BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73538)
(Xem: 62253)
(Xem: 39449)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Trọng Minh về Duyên Anh

13 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 1707)
Phỏng vấn Trọng Minh về Duyên Anh
51Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.33
Ngày 18/11/1998, khoảng 17 giờ 35 phút, tôi đặt chân đến nhà ký giả Trọng Minh, tác giả bộ sách “Vẻ vang dân Việt”. Tác giả vóc người ốm yếu, sống cô đơn trong một phòng chật hẹp, đồ đạc để lung tung. Anh rất mừng khi gặp được tôi. Tâm hồn anh cởi mở, rất nhiệt tình trong lúc nói chuyện. Hoàn toàn không câu nệ, không ra vẻ “ta đây” mặc dù tuổi đời của anh đã cao hơn tuổi của tôi rất nhiều. Anh mời tôi ra phía trước để “tâm sự” và để hút thuốc thoải mái hơn.

Thoạt đầu anh Trọng Minh kể cho tôi nghe những bước sinh hoạt đầu tiên của nhóm Phú Thọ:

- Tôi quen Duyên Anh từ dạo chúng tôi, những người di cư từ Bắc vào Nam, sinh hoạt trong nhóm Nhà văn Duyên Anh (1935-1997). (Hình- Viên Linh cung cấp)thanh niên Phú Thọ do Ngô Đình Diệm thành lập. Đây là một trong những nhóm người chống cộng rất cực đoan. Có lần phái đoàn miền Bắc do Văn Tiến Dũng cầm đầu vào ở tại khách sạn Majestic toạ lạc ở đầu đường đường Tự Do, phía bến Bạch Đằng và Metropole đường Trần Hưng Đạo đã bị nhóm Phú Thọ “đả” kỹ nhất. Một cán bộ cộng sản đã bị anh em ném từ lầu năm xuống. Anh em rất căm thù cộng sản. Rất nhiều anh em trong số đó sau này dính dáng đến văn chương như: Đỗ Tiến Đức, Đằng Giao, Viên Linh, Người họ Trần, Đặng Chí Bình, Duyên Anh, Lê Tất Điều, Hà Huyền Chi, Tú Kếu... Về phần con người của Duyên Anh, nó sống rất tình nghĩa, tính tình bộc trực. Nếu thấy phải là làm, chẳng muốn lấy lòng ai và chẳng sợ mất lòng ai. Bản thân nó rất lanh lẹ, thể hiện ngay từ những ngày đầu ở trong nhóm. Tư tưởng chống cộng của Duyên Anh biểu lộ từ những buổi ban đầu ấy. Anh ta chống cộng quyết liệt, và chống bằng tư tưởng. Người cộng sản khẳng định: “Kẻ nào chống ta bằng vũ khí, chúng ta tước vũ khí của họ. Kẻ nào chống chúng ta bằng cái đầu, hãy cắt cái đầu đó đi.” Như cậu biết, Duyên Anh chống cộng sản bằng cái gì? Bằng cái đầu, bằng tư tưởng, bằng chữ nghĩa, bằng tâm huyết, bằng mạch máu... Vậy thì, cho đến ngàn đời, không bao giờ cộng sản “buông tha” Duyên Anh, dù anh ta ở Việt Nam, Pháp hay Hoa Kỳ; dù anh ta ở ngoài đời hay trong tù.

Anh Trọng Minh hít một hơi thuốc thật sâu và tiếp tục:

- Trước 1975, Duyên Anh rất có uy tín. Đặc biệt đối với chính quyền đệ nhị cộng hòa. Tất cả những bài viết ký tên Thương Sinh trên báo “Con Ong”, là những bài viết ăn khách nhất, những bài viết làm mọi người, mọi nhân vật, mọi giới được Thương Sinh nhắc đến phải hoảng sợ..., đều do những người trong chính quyền cung cấp cho nó. Và nó rất nổi, rất sáng giá. Đó là cái hại cho nó!

Tôi ngắc lời:

- Thế tại sao Duyên Anh không còn chút xíu uy tín nào sau 1975? Hay tại vì nhà văn “ăng ten”?

Anh Trọng Minh nhấn mạnh:

- Không, không đời nào Duyên Anh mất uy tín cả. “Ăng ten” là một thủ đọan của cộng sản, được tiếp tay “nhiệt tình” bởi những nhóm người bị Duyên Anh đả kích trước cũng như sau 1975, nay có cơ hội trả thù. Tôi còn nhớ lần tội gặp lại Duyên Anh sau ngày đổi đời 30 tháng 4, tại nhà hàng Nguyễn Huệ, trên đường Bolsa. Anh ta béo tròn. Bạn bè thân hữu, nhà văn, nhà báo tiếp đón nó rất niềm nở. Tiệc tùng liên miên. Cậu thử nghĩ, nếu nó là thằng ăng ten thật sự, mọi người còn trọng vọng, qúy mến nó như thế sao? Tôi không phải là nhóm bạn đi ăn nhậu với Duyên Anh bữa đó, chỉ vì vô tình gặp nhau trong nhà hàng. Nhưng Duyên Anh đã nhận ra tôi, đã chạy lại và rất mừng rỡ gặp lại được thằng bạn Phú Thọ ngày xưa...

Và anh chép miệng:

- Rất tiếc, thói đời và thói người làm tình nghĩa con người phôi pha dễ dàng. Sau ngày Duyên Anh gặp nạn, bạn bè, thân hữu tránh xa nó. Nhiều người không muốn nhắc đến tên nó trong báo chí, trong văn chương. Hiếm hoi lắm mới có một bài viết bênh vực Duyên Anh. Lần thứ hai, nó đến Hoa Kỳ, với đôi chân què quặt, hình hài ốm yếu, miệng nói lúc nào cũng sùi bọt mép..., thân hữu gần như trốn hết!

Tôi chặn ngang:

- Lý do nào có sự khác biệt như thế? Tại Duyên Anh là “ăng ten” thật sự?

Anh Trọng Minh cười:

- “Ăng ten” là một trò hề rẻ tiền. Chẳng bao giờ gạt được những nhà văn, nhà báo miền Nam trước 1975. Chẳng ai tin Duyên Anh làm ăng ten cả. Tác phẩm của Duyên Anh đã chứng minh điều đó. Con người Duyên Anh đã chứng minh điều đó. Nhưng bạn bè không muốn dây dưa với Duyên Anh, họ tránh nó và tránh nhắc đến tên nó để khỏi gây thù chuốc oán với những người oán thù Duyên Anh mà hậu quả có thể sẽ xảy đến cho họ như đã đến với Duyên Anh.

- Thưa anh, có bao nhiêu nhà văn làm “Vẻ vang dân Việt”?

- Chủ trương của tôi rất rõ và rất đơn giản: Người nào làm cho người ngọai quốc nể phục, trọng vọng, kính trọng thì người đó đã làm vẻ vang dân tộc Việt. Cậu thử nghĩ xem, từ xưa đến nay, có nhà văn Việt Nam nào được nhà xuất bản nổi tiếng của ngoại quốc in sách? Duyên Anh là một ngoại lệ. Anh ta đã làm rạng rỡ văn chương Việt Nam. Cậu nên nhớ kỹ: chẳng những người ngoại quốc in sách của nó mà còn đặt tiền trước cho nó để nó viết sách! Hãy tìm đi. Hãy kiếm đi. Hãy tìm cho tôi một nhà văn thứ hai như Duyên Anh! Chưa có đâu. Vì thế, một người thật sự viết văn, viết tiểu thuyết được tôi đề cập đến trong “Vẻ vang dân Việt” là nhà văn Duyên Anh, và chỉ mỗi một nhà văn đó mà thôi, chưa kiếm ra được người thứ hai.

Tác giả “Vẻ vang dân Việt” bất thần hỏi tôi:

- Cậu đã đọc “Đồi Fanta” chưa?

- Dạ đã đọc. Sách rất xúc động.

- Cậu nói chưa đúng lắm. Hơn cả xúc động, “Đồi Fanta” là một bản cáo trạng đối với chế độ cộng sản Việt Nam. Nó gây xúc động nhân loại. Nó vạch trần một xã hội độc ác, dã man được che đậy bởi bốn chữ “thiên đường cộng sản”. Xuyên qua tiểu thuyết, chúng ta thấy chỉ có người có ý thức, có tư tưởng chống cộng ghê gớm, tột đỉnh mới chịu khó, quyết tâm ghi nhớ để ghi chép lại những gì đã xảy ra trong ngục tù cộng sản. Duyên Anh đã chôn sâu những hoài bão của anh ta trong ngục tù, chờ cơ hội để phản ứng và đã phản ứng. Phản ứng quyết liệt. Phản ứng thâm sâu và khuấy động lòng người, người Việt Nam và cả người ngoại quốc. Không ai đọc “Đồi Fanta” mà không thấy xúc động, không thấy một chế độ cộng sản vô luân lý, vô đạo đức cần được dẹp bỏ ngay tức khắc ngọai trừ những người cộng sản ù lì và những người “thù” Duyên Anh.

Anh Trọng Minh thở dài:

- Phải công tâm mà nói, Duyên Anh chết là một sự thiệt thòi ghê gớm cho đất nước và cho văn học Việt Nam. Nó có công rất nhiều với dân tộc, với văn hóa Việt Nam. Nó góp phần làm rạng danh văn học Việt Nam ở hải ngoại. Tư tưởng chống cộng của nó rất cao siêu. Nó viết nhanh thần sầu quỷ khốc. Có lần nó nói với tôi: “Sau ngày bị nạn, bằng tay trái run rẩy, bằng cơ thể bệnh hoạn, bằng tư tưởng kiệt quệ, có năm tao viết tới 6 quyển sách. Rất tiếc không có điều kiện để in”! Thật tội nghiệp cho nhà văn tuổi trẻ, thần tượng của giới trẻ Việt Nam.

Tôi chen vào:

- Thưa anh, hai chữ thần tượng anh ám chỉ trước hay sau ngày mất nước? Vì hiện nay, tại trung tâm tị nạn Quận Cam này, có bao nhiêu người trẻ tuổi xem Duyên Anh như là một thần tượng?

Anh Trọng Minh lắc đầu:

- Không, thủ đô tị nạn là một ngoại lệ. Tôi đã đi khá nhiều nơi trên thế giới. Những nơi tôi đã đi qua như Úc, Tân Tây Lan, Âu Châu, các thanh niên bên đó mến mộ nhà văn Duyên Anh như một thần tượng. Năm 1996, tôi đến Adelaide, miền Nam úc, Nguyễn Chánh Tâm, chủ tịch tổng hội sinh viên cùng những anh em bên đó rất ngưỡng mộ Duyên Anh. Tại Đức, một số thanh niên miền Bắc, trước đây chưa hề được đọc sách Duyên Anh nay tha hồ đọc và ca ngợi Duyên Anh hết lời, tại Sydney cũng thế...

- Thưa anh, một nhà văn tuyệt vời như thế, khi chết, tại sao báo chí bên này không làm rầm rộ mà chỉ đưa vài dòng tin ngắn ngủi?

- Ồn ào mà chi! Như Nguyên Sa, như Mai Thảo rồi cũng dần chìm vào quên lãng.

- Nhưng Duyên Anh là người có công với tổ quốc, với văn học Việt Nam, chúng ta phải gắn huy chương cho anh ấy, chúng ta phải truy điệu trọng thể cho anh ấy. Chúng ta chẳng thể câm lặng với người có công khá lớn với đất nước. Còn những người khác thì báo chí lại ầm ỉ, rùm beng như là một mất mát không thể chịu nổi cho nước Việt Nam! Thế thì sự công bằng nằm ở chỗ nào? Thế hệ mai sau nhìn vào sự phi lý đó thì làm thế nào tạo cho họ được một niềm tin vững mạnh để họ đi làm đẹp tổ quốc? Thưa anh, không có niềm tin, chúng ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì cả!

- Người Việt Nam mình, điều khổ tâm nhất là tinh thần phe nhóm. Nếu các anh là bạn tôi, viết báo cho tôi, đứng cùng phía chúng tôi... thì chúng tôi sẽ ồn ào ngay lập tức. Ngoài ra, nếu có gì chăng nữa, thì chỉ là thoáng qua cho vui.

***

Tôi cám ơn anh Trọng Minh và ra về trong một tâm trạng buồn bã.

Tôi thẫn thờ với câu nói chót của ký giả Trọng Minh. Lời nói đơn giản nhưng khiến tôi rùng mình, ớn lạnh. Vì nó đã gợi lại câu trả lời của nhà văn Duyên Anh mà nhà phê bình Huỳnh Phan Anh đã hỏi hơn 20 năm trước về phê bình văn học: “ Phê bình coi mòi uể oải. Cái gọi là phê bình hôm nay thu gọn vào hai động từ kép ca ngợi đánh đập. Là bạn (cùng khuynh hướng hay tri kỷ chi đó) thì khen hết lời. Là thù (không cùng khuynh hướng hay không thân thích lại có chút hiềm khích) thì đánh nát tác phẩm. Tôi nhớ một tạp chí chuyên về phê bình, tờ Tin Sách, xuất bản cách đây 9 năm mà buồn cười. Họ ca ngợi tập truyện Cái bong bóng của Phan văn Tạo đến nỗi hết cả ngôn ngữ tâng bốc. Có lẽ, hồi đó, ông Phan văn Tạo là Tổng Giám Đốc Thông Tin (quyền hành ngang Tổng Trưởng Thông Tin bây giờ). Họ dạy người khác viết văn, đại ý, viết phải giản dị, nhẹ nhàng như ông Phan Văn Tạo, đừng có vừa khuân tảng đá vừa viết văn. Nhưng mà họ đã chê lối viết giản dị của tôi là... đường xưa lối cũ, là Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ không sai mảy may, người phê bình tập truyện Hoa Thiên Lý của tôi là ông Đặng Tiến. Và người ghi chú những điều để “đánh” tôi bằng bút chì trên cuốn Hoa Thiên Lý là ông Trần Phong Giao. Ông Đặng Tiến phê bình theo lời “gửi gấm” của ông Trần Phong Giao. Rốt cuộc, Hoa Thiên Lý đã tái bản lần thứ năm. Cũng như, ngày xưa, Nguyễn Tuân xuất bản cuốn nào, Thượng Sĩ đả kích tơi bời cuốn ấy trên nhật báo Tin Sớm. Bây giờ, người ta chỉ còn nghe danh Nguyễn Tuân. Ở Việt Nam, từ khi tôi xuất bản sách, hầu như, không có người phê bình sách theo đúng nghĩa của phê bình cho nên vấn đề phê bình không nên được đặt ra...

Hơn hai thập niên trôi qua, con người Việt Nam với lối suy nghĩ hẹp hòi, cá nhân, bè phái vẫn giữ nguyên chăng, hay có phần thăng tiến? Chúng ta đã lìa bỏ quê hương, lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn sống một đời sống tạm bợ nơi xứ người. Nhưng trong mỗi tiềm thức của chúng ta, tôi tin chắc rằng không ai muốn sống cuộc sống tha hương như vậy mãi mãi. Chúng ta luôn luôn mơ về tổ quốc Việt Nam. “Anh đã mơ một ngày về...”, bài hát đã làm bồi hồi xúc động hàng triệu con tim đang tạm xa đất nước. Nhưng để có “Mùa xuân nào về Sài Gòn”; về trong tin yêu, không phải trong căm ghét; về trong bồi hồi, xúc động, đoàn kết, không phải trong xa lánh, chia rẽ, nghi kỵ; về với sự tự tin không phải với nỗi sợ sệt...; để đạt đến thiên đường mơ ước đó, chúng ta cần phải mạnh dạn gạt bỏ những thành kiến xấu xa, những lối suy nghĩ làm trì trệ đất nước, những hành động chỉ có lợi cho phe nhóm mà có hại cho tổ quốc... Chúng ta phải thoát ra, phải bay lên cao, thật cao, đừng để những ích kỷ cá nhân níu kéo chúng ta là là mặt đất. Chúng ta phải chặt đứng – ngay lập tức – những mắt xích xấu xa đã kềm hãm con người Việt Nam bao lâu nay. Nếu không, suốt đời chúng ta chỉ biết run sợ những cán bộ hải quan cộng sản trong những lần chúng ta về thăm quê hương!

***


Thứ hai ngày 29/4/2002, tôi trở lại thăm anh Trọng Minh. Mục đích là đưa bài phỏng vấn cho anh đọc và sửa lại những chi tiết không đúng. Anh trông già hơn trước, đã 4 năm rồi mà! Tuy nhiên, giọng của anh vẫn sang sảng, đầy nhiệt huyết, nhất là những lời khuyên bảo, nhắn gửi của anh về tuổi trẻ. Tôi cám ơn sự giúp đỡ của anh và xin được hỏi thêm một câu nữa về nhà văn Duyên Anh. Anh nói:

- Cậu cứ hỏi đi.

- Thưa anh, chúng ta có thể nói Duyên Anh là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam?

Anh Trọng Minh nhấn mạnh:

- Đúng. Nhưng chúng ta phải nói như vậy mới chính xác: "Duyên Anh là một trong những người đem lại niềm hãnh diện cho giới trẻ Việt Nam". Vì ngoài Duyên Anh ra còn có những người khác nữa.

Và anh tiếp lời:

- Nói về tài năng văn chương của nó thì khỏi bàn. Công lao của Duyên Anh rất lớn. Nó là nhà văn Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết được dịch và in bởi nhà xuất bản nổi tiếng của Pháp. Trước nó cũng có một vài nhà văn Việt Nam khác được dịch sách nhưng không thành công. Do đó chúng ta có thể nói Duyên Anh là nhà văn Việt Nam đầu tiên "khẩn hoang" thị trường chữ nghĩa quốc tế, đem được thị trường chữ nghĩa Việt Nam đến với thị trường chữ nghĩa quốc tế. Và đã thành công. Từ đó, người ngoại quốc mới tìm hiểu hơn về văn chương Việt Nam, mới để ý các nhà văn Việt Nam khác như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp.... Người đi tiên phong bao giờ cũng là người quan trọng hơn cả.

Cuối cùng anh chúc tôi thành công trong công việc.

29/4/2022
Lê Dinh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn