BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73518)
(Xem: 62250)
(Xem: 39445)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc hai bài thơ Tống biệt hành

25 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 1349)
Đọc hai bài thơ Tống biệt hành
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Vâng, có ít nhất là hai bài thơ Tống biệt hành. Có thể còn có nhiều hơn nữa, nhưng ít ra, tôi biết ngoài bài thơ Tống biệt hành gốc còn có thêm một bài nữa, hoàn toàn không hề kém bài đầu tiên mà lại còn vô cùng độc đáo nữa.
Bài đầu tiên thì ai cũng biết rồi. Tác giả của nó là nhà thơ Thâm Tâm, còn bài thơ thì từ ngày còn học trung học đệ nhất cấp (tức là trung học cơ sở thời nay) tôi và nhiều bạn bè của tôi đã thuộc lòng, vì chép đi chép lại nắn nót nhiều lần. Đây, tôi xin chép lại ở dưới theo trí nhớ:

 

Đưa người, ta không đưa sang sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Buổi chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?



Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình dạ dửng dưng

Ly khách, ly khách, con đường nhỏ

Chí lớn chưa về, bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm, mẹ già cũng đừng mong!



Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót



Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay

Trời chưa mùa thu tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay.



Người đi, ừ nhỉ, người đi thực

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

 

Một bài thơ rất hay, phải không? Hay từ lời, đến ý, nhưng theo tôi thì bài thơ này hay nhất ở nhạc điệu. Một nhạc điệu lạ lùng, hơi chói ở đôi chỗ, nhưng chính vì thế nó mới tạo ra được sự cứng cỏi cần thiết, và rồi đôi khi đột ngột chùng xuống, thoáng hé lộ cái buồn đã được nén chặt trong lòng. Khổ thơ hay nhất về nhạc điệu đối với tôi là khổ thơ đầu tiên với câu thứ hai "Sao có tiếng sóng ở trong lòng", nghe rất trúc trắc vì có 4 từ vần trắc đi liền nhau ở giữa câu thơ, nói lên sự xáo động mạnh mẽ trong lòng người ly khách, rồi câu cuối "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong", cả câu toàn vần bằng trừ chỉ một từ vần trắc, làm cho giọng thơ chùng hẳn xuống. 

 

Cũng cùng một giọng như vậy, khi lên gân khi chùng xuống là các khổ thơ thứ ba, thứ tư, và thứ năm: Khổ thứ ba, ngay giữa bài thơ, gieo vần trắc, nghe rất cứng cỏi, rắn rỏi, bộc lộ sự dứt khoát, quyết tâm dứt áo ra đi; khổ thứ tư, đã dịu đi một chút, nhưng vẫn có sự cương quyết, nhưng đến khổ thơ cuối cùng thì chỉ còn nhẹ như một lời thì thầm, một tiếng thở dài ... "Người đi, ừ nhỉ, người đi thực ...". Hay tuyệt, chỉ có thể nói như thế. 

 

Thơ hay thì thế nào cũng có người muốn họa. Tôi nhớ trước năm 75, có một dạo chẳng hiểu sao ba tôi lại rất quan tâm đến thơ và hay mang về nhà những tập thơ, trong đó có tập thơ Cao Tiêu mà tôi đã nhắc đến hôm trước, hoặc tập thơ đầu tay của một nhà thơ trẻ không tên tuổi nào đó mà tôi cũng đã đọc qua, với cái "khẩu vị" đọc ngấu nghiến không phân biệt của tôi thời ấy. Tôi đọc hết một mạch cả cuốn thơ của nhà thơ trẻ không tên tuổi ấy, và "vớ" được một bài thơ họa theo Tống biệt hành với mấy câu tôi cho là khá hay và còn nhớ luôn đến tận bây giờ, như sau:

 

Ai xưa tống biệt lòng hoang lạnh

Một giã gia đình dạ dửng dưng

Ly khách, ly khách, con đường nhỏ

Chí lớn chưa về bàn tay không ...



Ta nay tống biệt lòng không lạnh

Không đủ gia đình để dửng dưng

Chưa hay đường lớn hay đường nhỏ

Tay trắng mai về tay trắng không!

 

Vâng, hai khổ thơ trên tôi cho là khá đạt, nhưng theo tôi nhớ thì cả bài thơ - và cả tập thơ ấy nữa - xét toàn bộ là rất thường. Và nói chung thì tôi cho rằng bài thơ Tống biệt hành là đã quá xuất sắc rồi nên không ai có thể làm cho nó hay hơn được ở bất cứ chỗ nào nữa.

 

Cho đến lúc tôi đọc được bài thơ Tống biệt hành của Vi Khuê, nhà thơ nữ gốc Huế hiện đang sinh sống ở Mỹ, tác giả bài thơ Hoa Đào ("Đứa con gái có mái tóc/Sylvia Vartan/ngồi đọc thơ Thôi Hộ...") mà tôi đã nhắc tới hôm qua. Thực ra, tên tuổi của nhà thơ Vi Khuê tôi chỉ mới biết đến từ hôm qua mà thôi, khi lên mạng để cố tìm tên tác giả của bài thơ Hoa Đào. Khi tìm được tên Vi Khuê, tôi mới tò mò tìm hiểu thêm xem tác giả này có những sáng tác gì, và tìm được bài Tống biệt hành vô cùng độc đáo mà tôi sẽ chép dưới đây.

 

Nhưng trước khi đọc thơ, có lẽ chúng ta hãy đọc đoạn giới thiệu dưới đây cái đã:

 

Cách đây hơn nửa thế kỷ Thâm Tâm đã tiễn một người đi trong “Tống Biệt Hành” của ông. Tiễn người đi mà tác giả nghe lòng dậy sóng. Người đi trong tâm sự mênh mang, trong hoàng hôn đáy mắt. Con đường đời nhỏ hẹp. Sự nghiệp còn ngoài tầm tay. Chí lớn đã quyết đành. Công chưa thành, danh chưa toại, “ba năm, mẹ già cũng đừng mong”. Và:

 

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà như chiếc lá bay
Chị thà như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

 

“Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ thi nhân. Tôi đã được đọc một số ít bài âm vọng từ “Tống Biệt Hành”. Nhưng phải chờ đến “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê, tôi mới tìm được ở bà, một nhân vật thứ hai đầy tính chất triết lý nhập thế, dấn thân của một tráng sĩ Đông phương hay của một một lãng nhân Phù Tang thời phong kiến tay không đi tìm nghiệp lớn.

 

Vi Khuê đã dựng lên một đối tượng ngang bằng vai vế để nhắn nhủ, để khích lệ người ly khách. Dù Người đi về phương nào chưa chắc được, nhưng Người cứ đi. Cuộc tiễn đưa nào mà không mang tiếng ngậm ngùi, cảm xúc. Người ly khách trong “Tống Biệt Hành” của Vi Khuê có rượu, có trăng, có lệ tràn và một thoáng môi cười của người đưa tiễn. Rượu sẽ nói lời vĩnh biệt. Rừng không gió, trời không mây, vườn ngự không hoa và có cái gì đó không dằn được những cảm xúc trắc ẩn từ cõi lòng để kẻ ở phải thảng thốt nói với người đi:

 

Ta tiễn Ngươi mà,
Ta tiễn Ngươi!

 


 

Sao, tò mò quá phải không bạn? Vâng, tôi sẽ chép bài thơ của Vi Khuê ở dưới đây và không bình luận thêm gì nữa, mà để dành việc ấy cho các bạn nhé. Thơ đây:

 

Tống biệt hành (Vi Khuê)












 
Ta tưởng ngươi
đi về phương đông
Ta rót cho ngươi
chén rượu hồng
Rượu sẽ mềm môi
ngươi sẽ khóc
Ta cười. Ngươi
có hiểu gì không?Ta tưởng ngươi
đi về phương tây
Ta rót cho ngươi
chén rượu đầy
Rượu sẽ làm cay
đôi mắt ướt
Ta nhìn, lệ rớt
giữa lòng tay...Ta tưởng ngươi
đi về phương nam
Ta rót cho ngươi
chén rượu tràn
Rựou sẽ làm hoen
thân áo bạc
Ngươi về. Khật
khưỡng dưới vầng trăng.

Ta tưởng ngươi
đi về phương bắc
Ta rót cho ngươi
chén rượu ngọc
Rượu sẽ vì ta
nói với ngươi
Vĩnh biệt. Đừng
quay nhìn ngõ trúc.

Ta tiễn ngươi! Ôi!
Ta tiễn ngươi
Rừng phong không gió
trời không mây
Hoa đâu. Để
ngát thơm vườn Ngự
Ta tiễn ngươi mà
ta tiễn ngươi!



 

Tôi thực sự không thể nói gì về bài thơ này được, ngoài mấy chữ: chạm đến tận đáy tim!
-----------
Viết thêm một chút cho cô bạn cùng lớp ở ĐH Tổng hợp cách đây vài chục năm sau khi đọc được comment của bạn ấy trên fb: "Thích nhất PA ở những lúc như thế này".Vâng, điều mà PA thích nhất trong bài thơ của Vi Khuê là khẩu khí. Có thua kém nam nhi chút nào đâu T. nhỉ, nếu không nói là còn mạnh mẽ hơn? Dường như đó cũng là tính cách của PA đấy T. ạ, mặc dù khi xua người đi rồi (Vĩnh biệt! Đừng quay nhìn ngõ trúc) và chỉ còn một mình thì nhân vật nữ của chúng ta đã không còn dấu được nỗi đau qua lời thảng thốt: Ta tiễn ngươi mà/ ta tiễn ngươi!

 

Vũ Phương Anh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn