BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Quyên Di về Duyên Anh

13 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 2391)
Phỏng vấn Quyên Di về Duyên Anh
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Ngày 24 tháng 11 năm 1998, 10 giờ sáng, tôi gọi điện thoại cho anh Quyên Di để xin được làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ về nhà văn Duyên Anh. Anh Quyên Di nhận lời ngay và hẹn 7PM ngày 25/11/98. Vì trước ngày lễ Tạ Ơn một ngày, hãng cho công nhân về sớm hơn thường lệ nên tôi đến tiệm in của anh Quyên Di sớm hơn dự tính 1 tiếng đồng hồ. Rồi 1 giờ chờ đợi cũng trôi qua. Tôi được gặp anh Quyên Di, rất trẻ, ngoài sự suy đoán của tôi.

young_duyenanh1Nhà văn trẻ, một thời cống hiến tác phẩm cho độc giả thanh thiếu niên như Duyên Anh, vào đề ngay:

- Dinh bây giờ đang làm công việc gì mà viết về anh Duyên Anh?

- Dạ thưa em đang làm kế toán. Hoàn toàn không dính dáng đến văn chương hay báo chí. Thuở nhỏ đã say mê các tiểu thuyết của Duyên Anh. Nhưng đến lúc đặt chân lên đất Mỹ, nhiều sự việc xảy ra đã khiến em hoàn toàn bất ngờ. Từ đó, nó đã đánh mất niềm tin của em. Vì vậy em quyết định viết một cái gì đó nhằm vinh danh nhà văn Duyên Anh. Đúng ra, vấn đề này nên được các nhà văn, các hội đoàn văn bút, các nhà làm văn hóa vinh danh anh Duyên Anh là hợp lý và hợp lòng người nhất. Tuy nhiên, các nhà văn hình như đố kỵ, ganh tỵ lẫn nhau nên họ thờ ơ trong công việc rất cần thiết này. Do đó, em đánh bạo làm liều mặc dù cả đời chưa bao giờ viết nổi một trang giấy. Trước 1975, vô số nhà văn ca ngợi văn phong Duyên Anh như Nguyên Sa, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng... Họ ca ngợi Duyên Anh đến hết chữ, hết nghĩa thì nay lại im hơi lặng tiếng! Lý do? Có lẽ vì hai chữ "ăng ten" người đời gán cho anh Duyên Anh?

- Thì anh Mai Thảo cũng nói với anh như vậy. Anh Mai Thảo đã kể cho anh nghe về việc anh Duyên Anh làm "ăng ten" trong tù. Nhưng anh thì dứt khoát không tin và không đặt nặng vấn đề. Anh rất quý anh Duyên Anh và tấm lòng của anh ấy.

Nhà văn Quyên Di hỏi tôi:

- Bây giờ em định viết như thế nào?

- Dạ thưa, trước hết em gặp được anh cũng là một sự ngẫu nhiên. Và anh không nề hà nói chuyện với em. Vậy anh có thể cho em biết cảm nghĩ của anh về hai tiếng "ăng ten" thiên hạ gán cho anh Duyên Anh?

- Anh nghĩ trong một hoàn cảnh khó khăn chung của anh em, vì một lý do nào đó anh Duyên Anh được đối xử tử tế. Có thể vì anh ấy là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng? Em biết là trong sự tù đày chung đụng, chỉ một chén cơm thôi, to nhỏ hơn nhau là cả một vấn đề! Huống chi anh Duyên Anh có thể được quy chế nhẹ nhàng hơn, không phải lao động nặng nhọc như người khác. Anh thì không trải qua giai đọan tù đày nên không biết rõ. Nhưng mình có thể suy ra từ con người của anh Duyên Anh, tấm lòng của anh và quá khứ của anh làm việc thì khó mà có thể xảy ra việc ấy.

- Dạ thưa khi còn ở trong nước, em cũng được nghe những tin đồn Duyên Anh là nhà văn ăng ten. Nhiều người còn thậm chí nói rằng họ ở chung trại với anh Duyên Anh và quả quyết chuyện đó 100 phần trăm! Đó là tin đồn của thiên hạ, của người đời. Riêng với những nhà văn, nhà báo, những người làm văn hóa, thông tin, họ phải nhận thức được rằng tin đồn đó đúng hay sai? Nói một cách khác, tận cùng của vấn đề, rằng Duyên Anh là một nhà văn "ăng ten" trong tù, là một "thằng hèn" nhất trong số những tù nhân bị giam sau 1975 thì công lao của Duyên Anh sau ngày ra tù phải được tuyên dương, tưởng thưởng một cách xứng đáng. Quá khứ "ăng ten", nếu có, phải được bỏ qua vì anh Duyên Anh là một biệt kích văn nghệ duy nhất trong số những biệt kích văn nghệ của miền Nam Việt Nam dùng chữ nghĩa đối đầu với cộng sản hữu hiệu nhất sau ngày đất nước lọt vào tay những kẻ độc ác, tàn bạo. Nếu vậy thì làm "ăng ten" trước, rồi "chiến đấu" chống cộng sản sau hay là "anh dũng" trong ngục tù trước và "im lặng, ngoan ngoãn" ngắm nhìn tổ quốc, đất nước bị dày xéo bởi độc tài cộng sản sau? Chọn lối sống nào? Người biệt kích duy nhất, người mà nhà văn Phạm Kim Vinh mơ ước "Phải chi Việt Nam có được 5 hay 10 người như Duyên Anh" lại bị các nhà văn hải ngoại hoặc báo chí truyền thông của cộng đồng người Việt tị nạn lơ là và đả kích... Điều đó khiến cho em, cho tuổi trẻ bực mình, mất tin tưởng. Chúng ta xa quê hương nhưng lúc nào cũng ôm ấp một hoài bão trở lại, tìm về với tổ quốc mến yêu của chúng ta. Chúng ta hô hào chống một xã hội độc tài, bất công bên kia đại dương. Nghe ổn đấy. Nhưng ngay trên mảnh đất tự do chúng ta đang sống, đang tồn tại đã thiếu vắng một sự công bằng cần thiết cho nhà văn Duyên Anh. Một người suốt đời cống hiến văn chương cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ. Đó là một sự tuyệt vời. Chưa kể anh đã dùng hết tâm huyết đương đầu với cộng sản bằng văn chương. Rất hiếm hoi những nhà văn như vậy trên đất nước của chúng ta. Tại sao chúng ta thờ ơ với nhà văn này như vậy? Khi Duyên Anh chết, một tin nho nhỏ được loan trên báo nhưng khi Trịnh Công Sơn mới bị bệnh thì...

- Đã làm ầm lên rồi.

- Dạ vâng, báo và đài hải ngoại ồn ào bàn tán!

- Bất công nhỉ!

- Da thưa đó là sự bất công ghê gớm. Một sự bất công không thể chấp nhận được. Vì vậy em viết quyển sách này chỉ để cho thế hệ trẻ, cho thế hệ về sau đừng bị lừa bịp bởi những người thù oán Duyên Anh. May mắn em gặp được anh. Và em cũng biết rằng anh có sự liên hệ với anh Duyên Anh trước 1975, anh có thể cho em biết được những việc làm của anh Duyên Anh trước 1975 để em hoàn thành cuốn sách này.

- Mối liên hệ là như thế này. Vào thập niên 70, từ khoảng 65 đến 75 thì có phong trào tuổi trẻ viết rất mạnh. Báo chí khi đó có khuynh hướng đón nhận làn sóng này. Nếu mà xét về lứa tuổi thì nhỏ nhất là tờ "Thằng Bờm" của ông Nguyễn Vỹ. Rồi đến "Tuổi xanh" của ông Bùi Văn Bảo. Rồi đến tờ "Tre Xanh". Rồi đến tờ "Tuổi Hoa" của bọn anh. À chưa, trước tờ "Tuổi Hoa" là tờ "Thiếu Nhi" của ông Nguyễn Đình Chương và nhà văn Nhật Tiến. Cao lên một tí nữa là "Tuổi Hoa". Cao hơn "Tuổi Hoa" là "Ngàn Thông". Tờ "Ngàn Thông" là do anh cùng một số anh em lập riêng ra,dành cho lứa tuổi cao hơn lứa tuổi của "Tuổi Hoa" một tí. Rồi đến cái tuổi lớn hơn nữa là tờ "Tuổi Ngọc" của anh Duyên Anh. Thật sự ra đó là phong trào. Sau đó thì các báo đều có một phụ trang về thiếu nhi để đón nhận làn sóng đó. Trong giai đoạn đó, thật ra không có một sự liên kết rõ ràng hay qui chế gì đâu. Nhưng mà hầu như anh em viết cho tuổi trẻ kiểu như là anh Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường..., các anh em đó tự nhiên trao đổi bài vở cho nhau. Bài vở bên đó không thích hợp thì đưa qua bên này. Cái tuổi này không được thì đưa qua bên kia. Gần như là một sự mặc nhiên công nhận mình làm một cái gì đó tùy theo cái khả năng của mình và để cho giới trẻ, đang là chiến tranh rất khắc nghiệt, ít ra là biết được cái đẹp đẽ của tuổi trẻ và gây được tâm hồn của người Việt Nam. Anh Duyên Anh và anh gặp nhau nhiều lần. Đôi khi trong những buổi thuyết trình về các đề tài tuổi trẻ cho sinh viên. Đôi khi thì sinh viên của sư phạm được thầy cô giáo chỉ định là người này đi phỏng vấn nhà văn này, người kia phỏng vấn nhà văn kia. Thì lại hỏi về nhau, tụi anh lại cho nhau những tin tức. Nhưng nói chung thì không có qui chế gì cả nhưng vẫn gần nhau, rất là gần nhau.

- Anh nhận xét về văn chương của Duyên Anh trước 1975, có tác động, có ảnh hưởng đến tuổi trẻ nhiều hay không?

- Rất là nhiều. Rất là nhiều. Thật ra anh Duyên Anh viết trước anh. Anh nhớ hồi đó, khoảng năm 1964, anh là học sinh đệ tam hay đệ nhị của trường Nguyễn Bá Tòng. Khi nhà trường phát phần thưởng cho anh thì trong phần thưởng có một cuốn sách với một cái tên rất lạ là Duyên Anh. Cuốn đó tựa đề là "Hoa Thiên Lý". Trong đó gồm nhiều truyện ngắn. Trong đó anh nhớ nhất là "Con sáo của em tôi", truyện này gây xúc động lớn. Nếu anh Nhật Tiến có "Chim hót trong lồng" cũng làm người ta xúc động thì anh Duyên Anh có "Hoa thiên lý" đầu tay, trong đó có "Con sáo của em tôi". Thế rồi học sinh bắt đầu thấy có một cái gì đó rất gần họ. Các nhà văn khác thì chững chạc, xa lạ quá. Mà anh Duyên Anh viết rất là nhanh. Lối viết của anh Duyên Anh động đến trái tim của mọi người. Nó không phải là các lời hiệu triệu lớn lao nhưng mà nó là những lời rất là chân tình. Thành ra tuổi trẻ thời đó cảm thấy có một cái gì đó lạ, không giống như những nhà văn, những tiểu thuyết khác. Thành ra tác phẩm của anh Duyên Anh bán rất chạy. Rồi sau đó, anh không nhớ rõ là trên tờ "Dân Việt" hay là tờ "Xây Dựng", anh Duyên Anh đăng một cuốn truyện tên là "Sa mạc tuổi trẻ". Anh còn nhớ tựa 4 câu thơ nhưng không biết là thơ của anh hay thơ trích của ai. Em có nhớ 4 câu thơ đó không?

- Dạ nhớ chứ. "Anh đi làm lịch sử. Thấy bọn cò mồi hèn. Anh còn gì đâu em. Anh còn gì cho em."

- Không, đó là trong "Ảo vọng tuổi trẻ". Đây là "Sa mạc tuổi trẻ" cơ. "Kìa treo trái mộng trĩu cây đời. Ngang với tầm tay ngắn của người. Nhưng múa vu vơ tay đã mỏi. Ê chề đời chán vị cơm ôi".

- Dạ đó là thơ của Huy Cận.

- Truyện dài đó được tuổi trẻ đọc và theo dõi rất kỹ lưỡng. Rồi sau đó những cuốn khác nữa. Thằng Vũ. Thằng Côn. Chương Còm. Mơ thành người Quang Trung. Bồn lừa... Cuốn Bồn lừa là cuốn được rất nhiều độc giả thán phục, ngưỡng mộ. Rồi anh Duyên Anh về phụ trách trang thiếu nhi của báo Xây Dựng. Sau đó thì anh chuyển lại cho anh Đinh Tiến Luyện. Kế đến thì anh lo cho cái tờ báo... gì nhỉ? Anh quên mất tên. Để anh coi lại chi tiết này rồi cho em biết sau. Cuối cùng thì anh ra tờ "Tuổi Ngọc". Tờ "Tuổi Ngọc" mở ra một cái thì giống như một mảnh đất rất là tốt để cho các bạn trẻ, nhà thơ trẻ, nhà văn trẻ có đất để viết. Thật ra anh không viết cho "Tuổi Ngọc". Khi đó anh là nhà giáo, anh nhìn "Tuổi Ngọc" có một cái gì đó lãng mạn của tuổi mới lớn. Nhưng nói riêng ra thì "Tuổi Ngọc" rất nổi tiếng, bán rất chạy và được tuổi trẻ đón nhận nồng nhiệt. Tờ "Tuổi Hoa" của anh sở dĩ được người ta đón nhận vì nó đi vào hệ thống các trường đạo. Phụ huynh tin tưởng vào "Tuổi Hoa" lắm, do đó uy tín của "Tuổi Hoa" rất cao. Tuy nhiên, tất cả các tờ báo trẻ bên ngoài, không tờ nào địch lại "Tuổi Ngọc" vì nó rất lôi cuốn. Trong đó, Từ Kế Tường viết, Đinh Tiến Luyện viết... Tờ "Tuổi Ngọc" tạo nên một tầng lớp và khuyến khích tuổi trẻ viết. "Tuổi Ngọc" chủ trương viết nhiều về tình tự quê hương và tình yêu, tình cảm của tuổi mới lớn. Anh Duyên Anh luôn được người ta mời đi nói chuyện tại các trường đại học, các học xá của sinh viên. Và anh được sinh viên tán thưởng rất nhiều vì lối nói của anh và cách viết giống nhau. Nó đi thẳng vào vấn đề. Nó mạnh và nó chân tình. "Ngựa chứng trong sân trường" cũng là quyển tiểu thuyết gây nhiều sôi nổi hồi đó. À, bài hát "Vết thù trên lưng ngựa hoang" của ai nhỉ?

- Dạ, Phạm Duy.

- Nhưng hình như lấy ý từ một truyện nào đó của Duyên Anh.

- Dạ, từ quyển cùng tựa là "Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang".

- Nói chung anh Duyên Anh viết rất nhiều tác phẩm gây xúc động lòng người.

Nhà văn Quyên Di ngưng một chập và tiếp tục:

- Anh Duyên Anh có thời gian cộng tác với báo Chiêu Hồi hay gì đó. Đây là tờ báo chống cộng. Nói chung anh Duyên Anh không phải là công giáo nhưng anh cộng tác rất nhiều với nhóm "Bắc kỳ Công giáo di cư " là nhóm chống cộng dứt khoát. Hiện thân của nhóm này là tờ "Xây Dựng". Cha Nguyễn Quang Lãm, biệt hiệu Thiên Hổ, là người chủ trương tờ báo này thì rất qúy Duyên Anh. Một người nữa rất mến Duyên Anh là ông Trần Du làm báo "Hòa Bình". Nói chung là lực lượng chống cộng nhất rất quý Duyên Anh. Do đó khi anh Duyên Anh vào trại tập trung làm cái gì thì anh không biết. Nhưng như anh đã nói, một con người có tấm lòng như vậy khó có thể mà làm những chuyện đó. Mình không thể nói lại với những anh em đã từng ở chung trại với anh Duyên Anh.

- Thưa anh, "ăng ten" là tiếng đồn xấu xa độc hại của những người cộng sản cũng như những người thù oán Duyên Anh. Tại Việt Nam hay hải ngoại, tiếng đồn vẫn là tiếng đồn, không chứng cớ. Tuy nhiên, những người sát cánh với Duyên Anh, chung phòng với Duyên Anh đã viết báo xác nhận Duyên Anh không hề là "ăng ten" thì không ai đếm xỉa tới. Thí dụ như anh Lê Xuân Quỳnh đã viết trong tờ báo "Đời", số một do Khải Sơn chủ trương, đã khẳng địng rõ rệt nhà văn Duyên Anh không bao giờ là nhà văn "ăng ten" như thiên hạ đồn đãi. Em thật sự không hiểu. Một bên là tin đồn, một bên có nhân chứng, thế thì tại sao những nhà văn hải ngoại không nhận thức rõ điều đó, không công nhận sự thật đó?

- Anh thì anh xin em một điều. Sự thật ra chẳng riêng gì nhà văn đâu. Giới nào cũng vậy. Con người thì luôn luôn hướng về cái tin xấu. Chớ tin vui, tin tốt thì không mấy qai quan tâm. Nếu nghe đồn một cái gì không tốt thì nó lan rất nhanh, còn tiếng tốt thì chừng mực nào đó thôi. Nói chung là ai cũng thế thôi, chẳng riêng gì nhà văn, con người là vậy.

- Con người Việt Nam?

- Không biết có phải là riêng con người Việt Nam hay không? À, khi anh qua Pháp có gọi điện thoại hỏi thăm anh Duyên Anh. lâu lắm rồi, lúc anh Duyên Anh chưa bị nạn cơ, đề cập đến việc làm lại "Tuổi Hoa". Khi ấy giọng anh Duyên Anh rất buồn. Có lẽ anh thấy cái tình đời, tình người tệ bạc quá: "Quyên Di có làm 10 tờ "Tuổi Hoa" đi nữa cũng chẳng ăn thua gì. Bây giờ cái thời thế và cái lòng người đã như vậy rồi. Quyên Di làm cũng vô ích thôi". Đó là cái lời của anh Duyên Anh nói với anh như vậy. Sau đó, bẵng một thời gian, khoảng 1994 thì anh có dịp đến giáo xứ Paris, đó là một cộng đồng công giáo của người Việt Nam tại Paris. Người ta kể cho anh nghe rằng, mới năm ngoái đây – 1993 – người ta có mời anh Duyên Anh tới để nói chuyện, chủ đề là "Mẹ". Mọi người nhận xét là khi ấy anh không còn lanh lợi nữa nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Anh ấy phải viết trước, và viết bằng tay trái. Chữ viết nắn nót rất đẹp. Để tờ giấy trước mặt và đọc. Thì nó thiếu cái linh hoạt khi anh còn lành mạnh nhưng cái lời thắm thiết vẫn còn. Con người đó là một con người rất tài năng.

- Thưa anh, như vậy bên Pháp vẫn còn rất nhiều người quý mến Duyên Anh?

- Vâng, rất nhiều người quý mến anh ấy.

- Vậy mà cái đầm lầy Orange County này...

- Vùng đất "gió tanh mưa máu"!

- Dạ, thì họ coi Duyên Anh chẳng ra gì. Thậm chí họ né nhắc đến hai chữ "Duyên Anh". Và đó là điều làm em rất đau lòng. Nhà văn Duyên Anh là nhà văn viết để xây dựng tổ quốc Việt Nam và con người Việt Nam nhiều nhất. Nhà văn luôn mong muốn "đào tạo" những công dân tốt và có trách nhiệm với đất nước. Phải nói đây là nhà văn bất hủ của nước Việt Nam. Và tình trạng thờ ơ, hờ hững của giới truyền thông Việt Nam tại hải ngoại, nói chính xác hơn là tại Hoa Kỳ, khiến em nhất quyết viết một quyển sách để vinh danh nhà văn Duyên Anh, dù cả đời em chưa hề viết sách bao giờ.

- Cứ viết.

- Dạ cám ơn anh.

- Nhưng anh chỉ muốn nói với em một điều. Trong cái việc mình bênh vực một người, mình không cần phải đả kích những người khác. Để chinh phục nhân tâm. Mình chỉ nói chung chung về thái độ một số nhà văn, báo chí bên này không tốt đối với nhà văn Duyên Anh. Viết như vậy là đủ rồi. Không nên vào chi tiết.

- Cái điều anh vừa nói cũng làm em không hài lòng. Như vậy thì con người Việt Nam không bao giờ sống thật với lòng mình! Anh thấy không? Mình thất vọng, bực tức mà không dám nói ra, để khỏi bị đả phá, để lấy lòng mọi người! Với lối suy nghĩ loanh quanh, thô thiển, không thật với chính lòng mình thì làm sao đương đầu được với cộng sản trong nước, làm thế nào để tìm lại được một tổ quốc ấm no, tự do dân chủ thật sự cho đất nước Việt Nam?

Tôi ngưng một chút rồi nói tiếp:

- Thưa anh, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã từng tuyên bố Duyên Anh là Mark Twain của Việt Nam. Đi xa hơn, đến thủ đô Paris, nhà văn Oliver Todd phát biểu: " Duyên Anh là Soljenitsyn của Việt Nam". Như vậy còn gì hân hạnh, còn gì danh giá hơn cho cuộc đời một nhà văn. Và anh nên nhớ, sau khi đặt chân lên đất Pháp, anh dùng chữ nghĩa "tấn công" chủ thuyết cộng sản nhưng không hề được sự giúp đỡ của các đảng phái, các lực lượng, các mặt trân chống cộng... Nhưng anh vẫn âm thầm làm việc. Vì tổ quốc Việt Nam. Anh phấn đấu trong cô đơn, trong đau khổ. Và luôn luôn bị hai tiếng "ăng ten" đè nặng trên đầu. Thế đấy. Nhưng anh vẫn thành công. Thành công ngoài sức tưởng tượng của cá nhà văn gièm pha, chống đối anh ấy. Và sự thành công của Duyên Anh, dường như lại chọc tức thêm cái tính đố kỵ, kèn cựa của các đồng nghiệp...

- Nếu không có cái "tiếng đồn" kia thì Duyên Anh sẽ đi xa hơn nữa.

- Dĩ nhiên, thưa anh.

***


Đã quá trễ nên tôi phải giã từ anh Quyên Di và ra về với những suy nghĩ khác nhau. Đã có vô số nhà văn của miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975. Nhưng chỉ 10 người "được trúng tuyển" vào bảng vàng "biệt kích văn nghệ". Đó là một hân hạnh, một vinh dự cho họ. Tuy nhiên, sau đại nạn 30 tháng 4, một số biệt kích văn nghệ dường như đã ngủ quên nên chỉ còn mỗi một "ăng ten" tung hoành trên mặt trận chữ nghĩa, mặt trận quốc tế vận để giành lại quê hương, để tìm về quê hương. Như vậy, "ăng ten" hay "nhà văn", ai công ai tội? "Ăng ten" hay "biệt kích văn nghệ", ai trọng ai khinh? Lẽ tất nhiên, chỉ có lịch sử mới đủ khả năng trả lời câu hỏi này. Nhưng phải là lịch sử của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của những người biết liêm sỉ, trọng lẽ phải, thương người hiền, khinh điều ác, ghét độc tài, oán gian lận... chứ không phải là lịch sử của bè phái, bịp bợm, gian ngoa, dối trá...!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn