BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Các thi sĩ đã lên tiếng

05 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 837)
Các thi sĩ đã lên tiếng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tiếng nói của các thi sĩ thường phản ảnh lòng người dân đang thao thức những chuyện gì. Ba Giai ca ngợi vị tổng đốc Hà Nội sau khi thành mất vào tay người Pháp.

Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Lạc chứng kiến xã hội đảo điên khi nước ta mất chủ quyền, lòng dân chán chường và phẫn uất trước cảnh nô lệ. Quang Dũng, Hoàng Cầm làm thơ vì yêu nước. Thi sĩ sống giữa đồng bào, thông cảm với mọi người, họ là lương tâm của dân tộc.

Ngày nay nước ta có rất nhiều thi sĩ cất lên tiếng nói của lương tâm dân tộc. Một nhà thơ ký tên là Công Binh, xúc động trước cái chết của bà mẹ Tạ Phong Tần, mới gửi lên mạng mấy câu hỏi:

 Có phải thế không hỡi các ông?

Có bà mẹ tự thiêu vì nỗi oan của con?

Có bà mẹ đã cởi truồng giữ đất vì bất lực?

Có ông già Nam bộ uống thuốc diệt sâu tìm cái chết vì bất công?

 Mấy vần thơ mộc mạc đó mạnh hơn những bài bình luận thời cuộc. Vì đó là những câu thơ nói sự thật, đọc lên tất cả mọi người thấy đau nhức trong lòng. Một nhà thơ khác, lấy bút hiệu Hoàng Đình Nam đã viết những lời dặn vợ trước khi đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lấn nước ta:

 Nay anh không về, đừng lo nhé nghe em

Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ

Nợ của Vua Hùng, nợ từ tiên tổ

Cho chúng mình non nước Việt hôm nay.

 Trần Mạnh Hảo cũng sôi lên trước cảnh Trung Cộng đè nén:

 Dân tộc hôm nay không có Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo

Sao lại thừa Lê Chiêu Thống trời ơi!

Từng dáng lúa cũng mang hình gươm giáo

Biển Đông như chảo lửa cháy chân trời

 Nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa mới đưa lên mạng một bản tuyên ngôn với lời lẽ thẳng tuột, không úp mở quanh co:

 Quý vị muốn làm gì thì làm

Muốn mị dân muốn yêu nước muốn bán nước bằng mồm thây kệ

Tôi không thù người Tàu cũng chẳng ghét xứ Trung Hoa

Nhưng đứa nào xâm lược nước tôi là chết ngay tại chỗ

 

Quý vị cứ việc chơi gôn cứ việc sắm sửa phi cơ

Cứ đầu cơ địa ốc cứ kiếm tiền vi vút

Nhưng đứa nào bắt dân ngu cu đen thay quý vị ở tù

Là tôi đào mả ba đời quý vị lên trét cứt

 

Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc

Cứ hung hăng như Gaddafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn

Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác

Nhưng lúc đường cùng đừng năn nỉ tôi nghen!

 

Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sĩ cực êm

Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ

Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện giá xăng

Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đĩ

 

Quý vị phải như vậy mới là quý vị

Vô cảm vô lương vô đạo đức vô thần

Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ

Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân!

Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Ba Giai, Học Lạc, hương hồn các cụ chắc cũng phải hãnh diện có đám con cháu rung cảm với đồng bào cất lên những câu thơ bi tráng như thế này. Nguyễn Văn Giai (Ba Giai) ngày xưa viết Hà Thành Chính Khí Ca, nếu đọc bài thơ này chắc cũng phải cảm hứng chất ngất như đọc Văn Thiên Trường. Phùng Quán từng viết Lời Mẹ Dặn, nếu còn sống chắc cũng phải đồng ý với, một nhà thơ cựu chiến binh bây giờ:

 Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ

Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân!

 Đọc những lời kết thúc bản tuyên ngôn này, tất cả các thi sĩ ở nước ta cùng hãnh diện. Sức mạnh của nhân dân đã được Quang Dũng diễn tả, hơn 60 năm trước đây, với bàn tay cháy bỏng của những “Chiến sĩ Thủ đô” ôm cây súng “ba càng” chống cự với quân Pháp qua từng căn nhà, từng bức tường, từng căn phố, tử thủ Hà Nội suốt ba tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến, khi đảng Cộng Sản vẫn còn giấu mặt tuyên bố “tự giải tán.” Quang Dũng ngợi ca:

 Hàng Gai tay bỏng trục ba càng

Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt.



 Trong số những nhà thơ người Thăng Long hiện nay, nổi bật lên những lời mộc mạc, giản dị của Thái Bá Tân. Nhà báo Mặc Lâm, ngôi sao của Ban Tiếng Việt đài Á Châu Tự Do vừa mới đưa tới chúng ta những bài thơ “khẩu khí” năm chữ của Thái Bá Tân.

Thái Bá Tân kể chuyện đi ra nước ngoài nói gì thì nói, cuối cùng phải thú nhận người Việt thật sự đang rất nhục.

 ... Chứ nói chung là nhục.

Nhục phải làm thằng dân

Một nước giỏi nói phét,

Lãnh đạo thì ngu đần

 

Riêng hai chữ “cộng sản”

Đã đủ nói phần nào.

Làm thằng dân cộng sản

Có gì mà tự hào?

 

Mà tự hào sao được

Khi mấy triệu dân ta

Vượt biên, thà chết biển

Hơn phải chết ở nhà!

 

Tự hào là yêu nước.

Yêu nước phải biểu tình.

Mà biểu tình nó oánh.

Quân ta oánh quân mình.

Thơ Thái Bá Tân là những lời đối thoại hàng ngày, giống như Tú Xương, Yên Đổ. Như khi ông nói với một cậu cháu rể làm công an đàn áp biểu tình, mà ông bác thì đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng:

 Lại nữa, bác bị bắt,

Mày cứ nói thật lòng,

Người ta bảo mày bắn,

Mày có bắn bác không?

 

Nói thật cho mày biết,

Bác yêu đất nước này,

Người Văn Giang cũng vậy,

Hơn gấp vạn chúng mày.

Nhà thơ kết thúc bằng câu hỏi thẳng tuột, có thể gửi cho tất cả các người công an:

 Vứt mẹ cái khẩu hiệu

Còn đảng là còn mình.

 

Thế mai kia đảng chết,

Không lẽ mày quyên sinh?

 Kinh nghiệm cho thấy ở các nước Đông Âu và Nga, khi chế độ cộng sản sụp đổ thì các anh chị em công an cũng không ai quyên sinh cả. Cả hệ thống KGB cũng ngồi yên chứng kiến cảnh khối Liên Xô tan rã. Bởi vì khi hô câu “Còn đảng là còn mình” thì họ cũng biết chính họ đang “nói phét” để kiếm miếng cơm, miếng thịt cho qua ngày.

Nhưng các thi sĩ không ngậm miệng được. Lòng họ sôi lên những tình tự của cả dân tộc. Người dân Việt Nam đang đau đớn vì không tấm lòng nào có thể yên ổn trước cảnh “bà mẹ tự thiêu vì nỗi oan của con, bà mẹ đã cởi truồng giữ đất,” hay cảnh “ông già Nam bộ uống thuốc diệt sâu tìm cái chết vì chịu bất công.”

Có lần văn hào André Malraux tiếp mấy người ngoại quốc đến thăm ông, họ mô tả cảnh chính quyền đàn áp dân trong nước họ. Malraux nghe xong rồi hỏi: “Thế các thi sĩ đã nói gì chưa?”

Các thi sĩ của dân tộc Việt Nam đã lên tiếng.

Ngô Nhân Dụng

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn