BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Qua vài sự kiện gần đây, liên hệ đến các phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng

26 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 1514)
Qua vài sự kiện gần đây, liên hệ đến các phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ngày 25/6/2012 Quốc hội nước ta thông qua Luật biển Việt nam, trong đó tái khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa là của Việt Nam. Phản ứng về việc này Trung Quốc đã mời thầu 9 lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế biển đông Việt nam đồng thời thành lập thành phố Tam sa bao gồm 2 quần đảo nói trên.

Để ủng hộ Đảng và nhà nước trong việc ban hành Luật biển đồng thời phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc, những người yêu nước đã tự phát xuống đường biểu tình ôn hòa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Mỗi lần xem các video clip các cuộc biểu tình hoặc đọc các bài tường thuật tôi lại vô cùng xúc động vì phần thì vui mừng và tự hào dân tộc, phần khác là phẫn uất, căm hờn những kẻ dã tâm đàn áp họ.

Các lần biểu tình gần đây tuy khá thành công, nhưng cũng không tránh khỏi sự đàn áp, bắt bớ, ngăn cản của chính quyền. Trường hợp nhẹ thì cử người đến khuyên can, vận động, trường hợp nặng hơn thì bắt, lôi, kéo, giằng co giữa đường sá như đám du côn đầu đường xó chợ. Đến như cụ Lê Hiền Đức trên 80 tuổi, không đi được, phải ngồi xe lăn biểu tình cũng bị vu khống là gây rối thì thật lố bịch và trắng trợn hoặc như anh Lê Quốc Quân thì bị đưa ra phường đấu tố. Những hình ảnh đó thật tương phản với “nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Còn nhớ các cuộc biểu tình năm 2011 đã bị nhà cầm quyền đàn áp nặng nề, nhiều hình ảnh, bài tường thuật cho thấy nhiều người bị bắt, bị thẩm vấn không khác gì tội phạm. Các nhân sỹ trí thức tham gia tích cực các cuộc biểu tình bị vu cáo là phản động, bị coi là thù địch, chống nhà nước, bị lợi dụng để lật đổ. Thậm chí có người còn bị bắt đi cải tạo một cách phi pháp mà thực chất không khác gì đi tù. Các cuộc biểu tình năm 2011 đã kết thúc từ lâu vậy mà ngày 23, 24/3/2012 và mới nhất là ngày 30/6/2012, mẹ con cô Trần Thị Nga còn bị công an tỉnh Hà Nam đe dọa, khủng bố tinh thần. Còn tại Hà Nội các anh Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện đã bị công an bắt về đồn nhiều giờ một cách bất hợp pháp. Điều đặc biệt là các nạn nhân đã tố cáo công khai, viết đơn kêu cứu đến tận Trung ương nhưng không ai trả lời hay xử lý, cả hệ thống chính trị cũng như giới truyền thông không có tiếng nói nào bảo vệ cho các nạn nhân.

Có điều này cần phải nói là để ngăn chặn, đàn áp biểu tình họ (chính quyền) đã lấy Nghị định 38/2005/NĐ-CP làm căn cứ pháp lý, nhưng thực ra nghị định này hoàn toàn vi hiến (tôi sẽ có bài viết về vấn đề này).

Từ các sự kiện này người dân có quyền đặt câu hỏi: nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng để làm gì, nhằm mục đích phục vụ lợi ích của ai? Nếu để bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân tốt hơn thì tại sao để xảy ra các vụ việc như thế? Một đảng chân chính thì dứt khoát việc xây dựng đảng vững mạnh trước hết là để lãnh đạo nhà nước, xã hội giải quyết những vấn đề nỏng bỏng của đất nước, của người dân. Mà nước ta hiện có nhiều vấn đề nóng bỏng, nổi bật hơn cả về đối ngoại có lẽ là môi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, về đối nội là quyền con người, là dân chủ. Trong quan hệ với Trung Quốc, từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư tình hình lại càng phức tạp hơn, chúng càng lấn lướt trắng trợn hơn. Hai vụ cắt cáp trên tàu thăm dò dầu khí năm 2011 chỉ sau khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư có 4 tháng và mới đây họ thành lập thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là những ví dụ cụ thể chứng minh cho điều đó.

Không những chúng ta chưa giải quyết được vấn đề biển Đông, mà ngay nằm sâu trong nội địa an ninh quốc gia đang bị bỏ ngỏ, người Trung Quốc đã có mặt khắp nơi, kể cả nhưng nơi nhạy cảm nhất về an ninh quốc phòng như quân cảng Cam Ranh, cảng Vũng Rô … Họ đang thao túng và phá hoại ta một cách toàn diện và gây mất an ninh trật tự, gây bất ổn xã hội nghiêm trọng.

Chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ Hán hóa trên cả lĩnh vực văn hóa, truyền thông. Điển hình là các đài truyền hình trung ương và các địa phương đua nhau chiếu phim Trung Quốc nhiều đến mức lớp trẻ nhiều người hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam; có địa phương người Trung Quốc còn làm chủ cả một kênh truyền hình cáp và tự sản xuất chương trình một cách trái phép. Các chương trình họ sản xuất khó mà nói không có hại đối với an ninh quốc gia và văn hóa.

Có thể nói đất nước ta chưa bao giờ đứng trước nguy cơ mất nước, nguy cơ làm nô lệ cho Trung Quốc đồng thời chưa bao giờ người dân lại thấy bất an như bây giờ.



Qua một số sự việc trên tôi lại liên tưởng tới lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Cu Ba cũng như tại các hội nghị liên quan đến nghị quyết trung ương 4. Tại Cu Ba ông đã lớn tiếng chỉ trích chủ nghĩa tư bản và các tập đoàn đa quốc gia là chỉ biết lợi nhuận đồng thời ca ngợi chủ nghĩa xã hội là vì con người. Xin thưa với ông Nguyễn Phú Trọng, không phải ông cứ gào lên ca ngợi CNXH là người dân trong nước và thế giới có thể tin ông đâu, mà họ nhìn thực tế những gì đang diễn ra tại các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên để đánh giá. Ông nên nhớ rằng, nói một cách khái quát thì chế độ nào càng tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp thì chế độ đó càng tốt đẹp và ngược lại.

Còn tại hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 4, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa””. Xin được hỏi ông Nguyễn Phú Trọng: “bạn” khuyên ta không Tây hóa, vậy “bạn” có khuyên ta “Tàu hóa” không?

Ở Trung Quốc đảng cộng sản kiên trì (hay trơ lì?) vai trò lãnh đạo là việc của họ, còn ở Việt Nam để Đảng CSVN lãnh đạo một cách hợp pháp thì phải do nhân dân Việt Nam quyết định chứ dứt khoát không phải ông hay Đảng CSVN có thể quyết định.

Bài phát biểu trên đây của ông theo tôi đáng được ghi vào lịch sử Trung Quốc, mặc dù ông là tổng bí thư ĐCSVN.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Trọng thì: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa… thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…”

Ông nói suy thoái thể hiện ở phai nhạt lý tưởng, không kiên định CNXH thì người dân thấy trừu tượng và mơ hồ lắm. Người dân chúng tôi thấy những thứ thực tế hơn đó là những kẻ chỉ đạo và dung túng việc đàn áp người biểu tình, những kẻ để dân oan oán thán ngất trời mà vẫn làm ngơ, những kẻ để cho người Trung Quốc lộng hành khắp nơi trên vùng biển, hải đảo cũng như trên đất liền Việt Nam là những kẻ suy thoái nhất, những kẻ đang tự diễn biến nhất.

Nghe nói để thực hiện nghị quyết trung ương 4, Bộ chính trị sẽ làm gương bằng việc làm kiểm điểm trước trong tháng 7/2012 . Việc kiểm điểm là cần nhưng việc quan trọng hơn là hãy bắt đầu giải quyết ngay những việc nói trên cũng như các vụ việc khác gây bức xúc trong nhân dân. Nếu các vị có kiểm điểm thành khẩn bao nhiêu mà không giải quyết các vụ việc cụ thể thì cũng chỉ là nói suông mà thôi, nhân dân chẳng tin đâu.

Với tình trạng đất nước như hiện nay thì câu hỏi “Đảng này là đảng của ai?”đã được người dân đặt ra từ lâu rồi chứ không phải “mai kia” như ông nói đâu. Và thực trạng đất nước đã trả lời cho câu hỏi đó.

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, mọi thắng lợi Đảng đều nhận công đầu. Vậy những vụ việc nêu trên cũng như những thất bại khác Đảng cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân. Đó là sự thật dù muốn hay không thì Đảng cũng phải dũng cảm nhìn nhận. Là đảng viên ĐCSVN, tôi thấy mình cũng có phần trách nhiệm vì “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, tức là tôi cũng suy thoái tư tưởng chính trị (theo lời ông TBT Nguyễn Phú Trọng), nay bằng bài viết này tôi muốn tự chỉnh đốn mình. Đảng viên thường chúng tôi suy thoái thì cũng đến thế là cùng và cũng vì chưa tin nếu bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai sẽ được an toàn chứ đâu phải để đổi chác quyền cao chức trọng gì cho cam.

Với những lời nói hết sức chân tình trên đây, tôi chỉ có mục đích duy nhất là mong Đảng mà trước tiên là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy lắng nghe nhân dân, hãy tự soi mình để từ đó có hành động đúng nhằm lấy lại niềm tin vốn đang ngày càng mai một.

Khánh Hòa, ngày 23/7/2012

H.Q.H.

Theo Blog Nguyễn Tường Thụy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn