BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77514)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hun Hút Thu Xưa

10 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1533)
Hun Hút Thu Xưa
53Vote
40Vote
31Vote
21Vote
11Vote
3.56
Màn cửa kéo sang một bên, ánh sáng tràn vào căn phòng, ánh sáng nhàn nhạt dịu dàng qua màn sương dầy đặc trong khu vườn bé nhỏ ngoài kia. Cả khoảnh vườn trắng xoá, sương như tấm màn kéo che ngang, lấp khuất sự hiện diện của cuộc sống nằm phía sau những bụi cây làm hàng rào chạy dài trên con dốc. Màn sương tạo sự cách ly của thế giới chung quanh khu vườn, như dành riêng cho tôi khoảng không gian yên vắng độc lập.

Bước ra vườn, sương lẩn quẩn quanh tóc, quanh mình; sương lay động tan nhè nhẹ như dải lụa uốn lượn nhẹ nhàng quanh từng bước chân. Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, căng buồng phổi để đón nhận sự tinh khiết của buổi tinh mơ, vòng tay xoa xoa đôi vai trần đang thấm cái lành lạnh của buổi đầu Thu. Bước thêm vài bước, với tay khẽ vuốt ve vài cánh lá yểu điệu rũ dáng trước mặt. Những chiếc lá đã phân nửa vàng hoe, lốm đốm nâu sẫm; cánh lá đẫm hơi sương nhưng cũng không che giấu được nét khô cằn héo úa của vành lá, gân lá, cuống lá, trên những ngón tay tôi đang mân mê nhè nhẹ. “Đã vào Thu rồi sao!”

Thật sao? Tiết đã vào Thu
vàng hoe cánh lá đợi từ giã cây
mốt mai theo ngọn gió lay
về đâu nào biết…
như mây biệt ngàn
(PTL)


Buổi sáng yên tịnh và thanh khiết như thế này, tôi không muốn trí của mình cô đọng trong cái vòng sinh tử biệt ly, nhưng cũng không khỏi nén tiếng thở ra với ý nghĩ trong đầu về những mốc thời gian đã cuồn cuộn trôi như con lốc xoáy. Cứ thoảng như chớp mắt, mở mắt ra mọi việc đã đổi thay, mùa đã sang mùa, người đi, và đôi bàn tay chơi vơi níu mộng ước trôi dần…

Thong thả ngắm nàng chim sâu (hummingbird) đập cánh chuyền cành, cô nàng Allen cũng nhìn tôi một chốc, rồi vụt đôi cánh nâu đồng còn dịu mầu trong sương sớm, bay vút một vòng, quay trở lại cắm cái mỏ bé tẹo hút lấy hút để bình nước đường đang đong đưa nhè nhẹ trong làn gió thoảng.

Xong buổi ăn sáng, cô nàng rong chơi đâu đó, để lại mình tôi bận rộn dõi mắt trên những giọt sương tròn xoe, trong vắt, nằm dọc ngang giữa những sợi tơ mỏng manh nhưng đầy sức chịu đựng của màng nhện đang vắt vẻo trên đám lá khô kề bên thảm cỏ. Từng ngọn cỏ còn oằn trĩu trong sức bám của những hạt sương đêm chưa rơi rụng. Thỉnh thoảng gió lay nhẹ, ngọn cỏ đong đưa xoay mình dưới tia nắng mỏng manh, những giọt sương lại loé lên, phản chiếu ánh sáng lấp lánh như những chuỗi kim cương rực rỡ. Thảm cỏ trông tựa như thế giới thần tiên nào đó, được trang điểm bằng những hạt kim cương óng ánh sáng lòa.

Cái lạnh chưa se sắt da, đườm đượm hương sắc của buổi vào Thu, sự yên tịnh nơi này, làm tôi nhớ về Saigon, nhớ về tuổi thơ quá đỗi.

Saigon có quá nhiều điều để nhớ và cũng có những điều làm tôi muốn quên. Saigon chỉ xoay vòng với hai mùa mưa nắng, khí hậu chuyển hơi lành lạnh vào dịp Tết, nhưng thỉnh thoảng có cơn bão đi ngang, thời tiết thay đổi bất ngờ để các cô gái Saigon có dịp làm điệu với những chiếc áo len, áo khoác của mùa Thu chợt đến trong chốc lát rồi lại trở về với nắng mưa đơn thuần.

Tôi nhớ cái lạnh vào Thu ở Saigon của thuở tuổi trăng rằm bằng chiếc áo len sát cánh mầu lá cẩm, êm êm, ấm lồng ngực. Mầu tím hồng hồng đỏ đỏ thẫm sắc nhưng mang nét dịu ngọt, đằm thắm như tâm tình chị tôi gửi qua từng mũi đan. Chiếc áo len ưng ý nhất mọi thời của tôi, khoác ngoài chiếc áo dài trắng độc nhất của những năm đệ tứ đệ tam, để biết Thu về. Cái lạnh ở Saigon không đủ lạnh như Đà Lạt để xuýt xoa, nhưng đủ để có dịp mang chiếc áo len ưng ý ra làm điệu, nhất là ở những ngày bữa đói bữa no. Qúy lắm, sang cả lắm và vô vàn tình yêu thương từ chị tôi, cặm cụi quấn từng sợi len, kiểu cọ thêm thắt từng mũi đan, để cho tôi được “bằng chị bằng em” giữa cái thời nghèo xác xơ, ăn độn bo bo, khoai sùng trộn gạo mốc; thời nhíp chỉ tới lui một hai bộ áo quần vá năm bẩy mảnh, mặc cho đến mòn nhẵn tơ sợi, không còn nơi để nhíp chỉ mới bỏ.

Nếu không xem lịch để chụp ảnh trăng rằm, chắc tôi cũng chả nhớ ra Trung Thu đã cận kề. Tám, chín tháng cứ như dòng nước bên cầu, nhẹ nhàng trôi theo dòng đời bận rộn và mất hút lúc nào không hay. Cuộc sống ở nơi này có thể không đủ để chi phí cho nhà cao cửa rộng, nhưng chắc chắn có thể trả tiền cái rụp cho cả hộp bánh Trung Thu dư thừa chất ngọt, chất béo.

Đâu như những ngày xưa cũ xếp hàng, đứng nắng cả buổi để chỉ được mua một hai trăm gram đường, vay mượn từng thìa mỡ; ở đâu ra bánh Trung Thu mà nhâm nhi, hưởng thụ. Thời đấy, ngày chú Cuội được nhớ một lần trong năm, có được bát chè đậu xanh nhàn nhạt quây quần bên anh chị, bạn bè, với một hai cây đàn thùng cũ mèm chuyền tay nhau dưới ánh trăng là vui cả buổi tối, là cả trời hạnh phúc.

Những ngày lên ba lên năm, đến dịp Trung Thu có năm tôi được lẽo đẽo nắm tay Ông Nội của tôi, bước từng bước chim sẻ nhỏ, đến ngôi đình trong làng, cúng kiến chi đó, tôi không nhớ, chỉ nhớ khi ra về, trên tay Ông là những chiếc bánh in, oản, bánh đậu xanh thật to. Đôi khi được phép mở chiếc bánh đậu xanh còn mềm thơm mùi bánh mới; tôi vừa đi vừa cắn nhín nhín vị ngòn ngọt bùi bùi của đậu của đường như sợ hết trong chốc lát, vừa hít hà mùi hoa bưởi hòa tan trên đầu lưỡi.

Những năm ở nơi đồng ruộng bát ngát, cây trái sum suê, sông rạch lượn quanh tỉnh Vĩnh Long, tôi không nhớ mình đã có ăn miếng bánh Trung Thu nào. Trời sầm sập tối, sau khi tắm rửa và được mặc bộ quần áo mới, phẳng phiu, tôi được ra sân trước, đón nhận từ tay chị hoặc Ông tôi, chiếc lồng đèn xếp có hình hai con cá vàng tung tăng bơi lội giữa vài nhánh rong xanh, dưới ánh nến lập lòe, hai con cá tưởng chừng như đang bơi thật và hình như chúng còn nhoẻn miệng cười vui nữa.

Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường


Không biết những làng xóm lớn hơn có lễ rước đèn hay chăng, riêng cái góc làng bé nhỏ nơi Ông tôi cư ngụ thuở bấy giờ, chúng tôi chưa có một lần đi rước đèn mừng Tết Trung Thu. Hình như chúng tôi cũng không biết đến chuyện rước đèn, hay xem múa lân; chỉ biết đêm rằm tháng Tám là được quây quần trên chiếc chiếu trải trước sân nhà, được ăn bánh ngon, được nghe kể chuyện, và được thức khuya.

Nơi ruộng đồng thôn dã, trời vừa sập tối là Ông cháu chúng tôi cũng như hầu hết mọi người trong làng đã vào trong nhà, xếp bằng trên những chiếc ván gỗ, hay chung quanh chiếc bàn gỗ đơn sơ, người lớn đọc sách, con nít dán mắt học bài dưới ánh đèn dầu nhỏ bé. Bé tí teo như tôi, chưa buồn ngủ hay chưa bị bắt buộc đi ngủ, ngồi đó nghịch vớ vẩn với gối chăn, hay chụm những ngón tay nhỏ xíu xiu làm đủ thứ hình dáng đổi bóng tay trên bức tường vách lá.

Ngày Trung Thu là một trong những ngày ngoại lệ cho người lớn lẫn con nít. Học bài làm bài xong, thay vì đi ngủ, chúng tôi được ra sân trước đón Trung Thu với người lớn và con nít hàng xóm. Khoảnh sân bé nhỏ trước nhà Ông tôi luôn là nơi thu hút trẻ con hàng xóm và cả người lớn khi có dịp tụ họp mừng lễ lạc.

Chả là Ông tôi đã chịu cực chịu khó, ra bờ sông gánh cát về, trĩu vai bao nhiêu bận đổ trước sân, trải rồi nén thành một khoảng phẳng phiu êm ái cho lũ con nít chúng tôi chơi đùa mà không bị trầy sướt. Chung quanh hàng xóm, nhà nào cũng chỉ có sân bằng nền đất cứng, lắm khi lởm chởm đá; trời khô đi không khéo, chân đạp lên đau điếng, trời mưa thì lầy lội trơn trợt vì nền đất có lẫn đất sét.

Chúng tôi theo Ông ra sân, Ông tôi cùng vài ba người hàng xóm thân cận trong làng, mời nhau ngồi xuống trên những chiếc ghế đầu không cao lắm. Dưới đất chiếc chiếu thật to được trải rộng hết chiều, chính giữa là mâm bánh in, oản, bánh đậu xanh được gói trong những tờ giấy kiếng mầu đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh dương, trông thật đẹp. Kế bên là khay đựng ấm trà cùng vài chiếc tách nhỏ.

Khách thân tình nhất của Ông tôi là ông Mười, người ở sâu trong giữa làng. Nhà ông Mười khá xa cho những bước chân con nít như tôi. Tôi chỉ nhớ con đường đất đến nhà ông, uốn quanh dọc theo bờ sông Cái Đôi, căn nhà rất khang trang, vườn cây sầm uất rộng lớn, khoảnh vườn thật to phía trước nhà thẳng tắp cơ man những hàng cau cao ngất ngưởng với dây trầu quấn quýt xanh mướt. Ông Mười hình như là người giầu nhất làng. Ông tôi và ông Mười hay gặp gỡ, trao đổi chuyện trò thường xuyên. Ông tôi thường sai bảo chị tôi đến nhà ông Mười mượn báo để Ông đọc. Những lần được theo Ông ghé nhà ông Mười, lọt thỏm trong chiếc ghế khảm xà cừ nơi gian trước của căn nhà to lớn, tôi nghe loáng thoáng hai ông trò chuyện, có khi cười lớn tiếng trông rất tương đắc, vui vẻ.

Ngoài ông Mười, những người khách khác là một hai người đàn ông lớn tuổi cỡ như ông Mười và Ông tôi mà tôi không nhớ là ai, thêm vào gia đình bác Ba và gia đình bác Tư là hàng xóm bên trái, bên phải nhà Ông tôi, đều quây quần trên ghế, trên chiếu.

Tôi thường sà vào lòng Ông “hóng” chuyện rồi nhỏng nhẻo đòi nghe Ông kể truyện cổ tích. Ông hay xoa đầu, bảo tôi ngồi xuống chiếu rồi cầm đĩa bánh mời khách. Các bác gái hàng xóm bóc giấy, bẻ những chiếc bánh in trắng nõn, chia đều cho chúng tôi trong lúc người lớn hớp những ngụm trà nóng đầu tiên. Những câu chuyện rôm rả, tiếng cười của lũ con nít vang vang đánh tan buổi tối yên tịnh ở một góc làng.

Trăng ở vùng đồng quê thật đẹp, mãi sau này khi đã rời xa ruộng vườn và trưởng thành, tôi mới cảm nhận được nét đẹp của ánh trăng thôn dã để mãi tiếc nuối, trân trọng và mong được ngắm nhìn lần nữa. Trăng soi trên ruộng nương khoảng khoát, không có những ngôi nhà cao san sát như ở đô thị che khuất, cũng không có ánh đèn điện khắp nơi làm lu mờ. Ánh sáng vằng vặc nhưng dịu dàng, tỏa rộng lung linh trên sông rạch; soi trên những hàng dừa, hàng cau, xuyên bụi tre, in bóng trên đường đê, bên bờ ao, ôi sao mà thanh bình.

Người lớn, con nít đều ngắm trăng, trăng Trung Thu được ngắm bằng những cặp mắt trong ý nghĩ khác nhau. Người lớn thưởng thức vẻ đẹp, nét thơ mộng của dáng trăng tròn vành vạnh, con nít kháo nhau tìm xem chú Cuội có ôm gốc đa trên mặt trăng để chờ chị Hằng hay không? Chị Hằng có vắt vẻo trên vành trăng không ngó ngàng đến chú Cuội, hay là đang bay ở nơi nào trên cõi “Thiên Đình” xa thẳm kia?

Ánh trăng đẹp lắm, sáng lắm, soi tỏ những gương mặt hiền lành chân chất, những gương mặt hớn hở chăm chú, những gương mặt điềm đạm an nhiên, đang chụm đầu, bó gối, xếp bằng, thành vòng tròn nghe kể chuyện. Mọi người đều rũ bỏ những công việc nặng nhọc, những lo toan của ngày để an hưởng những giây phút nhàn nhã của đêm Trung Thu. Tất cả hoà hợp lại như một bức tranh đơn sơ, mộc mạc vẽ bằng tông mầu ấm áp, khi ngắm nhìn tạo nên cảm giác bình yên, hạnh phúc; sự hạnh phúc đơn giản chỉ cần giơ tay ra là với được, là ôm được hết vào lòng.

Qua bao nhiêu đổi dời, biến chuyển trong thăng trầm của đời sống, của nơi chốn, hợp rồi tan, hình ảnh cũ vẫn còn mãi trong từng ngăn kệ của cái trí bắt đầu mòn đi vài góc của tôi.

Hết ấm trà đầu tiên, những câu chuyện điển tích được Ông tôi và các bác thay bằng chuyện ma mà cả đám con nít năn nỉ mãi mới được nghe, để rồi không đứa nào bảo đứa nào, đều đồng loạt từ từ nhích lại gần nhau hơn, riêng tôi, trèo hẵn vào lòng chị Cả ôm cứng chị. Có những truyện tôi đã được nghe qua nhưng chưa hề biết chán khi nghe Ông tôi kể lại lần nữa.

Đêm càng về khuya, giọng kể của Ông tôi nghe hình như càng “rùng rợn” giữa tiếng dế, tiếng ếch nhái rền rĩ. Bóng của những cây dừa in nửa trên bờ, nửa dài thòng tận mặt ao, càng lúc trông càng giống như những con quái vật với cái đầu có nhiều cánh tay khổng lồ. Thỉnh thoảng có tiếng sột soạt của mèo chó đâu đó làm cảm đám con nít giật bắn người la oai oái. Đó cũng là lúc người lớn cười xòa và xoa đầu bảo chúng tôi chuyện vừa kể là “chuyện bịa”. Bịa hay không, tên nào cũng dáo dác níu tay, níu áo, đi sát sạt Bố Mẹ trên đường về, dầu hàng xóm nhà chỉ cách nhà chúng tôi có vài chục thước.

Những chiếc đèn xếp trên chiếu đã được thổi tắt nến tự lâu, xếp lại cẩn thận, các chị tôi phụ Ông thu dọn vào trong nhà. Leo lên bộ ván, chui vào mùng chừng năm mười phút là tôi đã say trong giấc ngủ, sáng thức giấc đã quên hết những con ma trong câu chuyện đêm qua, chỉ nhớ phần bánh in, oản còn lại để cười sung sướng khi được ăn thêm lần nữa.
**********

Rước đèn Trung Thu nơi thôn quê thanh bình chỉ được vài năm, tôi khăn gói theo gia đình trở về đón Tết-Nhi-Đồng ở nơi chốn xưa – Saigon – sau những ngày khói lửa tràn lan của Tết Mậu Thân. Saigon nhộn nhịp quá, vui quá, đông người quá, cái gì cũng lạ lẫm, mới mẻ và thích thú với chị em chúng tôi sau vài năm xa cách.

Đón Trung Thu ở Saigon đông người hơn, nhiều bánh trái hơn, được đi rước đèn còn được xem cả múa lân. Mẹ tôi và chị tôi “biến hoá” tôi trở thành cô tiểu thư nhỏ của gia đình, của Saigon hoa lệ, trong những dịp lễ Tết như thế này. Đêm rằm tháng Tám, mừng Tết-Thiếu-Nhi, tôi rạng rỡ xúng xính trong chiếc áo đầm xòe mầu thiên thanh sọc ca-rô hai lớp ren, chân xỏ trong đôi giày bít mũi mầu trắng bạc, mũi giày lấp lánh những hạt ngọc trai bao quanh hạt đá xanh biếc. Mẹ thắt nơ vòng quanh cái eo bé tẹo của tôi, rẽ mái tóc bum-bê, cột hai đuôi gà bằng hai lọn ru-băng cũng mầu trắng bạc. Con bé tóc ngắn ngủn, suốt ngày leo cây, tắm sông, nghịch phá như… con trai, mất tăm mất dạng, nghênh nghênh mặt đòi đóng vai “chị Hằng”.

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn này đến cung trăng


Xoay tôi một vòng, trước sau, chị ngắm nghía rồi bẹo má tôi nựng, “Công Chúa đi rước đèn được rồi đó!” Chị dẫn tôi ra khỏi chiếc cổng cao nghệu, theo đoàn con nít rước đèn, xem múa lân. Những chiếc đèn nơi phố thị của tôi đẹp và to hơn chiếc đèn xếp ở Vĩnh Long nhiều lắm. Có khi là đèn hình ngôi sao bọc giấy kiếng hai mầu, có khi là đèn cá chép, có năm tôi được cả lồng đèn hình tàu thủy. Tôi cười tít mắt, lòng vui sướng lắm khi buổi rước đèn tan hàng, theo chị về nhà chuẩn bị “phá cỗ” đã bày sẵn ngoài sân, để được ăn bánh, được ké vài ngụm trà sen thơm ngát mũi, cho ra vẻ “ta đây là người lớn” được ăn cùng mâm, uống cùng tách.

 

Cỗ của tôi là những con-giống (tôi nhớ hình như gọi vậy), làm bằng bột pha mầu, hình như có đường, có cả nhân, tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ mâm cỗ được nặn và tô mầu bóng lưỡng với hình thù giống y như các loại trái cây. Nào chuối cả nải, nào mận, nào bưởi, trông đẹp lắm. Món nào cũng bé bằng đầu ngón tay cái, dán trên miếng giấy cứng nho nhỏ. Tôi thường tưng tiu giữ làm đồ chơi để bày chơi “bán hàng” sau đó chứ không ăn, sau khi nếm thử một đôi lần mâm cỗ bột khô cứng đó.

Đến màn thưởng thức bánh trái thì ê hề, bánh nướng hai ba loại, tôi chỉ thích mỗi loại nhân hạt sen, bánh dẻo cũng thế. Cứ hít hà mùi bánh dẻo, sao mà thơm thơm là. Những phong bánh in to tướng cũng được bày trên đĩa, những chiếc oản trôi vào quên lãng, tôi chỉ nhớ đến chúng khi những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đã nằm gọn ghẽ trong bụng.

Những năm đón Trung Thu ở Saigon, tôi cũng vui lắm, nhưng hình như trong tôi đã đượm chút vẻ kiêu kỳ của phố thị. Trên sự ngây thơ có tô điểm một chút hãnh diện lẫn tự hào khi cầm chiếc lồng đèn to che hết cả khuôn mặt, thay cho chiếc đèn xếp khiêm nhường năm nào; ưỡn lồng ngực còm nhom trong chiếc áo đầm đắt tiền, dáng điệu nổi bật làm những đứa trẻ cùng trang lứa có chút “nể nang” và buông cả lời nịnh hót theo phong cách trẻ con.

Trung Thu ở Saigon là những năm Ông tôi không còn phải làm lụng gì nữa, có nhật-trình để sẵn đầu tủ mỗi sáng, có bánh trái ê hề, cũng có một người bạn thân mới kế bên. Trung Thu vẫn bày cỗ ngoài sân, nhưng không là khoảnh sân nén bằng cát của sông, mà là khoảnh sân xi-măng sau cánh cổng tôn cao lấp cả tầng gác trên. Cũng là Ông và các bác thay nhau kể chuyện, những câu chuyện xưa luôn đem đến cảm giác hào hứng, thích thú cho lũ con nít chúng tôi; nhưng đôi mắt của Ông hình như không còn ánh nét sôi động. Gương mặt Ông có vẻ như chịu đựng điều gì đó, khi cỗ Trung Thu tàn, Ông thật im lặng, quay vào nhà lên giường đi ngủ ngay.

Nét chịu đựng, đăm chiêu, đôi mắt xa xăm nghĩ ngợi về điều gì đó, nơi chốn nào đó mà mãi cho đến khi Ông mất rồi, tôi lớn thêm chút nữa, hiểu biết thêm chút nữa, mới hiểu ra. Ông đã quay quắt nhớ về chốn xưa. Ông thèm được trở lại nơi chốn mà hơn một lần Ông tìm thấy bình yên, thanh thản vui với thú điền viên cùng ruộng đồng, sông lạch. Trung Thu Saigon ồn ào quá, lao xao quá, náo nhiệt quá! Ông không có được sự yên tịnh cùng nét thanh nhã, đơn sơ của Trung Thu với đêm dịu dàng ánh trăng soi bóng dừa, bóng cau, sáng tỏa ruộng đồng. Trăng đóng khung giữa những căn nhà, dãy phố san sát, cao nghệu; và Ông bị “đóng khung” trong khuôn viên của căn nhà hai tầng, chỉ vì không muốn rời xa những đứa cháu yêu qúy.

Ôi, thương Ông biết chừng bao!…
**********

Trung Thu theo tuổi thơ giảm đi dần sự náo nhiệt, háo hức. Những chiếc áo đầm ưng ý đã chật ních, ngắn hết cỡ. Lồng đèn cũng có, nhưng chỉ treo dọc tường cho đẹp lối ra vào. Những nao nức rước đèn nhường lại cho sự vui thú làm lồng đèn cho những đứa cháu, em họ. Tôi quay trở lại thành đứa hay bày têu như thường lệ, táy máy nhiều thứ để biết, để “chế choá” món này, món nọ cho lũ con nít cùng trang lứa ngắm nghía chơi chung, để “vênh mặt” đọ với tên hàng xóm thuộc hàng “con trai giỏi hơn con gái” – theo ngôn từ của hắn.

Lồng đèn mua thì có gì vui. Chẻ ống tre, tước, đẻo tre trúc, tìm dây thun, dây kẽm, chế kiểu lồng đèn. Giấy bóng kiếng không có tiền mua, lấy giấy bóng mờ, loại để bao tập vở, cắt cắt, dán dán. Cũng xong chiếc đèn đẹp ra phết. Xong loại đèn này lại đến loại khác. Một màn đục đẻo, xin nắp khoén, đinh búa gõ loạn xị ngậu cũng ra chiếc đèn Trung Thu lon sữa bò đẩy leng keng từ đầu sân đến cuối sân bằng những ngón tay, bàn tay trầy sướt nhưng vui bằng thích! Mặc cho “thằng nhóc” hàng xóm trề môi “cũng thường thôi, có gì đặc biệt đâu!”

Rồi Trung Thu tan tác khi Saigon bị đổi tên, rồi bánh trái mất dạng biệt tăm biệt tích. Lồng đèn cũng còn nhưng bày khan hiếm ngoài chợ và chỉ là ánh mắt thờ ơ, buồn bã, chán ngắt lẫn đôi chút tiếc nuối, quay đi vội vàng khi tình cờ đạp xe ngang. Trung Thu của ngày xưa chỉ còn là dĩ vãng xa mờ. Trăng vẫn bị đóng khung nhưng hình như sáng hơn chút bởi đèn điện lúc có lúc không, nhà nhà nơi đô thị thêm chút sắc mầu của thôn quê, mờ mờ dưới ánh đèn dầu giới hạn dầu.

Một đôi Trung Thu trước khi rời Saigon – để chưa có lần trở lại – tôi đã có dịp hưởng lại chút thanh bình của Trung Thu xưa lắc xưa lơ. Được nhâm nhi miếng bánh nướng bánh dẻo ngọt ngào. Những chiếc bánh mà Mẹ của tôi, các chị tôi cực nhọc để có đủ tiền đặt tận nhà hàng Đồng Khánh nổi tiếng một thời của Saigon xưa,.. Chúng tôi tưng tiu mấy hộp bánh, ăn nhín nhín từng cái một. Tôi được món qùa ưu đãi của một “Sư Phụ”, được nhấp hương vị của ngụm trà sen nhỏ xíu, đậm đắng cổ họng nhưng nuốt xuống cổ lại thanh cả miệng. Tách trà được thưởng thức với những giảng nghĩa chỉ bảo của Sư Phụ tôi, cách phơi trà, châm trà, uống trà. Dưới ánh trăng thị thành, hương thơm ngát của trà, trong khoảnh khắc lặng yên, chợt thốt giọng ngâm trầm ấm lai hai miền Trung-Nam, nghe man mác buồn như chất chứa tâm tình của thế hệ anh.

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
(Tây Tiến – Quang Dũng)
…..
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta
(Đôi Mắt Người Sơn Tây – Quang Dũng)


Trung Thu biền biệt ra đi bỏ tôi ở lại với những giờ còng lưng rửa chén cho mấy trăm người lính mỗi ngày, còng lưng trong xưởng máy lấm lem dầu nhớt, nhễ nhại mồ hôi. Chỉ còn mùa Thu ở xứ người trong ánh mắt mỏi mệt được in thoáng qua khi xe lăn bánh rời công xưởng, ngắm vội vàng dáng vẻ thơ mộng của những hàng cây thẫm sắc lá vàng, đỏ.
Trung Thu nghe chừng sao xa lạ, quên bẵng, cho đến mười mấy năm sau, một lần đặt chân lên vùng đất mà nhiều người gọi “nắng ấm tình nồng, Cali đi dễ khó về”, tôi mới thấy và nếm lại chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm lừng, đầy đủ ngũ nhân, hạt sen, đậu xanh, đủ tên loại bánh y như ngày xưa nhưng sao không như ngày xưa…

Hàng quán đầy dẫy, cơ man nào là bánh in, bánh nướng, bánh dẻo, trà đủ loại, nhưng nhất định không phải là hương vị của ngày xưa. Thôi cũng đành…

Thu lại về nữa rồi, thành phố biển vẫn lãng đãng mù sương, mang chút vẻ thơ mộng như những mùa của buổi đầu Thu trước. Vẫn nhẹ nhàng ngọn gió vào Thu, vẫn dịu dàng ánh trăng mờ mờ sau dải mây tím rịm của buổi chiều tà. Trăng lên rồi, gió mạnh hơn, những chùm mimosa đổi sắc nâu sẫm theo bóng đêm lan dần lên đồi. Chụp vài tấm ảnh rồi cứ đứng đó ngắm trăng lên lững lờ ở ngọn đồi xa xa, biển dạt sóng cao hơn, tà áo sát thêm vào da thịt với làn gió bất chợt thốc hơi lạnh cho xuýt xoa, giã từ ánh trăng rằm, về nhé…

Ngắm nghía những tấm ảnh vừa ghi lại được, chọn vài tấm ưng ý nhất cất riêng ra một nơi, tôi đi pha trà. Ngoài khung cửa sổ, trăng đã chênh chếch sáng rõ soi đỉnh đồi, mở hộp bánh, xẻ một góc tư, bê cả tách trà ra sân, khẽ nhún chân cho chiếc xích đu đong đưa nhè nhẹ; tôi cùng mùa Thu mới nhớ chút Thu xưa, mở ngăn kéo ký ức tìm về Trung Thu xa xưa, nhớ đến nơi chốn cũ. Đêm có dài thêm qua từng ngõ ngách kỷ niệm, hay sẽ ngắn đi khi không còn ánh trăng cho giấc mộng chìm theo biển khơi, mất hút…
 Phạm Thu Liễu
Phố Biển 02-10-2012
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn