BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73444)
(Xem: 62247)
(Xem: 39437)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thay đổi tại miền Bắc: phe chủ chiến do Lê Duẩn cầm đầu thắng thế

30 Tháng Bảy 198612:00 SA(Xem: 1776)
Thay đổi tại miền Bắc: phe chủ chiến do Lê Duẩn cầm đầu thắng thế
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Nếu miền Nam trong suốt giai đoạn từ cuối năm 1963 cho đến hết năm 1964 trải qua những dao động chính trị quan trọng làm cản trở cuộc chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Cộng sản với sự yểm trợ của miền Bắc thì tại Hà Nội cuộc đấu tranh dành quyền lực giữa phe chủ chiến do Lê Duẩn cầm đầu và phe chủ hòa do Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp cầm đầu cũng đi đến lúc quyết định.

Trong những năm trước, Hồ Chí Minh, qua uy tín của mình là người đứng trung dung điều hòa cuộc tranh chấp giữa đôi bên. Trong những năm từ 1959 đến 1963, mặc dầu nhượng bộ dưới áp lực của phe Lê Duẩn và thúc đẩy các hoạt động xâm nhập và tấn công tại miền nam, nhưng với Hồ còn nắm quyền chủ động, việc xâm nhập và can thiệp này vẫn còn có tính cách giới hạn.

Tuy nhiên càng về sau, có thể vì tình trạng sức khỏe suy yếu, có thể vì những lý do khác, Hồ Chí Minh càng ngày càng đứng ra ngoài những quyết định của đảng và chính quyền ở miền Bắc. Với tư cách là bí thư thứ nhất của đảng Lao Động, cùng với Lê Đức Thọ vốn giữ chức Trưởng ban tổ chức trung ương đảng, chức vụ mà Stalin đã dùng để lên nắm quyền tại Liên Sô, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã trở thành những nhân vật chế ngự chính trị miền Bắc. Trái với những lãnh tụ khác của đảng, Lê Duẩn coi thường Hồ Chí Minh và theo Bùi Tín kể lại đã có lần khoe với những đồng bọn rằng “Ta giỏi hơn bác Hồ”. Điển hình của tình trạng thất thế của Hồ chí Minh trong giai đoạn này đã được Nguyễn văn Trấn kể lại trong cuốn hồi ký “Viết cho mẹ và quốc hội” khi tại hội nghị trung ương lần thứ chín của đảng Lao Động vào cuối năm 1963, hội nghị quyết định tăng xâm nhập ào ạt vào miền nam, Lê Đức Thọ đã ngăn chặn không cho Hồ chí Minh lên tiếng như thế nào (Nguyễn văn Trấn kể lại theo lời của Bùi Công Trừng người có mặt trong hội nghị này):

- Tao nói cho mày nghe nhá, Bùi Công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ Chí Minh. "Tao nghe thằng Thọ đang âm mưu lật đổ ông già và lấy Nguyễn Chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác Lê Nin. Chuyện nước giao Nguyễn Chí Thanh. Việc đảng statuque Lê Duẩn. Cái thằng tự nhiên lại muốn làm Khổng Tử này, khó lật đổ nó lắm. Vì nó có công trạng ở Nam Bộ, và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng. Mày coi, coi có tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính mến của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị, mà quay mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên phải hứng lấy những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép chặn lại:

" Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà!' Tao đếm lão Hồ đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông già cũng cho hội nghị nghe ông nói ca dao bằng tiếng khóc:

"Khi thương trái ấu cũng tròn
Khi ghét bồ hòn cũng méo."


Dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, chính quyền miền Bắc quay sang một chiều hướng mới sáp lại gần hơn với Trung Cộng và đi theo ý thức hệ của Mao chứ không còn đứng giữa hai bên nữa. Với quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên chặt chẽ hơn, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Moscow vì đã ký hiệp định chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạch nhân với Mỹ và chính sách “sống chung hòa bình” của Khrushchev mà Hà Nội gọi là “đầu hàng đế quốc tư bản”.

Song song với việc cô lập Hồ Chí Minh, phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng tung ra một chiến dịch chống lại phe Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp mà họ lên án là “xét lại”. Tuy nhiên vì uy tín của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp hãy còn lớn đối với các đảng viên và dân chúng miền bắc thành ra hai người này vẫn còn giữ được chức vụ trong đảng nhưng quyền hành và ảnh hưởng hầu như không còn nữa. Vai trò của Trường Chinh giới hạn trong chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, trong khi Võ Nguyên Giáp tuy rằng vẫn còn giữ được ghế bộ trưởng quốc phòng nhưng quyền hành thực tế rơi vào tay Nguyễn Chí Thanh, tổng cục trưởng tổng cục chính trị kiêm bí thư Quân Ủy trung ương, một đồng minh khác của Lê Duẩn. Nguyễn Chí Thanh cũng đứng ra trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tại miền nam. (Việc phục hồi cho Nguyễn Chí Thanh là một biến động quan trọng trong chính trị miền Bắc. Cần nhớ là truớc đó, trong những năm 1957 - 58 Nguyễn Chí Thanh đã bị đẩy ra khỏi quân đội và giao cho chức Bộ trưởng nông trường). Song song với việc cắt giảm quyền lực của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp là việc thanh trừng một loạt những đồng minh của hai người này. Hàng chục sỹ quan cấp tướng thân cận với Giáp bị thanh trừng, nhiều người trong đó bị bắt và đưa đi cải tạo như các tướng Nguyễn văn Vĩnh, Lê Liêm. Một số người khác bị khai trừ ra khỏi đảng như Ung văn Khiêm, cựu bộ trưởng ngoại giao, Bùi Công Trừng, đang làm Viện trưởng Viện kinh tế trung ương.

Sự thắng thế của phe Lê Duẩn đã dẫn tới một thay đổi quan trọng trong chiến lược chinh phục miền Nam của Hà Nội. Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp chống lại việc đổ quân và tài nguyên ào ạt vào miền Nam một phần là muốn tập trung xây dựng miền Bắc, một phần là e ngại trước viễn tượng gia tăng can thiệp quân sự của Mỹ cùng với khả năng trả đũa của Mỹ đối với miền Bắc. Họ cũng e sợ phản ứng của Liên Sô, nước độc nhất có thể cung cấp các vũ khí và thiết bị quân sự mà miền Bắc phải có nếu muốn đánh bại miền nam mà quân đội được Mỹ trang bị đủ chiến xa, máy bay và pháo binh. Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh thì ngược lại muốn mở ngay những trận đánh trận địa chiến, tiêu diệt quân đội miền Nam và chiếm Sài Gòn trước khi Mỹ có thể leo thang quân sự. Nguyễn Chí Thanh lý luận quan điểm của Mao “con người và tinh thần mới là then chốt” trong khi vũ khí và phương tiện chỉ là thứ yếu (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: nhà chính trị quân sự lỗi lạc; Hà Nội, Nhà Xuất Bản Quân Đội 1997). Đường lối này của Nguyễn Chí Thanh đã được Quân Ủy trung ương miền Bắc thông qua trong một hội nghị vào đầu năm 1964.

Để chuẩn bị cho những trận đánh quy mô, các lực lượng Việt Cộng tại miền Nam được lệnh phải tăng cường cấp tốc việc tuyển thêm quân, đồng thời việc xâm nhập quân sỹ từ miền Bắc cũng được gia tăng gấp bội. Với số lượng binh sỹ Nam bộ tập kết đã cạn vì được đưa vào miền nam trong những năm trước, hầu hết các binh sỹ mới xâm nhập vào kể từ năm 1964 đều là những người sinh trưởng tại miền Bắc. Dè dặt duy nhất mà phe Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh còn giữ để che mắt thế giới rằng cuộc chiến tại miền Nam là một cuộc chiến nội bộ là không cho các binh sỹ xâm nhập này mang quân hàm hoặc huy hiệu đơn vị của miền Bắc mà ngụy trang dưới hình thức những đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam.

Với chiến lược mới này, Hà Nội đã mau chóng chuyển con đường xâm nhập dọc theo dẫy Trường Sơn được gọi là “đường mòn Hồ chí Minh” thành một con đương giao thông quan trọng đủ sức cho xe tải hạng nặng và những loại xe cơ giới khác di chuyển. Dân công miền Bắc được động viên để nới rộng lòng đường ra đến trên sáu thước, củng cố lại các cầu qua sông suối cùng thiết lập những trạm sửa chữa và bơm xăng. Bắt đầu từ năm 1964, các đoàn xe vận tải của miền Bắc đã có thể đi tới thành phố Tchepone của Lào rồi từ đó, bộ đội và các thiết bị vũ khí quân sự được chuyển vào miền nam qua các đường mòn dọc theo dẫy Trường Sơn. Việc hoàn tất con đường này đã giúp Hà Nội trong năm 1964 đưa vào miền Nam một số lượng nhân sự và vũ khí tăng gấp bốn lần so với năm 1963. Và để củng cố việc kiểm soát vùng đất Lào mà con đường xâm nhập này đi qua, các lực lượng Bắc Việt cùng với các lực lượng Pathet Lào đã mở một chiến dịch quân sự lớn vào đầu năm 1964 chống lại các lực lượng trung lập của Khong Le và cánh hữu của Phoumi Nosavan, mà kết thúc là việc đẩy họ ra khỏi vùng cao nguyên Nakay.

Đối với Hà Nội như vậy 1964 - 1965 sẽ là giai đoạn kết thúc cuộc chiến.

Lê Mạnh Hùng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn