BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77088)
(Xem: 63199)
(Xem: 40597)
(Xem: 32236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư trao đổi gửi ông Đặng Văn Âu và các bạn của ông

08 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 1232)
Thư trao đổi gửi ông Đặng Văn Âu và các bạn của ông
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Tôi đọc trên Dân Luận bài "Trách nhiệm với non sông phần II" của ông. Cảm giác đầu tiên tôi thấy ông là người thật thà, thẳng thắn và tương đối phục thiện. Ông công nhận những lý do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thua trận, đồng thời nói thêm về tình hình miền Nam trước đây mà ông biết. Ông nói đến cách nhìn của ông về 2 nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, đồng thời nói đến cách đánh giá của ông đối với các lão thành cách mạng đương thời. Tôi rất kính trọng ông, vì vậy xin có lời trao đổi lại với ông và các bằng hữu đáng quý của ông.

Trước hết, xin nói về 2 nhân vật lịch sử. Ở miền Bắc từ trước đến nay luôn đề cao Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của cách giáo dục này, cả miền Bắc đều gọi là Bác Hồ, và nếu nói không quá, nhiều người dân miền Nam cũng gọi là Bác Hồ. Bác Hồ đã trở thành biểu tượng sáng chói, là niềm tin cho nhiều chiến sĩ trẻ trên đường ra trận. Sau năm 1975, một số thông tin “cung đình” lộ ra ngoài, hình ảnh Bác Hồ có khác đi trong dư luận. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở miền Bắc, hình ảnh Bác Hồ vẫn là hình ảnh đẹp. Đấy là chuyện thực tế. Cho đến tận bây giờ, nhiều thông tin về Bác Hồ vẫn trong vòng bí mật. Cách đây hơn chục năm, tôi có dịp trò chuyện với bậc đàn anh của tôi là anh Hoàng Kỳ, con trai nhà thơ Hoàng Cầm. Anh Kỳ cho biết: Nhà nghiên cứu Đào Phan (Đào Duy Dếnh) có viết một quyển sách dài 2000 trang tên là Bi kịch Hồ Chí Minh. Sách chưa thể xuất bản nên ông Đào Phan gửi nhà thơ Hoàng Cầm giữ hộ. Lúc đó tôi muốn mượn xem nhưng anh Hoàng Kỳ không cho mượn. Bây giờ cả nhà thơ Hoàng Cầm và anh Hoàng Kỳ đều qua đời nên tôi không biết bản thảo quyển sách đó ở đâu. Điều mà tôi muốn nói đến ở đây là: Bây giờ chưa phải lúc đánh giá toàn diện, đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hãy để cho lịch sử sau này phán xét. Tất nhiên, cần bỏ cách nhìn “thần thánh hóa” lãnh tụ, đưa Bác Hồ trở lại với đời thường.

Về Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi được biết qua một số ấn phẩm xuất bản trước năm 1975 ở Sài gòn. Theo tôi, ông là một người yêu nước đáng kính. Sau này, nhà văn Hữu Mai có viết quyển Ông Cố Vấn kể về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Trong quyển sách này, hình ảnh Ngô Tổng thống hiện lên rất đẹp. Đọc sách, những người trẻ như chúng tôi biết thêm về gia đình họ Ngô, cũng hiểu thêm vì sao Ngô Tổng thống rút cuộc lại thất bại.

Thưa ông, trong bài trước tôi có nói đến một nguyên nhân thất bại của VNCH là ở lòng dân. Trong cuộc chiến vừa qua, nguyên nhân thắng bại có rất nhiều, nhưng ở một bài ngắn tôi không thể kể hết được. Mà thật ra cũng không nên kể hết, vì các nguyên nhân có nặng nhẹ khác nhau, giá trị từng giai đoạn khác nhau. Tôi nhắc đến nguyên nhân có tính quyết định, giá trị lâu dài suốt cuộc chiến là lòng dân. Điều này thì chính ông đã biết. Miền Bắc thời chiến tranh là một xã hội kín, khá thuần nhất, tương đối đoàn kết, trong khi miền Nam là một xã hội chia năm xẻ bẩy, nhiều đảng phái, nhiều nhóm hoạt động xã hội tranh chấp nhau ác liệt. Ngô Tổng thống không sao thống nhất ý chí, thống nhất lực lượng được thì nói gì đến chiến thắng? Còn một nguyên nhân khác cũng cần phải nói đến: VNCH thua hoàn toàn về chính trị.

Tôi sẽ cố gắng làm rõ cái thua này vì theo tôi đây là cái thua gốc rễ của chính quyền miền Nam trước người anh em miền Bắc. Cái thua về lòng dân còn có thể đổ lỗi cho khách quan vì những người đứng đầu miền Nam đôi khi không tác động vào được lòng dân, nhưng cái thua về chính trị thì không đổ lỗi được cho ai, vì nó thuộc về hành động chủ quan của lãnh đạo miền Nam.

Để giành chính nghĩa về mình, miền Bắc giương cao ngọn cờ chống xâm lược, như báo chí miền Bắc thường gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Như ông biết, chính trị luôn dẫn đường cho kinh tế, vì vậy lãnh đạo miền Bắc tuyên truyền phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thời đó người dân nhìn vào các nước XHCN Đông Âu mà hi vọng. Ông thấy đấy, nhiều lớp thanh niên miền Bắc được trang bị tinh thần chống Mỹ cứu nước, hi vọng sau chiến thắng sẽ được hưởng cuộc sống no đủ như các nước Đông Âu, họ lại không có những mối lo lớn về gia đình vì đã được nhà nước “lo hộ” thông qua chính sách hợp tác xã. Những khó khăn thiếu thốn đều được giải thích do hoàn cảnh chiến tranh nên người lính thanh thản ra trận, và đương nhiên là họ “chỉ biết có tiến công”. Về phía miền Nam, các nhà lãnh đạo giương ngọn cờ “chính nghĩa quốc gia”, nhưng chính nghĩa quốc gia là cái gì vậy? Cơ quan tuyên truyền miền Bắc sẽ bảo chính nghĩa quốc gia là độc quyền làm tay sai, giết hại đồng bào, bóc lột lao động của nhân dân…Chính nghĩa quốc gia tỏ ra hết sức yếu ớt trước ngọn cờ chống Mỹ cứu nước mà miền Bắc đang giương cao. Các bạn ở miền Nam không nhìn ra sức mạnh tập hợp lực lượng của ngọn cờ chống Mỹ cứu nước trên tầm quốc tế. Tôi nhắc lại một sự kiện này là ông hiểu: Cuối năm 1972, khi Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội rất nhiều nhân sĩ, trí thức trên thế giới phản đối Mỹ, thậm chí có người còn đề nghị những người nổi tiếng đến Hà Nội đứng dưới bom. Có thể nhiều người sẽ chết, nhưng chính phủ Mỹ nhất định phải chùn tay!

Để tập hợp lực lượng dân tộc trong một cuộc chiến tranh, những người lãnh đạo một tổ chức, một quốc gia phải biết giương cao ngọn cờ chính trị, giành chính nghĩa về mình, tổ chức lực lượng vũ trang đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đáng tiếc là những người lãnh đạo ở miền Nam không làm nổi điều đó. Tôi nhắc lại một chuyện: Tướng Nguyễn Cao Kỳ từng tuyên bố ông ta rất ngưỡng mộ Hít-le, miền Nam cần người như Hít-le(?). Tuyên bố như vậy thì thật là …vô chính trị hết biết, vì Hít-le là người bị cả thế giới ghét. Người lính miền Nam nghe ông Kỳ nói thế chắc là…không còn muốn chiến đấu nữa, nếu thực sự họ là người có nhân bản. Ở miền Bắc đã từng thực hiện chính sách rất mất lòng dân, như việc cải cách ruộng đất. Tôi không nhắc lại những tổn thất ghê gớm của chính sách này, nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính sách đó đem lại ruộng đất cho rất nhiều người. Số người hưởng lợi nhờ chính sách đó lớn hơn số người bị thiệt hại vì chính sách. Đấy là lý do giải thích vì sao cuối cùng chính quyền vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng nói trên. Ở miền Nam, có chính sách tương tự gọi là “cải cách điền địa”. Tôi thấy chính sách cải cách điền địa của TT Ngô Đình Diệm rất nhân bản, ông mua lại đất của địa chủ để giao cho nông dân. Theo ông, làm như vậy không gây ra mâu thuẫn trong xã hội mà vẫn giải quyết được vấn đề “người cày có ruộng”. Ý tưởng thật là hay! Nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào? Theo từ điển Wikipedia, ông Diệm nhờ cố vấn Đài Loan vạch kế hoạch, rồi ông hạn định cho mỗi chủ đất được giữ không quá 100 ha. Đây là con số lớn hơn nhiều so với chính sách cải cách điền địa ở Nam Hàn, Đài Loan…những nước có hoàn cảnh giống Việt Nam. Do đó, chính sách của ông chỉ tác động được đến khoảng 1/3 số người sử dụng đất, và thực tế diễn ra là chính phủ thu lại số đất mà nông dân nghèo được giao để trao cho lớp người giầu. Có thể thấy quá trình thực hiện đã làm hỏng ý tưởng ban đầu. Cải cách điền địa thất bại nên đến năm 1970 chính quyền VNCH phải tiến hành cải cách điền địa lần thứ hai. Đấy là thất bại của chính sách cụ thể, nhưng tôi muốn nói đến thất bại sâu xa hơn, thất bại về mặt chính trị. Người nông dân sẽ mất niềm tin với chính phủ VNCH, nếu họ có ủng hộ chính quyền Việt Minh, người đã đem lại quyền lợi thiết thân cho họ thì cũng không đáng ngạc nhiên. Nhiều chính sách khác của chính quyền VNCH cũng giống như thế, nghĩa là rất hay trên giấy tờ, nhưng khi thực hiện thì hỏng. Có thể nói đến quốc sách ấp chiến lược của cố vấn Ngô Đình Nhu. Nhìn thử vào lịch sử chúng ta thấy gì? Vào thời Tam Quốc ở Trung Hoa cổ, Tào Tháo vận dụng chính sách đồn điền đã xây dựng một nước Ngụy hùng mạnh ở phía Bắc. Tôn Quyền theo đề nghị của Cố Ung cũng dùng đến chính sách này để xây dựng nước Ngô ở phía Nam. Chính quyền Thục Hán áp dụng chính sách đồn điền, là người thực hiện kém nhất trong 3 nước nhưng nhà văn La Quán Trung lại quy công lao đó cho Gia Cát Lượng. Chính sách đồn điền chậm thực hiện, không giúp Khương Duy cứu được nước Thục. Thời phong kiến nước ta, các triều vua áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, điều đó bảo đảm cho triều đại phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Thời hiện đại, chính quyền Ix-ra-el áp dụng mô hình xây dựng các kíp-bu, tạo thế đứng vững trước uy hiếp của khối A-rập đông đảo. Bên cạnh Việt Nam, chính quyền Mã Lai vận dụng thành công chính sách “tát cá ra khỏi nước”, quét sạch du kích cộng sản. Ông Ngô Đình Nhu học tập Mã Lai, thiết kế quốc sách ấp chiến lược, hi vọng đẩy cộng sản ra khỏi vùng chiến lược nông thôn. Quốc sách ấp chiến lược của ông Nhu là một chính sách hay, nhưng ông thất bại khi áp dụng nó, do đó không có hậu thuẫn của lực lượng nông dân đông đảo. Các tướng lĩnh miền Nam sau này không có tầm nhìn chính trị như ông Nhu, chỉ biết cầm súng đánh nhau (đánh cộng sản và đánh lẫn nhau), thua trận là điều tất nhiên.

Thưa ông Đặng Văn Âu, ông là thiếu tá quân lực VNCH, vậy thì ông phải biết các nguyên tắc quân sự cơ bản như: nguyên tắc bảo vệ mình, tiêu diệt địch, nguyên tắc tập trung binh lực ưu thế tiêu diệt từng bộ phận quân địch… Trong đấu tranh chính trị cũng có những nguyên tắc cơ bản tương tự, như nguyên tắc “thêm bạn bớt thù”, nguyên tắc tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu… Về việc này, lịch sử cho ta nhiều bài học. Nếu ông đọc sách, chắc ông biết khi mới khởi nghĩa, quân của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ giương cao ngọn cờ “hoàng tôn Dương” để tập trung mũi nhọn vào quyền thần Trương Phúc Loan chứ không chĩa mũi nhọn vào chúa Nguyễn, mặc dù chúa Nguyễn là kẻ thù chính. Khi bị chúa Trịnh và chúa Nguyễn đánh kẹp 2 đầu, Nguyễn Nhạc rất nhanh chóng “xin hàng” chúa Trịnh, nhận làm tiên phong đánh quân Nguyễn. Nhờ đó, Nguyễn Nhạc có thể tập trung toàn lực giải quyết chúa Nguyễn ở phía Nam rồi mới đối đầu với chúa Trịnh ở phía Bắc. Thời cộng sản, ông Hồ Chí Minh cho ta nhiều bài học hay. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ông Hồ Chí Minh ra chỉ thị tập trung vào kẻ thù chủ yếu là phát-xít Nhật và liên minh tạm thời với Pháp. Sau khi cướp được chính quyền, chính phủ ông Hồ Chí Minh đối diện với nhiều kẻ thù, trong đó có quân Pháp đang theo chân quân Anh vào nước ta, quân Tầu Tưởng cũng vào miền Bắc. Ông Hồ Chí Minh xử lý bằng cách chấp nhận đàm phán với Pháp để đuổi quân Tầu Tưởng đi, loại bớt kẻ thù nguy hiểm. Đoàn kết với mọi lực lượng có thể đoàn kết được, dù chỉ là tạm thời để tập trung mũi nhọn vào kẻ thù nguy hiểm nhất trước mắt là một nguyên tắc lớn trong đấu tranh chính trị, bất kể thời nào.

Tôi xin quay về với tình hình hiện nay ở Việt Nam. Hiện nay chính quyền cộng sản đã lộ rõ bộ mặt bán nước, dâng đất, dâng biển cho Trung Quốc, bên trong thì đàn áp nhân dân phục vụ cho các nhóm lợi ích. Nhân dân khắp nơi trong nước đang đấu tranh với chính quyền, yêu cầu chính quyền phải tuân thủ pháp luật, tiến tới thực hiện dân chủ, công bằng để xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, đủ sức tự bảo vệ trước nguy cơ xâm lược của bá quyền phương Bắc. Cuộc đấu tranh này đang thức tỉnh tất cả những người yêu nước, kể cả những đảng viên cộng sản trung kiên của đảng. Mũi nhọn cần tập trung tiến công trong giai đoạn này là các nhóm lợi ích đang lũng đoạn đảng và đất nước. Vì vậy, mỗi tiếng nói góp vào cuộc đấu tranh đều đáng quý. Nếu đấy là tiếng nói của những đảng viên chân chính của đảng cộng sản thì càng đáng quý hơn nữa, vì nó có tác dụng cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các đảng viên trẻ đang còn phân vân trước cuộc đấu tranh. Chính vì vậy, chúng tôi ủng hộ những lời tâm huyết của đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về dự án bô-xít ở Tây nguyên, thư của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù những ý kiến của các vị không được Đảng tiếp thu. Điều đó sẽ làm rõ bộ mặt thật của nhóm lợi ích trước dư luận trong và ngoài nước. Các vị lão thành cách mạng khi góp ý tất nhiên phải nêu cao ngọn cờ Hồ Chí Minh, trong thực tiễn vẫn còn giá trị động viên nhiều tầng lớp nhân dân. Chúng tôi cho rằng phủ nhận ý kiến của các bậc lão thành cách mạng lúc này là việc làm quá khích, chỉ gây mất đoàn kết, không mang lại lợi ích gì. Hãy để cho các loại ý kiến đều được phát biểu công khai, thẳng thắn, nhân dân sẽ lựa chọn xem ý kiến nào đúng và ủng hộ. Hãy tin vào nhân dân, vì nâng thuyền hay lật thuyền vẫn là dân, thưa ông Đặng Văn Âu.

Nguyễn Thành Công

Theo Dân Luận
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Năm 20137:00 SA
Khách
Tôi chỉ muốn nói về điểm chính trong bài, theo như tác giả, về nguyên nhân chính thất bại của miền Nam là lòng dân, là không đúng. Cộng Sản muôn đời là Bịp Bợm và Khủng Bố, và chúng đã triệt để dùng 2 thứ này để cai trị nhân dân. Không bao giờ Cộng Sản từ bỏ 2 thứ này, nếu chúng muốn tồn tại. Ai ngây thơ nghe theo lời nói Bịp Bợm của chúng thì tốt và được Sống, nhưng ai muốn tìm hiểu sự thật hay không nghe theo hay có mầm mống chống đối thì chúng dùng Khủng Bố để đàn áp và chế ngự. Nhân dân miền Bắc bị kiểm soát bao tử và bị dí súng sau ót, mà phải ngậm miệng cho con em lên đường vô Nam chết biết bao nhiêu mà kể. Chính phủ miền Nam ngược lại, mặc dù không phải hoàn toàn trong sạch, nhưng lại phải vừa tự vệ vừa cố gằng xây dựng một thể chế tương đối Tự Do trong chiến tranh (một việc không thực tế chút nào) và không thể dùng những phương thức vô nhân đạo như miền Bắc Cộng Sản. Cộng Sản miền Bắc chắc chắn rằng người Mỹ không thuận cho miền Nam đánh ra Bắc, nên an tâm dốc hết quân lính vào xâm lăng miền Nam vì đã có một hậu phương an toàn! Vì vậy những nước Bắc Âu thời chiến tranh bị cộng sản lừa bịp và phe phản chiến vv... đứng ngoài đều lầm tưởng là nhân dân miền Bắc có Lý Tưởng và Chính Nghĩa!! Nguyên nhân miền Nam thất bại rất phức tạp, nhưng rõ ràng nhất là sự không còn ủng hộ của người Mỹ nữa, trong khi khối Cộng Sản tiếp tục viện trợ Không Giới Hạn cho miền Bắc. Vì sao người Mỹ thôi ủng hộ miền Nam lại là một chuyện khác. Vì sao bộ đội cộng sản tới đâu là dân chúng khiếp sợ và chạy nạn tránh xa? Lòng dân ở chổ nào???
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn