BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73524)
(Xem: 62251)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngã Ba

03 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 1574)
Ngã Ba
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Truyện thật của tác giả sau khi ra khỏi trại tù “cải tạo”. Cuộc đời của người không bao giờ tìm thấy “Lao Động Vinh Quang”, như chuyện ngày còn thơ ấu “Mai ăn khỏi trả tiền“.

***


Vợ chồng Hoàng quyết định ở Ninh Hoà sau khi Hoàng ra khỏi trại tù “cải tạo”, một phần vì Ninh Hoà dễ kiếm sống hơn, tiện đường đi lại, gần ruộng, gần biển, gạo sản xuất tại điạ phương, cá mắm gì cũng sẵn. Còn Dalat, quê Hoàng từ xưa tới giờ, chỉ sống bằng Du lịch, một hột gạo, một lít mắm cũng từ xa mang tới. Món duy nhất Dalạt khỏi phải mua là rau tươi. Một lý do khác, cũng rất quan trọng, Hoàng muốn chấm dứt với quá khứ, kỷ niệm bắt đầu đời lính từ trường Võ Bị. Suốt đời lính, từ Dalat, đến Di Linh, rồi Bảo Lộc, nơi nào cũng gợi nhớ, nơi nào cũng làm Hoàng bứt rứt với những tình cảm của một thời thơ mộng. Đời lính gian khổ, hiểm nguy, riêng với anh là cả chuỗi ngày đáng nhớ, mà Dalạt lại là nơi chôn dấu nhiều kỷ niệm nhất.

Vợ chồng Hoàng không có nhà trước 75. Khi anh ở trong trại tù, nàng ở tại nhà mẹ. Một mái tranh nhỏ, vách đất, như vợ Hoàng vẫn nói, “có chỗ chui ra chui vào là được rồi, chỉ lo làm sao nuôi nổi hai đứa con, và dư dả một chút. Cứ ba tháng thăm nuôi, có một chút quà cáp cho chồng”. Nàng chưa bao giờ bỏ một lần thăm. Mỗi lần gặp mặt vợ tại khu thăm nuôi, anh thường hỏi vợ, “Ở ngoài, em và con có đủ sống không? Em có làm hợp tác xã không?” Nàng luôn vui vẻ, “Anh cứ yên tâm, trời sanh voi, sanh cỏ. Anh còn thấy mặt em là em còn có đồng ra đồng vào. Khi nào anh không thấy em vào thăm là anh hiểu. Lúc đó cũng đừng hỏi, vì anh có muốn, em cũng không có khả năng thăm anh.” Anh hiểu. Giả thử, nàng trả lời, “Ở ngoài này, em và con đói khổ”, Hoàng cũng bó tay, làm gì để giúp được. Cũng may, ai đang “cải tạo” cũng đều xem thăm nuôi như là biểu hiệu của sự sống còn, không phải chỉ nhìn vào những quà cáp nhận đựợc mà chính là thấy thân nhân mình còn đó. Ba tháng như là cái mốc thời gian, cái mốc của đợi chờ, vợ Hoàng không bao giờ quên. Thật oái ăm, việt cộng gọi “thăm nuôi“ cũng nhiều khi thật đúng. Thăm thì ngồi một bàn dài, tên cán bộ ngồi đầu dãy bàn, nghe mọi chuyện trao đổi giưã mấy người thăm nhau, nên chữ nuôi thòng ngay sau chữ thăm mới thật đúng. Hai ký quà, một chút thức ăn nấu sẵn làm cho người được nuôi thêm một chút sinh lực. Sau này khi đổi về trại, công an qủan lý, chữ nuôi càng nặng ký hơn vì ai muốn mang bao nhiêu cũng được. Lấy của nhà nuôi chồng, để chồng mạnh khoẻ làm lao động cho trại.

Cuộc sống trong trại tù, cực khổ, nhưng không lo lắng. Ngày nào như ngày nấy, trời nắng chẳng khác gì trời mưa, được muà hay mất mùa, thây kệ. Cuộc sống của những người ở ngoài như vợ Hoàng thật sự là cuộc tranh đấu để sống. Nhiều người ăn bưã trưa, lo bưã tối, chân yếu tay mềm, hụt hẫng vì cuộc đổi đời. Từ một người không quen làm việc chân tay, qủa thật lao động đã là khó. Còn thêm những cạm bẫy, những lọc lưà cho những người có chút nhan sắc. Mà có bà vợ sĩ quan nào không có chút dung nhan. Họ chỉ ở lứa tuổi 25, 27.

Hoàng nhớ lại khi mới gặp cô gái sau này là vợ mình. Nàng mới 20, đẹp nhất nhì, nổi tiếng trong mấy thôn. Những người vợ sĩ quan, khi chồng cải tạo, nhiều người không thể chống chọi với mọi mũi tấn công, âm ỉ, sôi nổi hàng ngày, hàng năm. Cô đơn và thiếu thốn vật chất, ruồng rẫy của xã hôị luôn vây quanh những người vợ, như vợ Hoàng còn ở ngoài đời. Họ không chỉ bị bọn người chiến thắng chọn lưạ là mục tiêu của sự chiếm đoạt, của những đối xử bất công, mà còn bị cả những bạn bè ngày xưa của chồng mình, bị những người ngày xưa thường hàng ngày lái xe đưa mình đi chợ, lừa lọc, dụ dỗ.



Khinh khi đến từ mọi phía, kẻ thù cũng như bè bạn. Xét cho cùng, tất cả những gì xảy ra cho gia đình có chồng tù “cải tạo” vẫn chỉ do một động lực duy nhất, cuộc sống quá khắc nghiệt, cuộc sống phũ phàng ập đến, không ai kịp biết, không ai ngờ, không ai chuẩn bị kịp. Vợ Hoàng cũng như mọi người cùng chung một số phận. Chồng thua trận, vợ cũng thua trận. Họ phải sống trong một chế độ mà họ là những mục tiêu phải khử trừ, phải đưa vào quĩ đạo của một qui luật mới, một cách bóc lột mới, mà chế độ cộng sản luôn đánh bóng bằng mỹ từ, “lao động xã hội chủ nghiã, lao động vinh quang”.Thật buồn cười, lao động là vinh quang sao được khi người lao động thật sự không đủ ăn, trong khi bọn có chức có quyền phè phỡn. Bọn chủ nhiệm, thư ký, ngồi trên bờ ruộng, tán dóc, chọc ghẹo xã viên có chút nhan sắc, đang đạp chân trên ruộng luá nước ngập gần đầu gối để làm cỏ, bón phân. Hợp tác xã bán hàng theo tem phiếu, theo tiêu chuẩn, xếp hàng nửa ngày, chờ đợi để mua nửa ký thịt heo, vài lạng đường hẩm.

Vợ Hoàng và chính anh, cùng nhiều người nưã, những năm sau này và mãi mãi chẳng bao giờ được ngồi và chẳng bao giờ chịu ngồi trong chiếc chiếu vinh quang, cũng như hào quang của chế độ. Họ vẽ ra, tô son thếp vàng, nhưng chính họ, con cái bọn chủ tỉnh, chủ huyện chẳng bao giờ ngồi. Một đạo buà do đảng vẽ ra để cho dân đeo, cho những đồng chí cấp nhỏ, dốt nát đeo, để hàng ngày è cổ ra làm trâu, làm bò cho chế độ không bao giờ có thực như một loài hoa, loài lá Diêu Bông ngày xưa, một người đẹp đặt ra để lừa những chàng trai ngốc nghếch, ngu ngơ vì nhan sắc. Lá Diêu Bông và thiên đường xã hội chủ nghiã chẳng bao giờ có, chẳng bao giờ thành sự thực, như câu chuyện Hoàng học thời còn ở tiểu học “Mai ăn khỏi trả tiền“. Làm gì có ngày mai để ăn khỏi trả tiền.

Hoàng có thằng em vá lốp xe ở ngã ba trong. Vợ Hoàng theo em, bán cà phê, thuốc lá. Lợi tức từ chiếc quán không đủ nuôi sống gia đình. Nhưng nhờ vị trí tốt, ngã ba từ Ban mê Thuột xuống, từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng vào, quán chỉ là hình thức mà chính là điạ điểm để mua cà phê, mua xăng lậu. Thôi thì đủ thứ, thứ nào cũng là hàng lậu. Thật buồn cười, từ Dục Mỹ, mang vài chục táng đường xuống Ninh Hoà cũng phải dấu diếm. Sản phẩm từ điạ phương này sang điạ phương kia là lậu. Nhưng cũng chính vì thứ gì cũng lậu mà vài ký cà phê mang lọt từ Ban mê Thuột xuống Ninh Hoà đã có chút tiền lời. Tiền lời càng gia tăng khi đoạn đường càng xa. Chỉ cần một chiếc molotova dừng tại quán, hai can xăng chở vội vàng tới chỗ dấu, vài ký bột ngọt từ Bắc vào, vài đôi dép lào từ Đà Nẵng chuyền tay, gia đình Hoàng đủ sống vài ngày. Người lái xe cũng có chút tiền. Cuối cùng cả người bán lẫn người mua đều sống. Họ buôn bán qua lại, không cần chợ, không ồn ào. Người tài xế vưà lấy tiền từ hai can xăng lại giao tiền lại cho vợ Hoàng. Người lính tài xế nói,

- Chị lấy cho em hai chục ký cà phê.

- Chú lấy đi ngay hay chờ? Nàng hỏi lại.

- Chị mang tới cho em ngay. Em uống xong ly cà phê là đi. Người tài xế trả lời.

Nàng bước ra đầu cầu, nói nhỏ với một đứa bé khoảng mười tuổi đang ngồi trên thành cầu. Đứa bé nhảy vội lên chiếc xe đạp dựng bên cạnh. Vài phút sau, một chiếc Honda chở hai bao cát tới. Nàng chỉ người tài xế, hai bao cát chuyền tay. Người tài xế trèo ra sau xe dấu, xong xuôi, trước khi đi còn hỏi lại,

- Kỳ này vào, chị cần hàng không?

- Chú mang cho chị chục đôi dép, mười ký bột ngọt. Nói tới đó, vợ Hoàng dặn hờ. Này, chú nhớ mang cho chị chục phong pháo hay hơn cũng được. Nhớ lấy pháo Nam Ô nghe. Người tài xế dạ, rồi hỏi lại.

- Chị à, kỳ này em có thuốc lá Hero nưã chị lấy không?

- Chú mang cho tôi. Bao nhiêu cũng được.

Người tài xế trả tiền cà phê, vừa nhìn Hoàng, chào rồi lên xe.

Mấy ngày đầu ở quán, anh nhìn cảnh buôn qua bán lại như một người xem kịch, không hỏi han, không chào mấy tên việt cộng lái xe. Vợ anh biết ý, chẳng bao giờ trách chồng hay nhờ chồng những việc gì đụng chạm trực tiếp tới bọn đội nón cối, hay công an, trong khu vực. Thỉnh thoảng nàng nói một chút như vẽ cho anh biết về những hoạt cảnh, những con người hàng ngày. Người tài xế vưà đi, nàng nói,

Thằng đó đi nghiã vụ, nhờ biết lái xe nên được giao chiếc xe bò ma, còn mới. Nó buôn bán đàng hoàng, tin cậy. Mình chỉ cần vài chiếc xe một ngày là bằng cả tháng làm cho hợp tác. Từ ngày anh đi “cải tạo” đến giờ, em chẳng bao giờ làm hợp tác xã. Một ngày mấy công điểm, một công điểm được vài ký luá, mà trên nắng, dưới nắng. Tội gì, em cứ lấy hàng chỗ này giao chỗ kia.

- Em không sợ bị bắt ư? Anh nhìn vợ.

- Hàng có bao giờ trong tay em đâu mà bắt. Nàng cười. Em không bao giờ chứa hàng trong nhà, trong quán cả. Nhưng khi em cần, bao nhiêu cũng có. Chỉ cần mấy phút, em trao tay vài tạ cà phê. Chỉ cần nửa giờ là bọn em đổ nguyên vài phi xăng. Nói vậy chứ, tụi công an có biết cũng ngó lơ, vì làm khó dễ vùng ngã ba này là cả dân ở đây làm khó dễ lại.

- Anh chẳng hiểu em nói như vậy là sao? Dân mà làm khó dễ công an ư? Tụi nó là quỉ mà. Anh chưa hiểu ý vợ nói. Tụi em mà quậy lại là bọn nó đói, là không có một ly cà phê buổi sáng, đừng nói tới điếu thuốc cán, đừng nói tới chút tiền còm. Nàng chậm rãi. Nói cho cùng thì tụi nó cũng lớn lên trong xóm, cũng chẳng tội gì làm cho dân ghét. Tụi ngã ba này đâu sợ công an. Chưa kể là tụi ngã ba nó đập lén, tháo bánh xe. Giờ này bọn cán bộ có chức quyền, có chỗ che chở kiếm tiền, còn mấy thằng không quyền, công an, an ninh vớ vẩn phải ngó lơ.

Vui miệng, nàng kể,

- Bưã có thằng cán bộ xã, hỏi vợ thằng Vân quán đối diện quán mình một câu. Thật tôi nghiệp, nó hỏi “Chị Vân ơi, chị mua dùm tôi một đôi dép Lào. Sắp có cái đám cưới mà cứ sợ mua dép Lào giả thì quê quá, giả mà bị trả tiền mắc nưã chứ. Tiền mất tật mang, thì mặt mũi nào ăn nói chứ”. Con vợ thằng Vân thấy tội nghiệp, thằng này hiền lành, bèn trả lời, “Anh cứ đi đâu một chút đi, chút xíu quay lại. Tôi đi lấy dùm cho. Dép thật, tiền giảm giá nưã”. - Vợ thằng Vân không có dép Lào ư? Hoàng ngạc nhiên,

- Nó thiếu gì. Vợ Hoàng mau mắn. Nhưng ở đây, không ai dại chỉ “Ông ơi, tôi ở bụi này”. Thằng cán bộ vưà đi, là có dép ngay. Vợ thằng Vân gói cẩn thận. Nó đưa dép cho một thằng nhỏ, dặn thằng nhỏ, dựng xe bên kia đường, dưới gốc dương. Khi nó thấy thằng cán bộ tới, nó ra dấu, thằng nhỏ đạp chiếc xe ngay trước cửa. Vợ thằng Vân hỏi thằng nhỏ, “thằng Tèo có dặn bao nhiêu tiền không?” Thằng nhỏ trả lời ngay 3 ngàn. Thằng cán bộ nghe giá tiền, lật đật mở chiếc bóp “cán bộ bác hồ“ lấy tiền đưa cho vợ thằng Vân, miệng cảm ơn rối rít.

Hoàng nghe xong, hỏi lại vợ,

- Em nói dép Lào đi ăn đám cưới? Sao kỳ vậy?

- Dép Lào, Sabô bây giờ là mode đấy. Anh muốn sabo không? Nàng hiểu ý,

- Sabô là đôi dép gót thật dầy phải không? Anh trả lời ngay. Thôi cảm ơn, anh không muốn như người nộm hay robot đâu.

Hoàng vào nghề buôn bán tại ngã ba này thật tình cờ và không lựa chọn như vậy. Nhiều người nói: “sự tình cờ của định mệnh thật đúng“. Giả thử khi về nhà, vợ anh làm hợp tác, giờ này chắc anh cũng làm hợp tác rồi. Mấy ngày mới về, nàng nói,

“Tùy anh. Anh muốn ra ngã ba buôn bán với em thì ra, còn muốn làm hợp tác xã, em lo cũng xong ngay. Em đã có chỗ hứa sẵn rồi, mà người hứa là chủ nhiệm nưã. Nếu anh quyết định chọn lao động vinh quang, em dẫn anh xuống Ninh Phú. Nói một tiếng, anh có chân trong ban thư ký hay cán bộ hợp tác ngay. Cũng chẳng ai để anh xuống ruộng đâu mà lo.”

Hoàng phân vân khi nghe vợ nói, nhưng nghĩ làm hợp tác thì chắc chắn vẫn phải chung đụng với nhiều người, tất nhiên phần đông từng là kẻ thù của đời anh. Rồi cũng phải theo những gì bọn này muốn, vì không ai chống chọi được qui luật như bánh xe phải theo sợi xích và chiếc pedal.

Hoàng theo vợ ra ngã ba. Hơn hai tháng, va chạm cuộc sống thật. Cuộc sống không giống như khi còn trong trại, xếp hàng hai mỗi buổi sáng, không đứng chờ chia mấy củ mì, một sét chén cơm trưa, không ngồi hàng hai để tên cán bộ đếm mỗi đêm, không kiểm điểm, nhưng cuộc sống mới này thật sự là một cuộc đấu tranh để kiếm miếng ăn, để giữ cả gia đình khỏi đói. Dân ở ngã ba, đúng là dân không chính phủ, không bao giờ thấy lao động là vinh quang, không học tập, không họp hành.

Anh chẳng bao giờ thấy những người này đi nghiã vụ lao động, không đào ao cá “già hồ”, không đi kinh tế mới. Nhóm người này, mỗi ngày đổ xăng, đổ gạo, đổ đường, hàng ra, hàng vào, hàng lên, hàng xuống. Họ nắm tất cả nguồn cung câp cho dân trong huyện. Họ không biết cấy luá, không biết giã gạo. Họ lấy tiền để trả mọi thứ thay vì phải đi lao động. Nhóm người này sống, buôn bán theo qui luật riêng của họ, một tiếng nói là một lời hứa, không bao giờ nuốt lời. Họ hùn vốn, chia lời trong khoảnh khắc, một tạ bột ngọt, vài tạ cà phê, chỉ cần một vòng xe, mỗi người nhận mua bao nhiêu. Một chút sau, chủ hàng có tiền, một chút sau, hàng đã đi khắp huyện, từ chợ, tới ngã ba ngoài, tới cầu bến Gành, tới Lạc An, Hòn Khói.

Anh thật bỡ ngỡ, phần mới ra khỏi trại tù “cải tạo”, phần còn sợ bị kêu đi họp hành, nhưng riết rồi cũng quen đi. Nhìn chung quanh, chàng chỉ thấy một mẫu người, một suy nghĩ, tội gì làm hợp tác xã, một người làm nuôi năm bẩy miệng ăn. Họ không them để ý đến đội phó, đội trưởng, thư ký, chấm công…

Hoàng gia nhập vào đội ngũ những người buôn bán ngoài sự chọn lựa, thật trong thâm tâm chẳng bao giờ muốn. Anh luôn thấy mình không có khiếu buôn bán vì anh không thể nói sai một điều gì. Hoàng thật như đếm. Tiền anh giữ không bao giờ được xếp ngay ngắn, cứ nhàu nhét trong túi, nhiều cũng không mừng, ít cũng chẳng lo. Anh cười,

- Anh thấy em cũng thật thà như đếm, khác gì đâu.

- Khác chứ, khác nhiều lắm. Khi buôn bán, em đếm nhưng đếm sai. Vợ Hoàng cười.

Đếm sai không mang nguyên nghiã như vậy. Mỗi người buôn, mỗi món hàng buôn mang một ẩn sô khác. Ẩn số là lời nhiều làm ít, là cồng kềnh hay dễ mang xách. Họ chia xẻ những kinh nghiệm dọc đường, nhưng không bao giờ nói mua gì, bán gì, mua ở đâu, bán ở đâu. Người ta nói “Thà cho ăn vàng, không dẫn đàng đi buôn“. Nhiều khi vợ anh tỉ tê, “Em cũng chẳng bao giờ lưà lọc ai. Từ ngày anh về tới giờ, có ai than phiền em là gian là dối không. Buôn bán phải lanh, nhưng không lừa ai. Em luôn tự nhủ, nếu em lừa lọc người ta mà ngày mai em sống cả đời, em mới lừa. Còn lừa rồi, mà em ngày mai cũng đầu tắt mặt tối thì tội gì. Nhưng anh phải biết, buôn không phải đi chuà, hay đi nhà thờ, đi làm phúc, đi hái lộc. Buôn phải thật lanh, phải mở mắt, phải mở tai. Anh nghĩ xem, hàng hoá lên xuống bất thường, phút trước, phút sau là cả chỉ vàng đội nón ra đi, là mất lời, là không có ăn, là…“

Nàng ngừng không nói tiếp. Hoàng hiểu ý vợ. Thỉnh thoảng, anh cười một mình khi nhớ tới câu ví von, thật chính xác của vợ mình “đi buôn, không phải đi chùa, không phải cúng dường, lấy phúc“. Bài học khởi đầu của cái nghiệp bán buôn mấy năm sau này của anh.

Hoàng quen những người trong ngã ba thật nhanh, phần vì mọi người quen biết thằng em vợ Hoàng, phần vì nàng buôn bán đàng hoàng. Khi Hoàng chưa được ra trại, họ đã được nghe nàng kể về anh. Anh ít nói chuyện nhiều với mọi người trong dãy quán cà phê ở đây, nhưng mọi người thấy anh đều chào, cười vui vẻ. Nhiều lần họ kêu anh uống ly cà phê, hay buổi chiều nhâm nhi ly rượu. Anh từ chối.Thật ra thời còn đi lính, chẳng bao giờ anh đụng một ly bia. Nhưng dần dà, anh cũng nhập cuộc, uống chút, nhiều lần một chút. Cũng như đi bộ, mỗi ngày lên đô, nhưng anh không ghiền rượu và tuyệt đối không bao giờ hút thuốc lá. Dân Ninh Hoà không gọi tên mà luôn gọi thứ. Họ gọi theo thứ của vợ nên dân ngã ba quen miệng gọi Hoàng là anh Mười, riết rồi chẳng ai biết tên thật của Hoàng nưã. Anh tập làm lốp xe, mục đích chỉ để loanh quanh ở ngã ba. Thật ra làm lốp không thích hợp với dáng người nhỏ con của anh. Tại quán, anh chỉ giữ vai phụ, loanh quanh dưới mấy mái tranh, phụ vợ khi một chiếc xe khách đông người dừng trước quán, khi cần lấy hàng hay giao hàng gì. Anh đạp chiếc xe đạp lấy về và giao cho khách. Anh ít nói, không đuà dỡn, lúc nào cũng vẫn chừng mực. Vợ anh cũng hiểu, chẳng bao giờ than phiền. Nhiều khi nàng nói với anh, “Có anh về là em mừng rồi. anh phụ được chút nào thì đỡ em chút nấy. Chứ một mình em xoay sở cũng đủ sống.”

Hoàng cảm động, nhớ lại ngày xưa. Khi mới gặp nàng, anh còn muốn bay nhảy. Lần đầu tiên gặp, lúc đó nàng còn là cô gái đẹp, nhưng anh chẳng thèm để ý. Anh chọc ghẹo cô nàng chỉ là thói quen khi còn ở đơn vị, thấy đẹp thì chọc, nói chuyện cho vui, quen được hay không, chẳng bao giờ là vấn đề. Anh chỉ muốn ra đơn vị tác chiến, ở trung tâm huấn luyện tù túng quá, làm đơn năm lần, bẩy lượt ra đơn vị, chứ đâu muốn lấy vợ. Nhưng trời định đoạt, đám cưới chẳng coi ngày coi giờ, vậy mà hai vợ chồng vẫn sống hạnh phúc. Nhiều khi hai vợ chồng nhắc lại những ngày mới quen nhau, nàng châm chọc, “Hồi đó anh mê em thấy mồ, em chẳng thèm để ý.” Anh cười, “Em đừng quên, anh và em quen nhau đã lâu rồi, mà còn có người từ Dalạt xuống tìm.” Vợ Hoàng cười, “Ừ, sao cô đó gan quá? Xuống gặp anh, ở trong khu cư xá độc thân với anh cả tuần mà không sợ.” Anh hỏi vợ,

- Sợ gì? - Sợ gì thì hỏi anh chứ hỏi em làm gì? Ai mà biết? Nàng trả lời gọn lỏn.

Giờ này, sau bao nhiêu năm cực khổ trong tù, anh không còn là người của một thời xa xưa nưã, vì quá khứ đã lùi xa, dù chẳng ai muốn thế.

Khoảng gần một năm tại ngã ba, Hoàng đã biết đụợc nhiều điều, đã lanh lợi trong nghề buôn bán, thì thằng em vợ muốn vượt biên, suốt ngày chỉ toan tính đường này. Nó nhờ anh dậy tiếng Anh hằng đêm tại nhà. Vợ anh không muốn dính dáng tới việc của em mình vì đủ mọi rắc rối, nhất là hàng họ của vợ anh. Xui rủi, bắt chuyện này, lòi chuyện nọ thì trắng tay.

Có một đêm, công an huyện hành quân khu vực ngã ba, đêm khuya, hỏi hộ khẩu. Hoàng không có tên trong hộ khẩu. Tên thượng uý đồn trưởng, hỏi dồn, vì nó biết anh là Biệt Động Quân, mới “cải tạo” về. Nó nói,

- À, để tao thử mày còn nhớ không nhé?

Anh chẳng biết nó muốn nói gì. Nó lấy chiếc áo anh đang mặc, bắt để một tay ngược ra sau vai, rồi chỉ hàng rào kẽm gai, loại cuộn tròn, dân rào quang vườn,

- Mày bò qua cho tao xem.

Hoàng bắt buộc phải trườn qua, giưã đêm khuya. Chỉ có anh, và nó, thêm tên trung uý, công an thị trấn, nơi anh ở. Cũng may anh trườn qua, không bị dây kẽm cào vào người, tên thượng uý, cười, vưà nói,

- À, mày còn nhớ đây chứ.

Khi cuộc lục soát chấm dứt, hắn chở anh trên chiếc Vespa của hắn, chạy về đồn. Vưà vào tới văn phòng, đèn điện thật sáng, hắn hỏi,

- Mày biết đây là chỗ nào không?

- Công an huyện. Anh trả lời.

Hắn nói “đúng“, rồi ngoắc tay kêu một tên công an dưới quyền, ra lệnh,

- Đồng chí mang nhốt nó vào phòng giam số 2.

Tên công an dẫn Hoàng nhốt vào phòng giam. Cửa vưà mở, anh thấy trong phòng có sẵn hai em khoảng 19, 20. Hai đứa dồn lại hỏi,

- Sao chú vào đây?

- Anh kể chuyện vưà xảy ra. Hai đứa hỏi tiếp

- Chú có thuốc lá không?

Qua câu chuyện trao đổi, anh biết hai đứa vượt biên bị bắt. Chúng hỏi chuyện bên ngoài, anh chẳng biết gì.

- Chú mới tù “cải tạo” về, chú không biết ai hết.

Anh nhìn khắp phòng giam. Nó bằng 3 thước ngang, dừng bằng hai chiếc vỉ sắt dài, nối đầu nhau, thẳng tắp. Trên trần thật cao có kẽm gai gang dọc thật dầy. Ánh sáng và không khí từ đó luồn vào. Hai đưa bé nói,

- Thôi chú ngủ đi. Ngày mai là ngày quan trọng nhất đấy. Nếu tụi nó gọi chú ra lúc 7 hay 8 giờ sáng, thể nào chú cũng bị nó đánh trận đòn đầu tiên.

Hoàng mệt mỏi ngủ thiếp cho tới khi nghe tiếng chià khoá mở cửa. Hai đứa nhỏ nhìn anh ái ngại, nói nhỏ,

- Chú ráng nhé.

Hai đứa nhìn anh rươm rướm nước mắt. Anh nhìn chúng, im lặng, bước ra khỏi phòng giam. Tên công an dẫn anh trở về chiếc phòng đêm qua, vưà vào phòng, hắn nói,

- Vợ anh chờ ngoài cổng. Anh về đi.

Hoàng thật ngạc nhiên, chẳng giấy, chẳng tờ, thật bất ngờ, chào tên công an, bước về phiá cổng. Vợ anh, trên chiếc xe Honda dame, tay cầm một ổ bánh mì, mừng rỡ. Anh chẳng biết sao mình được thả. Nàng nói,

- Anh vưà đi là em chạy tứ tung. Tụi nó hứa, sẽ nói dùm. Nhưng không ngờ, nó thả mau thế.

Hoàng còn bị bắt hai lần nưã, nhưng cả hai lần sau, đều chỉ bị nhốt một đêm và không bị đánh đập.

Nhiều chuyện liên tục xảy ra tại ngã ba. Vợ anh bàn với anh,

- Em muốn xa ngã ba, đổi nghề, đổi hàng khác,

Hoàng nghe vợ nói, chẳng biết đổi hàng nào. Cái mảng này thì anh chịu, nhưng nàng nói,

- Em có một con bạn, nó rất rành đường ngoài, và giỏ lác.

Hoàng không hiểu giỏ lác ra sao, ra sao nên hỏi vợ. Nàng cười,

- Thì giỏ lác là giỏ lác. Giỏ để họ đựng mắm, muối, thức ăn đó. Giỏ đan bằng lá kè. Con bạn em cho biết, hàng ít vốn, lời nhiều, mà chẳng sợ thuế má gì cả, để một đống, một khiên, thuế vụ chẳng buồn hỏi han. Tụi nó biết bao nhiêu mà thuế với má. Nhưng nói thì nói, chỉ tội cồng kềnh một chút, và khó đón xe ra thôi. Bạn em hứa dẫn em ra Đà Nẵng, giới thiệu chỗ bán, nhưng lời phải chia cho nó. Em bằng lòng rồi, anh cứ ở nhà. Khi nào em rành, em cần gì, em sẽ nói anh làm.

Nàng bắt đầu theo người bạn. Mỗi sáng ra mấy đầu các xóm mua giỏ lác. Nàng học cách mua. Ai mang giỏ ngang qua cũng mua, bao nhiêu cũng mua. Nhiều người chỉ có hai ba chiếc giỏ, nàng cũng mua. Mua xong, nàng để ngay bên lề đường, Hoàng chở về nhà. Mới đầu, anh chở giỏ lác không phải dễ dàng. Hàng nhẹ nhưng cồng kềnh. Dần dà anh chở thật nhiều. Sáng nào anh cũng ra tới mấy chỗ đón. Nhiều buổi sáng vợ Hoàng mua cả vài trăm giỏ, đủ cỡ, to có, nhỏ có. Anh chở hết đợt này tới đợt khác, về đầy cả nhà. Cái khó của nghề này là mua một chục, bán một chục mà vẫn có lời, nhiều người mua không được. Vợ anh nói,

- Giỏ nhiều cỡ khác nhau. Người ta có bao nhiêu giỏ, mình phải mua bấy nhiêu, không ai cho mình lưạ cỡ để mua cả. Mình phải tính sao khi lồng lại mình có lời. Tới trưa, vợ anh bắt đầu sắp giỏ, theo từng cỡ, chiếc lớn lồng chiếc nhỏ, xếp thành từng trăm chiếc một. Nàng cột thật chặt tay. Khi đủ chuyến, hơn cả ngàn giỏ, Hoàng chở ra đường, chờ xe, chở đi. Nhiều khi hên, vưà ra tới đường là anh đón được xe. Nhiều khi anh phải chờ cả buổi.

Đổi mặt hàng, đổi hàng đi, vợ chồng lại có một lố bạn buôn khác. Nhiều khi một chiếc xe dừng, cả toán lên xe, mỗi người hàng khác nhau. Họ cười nói, đừa dỡn vui vẻ, chỉ có điều, không bao giờ họ chia xẻ tin tức về tiền lời, tiền lỗ, hàng ra nhẹ vốn, ít lời, hàng vào nặng vốn, và nhiều mặt hàng mất vốn nếu bị thuế vụ bắt. Lên xe, họ chia nhau miếng cơm, miếng bánh, khi tới nơi, là mạnh ai nấy đi. Chuyến hàng đầu tiên về, nàng kể,

- Em có mối ngay tại chợ Cồn. Bà chủ có vựa lớn lắm. Bà cụ chỉ có hai đứa con gái, cùng trang lứa em. Tối đến bà chủ cho em ngủ lại. Còn giỏ thì bà chủ nói mang bao nhiêu ra cũng được, chỉ sợ không đủ sức và chờ lâu thôi. Hàng vào vợ anh mua dép Lào, một số pháo, và kem đánh răng Hoa Lan.

Chuyến thứ hai nàng có thêm mối hàng mũ Hero. Mũ có hai loại, một loại may bằng băng buôn, và một loại may bằng chiếu lác, sản phẩm của Ninh Hoà. Nàng mang mẫu về, nhưng bước đầu phải kiếm nhiều người may và sơn hiệu Hero trên mũ. Ninh Hoà có người mang nón ra ngoài bán. Nhưng vợ anh không buôn cò con, một lần phải đi thật nhiều, nên anh phải đi kiếm nguồn hang. Nón may bằng chiếu lác, n ên anh phải chạy tới nhiều chỗ chuyên dệt chiếu lác. Mới đầu tới đâu cũng có người mua, anh phải đưa tiền trước, mang chiếu về giao cho người may. Nàng bàn,

- Anh cứ khoán thẳng.

Nàng làm thử, đo thử, lấy máy ra may và ráp thành mũ, tính toán. Cứ một thước chiếu may được 3 nón, dư hai mảnh. Như vậy 2 thước chiếu may được 7 nón. Chính nàng dạy một số người có máy trong xóm may nón cho mình, dạy họ cắt ráp thành nón. Tính rộng rãi, có người biết may, không có máy, nàng cho mượn máy may của nhà. Người nào muốn có máy may, không có tiến mua máy, nàng mua máy cho trả bằng nón lác, trừ lần lần cho tới khi đủ tiền máy may thì thôi. Nàng giao thẳng thắn. Hai thước chiếu, may được 7 nón, nàng chỉ lấy 6. Như vậy người may lời một. Nón tính theo tiền công, cộng thêm tiền một nón dư, người nào cũng muốn may, vì may ban đêm cũng được, ban ngày cũng xong. Họ không cần mua chiếu, vì Hoàng cung cấp. Họ làm thêm, kiếm chút tiền mua cá mắm. Cuối cùng, anh có nhiều người may, mỗi lần đi vài ngàn chiếc nón Hero ra Đà nẵng. Hoàng ở nhà chỉ việc mang nón về, mang tới nhà cho mấy người sơn chữ hero lên nón, như vậy là hàng sẵn sàng. Lấy nón, giao thêm chiếu cho người may, ai muốn lãnh bao nhiêu chiếu cũng được, cả xóm nhỏ bỗng trở thành xóm may, thật vui. Anh bận rộn, thu chiếu, thu băng buôn, thỉnh thoảng lại đạp chiếc xe lên suối trầu, gần Dục mỹ, chặt đọt kè.

Hoàng dậy thật sớm, vào cửa rừng trời mới sang. Ngày xưa nơi này là nơi huấn luyện chiến thuật cho tiểu đoàn, nhưng nay dân chúng làm rẫy vào xâu thật xâu trong rừng. Chặt khoảng 30 chục đọt kè là nặng trĩu chiếc xe, chạy về Ninh Hoà gần trưa. Anh phải phải banh đọt kè ra từng tép một, phơi đúng ba nắng, mang vào nhà giao cho con gái. Anh tước ra từng sợi, xong giao lại cho con nít trong xóm, tết thành băng buôn và trả tiền theo thước, băng buôn rộng gần bằng hai lóng tay. Anh giao cho người may nón băng buôn, loại nón này nặng công hơn, nên trả tiền cao hơn nón lác.

Vợ anh đi hàng này hơn hai năm. Một bưã, nàng nói,

- Chuyến vừa rồi, em đi xe lửa vào, thấy người ta mua đồng từ trong ra bán. Em lấy giá cả, và có mối bán rồi, chỉ khó là mua đồng, hàng này nặng vốn mà nặng ký nưã. Em tính mình đi đồng ra Qui Nhơn, bạn hàng từ Qui Nhơn mang đi Đà nẵng, đường ngắn lời ít, nhưng xoay vòng nhiều còn hơn.

Hoàng biết ý vợ, nói là làm, và buôn là buôn lớn, không bao giờ buôn cò con. Anh hỏi

- Em biết đồng ăn thế nào chưa?

Nàng nói rất cặn kẽ,

- Đừng lo, em ở nguyên hai ngày ở Qui Nhơn để biết mối mang, biết giá cả, và biết cả người nhận tuôn hàng cho mình nưã. Đồng ra tới ga Đông Tác là có mấy người lên tàu rồi. Họ sẽ nhận hàng và vưà vào cửa ga, ngay đầu ghi, là họ tuôn xuống. Người dưới đất mang về tập trung lại. Em xuống ga, đi tới mấy nhà đó là cân hàng nhận tiền, chờ tàu vô là theo ngay. Còn anh chỉ việc ở nhà mua rồi chở lên ga, nếu nhiều quá thì giao cho băng nhà ga đưa lên tàu cho mình.

Trong thâm tâm, anh muốn theo mua giỏ lác, nhưng nàng luôn đóng vai chánh trong nghề. Anh phải nhận là mình, không có cái táo bạo của một người buôn có bản lãnh. Nàng nói,

- Anh thấy đó! Trước em, có hàng đoàn người đi giỏ lác, nhưng có mấy người mang giỏ cả xe tải. Ai dám mua vài chục đôi dép Lào, 4 năm chục dây pháo 5 tống, cả chục cây hero? Anh đếm coi tới giờ này còn ai trên đường này qua mặt em?

Hoàng nhận là vợ mình nói đúng. Thường thì có bàn cãi bao nhiêu cũng vậy, nàng luôn thắng. Anh nhìn vợ,

- Thôi thời này của em, anh hết thời rồi.

Trong việc buôn bán, nói thì đơn giản, bắt đầu vào mua hàng thì khó, vì ai cũng có mối hàng rồi. Vợ chồng anh biết những người vào lấy đồng đi đều là dân Qui Nhơn và vùng ngoài. Hàng ăn họ vô ào ào, còn hàng nhũng họ chậm lại. Mấy vựa mua đồ phế thải thì cần tiền liền. Hơn nưã mình đi một mặt hàng, chỉ đi đồng, không đi hàng gì khác, vì vựa nhôm nhưạ, thu mua đủ thứ, nhưng hàng đủ thứ lại ăn vào (Sàigòn), chỉ có đồng, ăn ra mà thôi (đi Đà nẵng). Nàng nói,

- Đồng đi Tàu, cao giá hơn đồng đi vào trong.

Vợ Hoàng quen nhiều người thu mua nhôm nhựa. Mới đầu nàng chạy tới mấy vưạ quen, nhưng ai cũng có bạn hang. Anh nói với vợ,

- Họ từ ngoài vào là thua mình rồi, anh cắt nghiã. Mình mua giá cao hơn, và luôn có người ở nhà mua. Mình phải bắt đầu chiến thuật, đặt tiền trước. Em cứ tới tụi con Điệp, thằng Thu, rồi vưạ con Đen, và con bạn của em ở bệnh viện. Ứng tiền cho bọn nó đi mua trong xóm. chiều hàng về, nói với tụi nó, mình chỉ lấy đồng thôi, còn hàng khác, nó muốn bán cho ai thì bán. Mình biết giá đồng, mình buôn bán nên có hậu, không đưa giá xuống. Dưạ vào họ mà mua, mua từ từ. Vẫn để cho dân Qui Nhơn có hàng, khỏi mất lòng mất bề. Anh sẽ chạy lên Dục Mỹ, Lạc An. Những khu này, mình cũng mua qua vưạ, nhưng dục Mỹ không có vưạ, mà chỉ một vưạ ở cầu bến gành, vưạ này tuy lớn nhưng lại mua hàng trong, không để ý đến đồng. Vài ngày nưã anh sẽ vao găp chủ vưạ. Từ đó vợ anh có đồng đi Qui Nhơn.

Phân loại đồng không khó gì. Cao giá nhất là đồng giây, đồng đai (đai đồng lấy từ đầu đạn pháo binh), đồng chặt từ đại liên 50 chặt khúc bọc ngoài đầu chì.12 viên được 1 trăm gram. Một bao cát tút đạn Garant nặng 14 ký. Một bao cát đồng đạn M16 nhẹ hơn. Còn nhiều khi có cả trăm thước dây cáp đồng. Hàng này đắt giá, nhưng anh phải tẩu tán liền bằng cách chặt ra từng đoạn ngắn. Nàng phải đi vài trăm ký đồng mới có lãi. Mới đầu anh sợ, nhưng theo thời gian, đồng nào cũng mua, đồng nào cũng bán.

Chuyện buôn bán cũng có thời, đồng đang ăn rào rào, tự nhiên không ăn. Bạn hàng từ Qui Nhơn không vào mua, hàng tại mấy vưạ không bán cho ai được. Mấy chủ vưạ chạy đôn đáo kiếm Hoàng, năn nỉ, vì họ biết đồng rất nặng vốn, tính bằng chỉ, bằng cây chứ không còn là vài phân như nhôm nhưạ, lông vịt. Tự nhiên anh thành người mua độc quyền tại Ninh Hoà, Dục Mỹ, Hòn Khói, Lạc An, Vạn Ninh, Vạn Giả. Đồng không chở đi được anh đành chở về nhà, dấu đầy vườn, nơi nào cũng có. Chẳng may, tụi công an xuống thì nó thu hết. Tụi nó muốn lấy là đủ cớ, chỉ cần qui vào mặt hàng quốc phòng là xong. Cũng may, chỉ mấy ngày sau, đồng ăn lại. Chuyến hàng đó, vợ anh mang cả tấn đồng ra Qui Nhơn.

Tàu chợ Qui Nhơn ra tới ga Ninh Hoà khoảng 2 hay 3 giờ sáng, khách xuống từ những ga trong, tàu cũng trống. Nàng lên tàu, từ dưới cửa sổ, băng bù cứ đưa từng bao cát lên, xe lửa ra tới ga Đông Tác, lại băng bù tuôn hàng xuống. Nàng sang tay cho bạn hàng đi tiếp Đà Nẵng, thu tiền, lên xe vào. Ở trong, Hoàng đã chuẩn bị chuyến đồng tiếp đi ra. Hàng ăn thì vô ra liên tục, đồng từ các nơi vào Ninh Hoà, rồi từ Ninh Hoà ra Qui Nhơn. Hàng có lời, phải đi xoay vòng nhanh. Vợ Hoàng không mua hàng vào, nếu có chỉ mang hàng cho những bạn ở chợ từ lâu buôn bán với mình thôi, vì bỏ hàng chợ, tiền luôn phải gối đầu. Hàng bỏ xong, không lấy tiền liền, mà phải chờ chuyến sau mới lấy được, còn mua đồng thì phải giao tiền ngay. Muốn có nhiều đồng phải ứng tiến cho vưạ, cũng phải hai vốn.

Chẳng mấy chốc, vợ anh độc quyền mua đồng tại Ninh Hoà, ra tới Vạn Ninh, Vạn Giả. Dân buôn đồng từ Qui Nhơn không thể nào cạnh tranh được vì họ phải mua rẻ hơn một giá, còn vưạ thì sợ hàng đứng, nên cuối cùng họ lựa vợ chồng Hoàng như người mua đồng chính thức, không bao giờ bán cho ai nưã. Cuộc đời buôn bán nghe thì dễ, nhưng phải đương đầu với đủ loại người, gian ngoan, lưà lọc. Nhiều khi tiền mình đã đưa, nhưng có người bỏ giá cao, chủ vựa cũng dấu diếm bán bớt, chỉ để chút ít cho Hoàng. Nhưng nghề dậy nghề, anh không cò lơ mơ như những ngày đầu, mới ra khỏi trại tù nưã.

Trong những vưạ nhận tiền của Hoàng, có hai vợ chồng Thu, vợ tên Điệp. Anh biết Điệp mua tút đạn, đồng quai trên Dục Mỹ, Thu mua đồng chặt ngoài Lạc An. Một hôm anh tới vưạ, Thu không có một ký đồng, mà ngày thường phải có cả chục ký. Hoàng không nói gì, đạp xe về nhà. Ngày hôm sau, anh đạp xe ra Lạc An thật sớm. Lạc An là một khu xóm nhỏ, gần sư đoàn Bạch Mã, Sau chiến tranh, dân vùng này trúng mánh vì đào được nhiều hầm tút đạn đại liên 50. Có nhiều người bán, mua được cả vài cây vàng. Hoàng rảo trong xóm, nghe tiếng chặt đồng. Anh vào một căn nhà, hai cha con một ông trạc tuổi Hoàng đang chặt đồng. Anh làm bộ hỏi mua, hai cha con ông này không bán, họ nói đã có người đặt tiền rồi, nhưng nhất định không nói tên người mua. Hoàng hỏi thẳng,

- Anh bán cho Thu phải không?

Cuối cùng họ nhận là Thu đặt tiền, nên họ không bán cho ai nưã. Tội nghiệp hai cha con người chặt đồng, rất lương thiện, lương thiện tới nỗi họ không cần biết anh mua bao nhiêu một ký nưã. Họ còn vui vẻ mời anh uống nước. Ngồi với hai cha con ông này dưới gốc xoài, anh thật xúc động. Lúc nào, thời nào, xã hội vẫn có những con người chân chất, lương thiện. Trước khi đi, anh làm bộ hỏi,

- Bao nhiêu đầu đạn thì được một ký?

Mặc dù vợ chồng anh bán cũng vài tạ đồng chặt rồi, nhưng anh không biết cụ thể. Ông ta vui vẻ,

- 120 viên một ký. Tôi đã nhặt được ba thùng phuy. Ông mau mắn trả lời.

Hoàng mừng cho ông. Như vậy bán xong, ông cũng có vài cây vàng theo thời giá. Chiều đến, theo lệ Hoàng tới gặp Thu, Thu than thở,

- Hôm nay chỉ có hơn một ký.

Anh nhìn Thu, bắt đầu tấn công, nhỏ nhẹ nhưng không khoan nhượng. Anh nói, không cần căt nghiã dài dòng,

- Anh Thu này, ngày mai, tôi muốn tất cả đồng chặt ở Lạc An phải đưa cho tôi. Tôi có cơm, anh có cháo, đừng nói tới chuyện tôi đưa tiền trước cho anh. Nhưng, nếu tôi mua giá của tôi tại Lạc An, anh mua lại tôi không? Tất nhiên là không rồi. Còn vợ anh, tôi mua hàng Dục Mỹ với giá Qui Nhơn, vợ anh cũng không có một ký tút đạn, đừng nói tới vài chục ký. Nhưng anh em, buôn bán có trước có sau, hàng cũng có lúc ế. Nói cho anh biết vậy thôi, anh nghĩ sao thì nghĩ.

Ngày hôm sau, Hoàng không đi Lạc An mà đi mấy vưạ khác. Đợi tới chiều, Hoàng mới tới nhà vợ chồng Thu. Anh ta xin lỗi, giao cho Hoàng hơn chục ký đồng chặt. Còn vợ Thu giao cho anh hơn hai chục ký tút đạn. Từ đó về sau, không bao giờ anh gặp khó vì Thu bán cho người khác. Anh vẫn tiếp tục buôn bán với vợ chồng Thu cho tới ngày bỏ nghề đồng, vì hàng càng ngày càng hiếm, ngày nào cũng cả tạ đồng ra ngoài Qui Nhơn, thì tới cả núi cũng cạn chứ đừng nói tới chỉ có Dục Mỹ, Núi Đeo, hòn Tre, Vạn Ninh, Vạn Giả.

Nhờ trời, vợ chồng Hoàng kiếm nhiều lời, và không bị mất một chuyến nào.

Buôn bán nếu không phải là nghề thì cũng thành nghiệp, cái nghiệp của Hoàng. Khi đồng bắt đầu khan hiếm, vợ chồng bàn đi tàu lửa vào Saigon, hàng vào. Nhưng mang gì vào, mang gì ra, không phải dễ. Ninh Hoà chỉ có cà phê, nhưng cà phê là món hảo của thuế vụ và công an, mặt hàng tịch thu. Nhiều người đi cả tạ cà phê, được vài chuyến lời, mất một chuyến là tay trắng. Cuối cùng vợ anh bàn, không mua hàng vào, chỉ mua vài chục ký đậu hay chục ký cà phê, kiếm tiền xe và ăn đường, chủ yếu mang hàng ra, nhìn đi nhìn lại chỉ có vải và bao ny long. Nàng đi vài chuyến, bắt đầu giao cho anh. Nàng ra chợ, có cả toa thật dài bạn hàng giao nhờ mua.

- Mình luôn phải có 3 vốn, mới đi liên tục được. Hàng bỏ chợ, không lấy tiền được, nhất là vải. Người muốn đặt cho mình mua thì nhiều, mà người buôn bán sòng phẳng thì hiếm.

Cũng may vợ anh quen biết nhiều, có vài sạp vải lớn thật tốt. Từ đó hai vợ chồng chuyển qua vải. Thôi thì đủ, vải quần tây, vải may đồ bộ, vải xịn, vải rẻ tiền, toa hàng lúc nào cũng dài như tờ sớ. Bao ny lông thì có sẵn ny tấc, hàng này trông vậy mà nặng nề, vài chục ký là cả bao cát lớn rồi.

Hoàng chưa bao giờ đi tàu lửa. Ninh Hoà chỉ có tàu chợ dừng đón khách. Anh theo Hải, dân cùng xóm. Trước năm 75, Hải là trung sĩ quân cảnh, lấy vợ gần nhà, nghe anh muốn đi tàu lửa, anh ta sẵn sàng vì có bạn. Ai chẳng muốn có người quen biết đi chung chuyến, xuống cùng ga. Tuy hàng ra khác nhau, nhưng Hải và Hoàng cùng mang đậu vào Sàigon, khi tới ga Bình Triệu, cùng ở trọ một chỗ, mang bán đậu cùng một vưạ. Sau khi bán đậu, là mạnh ai nấy mua hàng về, nhiều khi tới chiều mới gặp lại. Dân buôn ít khi biết hàng của nhau, vì đó là bí mật, sống còn. Hàng đắt, hàng ế chẳng ai biết ai, nhưng họ đoàn kết, giúp nhau, phụ nhau, nhiều khi hàng nặng nề, vì tàu thì chỉ dừng mấy phút là chạy ngay. Nói cho cùng, ai cũng cần nhau, trên đoạn đường dài, có nhau, chia sẻ những mẩu chuyện cũng vui, Hoàng và Hải đi chung nhau cả mấy tạ đậu. Những bỡ ngỡ ban đầu không còn. Hơn 3 năm trên đoàn tàu xuôi ngược, anh đã quá quen với những đoàn tàu chật như nêm. Anh đã quá quen với việc từng đứng một chân với hai chục ký đậu, bên này lấn, bên kia đạp, còn bị trưởng toa đuổi như đuổi tà, hết đợt “chống thất thu” này xuống, bọn khác lên.

Từ những bỡ ngỡ buổi đầu, không mua được vé tàu thống nhất, Hoàng không thể nào lên được toa tàu từ Bình Triệu ra Nha Trang, vì trưởng toa sợ anh không có tiền trả, cứ theo sau lưng đuổi xuống ga. Khi đoàn tàu bắt đầu chạy, tên này phải đứng ngay ở một cửa toa, Anh bèn chạy ra cửa khác, nhẩy lên tàu. Tàu chạy chút xíu, trưởng toa bắt đầu đi từng hàng ghế xét vé. Hắn nhìn anh, nở một nụ cười,

- Thế mà từ nãy tới giờ tôi cứ tưởng ông đi kinh tế chứ. Ông đi đâu?

- Nha Trang. Hoàng trả lời gọn lỏn,

- Trăm rưởi nhé?

- Đắt thế. Tôi đi ra vào hàng ngày. Trăm hai thôi. Hoàng nhát gừng,

Chẳng cần tên trưởng toa bằng lòng, Hoàng nói nhỏ,

- Cứ xét vé đi, chút tới cửa toa tôi đưa tiền, làm gì cứ nhặng lên thế.

Bài học đầu vơi đoàn tàu thống nhất, bài họn này áp dụng cho mọi đoàn tàu Nam Bắc. Chỉ một thời gian ngắn, anhhọc được qui luật của đoàn tàu, qui luật sống chết của trưởng toa, của công an trên tàu, của hai trưởng đoàn tàu, truởng tàu khách và trưởng tàu an ninh. Ai cũng cần tiền. Dân buôn hàng ngày là nguồn mua vé vô tận.

Hoàng và vợ nhiều khi đi chung, nhiều khi đi một người, tàu T4 từ Sai gòn ra, T1 từ Bắc vào, T3 và ngay cả T2, chỉ dành chở quân của Việt Cộng, lên xuống tại ga Hố Nai, Sóng Thần. Anh muốn đi tàu nào, muốn đi toa nào là lên, chẳng cần vé, chẳng ai hỏi vé. Nếu gặp “chống thất thu” hỏi vé, Hoàng chỉ cần trả hỏi trưởng toa. Trưởng toa giữ, thì cho dù trưởng tàu, công an đường sắt, toán chông thất thu cũng không ai hỏi nưã vì đó là con đường sống của đoàn tàu, qui luật sống của trưởng tàu, trưởng toa. Ai cũng mua vé hết thì sống với ai, sống làm sao được. Chẳng lẽ sống bằng đồng lương chết đói của một công nhân đường sắt. Im lặng mà sống, im lặng mà làm. Chính vì vậy, không mua vé là khách bạn hàng, là khách ăn dầm nằm dề trên tàu. Anh có thể đi cả toa đầu máy, tất nhiên theo định nghiã, toa đầu máy chỉ dành cho người lái tàu. Dân buôn như anhcó thể cho cả đoàn tàu đang chạy nhả khói đen từ ga Thống Nhất, ngang ga Gò Vâp, vào tới đầu ghi, bỗng chạy thật chậm, chạy chậm để tất cả những bao hàng từ dưới ga được vớt hết lên tàu, lúc đó chiếc tàu mới chạy nhanh, thật nhanh về hướng Bình Triệu.

Cũng theo qui luật này, khi con buôn đang vớt hàng, đang dấu hàng, chẳng ai thấy một công an qua lại trên toa. Họ chỉ bắt đầu đi từ toa này sang toa khác khi những bao vải, những cây thuốc lá, những túi phụ tùng xe đã nằm gọn gàng dưới mấy gầm ghế của tàu. Theo luật, thuế vụ không được bắt hàng trên tàu, vì vậy tụi thuế vụ muốn bắt, chờ khách mang hàng xuống ga, là khám vá bắt bớ.

Cuộc sống cứ như thế ngày lại ngày, tưởng chừng không bao giờ dứt. Cái nghiệp buôn của vợ chồng Hoàng chỉ chấm dứt khi anh nhận được hộ chiếu, được phỏng vấn. Hoàng nhớ ngày người đại diện chính phủ Mỹ hỏi anh, qua thông dịch viên,”Nhiệm vụ ban ba là làm gì?” Hoàng trả lời ngắn gọn,”Hành Quân và Huấn luyện”. Trong khi trả lời, Hoàng thấy người Mỹ phỏng vấn mình lật qua lật lại mấy tấm hình Hoàng chụp khi học tại Mỹ, chàng đã gởi bổ túc cho phái đoàn. Cuối cùng, người phỏng vấn của INS nói “…On behalf of….” Phái đoàn chấp thuận hồ sơ phỏng vấn. Cũng từ đó chấm dứt luôn cái nghiệp đi buôn, nuôi sống gia đình anh cả chục năm trời. Anh đã sống ngoài vòng đai của chế độ, ngoài ánh hào quang giả tưởng của mỹ từ “lao động vinh quang”.

Mỗi khi nhớ lại chặng đường bao nhiêu năm kiếm sống, Hoàng vẫn tự hỏi mình “Có phải chăng những ngày đi buôn bán là bước ngoặc của đời anh, của nhiều sĩ quan ra về sau tù “cải tạo”?” Vợ anh qủa thật đã thành công khi vẽ vào tay anh một nghề. Anh thì luôn gọi ngược lại. Trong thâm tâm, anh chẳng bao giờ thích buôn bán, chẳng bao giờ thành công trong việc này. Nguời thật sự thành công chính là vợ anh, luôn nói bên tai anh, “Em chỉ cần biết là mình phải sống, phải nuôi con. Thời của anh đã qua nhưng chính vì vậy mình càng phải vươn lên cho dù xã hội, và bọn cầm quyền luôn dìm mình xuống.”

Đồi Bắc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn