BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lớp Dạy Đầu Tiên (2)

13 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1287)
Lớp Dạy Đầu Tiên (2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cho ta hoá đá sân trường
Để mai sau vẫn vui buồn bên em
T.H.T.


 BÀI THƠ MÙA HÈ

 Hoạ nguyên vận bài Thoáng Buồn

 của Hoan Trinh

 Giờ chơi thứ hai 20/4/59

 Đại diện Hội thơ III B

 Trang tặng tác giả Thoáng Buồn 

Đặng ngọc Khiết: Chiều hôm ấy gặp em bên bờ liễu

 Liễu tơ xanh vẫn kém mắt em xanh

Phan Tô: Đêm hoa đăng sóng nhạc vỡ kinh thành

 Duyên ươm nụ, mộng đúc mầu ngọc bích

Ng.trác Diễm: Nhớ bóng em anh sầu trong cô tịch

 Tim tái tê theo cánh phượng úa bay

Lê Tự Hỷ : Vui gặp nhau chưa mấy độ thu nay

 Mà đã khóc buồn mùa hoa thắm đượm

Phan nhật Nam : Trong mảnh vườn hoa dập dìu cánh bướm

 Bay vờn hoa như muốn mãi hoan giao

Võ Ý: Mái tóc xanh bướm kẹp với hoa cài

 Hồn trong trắng môi hồng ôi sống động

Tôn thất Hải: Đêm dần xuống tím buồn mình một bóng

 Nghe u sầu tàn tạ khắp kinh thành

Hồ công Lộ: Giờ biệt ly buồn lắm phải chăng anh?

 Buồn luyến tiếc tình dâng lên vời vợi

Tôn thất Tuấn: Bóng cô tịch chìm dần trong u tối

 Vài cánh chim lạc lõng lững lờ bay

Võ văn Hải: Đôi môi kề em khẽ: nhớ hôm nay!

 Mi ướt lệ em tôi sầu đưa tiễn

Đỗ viết Tính: Phượng không rơi vì phượng còn quyến luyến

 Thương tình gầy, gió đến phượng run run

Nguyễn thu Giao: Trong chiều nghiêng hồn ngây ngất lịm dần

 Cao vời vợi trời xanh khơi động thuỷ

Võ thị Thương: Gió nâng nhẹ tiếng buồn vào thiên lý

 Hỏi lòng đây tiên cảnh hoặc bến mê

Nguyễn hữu Hùng: Đôi bờ vai buông rũ mái tóc thề

 Mắt hoàng ngọc u sầu trong chiều vắng

Nguyễn V Minh: Nắng nhạt dần dâng lên niềm vương vấn

 Vương trong lòng bao nhiêu nỗi ưu tư

Nguyễn thanh Thừa: Hè về đây mang theo ý giã từ

 Đâu còn nữa những ngày vui hoa mộng

Xuân Nguyệt: Hoa mầu thắm rung mình trong gió lộng

 Lòng ngập ngừng mơ lại thuở ban sơ

Trương công Nghệ: Ve than van bỗng dứt tiếng lặng tờ

 Mầu nắng tắt thôi mơn man mái tóc

Nguyễn bá Trạc: Thoảng trúc ty phượng hồn buồn rưng rức

 Gợi ý sầu cách biệt tự đây thôi

 Nét sơn xuyên lảng đảng gợn mây trời…

 Trong đêm Thơ Nhạc do Công đoàn trường PCT tổ chức, nhân dịp tôi về hưu, nhìn thầy Mai Chánh Trí, một học sinh cũ thuộc lớp này, đứng dậy nghiêm trang đọc bài thơ Thoáng Buồn của mình, lời run run, mắt kiếng rơi trễ trên sống mũi, tôi thấy cảm động và thương chi lạ! Bấy giờ Anh cũng đã 60, sắp về hưu, là một người thầy dạy giỏi, lão thành của thành phố.

Đà Nẵng - 1968


 Cuối năm học, trường có tổ chức trại hè tại Mỹ Thị, bên cạnh con đường dẫn đến Non Nước, bên con sông Hàn. Trong đời học sinh, các em mê nhất là được đi cắm trại, dù xa dù gần. Dịp này là dịp để các em làm thân nhau, để tâm tình, bộc lộ những tài năng của mình, ngoài việc học... Đêm lửa trại, sau sinh hoạt chung toàn trường, thầy trò chúng tôi kéo nhau về trại riêng của lớp mình, do mấy em có đi sinh hoạt hướng đạo dựng lên: Hải, Tuấn, Minh, Thảo,… Đó là đêm tôi hiểu rõ tài năng của từng em một. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ mình cho các em học sinh của tôi nghe. Tôi đã đọc Bài Thơ Học Trò, tôi mới sáng tác trong một chiều thứ bảy về thăm Huế .

 BÀI THƠ HỌC TRÒ

Đuổi con bướm bướm vào phòng

Để con bướm khóc hoa hồng mà chơi.

Góp sương dựng một khung trời

Góp mây bàn đổi nụ cười mỹ nhân

Nhà tôi sách vở chất chồng……….

………….

 Tiếng thơ thỏ thẻ tha thiết theo ánh lửa trại bập bùng, tan dần trong đêm, tan dần trong tâm hồn những người trẻ tuổi đang cảm thông nhau như thầy trò chúng tôi lúc bấy giờ…. Từ hôm đó, trong mắt các học sinh của tôi, tôi có một hình ảnh mới, thân thương, gần gũi và tài hoa hơn….

 Nghỉ hè xong, tôi trở lại trường, lòng bồn chồn muốn biết mình được phân công dạy và cố vấn lớp nào.Thật nhẹ cả lòng và vui mừng tột bực khi thầy Hiệu Trưởng cho biết tôi tiếp tục dạy Toán và là Giáo sư cố vấn của lớp đó: lớp Đệ Nhị B. Năm học này tôi được phân công dạy hoàn toàn môn Toán, môn dạy ruột và ưa thích của tôi, không có thêm Lý, Hoá như năm trước. Chuyện này kéo dài cho đến hết cuộc đời đi dạy của tôi. Một chút tiếng tăm, uy tín của tôi bắt đầu được củng cố từ thời gian này. Chuyên môn ngày càng vững hơn. Sau này trường mở mang rộng, đón tiếp nhiều thầy cô giỏi, bằng cấp cao về giảng dạy, nhưng nói thật những thập niên 60, 70 tôi được phụ huynh trọng vọng, học sinh ngưỡng mộ vô cùng. Tôi đã được mời dạy thêm ở hầu hết các trường tư trong tỉnh: Sao Mai, Bồ Đề, Bán Công, Phan thanh Giản, Nguyễn công Trứ, Thánh Tâm, Tây Hồ, Ánh Sáng, Nguyễn Hiền, Thành Nhân, Vinh Sơn, Diên Hồng, Hồng Đức,….. Có trường tôi dạy nhiều năm, có trường tôi chỉ dạy 1 năm hoặc vài ba tháng thì nghỉ.



 Trở lại lớp dạy đầu đời của tôi. Qua mấy tháng nghỉ hè, các em trở lại lớn hẳn cả lên. Lớp có thêm 3 nữ sinh từ Huế vào học, nâng số nữ sinh lên 5. Tôi còn nhớ: Đoan Trang, Mộng Hiền, Kiều Nữ. Ba em nữ sinh này hiền lành, nhút nhát, thuỳ mị, nên chìm hẳn trong năng động ồn ào của lớp. Dẫu vậy, cũng có 1 nam sinh đa cảm của lớp, ghép tên 3 em này làm biệt hiệu của mình, ký dưới những bài thơ tình ướt át: Trang Hiền Nữ. Nhiều em đã bắt đầu làm thơ tình… Nhiều em đã bắt đầu yêu…. Tuy nhiên, đây là năm học quan trọng, cuối năm các em phải qua kỳ thi Tú Tài I, một kỳ thi có thể nói là khó nhất và quan trọng nhất ở bậc trung học hồi đó, nên không khí học tập bắt đầu nghiêm chỉnh, bắt đầu căng thẳng. Tôi soạn bài, giảng bài cũng kỹ lưỡng, trọng tâm hơn, không còn bay bướm, lả lướt như năm Đệ Tam nữa. Thuở ấy chưa có chuyện học thêm, dạy thêm, luyện thi này nọ. Các em tự học, tham khảo sách để luyện bài, trao đổi nhau để củng cố bài. Sách giáo khoa tiếng Việt dành cho các lớp Đệ 2 cấp thuở ấy đâu có bao nhiêu, Toán chỉ có bộ Lý thuyết và Bài tập về Đại-số, Lượng-giác, Hình học không gian của Nguyễn văn Phú là chính. Tôi thường tra cứu thêm một số bài tập trong các sách tiếng Pháp,trao cho các em luyện thêm: Lebossé, Brachet et Dumarqué, Une Réunion de professeur, Journals de Mathématiques của Vuibert, Annales của Couronnet,... Nhiều đêm, một số em tụ tập tại nhà tôi, thầy trò đánh trần ngồi giải toán, thân thiết, tự nhiên, ấm cúng vô cùng .

 Đỗ xong Tú Tài I , học sinh phải khăn gói ra Huế học, vì PCT lúc bấy giờ chưa có Đệ Nhất (lớp 12). Học sinh được phân vào 3 trong số 8 lớp Đệ Nhất B của trường Quốc Học – Huế hồi ấy. Tại lớp nào cũng vậy, các em từ PCT ra đều đứng đầu cả : Nhất B1 thì Lê Tự Hỷ, nhất B2 thì Nguyễn hữu Hùng, Võ thị Thương, nhất B3 thì Tôn thất Tuấn, Tôn thất Hải. Trường có tổ chức một đêm văn nghệ để tiễn các em rời trường. Sân trường được giăng đèn kết hoa, sân khấu là những bục giảng được kê lại với nhau, một số ghế dài được sắp ngay ngắn trật tự làm ghế ngồi cho quan khách và thầy cô. Phần học sinh thì đứng chen chúc nhau trên sân cát, trên hành lang, trên thềm lớp… Lớp Đệ Nhị B của tôi có tham gia một vở kịch tự biên tự diễn, đặt tên là BỎ TRƯỜNG MÀ ĐI. Tôi nhớ VÕ Ý đóng vai thầy giáo, đã xuống sân khấu mượn cái cà vạt tôi đang mang, ĐỖ TOÀN đóng vai bác cai trường đến nhờ tôi mượn chùm chìa khoá của bác cai THÔI để “cho giống”, PHAN NHẬT NAM đóng vai người học trò nghèo đội chiếc mũ phớt cố ý làm rách te tua, móp méo… Các em lần lượt xuất hiện trên sân khấu, kéo theo sự cổ vũ nồng nhiệt của các học sinh lớp đàn em, kể cả của các thầy cô giáo. Các em diễn tả tâm trạng của một học sinh, vì hoàn cảnh gia đình, phải rời bỏ ngôi trường thân yêu mình theo học từ thời thơ ấu mà ra đi… Bao nhiêu ngậm ngùi, bao nhiêu trăn trở được các em diễn tả qua đối thoại của em học sinh đó với bác Cai trường, với thầy, với chính mình. Tôi ngồi bên dưới, nghe từng lời, nuốt từng chữ, theo từng cử động của các em, bâng khuâng, ngậm ngùi vô tả….Vở kịch thành công vượt ngoài cả mong đợi. Tôi thấy thầy Hiệu Trưởng mấy lần đưa tay lên chùi mắt, má cô Đặng thị Liệu, cô Trần thị Kim Đính, cô Lê khắc Ngọc Quỳnh, cô An Hà Châu ướt nhoè. Bác THÔI, cai trường, đến kéo nhẹ vào vai tôi, hỏi: Thầy này Trò nào đóng vai ông cai trường mà hay dữ vậy? Tôi thấy đôi mắt bác cũng đỏ hoe. Chẳng ngạc nhiên mấy: các em đó sau này đều trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng một thời. Tôi ra về trong đêm, hồn vẫn trôi theo tiếng hát, tiếng ca, tiếng trống bập bềnh của các em:

 … Xa cô rồi cũng xa thầy

 Thầy ơi thầy!

 Tuy xa ngàn dặm nhưng lòng này không xa….

 Lời ca nhại theo một bài hát thịnh hành hồi đó, nhưng tôi nghe tha thiết mặn nồng chi lạ! Đó là vở kịch duy nhất mà tôi theo dõi từ đầu đến cuối trong đời mình!

Học sinh Phan Châu Trinh


Sau đêm văn nghệ giữa sân đó, các anh các chị các lớp đầu tiên của tôi bỏ trường mà đi. Các anh chị tung bay khắp bốn phương trời, tung hoành khắp năm châu bốn bể, thoả chí bình sinh. Tôi ở lại. Mải mê với nghề nghiệp, cặm cụi với phấn trắng bảng đen, say sưa với các em học sinh trẻ vừa vào trường, lứa này đi lứa khác đến, thế hệ này qua thế hệ khác đến, quên bẳng đi cả thời gian không gian. Bất chợt một hôm nhìn lại, tìm lại, thì các anh các chị đã thành nhân, hiển đạt, danh tiếng nổi như cồn. Còn tôi, tôi vẫn thế! Qua bao nhiêu dâu bể, qua bao cuộc đổi thay, vẫn âm thầm trong ngôi trường đó, mê man miệt mài dạy dỗ. Các bạn đồng lứa của tôi, những người bạn cùng đi nhận việc với tôi trên chuyến tàu suốt Sài Gòn - Huế năm nào, sau một thời gian đứng lớp, nay đều đã giữ một chức vụ quan trọng trong ngành Giáo dục cả. Thái dõan Ngà là Giám Đốc Sở Giáo Dục Đà Nẵng, Nguyễn như Thọ là Giám đốc Sở Giáo Dục Quảng Nam, Trương Vinh là Giám Đốc Sở Giáo Dục Ban Mê Thuộc, Phan xuân Hường là Chánh Thanh Tra Bộ Giáo Dục,…. Còn tôi , tôi cứ tà tà cầm phấn, lang thang ngày hai buổi cửa lớp sân trường, quây quần với học trò của mình, không đắn đo, không tham vọng. Bốn mươi năm qua vùn vụt, các cây xà cừ giữa sân trường ngày nào còn là những cành bé khẳng khiu, xiêu vẹo trước gió, bây giờ đã thành cổ thụ, tỏa bóng mát che kín sân trường. Đưa tay vuốt mái tóc mình, tóc đã bạc phơ phơ. Lặng lẽ, ngậm ngùi từ giã trường ra đi! Một đêm buồn, lẻn vào sân trường, ngồi một mình bên bậc thềm cạnh tượng cụ Phan, nghe sân trường hiu hiu lá rụng, nghe lòng mình buồn nhớ da diết. Tôi thả mặc hồn mình trôi vào một cõi mộng xa vời hư ảo, thấy bao nhiêu học trò của mình đang đứng đưa tay vẫy gọi, những đôi mắt đen nhánh thiết tha, những nụ cười thân tình rạng rỡ, những tiếng trả bài âm vang đâu đó. Lòng bỗng dưng thấy hạnh phúc vô biên, ngọt ngào vô tả: mình đã được dạy tại ngôi trường này giai đọan mà nó có nhiều nhân tài nhất!

Bốn mươi năm mươi năm sau, với những phương tiện truyền thông tối tân, hiện đại, các anh chị thuộc lớp dạy đầu tiên của tôi đã bắt liên lạc lại được với nhau hầu như toàn bộ. Thôi thì các anh chị có mặt trên toàn địa cầu: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Canada, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Ý, Na Uy, Việt Nam, … Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi chính kiến, mỗi người một địa vị xã hội, nhưng các anh chị có chung nhau một ngôi trường để nhớ, một thời thanh xuân đẹp đẽ đã qua, những kỷ niệm thân thương để kể,… .do đó các anh chị ngồi lại với nhau, để trao đổi tâm tình, để tri kỷ…. Năm nào các anh chị cũng có tổ chức họp mặt, khi Mỹ, khi Úc, khi Sai Gòn, khi Đà Nẵng,… Năm nào tôi cũng được mời tham dự. Biết tin một số học sinh cũ của mình đã ra đi vĩnh viễn, ngậm ngùi vô kể. Đỗ hữu Toàn, Nguyễn văn Nam, Trần trí Dũng, Đặng ngọc Khiết, Nguyễn hoàng Be,Tôn thất Tuấn, Nguyễn thu Giao, Mai chánh Trí, Phùng văn Lộ, Huỳnh bá An,…… Những anh này đều có kỷ niệm đẹp với tôi, tôi vẫn nhớ mãi! Đỗ hữu Toàn một lần ôm guitare đứng hát bài PALOMA giữa lớp, Nguyễn văn Nam là tiền đạo tấn công, Trần trí Dũng là hậu vệ cắm của đội bóng tròn PCT (kể cả Quốc Học Huế) ngày nào, Đặng ngọc Khiết một lần phi ngựa vào thành phố giữa nghênh ngang xe cộ, Hạm trưởng Nguyễn Hoàng Be uy nghi đứng trước mũi chiến hạm, đưa tay vẫy người yêu Trần Thị Hạnh đang đứng chờ mình trên bến cảng, dược sĩ Nguyễn thu Giao đau ung thư nhưng sợ gia đình buồn nên giấu biệt cho đến khi chết, lần đứa con gái lớn Thu Nhi về thăm VN “gửi tặng thầy chai whisky thượng hảo hạng để thầy uống đỡ buồn “, Tôn thất Tuấn lần từ Pháp về thăm Đà nẵng, mượn chiếc xe của bạn chở thầy rong khắp thành phố, khi dừng trước bãi biển Thanh Bình đã hỏi một câu rất chi ngây thơ: “Thế khu dương liễu ngày xưa ở đây đâu rồi?“, Mai chánh Trí người đồng nghiệp trẻ một lần đã bảo “em thương thầy nhất” , nóng nảy trực tính đã cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng những ngày đầu làm người thầy lưu dung,... Giai đoạn này nở rộ phong trào Họp Thầy Họp Lớp, Họp Bạn. Tôi thuộc loại dạy nhiều trường nhiều lớp nhiều năm, nên cứ được học trò cũ mời họp mặt liên miên! Mới họp mặt thứ bảy thì chúa nhật lại họp mặt nữa! Mới họp buổi sáng, chiều lại có lớp khác mời! Những ngày l , ngày Tết nhiều khi có đến 2, 3 lớp cùng mời một lúc, trùng giờ cùng ngày. Buổi họp mặt nào cũng tình thầy trò lai láng! Tuy nhiên lòng sao cứ thấy có gì gượng ép, như sắp đặt, như chuẩn bị trước, thiếu tự nhiên, kém thân mật chân thành! Hơn nữa, tôi không muốn học sinh cũ chỉ coi mình là kỷ niệm của chúng, tôi còn muốn nhiều hơn nữa, thiêng liêng, thân ái sâu xa, đậm đà…! Tôi cố gắng theo học trò một thời gian, đến mệt ngất ngư! Rồi đành cáo lỗi thôi! Từ năm 70 tuổi, tôi quyết định lui về sống ẩn dật hoàn toàn, không bạn bè, không tiệc tùng, không họp mặt!. Ai giận thì đành chịu thôi! Khác với một số lớp khác, thầy không đi dự thì cho quên luôn, không mời nữa, học sinh lớp đầu tiên của tôi đổi qua phương án khác: trước khi họp lớp, hoặc sau khi họp về, các anh các chị kéo nhau đến thăm tôi tại nhà. “Bọn em đến thăm thầy một chút thôi, kẻo thầy mệt”. Nói vậy chứ thầy trò cứ sa đà tâm sự, câu chuyện tưởng không bao giờ dứt, thời gian qua khi nào không biết không hay! 

 Nhìn những người học trò trẻ măng, hoang nghịch của mình ngày nào bây giờ đã trở thành những ông cụ bà cụ 60, 70, người tóc bạc, kẻ tóc muối tiêu, răng hom má hóp, nghiêm nghị, chững chạc vô bờ, nhưng vẫn nhỏ nhẹ thưa thầy xưng em với mình một cách lễ độ như xưa, lòng tôi bâng khuâng xúc động vô cùng. Bao nhiêu nhọc nhằn, tủi hờn, bạc bẽo trong nghề nghiệp như tan biến đi hết! Còn lại đó một tình thầy trò trong sáng vô tư cao vời vợi. Tôi ru mình trong tình cảm đó mỗi khi buồn phiền, hôm nay và mãi mãi….. 

(trong: Một Đời Thầy Một Đời Thơ)

TRẦN HOAN TRINH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn