BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73423)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt Nam, một đất nước không thành?

12 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 1034)
Việt Nam, một đất nước không thành?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thế nào là “một đất nước không thành?”. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì: “Cụm từ failed statecó khi được dịch sang tiếng Việt là “quốc gia thất bại”. Cách dịch này không đúng. Một quốc gia có thể thất bại trong một hay nhiều mục tiêu (thí dụ như một giải bóng đá) mà vẫn là một quốc gia, trong khi một failed statelà một quốc gia không còn là một quốc gia nữa. Có lẽ nên dịch những failed stateslà những “đất nước không thành” thì đúng hơn? Đó là những quốc gia mà nhà nước không còn giữ được độc quyền bạo lực, không đảm bảo được công ích và trật tự an ninh, cũng không còn thẩm quyền để thảo luận và thỏa hiệp với các nước khác nữa. Bởi vì chính quyền không được sự hợp tác của người dân và cũng không kiểm soát được người dân nữa”. Nhìn vào thực tế của Việt Nam thì có lẽ chúng ta đều thấy được và đồng ý với nhau rằng đất nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành một “đất nước không thành”. Một đất nước thành công và phát triển, nó hoàn toàn khác Việt Nam hiện giờ. Đất nước Việt Nam là một đất nước không bình thường theo các tiêu chuẩn chung tối thiểu của nhân loại.

Việt Nam đang có một chính quyền không xuất phát từ sự lựa chọn của đa số người dân và vì độc tài và toàn trị nên nó trở nên hung bạo và độc ác. Công bằng xã hội vắng bóng hoàn toàn trong đời sống hàng ngày. Tư tưởng chính trị để gắn kết và động viên người dân là tư tưởng Mác-Lênin đã bị đào thải, chính quyền không còn gì để thuyết phục người dân. Chính quyền đang tồn tại bằng một phương cách dã man và cùng quẫn là khuất phục người dân bằng bạo lực. Quan hệ giữa chính quyền và nhân dân đã bị cắt đứt, thậm chí trở thành thù địch. Thái độ của người dân với các cấp chính quyền không còn gì là tốt đẹp và tôn trọng. Nhiều hành xử của người dân với nhau và với chính quyền không còn dựa vào luật pháp mà dựa vào …luật rừng. Màng nhân xã và tình liên đới giữa con người với con người trong cùng một quốc gia đã bị rách nát và tổn thương nghiêm trọng. Hệ quả dẫn đến một xã hội băng hoại đạo đức, sự vô cảm và cái ác lên ngôi.

Một quan niệm hiện đại và đúng đắn nhất về khái niệm quốc gia là khi chính quyền lẫn người dân hiểu được rằng “quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và một đồng thuận chia sẽ một tương lai chung”. Nhìn vào những gì đang diễn ra ở Việt Nam thì chính quyền không những không làm cho người dân thấy hạnh phúc và tin tưởng vào đất nước và con người Việt nam với nhau mà còn liên tục xúc phạm, thách đố, coi thường người dân với những quyết định độc đoán và mang nặng đặc quyền đặc lợi cho những nhóm lợi ích. Hố ngăn cách giàu nghèo, nguy cơ của mọi bất ổn, đang ngày càng gia tăng.

Bản chất của chính quyền cộng sản sau 68 năm cầm quyền vẫn không thay đổi. Họ vẫn xem đất nước này là phần thưởng cho sự “hy sinh gian khổ” của cha anh họ trước đây. Văn hóa chính quyền của họ vẫn là cướp bóc, cai trị và hưởng thụ. Họ tự xem mình là là một giai cấp khác với những ưu đãi đặc biệt. Họ sống tách biệt hoàn toàn với người dân và họ không quan tâm đến những nhu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân. Mọi chính sách và luật lệ là để phục vụ cho chính quyền và giai cấp thống trị chứ không vì hạnh phúc và cuộc sống của người dân. Quan hệ chính quyền-người dân, vì vậy mang tính đối kháng, thậm chí thù địch thay vì hợp tác và liên đới.

Trong danh sách những “quốc gia không thành” không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. Đầu bảng chắc chắn đó là Somalia, một đất nước vô chính phủ và đỗ vỡ hoàn toàn. Châu Phi là châu lục có nhiều quốc gia không thành nhất trên thế giới mặc dù tại các nước đó vẫn có bầu cử tự do và đa đảng. Mexico cũng vậy, dù chỉ ngăn cách với Mỹ một đường biên giới nhưng một bên là thiên đường còn một bên là địa ngục với các tệ nạn cướp giật, giết chóc, băng đảng, buôn lậu ma túy... Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây cũng là một “quốc gia không thành”, dù được phe đồng minh hết mình ủng hộ nhưng tầng lớp lãnh đạo Miền Nam đã thất bại thảm hại trước một đối thủ thua họ nhiều thứ nhưng hơn hẳn họ một thứ quan trọng (vào lúc đó) là “thu phục được lòng dân”. Bài học quí báu đó đã bị những người cộng sản đánh mất sau chiến thắng và họ sẽ bị đào thải theo đúng qui luật, với cùng một lý do. Một quốc gia không thành rất đặc biệt, đó là nước Nga của Putin. Là một quốc gia lớn, giàu có và từng chiến thắng trong chiến tranh thế giới lần 2 nhưng nước Nga hiện nay không có gì đóng góp cho nhân loại ngoài dầu lửa và vũ khí. “Sa hoàng mới” Putin cầm quyền vô thời hạn và không biết ông ta còn làm những gì khi ràng buộc gia đình, vợ con cũng đã bị cắt đứt sau cuộc ly hôn với người vợ đã chung sống 31 năm? Đối lập Nga có cũng như không, phân tán, chia rẽ và không có một dự án chính trị nghiêm túc và khả thi để động viên quần chúng vì vậy không nhận được sự ủng hộ của quần chúng và trí thức Nga.

Vì sao Việt Nam có nguy cơ trở thành một “đất nước không thành”?, chắc chắn là phải có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là chúng ta không có những nhà tư tưởng, nhất là những nhà tư tưởng chính trị. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là Việt Nam thiếu vắng một tầng lớp “trí thức chính trị”. Trong bài “Một bài học chúng ta vẫn chưa chịu học” ông Nguyễn Gia Kiểng viết: “Tại sao Việt Nam vẫn không trút bỏ được một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất thế giới? Dứt khoát không phải là vì dân trí chúng ta thấp hay chí khí dân ta hèn. Cũng không phải vì chính quyền cộng sản quá hung bạo, họ không dám và cũng chưa cần đàn áp đẫm máu. Lý do chỉ là vì chúng ta tuy có khá nhiều trí thức chuyên môn nhưng lại thiếu một lớp trí thức chính trị, nghĩa là một lớp người trăn trở vì sự trở thành của đất nước, đầu tư vào cố gắng học hỏi tư tưởng chính trị và phương thức đấu tranh chính trị, sẵn sàng dấn thân để đất nước được quản trị một cách hợp lý dù phải trả giá đắt, và trong mọi trường hợp không chấp nhận phục tùng sự tồi dở để được những quyền lợi. Sự thiếu vắng này rất tai hại vì bất cứ một cuộc đổi đời nào cũng phải do trí thức lãnh đạo, dù là trí thức tự học hay trí thức được đào tạo một cách chính qui. Nó là do một di sản văn hóa. Trong hàng ngàn năm thay vì những trí thức chúng ta đã chỉ có những kẽ sĩ mà mộng đời chỉ là được bán rẻ phẩm giá, được quì xuống để làm tôi tớ không điều kiện cho những vua chúa; những người đậu những khoa thi thơ phú được bổ nhiệm làm quan cai trị. Làm chính trị như thế chỉ là làm quan và làm quan chỉ là để có danh vọng chứ không phải để phục vụ nhân dân. Chúng ta không có chính trị vì thế đã không có trí thức chính trị. Những người trí thức chính trị đúng nghĩa tự nhiên biết phải học hỏi những gì, để biết phải làm gì và làm như thế nào trong mỗi giai đoạn. Trong giai đoạn hiện nay họ sẽ hiểu ngay là phải xây dựng những tổ chức dân chủ và sẽ đánh giá mọi hoạt động theo tiêu chuẩn chúng đóng góp gì cho tiến trình xây dựng một lực lượng dân chủ lành mạnh. Chúng ta chia rẽ và phân tán, với hậu quả tự nhiên là bất lực, vì thiếu những trí thức chính trị. Đó là bài học mà đáng lẽ chúng ta đã phải biết từ lâu nhưng vẫn không chịu rút ra sau chiến thắng cộng sản năm 1975, sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, và hình như cho tới bây giờ vẫn chưa chịu học”.

Cho đến bây giờ vẫn có những người tự nhận là đấu tranh dân chủ nhưng không hề tham gia vào một tổ chức chính trị nào thậm chí còn dè bỉu, chê bai những tổ chức chính trị là này khác. Đây là một gánh nặng của di sản văn hóa Khổng Giáo. Người Việt Nam, nhất là trí thức, không những không có tổ chức mà còn dị ứng với tổ chức, hay nếu có nhìn thấy sự cần thiết của tổ chức thì cũng không hiểu sự khó khăn của nó, và thường nhảy xổ vào giai đoạn vận động quần chúng nổi dậy, nghĩa là giai đoạn cuối cùng của tiến trình đấu tranh. Không khác gì chỉ muốn hái quả mà không chịu trồng cây. Những manh động như vậy chỉ có thể thất bại và gây thất vọng. Ba mươi tám (38) năm sau sự kiện 30/4/1975, trí thức Việt Nam trong lẫn ngoài nước vẫn chưa xây dựng được một tổ chức chính trị đối lập hùng mạnh và có tầm vóc để làm điểm tựa, hội tụ cho những người yêu nước. Đảng cộng sản Việt Nam dù đã phân hóa và ung thối nhưng nó sẽ còn mãi đó nếu trước mắt nó không có một đối thủ thực sự. Tâm lý người dân đã chín muồi cho một sự thay đổi nhưng nếu tầng lớp trí thức tinh hoa vẫn không có tổ chức để thống nhất một tư tưởng, một tiếng nói, một sách lược chung để động viên quần chúng thì mọi ước mơ cũng chỉ là mơ ước.

Thử thách đặt ra cho sự sống còn của đất nước sẽ rất lớn vì chúng ta kiệt quệ, căm hờn và bất lực. Thảm kịch lớn nhất hiện nay của chúng ta là thảm kịch của ý chí và niềm tin.

Cũng cần khẳng định rằng: chỉ có một giống người. Mọi dân tộc đều như nhau về trí tuệ cũng như về sự dũng cảm. Khi một dân tộc tỏ ra bạc nhược thì đó chỉ là vì thành phần tinh nhuệ, nghĩa là thành phần trí thức của nó chưa xứng đáng vì chưa làm hết bổn phận của minh.

Việt Hoàng

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn