BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73491)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31183)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nguyễn Đình Thi, quan văn nghệ hay kẻ sĩ tài hoa?

29 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 1026)
Nguyễn Đình Thi, quan văn nghệ hay kẻ sĩ tài hoa?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Có một nhà thơ đã mang tâm sự của mình để viết thành một bài đọc trước hội nghị của các nhà văn Liên Xô nhân ngày lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười. Dường như, ông nghĩ đến mình nhưng lại viết cho người:

"... Ở miền rừng núi chúng tôi có một giống chim gọi là chim từ quy. Các ông bà già bảo rằng có đôi người yêu ngày xưa bị kẻ gian ác ngăn cấm không lấy được nhau, đã hóa thành giống chim ấy. Cho nên đến tận bây giờ, cứ đêm đêm người ta nghe thấy những con chim từ quy gọi nhau từng đôi, một con ở đầu núi này, một con ở đầu núi khác, suốt đêm đôi chim tìm gọi nhau cho đến sáng thì mới gặp nhau. Tôi nghĩ rằng các dân tộc từ bao thế kỷ cũng đã mò mẫm tìm nhau như thế. Và các tác phẩm của các nhà thơ lớn ở thời trước cũng khác nào những tiếng gọi tìm nhau của các dân tộc còn bị ngăn cách chia rẽ trong bóng đêm dày. Chính Cách Mạng Tháng Mười là buổi bình minh làm cho các dân tộc nhìn thấy nhau và gặp được nhau..."

Nguyễn Đình Thi


 Đó là nhà văn Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội Nhà Văn Việt Nam, một người được kể là trong những người lãnh đạo văn nghệ.

Có phải Nguyễn Đình Thi có nghĩ như vậy thật không? Hay là chạnh lòng mình vì một mối tình bị chia rẽ nên mới nói thác ra như vậy. Tác giả Xuân Ba đã kể lại mối tình nồng thắm của Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud, một nữ ký gỉa của tờ báo L’ Humanité", cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Pháp:

"...Chao ôi sự gặp gỡ của đôi trai tài gái sắc là tất yếu như là thứ biện chứng của anh hùng và thuyền quyên vậy. Tình yêu rất cần sự chứng kiến nhưng là với ai và với từng giai đoạn nào khác kia, còn lúc này Nguyễn Đình Thi vô cùng sợ trước những ánh mắt tò mò săm soi... Quan hệ đúng mực giữ nghiêm kỷ luật... Kỷ luật lúc đi, trên đường đi đã được quán triệt. Nhất là với mình lại là cương vị lãnh đạo?!Nhưng những ngày đam mê và gấp gáp với cả ngặt nghèo ấy, Nguyễn Đình Thi đã tìm ra lối thoát bằng sự gặp may. Nhà thơ nổi tiếng Nazim Hikmet người Thổ Nhĩ Kỳ là khách mời đặc biệt của đại hội sau nhiều buổi gặp chung với đoàn Việt Nam đã không giấu được thiện cảm của mình với Nguyễn Đình Thi. Vốn là người lịch lãm từng trải lẫn tinh tế, Nazim Hickmet lọc ngay được thứ tình cảm không biên giới vĩnh hằng của nhân quần đang ám trên gương mặt của chàng thi sĩ trẻ Việt Nam. Và ông đã chắp nối cho cặp trai tài gái sắc Nguyễn Đình Thi – Madeleine Riffaud! Mối tình nồng thắm ấy cho mãi đến năm 1955, 1956 mới có nhiều người biết đến bởi những chuyến thăm Hà Nội liên tiếp của Madeleine Riffaud. Chuyện loang ra. Mặt bằng dư luận khi đó đã chắp cánh cho không ít những đố kỵ hẹp hòi đồn thổi kể cả ác ý làm Nguyễn Đình Thi nhiều lúc hụt hẫng chới với!..."

Và kết quả là lời khuyên của Hồ Chí Minh "Hai người cứ là bạn tình mãi là tốt nhất. Nếu cưới nhau thì cô ấy phải sang ở hẳn bên Việt Nam với chú. Nếu như vậy thì Đảng CS Pháp mất một cán bộ trung thành tận tụy và báo Nhân Đạo mất đi một ký giả tài ba ..."

Và, thế là họ thành đôi chim từ quy đi tìm nhau hoài mà không gặp được. Kẻ ác đã chia rẽ hai người. Nguyễn Đình Thi đã " lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc / Những đêm thao thức tiếng từ quy" và làm thơ như:

"anh đứng đây thầm gọi tên em
xa em anh ngơ ngác
anh gọi em anh gọi mãi
Em có nghe thấy anh không?"

Và, mối tình ấy còn để lại sâu đậm trong suốt cuộc đời Nguyễn Đình Thi. Ông để lại cho người con là Nguyễn Đình Chính một cặp da cũ chứa đầy những kỷ vật gồm hàng nghìn thư từ tranh ảnh, phong bì, những bài báo cắt dán... của một mối tình đau đớn.Thế mà, vì con đường làm quan, phải thỏa hiệp để có danh lợi, nên thi sĩ đành chôn chặt những uất hận trong lòng…

Nguyễn Đình Thi còn là thi sĩ của những câu thơ mà một thời đã được coi như là những bước đầu khai phá cho thơ tự do, thơ không vần. Những bài thơ như thế lại bị chỉ đạo của Tố Hữu với những phê bình của phản ứng gay gắt nghiệt ngã khiến thi sĩ phải chiều lòng sửa lại để thơ có thêm vần điệu. Chu Văn Sơn, một nhà phê bình văn học khoa bảng đã viết trong bài tưởng niệm một năm sau khi Nguyễn Đình Thi lìa đời "Nguyễn Đình Thi trên sóng thời gian":

"... Trong phần thành công nhất, thơ Nguyễn Đình Thi đã tạo ra một điệu mới như tiếng sóng reo trong lặng lẽ, tấu lên một thứ nhạc mới- trong lặng mà rung ngân: "Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới? Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em","Nắng soi ngõ vắng- Thềm cũ lối ra đi- lá rụng đầy","Ôi những vạt ruộng vàng - Chiều nay rung rinh lúa ngả - Dải áo chàm bay múa - tiếng hát ai lênh đênh…" tiếc rằng, trước sự phản ứng gay gắt, Nguyễn Đình Thi cũng đã phải hòa giải một cách tự nguyện là lại gia tăng vần cho thơ. Nhiều khi "thơ có vần" đã đồng hóa "thơ không vần". Giá ông cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào thơ mới. Hòa giải đôi khi là thỏa hiệp là nhượng bộ, làm mất một cơ hội tạo diện mạo cho mình, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho thơ. Vừa muốn là mình, vừa không dám là mình, gẫm bi kịch ấy đâu chỉ diễn ra trong mỗi việc cách tân thơ, cũng đâu chỉ với riêng ông. Nó khó thế, nó cũng buồn thế !…"

Phải, không phải chỉ riêng với Nguyễn Đình Thi mà hầu như phần đông văn nghệ sĩ sống trong nền văn học gọi là "hiện thực xã hội chủ nghĩa" đều phải nhắm mắt làm những việc bất đắc dĩ. Chính người trong cuộc cũng cảm thấy thấy buồn chán nhưng không có cách nào hơn. Nếu hành xử như một nghệ sĩ, thì đâu có "quan văn nghệ" Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký hội văn nghệ từ năm 1958 tới ba nhiệm kỳ liền, và là người được Bùi Bình Thi xưng tụng là một trong "Tứ Đại lão gia" của nền văn học trong nước.

Thực ra, Chu Văn Sơn tiếc cho Nguyễn Đình Thi cũng có lý. Ông là một nhà văn, nhà thơ có tài và có căn bản kiến thức vững vàng. Cuốn sách "Triết học Nhập Môn" mà ông viết với tất cả tóm lược nền tảng triết học đã được dạy trong chương trình lớp dự bị Văn Khoa của đại học Sài Gòn một điều mà chính ông cũng khó tưởng tượng được. Cũng như, ông có cái nhìn viễn kiến khá xa cho con đường văn học. Như bài viế t"Mấy ý nghĩ về thơ "từ năm 1949 đến nay đọc lại vẫn thấy còn giá trị và nhiều chất suy tư sáng tạo.

Nhiều người cho rằng ông có thực tài nhưng không được trọng dụng. Cái lý lịch trí thức tiểu tư sản tiểu tư sản đã tạo ra lối sống và lối nghĩ khác biệt với tác phong vô sản của chế độ.

Nhà văn Lý Hồng Xuân trong "Nhận diện chân dung nhà văn" đã viết một giai thoại về Nguyễn Đình Thi:

..."câu chuyện đó bắt nguồn từ việc trong một lần Nguyễn Đình Thi được cử dẫn đầu đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam đi dự Đại Hội Liên Hoan Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới. Ở đây ông gặp nữ văn sĩ, nhà báo người Pháp, bà Ma đơ len Rip phơ. Trai tài gái sắc, hai người yêu nhau định gá nghĩa trăm năm. Khi trở về nước, chưa kịp báo cáo với tổ chức, nguyễn Đình Thi đã bị phê bình gay gắt vì "quan điểm lập trường tiểu tư sản …

... Vào khoảng đầu những năm Sáu mươi, trong một tuyển tập thơ Tình Yêu của nhà xuất bản thanh niên, Nguyễn Đình Thi cho in bài thơ của mình. Tên bài thơ là Nhớ. Đầu bài thơ ông đề "Tặng M."…

Bài thơ ấy như sau:

"Gửi M.
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh.
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đéo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu Em như Anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ Em mỗi bước đường Anh bước
Mỗi tối Anh nằm mổi miếng Anh ăn.
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau cháy bỏng làm người."

M., là EM, hay là Madeleine Riffaud cũng thế, Nguyễn Đình Thi làm thơ tình yêu mà cũng phải ngụy trang những đất nước, những chiến sĩ,... nhưng thâm ý của ông, rõ ràng quá nên không qua được mắt lãnh đạo văn nghệ. Và, tình trạng ấy tạo cho ông tình trạng của một người luôn luôn bất mãn nhưng ngoài mặt vẫn phải nhũn nhặn cam chịu.

Vở kịch: "Con Nai Đen" và "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" tuy nổi tiếng nhưng bị coi là có "vấn đề". Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. con trai nhà thơ Thế Lữ dựng kịch: "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" nên mới có câu vè:

"Nguyễn Đình Thi với Đình Nghi
Mượn lời Nguyễn Trãi nói gì với ta?"

Và chính đích thân chủ tịch quốc hội Trường Chinh lúc đó duyệt kịch bản và xem Đoàn Kịch nói Hà Nội và sau đó cấm phổ biến.

Xuân Sách lược tả chân dung Nguyễn Đình Thi với những tác phẩm tiêu biểu và cái tâm tư dường như chờ đợi một điều gì, nửa như hy vọng nửa như vô vọng:

"Xung Kích tràn lên, nước Vỡ Bờ
Đã vào Lửa đỏ hãy còn mơ
Bay chi Mặt Trận Trên Cao ấy
Quên Chú Nai Đen vẫn đứng chờ!"

Xung Kích, Vỡ Bờ, Mặt Trận Trên Cao, Vào Lửa, là tên những cuốn tiểu thuyết của ông. Con Nai Đen là tên vở kịch.

Tuy vây, ông là một người khôn ngoan và đã biết cách để giữ được cái chức quyền quan văn nghệ. Với cấp trên ông là người luôn luôn chiều theo bất kể lý lẽ, Người mà ông thần phục nhất là Tố Hữu, người có quyền sinh sát với văn nghệ sĩ. Trong bài viết của nhà văn Hoàng Tiến có nói về Tố Hữu như sau:

"… Nghe nói khi ông Tổng bí Thư Nguyễn văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, ông Trần Độ tác giả của nghị quyết 05 về văn hóa và văn nghệ, là người đã giúp ông Nguyễn Văn Linh nói được câu cởi trói, có gặp ông Tố Hữu hỏi ông nghĩ gì về anh em Nhân văn Giai Phẩm bây giờ. Ông tố Hữu suy nghĩ một lát, với giong trọ trẹ xứ Huế, trả lời "À cái bọn ấy à, thì bây giờ tôi rất tiếc là ngay lúc đó tôi không diệt hết chúng nó đi". Hỡi ôi, một người nghệ sĩ, một nhà thơ mà suy nghĩ hệt một nhà chính khách độc tài…"

Lại một người khác, nhà thơ Hoàng Cầm nói về trường hợp in thơ của Nguyễn Đình Thi. Lúc ấy, Hoàng Cầm giữ nhiệm vụ biên tập nhà xuất bản Văn nghệ. Ban đầu với bản thảo thi tập" Người Chiến Sĩ ‘ có nhiều bài thơ không vần khá hay. Nhưng sau vì áp lực của Tố Hữu mà phải sửa thành những bài có vần nên thơ trở thành một cái hẩu lốn chẳng ra ngô ra khoai gì cả. Hoàng Cầm kể:

"... Sau buổi tôi nói chuyện với ông Lành, anh Thi đã đến ngay nhà xuất bản hỏi tôi để lấy lại bản thảo. Tôi làm như không có cuộc trao đổi với ông lành về tập thơ Người Chiến Sĩ.

- Anh Thi ạ, tập thơ của anh chúng tôi thấy rất "được", có lẽ chính nó sẽ mang lại một luồng gió đổi mới cho chúng ta. Tôi đã đưa xuống nhà in rồi.

Anh Thi đáp, giọng buồn rầu nhỏ nhẹ: - Thôi Cầm cứ cho mình xin lại bản thảo, không in vội.

- Sao thế anh Thi? Mình tưởng tập thơ thế là hoàn hảo rồi? Cứ thế mà in. Tôi sẽ cho in rất đẹp và có thể mời họa sĩ Nguyễn Sáng hay Dương Bích Liên vẽ cho một phụ bản màu.

Anh Thi nài nỉ:

- Để mình sửa chữa lại. Thú thật anh Lành đã có đọc tập thơ này, trong khi anh Lành chưa có ý kiến gì, mình muốn đưa cho Cầm

để xuất bản cho nhanh. Nhưng gần đây, khi nghe nói mình đã đưa bản thảo xuống nhà xuất bản thì anh ấy gọi mình lên và khuyên mình nên sửa một số bài mà anh ấy cho là lủng củng. Vẫ là những ý kiến của anh ấy đã phát biểu trong kháng chiến. Mình đã tramh luận với anh ấy. Cuối cùng anh lành vẫn bảo mình nên chữa lại cho độc giả công nông dễ đọc dễ thuộc. Thôi thì... người ta là lãnh đạo mà…"

Sau khi đã sửa lại bản thảo để làm vừa lòng cấp trên, Nguyễn Đình Thi còn nói với Hoàng Cầm một câu nói khá kỳ lạ "Trí thức văn nghệ sĩ chúng mình đã đi với cách mạng vô sản thì ít nhiều cũng phải hy sinh cái bản ngã của mình dẫu là bản ngã tốt đẹp!!!!!"

Một câu nói khác, cũng "để đời" không kém. Nguyễn Đình Thi tuyên bố khi bế mạc Đại hội nhà văn Việt nam lần thứ ba năm 1983: "Chúng ta là những nhà văn nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng!"

Theo Bùi Minh Quốc trong bài "Vài kỷ niệm làng Văn bị trói" đăng trên tạp chí "Thiện Chí" số 31:

"Hôm sau (hôm Nguyễn Đình Thi nói trên truyền hình) tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng. Ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là Nguyễn Đình Thi rồi tặc lưỡi mà bảo: Nhà văn các ông… hừ... việc gì phải thế nhỉ?…

Một anh bạn tôi – bên ngành giáo dục nhà gần chợ Bắc Qua kể với tôi rằng có một cô gái buôn gà thường ghé sang nhà anh xem nhờ Tivi buổi tường thuật lễ bế mạc đại hội Nhà văn. Khi xem xong đoạn ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy cô gái đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm:

- Gớm, "cậu" đéo lào (nào) mà "lịnh"(nịnh) thế?"

Theo thời như thế, lăn lưng với miếng đỉnh chung như thế nhưng con người nghệ sĩ của Nguyễn Đình Thi vẫn có những nõi niềm riêng ray rứt riêng. Hoàng Cầm trong bài "Nguyễn Đình Thi trong tôi, Nguyễn Đình Thi ngoài tôi" viết:

"… Tôi biết vào những ngày tháng cuối cùng trên cái cõi mang mang thế sự đầy bí hiểm này anh Thi có những thời khắc suy tư đầy bi kịch. Anh vốn là một nghệ sĩ nhưng ít khi sống hết mình vì nghệ thuật. Về nhạc anh đã sáng tác khúc ca Người Hà Nội rất quyến rũ rất tình tứ mà cũng rất hùng tráng. Đáng lẽ anh nên dừng ở đó mà đào sâu vào cái vỉa quặng rất phong phú là âm nhạc thì tham vọng lại dẫn anh đi vào một thế giới mà anh tưởng có thể ôm chặt lấy được là thế giới văn xuôi, thế giới đến thương trường rất ngon ăn mà sao tiểu thuyết Vỡ Bờ gần ngàn trang của anh lại hình như thưa thớt tiếng vang mấy cuốn truyện của anh nữa. Xung Kích, Vào Lửa, Mặt Trận Trên Cao, liệu còn dư vang gì trong lòng người đọc? Anh cứ loay hoay như thế suốt hơn 60 năm cầm bút để rồi đi đến đâu? Ở anh có hai con người luôn giằng xé nhau bất phân thắng bại. Đó là con người nghệ sĩ và con người quyền chức không lúc nào anh thanh thản, không lúc nào anh được an nhiên tự tại cũng chỉ vì xung đột quyết liệt một mất một còn giữa hai con người đó. Vì thế mà anh sống trong một bi kịch thường trực, nó vò xé cắn rứt lẫn nhau không lúc nào ngưng nghỉ. (trừ lúc anh để tâm hồn trôi theo nhan sắc, nhưng ngay cả nhan sắc, hay nói rộng ra là tình yêu nam nữ, đôi khi cũng tưởng chừng muốn phát điên lên vì anh luôn thay đổi)…"

Cuối đời, anh có bài thơ cuối cùng, như một lời tuyệt mệnh linh cảm từ một chuyến viễn du xa mãi mãi:

"Rồi hôm nào bỗng gió bay
cái bóng người ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu dừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay"

Nguyễn Đình Thi mất ngày 18 tháng tư năm 2003. Thọ 79 tuổi.

Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn