Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi,
trong niềm hiệp thông với linh mục Chân Tín và linh mục Nguyễn Văn Lý
Kính thưa toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước,
Kính thưa toàn thể anh chị em Kitô hữu,
Lễ Giáng sinh lại về trên khắp địa cầu. Sứ điệp Giáng sinh đầy hy vọng lại tiếp tục vang lên mọi chốn. Nhưng câu chuyện Giáng sinh đầy tang thương cũng tiếp tục tái diễn ở nhiều nơi, đặc biệt trên đất nước Việt Nam thân yêu và bất hạnh của chúng ta.
I. Dù đã trải qua hơn 2000 năm, Đức Giêsu xuống thế làm người vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà, cảnh khó nghèo cùng cực, cảnh bạo vương đàn áp và cảnh long đong nơi đất khách.
- Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà trong những con người Việt Nam -vô vàn vô số- đang sống trên mảnh đất hình chữ S không phải như công dân tự do của một đất nước dân chủ độc lập, thành viên trong một đại gia đình dân tộc yêu thương nhau, nhưng như những thần dân mất hết mọi quyền suy nghĩ, ăn nói, hành động và xây dựng cuộc sống cá nhân theo ý mình, làm chủ vận mạng của mình, đến nỗi không ít kẻ mơ về một vùng đất hứa xa xôi, trong nỗi đoạn trường phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà trong những dân tộc thiểu số bị cướp lấy đất đai tổ tiên đã để lại bao đời, bị tước mất đức tin ông bà đã lãnh nhận thuở trước, đến nỗi phải trốn chạy vào rừng sâu. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà trong những nông dân nghèo khổ bỏ quê lên thành phố, rời Bắc vào miền Nam để kiếm sống với tình trạng tứ cố vô thân, sức lao động bị bóc lột, nhân phẩm bị khinh rẻ. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà trong những cư dân vùng quy hoạch bị giải tỏa cách thô bạo, được đền bù một cách bất công đến nỗi chỉ một sớm một chiều trở thành kẻ không đất không nhà, lang thang đây đó. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bơ vơ nơi quê nhà trong những nhà đấu tranh dân sự hay tôn giáo, những tù nhân lương tâm bị bằng hữu xa lánh, đồng nghiệp tẩy chay, đồng đạo bỏ mặc, bề trên dửng dưng.
- Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh khó nghèo cùng cực trong các con dân đất Việt bình quân không kiếm đủ 2 mỹ kim một ngày, thiếu thốn những phương tiện phát triển, những cơ hội học hành, những hoàn cảnh thuận lợi để tiến thân, những điều kiện cần thiết để xây dựng tương lai cho mình và cho con cháu. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh khó nghèo cùng cực trong những gia đình điêu đứng vì phải chạy đủ thứ phí vô lý cho việc học, phải bán con đi làm vợ ngoại kiều, làm điếm lân bang, phải gởi thân nhân ra nước ngoài lao động để rồi mắc những món nợ không bao giờ trả nổi. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh khó nghèo cùng cực trong những sinh viên thiếu ăn và trầy trật kiếm mảnh bằng tốt nghiệp để rồi thất nghiệp vì không đủ tiền bạc mua một chỗ làm; trong những di dân lao động bị bóc lột tận xương tủy ở nhiều khu chế xuất, xí nghiệp công ty, đến độ phải bán thân, đẻ thuê để kiếm thêm thu nhập; trong những nhà giáo lương không đủ sống tới nỗi phải bán cả nhân cách của mình qua việc dạy thêm, móc ngoặt. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh khó nghèo cùng cực trong những con người nghèo nhân phẩm vì bị tước hết mọi nhân quyền cơ bản, chỉ còn quyền xin phép, đút lót và vâng lệnh; trong những con người nghèo niềm tin vì bị cản trở, hăm dọa trong thực hành tôn giáo; nghèo độc lập tự do vì bị coi như một cá thể trong một bầy đàn dưới ngọn roi độc tài toàn trị; nghèo tự hào dân tộc vì đất nước tụt hậu, chính thể thối nát, xã hội nhiễu nhương, đất biển của tổ tiên bị dâng cho ngoại quốc.
- Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bạo vương đàn áp trong những thần dân đất Việt đang sống dưới quyền cai trị của những ông vua cũng da vàng máu đỏ nhưng đã mất hết lòng nhân ái, tính liêm chính và ý thức trách nhiệm; đang nơm nớp lo sợ khủng bố từng ngày, dè dặt trong lời ăn tiếng nói hành động từng giây, vì đủ mạng lưới theo dõi kiểm soát dày đặc của chính quyền, đoàn đảng, công an, quân đội, mặt trận...; đang bất lực trong việc kêu oan, trình bày lẽ phải, đòi hỏi công lý, vì toàn bộ chính quyền, tòa án, quốc hội, phương tiện truyền thông, lực lượng an ninh đều nằm trong bàn tay thao túng của đảng CS; đang thấy tương lai u tối vì quyền quyết định vận mạng đất nước và định hướng tiền đồ dân tộc không thuộc về nhân dân vốn bị xem như cỏ rác, thậm chí như nô lệ. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bạo vương đàn áp trong hàng triệu trẻ thơ bị phanh thây mỗi năm ngay nơi dạ mẹ vì một chính sách dân số áp đặt và tàn nhẫn, trong những nhà đối kháng dân chủ bị bắt bớ vô lý, bị xét xử vô luật, bị giam cầm vô nhân đạo trong những quần đảo Goulag của thế kỷ 21. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bạo vương đàn áp trong những tín đồ nghe thấy nhà cầm quyền lớn tiếng công bố tôn trọng tự do tôn giáo nhưng thủ sẵn ý đồ thâm độc diệt đạo, như Hêrôđê ngày xưa nhắn ba đạo sĩ tìm cho ra nơi ở của Chúa Hài nhi để cùng đến thờ lạy nhưng thực ra rắp tâm hãm hại Người. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh bạo vương đàn áp trong các lãnh đạo tinh thần vì đòi hỏi tự do cho con người, con Chúa, con Phật mà phải bị vu khống, hăm dọa, cản trở, quản chế, tù đày, ám sát; trong những tín đồ sắc tộc bị ép uổng bỏ đạo bằng đấu tố cầm giam; trong những tín đồ Hội thánh tại gia bị đánh nhừ tử chính khi tụ họp cầu nguyện nơi gia đình...
- Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh long đong nơi đất khách quê người trong những thiếu nữ còn thơ ngây chưa tới 10 tuổi đã bị bắt qua Cam bốt làm điếm tại những động mãi dâm kinh hoàng, trong những thanh nữ thôn quê bị dụ sang Trung quốc, Mã Lai làm việc, sang Đài Loan, Singapore làm dâu, nhưng rồi đã mau chóng bị biến thành những nô lệ lao công, nô lệ tình dục không có ngày về trước sự dửng dưng của của chính quyền quê hương và đại diện ở hải ngoại. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh long đong nơi đất khách quê người trong những thanh niên trai tráng bị lừa đảo sang Indonesia, Hàn quốc, Đài Loan v.v... để thành những tù nhân khổ sai, lao công nô dịch với những món nợ bị gán cách bất công mà có nằm mơ cũng không trả nổi, với những vấn đề an sinh, quyền lợi, thương tật mà những công ty môi giới quốc nội chẳng thèm quan tâm, với những hăm dọa trù dập nếu bỏ trốn chỗ làm, nếu tố cáo kẻ lường gạt, nếu vạch trần tội ác bao che của những kẻ cầm quyền trong nước. Đức Giêsu vẫn tiếp tục chịu cảnh long đong nơi đất khách trong những Việt kiều đã đứt ruột rời bỏ quê hương yêu dấu, nay muốn trở về đóng góp xây dựng tổ quốc nhưng đụng phải bức tường kỳ thị, ánh mắt nghi ngờ, chính sách lợi dụng và ý đồ bóc lột công sức của họ để phục vụ bè đảng thay vì phục vụ nhân dân; trong những Việt kiều vì ý thức nhu cầu tự do dân chủ của đất nước, đã lên tiếng hỗ trợ phong trào đấu tranh quốc nội, vận động sự giúp đỡ của quốc tế, nên bị hăm dọa trên quê người và bị cấm ngặt trở về thăm viếng quê nhà thân thuộc.
II. Tuy nhiên, sứ điệp Giáng sinh đầy hy vọng vẫn còn đó, vẫn nhắc nhở, mời gọi, vẫn chiếu tỏa, sáng soi.
- Đức Giêsu xuống thế mang thân phận người vì muốn chia sẻ kiếp người, vì mến yêu bản tính con người, vì quyết đề cao phẩm giá loài người. Ngài đã thực sự làm người để mỗi chúng ta được làm người thực sự, với tất cả mọi quyền lợi và nghĩa vụ, với tất cả mọi tiềm lực và khả năng, với tất cả mọi điều kiện và cơ hội. Ngài đã đến nhắc lại ý định tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa Cha trên trời là mỗi người phải được sống, sống thực sự, sống tự do, sống dồi dào, sống phát triển trong một cộng đoàn huynh đệ yêu thương giữa một môi trường thiên nhiên phong phú.
Ai ngăn cản ý định đầy tình yêu và khôn ngoan đó bằng cách chà đạp nhân phẩm, tước mất nhân quyền, lũng đoạn xã hội, tàn phá môi trường, triệt tiêu cơ hội, không tạo điều kiện cho anh em nên người đúng nghĩa, làm người xứng danh chính là chống lại Thiên Chúa và chống lại con người. - Hơn thế nữa, Đức Giêsu xuống thế với tư cách con Thiên Chúa mang thân phận con người để mỗi con người được trở thành con Thiên Chúa. Ngài đã thông phần nhân tính của chúng ta để thông chia cho chúng ta thần tính của Ngài. Ngài đã đến bày tỏ ý định tình yêu kỳ diệu của Tạo Hóa là mỗi người phải được biết Thiên Chúa là cha, mến Thiên Chúa như con, phải được thông ban và có quyền đón nhận sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu, sự sống hạnh phúc, sự sống yêu thương trong một cộng đoàn huynh đệ vĩ đại mang danh Nước Trời, gồm tất cả những ai đang sống ở thế giới bên kia và thế giới bên này. Ngài đã không muốn chúng ta chỉ là con cái của trái đất nhưng còn là con cái của trời cao, nghĩa tử của Thiên Phụ, với tất cả mọi quyền lợi và nghĩa vụ, được cùng Ngài đồng thừa hưởng những phúc lộc chốn thiên đàng. Ngài đã cho biết chúng ta chỉ thực là con người một khi trở thành con Chúa, hạnh phúc của chúng ta chỉ thực là trọn vẹn khi đạt đến Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc.
Ai ngăn cản ý định kỳ diệu vĩ đại đó bằng cách tiêu diệt tôn giáo, phá hoại Tin Mừng, trói buộc Giáo Hội, không tạo điều kiện cho anh em nên tín đồ đúng nghĩa, tín đồ xứng danh, không để tự do cho anh em tiến về Đấng Chân Thiện Mỹ chính là chống lại Thiên Chúa và chống lại con người. - Trong đêm Giáng sinh, thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Vinh quang của Thiên Chúa chính là sự bình an giữa nhân loài. Thiên Chúa được vinh danh khi loài người được bình an trong tâm hồn và trong xã hội để sống như một con người và con Chúa phải sống, khi loài người được tự do trong con tim và trong tập thể để phát triển những tiềm năng của mình, để thực hiện những dự định của Thiên Chúa dành cho mình và cho toàn thể nhân loại.
Ai tìm cách tiêu diệt bình an và tự do mà Thiên Chúa đã ban như thế, ban cho nhân tâm và ban cho xã hội, bằng cách phá hủy ý thức tôn giáo, sự hướng thượng của lòng người, bằng cách áp đặt những quan điểm vô thần duy vật, gieo rắc khủng bố và hận thù, nô lệ hóa cá nhân và tập thể, thì chính là chống lại Thiên Chúa và chống lại con người.
Kính thưa toàn thể Quý vị, đấy là bấy nhiêu tâm tình mà hai anh em chúng tôi, linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, trong niềm hiệp thông với linh mục Chân Tín và linh mục Nguyễn Văn Lý, xin kính gởi đến toàn thể Quý vị với lời chúc mừng Giáng sinh và Năm mới tốt đẹp nhất.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Tự do nhân phẩm cho người Việt Nam”.
(Gởi đi từ Huế ngày 17-12-2004)
Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi
Gửi ý kiến của bạn