Theo giấy hẹn, vị tiến sĩ công tác ở Viện Hán Nôm, nhưng được biết nhiều qua blog với chủ đề chính trị - xã hội, đã đến văn phòng Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội lúc 13h30 hôm nay.
Cùng đi với ông Diện có bà Lê Hiền Đức và luật sư Hà Huy Sơn.
Kể lại với BBC tối nay giờ Hà Nội, luật sư Sơn cho hay tại văn phòng có chánh thanh tra Nguyễn Văn Minh, và cả một số nhân viên an ninh.
Cơ quan nhà nước yêu cầu bà Đức và luật sư Sơn ra ngoài.
“Tôi nói theo luật, công dân có quyền được hỗ trợ pháp lý. Sau khi tôi trình thẻ luật sư, họ lại yêu cầu giấy giới thiệu của văn phòng.”
“Vì đi vội, tôi không có giấy này. Họ lấy lý do đó để buộc tôi ra ngoài,” luật sư Sơn cho biết.
Điều tra trang blog
Theo vị luật sư, đến khoảng 5 giờ chiều, ông Nguyễn Xuân Diện mới ra khỏi phòng làm việc.
“Anh ấy kể là bà Đức không đồng ý ra ngoài. Khoảng bốn bảo vệ vào khiêng bà đi, nghe nói có xô xát.”
“Họ có ghi lại biên bản, nói bà Đức xông vào cơ quan. Bà Đức vẫn ở trong văn phòng Sở, yêu cầu gọi công an phường đến lập biên bản.”
Luật sư Sơn nói đến khoảng 7h tối giờ Việt Nam, ông được tin bà Đức vẫn còn kiên quyết ở lại trong văn phòng của thanh tra Sở.
BBC cũng được biết Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra nhắm vào nội dung blog của tiến sĩ Diện.
Cuộc thanh tra này chưa kết thúc, và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, sinh năm 1970, được yêu cầu tuần sau trở lại làm việc.
Một nguồn tin cho BBC biết vào ngày 19/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một cuộc họp “để cho ý kiến về việc xử lý Blog Nguyễn Xuân Diện”.
Kết luận cuộc họp nói “trước mắt cần có biện pháp xử lý hành chính” với ông Diện.
Bộ Thông tin – Truyền thông cũng được yêu cầu xem xét khả năng đóng blog của ông Diện và những người khác bị xem là chống Đảng.
Đến chiều hôm nay, độc giả không còn có thể xem được nội dung của blog Nguyễn Xuân Diện, mặc dù chưa rõ ông Diện đã chủ động tự đóng blog hay không.
BBC chưa liên lạc được với ông trong ngày hôm nay.
Thời gian qua, blog của ông tường thuật nhiều về dự án gây tranh cãi Ecopark và cuộc cưỡng chế ngày 24/4 ở Văn Giang, Hưng Yên.
Đáng chú ý là việc ông loan báo người dân ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang ký tên vào bản tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang (vốn do trang Bauxite Việt Nam soạn thảo).
Trước đó, cũng có sự kiện một bản kiến nghị về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng, sau khi đăng trên blog của ông, đã thu được 1361 chữ ký.
01-06-2012
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn