BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77467)
(Xem: 63331)
(Xem: 40778)
(Xem: 32402)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thác là thể phách

22 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1375)
Thác là thể phách
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
Để thay lời từ biệt anh Nguyn Chí Thin

Kính anh

Ngay vừa khi được tin anh ra đi, tôi thật đã bàng hoàng và cảm thấy hụt hẫng. Bàng hoàng vì theo phản ứng tự nhiên của tâm lý sinh ly tử biệt và hụt hẫng vì mới chỉ kịp nghĩ rằng thế là bỗng chốc bị mất đi một người bạn trong nghĩa tình đồng thanh khí mà không còn hy vọng gì gặp lại nhau lần nào nữa trong đời. Rồi từ trong tâm trạng ấy, những hồi ức về anh cứ dần dần hiển hiện.

Có thể nói tôi được biết anh, quý và trọng anh cũng đã cách đây vừa tròn một phần tư thế kỷ, cho dù non nửa thời gian đầu chỉ là văn kỳ thanh thôi. Mãi tới cuối năm 1996, trong lần đầu tiên anh sang thăm Úc châu thì mới được kiến kỳ hình. Rồi có lẽ vì cái duyên văn nợ bút, hay nói đúng hơn là những đồng cảm trong tâm thức Việt Nam đã nối kết nên tình bạn như bấy lâu nay, như những dòng cảm nghĩ tôi đang viết với anh lúc này.

Như đã nhiều lần trong câu chuyện thân tình, chúng ta hay nhắc đến một người mà với anh thì là bạn tù, còn với tôi là một bậc trưởng bối khả kính. Đó là cụ Vũ Thế Hùng.

Từ ngày gia đình tôi theo chân đoàn người di cư vào Miền Nam, mãi đến năm 1988, tôi mới từ Sài gòn ra lại Hà nội. Tất cả những gì đẹp trong ký ức trẻ thơ hồi tám, chín tuổi hoà với những điều sau đó tại Miền Nam học được từ sách sử ở nhà trường, từ các bậc cha anh truyền đạt…tất tất thực chẳng còn nhìn thấy được bao nhiêu nơi cảnh đời trước mặt. Song tôi đã tìm lại được, không những là tất cả mà lại còn đậm nét hơn qua phong cách và nhiệt tình hướng dẫn của cụ ông và cụ bà Vũ Thế Hùng dành cho một kẻ hậu sinh.

Ngày đó, theo từng bước chân đi trên những đường phố ồn ào, hỗn tạp của thủ đô nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa, tôi đã được nhắc nhớ lại nguyên vẹn những gì của một “Hà nội 49”, của một chốn cố đô “ngàn năm văn vật”; đã được dẫn đến nơi này nơi nọ bắt nguồn từ các điạ danh xa xưa thuộc núi Nùng, sông Tô lịch, thành Đại la…Và từ đó lan man sang hiện tại với nhà tù Hoả lò, công cụ đắc sách của một thời thực dân đàn áp những người yêu nước của một quốc gia bị trị, mà lúc đó đang được nhà cầm quyền hiện hành kế tục sử dụng cách hoàn chỉnh hơn. Và rồi do chính cơ duyên này mà tên anh đã được nhắc đến, thái độ sống của anh đã được kể lại và hình tượng anh đã được vẽ ra với tôi từ đấy.

Rồi khi đã sang Úc, trong một lần đi thư viện tìm sách, tình cờ nhìn thấy tập sách nhỏ, in “ronéo” mang tên “Bản chúc thư của một người Việt Nam”, với trang bìa thô sơ dăm ba nét phác hoạ một hình người gầy còm, nằm co ro như bộ xương cách trí. Dù tác giả tập sách đề là khuyết danh nhưng ngay sau khi đọc nhanh mấy trang, tôi như có một linh cảm, nghĩ ngay đến anh với những mẩu chuyện và những câu thơ lõm bõm đã được nghe ở Hà nội mấy năm trước.

Di ảnh và hũ đựng tro cốt nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Đinh Quát/Người Việt)


Cuối cùng, những nghi nghi hoặc hoặc cũng được minh định và tôi đã gặp anh trong chuyến viếng thăm Úc châu đầu tiên vào năm 1996. Và cũng từ đó khơi nguồn cho mối tương quan bằng hữu thân tình tới nay nên thường khi trong những lần đến Úc, anh đều không quên dành cho gia đình chúng tôi một dịp hàn huyên tâm đắc.

Người ta tổ chức đón tiếp anh rộn ràng song anh đã đến với mọi người bằng sự đơn giản, mộc mạc và không huênh hoang. Một điều đặc biệt là càng quen anh nhiều càng thấy anh lành và hiền đến độ tuyệt đối theo cái nghĩa “chí thiện”. Vậy mà tới khi anh nói về chế độ toàn trị của những con người cộng sản Việt Nam thì cứ như được thôi thúc bởi một ý chí kiên định, anh trở nên mãnh liệt. Đọc những lời anh khẳng định mà rùng mình: “Tôi nghĩ khác, thời đại cộng sản chiếm quyền là một thời đại xáo trộn quái gở nhất, đau thương bi đát nhất, đểu cáng nhất, chất chồng tội ác nhất; tính chất cũng khác hẳn các thời đại trước của lịch sử” (Lời tựa Hoa Điạ Ngục, trang 29).

Ngay trong buổi đầu sơ kiến và sơ giao, anh đã không dè dặt chia sẻ cho tôi rất nhiều nhận xét về vài ba người và việc bên nhà mà tôi còn nhiều thắc mắc; về kinh nghiệm cần có để nhìn con người cộng sản cho chính xác với một kết luận “nhiều người chống cộng mà chẳng hiểu cộng sản là gì cả”. Còn nói về mình thì anh thẳng thắn nhận “Sự tàn bạo, man rợ của cộng sản, tôi hiểu…Tôi vẫn sẽ viết về thời đại cộng sản kỳ quái, dù không hay do bất tài, chứ không phải do đề tài, tôi sẽ dùng văn xuôi để có thể diễn tả cụ thể, chi tiết về những điều tôi đã nghe, đã thấy, đã sống. Nếu kém cỏi về nghệ thuật thì cũng có thể dùng làm tư liệu để sau này người khác tìm hiểu khi muốn viết về giai đoạn lịch sử của chúng ta” (Lời tựa Hoa Điạ Ngục, trang 29). Có lẽ nhờ vào ý hướng này mà ngoài thi phẩm Hoa Địa Ngục, anh còn để lại cho đời tập truyện Hoả Lò, nói về cái chốn âm ty kinh hoàng ngay tại Hà nội. Đúng là anh đã hiểu biết về cộng sản rõ hơn ai hết nên kịp thời lưu giữ được tư liệu sống trước khi cái nhà tù này được chuyển đi một nơi xa khuất khác. Bây giờ chỉ còn cái bảng hiệu cũ “Maison Centrale” được đơn thuần dùng như là chứng tích phô bày cho du khách tới xem tội ác của chế độ thực dân Pháp mà thôi.

Nếu dựa theo ý tình của một nhà thơ Pháp đã nói rằng “Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim” (La poésie est le cri naturel du coeur) thì thơ của anh còn vượt cao hơn cái tiếng kêu tự nhiên đó để thành tiếng thét tủi hờn, hay đúng hơn là có đủ tiếng hét, tiếng la, tiếng khóc lẫn trong lời nguyền rủa …của một con người đã thay cho mọi người để nhìn, để cảm, để suy thấu đáo về thân phận chung của cả một đất nước.

Thơ của tôi không phải là thơ

Mà là tiếng cuộc đời nức nở…

Và như một hành giả, một thầy giảng, anh đã cho thơ của mình lên đường thi hành sứ vụ:

Chế độ Mác Lê tôi sở dĩ nói nhiều

Tới mức phát nhàm, phát chán!

Vì thực tế không nhàm, không chán

Mà kinh hoàng ai oán lắm, bạn ơi

Tôi sẽ nói khắp nơi

Sẽ nói suốt đời

Nói tới muôn đời

Nói mãi

Cũng trong lời tựa tác phẩm Hoa Địa Ngục, anh giải thích thêm “…trong muôn ngàn sự việc xẩy ra hàng ngày, trong muôn ngàn tâm tư, cảm xúc, tôi cố chọn lọc những gì nổi bật nhất, đập vào tim óc nhất. Coi mình là người ghi chép cảnh thực, tình thực của một giai đoạn lịch sử đớn đau tột độ, tôi luôn luôn tôn trọng sự thật, không cường điệu, khuếch đại, bôi đen, hoặc gây cấn hoá. Vả lại, nguyên những sự thật cũng chỉ ghi được phần nào, cần gì phải vẽ vời thêm…” (Hoa Địa Ngục, trang 19).

Lần nào gặp lại anh, ở Hoa kỳ hay ở Úc châu, tôi cũng chỉ ghi nhận nguyên một dáng vẻ vừa mệt mỏi, vừa đơn sơ; lúc nào cũng nhìn đời bằng đôi mắt đầy sự ngơ ngác . Lúc nào cũng chỉ một phong thái đủng đỉnh. Cho dù là đứng giữa hào quang về sự nghiệp thơ văn đã thành danh hay trong tình huống đang bị thập diện mai phục bởi các mưu sự muốn đánh phá thì anh cũng nhìn tất cả bằng phong thái bình thản. Tôi nhìn ra được những vu khống thô bạo, những cái mũ chụp dị dạng đối với anh có thấm gì khi so với những trò gian trá, phi luân mà anh đã chịu suốt hai mươi bảy năm đoạ đầy trong các nhà tù cộng sản. Cái khí hạo nhiên của kẻ sĩ là đấy.

 

Kính anh,

Viết đến đây tôi đã thấy nhẹ dần cảm giác hụt hẫng. Đã không nặng tình với ý niệm về sự mất còn nữa mà là niềm tin và hy vọng. Tin vào chân lý về sự thiện sẽ thắng tà quyền của sự dữ. Hy vọng vào nguồn ánh sáng Phục sinh mà anh đã cùng chúng tôi tin nhận sẽ chiếu rọi vào những xó xỉnh tăm tối nhất của lòng người. Để thêm nhiều anh em chúng ta biết những gì là việc bổn phận mình phải làm cho Quê Hương, cho Giáo hội. Để đất nước chúng ta được quang phục, dân tộc chúng ta được sinh tồn trong độc lập, tự do và hạnh phúc thực sự chứ không chỉ là một chiêu bài vô nghĩa đầy mỉa mai.

Trong những ngày này, những ngày mà Giáo hội đang hướng vào việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã ra đi khỏi cuộc sống. Đây chính là mùa giao cảm theo giáo lý về tín điều “các thánh cùng thông công”. Tôi tin rằng tín điều này cho chúng ta một xác quyết về tình huynh đệ trong Đức Ki tô không thể đứt đoạn. Tôi tin giữa con người với nhau vẫn còn một nhịp cầu giao hưởng vượt qua hai bờ tử sinh.

Theo quan niệm của Nho giáo thì linh hồn những bậc hiền nhân quân tử sẽ bất diệt vì đã được thăng hoa mà hoà nhập với khí thiêng trong trời đất thành chính khí. Tôi tin tưởng giờ đây anh cũng đã thênh thang trong cõi bất tử vĩnh hằng như thế, đã trở về cùng sức thiêng sông núi. Tử giả thể phách bất tử giả tinh thần là vậy.

Mong anh tiếp tục hiệp thông với chúng tôi, như anh đã từng viết

Để đánh kẻ thù, tôi không được hèn ngu

Để thắng kẻ thù, tôi phải sống ngàn thu (Hoa Địa Ngục – Nếu ai hỏi).

Phạm Minh Tâm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn