không có thì giờ để tìm gặp người đàn anh khóa 4 này. Thực tình mà nói, tôi đối diện… bất tương phùng vợ của anh Đỉnh nhiều lần hồi ở Bến Ngự, chứ tôi chỉ nhớ anh với Trương Thanh Trừng là đôi bạn chí thân rất tương đắc. Dĩ nhiên hai ngưởi không phải là dân “gay”!
Phất phơ thế nào mà tôi lạc vào Biệt điện vua Bảo Đại. Nói biệt điện thì tưởng là sang trọng lắm nhưng thực ra chỉ là một ngôi nhà gồm phòng khách và nhà nghỉ của vị vua cuối cùng nhà Nguyễn. Trên vách tường, treo đầy những hình ảnh của vua và hoàng hậu hay cả hoàng gia. Điều đáng chú ý là những chú thích phía dưới có tính vô tư, khách quan và trung thực nghĩa là không “chưởi bới” như thường thấy trong sử sách VN dưới chế độ CS. Có lẽ đây là địa điểm du lịch mà khách nước ngoài có thể đến thăm, do đó họ phải tôn trọng sự thực lịch sử chăng? Đặc biệt là hoàng hậu Nam Phương được đề cao như là người phụ nữ VN đầu tiên thành thạo công việc giao tế và hiểu rõ chẳng những lễ giáo Tây mà cả Đông phương.
Đi Quy Nhơn hay Nha Trang ở thời điểm này thật đáng chán vì đâu đâu cũng thấy màu cờ đỏ máu đến nỗi muốn chụp hình tôi phải ra sát bãi biển. Những ngày này mấy chục năm trước, hai thành phố miền Trung đó bị Bắc quân xâm chiếm. Tuy nhiên ở Sài Gòn cuối tháng tư, cờ quạt còn khủng khiếp hơn. Nhà nước VC quy định treo cờ cách nhau bao nhiêu mét trên mọi con đường trong thành phố. Nhà dân nào cũng phải treo cờ!
Người ta tổ chức ăn mừng chiến thắng ồn ào đến nỗi báo chí quốc doanh như Thanh Niên hay Tuổi Trẻ cũng dám than vãn là miệng thì kêu gào hòa hợp hòa giải mà làm thì ngược lại hoàn toàn. Vẫn những ngôn ngữ tuyên truyền huênh hoang từ mấy chục năm trước, được lặp lại không một chút thay đổi. Có blogger như bác sĩ H.H còn nhận xét đại khái rằng hình thức rầm rộ chỉ để che giấu một điều bất ổn ở bên trong!
Ở Sài Gòn, tôi có đi uống cà phê mấy lần với nhà thơ TTD và họa sĩ TC ở công viên Tao Đàn. Nơi đây được xem như chỗ trưng bày chim cảnh. Chủ nhân chim cảnh xách mỗi người một cái lồng chim đến treo lên để nghe chúng thi nhau hót. Đủ mọi hạng người chung quanh song TC khi nói về việc thành ủy SG làm ầm ỷ về ngày chiến thắng 30/4 thì lớn tiếng quy tội cho giới văn nghệ sĩ cũ đã làm mất nước về tay VC khiến tôi hơi chột dạ, nhìn quanh quất như một phản xạ tự nhiên nhưng đỡ lời là cả một dân tộc bị lừa chứ đâu phải chỉ có giới văn nghệ sĩ! Nhà thơ kiêm nhà báo tự do TTD cười tỏ vẻ như anh ngầm đồng ý với tôi. Anh từng viết cho BBC và một tờ báo ở hải ngoại và là một trong số những người bị công an buộc không được ra khỏi nhà trong ngày xử luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung v.v… trước đây.
Những ngày về nước, ôi mở máy computer của cháu gái chỉ để đọc thư từ chứ không thể truy cập một số báo mạng ở hải ngoại bởi vì chúng đều bị firewall ngăn cản. Nhà nước VC kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin từ ngoài vào. Đó là chủ trương độc quyền thông tin vừa để tuyên truyền vừa để ngu dân của họ. Có nhiều cách ngu dân áp dụng cho từng đối tượng. Không những ngu dân người vô học hay ít học mà còn ngu dân cả giới có học nữa. Ngu dân kẻ vô học thì chỉ cần lặp đi lặp lại ơn đảng và bác nhưng ngu dân giới học thức thì tinh vi hơn và thủ đoạn hơn nhiều. Nói thế nhưng cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại” hoặc “bình mới rượu cũ”. Cũng hoà hợp hòa giải dân tộc như những năm cuối cùng của VNCH trước 1975. Một vài khuôn mặt “cò mồi” đã ra mắt ở hải ngoại để kéo một toa tầu đã sét rỉ nhưng lần này được ngụy trang dưới mặt nạ “chung nhau xây dựng đất nước” với một lý do “cận thị”, thiếu tầm nhìn xa là chế độ CS mạnh quá không thể lật đổ được trong lúc này (vậy thử hỏi CS ở Liên Xô và Đông Âu mạnh còn hơn VN mà cũng sụp đổ thì sao?). Đáng lo nhất là VC lợi dụng các tổ chức từ thiện và tôn giáo như tấm bình phong để dẫn dụ người dân chỉ nghĩ đến việc “tốt đời- đẹp đạo”, nghĩa là chớ lao vào việc đòi hỏi dân chủ hay đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực như bất công, tham nhũng v.v… đến nỗi có anh “trí thức” còn lên lớp là hãy sống chung với tham nhũng với bất công nữa chứ!!! Ngoài ra, VC còn tuyên truyền là tôn giáo đừng quan tâm hay tránh làm chính trị (sic).
Tuyên truyền như thế thật tai hại vì quan tâm về chính trị không có nghĩa là làm chính trị. Quan tâm về chính trị chỉ là ý thức, còn làm chính trị lại là hành động. Hai phạm trù đó khác hẳn nhau. Làm chính trị là nghề của chính trị gia với cao vọng trở thành dân biểu, nghị sĩ hay thủ tướng, tổng thống v.v… Hay nói như hòa thượng Thích Quảng Độ thì đó là thái độ chính trị. Có lẽ phong trào viết thư pháp (phát triển khoảng 15 năm nay) cũng góp phần vào việc “ru ngủ” này. Hầu như nhà anh có học nào cũng treo hai chữ: Nhẫn và Tâm.Theo tôi, treo vậy là tốt vì có mục đích và lý do đạo đức hoặc tâm linh để khuyên mình sống nhịn nhục và thông cảm với người khác. Tuy nhiên, cần phải đặt câu hỏi là nên áp dụng Nhẫn và Tâm vào lúc này chăng khi nước ta đã và đang bị Tàu chiếm đất lấn biển, ngay cả ngang nhiên bắt ngư dân VN (đánh cá ngay trong vùng biển của mình) rồi đòi tiền chuộc liên tiếp được không?
Còn riêng với giới trẻ, VC lại áp dụng chính sách ru ngủ hòng làm tê liệt tinh thần đấu tranh mà thực dân Pháp từng làm trước kia.
Ru ngủ bằng gái đẹp: báo chí mỗi ngày đưa tin và đăng hình giai nhân chân dài, hoa hậu, người mẫu v.v… với những tin rẻ tiền, đại loại như diễn viên X lộ nội y ra sao, người mẫu Y lộ vòng một ở đâu hay đang cặp với đại gia nào v.v… Thậm chí còn đưa tin về những người đẹp khắp nơi như “mỹ nữ Hoa ngữ có nguy cơ ế chồng cực cao”! Hoa ngữ nghĩa là nói tiếng Hoa, chỉ những người Hoa ở ngoài nước Tàu như Singapore hay Hongkong. Có nhà văn trong nước còn nói là báo Công An chỉ toàn tin cướp, hiếp, giết… người!
Ru ngủ bằng vẻ hào nhoáng bên ngoài (hay phồn vinh giả tạo như VC từng vờ chê miền Nam trước đây): xây dựng những khu biệt thự cao cấp cho người giàu có, quan chức dùng công quỹ đua nhau mua xe hạng sang, tư bản đỏ hay con ông cháu cha ăn chơi đồi trụy, bao gái, ngông cuồng vất tiền qua cửa sổ còn hơn cả Hắc, Bạch công tử thế kỷ trước. Ngoài ra, báo chí lại tạo “phép thắng lợi tinh thần” kiểu AQ hay “bơm” cảm giác tự tôn cho dân mà một đại biểu quốc hội gọi là “bệnh hoàng tráng” như nước ta có hệ thống cáp treo dài nhất thế giới ở núi Bà Nà với sự hợp tác của nước Áo, như cầu Mỹ Thuận là công trình thế kỷ của ngành giao thông VN nhưng sự thật là do Úc đảm trách xây dựng, ngay cả có quan chức “nổ” là đến năm 2025 nước ta sẽ tiến ngang bằng với các nước tiên tiến hay ra chỉ tiêu sẽ “tiến sĩ hóa” cán bộ thành ủy Hà Nội v.v… trong vòng vài năm tới!!! Đó là chưa kể đang thuê nước ngoài giúp mở rộng Hà Nội thành thủ đô không những to nhất Đông Nam Á mà cả thế giới, nghe đâu chạy dài đến tận núi Ba Vì (cho gần với đàn anh TC chăng?)!
Ru ngủ bằng nhạc thời trang: truyền hình có riêng một băng tần gọi là “musics yeah” để hát uốn éo và ưỡn ẹo học đòi nửa mùa phong cách trình diễn Tây phương hay Hàn quốc. Có bản nhạc mà lời nửa ta nửa tây, kiểu nửa dơi nửa chuột như thế này: nếu ngày xưa anh không là bạn thân để nói thì hôm nay I want to write to yo ! Tự do hưởng thụ nhố nhăng kiểu đó thì còn nhớ đến tổ quốc… với tổ cò… Hoàng với Trường Sa làm gì nữa cho công an làm khó dễ kia chứ !
Điều đau lòng là truyền hình VN cả ngày trình chiếu hầu hết là phim truyện Tàu. Hình thức tuyên truyền này thực chất là xâm lăng văn hóa của bá quyền Bắc kinh ôm mộng Đại Hán! Hậu quả là nhiều người khen và thán phục phim Tàu với những nhân vật lịch sử của họ. Người VN thuộc sử Tàu còn hơn Việt sử là vì thế.
Về nước đi từ Trung vào Nam, tôi thấy chẳng ai còn tin tưởng vào chế độ CS, ngoại trừ những kẻ hưởng lợi từ chế độ đó. Hầu hết người dân cùng có chung nhận xét là chỉ cần tránh chính trị thì mọi chuyện đều được phép làm, kể cả tham nhũng! Tôi liên hệ điều này với trường hợp rủi ro của tôi. Chỉ còn một tuần nữa là tôi về Úc nhưng tôi bị tài xế taxi lấy cắp giấy passport. Chỉ một phút mất cảnh giác mà tôi chuốc lấy nỗi bực bội này. Nếu trên núi Bạch Mã, tôi ân hận vì nghi ngờ chú xe ôm thì bây giờ tôi lại ân hận vì mình không dám nghi ngờ tài xế. Hai trường hợp ân hận có nguyên nhân trái ngược nhau: nghi ngờ người dân lương thiện và tin tưởng kẻ mình ngỡ là lương thiện! Nếu làm lại passport ở Tòa lãnh sự Úc ở Sài gòn dễ bao nhiêu thì xin visa từ Sở quản lý xuất nhập cảnh lại khó bấy nhiêu. Khó nhất là họ cố ý không cấp ngay mà bắt mình chờ đợi 10 ngày đến nửa tháng. Thật là dở khóc dở cười! Tuy nhiên, ngay khi tôi ra khỏi cửa Sở trên là “cò” đến hỏi tới tấp rằng có muốn visa chiều nay hay ngày mai. Chiều nay giá cao hơn chiều mai đấy! Dù cao đi nữa, tôi cũng phải bấm bụng mà chạy giấy để thoát ra khỏi nước càng sớm càng tốt. Nếu chưa cầm được visa trong tay thì không thể xác định lại ngày về mà mình đã xin hoãn trước đó. Chỉ còn hai ngày để làm việc này, tôi không thể trễ hạn quá vì phải tốn tiền mua vé mới. Phí phạm như vậy chẳng đáng gì nhưng cứ nghĩ đến chuyện phải ở lại hơn một tuần nữa là tôi chịu hết nổi không những vì thời tiết nóng bức, lại bị cúp điện mà còn phải hít thở khói xe mịt mù nếu có việc ra đường. Có lần, tôi đi xe ôm nhưng kẹt đường đến nỗi chú xe ôm đành năn nỉ “bác đi bộ còn nhanh hơn đi xe”, dù lúc đó chú xe ôm chạy trên lề đường dành cho người đi bộ mà không thể nào nhúc nhích xe được một phân! Thế là tôi đành chịu trận hít khói cả một rừng đủ loại xe có động cơ để từ từ xê dịch từng bước chân một mới thoát được. Tôi nghĩ dại là khói xe ngột ngạt thế này thì chục năm nữa, vô số dân SG sẽ phải chết vì ung thư! Ngoài ra, dioxin từ khói xe thải ra có lẽ cũng đủ gây tác hại không thua gì chất độc màu da cam mà thỉnh thoảng VC lợi dụng để gây thành phong trào kiện cáo có mục đích chính trị!
Vài chuyện vặt vãnh nhưng cũng đáng nói là hiện nay hầu hết mọi cửa hàng buôn bán hay dịch vụ, dù nhỏ bé ra sao, cũng trưng biển tiếng Anh bát nháo, tạo ra tình trạng quá tải Anh ngữ và đáng buồn là thường viết sai chính tả! Một cái nữa là mọi khu phố đều được gọi là Khu phố Văn hóa, tựa hồ như văn hóa là danh từ riêng vậy! Rồi thôn xã văn hóa, gia đình văn hóa v.v… Có lẽ cái gì không có thì phải lặp đi lập lại để nhắc nhau khỏi quên chăng? Hay nói như một blogger là bị đau răng thì lúc nào cũng nhớ đến răng đau.
Đến đây, tôi nghĩ nên đề cập đến tôn giáo, một vấn đề mà nhà nước CSVN cảnh giác nhiều nhất hòng tìm cách phân hóa để lợi dụng. Phân hóa ngay trong nội bộ tôn giáo và gây mối bất bình giữa các tôn giáo, một hình thức chia rẽ để cai trị mà VC học được từ thực dân Pháp song có tầm mức vừa tinh vi vừa trắng trợn.
Một thực tế phủ phàng ai cũng thừa nhận là họ nỗ lực duy trì tình trạng ưu đãi Phật giáo và bạc đãi Công giáo. Dĩ nhiên, ưu đãi giáo hội PGVN phục vụ nhà nước chứ không phải giáo hội PGVN Thống Nhất của hòa thượng đáng kính Thích Quảng Độ. Sở dĩ có sự phân biệt đối xử này là nhằm gây chia rẽ nội bộ Phật giáo, giữa giáo hội quốc doanh và giáo hội độc lập với chính trị. Nếu VC ưu đãi PGVN bao nhiêu thì ngược lại họ bạc đãi PGVNTN bấy nhiêu. Ngay trong nội bộ tôn giáo khác như Công giáo, Hoà Hảo hay Cao Đài cũng bị lâm vào tình cảnh bên trọng bên khinh như vậy. Trọng, nếu phục tùng nhà nước. Khinh,nếu không muốn bị chính trị chi phối! Điều đó có mục đích gây nghi kỵ và mâu thuẫn rồi đi tới xung khắc và chống đối lẫn nhau trong nội bộ mỗi tôn giáo. Đây là thủ đoạn “ngư ông đắc lợi” hay “nhất tiễn song điêu” của VC. Ngay những người Phật tử chân chính cũng nhận ra thủ đoạn lợi dụng PG của VC. Trong bài báo “Đà Nẵng mới, đô thị của chùa, resort và… bắn pháo bông”, nhà báo TTD bi quan kết luận “… mục đích tô điểm vẻ ngoài xa hoa thiếu nhân bản của một đô thị (là) dành hàng tỷ đồng cho việc xây chùa và bắn pháo bông”! Một trí thức còn nói là truyền bá đạo Phật bằng chuyên cơ để chở bức tượng Phật ngọc cho ‘hoành tráng’ thì thật phản lại chủ trương cứu vớt chúng sinh của PG và làm đau lòng Đức Phật vốn từ bỏ tất cả mọi tiện nghi phù phiếm, ngay cả cung vàng điện ngọc! Nói như tiến sĩ vật lý N.Đ.Đ là “phi Phật giáo”.
Nếu ngày xưa, để lật đổ chế độ cộng hoà của ông Diệm,”… những người cách mạng xoáy sâu vào sự bất công đó (đối với PG) và họ xúi giục các nhà sư xuống đường biểu tình hạ bệ ông Diệm” (trích blog bác sĩ H.H) thì ngày nay, chính đảng CS lại có chủ trương hẳn hoi để phân biệt đối xử về tôn giáo, chứ không phải do một số chức sắc công giáo làm bậy rồi bị thế lực chống đối lợi dụng… châm dầu vào lửa để khích động gây rối, khởi đầu của khuynh đảo sau này! Đó là một chủ trương có tính thủ đoạn của VC hòng lấy lòng Phật tử chiếm đa số mà áp đảo thiếu số người theo các đạo khác. Tuy nhiên, nói như nhà viết chính luận Lý Đại Nguyên thì PG nếu bị nhà nước CSVN xem như một công cụ chính trị thuộc mặt trận tổ quốc sẽ gây tác hại lớn về lâu dài và hậu quả là đạo Phật sẽ bị biến tướng thành một tổ chức làm tay sai cho quyền lực, chứ không còn là một tôn giáo giải thoát chúng sinh như giáo lý của Đức Phật!
Dù nắm hết phương tiện truyền thông và truyền hình để độc quyền tuyên truyền, VC đã tỏ ra thất bại không thể bịt mắt bưng tai tất cả dân chúng trong thời đại Internet. Muốn biết tin tức không thuộc “lề phải”, người nào biết xử dụng internet chỉ cần vào đọc tin trên mạng hay nghe đài quốc tế. Điều đáng lạc quan là bây giờ trí thức trong nước cũng rất ưu tư đối với thời cuộc và vận mệnh của đất nước, càng ngày càng nhiều. Mạng bauxite.VN của trí thức nay được xem như là diễn đàn đáng tin cậy của khá đông đồng bào trong nước.
Thậm chí các đảng viên công thần của chế độ cũng nhập cuộc để lên án đảng CSVN làm mất đất đai như thác Bản Giốc, ải Nam Quan và biển đảo v.v… về tay Trung Quốc mà vẫn còn u mê tin tưởng vào 16 chữ vàng của Tàu và đồng chí 4 tốt! Chính những người CS yêu nước hơn yêu đảng này đã lột mặt nạ của VC là những kẻ làm nhục quốc thể khi từ ông tổng bí thư đến thủ tướng và đại tướng lại hạ mình tiếp đón quan chức Tàu cấp thấp hơn mình và là những kẻ bán nước hại dân qua những thoả hiệp, công khai hay bí mật, mà chúng đã ký với đàn anh Trung Cộng đối với lãnh thổ và lãnh hải nước ta. Chẳng những giới trí thức tham gia viết bài bàn luận về chính trị mà một số văn nghệ sĩ cũng viết blog đề cập những vấn đề thời sự, chứ không còn tránh né hoàn toàn như trước.
Ngoài ra, một số người viết blog trên mạng và những lời bình phẩm trong đó cũng giúp người dân mở mang đầu óc mà hiểu biết được nhiều điều có thực xảy ra khiến họ tin tưởng blog hơn báo chí quốc doanh, chẳng hạn như blog anhbasam, người buôn gió, Osin v.v… Tất nhiên, nhận thức của người dân thay đổi nhanh bao nhiêu thì chế độ độc tài sẽ sớm sụp đổ bấy nhiêu! Hay nói khác đi về thực chất, đó là vấn đề nâng cao dân trí mà nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh từng chủ trương cách đây gần một thế kỷ!
Về nước lần này, tôi ngại không muốn đi đâu nhiều, chỉ đi du lịch với mấy em và các cháu cũng như đi thăm những người bà con thân quen mà mình lâu lắm chưa gặp lại. Ở Đà Nẵng có hai lần nói chuyện lan man với bs Nguyễn Hữu Phùng, còn ở Qui Nhơn thì đi chơi với bs Huỳnh Cầm. Vào Sài Gòn tình cờ gặp Đồng Sĩ Tính (Y9) ở SG thuộc nhóm thân hữu trung học Sao Mai, trong đó có một người cùng lớp mà cái chết tính từng ngày, còn một bạn thì bị liệt nửa người và á khẩu phải nằm Bệnh viện Y học Dân tộc để chữa trị cho rẻ tiền, chứ không có khả năng tài chính để nằm bệnh viện tây y. Tôi có vào thăm và được biết như vậy. Tuy nhiên, chuyến đi đó cũng đem lại nhiều điều bổ ích thuộc loại “mắt thấy tai nghe”, dĩ nhiên bi quan thì quá nhiều, lạc quan rất ít.
Chẳng hạn như kinh nghiệm về tham nhũng để bạn nào, về nước vì lý do riêng tư, nếu mất giấy tờ muốn xin visa của VN thì đừng lo chạy đôn chạy đáo làm gì cho mất công mà chỉ cần thảy tiền cho cò mồi chạy từ A đến Z là xong ngay! Thượng bất chánh, hạ tất loạn vậy. Hình như tất cả đều lao vào chuyện to ăn to, nhỏ ăn nhỏ vì người nào có chút quyền lực cũng sợ lỡ chuyến tàu tham nhũng… chót trước khi “hạ cánh an toàn”?
Phan Đức
(Viết tháng 5 và sửa lại tháng 7/10).
Gửi ý kiến của bạn