BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76180)
(Xem: 62953)
(Xem: 40364)
(Xem: 31960)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đại Sứ Phạm Duy Khiêm với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

15 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1451)
Đại Sứ Phạm Duy Khiêm với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974)


Tôi chưa bao giờ được gặp nhà giáo nhà văn Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974), mà sau này vào năm 1954 – 55 ông đã làm Đại sứ của Việt Nam tại Pháp. Từ lâu, tôi được nghe đến danh tiếng ông Khiêm là người Việt Nam đầu tiên có văn bằng Thạc sĩ chuyên về bộ môn Văn phạm tiếng Pháp, mà có người gọi là “Trạng Mẹo” ( Mẹo = Văn phạm). Ông nổi tiếng là người có tài viết văn bằng tiếng Pháp rất trôi chảy và ông chỉ cộng tác với học giả Trần Trọng Kim trong việc biên sọan cuốn Văn phạm Việt nam – đó là cuốn sách duy nhất ông viết bằng tiếng Việt.

Hồi còn theo học ở bậc trung học tại Hanoi trước năm 1954, thì tôi có được đọc cuốn “Légendes des Terres Sereines” (Những Truyền thuyết từ Miền Đất Thanh Bình) của ông Khiêm viết từ năm 1941 và mới được tái bản ở Pháp vào năm 1951 – 52. Sách kể lại các chuyện cổ tích như Trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Trương Chi & Mỵ Nương v.v… bằng một giọng văn mạch lạc, đơn sơ trong sáng – thật dễ hiểu và lôi cuốn cho lớp học sinh chúng tôi thời đó. So sánh với hai tác giả người Việt cũng viết bằng tiếng Pháp hồi trước năm 1945 là quý ông Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Tiến Lãng, thì lối viết của ông Khiêm hấp dẫn đối với chúng tôi hơn nhiều.

Vào cuối năm 1974, tại Saigon chúng tôi được nghe là Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm đã tự sát và từ giã cõi đời ở bên Pháp. Báo chí hồi đó có đưa ra nhiều chi tiết về sự việc xung quanh biến cố này, nhưng lâu ngày rồi tôi cũng không còn nhớ rõ về câu chuyện đó nữa. Vào năm 2004, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 30 kể từ ngày ông qua đời, tạp chí Thế kỷ XXI ở California có cho đăng một số bài do nhiều tác giả viết về nhà văn Phạm Duy Khiêm, trong đó có cả bài của nhạc sĩ Phạm Duy là bào đệ của ông. Và qua internet, ta cũng có thể đọc được nhiều bài viết về ông nữa.

Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến chứng từ của giáo sư Raymond Aron (1905 – 1983) là một vị đại sư nổi danh ở Pháp viết trong cuốn Hồi ký nguyên tác bằng tiếng Pháp với nhan đề là : “ Mémoires : 50 ans de Réflexion Politique” xuất bản năm 1983 và bản dịch sang Anh ngữ với lời nói đầu của Henry Kissinger được xuất bản năm 1990 tại Mỹ. Hiện trong tay tôi, thì chỉ có bản dịch Anh ngữ này. Vì thế, tôi xin trình ra đây phóng ảnh của trang bìa và của một đọan trong trang 392 của bản tiếng Anh này với nhan đề như sau:

* Raymond Aron : Memoirs – Fifty Years of Political Reflection *
do nhà xuất bản Holmes & Meier ấn hành năm 1990 tại New York & London.

Giáo sư Aron viết trong đọan văn nói trên như sau: “Thật ra, cuộc tấn công dịp Tết (Mậu Thân) là một sự thất bại về phía Việt cộng. Chẳng có nơi nào mà dân chúng lại hưởng ứng đi theo “những chiến sĩ tự do” (Nowhere did the population join the “freedom fighters”).

Những người chiến sĩ đó đã phạm vào những hành động không thể tha thứ được. Họ bắt buộc các nạn nhân phải đào những con hố mà họ đảy hàng trăm những viên chức và người có tên tuổi của kinh đô Huế để chôn vùi vào trong đó. Bạn của tôi, Phạm Duy Khiêm vốn là vị Đại sứ của miền Nam tại Paris vào năm 1954, thì có phổ biến thông qua thông tấn AFP vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 một bản tường trình đày vẻ phẫn nộ (an indignant report) về cung cách đối xử của Việt cộng trong những vùng mà họ kiểm sóat được trong một số ngày.”Những vị trí thức đó đã không hề ngó ngàng gì đến số phận của những viên chức bình thường, những nhân viên vô tội của chính quyền và gia đình của họ, những quân nhân đang nghỉ phép, những linh mục công giáo người Pháp, những giáo sư người Đức cùng với vợ của họ đều bị chôn sống (vào khỏang 300 người), hay bị giết sau khi bị cắt chân tay và bị tra tấn đủ kiểu (vào khỏang 700 người), đôi khi còn bị trói chung với nhau bằng giây kẽm gai nữa.” Bản tường trình này đã bị rơi vào sự dửng dưng và quên lãng…”

(Ghi chú: Lúc đó thì tại Stockholm thủ đô của Thụy Điển đang có một thứ Tòa án có tên là Bertrand Russell Tribunal để tố cáo “tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt nam “. Và phong trào phản chiến đang rầm rộ sôi nổi ở Mỹ cũng như ở Tây Âu nữa. Nên Đại sứ Khiêm mới phải đề cập đến “những nhà trí thức đó” với một sự phẫn nộ.)

Nếu ta để ý đến sự kiện là chỉ vào cuối tháng Hai năm 1968, thì quân đội Bắc Việt mới bị đánh bật ra khỏi cố đô Huế và chỉ sau đó ít lâu thì các thông tin về cuộc Thảm sát kinh hòang hồi Tết Mậu thân mới được đưa ra một cách rõ ràng chính xác. Và như giáo sư Aron thuật lại ở trên là vào ngày 13 tháng Tư năm 1968, ông Khiêm lúc đó chỉ là một công dân bình thường – nhưng vì ý thức được trách nhiệm của một vị thức giả mà ông đã phải công bố ngay tức khắc cho thế giới biết đến vụ tàn sát kinh hòang ở Huế lúc đó.

Sự kiện rõ rệt này tôi chưa thấy có tài liệu nào của người Việt nói đến. Vì thế, tôi xin trích thuật ra đây để trước hết góp phần bổ túc cho “Hồ sơ Thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968” có thêm được một chi tiết khả tín nữa. Và sau là để tỏ lòng biết ơn đối với Đại sứ Phạm Duy Khiêm vì sự đóng góp quý giá của ông trong việc lưu ý cho công luận thế giới biết rõ hơn về cái tội ác tầy trời đó của người cộng sản đối với người dân vô tội ở Huế thời đó.

Tôi hy vọng sẽ có nhà nghiên cứu sưu tầm được tòan văn “Bản Tường Trình công bố vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 của Đại sứ Khiêm được gửi qua thông tấn AFP của Pháp” như giáo sư Raymond Aron đã trích thuật lại trong cuốn Hồi ký của mình.

Quả thật, trong giới trí thức của chúng ta lúc nào cũng vẫn có những con người có lòng thương cảm và sự ngay thẳng để tố cáo những sự tàn bạo độc ác xảy ra đối với các nạn nhận vô tội là đồng bào ruột thịt của mình – như trường hợp của Đại sứ Phạm Duy Khiêm được ghi lại trong bài này vậy.

San Clemente California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012

Đoàn Thanh Liêm

Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn