BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76211)
(Xem: 62963)
(Xem: 40371)
(Xem: 31970)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quê hương chưa bao giờ đến

29 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 1150)
Quê hương chưa bao giờ đến
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Với Đà Nẵng, tôi là người khách lạ. Khi còn ở lính, có vài lần tôi biệt phái ra nơi ấy, mỗi lần nửa tháng. Thời gian như thế với công việc tất bật không để tôi có thể làm thân, làm quen với. Thành phố ấy chưa đủ để tôi có một tình thân như với Pleiku, với Nha Trang. Những lần biệt phái kéo dài ra với nỗi mong đợi trở về. Dù, ở đây tôi cũng có nhiều bè bạn và đối đãi cũng khá chí tình ăn chơi đủ món. Là khách, nên được chào đón, được tiếp đãi tận tình. Chúng tôi có cái sướng là đi đến bất cứ phi trường nào cũng có bạn bè cùng khóa lo lắng cho mọi chuyện từ cái ăn cái ở đến cả việc nhậu nhẹt du hí. Đến Đà Nẵng, cũng không ngoài thông lệ ấy...


Mỗi lần máy bay lượn quanh mấy ngọn Ngũ Hành Sơn để thấy bờ biển sóng đánh trắng bờ, tôi nhìn những nhà cửa, đường phố phía dưới như một nơi chốn nào xa lạ. Và công việc ở biệt đội đã cuốn hút đi những ngày tháng. Có những buổi trưa, dưới cái nóng hầm hập của phi đạo, nghe tiếng phi cơ gầm rú, nhìn thấy bom đạn dưới cánh, thấy trời xanh tự nhiên biền biệt hơn và bâng khuâng như tưởng mình đang là một cánh chim bay lượn. Nhưng, mỗi người mỗi việc, chiến tranh vẫn là một môi trường thử thách con người. Đi không ai tìm xác rơi hay cần cù dưới đất như đời kiwi cũng còn tùy định mạng mỗi người....


Lúc đó, với đất Đà Nẵng và người Quảng Nam, tôi thực sự là một tên khách lạ! Tôi như một người đứng ngoài, ghé thăm giây lát rồi đi. Mặc dầu cũng có lúc lang thang khuya khoắt với bạn bè, có lúc cũng đứng thơ thẩn dưới hàng cây kiền kiền bóng rợp để nhìn theo những tà áo dài trắng Hồng Đức, Nữ Trung Học...


Thế mà, mấy chục năm sau, khi sang sinh sống ở xứ người, thì nơi chốn ấy lại quen thuộc với tôi. Mấy "văn hữu" Quảng Nam thường gọi tôi là chàng "rể Quảng Nam". Những buổi sáng cuối tuần trời lành lạnh như hôm nay, ngồi bên cạnh những khuôn mặt "Đà Nẵng chay", thấy mình có một mối liên hệ nào đó. Tự nhiên, tôi có cảm giác mình có thêm một quê hương mới "quê vợ", dù nơi chốn ấy tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Tôi hay nghe vợ tôi kể về cảnh thổ quê quán với những người trong thân tộc chỉ nghe tên mà chưa bao giờ gặp mặt.


Không biết có phải "yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng" không mà tôi hay tưởng tượng về quê vợ ấy với tất cả những nét đẹp hồn hậu và mong muốn rằng có một ngày mình sẽ về thăm nơi ấy... Hồi còn độc thân, tôi đã có Hà Nội quê hương trong trí tưởng thì khi lập gia đình tôi lại có một quê hương trong trí tưởng thứ hai. Khi trước, tôi đọc thơ văn trong sách vở về Hà Nội thích thú thế nào thì sau này tôi đọc thơ văn về Quảng Đà cũng thấm thía như vậy...




Trung đội trưởng Lê Ngọc Châu (Luân Hoán)

Tôi biết có một người bạn văn, cũng rất yêu quê hương xứ Quảng. Anh làm thơ, những bài thơ ký tên Luân Hoán, viết về những nơi chốn không thể nào nhòa phai trong ký ức. Anh viết văn, những dòng hồi ký đằm thắm thiết tha bày tỏ nỗi niềm của một người con dân xứ Quảng lúc nào cũng luyến nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đọc tác phẩm anh vừa in xong, cuốn sách "Quá Khứ Trước Mặt", tự nhiên tôi thấy mình gần gũi anh thêm và chia sẻ với nhau những tâm cảm của những người cùng chung ý nghĩ.


Đêm hôm nay trời mưa. Một đêm thứ bảy êm ả nghe những hạt mưa rơi rơi trên mái sao nghe lòng thoải mái lạ. Sáng mai không phải dậy sớm, không phải lái xe đến sở trong lúc trời đất còn mù sương tha hồ mà ngủ nướng. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực trên tay, nằm cạnh người vợ thương yêu, đọc vài trang rồi lại nghe kể về kỷ niệm để thấy quê hương sao nghe gần gũi quá. Tại sao, trong khung cảnh đêm mưa như thế này, quá khứ lại đến gần trong cái bềnh bồng vô thức của hiện tại? Những trang sách giở ra, để cái trí tưởng tượng vút cao lên mơ mộng, để thấy trong cái dân dã quê mùa có nét đẹp chân thực của cuộc sống một thời hoa mộng cũ xưa. Tôi đọc những dòng chữ Luân Hoán viết về quê nội của anh mà cũng là làng bên cạnh của quê vợ tôi với nhiều cảm xúc:


"... nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng, về hướng nam khoảng mười một cây số, tính theo đường trải nhựa, cộng với đường đất, quê nội tôi là một làng quê xinh xắn, bốn mùa ấm áp tiếng chim.


Làng được mang tên Liêm Lạc, ý chừng muốn khoe khoang cái bản tính liêm khiết lẫn lạc quan của người dân trong làng. Những đường gió lạnh, những mùa nước lớn, hàng năm vẫn không quên ghé thăm, nhưng con đất hiền hòa, hình như đã bao đời vẫn chưa hao hụt, sứt mẻ. Ngọn mạ xanh vẫn theo chân tháng ngày thành nhánh lúa, thành hạt gạo, thành cọng rơm, thành gốc rạ, khoan thai thầm lặng, thật là thương...


... Thời đó, có một ngày, từ một điểm đứng trên quốc lộ một, cũng như nhiều người khác, em phải luồn ngang lòng chợ Miếu Bông để đến một con sông nhỏ, cách chợ chẳng bao xa. Hình như đôi guốc quia xanh của em đã có người xách hộ. Và đôi tay lưỡng lự níu đôi tay run run bước lên đò.


Dòng sông trong vắt. Nước rỉ ra hát theo làn gió nhẹ. Mùa hạ đang vào tháng thứ hai. Những chùm rong xanh mảnh khảnh bơi quanh đùa ghẹo vài cụm hoa súng tím. Trời xanh bát ngát. Những tấm mây trắng không bay, rủ rê bầu trời lặn sâu vào lòng sông. Cô lái đò nghiêng nghiêng nón gật đầu cười mỉm. Cái ghe se sẽ tròng trành thong thả rướn mình. Tôi thòng hai tay xuống nước. Lỡ dại làm trôi mùi hương của em mà chẳng thể vớt được một lọn mây nào. Tay chèo dù gượng nhẹ đến đâu, mái dầm cũng cắt nước thành những sợi dài. Trời mây chợt không thấy bóng mình trong khoảnh khắc. Rồi chúng ta lên bờ. Rồi chúng ta lội bộ.


Quê nội tôi như em đã thấy. Những lũy tre xanh, những hàng cây găng rậm lá. Tất cả chúng đứng chỉnh tề một hàng dọc nắm chặt tay nhau chạy theo bờ của một con đường mòn. Sát chúng là dòng thủy lợi lưng lửng nước rúc rích chảy. Mặt đường, đất sét chai cứng, lỗ chỗ những dấu chân trâu nhưng cũng đủ rộng lòng nuôi một ít cỏ gà lẫn lộn cùng cỏ may cong đầu theo chiều gió. Và sát mép đường bên kia là ruộng lúa đang độ thanh xuân.


Em bước đi không khó nhưng cũng chẳng dễ dàng. Ngay từ lúc bàn chân hôn hương đất đầu làng, chắc em đã thấy sừng sững khỏi đầu những hnag tre, màu ngói nâu đen cao ngất. Rồi từ ngã rẽ trước nhà ông Hội Du, rầm nhìn của em bắt gặp hai cái cổng gạch lem luốc vàng. Và chẳng mấy chốc, em bước lên những viên gạch lót đường dẫn vào cổng sân. Hồ cau nằm giữa hai lối đi này, không mênh mông nhưng chẳng hẹp hơn một hồ bơi tân tiến. Đàn chột dột, dễ chừng có tới trăm con, vừa gọi nhau vừa chuyền qua những tàu cau lấp lánh nắng vàng. Chúng nhắc nhở nhau chào khách đến, mừng người đẹp thị thành, chẳng phải mê trai mà theo về chỉ vì tò mò muốn biết cái ổ của người mình lỡ thương đã từng ở ngót ba năm..."


Luân Hoán đã tả về quê mình thơ mộng đẹp đẽ như thế. Chữ Em, ở đây có thể là nàng thơ của thi sĩ. Nhưng sao tôi lại cứ tưởng tượng đó là những bước chân của chính vợ tôi về thăm lại quê hương. Cảnh xứ quê thì phần đông đều giống nhau nhưng dường như mỗi ngõ hẻm, mỗi góc vườn đều có riêng những hơi thở, những cuộc sống, thầm lặng nhưng thật nhiều gợi nhớ. Vợ tôi tiếc rằng hồi trước lúc còn dạy Việt văn ở quê nhà, sao không có những đoạn văn óng ả như thế này để cô gíao và học trò cùng chia sẻ với nhau lòng yêu đất nước quê hương tiềm tàng trong tâm thức.


Quê vợ tôi là làng Mân Quang cách làng Liêm Lạc của Luân Hoán một dòng sông nhỏ có con đò nối liền. Nhà bên vợ tôi ở ngay con đường dốc từ bến đò đi ra nằm cạnh bờ sông. Nếp nhà ngói với những hàng cau, và vườn cây ăn trái có chuồng chim bồ câu ở phía sau là những hình ảnh tôi tưởng tượng ra qua lời kể của nàng. Nhưng qua chiến tranh, nơi đây là chốn chiến trường tàn khốc và biết bao nhiêu là bom đạn đã trút xuống và tàn phá nơi này thành bình địa. Lúc ấy, cả gia đình vợ tôi đã ra Đà Nẵng, mà người dân quê ở đó gọi là Hàn, để sinh sống và tránh nạn đao binh. Sau năm 1975, trở về nơi xưa cũ thì chỉ còn là những gò đống hoang vu đầy cỏ lau hoang phế.


Tôi đọc những câu thơ Luân Hoán và hình như cảm thấy có một chút gì chia sẻ về quê hương trong những câu thơ như:


"Bay vù về chợ Miêu Bông
ai mua tôi bán chút lòng vân vi
chẳng biết mua lại những gì
vói tay vẫn đọt xuân thì hôm xưa
hái thành chùm nắng chùm mưa
rồi thành chùm nhớ đong đưa chùm buồn
cất vào lòng ủ mùi hương
cho ấm lỗ rún, cái xương cuối đời
trẻ, già tôi vẫn là tôi
nằm, bò, chạy, nhảy, đứng ngồi, nhớ thương..."


Chợ Miêu Bông (hay Miếu Bông tôi không rõ) là một chợ nhỏ mà vợ tôi kể là chỉ họp có buổi sáng mỗi ngày. Một cái nhà lồng lợp tôn lớn và ở dưới là những qúan sạp xếp hàng theo kiểu chợ búa ngày xưa và thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng ở đó chính là nơi mà vợ tôi đã mua những cuốn vở kẻ hàng đầu tiên sửa soạn cho lớp mẫu giáo và pha những bình mực tím đầu tiên của tuổi học trò. Xem những hình ảnh xưa, một cô bé tóc ngắn đứng bên cạnh cánh cổng tre, thời gian như trở về lại một thời kỳ nào tuy xa nhưng lại gần gũi thân mật..


Có người bạn văn quê quán ở Hội An mỗi khi gặp tôi lại hỏi đã viết về Mân Quang, quê vợ của tôi chưa? Tôi thấy mình như người đang mang một món nợ. Thực tình, tôi muốn viết nhưng dường như không đủ khả năng để diễn tả tâm cảm của mình. Ai mà không yêu mến quê hương. Ai mà không có lúc nhìn về một nơi chốn bây giờ đã xa trong thực tế nhưng lại gần trong tâm tưởng...


Đêm nay, giữa cơn mưa xứ người, nghe hạt mưa tưởng như tiếng tầu tiêu nhỏ giọt ở quê xa, lòng bỗng nhiên cảm khái. Những cơn mưa. Ôi! Những cơn mưa trong đời ta. Mưa quê hương. Mưa xứ người. Mưa nhớ nhung. Mưa hiu hắt. Mưa buồn như một bản nhạc sầu nhưng cũng vui như bước chân thuở nào bên người tình rộn rã. Mưa. Cơn mưa nhớ nhà của Thái Tú Hạp như viết giùm cho ai, cho những người đang lưu lạc ở bốn phương trời:


"Cơn mưa chợt thức hồn ta dậy
đôi nhánh tay gầy phố lạnh xưa
con nước mùa đông sầu thảm đó
phủ kín đời em trong tiếng mưa
cơn mưa có phải là hơi thở
thổi mấy từng cao gió cuốn theo
cho ta thấy lại dòng sông trắng
thấy lại đời trôi dạt mấy bờ.
Có phải chiều nay ray rứt nhớ
Gió thổi vừng trăng trong mắt em
Cơn lụt như chiều ta tiễn biệt
cho một lần thôi đá lệ mềm.. "


làm thơ, là bước chân của kẻ xa quê trở vế. Đêm mưa xứ người ấm cúng trong phòng mà sao nghe lạnh buốt trong thân. Không phải là kẻ trong chăn ấm mơ ngoài sương gió của những người mơ mộng mà chính là phút hướng vọng về một nơi chốn quá đỗi thân tình.


"... tiếng mưa xé nát hồn viễn khách
em hát giùm ta khúc nhạc sầu
cho ta khua hết trong tiềm thức
hàng vạn chiều mưa phủ đớn đau
mưa ở quê nhà mưa núi thẳm
mưa rừng sâu nghiệt ngã tai ương
mưa hải đảo kiếp đời lưu lạc
mưa nhạt nhòa biệt tích cố hương
đêm chìm khuất lời kinh cầu nguyện
thắp cho nhau chút nắng đầu non
mưa lấp lánh hoa vàng luống cải
xuân lại về một dạ sắt son."


Quảng Nam đất cầy lên sỏi đá. Bình thường, cây lúa đã chưa nuôi nổi con người huống chi những lúc thiên tai hạn hán. Năm nay con bão Xingsane thổi qua tàn phá một vùng rộng lớn từ Quảng Bình, Thừa Thiên vào đến Qui Nhơn, Tuy Hòa. Nhưng chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là Quảng Nam Đà Nẵng, Sau bão dữ là lũ lụt. Nước các con sông dâng cao đến mức nguy hiểm tàn phá ruộng vườn. Hàng trăm ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, cơm không đủ ăn áo không đủ che rét. Quê vợ tôi chắc không thoát khỏi tai ương ấy. Gọi điện thoai về Đà Nẵng nghe tin nhà của anh này bị sâp, nhà của chị kia bị tốc mái và biết bao nhiêu người trong quê phải chịu cảnh cơ hàn. Trong vòng thân tộc, gửi về chút ít để đỡ cơn nghặt nghèo nhưng làm sao đầy đủ được. Thành ra chỉ cầu trời khấn Phật để có nhiều người góp công góp của cứu trợ. Đã có rất nhiều chương trình quyên góp, mong sao những người cần cứu trợ được chút ít để không phải qua những tay đầu nậu chận bớt của những tên quyền thế... Nam mô cứu khổ cứu nạn...


Nguyễn Mạnh Trinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn