BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một sự Bất tín…

16 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1722)
Một sự Bất tín…
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nói về sự Bất tín của người cộng sản thì đúng là… hết ngày dài lại đêm thâu! Đều ấy chẳng phải thiên kiến của những con người chuộng Sự thật – những người mà ngày nay ta hay gọi họ là những người Tự do, những nhà Dân chủ, v.v…; mà một ông cộng sản gộc chính cống là ông Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Liên xô Mikhail Sergeyevich Gorbachev cũng đã có lần nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”[1]. Hay như một trong những tiền nhiệm của ổng là Leonid Ilyich Brezhnev cũng từng nói: “Chủ nghĩa cộng sản cái quái gì, đều là những lời nói trống rỗng lừa bịp dân chúng”[2]. Khi nghe đọc 2 câu trên của mấy ông nọ, cùng biết ý định tôi viết bài này, ông Vũ Thịnh bạn cố tri của tôi phán rằng: Vậy còn “cái quái gì” cho ông viết nữa!

Vâng. Tôi cũng biết vậy. Ấy là nếu người ta cứ chịu im đi – sửa hay không sửa những cái sai, những cái lếu láo thì cũng không cần biết, nhưng nếu người ta cứ chịu im đi – lại là một nhẽ. Đàng này, hết đợt ra quân này, đến chiến dịch nọ, họ cứ ông ổng kêu gọi phải nọ phải kia tôi mới… tức, mới ức mà viết ra mấy điều sau đây. Tuy nhiên cũng phải xin thưa thêm rằng: Tôi cũng chỉ xin điểm xuyết vài ba ông Ta thôi, vì lời nói và việc làm của các ông-trời-con này nó ảnh hưởng trực tiếp đến tôi, đến bạn, đến những người thân của chúng ta, hay nói rộng ra thì đến nhân dân này, đất nước này. Còn mấy ông Tây/Tàu là thầy hoặc bạn đồng chí của họ như ông Mác, ông Lê, ông Sịt, ông Mao, ông Kim, ông Pốt hay ông Phi v.v.. thì có dịp khác xin bàn đến họ cũng chưa muộn.

Khởi đầu là ông Thành (Nguyễn Tất). Gọi như thế cho chính danh ông, cho khỏi lẫn/lộn với những cái danh mà ông tiếm của một nhóm,[3] hay của một người khác.[4]



Khi mang danh Hồ (ông Thành) đã từng có lần nói “Chính phủ Việt Nam gồm một đa số các người không đảng phái và một thiểu số đại biểu các đảng phái [khác] trong số đó Việt Minh chiếm con số rất nhỏ”. (Trả lời nhà báo Mỹ Elie Maissie vào tháng 9/1947).[5] Vâng, đúng! Chính phủ Liên hiệp ban đầu 14 người chỉ có 3 Việt Minh (thực chất là Cộng sản) đó là ông Thành (mang danh Hồ), ông Giáp và ông Hiến (Lê Văn). Rồi cái chính phủ mở rộng sau đó nữa cũng ná ná như vậy. Nhưng hỏi rằng cái Chính phủ đó “sống” được bao lâu? Và thực quyền của những người được dựng “làm cảnh” trong đó như thế nào? Cái vụ ông Thành (mang danh Hồ) sau thất bại đàm phán với chính phủ Pháp năm 1946, đã rỉnh rang trên chiến hạm của kẻ thù chu du đại dương ngắm mây nước cả tháng trời để ông Giáp ở nhà rảnh tay “vặt” hết các đảng phái khác như thế nào mà đỉnh điểm là Vụ Ôn Như Hầu[6] ngày nay ai ai cũng đã biết. Nhưng cũng có lần ông Thành “hồn nhiên” (tức nói thực lòng) như con nít một cách rất đáng… ghét! Trong một buổi tiếp tân, một đảng viên cộng sản Pháp, thuộc hệ phái Trotsky, tức là đệ tứ quốc tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: ‘Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất’. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ đã trả lời gắng gượng: ‘Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt’.”[7]. Đó, ông Thành nói thế rồi làm thế đó. Thực ra đoạn viết trên của tôi cũng chỉ là giản lược, cực kỳ giản lược. Sự thực cái Chính phủ liên hiệp, Chính phủ mở rộng gì gì vừa nói đến chỉ là một trò chơi lừa lọc, lắt léo, lập lờ… nhưng không lừa nổi một ai trong thế giới văn minh nên sau nhiều năm có “Tuyên ngôn độc lập” mà chẳng có một nước ma nào thừa nhận và đặt ngoại giao với nền “độc lập của bác”; hẳn vì cái đuôi… cờ sờ (cộng sản) của bác… vĩ đại quá đa!

Đối với ông Thành, tiền hậu bất nhất… như lẽ thường tình. Ông nói zdậy mà chẳng phải zdậy. Sự Bất tín của ông Thành không phải chỉ như trên. Còn nhớ, sau khi cướp được chính quyền không phải từ Pháp hay Nhật mà từ Chính phủ Trần Trọng Kim.[8] Chắc chắn lúc đó ông đã cảm nhận được rằng phần lớn dân nước Nam còn quá xa lạ và không ưa cộng sản, nên ngày 11 tháng 11 năm 1945 ông đã tuyên bố đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán để ông cố giấu sự liên hệ cộng sản với nhà nước mới thành lập.[9] Chính điều này đã làm cho bao con dân Việt yêu nước theo ông vào cuộc kháng chiến chín năm. Thế rồi khi cơ hội đến, ông liền trưng cái đảng của ông ra với cái tên Đảng Lao động và gọi là “đảng ta ra công khai”. Cái đảng ông Thành (mang danh Hồ) tuyên bố tự giải tán nay đùng một cái lại được chính ổng… úm ba la “ra công khai”! Cái trò phù thủy này của ông Thành đã làm bao người theo ông ra kháng chiến ngỡ ngàng, thất vọng. Người thì “dinh tê” vào thành; có người như ông Mạc Định Hoàng Văn Chí thì hình như… hơi bị “tự ái” (nói theo kiểu ngày này và xin Ông tha thứ nếu không phải), tự ái kiểu tạch-tạch-sè, Ông đã âm thầm quyết định sẽ bỏ Việt Minh sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công[10] và ông đã làm đúng như vậy, rồi đã làm nên nhiều tác phẩm quý trong đó có cuốn “Trăm hoa đau nở trên đất Bắc”. Còn vài vị trí thức… “to hơn”, có lẽ do không vượt qua được chính mình, như người đời vẫn nói đâm lao thì phải theo lao, đã cặm cụi phục vụ ông Thành để đến nỗi bị ổng đối xử – nói xin phép – như con vật trung thành. Chỉ xin “đơn cử”: Cụ nguyên Khâm sai Bắc kỳ Phan Kế Toại, được ông Thành cho làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiều năm, nhưng cứ mỗi khi người văn thư đưa ký một công văn, chỉ thị gì thì cụ lại hỏi: anh Đẩu (Tô Quang – thứ trưởng, tức “người giúp việc” cụ bộ trưởng về danh nghĩa) xem chưa? Hoặc tổ chức (tức đảng đoàn bộ) thông qua chưa? Tất nhiên người thư ký trả lời: Rồi ạ! Thế là cụ ký cái rẹt cho xong vai trò… fantoche (bù nhìn). Hay như bác sĩ nông học Lương Đình Của, nhà nông học tài ba đã bỏ cả vị trí làm việc có mức lương 24 cây vàng một tháng ở Nhật Bản về tham gia giành độc lập cho nước nhà. Ngày Viện khoa học về nông nghiệp thành lập thì ông được trao cương vị “trọng đại”: Viện phó, để “phụ việc” cho một “đồng chí Viện trưởng” có trình độ… Trung cấp! Cũng có đôi vị có vẻ như… “cứng đầu” hơn, như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo thì số phận ra sao ai ai cũng đã biết! Trí thức Việt Nam mạt hạng thế đó! Chả thế mà ông Hà Sĩ Phu phải kêu lên: “Bốn anh Trí Phú Địa Hào/ Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ/ Đảng ta thương Trí ngu ngơ/ Cho CÔNG-NÔNG-TRÍ chung cờ liên minh/ Trông lên LIỀM-BÚA hai hình/ Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu/ Quay sang tìm Phú, Địa, Hào/ Thấy ba bụng phệ… đã vào… Đảng ta!”

Đó là đôi nét chấm phá chân dung ông trùm bự số 1 về sự Bất tín. Các hậu duệ của ông: Ông 1b, ông 1c v.v… cũng chẳng ông nào khá hơn. Tôi muốn đi ngay vào ông trùm cuối cùng xem sao thì ông bạn cố tri của tôi nêu trên lại kêu lên: Trời đất! Ông ta đã có mật danh Lú thì còn có gì để anh bàn đến nữa! Có lẽ bạn tôi lại nói đúng. Bài vè bộ trưởng[11] đang lưu hành trên mạng và đã được rất nhiều người truyền tay nhau đọc có câu về ổng: Định hướng tối tăm/ là Nguyễn Phú… Lú! Lú có nghĩa là khi được cha mẹ sinh ra, ông không mắc bệnh Down. Có thể lúc trẻ ông cũng ăn học bình thường, và có vẻ như còn được “thầy yêu bạn mến” nên khi ông được đảng của ông cử “làm vua”, một người bạn đồng môn đã có thư ngỏ gửi tới ông[12] như chia sẻ niềm vinh dự và bày tỏ “Khi nói chuyện với chúng tôi, các thày cô đều bày tỏ: “Mong Phú Trọng đừng làm gì khiến thày cô phải xấu hổ.” Nhưng có lẽ vì ông quá chăm học Mác-Lê, nghiền ngẫm quá kỹ Sịt-Mao, v.v… Ông lại có thời đảm nhiệm lãnh đạo trường… “đoảng”, rồi chủ tịch Hội đồng… lú lẫn làm cho trình độ ông ngày một cao, sâu; chữ vào ngày một nhiều đến độ như các cụ ta vẫn nói, ông trở nên… ngộ chữ nên thành Lú chăng? Cứ xem cái đận ổng qua xứ ông Phi-xồm bên bờ vịnh Caribé thì rõ: lên mặt dạy dỗ đám đàn em ông này, bài của ông hay đến mức… bà nữ Tổng thống Brazil (nghe nói bả xuất thân cánh tả, tức thiên hoặc ít nhiều từng có ‘tình’ với cộng) tuyên bố không thể tiếp được ông vì “lịch trình không cho phép”, nên ông đã phải… Go home ngay ngày 13/4, mặc dầu “Trước đó, các kênh chính thức của Việt Nam thông báo ông Trọng sẽ thăm hữu nghị Brazil “theo lời mời của Tổng thống Dilma Rousseff” từ 13/4-15/4.”[13]. Xem thế thì, nói chuyện với anh Lú khác chi nói chuyện với anh trại viên… Trâu Quỳ[14]! Mặt khác, sau “Festival 11” của đảng ông, mọi người thấy vai trò của ông rất mờ nhạt ngay cả trên các phương tiện thông tin lề phải (mà gần đây hình như ông đang chiến đấu để đoạt lại vai trò của mình thì phải?!), nếu đúng vậy, ông chỉ còn là vua trên danh nghĩa. Vậy với ổng, ta bỏ qua cho xong chuyện. Ta hãy xem ông vua thật hiện nay ra sao? Đó là ông Ba Dê, ổng có gì Bất tín không?

“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”.


Ba Dê thì bài vè vừa nói trên có câu: Tham nhũng làm liều/ là cậu Y tá!

Chân ướt chân ráo nắm quyền lực tối thượng, ngay trong lễ nhậm chức, Y tá ta vỗ ngực: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay."

Ta nhớ lại, trước thời điểm cậu Y tá cầm quyền, tham nhũng ở Việt Nam cũng đã đáng sợ, nhưng quả thật cũng “nhỏ nhoi” ở mức vài chục tỷ VNĐ như vụ Lã Thị Kim Oanh gây “thất thoát” 34 tỷ, những vụ tham nhũng mấy cái nền nhà mỗi cái trên dưới trăm m2 như ở Đồ Sơn… “cũng làm cả xã hội kinh hoàng, sửng sốt, đau xót, nhức nhối, phẫn nộ và xao xác, vơi hụt lòng tin vào chính quyền. Vì tham nhũng từ chính quyền mà ra, phải có quyền lực mới có thể tham nhũng”.[15] Khi quyền lực vào tay Ba Dê, tệ nạn tham nhũng… “vươn vai như Phù Đổng” với Vinashin trên dưới trăm ngàn tỷ, rồi Vinalines, Sông Đà v.v… tràn lan mà “đảng ta” và “nhà nước ta” không có cách nào kiểm soát được, Y tá ta thì… quên béng từ chức như đã hứa một cách cực kỳ ấn tượng trong buổi lễ có lẽ là long trọng nhất của đời mình. Chuyện này mở màn cho hàng loạt (chứ không phải chỉ là một) sự Bất tín của Ba Dê.

Kinh tế vĩ mô luôn luôn được đài báo hô to là vẫn ổn định với hết biện pháp này, cách thức khác; hết gói kích cầu này, lại gói kích cầu nọ tung ra mà ngay từ năm 2009 ông Nguyễn Trần Bạt đã phải kêu lên rằng dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, không có khu vực kinh tế nào ở Việt Nam tỏ ra khởi sắc sau gói kích cầu ngoài thị trường chứng khoán và nâng mức thâm hụt ngân sách lên đến 8% so với 5% của năm 2008[16]. (Chứng khoán năm đó ông Bạt nói vậy, còn năm nay 2012 thì… ai cũng biết là thế nào.) Vậy thì “dòng tiên chảy” này nó đọng ở đâu nếu không phải đọng trong túi cậu Y tá, trong ngân hàng lệnh ái ông hoặc các bậu xậu của ông? Vậy phải chăng ông không những không chống tham nhũng mà chính ông lại là con sâu tham nhũng bự như nhiều bài trên mạng đã viết? Các biện pháp cứu nền kinh tế của Ba Dê hóa ra cũng vẫn chỉ như dùng thuốc đỏ bôi ngoài da hồi nào ông làm y tá mà thôi!

Rối sau đó mấy tháng, ông lại một lần nữa ưỡn ngực, tỏ ra rất tự tin và tuyên bố câu xanh rờn: Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.”[17] Chà chà hay quá là hay! “Quý nhất là sự trung thực” nhưng những ai trung thực nhất thì Ba Dê ta tìm cách khóa ngay mồm họ lại như bức tử Viện IDS (như nhiều người nói là nơi hội tụ những chuyên gia hàng đầu của quốc nội về quản lí kinh tế và quản lí Nhà nước được hai đàn anh của ông là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải thành lập, tin dùng và kính trọng) bằng quyết định số 97/2009/QĐ-TTg trong đó có một số điều khoản khiến Viện không thể hoạt động như tiêu chí của mình.[18] “Quý nhất là sự trung thực” nhưng khi người ta… “thổi còi”, chỉ ra rằng anh đã vi hiến đấy, mà anh đang trên cương vị thủ lĩnh cơ quan hành pháp đấy, thì anh trả thù người đã chỉ ra việc làm vô lối của anh cách cực kỳ đểu cáng và hèn hạ khởi đầu bởi 2 bao cao su đã qua sử dụng, rồi cho người này vào tù với 2 bản án bỏ túi nặng nề trong hai phiên tòa sơ, phúc thẩm ô nhục. Với vụ án này, nhiều người nói: mặt Y tá ta đã nhơ bẩn không khác gì 2 bao cao su đã sử dụng. Chưa hết, và gần đây nhất, mặt thật của “quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối” đã được thể hiện liên tục với mật độ dầy đặc hơn. Đó là vào ngày 24/9 vừa qua đã cho tay chân tặng cho 3 nhà yêu nước nổi tiếng trung thực: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Anh ba Sài gòn Phan Thanh Hải bản án 26 năm tù tổng cộng (chưa kể hàng chục năm quản chế) để làm đẹp lòng thiên triều khi Ba Dê đang có mặt tại Hội chợ triển lãm Asean-Trung Quốc ở Quảng Tây. Đặc biệt trước đó, ngày 12/9, Ba Dê đã điên cuồng chống “sự trung thực”“sự giả dối” bằng cách cho văn phòng của mình phát đi công văn 7169/VPCP-NC nhằm triệt hạ các trang mạng tạm gọi là nổi tiếng nhất trong thời gian qua, đã có công rất lớn cung cấp cho dư luận trong ngoài nước những sự thật muôn mặt về hiện tình vô cùng bi đát của đất nước, kể cả tư cách và hành động phản động của nhóm cầm quyền chóp bu mà Ba Dê là người được bôi danh nhiều nhất. À hóa ra cái công văn này cũng lại chỉ là hành động trả thù những tập thể đã chỉ trích Y tá ta nhiều nhất; giống như năm trước anh ta trả thù cá nhân Cù Huy Hà Vũ khi ông này dám vuốt… râu dê của Ba Dê!

Điểm xuyết như vậy thì những người cộng sản Việt Nam đâu chỉ có Một sự Bất tín? Mà Một sự Bất tín [thì] Vạn sự Bất tin như các cụ ta thường nói! Đằng này họ ngày ngày bất tín, người người nối nhau bất tín; tôn thờ sự bất tín/ tiền hậu bất nhất như một lý thuyết, một cứu cánh để tìm cách đạt cho được mục đích xích hóa xã hội Việt Nam vốn từ xa xưa vẫn an bình, phẳng lặng như những điệu dân ca cò lá Bắc bộ, câu hò Nghệ Tĩnh, hoặc những giọng bài chòi Nam bộ…

Khác các bạn Hải ngoại. Ổ đất Hà nội này, trong quan hệ xóm giềng, bạn hữu; ngay cả trong quan hệ họ tộc, gia đình, ngày ngày chúng tôi thế nào cũng gặp một đảng viên (chứ không hẳn) cộng sản. Họ nhiều như quân Nguyên! Khi nói về thói tiền hậu bất nhất của lãnh tụ họ, có người thanh minh: Đó là Sách lược cách mạng! Vâng, hóa ra Sách lược cách mạng cộng sản = (bằng) Sự lấp lửng, lừa lọc, lấp liếm, lố lăng, lật lọng, lếu láo, (Nguyễn Hữu xin thêm với cụ Hai Tổ từ: lươn lẹo, lắt léo) để lộn lèo![19] Cái sự bất tín cố hữu này khởi từ ông Thành (mang danh Hồ), nên một người bạn khác của tôi nói: Nên chăng “lắp” thêm vào tên ổng cái tiếp vị ngữ ist hay isme gì đó? Và ta gọi nó là Hoist hay Hoisme – cái chủ nghĩa bậy bạ, ba bét cố hữu này, nói như nhà văn Nhật Tuấn thì nó là 2Đ: đồ đểu, điên đảo, điếm đàng, đĩ điếm, đơn độc...[20] Bạn đọc bằng lòng hay không xin tùy ý. Để thuyết phục bạn “đồng ý” với bạn tôi, xin kể lại/thêm 2… chuyện nhỏ:

Chuyện “nhỏ” thứ nhất: Về chuyện thuốc lá của ông Thành, Cựu Hoàng Bảo Đại kể rằng: “Hồ là kẻ nghiện thuốc lá Mỹ, nhất là thuốc Phillip Morris. Nhưng ở nơi làm việc và tiếp khách, lúc nào Hồ cũng giữ một bao Bastos xanh hay vàng… khiến cho khách khứa cứ tưởng hắn ta sống bình dân, hút thuốc bình dân. Lẽ dĩ nhiên, lúc không có người ngoài quan sát, Hồ chỉ hút Phillip Morris.”[21] (Có thể tham khảo thêm đoạn viết về ông Hồ hút thuốc lá trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh).[22]

Chuyện “nhỏ” thứ nhì: Lúc đó là thời điểm 1950, ông Nguyễn Minh Cần giữ chức Ủy Viên Thường Vụ Tỉnh Ủy Thừa Thiên được Trung Ương Đảng Cộng Sản (lúc bấy giờ là Đảng Cộng Sản Đông Dương… đã giải tán!) triệu tập ra Việt Bắc dự hội nghị cán bộ để chuẩn bị cho Đại Hội 2 vào năm sau. Lúc đó có nhu cầu cần phải đổi tên Đảng Cộng Sản Đông Dương thành Đảng Lao Động Việt Nam để che giấu bộ mặt cộng sản hầu có thể lôi kéo nhiều tầng lớp dân chúng. Ông Cần viết:

Sau khi giải thích cho các đảng viên hiểu rõ ích lợi cần phải đổi tên đảng, Hồ Chí Minh giơ cao nắp hộp thuốc lá thơm “Craven A” về phía có nhãn hiệu và nói: “Đây là Đảng Cộng Sản”, xong ông xoay nắp hộp về phía không có nhãn hiệu và nói: “Còn đây là Đảng Lao Động.” Ông lại lớn tiếng hỏi: “Thế thì các cô các chú thấy có khác gì nhau không?” Cả hội trường đồng thanh đáp vang: “Dạ không ạ!”[23]

Nhưng quả thực cái Sách lược cách mạng mà người đảng viên trên nói thật nguy hiểm. Nó thực chất là sự lắt léo, tiền hậu bất nhất, nói một đàng làm một nẻo – nhún mình những lúc khó khăn để… vượt hiểm. Cái trò vượt hiểm này thì phải nói cộng sản là bậc thầy! Việc giải thích sự giấu mặt/ ra công khải của ĐCS trên là một điển hình. Trò Đổi mới (mà mãi không về được… như cũ!) năm 1986 là một cuộc vượt hiểm khác của họ, vì nếu không có cái trò này, với tình hình xã hội Việt Nam những năm đó, thì sự nghiệp của họ tiêu tan là cái chắc! Vậy Trò Phê và Tự phê từ Bộ chính trị trở xuống đang phát động qua cái nghị quyết 4 & 5 hiện nay cũng là sách lược? là cuộc vượt hiểm mới của họ chăng? Người viết tôi đồ là như thế. Khi lướt trên mạng tôi cũng thấy các bài viết phần nhiều cũng có ý như vậy. Chẳng còn ai tin họ nữa vì họ có tới vạn/ức sự bất tín chứ không phải chỉ một! Nhưng họ vẫn phải làm, giả vờ làm để đạt được mục đích chiến thắng của họ (mà họ cho là tốt đẹp mặc dầu nó thối tha đến đâu) để biện minh cho phương tiện (họ thi hành để đạt được những điều họ mong muốn). Nghĩa là họ bảo nhau… “ta” cứ nói thế, cứ làm đi, chiếu lệ cũng được, miễn là vừa làm vừa hô cho to rồi dần dần cho vào quên lãng như mọi điều ta đã hứa trước có sao đâu? Vừa qua, các đồng chí từ Bộ Chính trị trở xuống đã thành khẩn, nghiêm túc tự kiểm điểm; các đồng chí đã góp ý phê bình nhau thẳng thắn, không nể nang trên tinh thần thương yêu đồng chí thân thiết, hữu ái giai cấp và nhất là “ta” phải duy trì cho kỳ được sự thống nhất của đảng như con ngươi của mắt mình và sự… “ổn định chính trị, xã hội”! Và nếu có một tập thể, một đồng chí nào đó “được” bên này đề xướng kỷ luật, nhưng bên kia nêu... cứ tà tà, và để đ/c đó “có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm” (sic) cho đúng tinh thần đánh người chạy đi không đánh người chạy lại!

Và... Hội nghị trung ương 6 đã thành công rực rỡ muôn năm!!!

Nguyễn Hữu – Hà Nội

16/10/2012




[1] http://thongtinberlin.de/diendan/okt2011/tungngaynguyentandunglamdangviensangmat.htm





[4] Nhóm Tâm Việt Sydney, Cuốn “Anh Thư Nước Việt Từ Lập Quốc Đến Hiện Đại”






[7] Bên dòng lịch sử, L.m. Cao Văn Luận, Chương 11: Những hoạt động của Hồ Chí Minh trong ba tháng rưỡi ở Pháp, http://vnthuquan.net/(X(1)S(rf0lv355zy2sun45qtwhfvv0))/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nqnvn3n31n343tq83a3q3m3237nvnvn









[13] Lý do hủy thăm Brazil của TBT Trọng, http://www.danchimviet.info/archives/56410




[14] Bênh viện tâm thần, nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm. Hà Nội.






[17] Trả lời thính giả Vũ Thanh Hữu, trong buổi đối thoại trực tuyến ngày 9/2/2007, http://vietbao.vn/Xa-hoi/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-doi-thoai-truc-tiep-voi-nhan-dan/45226981/157/








[22] Bên giòng lịch sử, Lm Cao Văn Luận, Chương 24: Ngô Đình Cẩn, người có trí nhớ phi thường. http://vnthuquan.net/(X(1)S(rf0lv355zy2sun45qtwhfvv0))/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nqnvn3n31n343tq83a3q3m3237n1n2n




[23] Nguyễn Minh Cần kể lại (trang 62, trong quyển Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế). Trang đầu: http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=4924


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn