BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

‘Cám Ơn Anh’, đại nhạc hội của lòng tri ân

03 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1205)
‘Cám Ơn Anh’, đại nhạc hội của lòng tri ân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Bài: Ngọc Lan & Đỗ Dzũng/Người Việt


Hình: Dân Huỳnh/Người Việt


 WESTMINSTER (NV) - Sau thời gian dài chuẩn bị công phu, đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ IV diễn ra trong không khí vừa ấm cúng vừa sôi động tại trường trung học Bolsa Grande vào trưa Chủ Nhật của ngày đầu tháng 8.


 Quang cảnh chào cờ trước thời điểm bắt đầu Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh.”


 







Vào lúc 7:10 tối ngày 1 tháng 8, ban tổ chức cho biết số tiền quyên được là $447,000. Ước tính số lượng khán giả khoảng 7-8 ngàn người.Đồng hương muốn tiếp tục đóng góp, xin gọi 1-888-480-5937.

Những ngả đường dẫn đến sân trường Bolsa Grande càng về chiều càng đông người và xe đổ về, như một ngày hội, ngày thể hiện nghĩa cử của đồng bào Việt Nam hải ngoại đối với những thương binh VNCH đã để lại một phần cơ thể mình trong cuộc chiến khốc liệt, dù đã 35 năm trôi qua.

Nghệ sĩ Nam Lộc, người đầu tiên đứng ra khởi xướng đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” từ 4 năm về trước, cho biết: “Mục đích chương trình là tạo sự chú ý, để ý của cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở khắp mọi nơi quan tâm đến những người đã hy sinh một phần thân thể cho chúng ta có ngày hôm nay.”

Giọt nước mắt thương anh

Đứng khá xa sân khấu, trong ánh nắng của trưa Hè tháng 8, một khán giả chạy theo bỏ tiền vào thùng quyên góp do chính bà Hạnh Nhơn, cựu trung tá không quân, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh, mang đi.

Vị khán giả đó nói với phóng viên Người Việt bằng giọng xúc động: “Mỗi lần nói đến thương binh VNCH là tôi... không biết nói làm sao nữa.” Ông cắn môi, cố ngăn nước mắt đang chực rơi xuống.

“Tôi cũng là một người lính VNCH,” ông nói tiếp. “Thực sự có đóng góp bao nhiêu cũng không đủ cho những mất mát hy sinh. Nhưng của ít lòng nhiều, bà con nên sẵn sàng vui vẻ, hợp lực với tổ chức Cứu Trợ Thương Phế Binh, mà đứng đầu là bà Hạnh Nhơn. Tôi rất phục bà.”

Ông không nêu tên mình, chỉ cho biết ông sống ở thành phố Garden Grove.

 

Cựu Trung Tá Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH, giữa vòng tay của đồng hương tham dự đại nhạc hội.


Một khán giả tên Thủy, ở Irvine, cho biết “năm nào cũng đi xem chương trình này hết.”

Chị nói: “Mình may mắn sang đây, thì phải nhớ những người đã đóng góp máu xương cho mình được sống. Tôi rất mến cô Hạnh Nhơn và cảm phục công việc cô đang làm nên năm nào cô tổ chức tôi cũng đi.”

Là người đã đến xem cả 3 lần đại nhạc hội trước, chị Thủy nhận thấy “lần này đông,” tuy nhiên “nghe nói đóng góp ít hơn các năm trước, cũng không hiểu tại sao.”

Chị Thủy đề nghị “ban tổ chức nên cho ca sĩ xuống gặp khán giả ngay để họ vui hơn và ủng hộ nhiều hơn, chứ trời nắng quá, một số khán giả chịu không được sẽ đi về.”

Vừa ngồi xem ca nhạc vừa phải cầm thêm dù che nắng, vị khán giả tên Lễ, ở thành phố Covina, cho biết anh cùng người nhà đi xem “với mục đích ủng hộ, cũng là để nhớ lại ngày xưa mình cũng từng là lính trong quân đội VNCH.”

Anh Lễ cho rằng “tinh thần ủng hộ của các ca sĩ, những người tham gia rất tốt, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nên có lẽ phần thu nhận được sẽ hơi yếu hơn so với những lần trước.”

“Nhưng dầu sao thì đây cũng là một tinh thần rất tốt,” anh Lễ lạc quan.

Niềm tự hào của thế hệ sau

Đến “tiếp một tay” với chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ IV không chỉ có những cựu quân nhân của quân đội VNCH xưa, mà người xem còn nhận thấy rất nhiều những gương mặt trẻ, đĩnh đạc trong nhiều sắc phục của quân đội Hoa Kỳ.

 

Nhạc sĩ Nam Lộc đích thân mang thùng quyên tiền đến khán giả.


Đại Úy Hiền Vương, đã có 9 năm tham gia trong quân lực Không Quân Hoa Kỳ, “rất cảm động khi thấy nhiều đồng bào mình sống ở Mỹ nhưng lúc nào cũng nghĩ về những người đã bỏ lại một phần cơ thể trong cuộc chiến vừa qua.”

Lần đầu đến tham gia phụ giúp chương trình, Đại Úy Hiền Vương “không hề nghĩ là người tham dự đông đến như vậy, nhất là trong một ngày cuối tuần nóng thế này” nên anh thấy “rất là mừng.”

Với Thượng Sĩ Lâm Trần, thuộc lực lượng Trừ Bị Công Binh Hoa Kỳ, đã ở trong quân đội 14 năm, “cảm thấy tự hào khi được có mặt tham gia tại đây.”

Thượng sĩ trẻ tuổi này “cứ ngỡ rằng xuống đây nhỏ lắm, không ngờ đông như thế, rất sôi động, rất đáng hãnh diện khi nhìn thấy mọi người làm việc thiện cùng nhau như thế.”

Lâm Trần cho biết trước đây, anh không hề biết, hay tiếp xúc nhiều với người Việt Nam khi vào lính. Anh tâm sự: “Trước đây không hề biết có những sinh hoạt của cộng đồng như vậy đâu, lần này mới biết. Cho nên hy vọng những lần sau cũng sẽ có cơ hội tham gia tiếp.”

 

Dân cử, đại diện dân cử, đại diện cộng đồng, tôn giáo, trong buổi đại nhạc hội thể hiện lòng tri ân đến thương phế binh VNCH tại quê nhà.


Tiếp xúc với phóng viên Người Việt, Thiếu Tá Bùi Minh Triết, hiện đang phục vụ tại Camp Pendleton, thay mặt Hội Quân Nhân người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ, cảm thấy “rất vinh dự và hãnh diện được tham dự chương trình ‘Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH’ kỳ IV này.”

21 năm ở trong quân ngũ, mới từ chiến trường về, nên đây là lần đầu tiên Thiếu Tá Triết đến chung tay phụ giúp với mọi người. Anh nói, “Mình đang mặc bộ đồ lính này nên mình hiểu được đời lính như thế nào, hiểu được sự mất mát, chia sẻ ra làm sao, nên những gì mình làm được thì mình cứ làm để giúp đỡ cho những thương phế binh ở Việt Nam.”

Trong khi đó, Phan Vĩnh Chinh, thiếu tá hải quân và luật sư của hải quân Hoa Kỳ, đã tham gia chương trình này cùng đồng hương lần thứ hai.

“Đến đây để chung tay làm việc giúp đỡ những người đã hy sinh một phần xương thịt còn ở Việt Nam. Ra đây cũng là để ủng hộ cộng đồng, bởi trước sau gì mình cũng là một người Việt thôi,” viên thiếu tá hải quân cởi mở.

Với vẻ mặt rất vui và bằng tiếng Việt rành rõi, anh nói tiếp: “Thật may mắn khi thấy được không khí này. Bởi tôi lớn lên ở Indiana không có ai là người Việt hết trơn, bây giờ có cơ hội ở đây, gần cộng đồng mình, nói ngôn ngữ của mình, mà ăn đồ ăn Việt của mình nữa thì tôi thấy đời không còn gì sướng hơn nổi, em à!”

Chia sẻ của người trong cuộc

Ca sĩ Ngọc Huyền, tuy là lần đầu tiên tham gia đại nhạc hội, “nhưng có xem hết trên TV những chương trình trước nên không thấy ngỡ ngàng gì hết với không khí nhộn nhịp này.”

Ca sĩ Ngọc Huyền cho rằng “đó là một không khí rất ấm cúng, đầy lòng bác ái của quí đồng hương,” và điều đó khiến cô “cảm thấy xúc động khi có mặt ở đây.”

“Sau cuộc chiến, nếu cần có những điều chia sẻ thêm, thì đây chính là tấm lòng của tất cả đồng bào chúng ta, những người đang có cuộc sống hạnh phúc, tự do, chia sẻ với những người thương phế binh bất hạnh còn ở quê nhà.” Nghệ sĩ Ngọc Huyền nói.

Với ca sĩ Ngọc Minh, người đã tham gia đại nhạc hội bốn năm nay, thì “bất cứ lúc nào hát gây quỹ cho lính là tôi luôn sẵn sàng và nóng lòng đóng góp, vì đây là bổn phận của chúng ta, những người dân miền Nam Việt Nam. Gia đình tôi và con cái tôi có được như ngày hôm nay là nhờ các anh TPB. Đóng góp này của tôi chỉ bằng một phần rất nhỏ so với sự hy sinh của các anh.”

Ông Nguyễn Văn Ức, một thành viên ban tổ chức, nhận xét: “Năm nay kinh tế thế giới xuống thì kinh tế Việt Nam cũng xuống, thương phế binh sẽ khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi hy vọng tấm lòng của đồng hương đối với thương phế binh, nhất là số tiền khả quan hơn, vì đây là món quà tinh thần cho anh em, vì họ đã một thời giữ an ninh cho miền Nam Việt Nam.”

“Đến Tháng Mười là chấm dứt thời gian quyên tiền cho đại hội 4, nhưng sau đó nếu ai gởi thêm tiền thì chúng tôi giúp anh em thường xuyên hơn,” ông Ức nói về đại hội năm nay.

Tại hai lều lớn phía sau sân khấu, hàng chục thiện nguyện viên các gia đình Phật tử, đại đạo, hướng đạo, sinh viên, Hồng Thập Tự Orange County, hướng đạo và đồng hương đang nhận điện thoại của các mạnh thường quân gọi đến ủng hộ tài chánh cho đại hội 4.

Tất cả dịch vụ điện thoại đều do công ty V247 bảo trợ.

Chị Liên Hương, tổng thư ký Thư Viện Toàn Cầu, phụ trách công việc gọi điện thoại, cho biết: “Đây là lần thứ tư tôi tham gia công tác thiện nguyện này. Lần trước tôi phụ trách thực phẩm. Lần này phụ trách gọi điện thoại.”

“Điều làm tôi cảm kích là đồng hương mình dù ở xa vẫn theo dõi và ủng hộ thương phế binh,” chị Liên Hương nói tiếp.

TNS Lou Correa cũng có mặt tại lều gọi điện thoại cùng với hai phụ tá của mình là cô Tammy Trần và Julie Nguyễn. Ông cũng gọi điện thoại và mở đầu bằng câu nói: “Hello, this is Senator Lou Correa. Do you want to contribute to veterans?” (Xin chào, đây là TNS Lou Correa. Quý vị có muốn đóng góp cho các cựu chiến binh không?)

Nếu ai nói tiếng Việt thì ông chuyển qua cho cô Tammy Trần. Sau khi nói chuyện xong, cô chuyển điện thoại sang cho ông, và ông kết thúc: “Thank you so much. This is Senator Lou Correa of Little Saigon.” (Xin cảm ơn. Đây là TNS Lou Correa của Little Saigon).

Ông chia sẻ: “Đây là một công việc rất ý nghĩa. Qua việc này, tôi mới hiểu nhiều cựu chiến binh VNCH vẫn còn phải chịu đựng cuộc sống khó khăn. Tôi không thể nào tin được.”

Anh Nguyễn Văn Hà, một cư dân ở Denver, Colorado, sang California nuôi mẹ già 91 tuổi, cũng tham gia gọi điện thoại.

Anh kể: “Tôi đến đây hôm nay qua một người bạn trong Hồng Thập Tự Orange County giới thiệu. Tôi làm ca hai, từ 3 giờ chiều đến 6 giờ chiều. Tôi thấy công việc rất có lý. Tôi thấy bên đây kinh tế chưa chắc dư giả gì, nhưng nhiều người bỏ công ra làm nên tôi ủng hộ. Ở đây có nhiều gia đình khó khăn, nhưng họ vẫn giúp TPB. Chứ bên Việt Nam thì đâu có ai giúp.”

Theo ban tổ chức, mục tiêu của đại hội năm nay là làm sao quyên góp được trên $1 triệu.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, cơ quan truyền thông chính cùng với đài truyền hình SET bảo trợ đại nhạc hội, nói: “Đến giờ phút này, chương trình có vẻ rất tốt. Chúng tôi cố gắng đạt con số trên $1 triệu. Cả hai đài SBTN và SET đều chiếu trực tiếp đại nhạc hội để kêu gọi đồng hương. Ngoài ra, nhân viên của cả hai đài và cả Trung Tâm Asia đều tập trung cho đại nhạc hội hôm nay để đóng góp với đồng hương.”

Khi bài báo này được viết xong, chương trình đại nhạc hội vẫn chưa kết thúc. Những khoảng đóng góp của đồng hương vẫn tiếp tục được gửi đến cho ban tổ chức.

Nghệ sĩ Nam Lộc suy ngẫm: “Tiền là một chuyện, nhưng quan trọng là sự chú tâm của đồng hương dành cho những người thương phế binh ở quê nhà. Dù số tiền đóng góp có hạn, nhưng khi những thương phế binh nhìn hình ảnh những người đồng hương đi xa mà vẫn nhớ đến họ, tôi nghĩ món quà đó đôi khi còn quan trọng hơn cả tiền bạc.”

Nắng chiều vẫn đang trải dài trên phố.

Người người vẫn tiếp tục bước vào bên trong sân vận động trường trung học Bolsa Grande.

Từ nơi xa nửa vòng trái đất, nhiều người cũng đang hướng lòng về nơi đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn