BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73477)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chống tham nhũng thật cũng là phản động đấy !?

21 Tháng Sáu 200212:00 SA(Xem: 1011)
Chống tham nhũng thật cũng là phản động đấy !?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trao đổi với ông Hà Đăng - Trợ lý Tổng Bí thư ĐCSVN, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản.

Hà Đăng


Đọc bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo Nhà Báo và Công Luận số 23, ngày 6/6/2002, ông đã "phê" chúng tôi đủ tội. Tôi đã trích dẫn. Và đã có bài "Phải cảm ơn "đồng chí" Năm Cam chứ!" trao đổi với ông. Nhân ngày Nhà Báo Việt Nam, 21/6, đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Trần Bạch Đằng trên báo Lao Động cuối tuần, 23/6/2002, tôi thấy ông ta trả lời rất "ghê". Tôi vốn rất quý ông Trần Bạch Đằng vì cũng đã từng quan hệ lâu lâu cho nên cũng lo cho ông ấy. Ông Trần Bạch Đằng nói như thế này, thì khác gì "luận điệu"...."của tên phản động Phạm Quế Dương". Xin trích mấy câu của ông ta: "Có người giành về hết cho mình nào lập trường, tính Đảng, nào trình độ chính trị và không chấp nhận tiếng nói khác"....."....Lẽ ra báo chí phải đi trước, tiên tri, tiên lượng, phải dự báo và cảnh báo. Còn báo chí "nói theo" để "ăn theo", "hô khẩu hiệu theo" thì làm sao đổi mới nổi. Báo chí hội nhập với tư thế "vừa viết, vừa run"...". Ông lại còn đụng tới cái vở kịch "Kiên quyết chống tham nhũng" và "vụ Năm Cam" đang làm người ta nóng bỏng lên nữa chứ!. Ông nói: "...vụ Năm Cam tuy có "lời bình" rằng Nhà nước làm "chưa ngon lắm" song những "chiếc loa vỉa hè" công nhận Nhà nước làm đúng...". ..."....Mấy tờ báo công khai "đương cự" với tham nhũng? Không vì sợ bọn tham nhũng, vì sợ cái "đục" chống tham nhũng "vừa vừa"...".

Việc "chống tham nhũng" là một kỷ niệm sâu đậm đối với tôi chẳng kém những kỷ niệm yêu quý Đảng những ngày thơ ngây tuổi trẻ. Năm ngoái, đúng ngày kỷ niệm 56 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, 2/9/2001, bè bạn hội tụ nhà tôi cùng đọc bài báo Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh kêu gọi chống tham nhũng. Được mọi người khuyến khích, tôi và Trần Khuê - nhà nghiên cứu khoa học xã hội, hăng hái làm ngay đơn xin thành lập "Hội Nhân Dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và cùng ký tên, ra bưu điện gửi bảo đảm ngay.

3 ngày sau, 5/9/2001, sáng sớm tôi bị Công an đến "túm" tại nhà. Trưa đó, Trần Khuê đang lang thang bên Gia Lâm cũng bị "túm". Tôi thì được đưa lên Sở Công an Hà Nội "làm việc" mấy ngày liền. Trần Khuê thì bị "trục xuất" khỏi Hà Nội, vô Sài Gòn "lĩnh" quyết định "quản chế". Cùng dịp đó, mấy chục bè bạn chúng tôi cũng đều bị "sờ gáy" cả. Chuyện cứ vui như hội, rộn ràng hơn cả ngày non sông đi bầu cử Quốc hội.

Sự việc rồi cũng qua đi, mong sao sớm bỏ ra ngoài bộ nhớ. Nhưng tháng 3/2002, lại được đọc Thông Báo Nội Bộ, có chữ Mật, in Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung Ương ĐCSVN. Chỉ thị viết..."Các phần tử cơ hội chính trị và chống đối ở trong nước...đòi thành lập cái gọi là "Hội nhân dân chống tham nhũng", thực chất là xây dựng và hợp pháp hoá tổ chức chính trị đối lập để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa muốn nước ta theo con đường xã hội dân chủ và thể chế chính trị tư sản…" Đọc đi đọc lại mà buồn cười. Ngay cái tên Hội cũng viết sai. Thông Báo lại không ghi rõ tên người ký Chỉ thị này. Dẫu sao tác giả vẫn là Ban Bí thư Trung Ương ĐCSVN. Ôi! Chẳng đáng giận mà quá đáng thương cho cái Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay!. Họ hô hào chống tham nhũng nhưng ai thật lòng ủng hộ chống tham nhũng lại là "bọn chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa…"!?

Tôi xin chép lại nguyên văn 2 bài của ông Trần Bạch Đằng viết về chống tham nhũng từ 10 năm trước - Bài "Khả năng thực thi của một chương trình hành động", in trên báo Tuổi Trẻ TPHCM, 10/10/1992 và bài "Hiện tượng đặc biệt - biện pháp đặc biệt", in trên báo Công an TPHCM, 21/10/1992. Chắc rằng ông Hà Đăng cũng đã đọc những bài này rồi. 10 năm trước, 1992, ông Trần Bạch Đằng đã rất trăn trở về tệ nạn chống tham nhũng, kiến nghị biện pháp chống tham nhũng. 10 năm sau, 2002, tình hình tham nhũng và chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta ra sao? "Vụ Năm Cam là câu trả lời đấy"! Vậy mà cái Ban Bí thư Đảng CSVN lại dám viết Thông Báo như vậy!?.

Tôi chắc ông Hà Đăng không đến nỗi vào cái loại được nhà văn thơ Tường Vân tặng cho là bọn "Bảo ra đường, ra đưòng. Bảo nằm gầm giường, nằm gầm giường...". Còn cái tên nào ký cái Chỉ thị 05 - CT/TW lịch sử sẽ phán xét. Còn nếu họ dám công khai đối thoại với tôi về cái "Hội Nhân Dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" tôi sẵn sàng mời.

Dưới đây là 2 bài của ông Trần Bạch Đằng. Bài hay thật. Rất cảm ơn ông Trần Bạch Đằng đầy tâm huyết với nhân dân. Song, trộm nghĩ, bài này ông viết cách đây 10 năm. Khi ấy bọn quan lại tham nhũng chưa mạnh như đầu thế kỷ 21 này. Giá nếu bài này ông viết cũng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng IX như chúng tôi thì không biết ông có bị "sờ" không nhỉ!?

Khả năng thực thi của một chương trình hành động
Trần Bạch Đằng

Sau khi được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Chính phủ vừa mới thành lập của nước ta đã trình bày một chương trình hành động trước mắt. Dư luận xã hội rất quan tâm đến chương trình hành động này, đặc biệt lời hứa của Thủ tướng về việc chống tệ nạn tham nhũng. Trong khi bày tỏ chống tham nhũng nói riêng, dư luận còn phân vân: liệu Chính phủ có thể thực hiện được chương trình chống tham nhũng hay không? Sự phân vân kia không phải là vô cớ. Bởi nhân sự Chính phủ cơ bản như cũ, còn nạn tham nhũng đã quá sâu, quá lộng.

Nạn tham nhũng quả thật đang huỷ hoại nỗ lực của nhân dân, Nhà nước và Đảng ta trên đường đổi mới nhằm xây dựng một xã hội công bằng, lành mạnh. Tham nhũng nguy hiểm trực tiếp đối với vận nước là ăn hối lộ, ăn cắp của công và của người khác bằng quyền lực, bằng mưu mẹo gian trá, trong vài năm nay, phổ biến trên một diện rộng, liên quan đến nhiều tầng nấc của bộ máy cầm quyền. Nó là yếu tố không ổn định chính trị - xã hội hàng đầu, liên minh có ý thức và không ý thức với các hoạt động chống đối cả bên trong lẫn bên ngoài, ít nhất, cũng tạo ra hình tượng xấu xa để các thế lực chống Việt Nam lợi dụng. Trong mức độ như hiện nay, tham nhũng không còn là vấn đề đạo đức, vấn đề sinh hoạt mà chính là vấn đề chính trị. Chúng ta nhớ, thời chiến tranh, ở các đô thị miền Nam, một thể lực tài phiệt đột ngột xuất hiện chi phối chính trường - không qua con đường tích luỹ theo quy luật đường ăn cắp viện trợ Mỹ...Chính quyền Sài Gòn đã phải ra sắc luật 112/SL ngày 27-3-1964 xử tử hình những kẻ ăn hối lộ, biển thủ quá 100.000đ, xử tù chung thân mức phạm tội từ 2.000đ...(tiền Sài Gòn lúc ấy, giá gạo loại 1: 645đ/tạ). Tuy đấy là một sắc luật mị dân song vẫn giúp chúng ta suy nghĩ. Những kẻ tham nhũng không bao giờ chịu đứng yên, chúng phải che đậy tội ác và bảo vệ tài sản. Chúng câu kết với nhau, dần dà thành thế lực và thế lực được nguỵ trang bằng chiếc mặt nạ chính trị nào đó, chúng phải lũng đoạn bộ máy Nhà nước, phải tìm mọi sơ hở để khống chế quyền lực, không đi cửa trước thì đi cửa sau...Cho nên, không một hành vi bao che tham nhũng nào không đáng bị xử phạt như tham nhũng. Tôi cho rằng sự sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô liên quan ở mức cao với nạn tham nhũng - nếu không phải chính kẻ tham nhũng đảo chính thì cũng về hùa với thế lực đảo chính hoặc là cớ để cho các cuộc dảo chính phát khởi và thành công. Rõ ràng, không thể trị tham nhũng - đã là hiện tượng báo động ở ta - bằng các biện pháp thông thường. Cần có biện pháp đặc biệt. Một sắc lệnh chống tham nhũng chẳng những cần thiết mà còn vô cùng bức xúc.

Kẻ tham nhũng dẫu đông cũng không đông hơn người lương thiện. Cả một xã hội lương thiện chẳng lý gì chỉ nhìn kẻ tham nhũng tác quái. Thật ra, các triệu chứng tham nhũng, thậm chí bằng chứng rất lộ liễu. Không phải những người lương thiện không thấy, không tức giận - chúng đang "bẹo gan" dư luận - mà cuộc đấu tranh thiếu được cổ vũ, thiếu kế hoạch.

Vấn đề là tách tham nhũng ra khỏi quyền lực. Không cần gõ bao nhiêu cửa mới giải quyết được yêu cầu chính đáng của người dân , của người cần luật pháp che chở, của người có vốn đầu tư, của người cần điện, nước, cần trị bệnh, cần học hành. Ngày nào chủ nghĩa quan lại còn ngự trị thì ngày đó chưa có cơ sở để chiến thắng tham nhũng. Sự duy trì các thủ tục hành chính rắc rối - có thể vì quan niệm cũ kỹ - về khách quan, đã liên minh với nạn tham nhũng.

Chuyển yêu cầu chống tham nhũng từ dạng nguyện vọng và quyết tâm sang biện pháp hành động quần chúng - trong dó, bảo đảm người tố cáo tham nhũng không bị trả thù - chắc chắn diện tham nhũng phải thu hẹp. Cái có sức an dân mạnh nhất hiện nay là nghiêm trị tham nhũng.

Cào cào, châu chấu, ốc bươu vàng - tàn phá mùa màng. Tham nhũng tàn phá chế độ, đất nước, tàn phá nền đạo lý dân tộc cả trước mắt lẫn lâu dài.

Đây là một thách thức lớn trong chương trình hành động của Chính phủ.

Mọi người đều chờ một cái gì thiết thực để tham gia "trận đánh" - "trận đánh" đúng vậy - vì sự sống còn của chính mỗi người Việt Nam.

(Báo tuổi trẻ TP.HCM, 10/10/1992)
Hiện tượng đặc biệt, biện pháp đặc biệt
Trần Bạch Đằng

Cả nước đang bàn tán về việc chống tham nhũng. Điều đó liên quan đến nạn tham nhũng vừa lan rộng vừa vọt cao, gây khó khăn cho đời sống, tác động xấu đến nền kinh tế, trên đà phát triển thuận lợi, phá rối sự ổn định chính trị và ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đạo đức xã hội. Nạn tham nhũng thực sự là một ung nhọt, một thứ bệnh hiểm nghèo đối với vận nước. Điều đó còn liên quan đến phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại phiên họp mở đầu Quốc hội khoá IX, liên quan đến lời tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước Quốc hội trong báo cáo chương trình hành động, quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính quyền và các câu trả lời báo chí của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải chung quanh vấn đề này. Tệ nạn tham nhũng đã được các nguyên thủ nêu lên và tuyên chiến với chúng. Không phải ngẫu hứng mà Quốc hội nhiệu liệt vỗ tay hoan hô tân Thủ tướng khi vị đứng đầu ngành hành pháp chia xẻ lo lắng và trách nhiệm với nhân dân về một nạn nước.

Từ cổ chí kim, tham nhũng, từng làm suy yếu, bại liệt thậm chí sụp đổ không ít triều đại. Gần ta, một số quốc gia lảo đảo vì tham nhũng, chính phủ và đảng cầm quyền mất uy tín.

Tham nhũng gây tai hoạ, như lịch sử ghi nhận, thường từ những người quyền cao chức trọng hoặc ở trong triều hoặc ở ngoài quan, từ các hoạn quan, các thư lại cận thần, từ cung đình. Tham nhũng luôn đi đôi với hà lạm, biển thủ, buôn lậu, lãng phí của công, mua quan bán chức, dối trên gạt dưới...và tất nhiên, cái liên minh ma quỷ kia thù địch với dân chủ, với những người trung thực, với chế độ. Tham nhũng càng lộng quyền, oan khuất càng nhiều, đạo lý ở đời càng xuống cấp, nước càng nghèo... Tham nhũng ở Việt Nam là có thật không nên hạ thấp tác hại của nó, trước mắt cũng như lâu dài. Đừng sợ kẻ thù lợi dụng việc trừng trị tham nhũng của Nhà nước ta mà cần sợ kẻ thù lợi dụng sự tồn tại của tham nhũng. Thậm chí, chúng mong tham nhũng bành trướng, tiếp tay cho tham nhũng, xem đó là một thứ vũ khí lợi hại chống chế độ, Đảng và Nhà nước ta là một trong những cơ hội để chúng tiến tới đạt các ý đồ thâm độc.

Như vậy, ở Việt Nam, tham nhũng là một hiện tượng đặc biệt vì bản chất chế độ ta, bản chất dân tộc ta không cho phép tham nhũng hoành hành, vì Nhà nước, Đảng và Nhân dân ta kết án nó trong khi nó vẫn nảy nở, vẫn thách thức chúng ta. Đặc biệt còn vì Việt Nam đang chuyển nền kinh tế sang hướng thị trường và mở cửa, nếu không có biện pháp hiệu quả thì sản xuất kinh doanh trong nước càng tăng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng lớn, lại cung cấp đất phì nhiêu cho tham nhũng giàu to, đời sống của dân cải thiện rất chật vật, xí nghiệp, công ty phá sản. Nhà nước không thể tích luỹ để thực hiện công trình lớn, dễ vỡ nợ…Đó là chúng ta chưa nói tham nhũng đang đẻ ra tội ác, ra những cái quái thai - kiêu băng "Tốc độ" - làm hao mòn cán bộ của chúng ta, gieo bất bình trong xã hội.

Hiện tượng đặc biệt cần biện pháp đặc biệt. Biện pháp đặc biệt vì tình hình khẩn cấp, vì độ tác hại nghiêm trọng, vì hiện tượng không dừng tại chỗ - một phát triển rất lôgic: tham nhũng phải tự bảo vệ…

Học tập nghị quyết, kiểm điểm nội bộ, nhấn mạnh đạo đức, lên án trên diễn đàn và trong công luận. v.v …đều cần thiết song không đủ và không căn bản. Kẻ tham nhũng nào "chịu cha ăn cướp", "lạy ông tôi ở bụi này"? Có thể một số người trong chúng ta ngây thơ, còn kẻ tham nhũng thì quỷ quyệt. Một sắc luật (decret - loi) của Chủ tịch nước ban hành trong lúc này là nhu cầu của tình thế. Sắc luật này có giá trị như mỗi đạo luật, tuy không do Quốc hội thông qua. Chẳng lẽ chúng ta đợi đến kỳ họp Quốc hội sau mới có biện pháp chống tham nhũng? Một chỉ thị của chính phủ không đủ trọng lượng về mặt pháp lý hay sao?

Sắc luật sẽ định tội danh tham nhũng và mức độ xử lý, nhất thiết phải có mức độ tối đa. Sắc luật nên cho thành lập ngay một hoặc hai, ba Toà án lưu động với thành phần xử án gồm một chánh án là người hiểu biết về luật, rất am hiểu các vấn đề xã hội, được trui rèn về chính trị, đặc biệt liêm khiết, có uy tín xã hội cao. Phụ tá cho chánh án là hai thẩm phán chuyên nghiệp. Toà án lưu động một mặt dựa trên các tài liệu do Viện kiểm sát, Uỷ ban thanh tra Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhà nước, Công an, Uỷ ban kiểm tra Đảng, các cấp cung cấp, một mặt nhận phát hiện trực tiếp của các đại biểu Quốc hội, của tập thể hoặc cá nhân Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các công dân. Trước các dấu hiệu bất thường, trong sinh hoạt, trước các bằng cớ và chứng cớ tham nhũng của bất kỳ ai, toà án lưu động ra lệnh điều tra khẩn cấp, nếu đương sự không giải trình nổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Toà xử công khai theo đúng các thủ tục xét xử của toà án. Cần nhớ lời của dân: không chỉ đánh từ vai trở xuống; không thả con tôm bắt con tép. Phương tiện truyền thông đại chúng sẽ công bố rộng rãi các vụ việc này.

Đến một lúc nào đó, Chủ tịch Nước thấy việc xử lý tham nhũng đã đạt kết quả cơ bản, sẽ chấm dứt thời hiệu của sắc luật.

Chúng ta đều biết có loại tham nhũng "bất khả kháng" - do tiền lương, thu nhập quá khó khăn, kiếm một chút gì để no bụng và lo phần nào cho gia đình. Lỗi này không nhẹ song chế độ tiền lương của Nhà nước phải cùng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, diện tham nhũng này đủ rộng, vẫn phải tuỳ thuộc vào sự cải tiến chính sách của Nhà nước. Và sự cải tiến đó chỉ có thể thực hiện được khi loại tham nhũng "gốc" bị trừng phạt - tức tiền của của đất nước không chạy vào "nhà trông" do phung phí "của chùa" vô tội vạ…mà quay lại làm chức năng cải thiện đời sống đồng bào, lo các công trình lớn, lo các công trình phúc lợi. Số tiền nói trên không nhỏ đâu, nếu chúng ta hiểu tham nhũng theo đúng nghĩa: ăn hối lộ, hà lạm, lãng phí, ký kết các hợp đồng kinh tế trong và ngoài nước cốt được "lót tay" mặc kệ hiệu quả… Hẳn rằng chống tham nhũng không thoát ly quá trình chỉnh đốn cơ chế quản lý của ta - các nhũng nhiễu dọn bãi cho cái tham nẩy nở, vun bồi cho nó, là mụ mối lái quyến rũ người ta đến cái tham. Song đó là việc lâu dài.

Hiện tượng đặc biệt cần biện pháp đặc biệt - "đặc biệt" là một cách nói cho nhiều người đã làm. Đọc các ý kiến của Lênin sau cách mạng Tháng Mười, chúng ta thấy rõ người thầy của chúng ta từng giải quyết dứt khoát hiện tượng na ná như chúng ta đang đương đầu. Bác Hồ cũng để lại cho chúng ta nhiều tấm gương kiên quyết chống tham nhũng, chống tội ác.

Có "đặc biệt" rồi sẽ có bình thường…chúng ta làm theo quy luật đó.

Chính phủ nhiệm kỳ này phải là "chính phủ cứu quốc" trên nghĩa chống tham nhũng có hiệu quả. Hạnh phúc cho dân tộc biết bao!.

(Báo Công an TP.HCM, 21/10/1992)
Ngày Nhà Báo Việt Nam
(21/6/2002)
Phạm Quế Dương
37 Lý Nam Đế - Hà Nội

Kính gửi:
- Ông Hà Đăng
- Các cơ quan ngôn luận
- Bạn bè gần xa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn