BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đảng ở Tây và Đảng ở Ta

02 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1390)
Đảng ở Tây và Đảng ở Ta
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cuối tuần qua đi Cardiff dự một khóa học của BBC, tới thủ phủ xứ Wales trời mưa buồn bã nên tôi đành bật TV ngồi trong khách sạn xem tin các đảng ở Anh hội họp.

Nếu như ở Việt Nam hay Trung Quốc, đại hội Đảng mấy năm một kỳ là chuyện rất trọng đại thì tại Anh, hội nghị của các đảng lớn nhất chỉ là họp thường niên, không tạo ra chuyển đổi gì ghê gớm.

Đảng và chim chóc

Hội nghị của đảng Tự do Dân chủ vừa họp mà không đem lại điều gì nổi bật ngoài chuyện ‘bên lề’ là một clip lan truyền trên mạng, nhạo báng lãnh tụ Nick Clegg vì đảng ông không giữ được cam kết giảm học phí đại học.

Chim bay về đâu khi các lãnh đạo ngồi trong lồng?


Báo The Independent hôm thứ Hai tôi đọc trên tàu lúc về London thì hỏi liệu ông Ed Milliband, lãnh tụ đảng Lao Động Anh, có còn tham vọng ‘sửa chủ nghĩa tư bản’ hay không.

Phe tả và trung tả là thế, còn về phía hữu, Thủ tướng David Cameron, người sắp khai mạc hội nghị đảng Bảo Thủ, cũng đang bị thách thức vì các chỉ số kinh tế Anh vẫn còn u ám.

Liên minh cầm quyền ‘đồng sàng dị mộng’ của Bảo thủ với Tự do Dân chủ hiện làm cử tri của cả hai đảng không hài lòng.

Trong đảng Bảo Thủ, ông Cameron vấp phải phản ứng mạnh của Thị trưởng London, Boris Johnson về chuyện cho xây thêm sân bay ở vùng Đông Nam Anh hay chỉ ‘cơi nới’ phi trường Heathrow đã quá tải.

Thậm chí, báo The Economist còn có bài đăng bức hình biếm họa với lãnh đạo ba đảng Tự do Dân chủ (Lib-Dem), Lao Động (Labour) và Bảo thủ (Conservative), ngồi trong một lồng chim nhìn ra ngoài thấy mấy con chim bay chấp chới.

Tờ báo bình rằng số thành viên của cả ba đảng này tại Anh cộng lại nay không bằng số hội viên Hội bảo vệ chim (Royal Society for the Protection of Birds).

Ở Anh, số đảng viên thuộc ba đảng lớn nhất tôi vừa nêu đều đang giảm thảm hại tới mức chi bộ đảng Lao Động một số nơi đã ra phố phát không phiếu cảm tình viên vì ở Anh không có đảng viên cầm thẻ như ở Việt Nam.

Số người ủng hộ cho Bảo thủ cũng không tăng và giới trẻ và trung lưu Anh từng tin vào vị trí thứ ba của Tự do Dân chủ nay đang thất vọng.

Bấm The Economist giải thích chim ở Anh được quý hơn đảng vì chúng không bắt ai đóng đảng phí hoặc phải bỏ ra cả tuần nghe các bài diễn văn vô vị.

Vĩnh biệt lý luận

 

Vĩnh biệt ý thức hệ: Eric Hobsbawm, nhà Marxist nổi tiếng của châu Âu vừa qua đời tại Anh.


Cũng trong ngày đảng Lao Động khai mạc hội nghị tại Manchester có tin nhà triết học Marxist, Eric Hobsbawm, người từng làm ‘thầy’ cho cả ông Tony Blair và ông Ed Milliband vừa qua đời, thọ 95 tuổi.

Nhân chuyện này, các báo Anh cũng nhắc lại rằng thời đại của các ý thức hệ đã chấm dứt, và nỗ lực đem các tư tưởng tân Marxist của ông Hobsbawm vào ‘làm mới’ chính trị châu Âu hiện nay có vẻ như ít được công chúng hào hứng đón nhận.

Thời kỳ Tony Blair cổ suý cho ‘Con đường thứ ba’ hóa ra chỉ để lại lương cao ngất cho các quý vị nắm chức vụ công nhưng hưởng lương của khu vực tư và các món nợ khổng lồ cho quốc dân.

Các nhà tư bản và quan chức ‘xã hội chủ nghĩa’ rất hào hứng hội nhập với nhau vì quyền lợi hai bên nhưng cái giá cho toàn xã hội thì không ai chịu xử lý.

Điểm qua chuyện nước Anh để chia sẻ khó khăn với các lãnh đạo chính trị tại Việt Nam rằng dù họp lâu, giải quyết nhân sự rốt ráo tới đâu cũng họ vẫn chỉ bay lượn trong trục ‘tung hoành’ đã định sẵn của thời đại.

Bám vào ‘nền tảng lý luận’, tả hay hữu hay pha trộn cũng không giúp được nhiều, dựa vào tư bản quốc tế thì cũng sẽ phải ôm vào những vấn đề chung của nó.

Thu hút người dân cũng là cả một việc khó khăn vì nói chung thì không ở đâu trên thế giới này chuyện đảng phái còn ăn khách.

Sẽ phải làm gì?

Thủ tướng và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam


Trong lúc Trung ương Đảng họp ở Hà Nội, tờ Newsweek có bài nói Việt Nam đang từ ‘địa chỉ yêu thích cho đầu tư’ biến thành ‘đứa trẻ bị nêu tên vì quản lý sai trái’ (poster child for mismanagement).

Nếu kinh tế tiếp tục trồi sụt, ngân hàng bấn loạn thì khẩu hiệu của lãnh đạo Đảng hay đến mấy cũng không phục hồi lại được niềm tin của giới đầu tư.

Số đảng viên ở Việt Nam so với các nước thì còn khá đông tính trên tỷ lệ dân nhưng so với ‘fan’ của một số trang web, hay mạng xã hội Facebook, thì thấp hơn nhiều, sức lan tỏa của Đảng còn yếu hơn.

Nhân đây, Đảng Cộng sản Việt Nam chắc cần xem lại liệu cách quản trị chính mình của Ban lãnh đạo Đảng có gì sai trái trầm trọng những năm qua hay không.

Vì không thể đổ hết cho bên Chính phủ trong khi từ ngoài nhìn vào thì chính cơ chế quản lý nhân sự, pháp lý và kinh tế mà Đảng áp dụng những năm qua đã tạo môi trường cho các sai phạm kinh tế bùng nổ.

Xem ra cơ chế Đảng lãnh đạo kiểu cũ đã bị thời cuộc qua mặt và tạo ra lỗ hổng cho các cá nhân, các phe nhóm lũng đoạn quá dễ dàng.

Tham vọng 'cưỡi sóng tư bản' để giữ Đảng nay hóa ra là một ý tưởng mạo hiểm nhưng trở lại mô hình Leninist cũ thì đã không được.

Đấu đá nội bộ có lẽ cũng không nên quy về mâu thuẫn cá nhân mà thực ra là biểu hiện của các xu hướng giằng xé trong Đảng về chuyện dùng mô hình gì cho Việt Nam.

Trở lại câu chuyện hội bảo vệ chim chóc ở Anh đông người ủng hộ hơn số cảm tình viên của ba đảng trong Nghị viện ở Westminster cộng lại.

Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường trong một xã hội dân sự phát triển khi người dân bỏ tâm trí vào việc thiết thực hơn lý luận viển vông của đảng phái.

Bởi vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam nên vui vì còn có dư luận trong và ngoài nước quan tâm đến Hội nghị Trung ương 6 dù chưa rõ kết quả đợt họp nhiều ngày này sẽ có tác động ra sao tới tình hình Việt Nam.

Tin nóng nhất từ hội nghị của đảng Lao Động Anh họp ở Manchester tuần này không phải là chuyện chính sách mà là về ngôi sao nữ Rachel Reeves, người mới 33 tuổi và có cơ hội vượt lên trên ông Milliband làm 'nữ thủ tướng tương lai' nếu đảng thắng cử.

Ở một nước già như Anh, lứa chính khách trên 40 như ông Milliband hay Cameron hóa ra đã bị một số người coi là 'cũ'.

Nhìn vào Việt Nam, các vị lãnh đạo cao nhất đều đã quá tuổi làm cách mạng.

Và cách tổ chức cuộc họp dài ngày và không công khai cho thấy câu hỏi chính ở Hà Nội hiện nay chắc là Đảng sẽ làm gì với chính mình trước khi Đảng còn sức làm gì cho đất nước.

Nguyễn Giang

Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn