BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76236)
(Xem: 62972)
(Xem: 40378)
(Xem: 31973)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tranh cử không nên là bước đầu tiên của dân chủ

28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 916)
Tranh cử không nên là bước đầu tiên của dân chủ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Bầu cử có cạnh tranh (tranh cử) là một định chế quan trọng trong một nền dân chủ đại diện. Đây là thủ tục bắt buộc để người dân hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn những người sẽ đại diện cho mình để quản lý xã hội (trong đó có bản thân cá nhân người dân). Mặc dù ý chí và nguyện vọng của người dân có thể phải trả giá cho những nhầm lẫn hoặc sai lầm khi lựa chọn. Song, trong một nền dân chủ đại diện, không ai được phép giành lấy quyền lựa chọn đó. Quyền lựa chọn đã bao hàm cả việc chọn ra những người đại diện tiềm năng (các ứng cử viên). Như vậy, mục đích tối thiểu của một cuộc bầu cử dân chủ là phải thể hiện được đúng sự ưng thuận (ý chí, và nguyện vọng) của người dân đối với các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Những chủ tịch nước (tổng thống), thủ tướng, chủ tịch quốc hội (nghị viện), đại biểu quốc hội (nghị sỹ) hay các hội đồng nhân dân chỉ là kết quả đầu ra của một cuộc bầu cử, nhưng không hẳn những cá nhân, những cơ quan công quyền đó đã đúng với mong muốn của (đa số) dân chúng.

Với độ lớn về số lượng, độ phân tán cao về địa lý trong một cộng đồng (quốc gia, thành phố, thị trấn, xã,…) cùng với thuộc tính đa dạng và dễ thay đổi trong nhận thức của dân chúng, việc nắm bắt và phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của dân chúng là một công việc khó khăn về kỹ thuật. Nhưng đây là việc không thể không xúc tiến nếu muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Người dân sẽ im lặng hoặc hiếm khi phát biểu đúng suy nghĩ, nguyện vọng của họ, nếu thực tế cuộc sống không có những thiết chế bảo hiểm hữu hiệu để người dân có thể an tâm bày tỏ mọi ý kiến (kể cả những phê phán, chỉ trích người có quyền lực cao nhất). Đây cũng chính là căn cứ để xác định quyền tự do ngôn luận (thường được ghi rõ trong nhiều bản hiến pháp) có được thực thi hay không.

Sẽ không thể thu thập đầy đủ và phản ánh đúng những ý kiến, suy nghĩ đa dạng của dân chúng nếu chủ sở hữu của các cơ quan thu thập và phản ánh tin tức (báo chí) không phải là chính người dân và được độc lập về quan điểm. Đây cũng là căn cứ để đánh giá mức độ tự do của báo chí trong một xã hội.

Do đó nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ không bao giờ biết được đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng – cơ sở nền tảng cho một cuộc bầu cử dân chủ. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong bầu cử sẽ vô nghĩa khi chính những người ứng cử vào vị trí đại diện cho dân chúng lại không biết đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Chưa kể các thông tin về phẩm chất, năng lực của các ứng cử viên sẽ không có đảm bảo về độ trung thực, tính đầy đủ và công bằng khi thiếu các phương tiện thu thập, phản ánh tin tức độc lập.

Vì vậy mọi ý tưởng về cải cách bầu cử, cho dù có thực tâm theo hướng dân chủ, nếu không là bước tiếp theo hoặc (ít ra) đồng thời cùng với cải thiện thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, cũng sẽ không hơn những lời kêu gọi dân chủ của các nhà chuyên chính, độc tài. Hơn nữa, những phát sinh do những thay đổi hình thức bầu cử sẽ chỉ làm tăng thêm tiêu phí vật chất cho xã hội và hao tổn niềm tin của dân chúng.

Mặc dù một cuộc bầu cử trong một nền dân chủ trưởng thành cần đòi hỏi nhiều hơn nữa (hệ thống vũ trang phải trung lập; có các thiết chế đảm bảo chống mua chuộc, cưỡng ép cử tri; có hệ thống tòa án độc lập, đủ năng lực để phân xử các bất đồng; các hội đoàn dân sự phải rộng và mạnh đủ để đối trọng với các cơ quan công quyền; sự cân bằng của các đảng phái chính trị;...), nhưng rõ ràng tự do ngôn luận và tự do báo chí phải là cái cần có trước khi muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Diễn tiến của các nước đang chuyển đổi thể chế từ chuyên chính, độc tài sang dân chủ như ở Nga, Belarus, Iraq, Afghanistan cũng cho thấy chỉ một định chế bầu cử có cạnh tranh là hoàn toàn chưa đủ để mang lại quyền lực cho người dân và sự ổn định cho đất nước. Dĩ nhiên không nên nhầm lẫn giữa nỗi thống khổ triền miên của người dân mất quyền tự do trong một chế độ độc đoán, chuyên chế với những đảo lộn cuộc sống tạm thời của người dân trong một chế độ đang quyết tâm hoàn thiện nền dân chủ.

Ở Việt Nam gần đây liên tục xuất hiện một số ý tưởng, đề xuất có tính cải cách định chế bầu ra người lãnh đạo (tranh cử cho chức thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã (vừa bị Quốc hội bác bỏ) hay đề xuất tổ chức tranh cử chức chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy có một nhu cầu điều chỉnh hệ thống chính trị ngay trong Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng để những điều chỉnh chính trị mang lại lợi ích cho dân chúng thì rõ ràng chỉ điều chỉnh định chế bầu cử không thôi là chưa đủ. Như vậy, dù với động cơ nào, việc Quốc hội vừa bác bỏ đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã là một quyết định có lợi cho dân. Và để xây dựng một xã hội dân chủ, cũng không nên bắt đầu bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh.

Phạm Hồng Sơn
28/11/2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn