BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73542)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Bích Xuân về Duyên Anh

13 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 1870)
Phỏng vấn Bích Xuân về Duyên Anh
59Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
59
- LD: Xin chị giới thiệu sơ qua về tiểu sử của chị - thi sĩ Bích Xuân.

- BX: Tôi tên thật Bích Xuân: Bút hiệu: Bích Xuân sinh tại Đà Nẵng. Cư ngụ tại Pháp năm 1978. Năm 1988 sáng tác thơ, văn và cọng tác đài "Radio Asia" tại Paris qua phần văn nghệ thi ca. Thích thơ : Hồ Xuân Hương, đàn hát, viết văn làm thơ và lưu diễn khắp nơi. Hiện đang cộng tác các báo tại hải ngoại. Đã xuất bản 5 tác phẩm gồm thơ, văn và CD nhac: Bao giờ em quên (1994 hết) Chàng (1996 hết)Bao giờ anh đi (1997 hết) Bây giờ em vui (1998) CD nhạc BX ca và Tâp truyện Trước khi mùa xuân đến (2001)

- LD: Nhân dịp nào chị quen biết nhà văn Duyên Anh?

- BX: Trong những buổi sinh hoạt tại Paris, tôi không còn nhớ là năm nào chỉ nhớ lại trong ký ức thôi. Người Duyên Anh thấp, ốm loại nhỏ con. Anh tặng tôi tập thơ Em Tôi Sàigòn Và Paris, và cassette thơ phổ nhạc của anh tựa là Ru Đời Phù Ảo. Duyên Anh than với tôi về cái tựa sách, do người đánh máy thiếu. Theo ý Duyên Anh sau chữ Em dấu phẩy rồi mới Tôi, Sàigòn Và Paris. Còn cái cassete nhạc ông đem từ Hoa Kỳ về chỉ được một số ít để tặng bạn bè. Ông nói ở Cali ông viết hai ba bài báo khen ca sĩ (dấu tên), vậy mà hát cho mình mấy bài trong cassette, nó lấy năm ngàn đô…đau quá! Đúng là xướng ca…Tôi cười nói : Ai bảo anh còn sân si ! Duyên Anh cười như méo: Bởi thế…

duyenanhChúng tôi mến nhau hiện lên trong cái tình nghệ sĩ. Tôi ở Paris Duyên Anh ở vùng ngọai ô Paris nên ít khi gặp nhau chỉ nói chuyện nhiều trong phôn. Duyên Anh thích thơ của Quang Dũng và Lưu Trọng Lư. Duyên Anh muốn gặp tôi là cốt ý để tôi đàn guitar và ngâm thơ cho ông nghe. Ông hay rủ tôi đi ăn đêm, nhưng ông uống rượu nhiều hơn là ăn. Uống rượu vào thì ông như người dở hơi. Ông nói ngông như những nhân vật trong tiểu thuyết bất cần đời của ông. Cuộc đời như một cuộc chơi mà… Tôi ngồi im lặng nghe nhà văn một thời văn chương đã đưa ông nổi tiếng, mà không bao giờ tôi nghe ông nói chuyện về đàn bà. Chính sự nổi tiếng đó để đày đọa ông thành thương phế sau này. Gặp nhau là ông nói chuyện văn nghệ, ông khuyến khích tôi nên làm thơ nói về quê hương. Thích ai thì ông nói thích, không thích thì ông nói ngay, chẳng ngần ngại e dè. Ông đã quen nói như vậy rồi ! Ông quen cái thủa thời còn xa xưa…

- LD: Trước năm 1975, nhiều nhà văn Việt Nam nhận xét rằng Duyên Anh là nhà văn của tuổi trẻ". Ý kiến cá nhân chị về sự nhận xét đó?

- BX: Duyên Anh có khả năng chinh phục được bạn đọc tuổi trẻ trước năm 1975 vì có những cái thật trong đời sống - người thật - việc thật từng hiện diện ở trong tiểu thuyết. Những tác phẩm văn chương của Duyên Anh đã được hội nhập vào cách sống tuổi trẻ, đã đúng theo tinh thần của người cầm bút, với những cảm nhận rung động thật sự mới gây được ấn tượng của tuổi trẻ. Đã khẳng định được vị trí của Duyên Anh trước 1975. Bây giờ dưới âm phủ chắc gì Duyên Anh viết lại được như thế !

- LD: Trong ngày ra mắt tập thơ "Bao Giờ Em Quên" của chị, nhà văn Duyên Anh cũng đã tặng chị bài thơ "Bao Giờ Em Quên?" với 4 câu thơ cuối như sau:
Paris thiếu hẳn chất quê em
Thiếu cái mùi thơm của cốm mềm
Thiếu cái canh ma chiều tắt nắng
Thiếu nhiều nhiều lắm sao em quen

Chị có thể giải thích ý nghĩa của 4 câu thơ trên cũng như của toàn bài thơ để cho mọi người biết nhà văn Duyên Anh ngụ ý gì trong bài thơ của ông ta. Hình như bài thơ này cũng đã được phổ nhạc?

- BX: Paris có gì lạ ? Lạ vì em là gái nói tiếng Quảng chi mà lạ…! đó là hồn vía vùng đất quê hương còn trong « chất quê em » Nếu Paris thiếu giọng nói lơ lớ trọ trẹ miền Trung của em là thiếu « cái mùi thơm của cốm mềm » Anh đã nhìn thấy hết quê hương em. Nếu em ham đi chơi không chịu…làm thơ, là quên buổi chiều xế bóng trên mặt nước sông Hàn. Nước sông khi rút cạn trên nắng, mang theo mùi đất bùn, một mùi tanh tanh ma quái của nước khó tả.( nguyên văn của Duyên Anh) nên đã thể hiện qua những câu thơ trong bài Bao Giờ Em Quên mà Duyên Anh tặng tôi trong buổi ra mắt tập thơ.
BAO GIỜ EM QUÊN ?
Duyên Anh


(Ngày ra mắt tập thơ : Bao giờ em quên. Bích Xuân)

Bao giờ em quên được hở em
Mùa xuân có pháo nổ riêng mình
Có chơi tam cúc hôn môi tết
Có ngắm xem chèo suốt cả đêm
Bao giờ em quên được hở em ?
Muôn loài hoa bưởi uớp hương duyên
Có con chim cuốc kêu buồn bã
Bắt cả không gian ngậm nỗi niềm
Bao giờ em quên được hở em
Mùa thu lá có rụng bên thềm
Có lưng dậu cúc phơi vàng ngõ
Có đợi chò ai hôn lối quen
Bao giờ em quên được hở em
Mùa đông lạnh trổ ổ rơm êm
Có khoai lang nướng vùi trong bếp
Có khiến tùm hum dậy uớc nguyền
Paris thiếu hẳn chất quê em
Thiếu cái mùi thơm của cốm mềm
Thiếu cái canh ma chiều tắt nắng
Thiếu nhiều nhiều lắm sao em quen

- LD: Ngoài ra, lúc Duyên Anh đang bệnh, chị cũng sáng tác bài thơ "Sau Ngày Gặp Lại". Chị có thể giải thích rộng hơn về bài thơ đó.

- BX: Sau ngày gặp lại là một ngày buồn ! Đó là một ngày đầu tuần, dưới bầu trời xám xịt mùa mưa nhỏ li ti như bụi. Đi cùng tôi đến thăm Duyên Anh tại một bệnh viện ở vùng ngoại ô Paris, là chị Phương (chủ tiệm nhà hàng Đào Viên ỡ khu phố 13 Paris) và cũng là cái hạn cuối đời người của Duyên Anh. Hình như con người ta sắp chết bùng lên cái sức sống mãnh liệt, trước khi nhắm mắt xuôi tay. (Lúc ấy anh còn rất tỉnh). Thân hình anh không gầy guộc, nhưng đôi mắt đã sang màu vàng đục ủ lá, như đã thấy rõ con đường phía trước. Tay và chân phải anh vẫn bại xụi (lâu rồi sau một một sức mạnh bí hiểm đánh trúng). Thấy tôi anh khoe bây giờ tay trái đã viết giỏi lắm rồi ! Tôi xúc động quá, đến bên giường siết bàn tay anh, cảm giác như lạnh ngắt, rồi nóng ran vụt lóe lên tia hy vọng, như những người thân trong gia đình, đang hy vọng nhìn anh mờ mờ qua làn sương mỏng. Đang nói chuyện với tôi tự nhiên anh nhăn mặt, anh nói đầu anh đang lùng bùng, rồi đôi mắt từ từ nhắm lại như muốn buồn ngủ. Tôi vội hôn trên khuôn mặt, còn hơi thở nóng hổi của anh để từ giả ra về. Chắc chắn rằng nụ hôn ấy, phủ lên toàn thân thể anh trong lúc anh chưa mê sảng. Năm ngày sau ma bắt anh về phía bên kia thế giới.
SAU NGÀY GẶP LẠI
Bích Xuân


Chiều cuối đông này sương bay bay
Lạnh lùng cơn gió lạnh chân mây
Bồ câu sà xuống đầy xóm nhỏ
Bồi hồi nghe thương mến chiều nay
Paris đèn đã sáng về đêm
Anh đã hẹn em đến để xem
Bài thơ anh viết bên giừơng lạnh
Mơ màng em nghĩ giấc mộng êm
Em gặp lại anh phút ngỡ ngàng
Một lần năm trước cũng đông sang
Mấy đông em vắng chiều hò hẹn
Để sáng mưa thu cũng lỡ làng
Em nắm bàn tay anh lặng thinh
Tay anh em giữ trong tay mình
Để nghe xúc động buồn môi mắt
Theo tấm lòng anh anh biết không ?
Em xin phép anh vội ra về
Bụi mưa đổ xuống dài lê thê
Áo em thấm nước mưa từng hạt
Nhưng lòng nghe ấm những cơn mê
Hôm ấy mưa đông em như say
Cuối đông ghi xúc cảm từng ngày
Nhìn đám bồ câu bay trước ngõ
Bao giờ quên được một đông này .

- LD: Là một thi sĩ, chị có thể nhận xét về các bài thơ tù cùng như các bài thơ khác của nhà văn Duyên Anh?

- BX: Tôi không đọc thơ tù của Duyên Anh nên không biết, tôi chỉ đọc những bài thơ nói về quê hương về tình yêu sau khi ông sang định cư tại Pháp. Thơ viết về tình yêu, ông cũng đem quê hương mình gởi những nhớ thương tiếc nuối về Sài gòn với những trăn trở. Tôi có một cảm nhận chung chung về thơ của Duyên Anh đa số tôi thích. Theo cá nhân của tôi hễ đọc thơ tôi “ cảm” được là tôi thấy hay, hể “cảm” được là trong lòng tôi xúc động. Đơn cử bài thơ mình cho là ưng ý, cũng chưa đủ. Khi đơn cử ra phải phân tích phải bình luận câu này, ý kia, chưa hết rồi coi thơ có nhạc tính, có cảnh, có tình, có lời nào dư thừa không v.v... mà tôi thì chưa đủ sâu sắc hiểu được ý tác giả. Ví dụ đọc hai câu thơ này, tôi và người bạn cãi nhau mà chưa biết ai đúng ai sai, đó là hai câu thơ của Xuân Diệu.
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung

Ông Xuân Diệu đi giữa không trung? hay giọt lệ đi giữa không trung? Tôi nói là tác giả đang đi trong: “trái đất ba phần tư thế kỷ. Đi như giọt lệ giữa không trung”. Người bạn thơ cãi: “Trôi” như giọt lệ giữa không trung thì chuẩn hơn. Thơ vậy đó! mỗi người hiểu mỗi ý. Khi đọc thơ chỉ “ cảm” chớ còn nghĩ theo một với một là hai thì tác giả khổ lắm ! Không phải như viết văn xuôi, đâu đó rõ ràng minh mạch. Khi nói về nhà văn Duyên Anh làm thơ cũng như bao nhiêu nhà thơ khác, tình cảm thể hiện được nhiều điều, thể diễn đạt hết những điều ông muốn nói. Thơ là bâng khuâng thổn thức, là suy tư, là tình cảm, khi tác giả diễn đạt ra, và thơ còn phải hợp thời như các lọai nghệ thuật khác.Với một sự cảm thông cùng với người sáng tác, dầu rất nhỏ bé cũng là niềm an ủi. Khi nhà văn Duyên Anh làm thơ ông đặt nhiều uớc mơ ở lớp trẻ, có rất nhiều hoa thơm trong tương lai.

- LD: Nguyên nhân và lý do nào mà "Nhà Văn Tuổi Trẻ" Duyên Anh của trước năm 1975 ít được các nhà văn khác, các hội đoàn văn bút, các báo chí nhắc nhở đến sau 1975?

- BX: Trước năm 1975 nhà văn Duyên có 50 tác phẩm, sau năm 1975 ông có thêm 20 tác phẩm nữa gồm cả thơ, ông được sử gia Pierre Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne tại Paris tôn vinh Duyên Anh như một thi sĩ lớn của quốc gia (un grand poete, une gloire nationale) trước công chúng tại Paris. Nhưng tôi không biết nguyên nhân vì một lý do nào đó mà các nhà văn, các hội đoàn văn bút, các báo chí không nhắc nhở đến ?

- LD: Sau hết, nhận xét riêng của chị về nhà văn Duyên Anh, thi sĩ Duyên Anh và con người Duyên Anh?

- BX: Duyên Anh vẫn là ấn tượng đối với tôi, vì tác phẩm ông có luận điệu riêng, sống động và cuốn hút trong sự sáng tạo, đã có rất nhiều báo này báo nọ với những lời khen ngợi trước 1975. Tôi đón nhận những tác phẩm của Duyên Anh với cảm xúc của lòng mình. Tôi là kẻ hậu sinh nên những bài thơ của Duyên Anh, hay bất cứ của ai khi tôi đọc tôi thấy « cảm » được là tôi thích. Có những bài thơ của Duyên Anh, tôi rất thích vì nó có vẻ đẹp riêng, rất gợi mở mà Duyên Anh thể hiện trong một lúc nào đó sự chân thành, nằm trong cái ngạo mạn, khinh khỉnh của ông, nếu lơ đi thì mới chịu nổi. Công tâm mà nói cho dù ông có kiêu ngạo, thì cái kiêu ngạo của ông chỉ nằm trong phạm vi những gì mà ông đã có được.

- LD: Rất cám ơn chị đã bỏ thì giờ để trả lời. Chúc chị nhiều hạnh phúc và may mắn.

- BX: Xin cảm ơn anh Lê Dinh .

Thực hiện tháng 12/2002
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn