BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73546)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Từ Ngọc Lê về Duyên Anh

11 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 1909)
Phỏng vấn Từ Ngọc Lê về Duyên Anh
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.58
Lê Dinh: Sơ lược tiểu sử của anh?

Từ Ngọc Lê: Chữ tiểu sử có vẻ quá lớn đối với tôi. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, nhưng phần nào may mắn hơn các bạn của tôi đã chết, oai hùng như Nguyễn Tạ Quang (Hải quân, Hoàng Sa), Phạm Thăng Được (Không quân, Quảng Trị) hay thê thảm như Trung úy quân y Hoàng Lộc trong trại cải tạo. Sơ lược vài điểm chính: sinh năm 1943 tại Yên Đổ, Hà Nam, học tiểu học ở Nam Định và Hải Phòng. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam và lần lượt lưu lạc tại Nha Trang, Tuy Hòa, Qui Nhơn. Sau đó, học tại đại học Văn khoa Sàigòn (ban Triết Đông và văn chương Việt Hán), Báo chí (đại học Vạn Hạnh). Làm báo và phát thanh tại Sài Gòn. Năm 1975 đi tù. 1980 được thả. Tháng 11-1982 vượt biển, được tàu Pháp vớt lên trại Palawan (Philippines). Cuối năm 1983 qua Pháp và định cư tại Paris cho đến nay. Ở hải ngoại đã cộng tác với các báo: Người Việt (Cali), Văn Nghệ Tiền Phong (Washington DC), Việt Luận, Nhân Quyền, Thời Báo (Úc), Chiến Hữu, Tiếng Dân, Diễn Đàn Người Việt (Paris). Hiện tại là thông tín viên thường trực của đài BBC (Anh) và chủ trương Bán nguyệt san Bạn Đường tại Paris.

LD: Xin anh cho biết quan hệ giữa anh và nhà văn Duyên Anh trước 1975?

TNL: Đầu thập niên 60, tôi có nhiều dịp gặp gỡ Duyên Anh, nhưng ở những hoàn cảnh khác: Duyên Anh đã là nhà văn nổi tiếng, trong khi tôi chưa ra trường và mới chập chững bước vào làng báo. Vào năm 1964, tôi có một vài đụng độ với Hội đồng Khoa của Trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, khi đó anh Duyên Anh làm tại Nhật báo Sống, khi biết chuyện này, anh Duyên Anh đã viết bài bênh vực tận tình một tên sinh viên cô thế là tôi.

LD: - Làm thế nào Duyên Anh biết anh có mâu thuẫn với Hội Đồng Khoa của trường đại học Văn Khoa Sàigòn? Anh có thể nói rõ hơn về sự mâu thuẫn đó? Kết quả bài viết bênh vực của Duyên Anh ra sao?

TNL: Chuyện này trẻ con lắm. Năm đó tôi mới học năm thứ nhất ĐH Văn khoa ban Triết. Cuối năm, gần 100 người đi thi thì chỉ có 3 người đậu, trong đó có tôi. Nhưng tôi lại bị đánh rớt vì tôi dã "xé phiếu báo danh". Đây là tác phẩm của những nhà trí thức khoa bảng thời dó là các ông Linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Văn Trung đã áp lực lên ông Bùi Xuân Bảo và ông Khoa trưởng Nguyễn Khắc Hoạch để cương quyết đánh rớt một tên sinh viên cô thế nhưng... cứng đầu. Ông Khoa trưởng Nguyễn Khắc Hoạch vì bị áp lực nên phải thi hành, nhưng ông hiểu chuyện nên đã đề nghị tôi không khiếu nại nữa và cho thi lại kỳ 2. Dĩ nhiên tôi không chịu và Ban Đại Diện Văn Khoa hồi đó đã bênh vực tôi tận tình (các anh Phạm Quốc Bảo và Phạm Quân Khanh hiện ở Cali có thể chứng thực chuyện này). Một người bạn cũng ở trong Ban Đại Diện là anh Nguyễn Tuyển (hiện cộng tác với báo Người Việt tại Cali), vì có làm với báo Sống (ở đường Gia Long, gần đó) nên đã giới thiệu tôi với Duyên Anh và Duyên Anh nhận lời phân trần liền. Hồi đó, tôi kiện lên tận cụ Phan Khắc Sửu, Chủ Tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia (tương đương Quốc Trưởng). Cụ Sửu có tiếp tôi tại Dinh Gia Long (trường Đại học Văn Khoa và Dinh Gia Long chỉ cách nhau có con đường Công Lý mà thôi, nay VC đổi là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và sau đó, cụ chỉ thị cho Bộ Giáo Dục và Viện Đại Học Sàigòn cùng giải quyết câu chuyện. Tôi nhớ mãi lời cụ Sửu nói với tôi: "Qua rất thông cảm với em, nhưng qua cũng đâu có quyền chi...". Sau đó, dĩ nhiên tôi bị thua vì không thể chống lại một thế lực đã cấu kết với nhau vì ở Đại học Văn Khoa thì có Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Viện Đai học Sàigòn thì do Lâm Thanh Liêm làm Tổng thư ký kiêm trưởng ban Địa Lý tại Đại học Văn Khoa, còn tại Bộ Giáo Dục thì do Lý Chánh Trung làm Tổng thư ký. Những tên này là ai thì sau 1975 mọi người đều rõ. Có 4 Giáo sư đã bênh vực tôi hết mình là GS Langlet Quách Thanh Tâm (Trưởng ban Sử), GS Lê Thành Trị (Trưởng ban Triết Tây), GS Linh mục Kim Định (Ban Triết Đông, đã mất) và GS Trần Trọng San (Ban Văn chương Việt Hán, đã mất). Nhưng tiếng nói của 4 người cũng không thể chống lại tập đoàn nói trên. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình trẻ con nhưng bọn họ còn trẻ con hơn mình nữa. Các anh Nguyễn Tuyển, Phạm Quốc Bảo, Phạm Quân Khanh hiện định cư tại Cali biết rõ vụ này.

LD: Theo anh Duyên Anh là nhà văn lắm tài, nhiều tật. Anh có thể chi tiết rõ rệt hơn những tật "đáng ghét" cũng như những tài "đáng quý" của Duyên Anh?

TNL : Cái đáng quý nhất của Duyên Anh, theo tôi, là chơi hết lòng với những ai mà Duyên Anh đã nhận là bạn bè hay anh em. Ngoài cái chuyện nhỏ nhặt của tôi như đã nói ở trên, sau 1975, khi anh Trần Trung Quân bị bắn ở Texas Hoa Kỳ khoảng cuối thập niên 1980, Duyên Anh đã viết một bài rất cảm động để bênh vực người cầm bút chống lại những bạo hành bất kể từ đâu đến. Và ai cũng biết rằng như vậy là Duyên Anh đã chấp nhận "gây chiến" với một thế lực chính trị khá mạnh hồi đó chỉ vì đã bênh vực ký giả kiêm soạn giả cải lương Trần Trung Quân.

Cái mà mọi người cho là đáng ghét nhất của Duyên Anh, theo tôi, có lẽ là cái tự kiêu của một nhà văn có tài nhưng lại có một thuở hàn vi rất cơ cực. Do đó, Duyên Anh rất ghét những kẻ "dựa hơi người khác", những kẻ ưa khoe khoang và nhất là ưa mang bằng cấp ra khoe. Và cái ghét ấy càng trở nên cay độc dưới ngòi bút Thương Sinh.

LD: Nói đến Duyên Anh thì không thể bỏ qua Thương Sinh. Xin anh cho biết giá trị và hiệu năng của ngòi bút Thương Sinh khi viết trên các báo của miền Nam Việt Nam?

TNL: Trước 1975, Kha Trấn Ác (nhà văn Chu Tử) và Thương Sinh là hai cây bút châm biếm "dễ sợ" nhất. Ai cũng ngại đụng độ với hai cây bút này. Phải nói ngay là trong giai đoạn đầu còn nhiều tự chế nên hai cây bút này đã đóng góp khá tích cực trong việc đả kích những thói hư tật xấu, nhất là trong chính giới như các ông bà dân cử bất tài hay những viên chức, sĩ quan cao cấp nhưng bất xứng. Nhưng càng về sau, tức là từ cuối thập niên 60 tới 1975, với cường độ chiến tranh ngày càng dữ dội, những bài châm biếm của Thương Sinh đã mất đi tính tự chế mà trở nên cay độc hơn. Oán thù cũng từ đây mà ra.

LD: Rất nhiều người ghét cay ghét đắng Thương Sinh nhưng cũng vô số độc giả ngưỡng mộ Thương Sinh. Nhận định của anh về hiện tượng này ra sao?

TNL: Đây là một sự thật không thể chối cãi. Chính anh Duyên Anh trong những lần tâm sự cũng đã nhận định như vậy. Nhiều lần anh đã nói: "Tớ chỉ muốn làm thằng Duyên Anh, nhưng định mệnh cay nghiệt cứ đưa đẩy để phải trở thành Thương Sinh". Việc có người ghét người thương Thương Sinh cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Thương Sinh thuộc loại người "biết quá nhiều" và những điều Thương Sinh đề cập đến đều là những điều có thật ở xã hội ta hồi đó, chỉ có điều ngòi bút Thương Sinh quá cay độc mà thôi.

LD: Tại sao nhà văn Duyên Anh có những tác phẩm bán chạy nhất trước 1975?

TNL: Chuyện này càng dễ hiểu vì Duyên Anh đã khai thác một môi trường còn bỏ hoang, không đối thủ. Thời điểm đó, văn học Miền Nam hầu như chỉ có hai trường phái chính : trường phái "dễ dãi, bình dân" như Tùng Long, Dương Hà và cả Bình Nguyên Lộc, vv… và một trường phái "làm nghệ thuật" như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, vv… Tất cả những trường phái này hầu như quên lãng mất tuổi trẻ trong khi Duyên Anh lại dồn hết khả năng thiên phú của mình vào lãnh vực này.

LD: Nội dung của những tiểu thuyết của Duyên Anh có gì mới lạ so với những tiểu thuyết của các nhà văn đương thời khác?

TNL: Theo tôi, sự khác biệt là Duyên Anh đã can đảm nhìn thẳng vào cuộc đời trước mặt qua kinh nghiệm của chính bản thân mình cũng như của bằng hữu mình trong khi trường phái "dễ dãi, bình dân" quá ước lệ, cổ điển qua các mối tình ướt át của một Hồ Biểu Chánh kéo dài, trong khi trường phái "làm văn nghệ" du nhập những tư tưởng mới của Tây Phương qua những suy tư, dằn vặt đôi khi rất nặng nề, nhiều kịch tính ; trong khi tiểu thuyết của Duyên Anh rất sống động như một thiên phóng sự về cuộc đời trước mặt.

LD: Duyên Anh thường nói là ông viết văn theo lối "Quốc Văn Giáo Khoa Thư". Phải chăng lối viết văn này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công?

TNL: Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần. Cái quan trọng là Duyên Anh đã có một cái nhìn sắc bén, và qua chính cuộc đời chìm nổi của mình, ông đã tạo nên những nhân vật thật chứ không ước lệ hay suy tư một cách sách vở và giả tạo như các trường phái đương thời.

LD: Nhà văn Quyên Di nhận định: "Lối viết của Duyên Anh đi thẳng vào vấn đề. Nó mạnh và chân tình". Suy nghĩ của anh về nhận định này?

TNL: Tôi cũng đồng ý với anh Quyên Di. Lối viết này đã gây xúc động mạnh nơi người đọc vì nó không có mục đích "làm dáng". Nhưng nó cũng đã gây nhức nhối nơi những người xấu bị Duyên Anh nhắc đến để tạo thành oán thù bởi vì tác phẩm nào của Duyên Anh cũng đều là những bức tranh có thực ngoài đời kèm theo một chút hư cấu của tiểu thuyết.

LD: Tiểu thuyết "Ngựa Chứng Trong Sân Trường" là một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của nhà văn Duyên Anh. Ảnh hưởng của tiểu thuyết này nhất là trong vụ "trò đánh thầy" ở Nha Trang như thế nào?

TNL: Tôi không nghĩ rằng vụ "trò đánh thầy" là do ảnh hưởng của Duyên Anh. "Ngựa chứng trong sân trường" là tập hợp của nhiều mẫu chuyện có thật ngoài đời, và với cái nhìn bén nhạy và ngòi bút sống động, Duyên Anh đã tạo nên những nhân vật tiêu biểu của xã hội thời đó. Cũng như các nhân vật du đãng chẳng hạn. Duyên Anh đã mượn những câu chuyện kể, những hình ảnh có thật của những nhân vật du đãng thực để tạo nên nhân vật Trần Đại chứ đâu phải vì đọc tác phẩm của Duyên Anh rồi trở nên du đãng ?

LD: Vì một vụ "trò đánh thầy" ở Nha Trang nên Duyên Anh mới viết "Ngựa Chứng Trong Sân Trường". Anh có thể cho biết ảnh hưởng của tác phẩm đó đối với độc giả thời bấy giờ? Có "tin đồn" là vì tiểu thuyết quá nổi tiếng đó đã khiến một số người muốn Duyên Anh làm dân biểu thành phố Nha Trang?

TNL: Tất cả những tác phẩm của Duyên Anh đều mang tính thời sự. Chất chứa những quan niệm,duyenanh3 những suy tư và những kinh nghiệm của tác giả với những vấn đề, những sự kiện đang xảy ra quanh mình. Duyên Anh không chạy trốn thực tại để chui vào tháp ngà của văn chương, dù đó có thể là một thực tại đau thương. Duyên Anh can đảm chọn đề tài và xông vào với ước mơ giải quyết. Giải quyết không phải chỉ chung cho xã hội mà còn giải quyết những hằn đau của chính mình. Do đó, tác phẩm của Duyên Anh gần với những phóng sự xã hội hơn là với thế giới văn chương, dù rằng Duyên Anh vẫn tận dụng những hình ảnh hư cấu của tiểu thuyết. Chuyện người dân Nha Trang muốn Duyên Anh là dân biểu ở Nha Trang thì tôi không biết rõ. Nhưng nếu chuyện ấy có thật thì không có gì lạ. Vì cho đến bây giờ, sau khi Duyên Anh qua đời đã lâu mà người thương vẫn nhiều mà người ghét vẫn không ít đi với thời gian!

LD: Sau ngày 30/4/1975, trước khi Duyên Anh đi tù, anh có thường liên lạc với Duyên Anh? Nếu có, thái độ và suy nghĩ của Duyên Anh trong thời kỳ đó như thế nào?

TNL: Điều này tôi xin miễn trả lời vì một lý do rất dễ hiểu là tôi bị bắt trước khi có vụ "đi học tập cải tạo tập trung" của các sĩ quan và viên chức cao cấp của miền Nam cũng như vụ càn quét văn nghệ sĩ sau đó. Được thả năm 1980, tôi rất ít ở Sàigòn mà lặn lội ở vùng từ Biên Hòa, Bà Rịa, Phước Tĩnh, Long Hải, Lộc An, Xuyên Mộc để tính chuyện vượt biển. Thỉnh thoảng có dịp ghé về Sàigòn cũng ít gặp lại anh em bạn bè cũ. Nếu có gặp cũng rất ngại ngùng, không dám nói nhiều, vì không khí Sàigòn giai đoạn này rất ngột ngạt, khó thở. Không dám tin ai nữa. Tin đồn thì nhiều nhưng không thể kiểm chứng.

LD: Sự đối xử của chính quyền cộng sản đối với văn nghệ sĩ miền Nam nói chung, cũng như đối với Duyên Anh nói riêng ra sao?

TNL: Trong suốt giai đoạn này, tôi không có dịp gặp Duyên Anh cũng như một số người khác vì đa số nếu còn kẹt lại thì đều đi tù cả. Nhìn chung, chính sách của chính quyền CS đối với văn nghệ sĩ miền Nam là loại hẳn thành phần này ra khỏi cuộc sống. Anh em bị theo dõi gắt gao bởi những tên nằm vùng. Tất cả những lời nói hoa mỹ chỉ nhằm trấn an, giảm bớt những căng thẳng đang phủ khắp trong đời sống người dân miền Nam. Như trên đã nói, tin đồn thì nhiều, nhưng không thể kiểm chứng. Người tôi thường gặp nhất là nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng, anh vá xe đạp ở một góc đường ở Đakao. Trần Tuấn Kiệt thì rất thê thảm. Trong khi đó, Từ Kế Tường thuộc "lò" của Duyên Anh thì làm lớn trong Sở Công an vì có ông bố vợ tập kết và làm lớn trong ngành. Tôi rất ngại gặp những người bạn cũ thuộc loại "có gia đình tập kết" hay "có công với cách mạng".

LD: Lý do nào khiến anh bị bắt trước khi có vụ "đi học tập cải tạo tập trung" của các sĩ quan và viên chức cao cấp của miền Nam cũng như vụ càn quét văn nghệ sĩ sau đó?

TNL: Sau 1975 thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Như đã trình bày ở trên, tôi làm việc tại Việt Tấn Xã và có thời gian làm việc với Đài Phát Thanh Sàigòn cũng như đài phát thanh quân đội. Vì thế mỗi khi đi theo những đơn vị hành quân, tôi cũng mặc đồ lính như mọi người để dễ dàng làm nhiệm vụ tại chiến trường dù rằng tôi không phải là lính. Khi xong việc, trở lại Sàigòn, tôi ghé ngang nhà để tắm rửa và thay đồ. Chính vì vậy mà một ông nằm vùng tại xóm tôi đã tố cáo với công an VC rằng tôi là loại "lính mặc thường phục" vậy không phải là sĩ quan tình báo thì cũng là... CIA. Họ lý luận đơn giản như vậy và tôi được "hân hạnh" đi tù sớm hơn mọi người.

LD: Nguyên nhân nào khiến cộng sản xếp Duyên Anh vào một trong những biệt kích văn nghệ nguy hiểm nhất của miền Nam Việt Nam?

TNL: Rất dễ hiểu vì Duyên Anh hiểu quá rõ thế nào là cộng sản. Duyên Anh đã tham gia vào các đảng phái chính trị chống cộng rất sớm (trước cuộc di cư năm 1954). Toàn bộ tác phẩm của Duyên Anh đã phản ánh rõ điều này. Một yếu tố phụ nhưng cũng quan trọng : một số những tên VC nằm vùng trong giới văn nghệ ở miền Nam đã đóng góp tài liệu cho cuốn sách trên, trước đó đã có nhiều thù oán với các bài chỉ trích của Thương Sinh.

LD: Khi Duyên Anh ra tù, anh và anh Duyên Anh gặp lại nhau ở Việt Nam?

TNL: Như trên đã trình bày, tôi không gặp lại Duyên Anh ở Việt Nam sau ngày 30-4-75. Năm 1982, tôi tới được trại Palawan (Philippines). Ở đây thì những lời đồn đãi về Duyên Anh nhiều hơn, nhưng chỉ thuộc loại "nghe nói", "nghe kể" mà thôi. Mãi tới cuối năm 1983 tôi mới gặp lại Duyên Anh ở Paris.

LD: Thời gian còn bên Việt Nam, anh đã nghe đồn Duyên Anh là ăng ten? Nếu có, trong trường hợp như thế nào? Anh tin hay không vào những lời đồn đại đó?

TNL: Như đã trình bày ở trên, những lời đồn "Duyên Anh làm ăng ten" tôi có nghe xầm xì ở Sàigòn, nhưng cũng chỉ là loại "nghe nói" mà thôi. Tôi chưa gặp được ai chứng nhận là ở cùng trại với Duyên Anh hoặc là nạn nhân trực tiếp của Duyên Anh trong tù. Còn có tin hay không thì tôi có thể trả lời là "không" và "có".

"Có" vì nếu có ở tù VC trong giai đoạn sắt máu bi thảm này thì thấy rằng chuyện đó có thể xảy ra vì sự yếu đuối của con người trước hoàn cảnh tuyệt vọng cùng cực tại đây. Cũng cần ghi lại ở đây là gương hào hùng của các tù nhân cải tạo nhiều lắm, nhưng phần lớn những người này đã nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất mẹ vì cái đòn thù dã man, đê tiện của bọn VC : xác chết được dàn cảnh mắc lên hàng rào với tội danh và chứng tích là "trốn trại". Sự thật bi thảm là có nhiều người hùng trong tù, đồng thời cũng có nhiều ngôi mộ hoang tại một góc rừng nào đó. Còn những "người hùng" mà sống sót, ra được hải ngoại để viết hồi ký tự tuyên xưng mình, thì, xin lỗi, cũng cần phải xét lại.

"Không" vì tôi cũng đã chứng kiến nhiều chuyện tương tự. Cũng trong hoàn cảnh cực kỳ bi thảm và tuyệt vọng như vậy, nhiều người đã có những sáng kiến thật độc đáo tùy theo với ước mơ và bản chất của chính mình. Sự tưởng tượng đã được đẩy tới cao độ và mọi chuyện đều có thể được sáng tạo trong hoàn cảnh này. Duyên Anh có thể là nạn nhân và lãnh hết mọi hậu quả do Thương Sinh đã gây ra trước đó. Ta cũng không nên quên bọn người quỷ quyệt, họ rất giỏi trong việc chia để trị. Dễ lắm, chúng muốn hại ai chỉ cần cho người đó một vài đặc ân như cho làm việc nhẹ, lâu lâu lại miễn lao động một lần. Thế thôi. Và lòng nghi ngờ xen lẫn ghen tị của một vài người cũng đang tuyệt vọng khác có cơ bùng phát. "Thằng đó là ăng ten" ! Thật đơn giản nhưng đã xảy ra cùng khắp. Ngay ở cộng đồng VN hải ngoại bây giờ cũng vậy, tuy hình thức có khác, nhưng không ngoài mục đích chia để trị hoặc triệt hạ một cá nhân nào đó, nếu chúng thấy người này nguy hiểm cho chúng.

LD: Thái độ của các văn nghệ sĩ miền Nam tại Việt Nam về những lời đồn đại "Duyên Anh là ăng ten" vào những năm tháng đó?

TNL: Như đã trình bày ở trên : Duyên Anh là nạn nhân của Thương Sinh! Do đó, nguồn tin "Duyên Anh là ăng ten", ai thương Duyên Anh thì không tin hoặc bán tín bán nghi, còn những người có ân oán giang hồ với Thương Sinh thì cho chuyện này là có thật, dù họ chỉ "nghe nói". Thật tình, trong số những văn nghệ sĩ mà tôi gặp, trong đó có cả những người thuộc loại "nằm vùng" cũng không có ai nêu ra vấn đề này trong câu chuyện. Mà câu chuyện "Duyên Anh làm ăng ten" chỉ được thường xuyên nhắc tới ở giới "ngồi lê đôi mách" la cà ở các quán cà phê bên đường; mà giới này thì nhiều công an chìm và chỉ điểm lắm…

LD: Thái độ của các văn nghệ sĩ miền Nam tại Paris (khi anh đến định cư) về những lời đồn đại đó?

TNL: Chuyện này thì hơi dài dòng. Sau 30-4-75, số văn nghệ sĩ chạy qua Pháp và Âu châu ít lắm. Đếm không quá 10 đầu ngón tay. Ngay như BCH Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đầu tiên phục hoạt tại Pháp năm 1977 cũng chỉ có mình chị Minh Đức Hoài Trinh và Luật sư Trần Thanh Hiệp là danh chính ngôn thuận mà thôi. Các thành viên còn lại đều thuộc loại "chưa hề có tác phẩm". Có người còn chưa viết nổi một cái truyện ngắn hay một bài thơ xoàng, kể cả ông Tổng Thư Ký. Trong hoàn cảnh như thế, thì "thái độ" của các "văn nghệ sĩ" này kể như không đáng kể, bởi vì họ cũng thuộc hàng ngũ "nghe ông X nói". Hỏi đến ông X thì lại "do thằng Y nói", vv… Tôi có thể nói thẳng là việc thổi phồng chuyện này ở hải ngoại là do chính những "liên hệ không hòa thuận trong quá khứ" của cá nhân ông TTK Văn bút "không tác phẩm" với nhà văn "thứ thiệt" Duyên Anh mà ra cả. Còn các văn nghệ sĩ đúng nghĩa khác ở Paris và Âu châu không ai thắc mắc về vấn đề này . (Ông TTK này vốn là một sĩ quan cấp tá, làm xếp một tờ báo của một quân chủng trước 75, nhưng bài vở hoàn toàn do người khác viết).

LD: Anh nói "thẳng" hơn để mọi người rõ những "liên hệ không hòa thuận trong quá khứ" của cá nhân ông TTK Văn bút "không tác phẩm" với nhà văn "thứ thiệt" Duyên Anh? Ông TTK tên gì, trước đây làm gì, hiện nay hoạt động ra sao...?

TNL: Thôi thì tôi cũng phải nói cho mọi người khỏi thắc mắc. Vấn đề này tôi đã trình bày rất chi tiết và rõ ràng trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong mấy năm trước, khi mà Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại chia làm 2 phe đánh nhau tận mạng, mà nguyên nhân là các nhà văn Việt Nam tại nơi khác không hiểu rõ về những vướng mắc ban đầu tại Paris của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Sau 1975, một số người có tâm huyết tại Paris đã thúc đấy nhà văn Minh Đức Hoài Trinh bằng những liên hệ tốt đẹp của mình giành lấy Hội Văn Bút nếu không thì bọn Việt Cộng sẽ giành mất. Kết quả thành công như mọi người mong muốn. Nhưng một vấn đề quan trọng xảy ra: số nhà văn đúng nghĩa định cư tại Paris, Pháp cũng như Âu Châu quá ít, không đủ cho một Ban Chấp Hành. Do đó có hiện tượng là Thủ quỹ của Văn Bút Việt Nam hải ngoại là một ông chưa hề viết bao giờ và viết tiếng Việt thường cũng không chỉnh. Và ông Tổng Thư Ký là người chưa hề có tác phẩm dù là 1 cái truyện ngắn hay một bài thơ loại thường. Ông thủ quỹ thì không có vấn đề nhưng ông Tổng Thư Ký là nguồn gốc của giông bão. Đó là ông Trần Tam Tiệp. Trước 1975, ông Tiệp là Trung tá Không Quân, phụ trách tờ nội san Lý Tưởng của Không Quân. Hồi ở Sàigòn, tờ Lý Tưởng đăng bài của các nhà văn thuộc quân chủng Không Quân mà các cây viết chính của tờ báo là các nhà văn "thứ thiệt" gia nhập Không Quân với tính cách là Hạ sĩ quan "đồng hóa" để làm báo, khỏi phải ra mặt trận. Trở lại Paris, việc làm của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại hồi này rất bận rộn vì một mặt phải củng cố vai trò của mình, mặt khác phải kiếm phương tiện để giúp đỡ các văn nghệ sĩ còn kẹt lại ở bên nhà. Như đã nói ở trên, ông Tổng thư ký Trần Tam Tiệp vì không phải là một nhà văn và cũng chẳng phải là một nhà báo đúng nghĩa, mà ông nắm tờ Lý Tưởng chỉ vì ông là sĩ quan cao cấp ngành Tâm Lý Chiến (ông phụ trách về An ninh phi trường) nên trong việc giúp đỡ anh chị em bên nhà còn nhiều sai sót vì ông chỉ gửi cho những ai mà ông quen biết trước kia mà thôi, kế đó là các văn nghệ sĩ quân đội. Còn các văn nghệ sĩ dân sự thường bị sót tên mà Duyên Anh là một trong số những người bị sót tên đó. Như trên đã nói, bản chất Duyên Anh rất cứng, không chịu "xuống nước", nên lời qua, tiếng lại, xích mích ngày càng nặng. Khi Duyên Anh qua Pháp năm 1983 (trước tôi mấy tháng) thì không khí cuộc gặp gỡ rất nặng nề... Năm 1986 hay 87 (tôi nhớ không rõ vì bài trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong chưa tìm ra), Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại bầu lại. Nghe tin này, chúng tôi gồm những những người không phải là hội viên (gồm ông Mai Trung, Giám đốc nhà xuất bản Nam Á, nhà văn Duyên Anh, nhà văn Nguyên Vũ, ông Phạm Hữu, chủ nhiệm tờ Chiến Hữu, Dịch giả Bạch Phát Tú Tài và tôi) rủ nhau ghé qua xem có gặp ai quen không. Chúng tôi đã gặp một sự thật thê thảm: trong phòng chỉ có 4 người là: ông Tổng thư ký Trần Tam Tiệp, hai hội viên là ông bác sĩ Bảng, ông Tô Vũ (không phải nhạc sĩ Tô Vũ đâu) và nhạc sĩ Lê Trạch Lựu (tác giả bài Em tôi, nhưng sau đó nhạc sĩ Lê Trạch Lựu cho biết ông không phải hội viên, chỉ ghé qua chơi mà thôi). Còn các nhân vật khác đều vắng mặt, đó là: ông Chủ tịch luật: sư Trần Thanh Hiệp, Phó chủ tịch: nhà báo Ang Ca(Bỉ), thủ quỹ và các hội viên chính thức như các nhà văn Hồ Trường An, Kiệt Tấn... (Về sau được biết là không một ai được mời hay thông báo gì cả, trừ nhà báo Nguyễn Ang Ca được mời qua điện thoại, nhưng vì mời gấp quá lại không có phương tiện nên không thể qua Paris...) Trước cái đại hội quái đản như vậy, Duyên Anh và Nguyên Vũ cũng như mọi người đề nghị nên hoãn lại một tháng và phải gửi giấy mời đến ít nhất là các thành viên của Ban Chấp Hành v.v... Thế là sau đó ít lâu, trong đại hội bầu Ban Chấp Hành mới, ông Trần Tam Tiệp đã từ chối khi được đề nghị vào chức Phó Chủ tịch và tuyên bố rút ra khỏi Văn Bút và tung bài trên báo ở Mỹ tố Duyên Anh là "ăng-ten" như mọi người đã biết.

LD: Đã có nhà văn, nhà báo nào lên tiếng, bênh vực hẳn hòi cho Duyên Anh?

TNL: Ở những nơi khác thì tôi không rõ. Còn ở Pháp và Âu châu thì chưa có. Như đã nói ở trên, các văn nghệ sĩ thực thụ ở đây không ai bận tâm đến vấn đề này. Chuyện này chỉ có nơi các nhà văn không tác phẩm mà thôi.

LD: Tại sao những bạn văn, bạn đời, bạn thân, bạn chữ nghĩa của Duyên Anh trước 1975 như: Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo, Nguyên Sa... hoàn toàn im lặng về vấn đề đó? Thậm chí, Tạ Tỵ là nhà văn công kích Duyên Anh nhiều nhất và Mai Thảo thì "im lặng ủng hộ" Tạ Tỵ hoàn toàn? Nói một cáck khác, tại sao có sự thay đổi 180 độ giữa tình bạn của Duyên Anh với những bạn văn rất thân thiết trước 1975? Nguyên nhân chính là "ăng ten"?

TNL: Câu hỏi này khá tế nhị, nếu không muốn nói là khó. Đầu tiên tôi xin nhắc lại là "bạn" với Duyên Anh thì Mai Thảo và Nguyên Sa có thể. Nhưng Nguyễn Xuân Hoàng và Tạ Tỵ thì không. Trường hợp Mai Thảo và Nguyên Sa ta có thể hiểu được vì hai ông này chơi với cả Tạ Tỵ lẫn Duyên Anh. Thêm nữa, nói ra một điều mà không có chứng cớ rõ ràng thì những nghệ sĩ cỡ như Mai Thảo và Nguyên Sa sẽ không nói. Riêng trong một cuộc gặp gỡ ở Paris vào khoảng năm 85 hay 86, Mai Thảo và Duyên Anh rất tương đắc với nhau. Lần này có cả nhà văn Võ Phiến, người mà trước 75 đã bị Duyên Anh tấn công nhiều lần. Và cả ba người đã vui vẻ cụng ly bỏ hết quá khứ. Tôi còn giữ được một bài viết của nhà văn Hồ Trường An và một bài của chính tôi cùng hình ảnh về buổi hội ngộ này. (Những tài liệu này dài quá, nếu các bạn muốn, cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi tới để các bạn có thể tùy nghi sử dụng, chính bản viết tay của Hồ Trường An cũng như của Duyên Anh).

Trường hợp Tạ Tỵ công kích Duyên Anh thậm tệ cũng không khó hiểu lắm vì hai người đã "không ưa nhau" từ trước 1975. Thêm nữa, sau 1975, VC có xuất bản cuốn "Mười tên biệt kích văn nghệ…" để kết tội một số văn nghệ sĩ của miền Nam. Cuốn này tôi đã đọc khi còn kẹt ở Sàigòn. Duyên Anh, Mai Thảo, Võ Phiến đều bị hài tội, nhưng Tạ Tỵ thì không có tên trong danh sách "biệt kích" này. Tôi cũng chưa có hân hạnh đọc cuốn hồi ký của Tạ Tỵ. Nhưng nếu quả thật ông Tạ Tỵ nhận mình là một trong số những tên biệt kích ấy thì thật khôi hài.

Còn Nguyễn Xuân Hoàng thì đâu đủ "nội lực" để kết tội Duyên Anh vì sau 30-4-75, ông Hoàng đã làm gì ở Sàigòn, ông ta im lặng là khôn ngoan, nói nhiều không có lợi.

LD: Những dữ kiện nào khiến anh kết luận Tạ Tỵ và Duyên Anh "không ưa nhau" từ trước 1975?

TNL: Trước 1975, Tạ Tỵ là một sĩ quan ngành Chiến Tranh Tâm Lý (Trung tá). Hoạt động về hội họa của Tạ Tỵ chỉ ở mức bình thường, đời sống sung túc, thoải mái. Trong khi đó, Duyên Anh nghèo, đi theo một nhóm đàn anh làm cách mạng, bị thất bại, bị bỏ rơi, xoay qua viết lách và làm báo, trốn quân dịch, lại nổi tiếng. Hai hoàn cảnh này rất khó "gặp nhau", hợp nhau và thông cảm nhau. Thêm nữa, bản tính của Duyên Anh lại mang tính cách của một "anh hùng Lương Sơn Bạc" hay như một tay "giang hồ" chuyên cứu khổn phò nguy, sẵn sàng giúp đỡ người thân cô yếu thế, chống lại kẻ cường quyền áp bức. Trong khi Tạ Tỵ là một sĩ quan rất thuần thục trong việc ra lệnh cho thuộc cấp và có một cuộc sống "kỷ luật" qua chức vụ của ông, dù ông cũng là một nghệ sĩ.

LD: Sau 1975, theo Vũ Trung Hiền, Tạ Tỵ đã đến thăm Duyên Anh. Rồi với một lý do nào đó, sang đến Mỹ, Tạ Tỵ tung tin Duyên Anh "ăng ten" dẫn đến cuộc "khẩu bút chiến" giữa hai nhà văn này. Sự "thù ghét" đó, theo anh, do đâu mà bùng nổ?

TNL: Chuyện Tạ Tỵ đến thăm Duyên Anh cũng không có gì là lạ cả. Sau 1975, những người đồng trang lứa thời đó, nếu không chạy ra ngoại quốc thì đều bị vào tù hết. Khi Tạ Tỵ được thả thì ở Sàigòn anh em đâu còn ai? Không đến gặp người "đồng cảnh ngộ" như Duyên Anh hay một ai đó để có thể tâm sự cho vơi niềm cô đơn, thì đi nói chuyện với ai? Con nít thì đâu có biết gì? Chẳng lẽ lại đi chuyện trò với công an Việt Cộng? Và điều Tạ Tỵ đến thăm Duyên Anh chứng tỏ rằng lúc đó Tạ Tỵ chưa "biết", chưa "nghe" nói đến chuyện "Duyên Anh là ăng ten". Điều này cho ta thấy rõ là câu chuyện "Duyên Anh làm ăng-ten" chưa được ai đó tạo dựng. Tin đồn này chỉ tới với Tạ Tỵ sau đó, do những "tin tức" từ hải ngoại truyền về, hoặc Tạ Tỵ chỉ được "thông báo" tin này khi sang tới Mỹ định cư mà thôi!

LD: Đã có Nguyễn Đình Đức - Phó Quận Trưởng, một cựu tù cải tạo từng ở tù chung đội với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn, kể lại sự thật về cái chết của Nguyễn Mạnh Côn không như lời thiên hạ đồn đãi là do Duyên Anh gây ra. Đã có Lê Xuân Quỳnh - làm cho Việt Tấn Xã - ở tù chung với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn, chứng kiến đầy đủ mọi chi tiết, tình huống về sự ra đi của Nguyễn Mạnh Côn. Lê Xuân Quỳnh đã viết một bài thật đầy đủ để cho những người u tối sáng mắt ra. Đã không có, không hề có những lên tiếng của các hội đoàn, các trung tâm văn bút công khai bênh vực Duyên Anh! Và càng không có, không bao giờ có những lên tiếng xin lỗi của những người làm văn hóa từng chỉ trích Duyên Anh "ăng ten"! Nhận định của anh về thái độ sống của những người đó như thế nào? Và tại sao chỉ với duy nhất một Duyên Anh mà thôi

TNL: Như đã trình bày nhiều lần ; Duyên Anh là nạn nhân của chính sự thành công của mình. Dù tốt, dù xấu, Duyên Anh có tư cách đứng riêng của Duyên Anh, có thế đứng của Duyên Anh, không thể đồng hóa Duyên Anh với những người khác. Anh Lê Xuân Quỳnh tôi có biết và tôi tin anh Lê Xuân Quỳnh. Người ta không ưa Duyên Anh vì cái tội Duyên Anh nổi tiếng hơn họ. Lòng ghen ghét đến mù quáng khiến họ mất cả lý trí, nhất là khi tác phẩm của Duyên Anh được một nhà xuất bản của Pháp chuyển ngữ và xuất bản, sau đó, tác phẩm của Duyên Anh đã được một nhà làm phim Pháp dựng thành phim. Duyên Anh là cái đích tốt nhất để nhắm tới.

Đạp ngã Duyên Anh để chứng tỏ mình hơn Duyên Anh chứ không ai đi kiếm chuyện với một kẻ bất tài vô tướng cả. Còn các ông, bà Văn, Bút hay các Hội đoàn khác thì thuộc ba loại sau: Thứ nhất là những người đã ra nước ngoài từ lâu, không biết hư thực ra sao nên không có ý kiến. Thứ nhì là loại ích kỷ và thiếu can đảm. Biết Duyên Anh bị vu oan nhưng không dám lên tiếng vì "sợ mất lòng" các người khác, sợ bị chửi, sợ bị tố cáo lỗi lầm trước đó của mình nên đã giữ thái độ "đèn nhà ai, nhà nấy rạng" hoặc "chín bỏ làm mười", nhắm mắt qua cầu! Loại thứ ba là những kẻ bị mặc cảm "đào ngũ", ghen ghét với sự thành công của Duyên Anh và những kẻ hận thù Duyên Anh trước 1975 đã làm bậy và bị Thương Sinh hỏi thăm trên báo. Thêm nữa là có sự hậu thuẫn của một nhà xuất bản lớn ở Mỹ đã làm giàu bằng cách tự động in lại, nhiều tác phẩm của thời trước 1975, trong đó có nhiều tác phẩm rất ăn khách của Duyên Anh, với chiêu bài "bảo tồn và phát huy văn hoá" nhưng lại "quên" mất chuyện trả tác quyền cho các tác giả này, dù nhà xuất bản đã trở nên giàu có qua công việc này. Người ta dễ nói tới chuyện ở xa lắc xa lơ, trên trời dưới biển hơn là đề cập tới những vấn đề thiết thực trước mặt cộng đồng.

LD: Một trong những việc làm "nguy hiểm, lạ đời, chẳng giống ai" của nhà văn Duyên Anh là đả phá, đả kích, đả đảo Mặt Trận Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh. Một tổ chức chống cộng rất được sự ủng hộ đông đảo của quần chúng hải ngoại lúc bấy giờ. Phải chăng vì "đi ngược chiều bánh xe lịch sử" nên Duyên Anh đã bị "bề hội đồng" (chữ của Duyên Anh và Phạm Kim Vinh) thậm tệ bởi những người thù ghét Duyên Anh, những người mượn cơ hội trả thù cũng như những người không biết phân biệt trắng đen cứ đánh nhầu nhân vật Duyên Anh?

TNL: "Nguy hiểm" thì đúng, còn "lạ đời, chẳng giống ai" thì phải xét lại. Như đã trình bày ở phần trên, Duyên Anh ra đời và tham gia vào đảng phái chính trị rất sớm. Ông đã phải vật lộn gian lao với cuộc sống, với kẻ thù (VC) và với chính cả một số lãnh tụ đàn anh thuộc loại thời cơ của đoàn thể mà ông gia nhập. Rồi với cái nhận xét sắc bén thiên phú của một nhà văn đã kết tụ trong ông một kinh nghiệm quý báu và đớn đau mà ít người có được. Do đó việc ông nhìn thấy trước nhiều người không còn là điều lạ lùng nữa. Với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh thì dù không đồng ý, người ta vẫn kính trọng ông. Nhưng với ông Hoàng Cơ Định thì không. Mọi người làm báo ở Sàigòn trước 1975 đều biết rõ ông HC Định đã làm gì ở trường Cao đẳng Hóa học Phú Thọ. Duyên Anh lại càng biết rõ chuyện này. Duyên Anh đã can đảm nói ra sự thật trong khi những người khác "khôn ngoan" hơn đã im lặng "nín thở qua cầu", thậm chí có người còn tham gia và ngày nay làm chủ một gia tài rất lớn nữa.

Còn đám người chuyên a dua hùa theo để đánh lén, đánh hội đồng thì ở đâu cũng có. Đối với họ, ai cũng là VC hết, chỉ trừ những tên đang nhởn nhơ trong các tòa đại sứ của Hà Nội ở hải ngoại. Họ thù VC thật đấy, nhưng họ lại thiếu can đảm đối đầu trực diện với VC (dù chỉ là tham dự một cuộc biểu tình ở trước Sứ quán VC) nhưng ai không làm như họ là bị kết tội, bị chụp mũ, ai không theo họ là có thể bị ăn đòn trong khi bản thân họ, nhóm họ không dám đụng đến một sợi lông chân của bọn CS. Ở Pháp, ông Trần Hồng cũng bị loại người này chụp nón cối. Bây giờ đến lượt bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Quý vị có theo dõi trên Net sẽ thấy. Thật "oai hùng" khi họ đối xử như vậy với một phụ nữ còn đang vướng vòng lao lý vì lý tưởng của mình và hoàn toàn không có phương tiện để tự vệ.

LD: Thời gian đã trả lời là "Nhà Tiên Tri" Duyên Anh đã đi trước, biết trước, nhìn trước, hiểu trước những điều mà vô số người ngờ nghệch không biết, không muốn biết... Phải chăng đấy chính là hệ lụy của nhà văn thiên tài này ?

TNL: Galilée ngày xưa còn xuýt nữa bị Vatican đưa lên dàn hỏa cũng chỉ vì cái tội "biết trước thiên hạ". Duyên Anh cũng là nạn nhân của chính sự nổi tiếng và khả năng suy đoán bén nhạy của chính mình. Chính Duyên Anh cũng từng có lần tâm sự : "Cũng chỉ tại mình biết nhiều quá" !

LD: Có thể nói một trong những nguyên nhân khiến Duyên Anh bị cô lập là do nhà văn này đã chỉ trích quá nặng các tướng lãnh làm mất miền Nam Việt Nam "đào ngũ trước lệnh đầu hàng" nhưng đến xứ người vẫn muốn xưng hùng xưng bá?

TNL: Đây chỉ là nguyên nhân phụ vì chẳng ai có thể bênh vực được những ông tướng "đào ngũ" trong thời chiến, bỏ đơn vị chạy lấy thân ngay trước cả ngày ông Dương Văn Minh kêu gọi buông súng. Mốt số lớn "hùa" nhau đập Duyên Anh vì cái mặc cảm đào ngũ này. Một số nhỏ khác sau những uất ức, tủi nhục ở trong tù cộng sản, nhưng vì quá sợ, không dám chửi cộng sản nên phải tìm ra cái cớ nào để trút niềm uất hận. Duyên Anh là con mồi lý tưởng cho những gã thợ săn bệnh hoạn và thiếu can đảm đối mặt với cộng sản dù họ đã sống yên bình và bảo đảm tại hải ngoại.

LD: Phản ứng của giới văn nghệ sĩ miền nam Việt Nam nói riêng, cộng đồng việt Nam nói chung tại Pháp khi nghe tin Duyên Anh được Belfont - một trong những nhà xuất bản lớn nhất Paris - ký hợp đồng viết sách, hoặc khi biết Duyên Anh được mời đi đọc thơ tù...?

TNL: Đây cũng lại là một điều đáng buồn. Khi Duyên Anh được những vinh dự ấy thì chỉ những thân hữu của anh cùng những bạn trẻ (sinh viên sinh ra và lớn lên ở Pháp) chú ý và hãnh diện mà thôi. Ngược lại, hố ngăn cách vì tị hiềm ghen ghét đối với một số người khác càng khơi sâu thêm.

LD: Phản ứng của giới văn nghệ sĩ cộng sản, thân cộng tại Pháp khi biết Duyên Anh, nhà văn "ăng ten" được Giải Thưởng Tự Do của người Pháp trao tặng?

TNL: Như thường lệ, đám CS và thân cộng ở Paris rất kín tiếng. Họ thường không phát biểu, không "xía" vào chuyện của cộng đồng tị nạn. Thêm nữa, báo chí của CS và thân cộng ở Paris èo uột lắm. Thêm nữa, cái đám này tuy khá đông nhưng theo chính sách, đường lối của Hà Nội, chúng chưa bao giờ dám phản đối hay lên tiếng vì bất cứ một vấn đề gì mà báo chí Pháp loan tải hay những quyết định của chính phủ Pháp về những vấn đề tương tự.

LD: Những thi sĩ Việt Nam tai Paris nói chung và nước Pháp nói riêng nhận định gì khi nhà văn Duyên Anh được thi sĩ Pháp mời đi đọc Thơ Tù?

TNL: Thật tình mà nói, thời gian đó (1975-1990) làm gì có "thi sĩ" Việt Nam nào ở Paris hay Pháp đâu? Nhất là ở cái thời điểm mà Pháp mời Duyên Anh đi đọc Thơ Tù! Nếu có chăng thì những "thi sĩ" này còn sống kín trong những "tháp ngà" đâu cần liếc mắt tới chuyện thiên hạ. Thị trường văn học và văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại Paris và Pháo hồi đó nghèo nàn lắm, không sung mãn như ở Hoa Kỳ và Canada đâu.

LD: Người Pháp muốn tìm hiểu gì trong Thơ Tù của Duyên Anh?

TNL: Đây là một vấn đề thuộc bản chất. Người Pháp rất quý trọng những người làm văn học nghệ thuật, nhất là những người làm thơ. Họ chú ý và giới thiệu Thơ Tù vì nó lạ. Người ta chỉ làm thơ tình, nhất là thất tình chứ có mấy ai làm Thơ Tù? Điểm nữa, có ở Pháp lâu mới biết rõ điều căn bản này: họ rất trọng những công trình sáng tạo có tính cách nhân bản. Họ lại biết rằng lý thuyết cộng sản tuy có nhiều điều hay, nhưng trong thực tế thì không hẳn như vậy, nhất là đối với các chế độ cộng sản thuộc trường phái Lênin-nít, Stalin-nít, lại kèm thêm Mao-ít, v.v... Họ chưa có nhiều kinh nghiệm về những sự thật của các trường phái cộng sản này.

LD: Sự độc đáo nào (về nghệ thuật cũng như ý nghĩa) của Thơ Tù khiến những người làm văn hóa Pháp "trả tiền" cho Duyên Anh đọc thơ cho công chúng Pháp nghe?

TNL: Không phải chỉ có Duyên Anh mà thôi đâu. Sau này cả Nguyễn Chí Thiện nữa, và cả các ông nhà văn, nhà báo cỡ Bùi Tín, Vũ Thư Hiên cũng vậy. Còn việc "trả tiền" là chuyện bình thường. Họ là trí thức của một quốc gia văn minh, họ đâu có tinh thần "ăn quỵt" hay "bóc lột" của các tay đầu nậu xứ mình? Cứ nghĩ đến câu "bốn ngàn năm văn hiến" mà mắc cỡ. Tôi xin kể một câu chuyện vui nhưng có thật. Nhà văn Sĩ Trung khi qua Pháp xin được vào làm một chân Giám thị tại một trường trung học của Pháp ở quận 16 Paris. Buổi trưa, ông thường ra quán cà phê trước cổng trường nhâm nhi ly cà phê và viết lách lai rai cho mấy tờ báo ở bên Mỹ, dĩ nhiên là viết chùa, không có nhuận bút mà còn tốn tiền tem gởi bài. Mộ buổi trưa nhàn rỗi, ông Tây chủ quán ra lân la hỏi chuyện lam quen. Sau khi biết Sĩ Trung là nhà văn thì ông chủ quán này có quyết định thật đẹp: Cái bàn mà Sĩ Trung thường ngồi, khi Sĩ Trung vắng mặt đã được đặt ngay 1 tấm bảng nhỏ với hàng chữ "Réservé" dành riêng cho ông nhà văn Việt Nam, cấm Tây con, đầm nhí không được đụng vào.

LD: Pierre Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne nổi tiếng của Pháp, giới thiệu với công chúng Pháp Duyên Anh là "một thi sĩ lớn, một vinh quang quốc gia" (un grand poète, une gloire nationale). Thế nhưng những người làm văn hoá Việt Nam lưu vong, những thi sĩ "lớn" của Việt Nam hải ngoại không hề đề cập, bàn thảo, phân tích về "un grand poète"! Anh giải thích hiện tượng "lạ đời" này như thế nào?

TNL: Câu này tôi đã nói rõ ở các phần trên. Xin nhắc lại một sự thật phũ phàng là phần lớn những nhà làm văn hóa của Việt Nam tại hải ngoại quá thận trọng. Thứ nhất, họ không biết chuyện Duyên Anh hư thực ra sao nên đành an phận, nhắm mắt qua cầu cho yên. Thứ nhì, vì vấn đề mưu sinh và ổn định sau một biến cố lớn nên họ cũng không có thời giờ và can đảm để tìm hiểu sự thật. Thứ ba, thành phần chửi mướn, đánh hôi nhiều quá, lên tiếng có vẻ như bênh Duyên Anh có thể sẽ bị đám chửi thuê xúm vào "làm thịt", sống không yên với chúng. Hiện tượng thiếu can đảm này có ở khắp nơi. Có những ông rất căm thù cộng sản vậy mà không dám tham dự vào các cuộc biểu tình kể cả các cuộc biểu tình về nhân quyền chẳng hạn. Vậy thì ta cũng chẳng nên trách các thi sĩ lớn hay các nhà văn hóa lớn!

LD: Phản ứng của giới văn nghệ sĩ miền nam Việt Nam nói riêng, cộng đồng việt Nam nói chung tại Pháp khi được tin Duyên Anh bị hành hung tại California, Hoa kỳ?

TNL: Chuyện này nhắc lại mắc cỡ lắm. Số văn nghệ sĩ ở Pháp và Âu châu đã không nhiều lại thêm quá thận trọng, quá an phận nếu không muốn nói là nhát. Thành ra bản tuyên cáo phản đối sự bạo hành đối với người cầm bút đã không thu được bao nhiêu chữ ký và thật sự không gây được tiếng vang. Cộng đồng thì sống rải rác, lại càng thụ động hơn nữa, mặc dù có nhiều người tỏ vẻ bất mãn vì hành vi bạo lực của đám côn đồ.

LD: Theo cá nhân anh, tại sao Duyên Anh bị hành hung?

TNL: Theo tôi, Duyên Anh bị hành hung chỉ vì những thù oán, ghen tị cá nhân. Những kẻ thù của Duyên Anh đã thiếu can đảm lộ diện mà chỉ núp phía sau xúi bẩy đám người nông cạn, u mê nhưng đầy thú tính.

LD: Nguyễn Xuân Hoàng đã làm gì sau ngày đen tối 30-4-1975 tại Sàigòn? Vũ Ngự Chiêu đã in sách của ai tại hải ngoại? Thế Nguyên viết sách nói gì về chế độ "học tập cải tạo" của cộng sản với những người lính thua trận miền Nam? v.v… Chưa hề có một lên tiếng chính thức về những vụ việc đó của cộng đồng, văn bút Việt Nam hải ngoại! Và chỉ "bề hội đồng" một mình nhà văn Duyên Anh, tại sao?

TNL: Như đã nói ở trên, cái hình ảnh "gà phải cáo" có mặt cùng khắp. Thêm nữa, các hội đoàn này không nắm được vấn đề, nên không dám "đụng" vào những người có khả năng ăn nói và viết lách. Nói chung là họ sợ nếu không muốn dùng đến chữ "hèn" vì họ chỉ thích đóng tuồng chứ không thích "làm thật". Riêng về việc mọi mũi nhọn đều chĩa vào Duyên Anh thì cũng dễ hiểu vì họ đã có bằng cớ là bài báo kết tội của ông Tổng thư ký Văn Bút là Trần Tam Tiệp. Họ bám vào bài này y hệt như cảnh những người đắm tàu cố bám vào một mảnh ván mục. Họ coi đó là sự thật mà không hề xét đến tư cách của tác giả viết ra bài đó. Thêm nữa, họ có muốn xét lại cũng không được, vì họ là ai? Những ghen ghét mù quáng, những mặc cảm đào ngũ, trốn chạy, bất tài đã khiến họ điên cuồng "bề hội đồng" Duyên Anh cho bỏ ghét và cho bớt đi cái mặc cảm phạm tội và hèn nhát. Về một vài cá nhân nêu ra ở câu hỏi trên, thì tôi có một thái độ chung: nếu những người đó biết thân biết phận, im lặng làm ăn thì mình cũng nên tha thứ bỏ qua. Chỉ khi nào họ lại lên tiếng "dạy đời" ông ổng như mấy ông tướng, ông tá đào ngũ viết hồi ký đổ lỗi cho người khác thì mình hãy tính. Một yếu tố quan trọng khác cũng cần được nêu ra, đó là cộng đồng ta sống rải rác quá xa cách nên những thông tin không được phổ biến rộng rãi (trừ trường hợp họ kéo bè kéo đảng để cố bôi nhọ, triệt hạ một người nào đó). Như phần các bạn cho biết là có nhiều nhân chứng bị tù cùng trại với Duyên Anh (Nguyễn Đình Đức,Lê Xuân quỳnh...) đã bênh vực Duyên Anh..., xin thú thật là ngay bản thân tôi dù cộng tác với nhiều báo ở Mỹ, Canada, Úc... mà cho đến nay, tôi vẫn chưa hề được đọc những bài loại này, như vậy thì trách sao được những người, những hội đoàn không có được những thông tin đầy đủ, thậm chí họ còn không hề đọc báo Việt ngữ nữa?

LD: Có thể khẳng định một cách chắc nịch về tư tưởng của những người làm văn hoá, những người tự xưng là chống cộng đến cùng, những phong trào, hội đoàn, tổ chức hét ra lửa đả đảo cộng sản tại hải ngoại là: "Cộng sản, độc tài, ác ôn... không nguy hiểm bằng Duyên Anh vì Duyên Anh 'chửi ta' đau hơn, nguy hiểm hơn, nhục hơn nằm tù cộng sản?"

TNL: Hoàn toàn đúng. Những người này luôn vỗ ngực là người chống cộng, nhưng họ không hề dám đụng đến một cọng lông chân của Việt Cộng. Duyên Anh nhìn rõ ra điểm cốt yếu này nên họ đau và càng oán giận Duyên Anh. Trong khi đó, Duyên Anh vì thấy quá rõ những điều ở sau hội trường sân khấu của đám "phường tuồng" nên không thể không nói. Chính vì đã thua VC ở trong nước, hèn không dám đối mặt với VC ở hải ngoại, lại được thêm đám người ngút ngàn ghen ghét đố kỵ xúi bẩy, nên đám người đầy mặc cảm lại thiếu can đảm mới bàn chuyện xúm vào đánh cho gục Duyên Anh...

LD: Nhà văn Duyên Anh và thi sĩ Hà Huyền Chi rất "tương đắc" với nhau cho đến ngày Duyên Anh bị nạn. Duyên Anh có đề cập với anh về "tình bạn não nề" này không? Anh được biết gì về sự liên hệ giữa Duyên Anh và Hà Huyền Chi trước cũng như sau khi Hà Huyền Chi tuyên bố "Tao với mày không phải là bạn thân"?

TNL: Như tôi đã trình bày nhiều lần, biến cố 1975 quá nặng đối với đa số người Việt Nam. Khác với người Hoa, người Việt chưa có kinh nghiệm "xa xứ", nên trong khoảng thời gian ngắn ngủi 20, 30 năm chưa thể chữa lành vết thương trí mạng 1975. Hầu như mọi người đều mang một mặc cảm kỳ cục, có thể gọi đó là cái "hội chứng 1975" vì ai cũng đau buồn và ngỡ ngàng với biến cố quá khốc liệt, đảo lộn hết tất cả những suy nghĩ cũng như đời sống hàng ngày. Một căn bệnh mới xuất hiện: những người ở lại bị tù tội thì có vẻ oán trách bạn hữu đã bỏ mình để chạy lấy thân, những người chạy kịp vào tháng 4 năm 1975, nhất là những người trong quân đội, thì bị cái mặc cảm là bỏ chạy. Do đó ai cũng muốn cố gắng chứng tỏ là mình không có lỗi gì trong biến cố thê thảm này. Do đó đã nảy sinh ra những vụ "cương" một cách quá trớn, không cần thiết. Và khi mà họ tìm ra được một "nạn nhân" nào đó thì "nạn nhân" này lãnh đủ. Duyên Anh là một nạn nhân mà Hà Huyền Chi cùng một số người khác đã tìm ra! Trước 1975, mối giao tình giữa Duyên Anh và Hà Huyền Chi cũng không có chi đặc biệt. Hà Huyền Chi tuy là một sĩ quan thuộc đơn vị nhảy dù nhưng anh cũng lại là một nhà thơ với những nhạy cảm hơn người do đó Hà Huyền Chi rất dễ bị những sự kiện chung quanh vây phủ và cuốn hút. Những lời tuyên bố của Hà Huyền Chi, nếu có, có lẽ cũng không phải là một vấn đề quan trọng lắm đâu. Cũng như hơi rượu thoảng qua vậy thôi.

LD: Anh quen biết nhà văn Nguyên Vũ?

TNL: Về Nguyên Vũ thì tôi rành lắm. Tuy cùng học một trường nhưng Nguyên Vũ trên tôi một lớp. Chúng tôi biết nhau rất tường tận. Phải nói Nguyên Vũ học rất giỏi, rất thông minh. Tuy nhiên, Nguyên Vũ không có lập trường hay ý chí riêng. Hễ thấy chung quanh mình hoan nghênh ai thì hoan nghênh theo. Và nếu thấy những người chung quanh mình dèm pha ai thì dèm pha theo. Nói chung Nguyên Vũ không có lập trường riêng cho mình.

LD: Nhà văn Nguyên Vũ đã từng liên hệ và thân thiết với anh Duyên Anh bên Paris. Về sau, Nguyên Vũ trở ngược thái độ chống lại Duyên Anh. Anh có biết gì về sự xung khắc giữa Duyên Anh và Nguyên Vũ?

TNL:Khi qua Pháp sưu tầm tài liệu, Nguyên Vũ cũng có được cái học bổng nào đó. Nhưng tại Paris, giai đoạn đó, Duyên Anh đang nổi tiếng nên nếu Nguyên Vũ không tìm đến Duyên Anh thì còn tìm đến ai nữa? Thời điểm ấy hai người rất thân nhau. Sau đó, Nguyên Vũ quen được với một tay Việt Cộng và bị dụ dỗ in cuốn hồi ký Trần Văn Trà. Vì tưởng rằng sẽ bán sách được nhiều tiền, nên Nguyên Vũ quyết định in cuốn hồi ký ấy. Ngờ đâu, sách bán không được và Nguyên Vũ bị "cháy". Mặc dầu thân Nguyên Vũ nhưng Duyên Anh vẫn phản đối việc kịch liệt việc in sách cộng sản của Nguyên Vũ. Thế là Nguyên Vũ quay lại chống phá Duyên Anh.

LD: Duyên Anh đã từng thổ lộ với anh những chi tiết nào có thể chia xẻ được?

TNL: Khi ở Paris, tôi và Duyên Anh gặp nhau rất thường, nhưng đặc biệt là Duyên Anh cũng rất "ít nói". Chỉ có câu Duyên Anh thường nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là : "Không biết thì thành kẻ ngu si, biết nhiều mà lại nhớ dai, không biết quên thì sẽ mang họa vào thân, cậu ráng tập quên đi thì mới sống yên lành được,…"

LD: Đánh giá của anh về "biệt kích văn nghệ" Duyên Anh cũng như những tác phẩm sau 1975 như "Một người Nga ở Sàigòn" đã được các đài VOA, BBC... phát thanh vào thời điểm đó?

TNL: Trong trường hợp đặc biệt này, VC đã hoàn toàn đúng. Ngòi bút của Duyên Anh rất linh động nhưng đơn giản và trung thực đã xoáy mạnh trong tâm hồn người đọc nhờ đã sử dụng nhuần nhuyễn chính kinh nghiệm của bản thân cùng những nhận xét bén nhạy trong cuộc sống. Duyên Anh chống cộng thực sự chứ không phải chống cộng vì "làm dáng" hay thời cơ. VC rất ngại những ai có uy tín, có ảnh hưởng trong quần chúng; chính vì điểm đó mà chúng quyết hạ Duyên Anh bằng phương pháp thâm hiểm và đê tiện của chúng là "hạ nhục". Ngay cả chính sách "cải tạo" cũng ở trên cơ sở đó. Chúng biết rất rõ rằng không có cách nào "cải tạo" những sĩ quan của miền Nam mà mục đích chỉ là bỏ đói, hạ nhục để thỏa mãn thú tính và làm cho họ tiêu tan hết ý chí chống lại chúng. Từ "Con sáo của em tôi" đến "Một người Nga ở Sàigòn" hay "Quán trọ trước cổng thiên đàng" đều là những cái gai nhọn đâm thẳng vào mắt chế độ CS. Do đó Duyên Anh được sắp hàng đầu trong "Những tên biệt kích…" tưởng cũng không có chi lạ cả.

LD: Nhận xét của anh về công lao của nhà văn Duyên Anh đối với nền văn học Việt Nam?

TNL: Duyên Anh có một chỗ ngồi xứng đáng trong văn học sử Việt Nam. Trước 30-4-75, một số tác phẩm của Duyên Anh đã được đưa vào chương trình việt văn cấp trung học. Đó là một quyết định chính đáng của chính quyền VNCH. Sau 30-4-75, cũng chính Duyên Anh là người đã mở cánh cửa đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Từ trước, cũng có một vài văn nghệ sĩ đã dịch tác phẩm của họ ra ngoại ngữ, nhưng đó chỉ là nỗ lực của cá nhân họ và không gây được sự chú ý của văn giới quốc tế. Và Duyên Anh đã được nhà xuất bản Belfont lựa chọn để giới thiệu cũng không phải là chuyện tình cờ (Belfont là một trong ba nhà xuất bản lớn và uy tín nhất của Pháp. Ngay nhiều văn sĩ Pháp cũng chỉ ước mơ có ngày nào đó sẽ được Belfont gõ cửa. Ngay các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, vv… cũng vẫn chưa chinh phục được Belfont)

LD: Anh là một trong số rất ít người làm văn nghệ dám nói lên sự thật. Sự thẳng thắn, can đảm của anh thật đáng kính phục.

TNL: Có gì đâu mà can đảm. Ở Paris này đã có khối thằng đòi giết tôi đấy. Gửi thư nặc danh, hăm dọa... Viết báo bôi bẩn, bôi xấu tôi cùng khắp. Có gì mà sợ! Tôi chỉ nói lên sự thật mà thôi.

Tháng 3 năm 2003
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn