BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76388)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32024)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tầng Đầu Địa Ngục - Phần 12

04 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 1654)
Tầng Đầu Địa Ngục - Phần 12
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
11
41. Buổi sáng hành quyết

Trong Viện Mavrino, giờ này cũng là giờ ăn sáng và uống trà.

Không có sự kiện gì báo trước ngày hôm nay sẽ là một ngày có những chuyện đặc biệt xảy ra. Buổi sáng, Trung úy Shusterman tỏ ra nghiệt ngã với việc bắt mọi tù nhân phải dậy hết sau 6 giờ, nhưng đó là chuyện thường xảy ra. Bên ngoài trời lạnh, mặt sân và lối đi nằm dưới một lớp đá trơn trợt. Không ai muốn ra khỏi phòng. Vài tù nhân đi ra sân nhưng họ trợt ngã, đi không được, nên lại kéo nhau vào nhà tù. Trong phòng ngủ, nhiều người còn ngồi trên giường, bỏ thòng chân xuống sân, không ai sốt sắng ra khỏi giường. Họ ngồi đó gãi, ngáp, buồn rầu trêu chọc nhau hoặc nhạo báng chính số phận khốn nạn của họ. Họ kể cho nhau nghe những giấc mộng của họ trong đêm vừa qua – việc kể lại cho nhau nghe những giấc mộng là một trò giết thì giờ thú vị của tù nhân.

Hoàn toàn không có sự kiện gì báo cho những tù nhân trong Viện Mavrino biết rằng trong buổi sáng hôm nay sẽ có cuộc thuyên chuyển tù nhân ra khỏi Viện.

Sáng nay, Sologdin vẫn đi ra sân bổ củi như mọi sáng. Suốt đêm qua, anh đã mở hé cánh cửa sổ mặc dù trời lạnh, và sáng nay, trước khi ra khỏi phòng anh đã mở lớn cánh cửa sổ.

Rubin, nằm trên chiếc giường sát ngay khung cửa sổ này, không nói một tiếng với Sologdin. Đêm qua, anh vào giường muộn và suốt đêm, anh trằn trọc vì mất ngủ. Anh khổ sở vì gió lạnh từ cửa sổ lùa vào nhưng anh nhất định không thốt ra nửa tiếng phản đối. Anh bận cả áo dạ để nằm ngủ, anh đội mũ nỉ có vành che kín hai tai, trùm mền kín từ đầu đến chân. Nằm co quắp trong giường, không dậy ăn sáng, bất kể những lời thúc giục của Shusterman và những tiếng động trong phòng, Rubin cố gắng một cách tuyệt vọng kéo dài giờ ngủ.

Potapov, người xung phong đi ra sân, là người đến bàn ăn sáng trước nhất. Anh đã uống trà, làm giường và ngồi trên giường đọc báo. Trong thâm tâm, anh nóng ruột mong đến giơ lên phòng làm việc. Hôm nay, anh sẽ thử dùng một bộ phận cơ khí anh vừa làm xong hôm qua.

Món ăn sáng hôm nay là món cháo kê. Nhiều tù nhân chê cháo kê nên không đến bàn ăn sáng.

Gerasimovich ngồi lại rất lâu trong phòng điểm tâm, anh cẩn thận xúc từng muỗng kê nóng đưa lên miệng.

Nerzhin bước vào gian phòng ăn tương đối vắng hơn mọi sáng, số người ngồi ăn sáng nay không đầy nửa số ghế, chàng gật đầu chào Gerasimovich và ngồi xuống một bàn riêng, ăn ngon lành.

Ăn sáng xong, Nerzhin trở về giường chàng, và trong khoảng thời gian mười lăm phút còn được tự do buổi sáng, chàng nằm dài trên giường, nhìn lên trần nhà.

Quanh chàng, các bạn tù bàn tán rì rào về số phận của Ruska – Ruska là một tù nhân trẻ bị tố cáo vì tội âm mưu trốn khỏi Viện, người tố cáo Ruska là một tù nhân làm gián điệp cho ban quản đốc, rõ hơn là làm chỉ điểm cho hai sĩ quan an ninh Shikin và Myshin – Đêm qua, Ruska không về ngủ và những tù nhân biết rằng người tù trẻ tuổi này đã bị nhốt trong một phòng giam ở gần văn phòng của Thiếu tá Shikin.

Họ bàn tán đến chuyện có thể nào “hai mươi lăm năm cải huấn” của Ruska có thể bị chuyển thành “hai mươi lăm năm cấm cố” hay không? Những nhà tù đặc biệt gồm toàn những xà lim nhỏ để giam cấm cố tù nhân được xây dựng nhiều trong năm qua và án tù cấm cố mỗi ngày một nhiều.

Giữa tiếng cười ồ của mọi người, Rubin tung mền ngồi dậy. Các bạn tù cười Rubin vì anh bận cả áo nỉ và đội mũ che kín tai để ngủ. Rubin không bao giờ giận dữ khi thấy người khác cười mình. Anh lột cái mũ nỉ ra khỏi đầu nhưng vẫn bận áo nỉ, anh yêu cầu người bạn tù đứng gần bình trà rót cho anh một ly. Ngồi trên giường, với bộ râu tóc rối, anh ăn bánh, uống nước trà. Và trước vẻ ngái ngủ biến hẳn trên mặt anh, Rubin đã chăm chú vào những trang tiểu thuyết của Upton Sinclair. Sáng nay, Rubin ở trong trạng thái tinh thần u sầu hết sức.

Trong Viện, những hoạt động của buổi sáng đang diễn ra liên tục. Trung úy Shusterman bước vào phòng, lớn tiếng nói chung cho tất cả mọi người:

“Chú ý… Tù nhân được thông báo để biết rằng từ hôm nay trở đi, sau bữa tối, sẽ không một ai còn được vào nhà bếp để xin nước nóng. Cũng không ai được làm rộn sĩ quan trực về chuyện nước nóng”.

Pryanchikov nhảy từ trên giường xuống, anh hỏi như gào lên:

“Lệnh của ai vậy?”

“Lệnh của Viện trưởng!” Shusterman đáp.

“Lệnh này ra từ bao giờ?”

“Hôm qua”.

Pryanchikov nắm chặt bàn tay và giơ nắm tay lên đấm đấm về phía trần phòng như anh kêu gọi trời, đất làm chứng cho anh:

“Không thể được, chuyện này không thể xảy ra được” – anh tức giận nói – “Tối thứ Bảy, chính Tổng trưởng Abakumov hứa với tôi là sẽ có nước nóng để pha trà ban đêm cho chúng ta. Chuyện này không hợp lý chút nào. Chúng ta phải làm việc đến nửa đêm mà”.

Một tràng cười của các tù nhân nổi lên đáp lời Pryanchikov.

“Vậy thì đừng làm việc đến nửa đêm nữa, có gì phải thắc mắc”.

Người nói câu trên là tù nhân Dvoyeysov.

Shusterman giải thích:

“Không có tiền trả lương cho người nấu bếp ban đêm”.

Rồi Shusterman mở một bản danh sách ra đọc. Y chỉ mới nói hai tiếng “Chú ý…”, tất cả mọi tù nhân trong phòng đã im lặng để nghe. Họ linh cảm được rằng họ sắp được nghe một chuyện quan trọng.

Shusterman lớn tiếng:

“Chú ý… Những người có tên dưới đây sẽ không phải đi làm việc ở Viện sáng nay… Những người có tên dưới đây chuẩn bị ngay để di chuyển. Trong phòng này: Khorobrov, Mikhailov, Nerzhin, Syemushin. Bốn người hãy mang trả tất cả những đồ được Viện phát ngay bây giờ…”

Shusterman bước ra khỏi phòng.

Như trong một cơn lốc, bốn người vừa được đọc tên được tất cả mọi anh em trong phòng xúm xít bao quanh.

Những người tù bỏ những ly nước trà, bỏ những mẩu bánh ăn dở để xúm lại quanh những người sắp phải ra đi. Với tổng số hai mươi lăm người trong phòng ngủ này, số bốn người phải ra đi là một tỷ lệ quá cao. Tất cả mọi người cùng nói một lúc, những giọng nói nghẹn ngào, những giọng nói buồn rầu, những giọng nói giận dữ chen lẫn nhau. Có những người lắc đầu, có những người đấm ngực, có những người run rẩy vì giận. Cảnh phòng ngủ lúc đó là một cảnh lẫn lộn những buồn rầu, lo âu, giận hờn, khuất phục, chịu đựng và muốn nổi loạn. Bỗng Rubin đứng cao lên mặt giường, anh giơ hai tay lên, la lớn:

“Sáng nay là một sáng đáng ghi nhớ của Viện Mavrino… Buổi sáng hành quyết…!”

*****

Cuộc di chuyển là một khúc quanh trong dòng đời của tù nhân, nó cũng quan trọng và quyết định như vết thương đối với một người lính. Vết thương có thể nhẹ hoặc nặng, có thể sẽ lành hoặc làm cho người lính chết, người tù có thể bị di chuyển đi xa hoặc gần, đi đến chỗ không mấy khổ hơn hoặc đi đến chỗ chết.

Khi người ta đọc những hồi ký về những nhà giam khổ sai ghê gớm nhất được Dostoyevski viết lại, người ta phải ngạc nhiên khi thấy ở đấy những tù nhân được sống êm đềm biết là chừng nào. Trong những nhà giam được tả trong hồi ký tù đày của Dostoyevsky, cả mười năm không có quá một lần di chuyển tù nhân.

Người tù sống ở một chỗ, quen thuộc với những bạn tù, quen thuộc với việc làm mỗi ngày của mình, quen thuộc cả với những kẻ có quyền giam giữ, kiểm soát mình. Dù không muốn thu thập tư sản, người tù đó cũng dần dần có những vật sở hữu của riêng y: y có thể có một cái va-li bằng vải từ bên ngoài gửi vào, hoặc một va-li bằng plastic do một bạn tù nào đó chế tạo, hoặc do chính y làm lấy, y có một khung hình trưng hình vợ y hoặc hình con gái y. Y có một đôi giày vải mềm để đi ban đêm và cất giấu ban ngày để tránh bị tịch thâu, y có thể có thêm một cặp quần lót, hoặc một đôi giày cũ phải trả lại ban quản đốc nhưng y lén giữ lại được. Y có thể có một bộ kim chỉ riêng, một lố nút áo riêng. Lúc nào y cũng có thuốc lá để hút.

Nếu y chịu khó, y có thể có được một gói bột đánh răng và thỉnh thoảng y chà răng cho trắng. Y sưu tập được một tập thư do người thân của y gửi vào tù cho y, có được một hai quyển sách riêng, nhờ khéo léo và đổi chác, y có thể đọc được hết những quyển sách riêng của những tù nhân khác.

Nhưng cuộc di chuyển là một tai họa đánh vỡ tan cuộc sống yên ổn tạm bợ đó của người tù – tai họa đến như tiếng sét, luôn luôn bất ngờ, không bao giờ đến trước để nạn nhân kịp chuẩn bị, tai họa đến vào những lúc nạn nhân không ngờ nhất – chỉ tới phút cuối cùng, người ta mới chịu báo cho nạn nhân biết y bị di chuyển. Người ta vội vã xé nhỏ những bức thư của thân nhân. Nếu y được đưa đi bằng xe vận tải, loại xe dùng để chở bò tới lò thịt, nhân viên áp giải tù sẽ cắt hết nút quần, nút áo của y và vứt gói bột chà răng, gói thuốc lá của y đi vì những thứ đó có thể dùng để ném vào mắt họ trong trường hợp tù nhân vượt ngục. Nếu người tù được đưa đi bằng loại xe Stolopyn nhỏ, bọn giải tù sẽ làm gãy góc va-li của y vì thùng chứa đồ trong xe quá nhỏ, khung hình trong va-li sẽ bị gãy. Dù đi bằng xe vận tải hay xe Stolopyn, họ sẽ tịch thâu những cuốn sách của tù nhân, vì luật cấm tù nhân không được quyền mang sách báo theo khi di chuyển, tịch thâu cây kim khâu vì cây kim này có thể dùng đâm người giải tù, những món đồ dư thừa không được khai báo của người tù sẽ bị vứt lại.

Và như vậy là người tù bị di chuyển mất hết những vật sở hữu hiếm hoi, nghèo nàn của y, mất hết bạn hữu, y chắp hai bàn tay không sau lưng và đi thẳng – chỉ cần y bước trệch sang bên cạnh một bước là nhân viên giải tù nổ súng ngay – giữa những con chó dữ và những người gác, y leo lên xe.

Đôi khi, người tù được đưa ra nhà ga xe hỏa để lên toa xe bít bùng, loại toa tàu chở súc vật, để đi đến một nơi nào đó mà y không được báo trước. Đôi khi, bạn có dịp nhìn thấy những người tù này ở sân ga, họ bó gối ngồi xổm ở một góc sân ga chờ lên tàu, và bạn quay mặt nhìn đi chỗ khác. Bạn sợ viên sĩ quan an ninh chỉ huy cuộc chuyển tù này nhìn thấy, nghi là bạn có liên hệ gì đó đến bọn tù và kéo bạn vào phòng thẩm vấn.

Bọn tù được đưa lên toa xe, và toa xe này sẽ được nối liền với toa chở thư, hai bên toa kín mít, họ mang những kỷ niệm, những ký ức, những hy vọng và sợ hãi đi theo họ trên con đường sắt dài thăm thẳm.

Họ đi đâu? Họ không được biết. Cái gì chờ đợi người tù ở cuối cuộc du hành này? Một mỏ đồng? Một xưởng chặt cây trong rừng thẳm hoặc một nông trại ở một miền hoang vu, nơi họ thỉnh thoảng có dịp được ăn lén vài trái su, trái bắp. Người tù sẽ bị phù thũng hay tê liệt sau những tháng đầu lao động vất vả hay y sẽ may mắn được gặp người quen, được trao cho làm những việc đỡ vất vả như gác kho, quét xưởng, lao công bệnh viện, hoặc may mắn hơn nữa, thư ký bàn giấy lo việc giấy tờ, sổ sách? Y có được ban quản đốc cho phép gửi thư báo cho thân nhân biết địa chỉ mới của y hay không? Hay gia đình y sau khi bặt tin y, sẽ nghĩ rằng y đã chết?

Cũng có thể, người tù sẽ không đi hết cuộc đi này. Trong một toa xe chở súc vật kín mít, đi trong nhiều ngày, nhiều đêm, y có thể chết vì bệnh kiết lỵ hoặc vì đói, vì kiệt sức: y không được ăn trong sáu ngày. Hoặc bọn giải tù có thể đánh y bằng búa vì trong bọn y có kẻ âm mưu trốn đi. Khi xe ngừng và cửa xe mở, bọn giải tù đạp những xác tù cứng đơ lăn ra khỏi toa xe như những khúc gỗ.

Những chuyến xe hỏa chở tù sơn màu đỏ phải mất một tháng rưỡi mới tới Sovetskaya Gavan.

Xin Chúa cho những kẻ không tới nơi được yên nghỉ ngàn đời!

Mặc dù những nhân viên ở Viện Mavrino đã tỏ ra dễ dãi với những kẻ ra đi – họ cho phép tù nhân phải di chuyển được mang theo dao cạo mặt tới nhà tù mới – những câu hỏi trên đây vẫn đè nặng trên trái tim hai mươi người tù được lệnh chuẩn bị di chuyển trong buổi sáng thứ Ba ấy.

Với những người này, cuộc sống tự do một nửa, cuộc sống không bị đày đọa, hành hạ quá đỗi của những tù nhân được làm việc trong những Viện khoa học đã chấm dứt.

42. Vĩnh biệt, vĩnh biệt…!

Tuy rằng Nerzhin đang bối rối vì cuộc di chuyển, chàng vẫn thấy cần, và chàng tin chắc rằng, để vĩnh biệt Viện Mavrino, chàng phải cho Thiếu tá Shikin một bài học, hoặc làm cho y phải khó chịu. Vì vậy, khi chuông báo giờ làm việc reo vang, Nerzhin không chịu ngồi chờ trong phòng ngủ như những người sắp phải di chuyển, chàng đi thẳng lên tầng lầu thứ ba, gõ mạnh lên cánh cửa văn phòng của Thiếu tá Shikin.

Thiếu tá Shikin không sao có thể chịu đựng nỗi gã tù nhân gầy guộc, khó chịu có thái độ cứng ngắc và có sự hiểu biết tỉ mỉ về pháp luật tên là Gleb Nerzhin. Đã nhiều lần Shikin đề nghị với Viện trưởng Yakanov tống khứ tên tù Gleb Nerzhin ra khỏi Viện nhưng đề nghị ấy đến hôm nay mới thực hiện được. Khi Nerzhin lừ lừ bước vào phòng. Shikin nhận thấy nét mặt lầm lì của Nerzhin và y cảm thấy sung sướng, thỏa thuê trong lòng. Y tin chắc Nerzhin tới để hỏi y về lý do và nguyên nhân mình bị di chuyển đi khỏi Viện Mavrino.

Nerzhin là người tù có khả năng thiên phú có thể thâu gọn cả một bản văn khiếu nại trong vài câu nói vắn tắt nhưng rõ rệt, đanh thép, hoặc viết lại những lời phản đối ấy thành chữ trên những tờ giấy vệ sinh mà ban quản đốc nhà tù cấp cho các tù nhân. Sau năm năm ở tù, chàng cũng đã luyện thành được một lối đối thoại đặc biệt với bọn nhân viên cao cấp trong ban quản đốc – lối nói này, theo ngôn ngữ của tù nhân, là lối nói “khiêu khích hợp pháp”. Lời lẽ của Nerzhin tuy vẫn lễ đọ nhưng ẩn chứa sự mỉa mai, châm biếm mà người nghe dù có ngu si hay vô ý đến đâu cũng phải nhận thấy – lối nói ấy gần giống như lối nói của những bậc lão thành thường dùng để nói với bọn trẻ. Nói được như thế là cả một nghệ thuật. Người bị nghe chỉ khó chịu nhưng không làm gì được, càng dễ lộ sự khó chịu của mình là càng thú nhận sự thua kém.

“Công dân Thiếu tá” – Nerzhin nói ngay khi chàng vừa bước vào phòng – “tôi tới để lấy lại quyển sách ông đã tịch thâu trái luật của tôi. Tôi có đủ dữ kiện để nghĩ rằng khoảng thời gian sáu tuần lễ đã đủ, căn cứ trên những phương tiện thông tin ở Mạc Tư Khoa, để ông tìm biết rằng quyển sách đó không bị cấm đọc”.

“Sách?” Shikin hỏi lại. Trong lúc ấy y không nghĩ ra được điều gì thông minh hơn để nói. Ý tưởng nói riêng tới than thở, y không ngờ chàng tới để đòi sách – “Sách nào?”

“Tôi biết chắc rằng ông dư biết tôi đang nói đến quyển sách gì” – Nerzhin nói tiếp – “Đó là quyển thơ Yesenin của Thi sĩ Sergei Yesenin, do Nhà xuất bản “Thơ dân tộc” ấn hành”.

“Yesenin? Quyển thơ Yesenin?”

Thiếu tá Shikin thảng thốt kêu lên, như Yesenin là một cái tên người làm cho y ghê tởm:

“Sao anh lại có thể nghĩ đến chuyện đòi lại quyển thơ đó trong lúc này?”

Y muốn nói là “trong lúc anh sắp đi đến chỗ chết…”.

“Tại sao lại không? Quyển thơ đó được ấn hành ở ngay trên Liên bang Xô Viết, được phát hành vào năm 1940 chứ không phải là trong khoảng thời gian bị cấm từ 1917 đến 1938″.

Shikin nhíu đôi lông mày rậm:

“Sao anh biết rõ như thế?”

Nerzhin trả lời ngay, trôi chảy, như chàng đã biết trước sẽ có câu hỏi đó và chàng đã thuộc lòng câu trả lời:

“Một nhân viên kiểm duyệt ấn phẩm đã cho tôi biết như thế. Có lần ông ta định tịch thâu quyển Tự điển Dahl của tôi, với lý do là quyển tự điển này được ấn hành năm 1935, năm đang có lệnh cấm, nhưng khi tôi cho ông ta thấy rằng quyển tự điển của tôi chỉ là ấn bản in lại đúng như ấn bản được ấn hành năm 1881, ông ta chấp thuận để tôi giữ nó, vì tiêu chuẩn kiểm duyệt không đụng tới những ấn phẩm ấn hành trước cuộc cách mạng. Ông ta nói rõ là “thời đó kẻ thù của nhân dân chưa hoạt động mạnh”. Điều phiền cho Thiếu tá là quyển Thơ Yesenin của tôi được ấn hành năm 1940″.

“Được lắm. Nhưng anh đã đọc kỹ quyển thơ đó chưa? Anh có thể viết lại những lời anh vừa nói xuống giấy được không?”

“Theo điều 95 Luật Đại hình của Liên bang Xô Viết, ông không có quyền đòi hỏi tôi phải khai trên giấy về một sự kiện như thế. Tôi chỉ cần khai bằng miệng: quyển thơ đó thuộc quyền sở hữu của tôi, và, vì vậy, tôi đòi hỏi được giữ nó”.

Shikin giơ hai bàn tay ra trong một cử chỉ muốn nói: “Anh chỉ khổ thêm thôi, chẳng có lợi gì cho anh hết”.

Nerzhin làm cho Shikin cụt hứng vì câu nói tiếp:

“Để kết luận, tôi nhắc lại lời yêu cầu của tôi. Theo tinh thần Khoản 7, Điều B trong nội quy khám đường, ông làm ơn trả lại tôi quyển sách ông đã lấy của tôi một cách bất hợp pháp”.

Như ngồi không yên vì sự ngược đời ấy: một sĩ quan an ninh bị một tù nhân đem luật pháp ra bắt bẻ, Shikin đứng lên. Khi y ngồi, cái đầu to tướng của y cho người nhìn cái cảm giác là y rất to lớn, nhưng khi y đứng lên, thân hình co rúm lại, vì hai chân y quá ngắn. Y hầm hầm đi tới mở tủ, lấy ra quyển thơ xinh xắn, bìa vàng nhạt. Y đã đánh dấu nhiều đoạn trong quyển thơ này. Đem quyển thơ trở về bàn. Y ngồi xuống ghế và không mời Nerzhin ngồi, y chậm chạp lật từng tờ, tìm những đoạn y đánh dấu. Nerzhin thản nhiên ngồi xuống ghế. Chàng nhìn thẳng vào mặt Shikin, chờ đợi y dở những trò gì.

“Rồi, anh nghe đây…” Viên Thiếu tá an ninh nói sau tiếng thở dài và y bắt đầu đọc những lời thơ Yesenin, giọng y vô cảm giác, y nhấn mạnh vần điệu của những câu thơ theo nhịp chày máy giã gạo:

Trong kìm kẹp xa lạ vô hồn
Những bài thơ của tôi rồi cũng chết,
Những hàng cây cổ thụ cúi đầu
Để tang chủ nhân của chúng.

“Chủ nhân được nói đến trong đoạn thơ này là ai? Kìm kẹp nào?”

Người tù nhìn những ngón tay mập trắng của viên sĩ quan an ninh:

“Nói theo tinh thần giai cấp, Yesenin là một thi sĩ ít học” Nerzhin nói như ông thầy giảng bài – “Có nhiều điều mà thi sĩ không hiểu. Cũng như Pushkin, như Gogol…”

Trong giọng nói của Nerzhin có những âm thanh lạ lùng làm cho Shikin ngại ngùng. Trước mặt những tù nhân không ngán sợ y, Shikin cảm thấy sợ hãi, nỗi sợ hãi thầm kín của những kẻ ăn no, mặc ấm, có tiền, có quyền khi phải đối phó với những người ăn bận rách rưới, thiếu thốn đủ thứ. Quyền lực của y lúc này là một cái gì không còn bảo vệ được y hữu hiệu nữa. Để được yên tâm, Shikin đứng dậy đi ra, mở hé cánh cửa phòng.

Trở lại ghế ngồi, y mở quyển thơ đọc tiếp:

“Còn câu này nữa…

Một bông hồng trắng và một con cóc đen
Tôi muốn cho chúng kết hôn…

Như vậy là nghĩa lý gì? Hắn định ám chỉ ai đây?”

Cổ họng người tù se lại:

“Không có gì khó hiểu” – Nerzhin nói – “Bông hồng trắng là hình ảnh tượng trưng cho sự thật, con cóc đen tượng trưng cho sự giả dối, xấu xa, ác độc…”

Đúng như một con cóc đen, viên sĩ quan an ninh đầu to, tay ngắn, ngây mặt nhìn người tù.

“Công dân Thiếu tá” – Nerzhin nói nhanh – “Tôi tiếc không có thì giờ để thảo luận văn nghệ với Thiếu tá. Tôi sắp đi khỏi đây. Người ta đang chờ tôi. Sáu tuần lễ trước đây, khi tạm giữ quyển thơ này của tôi, ông nói rằng ông sẽ hỏi Sở Kiểm duyệt. Ông đã hỏi rồi chứ?”

Shikin gập mạnh quyển thơ:

“Tôi không bắt buộc phải cho anh biết về việc làm của tôi. Tôi nhất định không trả anh quyển thơ này. Dù tôi có trả, anh cũng không mang đi được”.

Nerzhin giận dữ đứng dậy, hai mắt chàng vẫn nhìn vào quyển thơ Yesenin. Chàng nhớ lại những nét chữ yêu đương, trìu mến của vợ chàng đã viết trên trang đầu quyển thơ nhỏ ấy:

Cũng như tập thơ này, những gì anh mất sẽ trở lại với anh.

Tiếng nói vượt ra khỏi vành môi chàng một cách dễ dàng:

“Công dân Thiếu tá… tôi hy vọng ông không quên rằng tôi là kẻ, trong suốt hai năm trời, đã liên tiếp đòi Bộ An ninh phải trả lại tôi số tiền Ba Lan mà những sĩ quan an ninh như ông đã tịch thâu của tôi lúc tôi bị bắt. Hội đồng Xô Viết Tối cao sau cùng, đã ra lệnh hoàn trả tôi số tiền đó, mặc dù khi họ trả lại tôi, những đồng tiền đó đã hết lưu hành. Họ cười tôi, nhưng sau cùng, họ vẫn phải trả lại tôi nguyên số. Còn nhiều vụ nữa. Tôi nói trước cho ông biết: Tôi sẽ không cho ông quyển thơ này. Tôi sẽ chết ở băng tuyết Tây Bá Lợi Á nhưng từ cuộc sống bên kia tôi sẽ trở về giằng ra khỏi tay ông quyển thơ của tôi. Tôi sẽ gửi đơn đi khắp nơi kiện ông. Ông nên đưa trả tôi để khỏi phải bực bội”.

Và ông Thiếu tá An ninh đành phải chịu thua gã tù nhân khốn khổ sắp lên đường đi đến chỗ chết dần mòn. Thực ra Shikin đã hỏi Sở Kiểm duyệt và ngạc nhiên khi được trả lời là quyển thơ Yenesin không bị chính thức cấm đọc. “Chính thức” có nghĩa là y có thể cấm nếu y thấy có hại hoặc y có thể cấm được. Hôm nay, y chịu trả lại vì tự vệ, y không muốn rắc rối vì tên tù chuyên môn gây sự này.

“Được rồi. Tôi trả anh, nhưng tôi sẽ không cho anh mang nó đi theo”.

Như vậy có nghĩa là lát nữa đây, trong cuộc kiểm soát trước khi ra khỏi Viện, quyển thơ này của Nerzhin sẽ bị vứt lại, vì luật cấm tù nhân khi di chuyển không được mang theo sách báo, nhưng lúc này, đó là một chiến thắng của Nerzhin. Chàng ôm quyển thơ trước ngực, rảo bước đi trên cầu thang.

Trên hành lang, chàng gặp một nhóm tù nhân đang đứng bàn tán về tin di chuyển. Siromakha cũng có mặt trong đám người này. Họ nói nhỏ với nhau để bọn có quyền không nghe thấy:

“Họ làm chi vậy? Cho những người tài năng như thế đi khỏi Viện sao? Tại sao? Còn Ruska Doromin? Thằng chó nào đã tố cáo Ruska?”

Ôm chặt quyển thơ Yesenin trước ngực, Nerzhin rảo bước đi tới Phòng Âm thính. Chàng đang mãi nghĩ đến chuyện chàng sẽ làm cách nào để thủ tiêu cho xong những tờ giấy chàng ghi chép những cảm nghĩ của chàng về lịch sử trước khi bọn giám thị tới kéo chàng đi, ngồi yên một chỗ đợi giờ di chuyển. Theo luật, những tù nhân di chuyển kể từ phút được nhân viên quản đốc cho biết sự di chuyển này không được đi lại bừa bãi trong Viện nữa.

Chàng đẩy cánh cửa Phòng Âm thính và bước vào: Simochka hiện ra trước mắt chàng, nàng đang đứng giữa hai cánh cửa tủ sắt đựng hồ sơ, tài liệu; nàng đang lấy hồ sơ, tài liệu trao cho mọi người làm việc trong phòng này. Sáng nay, nàng lại bận bộ áo kẻ sọc dài không hợp với nàng chút nào với cái khăn choàng xám phủ trên đôi vai gầy.

Kể từ cuộc đối thoại tàn nhẫn hôm qua, đây là lần đầu họ gặp lại nhau.

Nàng không nhìn thấy nhưng nàng cảm thấy Nerzhin vào phòng, và nàng xúc động, nàng đứng ngây, như nàng đang suy nghĩ nên lấy những gì và không nên lấy những gì ra khỏi tủ sắt.

Trong khi đó, không suy nghĩ, không đắn đo, Nerzhin đi thẳng tới đứng sau lưng nàng, chàng khẽ nói:

“Serafima Vitolyevna… sau ngày hôm qua, tôi không còn có thể nhờ vả gì em được nữa, nhưng tôi sắp ra đi, những gì tôi viết lại trong nhiều năm trường sắp bị tiêu hủy. Tôi nên đốt chúng đi, hay là em có thể giữ giùm tôi?”

Nàng đã biết tin chàng đi, nàng không xúc động nữa khi nghe nói chuyện chàng sắp đi, nàng chỉ ngước đôi mắt buồn lên nhìn chàng và đáp:

“Đưa cho em”.

Có người tới, Nerzhin đi về bàn làm việc của chàng. Chàng mở ngăn kéo, lấy hết giấy tờ, sổ sách ra để lên mặt bàn. Tất cả những thứ này đều phải trao lại cho Simochka. Chàng đã đặt ba quyển sổ ghi của chàng lên mặt bàn nhưng trong thâm tâm chàng, như có một viên cố vấn nội tâm khuyên chàng không đưa nên đưa những quyển sổ tay này cho người đàn bà kia, không nên tin ở nàng.

Nerzhin nhìn sang khuôn mặt bí mật, khó hiểu của Simochka. Bỗng dưng chàng nghĩ: Phải chăng đây là một cạm bẫy? Một thủ đoạn trả thù của đàn bà? Dù sao nàng cũng vẫn là một Trung úy MGB.

Dù nàng có không lừa dối mình hôm nay, liệu nàng có giữ được lời hứa mãi hay không? Có một ngày nàng sẽ có chồng và sẽ đưa những quyển sổ ghi này cho chồng nàng coi.

Chàng bỏ ba quyển sổ tay vào túi và cầm lấy bao quẹt, chàng đi vào cầu tiêu. Mười phút sau, chàng đi trở ra, da mặt chàng xanh xao nhưng thản nhiên.

Rubin từ trên Phòng Tối mật đi xuống. Đôi mắt anh buồn và có quầng thâm.

Tay cầm quyển thơ, Nerzhin nói với Rubin:

“Nếu anh thích đọc Yenesin, tôi biếu anh ngay…”

“Thật ư?” – Rubin ngạc nhiên hỏi. Rồi không chờ Nerzhin trả lời, anh rút trong túi áo ra một cái bàn chải để quét xà-bông cạo râu, cán bàn chải làm bằng xương, đối với tù nhân, một cái bàn chải nhìn thấy này được kể là rất lịch sự – “Anh không có bàn chải, còn tôi thì đã thề bao giờ được miễn tố tôi mới cạo râu, anh cầm lấy…”

Không bao giờ Rubin nói rằng “đến ngày tôi ra khỏi tù”, vì nói như thế tức là công nhận án tù của mình. Rubin vẫn cho là mình vô tội, mình bị tù oan.

“Cám ơn bạn…” Nerzhin cười nhẹ – “Anh đã quen thuộc với cuộc sống trong Viện rồi, anh đã quen những luật lệ ở trại tập trung. Ở nơi tôi sắp tới, người ta đâu có cho phép tôi cạo râu?”

Hai người bạn đứng nhìn nhau. Rồi Nerzhin nói:

“Này bạn… trong ba năm qua chưa bao giờ chúng ta đồng ý với nhau lấy một lần, chúng ta tranh luận, đả kích nhau, chế nhạo nhau, nhưng giờ đây khi tôi sắp mất bạn, có thể là mất mãi mãi, tôi thấy là đối với tôi bạn là… là…”

Giọng nói của chàng vỡ ra.

Đôi mắt đen của Rubin sáng lên niềm trìu mến và ngượng ngùng.

“Đây là chuyện đã qua” – Rubin gật đầu – “Chúng ta là bạn…”

Anh ghé bộ râu quai nón vào mặt Nerzhin, hôn lên má Nerzhin.

43. Thịt

Khi những tù nhân được lệnh di chuyển vào tới Phòng An ninh, họ bị khám xét. Khi khám xét xong, họ được đưa vào một gian phòng chỉ có hai cái bàn và một cái ghế dài. Thiếu tá Myshin có mặt trong suốt cuộc khám xét. Y không thèm cúi xuống những túi hành lý của bọn tù nhân – việc làm này không xứng đáng với cấp bậc của y – nhưng y tin rằng sự có mặt của y thúc đẩy bọn Giám thị làm tròn bổn phận. Bọn giám thị dở xem từng cái quần áo rách của tù nhân, chúng đặc biệt để ý đến giấy tờ. Luật ghi rằng những tù nhân ra khỏi những Viện Khoa học tuyệt đối không được đem theo bất cứ một mảnh giấy có chữ viết, hay chữ in nào. Vì vậy, đa số tù nhân đã đốt những bức thư gia đình của họ trước khi chịu cuộc khám xét.

Hai mươi người tù được đưa vào phòng chờ với những món đồ được phép mang theo. Cửa phòng này khóa lại, một người gác đứng gác ở cửa này chờ xe Maria Đen tới đưa tù nhân đi. Sự liên lạc như vậy là đứt đoạn giữa 20 ra đi và 261 người còn ở lại.

Những người tù ra đi vẫn còn ở trong Viện, nhưng cũng như họ không còn ở đó nữa. Họ tìm chỗ ngồi nghỉ chân trong phòng. Thoạt đầu, tất cả đều im lặng.

Mọi người kiểm soát lại xem họ còn mang theo được những gì, họ bị lấy mất những gì. Họ nghĩ đến cuộc sống vừa qua trong Viện, họ mất những gì khi phải đi khỏi Viện, họ đã sống được bao nhiêu năm tháng trong Viện và họ còn phải sống bao nhiêu năm tháng nữa mới hết hạn tù. Như tất cả những người tù trên cõi đời này, họ đếm đi đếm lại những năm tháng: những năm tháng họ đã mất và những năm tháng họ còn phải mất.

Rồi họ nghĩ đến gia đình họ, đến những người thân họ phải xa cách, đến chuyện họ sẽ phải xin người thân viện trợ, giúp đỡ, vì ở nơi họ sắp tới, người đàn ông khoẻ mạnh làm việc mười hai tiếng một ngày vẫn không được ăn no đủ để sống.

Họ nghĩ lại những việc làm vô ý thức hoặc cố tình mà họ đã làm, những việc đưa họ đến chuyến đi này.

Họ nghĩ đến nơi họ có thể bị đưa tới, đến những gì chờ đợi họ ở đó, họ nghĩ trước đến những việc họ phải làm để có thể sống ở đó.

Không ai thổ lộ tâm trạng của mình với ai, nhưng tất cả đều u buồn, lo âu.

Mọi người đều muốn được trấn an và hy vọng.

Vì vậy, khi họ bắt đầu nói chuyện với nhau, một người trong bọn nói rằng rất có thể họ sẽ không bị đưa đến trại tập trung, họ chỉ phải qua một Viện Khoa học khác, cả những người không tin cũng lắng nghe.

Ngay cả Đấng Christ khi ở trong vườn Gethsemani, biết rõ số mệnh cay đắng của mình, vẫn còn cầu nguyện và hy vọng.



Bên ngoài bức tường, họ nghe thấy tiếng động cơ xe hơi. Rồi tiếng nói gắt gỏng của Trung tá Klimentiev.

Họ được gọi ra khỏi phòng từng người một.

Những người tù tay xách hành lý, cúi thấp đầu xuống khi bước lên xe để khỏi đụng đầu vào vách cửa xe. Mười tám người tù cúi đầu lên xe như thế, không một ai nhìn từ biệt hàng cây cổ thụ ủ rũ trong sương.

Có hai người tù không cúi đầu khi đi lên xe. Hai người đó là Khorobrov và Nerzhin – nhưng hai người này cũng không nhìn về phía hàng cây. Họ tò mò nhìn chiếc xe chở họ đi.

Lâu rồi người ta không còn dùng chiếc xe bít vùng sơn đen chở tù đi trong các đường phố nữa – loại xe này làm cho dân chúng sợ hãi – bây giờ họ chở tù trong những chiếc xe giống hệt xe chở hàng tạp hóa, chở thực phẩm. Thùng xe cũng sơn màu cam và màu trắng xanh vui mắt. Thành xe cũng kẻ những hàng chữ bằng bốn thứ tiếng:

Khleb – Pain – Brot – Bread

Myaso – Viande – Fleish – Meat

Trước khi bước lên cửa xe Maria Đen, Nerzhin bước sang cạnh xe và chàng nhìn được một chữ kẻ trên thùng xe. Đó là chữ “Meat”.

Trong lòng xe tối om, người ngồi và hành lý chật cứng. Sau khi đẩy người tù cuối cùng lên xe, người gác đóng cửa và khóa lại.

Ở phía đầu xe, sát với thùng tài xế ngồi, có một ngăn nhỏ để nhốt tù nhân chống đối, làm dữ. Tiếng nói của Ruska trong ngăn đó vang ra:

“Anh em… Tôi bị đưa đi Butyrskaya để thẩm vấn. Anh em nào đó? Những ai bị đưa đi?”

Cả hai mươi người tù cùng trả lời một lúc.

“Ruska… Ai tố cáo chú?” Nerzhin la lên.

“Thẳng Siromakha”.

Một người chửi trong bóng tối:

“Thằng khốn nạn”.

“Có bao nhiêu anh em phải đi?” Ruska hỏi lớn:

“Hai mươi người”.

“Đừng sợ, Ruska” – một người la lớn – “Mình sẽ gặp nhau ở Trại Tập trung”.

Xe chạy, Nerzhin và Gerasimovich va mạnh vào nhau. Cả hai cùng giương mắt nhìn để nhận ra nhau trong bóng tối. Có một cái gì đó ngoài sự chật chội của thùng xe này làm cho họ gần nhau hơn.

Ilya Khorobrov, tinh thần đã lên cao hơn được một chút, đột nhiên nói lớn và rõ:

“Đừng sợ, anh em. Đừng sợ khi chúng mình phải đi. Anh em đừng thèm coi cuộc sống trong Viện này là cuộc sống đáng để cho ta luyến tiếc. Ở đó chúng ta phải sống chung với những thằng khốn nạn như thằng Siromakha. Ở đó cứ trong năm mươi tên lại có một thằng chỉ điểm. Mình đánh rắm trong cầu tiêu bọn quản đốc chúng nó cũng biết. Chúng nó không cho mình nghỉ ngày Chủ nhật trong suốt hai năm nay. Ở đó mình phải làm việc mười hai tiếng một ngày. Chúng nó còn cấm mình không được viết thư về cho gia đình. Còn công việc mình phải làm cho chúng ở đó nữa. Đó là địa ngục”.

Khorobrov yên lặng. Anh như người nói không nổi vì hờn giận.

Trong tiếng máy xe nổ êm và tiếng bánh xe lăn trên mặt nhựa xa lộ, giọng nói từ tốn của Nerzhin cất lên:

“Không, Ilya Terentich… Đó không phải là địa ngục. Bây giờ chúng ta mới đi vào địa ngục. Chúng ta trở về địa ngục. Nơi chúng ta vừa rời bỏ là tầng cao nhất, tầng tốt nhất, tầng đầu tiên của địa ngục. So với những tầng địa ngục chúng ta sắp xuống, tầng đầu tiên ấy có thể coi là thiên đường”.

Chàng không nói thêm nữa, vì thấy không cần phải nói. Mọi người đều biết rằng nơi họ đến cuộc sống sẽ khổ sở, ghê rợn hơn cuộc sống ở Viện Khoa học nhiều, ở những trại tập trung lạnh giá, họ nhớ lại Viện trong giấc mơ, như những giấc mơ vàng. Nhưng ngay lúc này, để khỏi mất can đảm, để có thể nghĩ là mình làm đúng, họ phải chê bỏ cuộc sống trong Viện, để đừng ai hối hận, đừng ai tự trách mình dại dột…

Khorobrov nói bằng một giọng quả quyết:

“Anh em nên nghe tôi… Thà mình ăn bánh hẩm với nước lã mà lương tâm vẫn yên ổn hơn là ăn thịt mà hèn hạ”.

Những người trong xe yên lặng.

Đúng thế, những cánh rừng hoang ở Tây Bá Lợi Á chờ đón họ, miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan chờ đón họ, ở đó họ sẽ đói, sẽ chết. Nhưng trái tim họ được yên ổn.

Trái tim họ tràn đầy cảm giác vô úy của những kẻ đã mất tất cả, sự vô úy này không tự nhiên mà có, người ta chỉ vô úy khi người ta chịu đựng.

Chở đầy nhóc những người, chiếc xe sơn màu cam vui mắt chạy qua những đường phố đông trong thành phố. Xe chạy qua cửa một trạm xe hỏa và dừng lại ở ngã tư chờ đèn xanh. Một chiếc xe du lịch nhỏ cũng đậu chờ đèn xanh ở đây. Người lái chiếc xe du lịch nhỏ này là đặc phái viên của tờ nhật báo tiến bộ Libération của Pháp quốc. Chàng đặc phái viên này đang trên đường tiến tới Vận động trường Dynamo để coi trận đấu hockey. Chàng nhìn sang chiếc vận tải sơn màu cam đậu bên cạnh va những chữ viết trên thành xe cho chàng biết đó là xe chở thịt.

Chàng nhớ rằng trong buổi sáng hôm nay, chàng đã nhìn thấy nhiều chiếc xe chở thịt như xe này chạy trong những đường phố của Mạc Tư Khoa, chàng lấy quyển sổ tay ra ghi vội vài dòng:

“Trong đường phố Mạc Tư Khoa người ta thường thấy những chiếc xe chở thực phẩm rất sạch sẽ, vệ sinh được bảo đảm đến mức tối đa. Ta có thể kết luận rằng việc tiếp tế thực phẩm cho thủ đô này thật là hoàn hảo”.

1955 – 1964

- Hết -

*****

Hoàng Hải Thủy
Tầng đầu địa ngục và lương tâm của một văn sĩ

Khảo luận về tác phẩm Tầng đầu địa ngục

Là một dân tộc tương đối nhỏ yếu, tuy chúng ta vẫn giữ được một nền văn hóa riêng, giữ được độc lập và những bản chất đặc biệt của dòng giống, nhưng trong lịch sử, dân tộc chúng ta đã quá nhiều lần phải chịu đựng nạn ngoại xâm. Vì vậy, chúng ta quen thuộc nhiều với nền văn chương ngoại quốc.

Trước đây, chúng ta quen thuộc văn chương Trung Hoa, ông cha chúng ta học chữ Hán, viết chữ Hán, làm thơ Đường luật. Sử sách của chúng ta ngày xưa cũng được ghi bằng chữ Hán. Rồi trước đây năm mươi năm, chúng ta học chữ Pháp, kiếm ăn bằng tiếng Pháp, dân tộc ta đã sản xuất ra được vài nhà văn viết tiểu thuyết hoặc khảo luận bằng tiếng Pháp.

Gần đây, chúng ta quen biết, gần gụi với văn chương Hoa Kỳ, qua sách báo, phim ảnh, Tivi, nhất là trong những năm nửa triệu người lính Mỹ lên đất ta giúp chúng ta đánh lại Cộng sản.

Ngoài văn chương Pháp và Hoa Kỳ, chúng ta cũng được biết khá nhiều về văn chương Anh.

Chúng ta chỉ được biết rất ít về văn chương Nga.

Sự kiện này không có gì khó hiểu. Nước Nga, từ một nửa thế kỷ này, nói rõ hơn, từ ngày chế độ Cộng sản được thiết lập trên nước Nga, đã trở thành một quốc gia thù hằn với tất cả những quốc gia không Cộng sản trên thế giới. Những người Cộng sản cầm quyền ở Nga thực hiện một chính sách bất thân thiện với toàn thể thế giới. Họ chỉ gây hận thù và chỉ nghĩ đến chuyện phá hoại để rồi nhuộm đỏ cả thế giới. Họ bao vây đất nước họ, đồng bào họ trong một bức màn sắt. Người thế giới tất nhiên là không thể liên lạc được với người dân Nga trong khi người dân Nga sống như những tù nhân trong lãnh thổ bị bưng bít của họ.

Văn chương Nga, từ trước thời Cộng sản vẫn là một thứ văn chương đứng hàng đầu ở Âu châu. Những văn hào Nga như Tolstoy, Dostoyevsky, Gogol, Tchekov nổi tiếng khắp thế giới. Tác phẩm của họ được kể là những sản phẩm tinh thần quý báu của toàn thể nhất là.

Nhưng từ khi chế độ Cộng sản được thiết lập trên đất Nga, nửa thế kỷ qua, văn chương Nga Cộng sản không còn đóng góp được gì đáng kể cho nhân loại. Số nhà văn Nga được thế giới biết đến có thể được đếm trên một ngón tay. Đó là những Ilya Ehrenbourg, Vladimir Dutdinsev… Và mới đây Boris Pasternak, Cholokov, rồi nhà văn Nga mới nhất: Aleksandr I. Solzhenitsyn.

Đáng kể nhất là điều mỉa mai nhất là Boris Pasternak và Aleksandr I. Solzhenitsyn, cả hai cùng đoạt giải Văn chương Nobel, lại nổi tiếng ở ngoại quốc hơn là nổi tiếng ở trong nước Nga, tác phẩm của cả hai nhà văn này đều được ấn hành, xuất bản ở Âu châu và Mỹ châu trước khi được ấn hành, xuất bản ở ngay trong nước Nga cho người Nga đọc. Tại sao có sự lạ lùng như vậy? Hai nhà văn lớn này có muốn thấy những đứa con tinh thần của họ có cuộc sống trái ngược với tự nhiên như vậy không: sách của văn sĩ Nga hiện sống trong đất Nga được đưa từ ngoại quốc vào đất Nga cho người Nga đọc lén? Họ có lén gửi tác phẩm của họ ra ngoại quốc để được dịch và xuất bản ở ngoại quốc hay không? Và nếu có, vì sao họ phải làm như thế?

Trường hợp đặc biệt của Aleksandr I. Solzhenitsyn và tác phẩm Tầng đầu địa ngục của ông đặt trước mặt nhân loại một vấn đề lớn – ta có thể gọi đây là vấn đề nan giải nhất của thế kỷ XX – đó là vấn đề tự do của con người bị giới hạn vì những quyền lợi chủ nghĩa, quốc gia, con người bị tan vỡ, bị tiêu diệt khi con người đụng chạm với những quyền lực lớn ở ngay trong đất nước của mình. Aleksandr I. Solzhenitsyn, với tác phẩm Tầng đầu địa ngục, kêu lên tiếng kêu xé trời của những người bị áp bức, tù đày trong Liên bang Xô Viết, nơi từng được tất cả những đảng viên Cộng sản trên khắp thế giới thành kính hướng về như những tín đồ hướng về đất thánh. Aleksandr I. Solzhenitsyn cũng là nhà văn Nga duy nhất hiện còn sống được ví cùng một lúc với Tolstoy và Dostoyevsky. Ông được coi giống với Tolstoy về văn pháp, về cách sử dụng văn Nga tài tình và phong phú, ông được coi giống với Dostoyevsky về tư tưởng, về sự đề cao giá trị con người trước những bất công của xã hội, những đè nén của bạo lực, và nhất là vì việc đưa tiểu thuyết những kinh nghiệm tù đày của chính bản thân. Cũng như Dostoyevsky từng bị tù đày nhiều năm ở Tây Bá Lợi Á, bị kết án tử hình, Aleksandr I. Solzhenitsyn đã phải ở tù mười một năm trong các trại tập trung và cưỡng bách lao động của chế độ Nga Xô Viết. Và cũng như Dostoyevsky, tù đày và những hành hạ về thể xác không thể làm mất được ý chí tinh thần của Aleksandr I. Solzhenitsyn, con người trong ông vẫn đứng thẳng và người văn sĩ trong ông vẫn tiếp tục ghi nhận sự thật, vẫn can đảm viết ra những sự thật ấy.

Chúng ta không thể hiểu được Aleksandr I. Solzhenitsyn và Tầng đầu địa ngục nếu chúng ta không được hiểu biết khá đủ về tình trạng “chế độ cai trị bằng công an, mật vụ ở các nước Cộng sản, điển hình nhất là ở Nga Xô Viết. Nhân viên mật vụ là bọn nắm quyền và được tả kỹ nhất trong những trang Tầng đầu địa ngục. Bọn Yakanov, Klimentiev, rồi cao hơn là Oskolupov, Sevastyanov, Abakumov chiếm nhiều trang ngang với những tù nhân vai chính như Gleb Nerzhin, Lev Rubin, Pryanchikov. Vì vậy, trước khi đi sâu vào đời tư nhà văn và tác phẩm, chúng tôi thấy sự cần thiết phải trình bày với bạn đọc về lịch sử những cơ quan Mật vụ của Nga Xô kể từ ngày chế độ Cộng sản được thiết lập ở đó.

*****

Trước hết, chúng ta thấy rằng trong Tầng đầu địa ngục, nhà tù như Viện Khoa học Mavrino không phải là một nhà tù thường. Trên khắp trái đất này, có lẽ chỉ có ở Nga Xô mới có loại nhà tù đặc biệt ấy. Tiếng lóng của tù nhân Nga gọi nhà tù này là “Sharaska”, theo tiếng Nga, sharaska có nghĩa là “một nơi bịp bợm và giả dối”. Người tù trong những sharaska này được gọi bằng tiếng lóng là Zek. Những tiếng này không thể dịch đúng sang được các thứ tiếng khác tiếng Nga. Trong bản dịch The First Circle của Thomas P. Whitney (bản tiếng Mỹ này được bạn Hải Triều dùng để chuyển ngữ tiếng Việt) – chúng tôi thấy hai danh từ sharaska và zek được giữ nguyên.

Năm 1917, trước năm Aleksandr I. Solzhenitsyn ra đời được một năm, Cơ quan Mật vụ Nga Cộng được thành hình. Kể từ ngày đó, cơ quan này đã nhiều lần đổi tên, nhưng dù nó có mang bất cứ tên gì, công việc chính của nó là việc tìm tòi, bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu những người mà những đảng viên Cộng sản coi là có hại, bất lợi cho họ, bất kể những người này có làm hại nhân dân hay không. Trong số những nạn nhân của Mật vụ Nga có cả những đảng viên Cộng sản Nga, như trường hợp anh chàng Lev Rubin chẳng hạn.

Từ tháng 12 năm 1917 cho tới năm 1922, Cơ quan Mật vụ Nga Cộng được gọi là Cheka, bọn nhân viên của Cheka được gọi là Chekist. Cái tên Chekist này cho tới bây giờ vẫn còn được dùng mặc dù cái tên Cheka đã bị đổi. Từ năm 1922, Cheka trở thành GPU – đọc là GuéPéOu – cũng trong năm 1922, GPU được đổi lại là OGPU. Hai cái tên GPU và OGPU được dùng lẫn lộn mãi cho đến năm 1934.

Tới năm 1934, OGPU được sáp nhập vào Cơ quan NKVD: Ủy ban Nội vụ Nhân dân, Ủy ban này này dưới quyền chỉ huy của Tổng Ủy viên Yezhov. Trong khoảng ba năm trời từ 1935 cho tới 1939, theo lệnh của Stalin, Tổng ủy Yezhov, với Cơ quan NKVD đã phát động một chiến dịch thanh trừng nội bộ lớn lao, khủng khiếp, đẫm máu. Hàng triệu người Nga bị giết trong chiến dịch này, hàng trăm ngàn đảng viên Cộng sản Nga, trong số đó cả những đảng viên cao cấp, kỳ cựu trung kiên nhưng chỉ vì không tán thành chủ trương của Stalin, không chịu phục Stalin, đã bị đưa ra tòa, bôi lọ, bắt nhận tội phản quốc, bị xử tử hoặc bị giết chết trong ngục tù.

Để rồi sau đó, đến 1939, ít ngày trước khi trận Thế chiến thứ hai bùng nổ, Tổng Ủy viên Yezhov bị Stalin ra lệnh tước quyền, bắt giam, đổ cho tội đã làm bậy, đã giết oan nhiều người, đi sai đường lối của đảng (?) và bị… xử tử. Stalin cho Lavrenty Beria nắm quyền chỉ huy Mật vụ Nga. Qua suốt thời kỳ chiến tranh, mãi tới năm 1946, Mật vụ Nga mới có cái tên mới là MGB, thuộc quyền Bộ Nội vụ Nga. Cũng năm 1946, Victor S. Abakumov được trao quyền Tổng Bộ trưởng Bộ An ninh và chỉ huy Cơ quan MGB. Như vậy là chúng ta thấy Tổng trưởng Abakumov được Aleksandr I. Solzhenitsyn tả trong Tầng đầu địa ngục là người thật, là Tổng trưởng thật. Abakumov tuy rất trung thành với Stalin nhưng vẫn không được Ông chúa đỏ tin dùng lâu. Vào khoảng giữa hai năm 1951-1952, Abakumov bị Stalin cất chức và bỏ tù vì tội… làm bậy. Stalin đã quyết định giết Abakumov nhưng chưa kịp ra lệnh thì Stalin chết. Vào tháng 12 năm 1954, khoảng một năm rưỡi sau ngày Stalin chết, tên tù Abakumov bị Kruschev, người hạ bệ Stalin, lôi từ nhà tù ra tòa vì tội đã vu cáo một số lãnh tụ Xô Viết và thủ tiêu những ông này trong vụ án bôi lọ gọi là “Vụ Leningrad” năm 1950. Abakumov bị tòa xử bắn.

Do đó, ta có quyền tin rằng Viện Khoa học Mavrino tả trong Tầng đầu địa ngục là có thật, tất cả những nhân vật trong Tầng đầu địa ngục cũng đều có thật. Toàn truyện Tầng đầu địa ngục là có thật. Vì là sự thật, nên ngoài giá trị văn chương Tầng đầu địa ngục còn có giá trị như một bản cáo trạng kết án nặng nề cuộc đời phi nhân của những người Cộng sản.

*****

Trong Tầng đầu địa ngục, nhân vật Gleb Vikentyevich Nerzhin chính là hình ảnh của Aleksandr I. Solzhenitsyn.

Gleb Nerzhin là một giáo sư toán học, gia nhập quân đội trong những năm đầu của trận Thế chiến thứ hai, sau khi quân Đức Quốc Xã ồ ạt tiến vào đất Nga như vào chỗ không người. Chàng trở thành một sĩ quan pháo binh, mang cấp bậc Đại úy, chỉ huy một pháo đội ở mặt trận biên giới. Chàng bị bọn Mật vụ bắt khi còn đang ở trên mặt trận.

Aleksandr I. Solzhenitsyn cũng là giáo sư toán học, ông cũng gia nhập quân đội với chức vụ sĩ quan pháo binh. Và ông cũng bị bọn Mật vụ bắt khi còn đang ở trên mặt trận.

Theo chính lời kể chuyện của Solzhenitsyn, ông gia nhập quân đội với đơn tình nguyện nhập ngũ ghi rõ ông có khiếu viết văn – trước đó ông đã hoàn thành vài cuốn tiểu thuyết nhưng chưa được xuất bản – và xin làm phóng viên báo chí chiến trường. Nhưng người ta không xét đơn ông, họ cho ông vào ngành Yểm trợ Tiếp vận và ông phải phục vụ trong một đơn vị dùng toàn xe ba bánh đẩy đồ tiếp tế ra chiến trường. Trong những năm đầu của cuộc chiến, vì Stalin ngu xuẩn tin chắc là Hitler sẽ không xua quân đánh Nga nên không cho chuẩn bị gì cả, khi bị tấn công, quân Nga thiếu thốn đủ thứ. Nhập ngũ từ 1940 mãi 1942, Solzhenitsyn mới được đưa vào học ở Trường Huấn luyện Sĩ quan Pháo binh. Tới năm 1945, khi trận chiến sắp kết liễu, quân Đức Quốc Xã đã thua và đang rút về Đức, Solzhenitsyn mang cấp bậc Đại úy Pháo binh. Ông dự trận đánh dữ dội ở vùng Orel Kursk. Thắng trận này, Hồng quân Nga vượt qua được Ba Lan để đi vào biên giới Đức Quốc, trực chỉ Bá Linh đổ nát, chấm dứt chiến tranh ở Âu Châu.

Tháng Giêng năm 1945, Đại úy Solzhenitsyn nhận được lệnh của Tướng Travkine, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Pháo của ông, gọi về ngay Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Đại úy Solzhenitsyn về trình diện Tướng Travkine và được ông này, với một vẻ bất đắc dĩ, khổ sở khó hiểu, yêu cầu cởi khẩu súng lục võ khí tùy thân. Đại úy Solzhenitsyn vừa cởi bao súng đặt lên bàn theo lệnh vị chỉ huy của mình thì hai tên Mật vụ áp vào còng tay lột ngay cấp hiệu cùng những huy chương tưởng thưởng trên ngực ông.

Tướng Travkine đứng lặng im nhìn cuộc bắt bớ này. Nhưng khi Đại úy Solzhenitsyn, bây giờ đã thành một tù nhân của Mật vụ Nga, sắp bị đưa ra khỏi phòng, Tướng Travkine đi tới lặng lẽ xiết chặt tay ông trước cái nhìn của hai tên Mật vụ. Nhiều năm sau, khi viết lại chuyện này, văn sĩ Solzhenitsyn cho rằng hành động bắt tay tù nhân của Tướng Travkine là hành động dũng cảm hào hùng nhất ông được chứng kiến ở cấp tướng lãnh trong suốt 5 năm trời đánh nhau với Đức.

Ngay cả khi chưa chiến thắng hẳn, chưa đánh quỵ hẳn Đức Quốc Xã, Stalin đã nghĩ đến chuyện cho mật vụ đi bắt các sĩ quan, tướng lãnh nào mà y biết là không phục y. Stalin sợ rằng khi những chiến sĩ anh hùng này trở về, họ sẽ hạch tội những tên cầm quyền ngu ngốc làm cho chiến hữu của họ phải chết quá nhiều và vô ích. Trong số tội phạm này, tội của Stalin là lớn nhất. Về sau, Kruchev, trong chiến dịch hạ bệ Thần tượng Stalin, đã công bố hết những tội ngu đần, tàn ác, mù quáng của Stalin, trong số này có những tội Stalin ngu ngốc không chuẩn bị chiến tranh với Đức Quốc Xã vì tin rằng Hitler sẽ không bao giờ xua quân đánh Nga, ra những mệnh lệnh xuẩn ngốc làm chết oan không biết bao nhiêu binh sĩ Nga v.v.

Đại úy Pháo binh Solzhenitsyn đã phạm tội gì để bị bắt? Chính Solzhenitsyn đã nói ra nguyên do: chỉ vì ông đã dám viết thư cho một người bạn chỉ trích những sai lầm của Stalin, ông quên rằng những thư từ gửi từ mặt trận về đều bị kiểm duyệt kỹ, thư của ông rơi vào tay bọn mật vụ và ông bị bắt chỉ vì thế.

Từ mặt trận, Solzhenitsyn bị đưa về khám đường Lubyanka, khám đường lớn nhất Mạc Tư Khoa, nơi ông tả tỉ mỉ trong Tầng đầu địa ngục đoạn nhân vật Innokenty Volodin bị bắt. Khi ấy ông ta có vợ nhưng chưa có con – tình trạng y hệt tình trạng của Gleb Vikentich Nerzhin trong truyện – vợ ông đột nhiên mất tin tức của ông. Không cho tù nhân gửi thư về nhà, bọn Mật vụ Nga còn tàn ác hơn nữa ở điểm không nhận là chúng đã bắt người đó với thân nhân của người bị bắt. Người vợ thứ nhất của Solzhenitsyn không trung thành với chồng bằng nàng Nadya, vợ của Nerzhin trong truyện: chừng vài năm sau Solzhenitsyn bị tù, bà vợ này của ông bỏ đi lấy chồng khác.

Đúng ra, Aleksandr I. Solzhenitsyn bị tù 8 năm và 3 năm biệt xứ. Ông ở tù không ra tòa, không có án, ở tù vì một lệnh đặc biệt do bọn Abakumov quyết định. Số tù của ông là số 232.

Sau hai năm tù ở Khám đường Lubyanka, Solzhenitsyn được đưa về một Sharaska gần Mạc Tư Khoa vì người ta biết ông là toán học gia. Sống ở đây bốn năm, Solzhenitsyn thâu thập tài liệu để viết cuốn Tầng đầu địa ngục. Đúng như lời nhân vật Gleb Nerzhin nói ở đoạn cuối của tác phẩm, so với những nhà tù khác, đời sống trong Sharaska Mavrino là sung sướng nhất, ở đó người tù đỡ khổ nhất, tuy cũng vẫn là bị tù.

Sau bốn năm sống tương đối đỡ khổ ở Sharaska, Solzhenitsyn bị đổi đến những trại tập trung ở miền hoang vu Krasnoyarsk. Nơi đây tù nhân phải làm việc trong một mỏ đồng, sự ăn uống khổ cực và khí hậu rét lạnh khủng khiếp làm cho tù nhân chết dễ như ruồi.

Việc tù chết quá nhiều không làm cho bọn Mật vụ Nga xúc động mảy may, bởi vì chúng nó quá nhiều tù. Người ta ước lượng rằng diện tích những nhà tù, trại tập trung đủ thứ, đủ kiểu trong lãnh thổ Liên bang Xô Viết còn lớn rộng hơn cả toàn thể diện tích lãnh thổ một quốc gia hạng trung ở Âu châu, như Thụy Sĩ chẳng hạn, và số tù nhân trên đất Nga còn đông hơn cả tổng số dân Thụy Sĩ.

Tháng 2 năm 1953, Solzhenitsyn được trả tự do. Lúc này Stalin đã chết và Kruschev, người kế vị Stalin, vì chủ trương hạ bệ Stalin nên ra lệnh tha một số người chỉ vì chống Stalin mà bị tù. Tuy vậy, Solzhenitsyn cũng vẫn phải đi lưu đày ở vùng hoang vu tuyết trắng mênh mông xứ Balkan. Tới đây ông sống trong một làng quê, làng Koh-Teren của người Tartare, một giống dân thiểu số sống trong lãnh thổ của họ nhưng bị sáp nhập vào Liên bang Nga Xô Viết.

Đây là thời gian Solzhenitsyn bị án biệt xứ. Ông sống ở Koh-Teren ba năm. Ở đây nhờ không có ai giỏi Toán, ông xin được chân giáo viên dạy Toán, và nhờ vậy đời ông đỡ khổ vì số tiền lương giáo viên này.

Nhưng cũng ở đây, ông phát giác ông bị đau ung thư. Thực ra, trong thời gian bị tù 8 năm, ông đã bị ung thư rồi và đã được giải phẫu một lần, nhưng các y sĩ giấu không cho biết ông đau ung thư.

Tù biệt xứ, không tiền, ở một nơi hoang vắng, lạc hậu, không bệnh viện, không thuốc men điều trị, nhà văn nắm chắc cái chết. Sau nhiều ngày nằm liệt giường, ông gắng lần ra Tashkent xin điều trị ở bệnh viện công. Tuy vẫn không có thuốc nhưng có lẽ vì số chưa đến ngày tận, Solzhenitsyn vẫn không chết. Những ngày sống vất vưởng ở bệnh viện với bệnh ung thư thập tử nhất sinh ấy cho nhà văn tài liệu sống để viết thành tiểu thuyết Viện ung thư (Cancer Ward) sau này.

*****

Năm 1955, trong khi còn ở Koh-Teren, Aleksandr I. Solzhenitsyn đã bắt đầu viết tác phẩm tiểu thuyết dài và giá trị nhất của ông: Tầng đầu địa ngục.

Tác phẩm lớn này được ông hoàn thành vào 9 năm sau – năm 1964 – ở Mạc Tư Khoa.

Tình yêu đến với ông. Một nữ kỹ sư hóa học trẻ đẹp yêu ông và chung sống với ông mặc dù nàng biết rằng ông chỉ là một nhà văn bị chế độ ghét bỏ, bị tù đày và có thể lại bị tù đày bất cứ lúc nào.

Cho đến năm 1964, chỉ có mới có một cuốn tiểu thuyết của Aleksandr I. Solzhenitsyn được xuất bản ở Nga. Đó là quyển Một ngày trong đời Ivan Denisovich. Các truyện khác của ông, trong số có nhiều truyện ngắn, kịch bản, đều bị Sở Kiểm duyệt ngầm ra lệnh cho các báo không được đăng. Khi biết chắc rằng ông nhất định không chịu khuất phục chế độ, những người cầm quyền lại mở chiến dịch khủng bố, vu cáo, bôi lọ ông. Nhân viên Mật vụ đến xét nhà ông ban đêm, tịch thu những bản thảo của ông, xét hỏi, làm khó những người bạn đến thăm vợ chồng ông. Những tờ báo của Đảng Cộng sản Nga đăng những bài mạ lỵ Aleksandr I. Solzhenitsyn: Họ vu cho ông bị tù vì tội phản quốc, tư thông với địch quân, những bài báo họ viết về ông có những đoạn nửa kín, nửa hở cố ý làm cho người đọc nghĩ rằng ông chỉ là một tên bất lương, một phần tử lưu manh của xã hội không đáng được để ý đến. Họ còn ngụy tạo cả những bằng chứng kết tội ông bị tù vì tội phản quốc.

Mật vụ Nga và những người Cộng sản cầm quyền ở Nga có cả ngàn thủ đoạn ác độc để hãm hại những người họ muốn hãm hại. Ngoài việc vu khống Aleksandr I. Solzhenitsyn, họ cô lập vợ chồng ông. Nhà văn không kiếm được tiền vì những truyện ông viết không được đăng báo, không sao có thể xuất bản, ông phải sống nhờ vợ ông, nhưng vợ ông bỗng dưng vô cớ bị sở cho nghỉ việc, rồi đi xin việc ở đâu cũng không được. Nhà văn lại còn bị pháp luật làm khó vì một chuyện cũ: bà vợ thứ nhất của ông bỏ đi lấy chồng khác trong lúc ông bị tù nhưng vẫn chưa ly dị chính thức với ông – có lẽ bà này chưa ly dị vì thời ấy, bà không sao liên lạc được với chồng để làm việc này – thành ra bây giờ nhà văn sống với bà vợ thứ hai này trong tình trạng … bất hợp pháp, phạm luật v.v.

Boris Pasternak đã gửi tác phẩm Doctor Zivago sang Ý quốc để dịch và xuất bản khi thấy bọn “đồ tể văn chương” ở Nga không chịu cho xuất bản, trường hợp của Aleksandr I. Solzhenitsyn hoàn toàn khác. Solzhenitsyn cũng muốn thấy tác phẩm của ông được xuất bản, tất nhiên, nhưng ông muốn tác phẩm của ông được xuất bản ở Nga trước ở ngoại quốc. Từ năm 1967, Solzhenitsyn đã nhiều lần viết thư cho Hiệp hội Những nhà văn Nga Xô yêu cầu can thiệp để tác phẩm của ông có thể được xuất bản trên đất Nga, trong những bức thư này, ông có đề cập đến tình trạng tác phẩm của ông có thể bị lọt ra ngoại quốc và xuất bản trước ở ngoại quốc. Ông nói rõ đó là tình trạng ông không muốn.

Nhưng nếu nhà văn không gửi tác phẩm đi, làm sao tác phẩm của nhà văn lại có thể lọt ra ngoại quốc? Solzhenitsyn giải thích sự kiện này như sau: có những người bạn mượn bản thảo tác phẩm của ông về đọc, những người này đánh máy tác phẩm đó để giữ lại hoặc truyền cho người khác, dưới hình thức bản đánh máy, tác phẩm cứ thế phổ biến, để rồi sau cùng, một bản đánh máy đó được mang ra ngoại quốc mà chính tác giả không hề hay biết.

Chính phủ Nga Xô lại không gia nhập Tổ chức Bảo vệ Quyền tác giả Quốc tế nên các nhà văn Nga không thể thưa kiện gì được khi tác phẩm của họ bị những nhà xuất bản Âu Mỹ xuất bản không có sự đồng ý của họ.

Năm 1970, Viện Hàn Lâm Nobel đã mặc nhiên trở thành giải thưởng quan trọng nhất, giá trị nhất thế giới. Được giải này là sự vinh hạnh nhất cho những người làm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Chính quyền và Đảng Cộng sản Nga không muốn thấy Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải Nobel vì lẽ dễ hiểu là tác phẩm của nhà văn này tố cáo chế độ cai trị bằng mật vụ, nhà tù tàn ác trên đất Nga. Nhưng nhà văn đã được giải Nobel văn chương, cả thế giới đã biết, giá trị và tài năng của nhà văn đã được quốc tế công nhận. Như vậy cũng có nghĩa là quốc tế công nhận những gì Aleksandr I. Solzhenitsyn viết trong tiểu thuyết là đúng. Đó là điều đau đớn thâm gan, tím ruột cho những người Cộng sản Nga. Họ mất mặt nhưng họ chẳng thể làm gì được.

Họ phản ứng bằng cách trả thù tẹp nhẹp là cấm không cho Aleksandr I. Solzhenitsyn sang Thụy Điển để lãnh giải Nobel. Họ sợ sang đó, nhà văn đã trở thành nhà văn quốc tế, sẽ tuyên bố sự thật về họ và những lời này sẽ được công bố cho toàn thế giới biết, họ sẽ còn tai hại nhiều nữa.

Không mời được Aleksandr I. Solzhenitsyn sang Stockholm, Viện Hàn Lâm Nobel đề nghị mời nhà văn tới Tòa Đại sứ Thụy Điển ở Mạc Tư Khoa để trao giải – một đại diện của Viện sẽ tới Mạc Tư Khoa để thực hiện việc này – nhưng chính phủ Nga cũng không chịu. Họ đòi đưa giải đó cho họ để họ trao lại cho người được giải. Viện Hàn Lâm Nobel không chịu, vì việc đó trái với tinh thần của Viện, Viện không nhờ đến bất cứ một thứ chính quyền nào trong việc chọn lựa trao giải. Vì vậy được giải Nobel văn chương từ năm 1970 cho tới nay – 1973 – nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn vẫn chưa được chính thức lãnh giải.

Tất nhiên là các báo xuất bản ở nước Nga – tất cả đều là báo Đảng, do Đảng chỉ huy – đều không loan tin Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải Nobel văn chương cho dân Nga biết.

Thực ra, theo sự tiết lộ của chính Solzhenitsyn với những nhà báo Tây phương đã lén gặp được ông và phỏng vấn ông ở Mạc Tư Khoa, chính quyền Cộng sản Nga không phản đối việc ông đi ra ngoại quốc, nhưng họ muốn ông… đi luôn không trở về nữa. Nếu ông chịu đi luôn, họ sẽ để mặc cho ông đi cùng vợ con. Ông đi luôn không về nữa, họ sẽ nhổ được cái gai trước mắt họ, và họ sẽ có lý do để tuyên truyền với dân Nga: tên văn sĩ bất lương sa đọa đó đã bỏ nước trốn sang Tây phương, tên đó chỉ là tên thèm khát bơ sữa Tây phương, một tên lưu manh trốn tránh trách nhiệm với tổ quốc. Và rồi dân Nga sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn được nghe nói đến cái tên Aleksandr I. Solzhenitsyn nữa.

Và mặc dù bị chính quyền bạc đãi, bị tù đày, bị cô lập, bị đói khổ và rất có thể là lại bị tù bất cứ lúc nào, Aleksandr I. Solzhenitsyn vẫn nhất định ở lại trên quê hương ông. Ông coi việc bỏ nước đi sống ở ngoại quốc để được yên thân, được no ấm là việc làm hèn nhát. Ông ở lại để tiếp tục tranh đấu chống những bất công, đàn áp ở Nga Xô – không phải ông ở lại vì yêu mến chế độ Cộng sản – và ông chấp nhận tất cả những hậu quả của việc ông làm.

Trong một bức thư gửi cho Hiệp hội Những nhà văn Liên Xô, Aleksandr I. Solzhenitsyn viết:

“… Hiện nay, việc sáng tác của tôi bị bóp chết cứng, cá nhân tôi bị bao vây, cô lập và bôi lọ đủ điều…

Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm, vì tôi biết tôi đã và sẽ làm trọn sứ mạng nhà văn trong mọi hoàn cảnh …

Không ai có thể ngăn cản được sự thực xuất hiện. Riêng tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để cho sự thực được sống và cho sự tiến bộ của nhân loại..”

*****

Viết về Aleksandr I. Solzhenitsyn và The First Circle khi tác phẩm này được ấn hành ở Hoa Kỳ, phê bình gia Harrison E. Salisbury đã viết trên tờ The New York Times Book Review:

“Đây là tác phẩm tiếp tục tập Hồi ký của Dostoyevsky. Trong thời kỳ Xô Viết cầm quyền ở Nga, người ta đã có rất nhiều những tiểu thuyết viết về đời sống trong lao tù trên đất Nga. Và giờ đây, vóc dáng to lớn của Aleksandr I. Solzhenitsyn nổi bật lên. Cũng như Dostoyevsky, Solzhenitsyn là một kẻ sống sót. Ông cũng đã sống nhiều năm trời trong lao tù và lưu đày”.

Những nhân vật đàn ông, đàn bà trong tác phẩm của ông đều là những người bằng xương bằng thịt, họ yêu, họ ghét, họ cười, họ khóc, họ trò chuyện, họ ước mơ và đột nhiên ta hiểu rằng thúc đẩy, khủng bố, sa đọa và tàn ác chỉ làm trong sạch thêm tinh thần con người. Cuối cùng, không phải tù nhân là những kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Bọn bị tiêu diệt chính là bọn cai ngục. Bọn đàn áp chính là bọn thất bại …

Harrison E. Salisbury là người hiểu biết tận tường về đời sống ở Nga Xô Viết, ông đã từng sống nhiều năm trên đất Nga và chính ông tiên đoán từ năm 1956 rằng Nga Xô và Trung Cộng thế nào cũng đi đến tranh chấp, trở thành tử thù và vì việc này, cả Nga Xô lẫn Trung Cộng đều bắt buộc phải hòa hoãn với Hoa Kỳ.

Đọc Tầng đầu địa ngục, ta thấy tình trạng xảy ra đúng như Harrison E. Salisbury nhận xét: những tù nhân như Gleb Nerzhin, Pryanchikov, Khorobrov, những người tù vì không chịu khuất phục nên bị bọn mật vụ đẩy ra khỏi Sharashka vẫn là những con người còn nguyên vẹn những đức tính của con người, tình yêu thương và họ vẫn có thể ngẩng đầu cao nhìn trời. Chúng ta chỉ có thể kính phục họ chứ không thể khinh họ. Trong lúc bọn cai ngục như Abakumov, Yakanov chỉ là những tên hèn nhát, quỵ lụy, nịnh bợ, chúng còn chết sớm và chết nhục nhã hơn ai hết.

Aleksandr I. Solzhenitsyn bị tù dưới thời Tổng trưởng Abakumov, ông ra khỏi tù và trở thành nhà văn lớn trong khi Abakumov bị thất sủng và bị bắt nhốt, bị giết như một con quái vật. Theo tôi, những chương tả cuộc gặp gỡ ban đêm giữa hai tù nhân Pryanchikov và Bobyer với Tổng trưởng Abakumov, những chương viết về Stalin trong Tầng đầu địa ngục là những chương hay nhất, những chương tả cảnh Innokenty Volodin bị bắt vào khám đường Lubyanka là những chương rùng rợn nhất.

Và lời tù nhân Bobyer nói với Tổng trưởng An ninh Abakumov là một bài học giá trị cho những kẻ cầm quyền ở cõi đời này:

“Công dân Tổng trưởng… Ông có thể quát tháo dọa nạt bọn tướng tá dưới quyền ông. Họ có quá nhiều thứ ở đời nên họ sợ ông vì họ sợ mất những cái đó.

Còn tôi, tôi không có gì cả, tôi không còn gì cả. Ông không thể hại vợ con tôi, vì một trái bom đã hại vợ con tôi từ lâu rồi. Cha mẹ tôi đều đã chết. Những gì tôi có trên thế gian này chỉ là cái khăn tay này, bộ quần áo mất nút tôi đang bận đây. Tất cả đều là của chính phủ phát. Ông đã lấy mất tự do của tôi từ lâu rồi, và ông không có khả năng trả lại tự do cho tôi bởi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Năm nay tôi đã bốn mươi hai tuổi và ông bắt tôi tù hai mươi nhăm năm. Tôi đã sống ở trại khổ sai, bị còng tay, bị chó săn canh gác, tôi đã chết đi sống lại nhiều lần. Ông còn có gì để có thể đe dọa tôi nữa? Ông còn có thể làm tôi mất những gì nữa? Ông không cho tôi làm công việc kỹ sư của tôi ư? Cấm tôi làm việc, ông sẽ thiệt nhiều hơn là tôi thiệt.

Ông nên hiểu một điều và ông nên chuyển lại điều này cho những kẻ có quyền như ông hoặc cao hơn ông, những kẻ không biết rằng các ông chỉ có thể mạnh khi nào các ông không làm cho người ta mất hết tất cả mọi thứ. Một người bị các ông tước đoạt hết tất cả mọi thứ sẽ không còn nằm trong quyền hạn của các ông nữa. Người đó lại hoàn toàn tự do”.

*****

Vì sao người tù Gleb Nerzhin thản nhiên đi khỏi Viện Mavrino mặc dù chàng biết rằng đi là khổ hơn, đi là có thể chết, mặc dù chàng có thể xin ở lại? Bởi vì Nerzhin đã mất tất cả và chàng đã chấp nhận mất hết để được sống thảnh thơi như một con người còn có lương tâm, còn cá tính, còn tự trọng.

Câu nói trên đây của Bobyer có thể coi là chủ đề của Tầng đầu địa ngục.

1.6.1973
Hoàng Hải Thủy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn