Trong bài “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai…”, tôi đã tóm tắt một ít về các chính sách ngoại giao của Trung Quốc, trong đó, nổi bật nhất là việc Trung Quốc đổ ra cả hàng chục tỉ đô-la để mua chuộc các nước nghèo và độc tài ở châu Phi và Nam Mỹ. Việc mua chuộc ấy có thể thành công hay không? Chắc chắn là có. Trung Quốc vốn rất giỏi về đầu tư và đầu cơ, làm gì có chuyện họ đổ ra một số tiền lớn như vậy mà không thu lại cái gì. Tuy nhiên, lợi, nếu có, chắc cũng rất giới hạn. Về phương diện thế đứng trên trường quốc tế, nó không mang lại sự thay đổi đáng kể nào cho Trung Quốc cả. Giữa mấy trăm quốc gia trên thế giới, Trung Quốc vẫn là một kẻ cô đơn, thậm chí, có người còn gọi đó là một “siêu cường cô đơn nhất” (the loneliest superpower).
Mà, thật ra, không phải bây giờ. Từ sau năm 1949, lúc đảng Cộng sản giành được chính quyền, Trung Quốc, mặc dù lúc nào cũng rêu rao là có bạn bè ở khắp thế giới, thật ra, là một quốc gia hoàn toàn cô lập. Đồng minh của họ, may ra, chỉ có hai: Bắc Việt và Bắc Hàn. Nhưng Bắc Việt, lúc ấy, lại ở trạng thái ngoại tình: chỉ một nửa trái tim dành cho Trung Quốc, còn nửa kia vẫn nghiêng về Liên Xô. Sau năm 1975, nửa trái tim dành cho Trung Quốc ấy cũng biến mất. Thế vào chỗ trống ấy, Trung Quốc có một người bạn mới: Pol Pot ở Campuchia. Và thêm một người bạn ở khá xa: Romania của Ceausescu. Cộng hai người này với Kim Nhật Thành (và sau đó, Kim Chính Nhật) ở Bắc Hàn, Trung Quốc có cả thảy ba người bạn thân. Cả hai đều khét tiếng về “tài” giết người, chủ yếu là giết dân của họ.
Sau này, khi có chính sách đổi mới về kinh tế, Trung Quốc đi ra thế giới và bắt đầu kiếm bạn. Càng ngày họ càng có nhiều “đối tác chiến lược” (strategic partner), đặc biệt ở châu Phi và Nam Mỹ. Có lúc một số nhà bình luận hốt hoảng hô hoán lên là Trung Quốc đã chui vào tận sân sau của Mỹ, bắt tay với các nước vốn gần gũi với Mỹ về phương diện địa lý và hầu như luôn luôn nằm trong bàn tay bảo bọc của Mỹ. Tuy nhiên, dần dần người ta nhận thấy các mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở phạm vi kinh tế, và gần đầy, một ít về văn hóa. Còn về chính trị, tất cả dường như chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất: cô lập Đài Loan. Vậy thôi. Giả dụ một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và một nước nào đó bùng nổ, các “đối tác chiến lược” xa xôi và nghèo khổ kia có thể giúp đỡ gì cho Trung Quốc? Câu trả lời rất rõ ràng: Không.
Về phương diện chính trị, một quan hệ đồng minh không thể được mua bằng tiền. Tiền bạc vừa có giới hạn vừa dễ thay đổi. Căn bản của quan hệ đồng minh được xây dựng trên ba nền tảng sâu sắc hơn: một, những lợi ích về an ninh chung; hai, sự tương đồng trong các giá trị thuộc về văn hóa và ý thức hệ; và ba, sự tin cậy. Yếu tố đầu tiên, trước hết, có tính địa lý: Đó là một thứ địa chính trị. Chính trị bao giờ cũng có tính chất địa phương. Mâu thuẫn, nếu xảy ra ở châu Phi hoặc Nam Mỹ, chủ yếu là mâu thuẫn trong vùng, với các nước láng giềng. Bởi vậy, một tình bạn, nếu có, với một quốc gia xa xôi như Trung Quốc, thật ra, không giải quyết được điều gì cả. Trung Quốc còn lâu lắm mới có được một cánh tay dài như Mỹ để có thể tham gia vào các mâu thuẫn toàn cầu. Hai yếu tố sau, ý thức hệ và sự tin cậy lại có tính chất lịch sử: Chúng hình thành qua thời gian. Mà thời gian ở đây lại có thể kéo dài cả hàng trăm năm. Hơn nữa, ở đây Trung Quốc lại gặp hai bất lợi lớn: một, thứ chủ nghĩa cộng sản mà Trung Quốc đang theo đuổi đã hoàn toàn lỗi thời, không thể là cơ sở chung cho bất cứ mối quan hệ nào, kể cả quan hệ giữa các quốc gia cộng sản cuối cùng còn lại trên thế giới; thứ hai, với một ý thức hệ lỗi thời và một thể chế toàn trị như thế, Trung Quốc, may ra, chỉ có thể thiết lập quan hệ với chính quyền chứ không thể đạt được sự đồng tình và ủng hộ của dân chúng, những người vốn khao khát tự do và nhân quyền.
Có thể nói, Trung Quốc gặp khó khăn trong cả ba yếu tố nền tảng để xây dựng một quan hệ đồng minh chiến lược. Chỉ cần mở rộng tấm bản đồ thế giới ra nhìn, chúng ta sẽ thấy ngay được điều đó.
Trong tất cả các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, có ba quốc gia lớn nhất và mạnh nhất, cả ba, với những mức độ khác nhau, đều là đối thủ của Trung Quốc: Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Trước đây, ngay cả khi chia sẻ với nhau về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, Nga và Trung Quốc cũng không bao giờ thực sự gần gũi và tin cậy nhau. Huống gì là bây giờ. Còn với Ấn Độ và Nhật Bản thì Trung Quốc lại càng xa cách, thậm chí, thù nghịch.
Trung Quốc chỉ có thể hy vọng tìm đồng minh ở các nước nhỏ còn lại: Việt Nam, Miến Điện, Cam Bốt, Lào và Nepal. Trong đó, quan hệ với Việt Nam không phải lúc nào cũng êm ấm và càng ngày càng không êm ấm. Nó luôn luôn đối diện với thử thách về quyền lợi, do đó, có thể bùng nổ tranh chấp bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đó cũng là một thứ quan hệ giả, ở cấp nhà nước, chứ không phải ở dân chúng: Một lúc nào đó, chính quyền phải lựa chọn giữa dân chúng và ngoại bang. Lúc đó, thứ quan hệ tưởng là đồng minh ấy sẽ tan vỡ ngay. Điều ấy đã bắt đầu xuất hiện ở Miến Điện, khi chính phủ đang toan tính mở rộng dân chủ để được sự nhìn nhận và ủng hộ từ Tây phương và cũng để giữ khoảng cách với Trung Quốc. Với các nước khác còn lại, từ Lào đến Cam Bốt và Nepal, Trung Quốc ở vào cái thế “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”: Đó là những nước nhỏ và yếu. Và vì nhỏ và yếu nên rất dễ dàng bị giao động.
Không lúc nào sự cô lập của Trung Quốc thể hiện rõ cho bằng trong cuộc hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á ở Bali vào tháng 11 năm ngoái: Hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN đều công khai lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Và hầu hết đều xem Trung Quốc như một đe dọa.
Trung Quốc chỉ thực sự có hai đồng minh gần gũi: Pakistan và Bắc Hàn.
Nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn là một thứ quan hệ lạ lùng. Trung Quốc đổ tiền nuôi dưỡng Bắc Hàn để cố duy trì sự tồn tại của một thứ đê chắn ngang giữa Trung Quốc và Nam Hàn, từ đó, với thế giới Tây phương nói chung. Nhưng Bắc Hàn không phải lúc nào cũng nghe lời Trung Quốc hoặc tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc. Trên thực tế, đối với Trung Quốc, Bắc Hàn là một gánh nặng hơn là một đồng minh.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan chỉ tốt đẹp với một điều kiện: sự thù nghịch chung của hai nước đối với Ấn Độ. Khi sự thù nghịch ấy không biến thành hành động, Pakistan cũng sẽ không bao giờ dám hiện thực hóa quan hệ đồng minh với Trung Quốc. Hơn nữa, Pakistan còn lệ thuộc vào Mỹ rất nhiều. Ngoài ra, còn lý do này nữa: Pakistan, với mức độ nào đó, là một quốc gia dân chủ, không phải chính quyền muốn làm gì thì làm. Ý kiến của dân chúng là một sức mạnh rất lớn. Mà đối với dân chúng, các giá trị văn hóa và ý thức hệ lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ở cả hai lãnh vực, họ đều xa lạ với Trung Quốc: Họ vừa là Hồi giáo lại vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Anh, cả hai đều không có ở Trung Quốc.
Ở trên, chúng ta xét thế đứng cô lập của Trung Quốc về phương diện địa chính trị. Về phương diện thể chế, Trung Quốc lại càng bị cô lập. Hiện nay, thể chế dân chủ dựa trên bầu cử tự do hiện diện trên 60% số quốc gia trên thế giới. Trung Quốc thuộc thành phần thiểu số, nằm trong 40% còn lại. Cái tỉ lệ 40% ấy càng lúc càng giảm đi, ngay ở các quốc gia vốn là đồng minh lâu năm của Trung Quốc, từ Mông Cổ đến Miến Điện. Số còn lại cũng sẽ đối diện với nhu cầu thay đổi như thế: Nếu họ không thay đổi, họ sẽ bị sụp đổ.
Do đó, Trung Quốc vốn đã cô đơn sẽ càng ngày càng cô đơn hơn.
Dĩ nhiên, một con hổ cô đơn cũng vẫn là một con hổ cực kỳ nguy hiểm.
Chỉ có điều đáng mừng là: Nó không phải là một cái gì không thể chống cự lại được.
Nguyễn Hưng Quốc
30-03-2012
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
***
Chú thích: Các số liệu ở trên đều lấy từ bài “The loneliest superpower” của Minxin Pei.
Mà, thật ra, không phải bây giờ. Từ sau năm 1949, lúc đảng Cộng sản giành được chính quyền, Trung Quốc, mặc dù lúc nào cũng rêu rao là có bạn bè ở khắp thế giới, thật ra, là một quốc gia hoàn toàn cô lập. Đồng minh của họ, may ra, chỉ có hai: Bắc Việt và Bắc Hàn. Nhưng Bắc Việt, lúc ấy, lại ở trạng thái ngoại tình: chỉ một nửa trái tim dành cho Trung Quốc, còn nửa kia vẫn nghiêng về Liên Xô. Sau năm 1975, nửa trái tim dành cho Trung Quốc ấy cũng biến mất. Thế vào chỗ trống ấy, Trung Quốc có một người bạn mới: Pol Pot ở Campuchia. Và thêm một người bạn ở khá xa: Romania của Ceausescu. Cộng hai người này với Kim Nhật Thành (và sau đó, Kim Chính Nhật) ở Bắc Hàn, Trung Quốc có cả thảy ba người bạn thân. Cả hai đều khét tiếng về “tài” giết người, chủ yếu là giết dân của họ.
Sau này, khi có chính sách đổi mới về kinh tế, Trung Quốc đi ra thế giới và bắt đầu kiếm bạn. Càng ngày họ càng có nhiều “đối tác chiến lược” (strategic partner), đặc biệt ở châu Phi và Nam Mỹ. Có lúc một số nhà bình luận hốt hoảng hô hoán lên là Trung Quốc đã chui vào tận sân sau của Mỹ, bắt tay với các nước vốn gần gũi với Mỹ về phương diện địa lý và hầu như luôn luôn nằm trong bàn tay bảo bọc của Mỹ. Tuy nhiên, dần dần người ta nhận thấy các mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở phạm vi kinh tế, và gần đầy, một ít về văn hóa. Còn về chính trị, tất cả dường như chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất: cô lập Đài Loan. Vậy thôi. Giả dụ một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và một nước nào đó bùng nổ, các “đối tác chiến lược” xa xôi và nghèo khổ kia có thể giúp đỡ gì cho Trung Quốc? Câu trả lời rất rõ ràng: Không.
Về phương diện chính trị, một quan hệ đồng minh không thể được mua bằng tiền. Tiền bạc vừa có giới hạn vừa dễ thay đổi. Căn bản của quan hệ đồng minh được xây dựng trên ba nền tảng sâu sắc hơn: một, những lợi ích về an ninh chung; hai, sự tương đồng trong các giá trị thuộc về văn hóa và ý thức hệ; và ba, sự tin cậy. Yếu tố đầu tiên, trước hết, có tính địa lý: Đó là một thứ địa chính trị. Chính trị bao giờ cũng có tính chất địa phương. Mâu thuẫn, nếu xảy ra ở châu Phi hoặc Nam Mỹ, chủ yếu là mâu thuẫn trong vùng, với các nước láng giềng. Bởi vậy, một tình bạn, nếu có, với một quốc gia xa xôi như Trung Quốc, thật ra, không giải quyết được điều gì cả. Trung Quốc còn lâu lắm mới có được một cánh tay dài như Mỹ để có thể tham gia vào các mâu thuẫn toàn cầu. Hai yếu tố sau, ý thức hệ và sự tin cậy lại có tính chất lịch sử: Chúng hình thành qua thời gian. Mà thời gian ở đây lại có thể kéo dài cả hàng trăm năm. Hơn nữa, ở đây Trung Quốc lại gặp hai bất lợi lớn: một, thứ chủ nghĩa cộng sản mà Trung Quốc đang theo đuổi đã hoàn toàn lỗi thời, không thể là cơ sở chung cho bất cứ mối quan hệ nào, kể cả quan hệ giữa các quốc gia cộng sản cuối cùng còn lại trên thế giới; thứ hai, với một ý thức hệ lỗi thời và một thể chế toàn trị như thế, Trung Quốc, may ra, chỉ có thể thiết lập quan hệ với chính quyền chứ không thể đạt được sự đồng tình và ủng hộ của dân chúng, những người vốn khao khát tự do và nhân quyền.
Có thể nói, Trung Quốc gặp khó khăn trong cả ba yếu tố nền tảng để xây dựng một quan hệ đồng minh chiến lược. Chỉ cần mở rộng tấm bản đồ thế giới ra nhìn, chúng ta sẽ thấy ngay được điều đó.
Trong tất cả các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, có ba quốc gia lớn nhất và mạnh nhất, cả ba, với những mức độ khác nhau, đều là đối thủ của Trung Quốc: Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Trước đây, ngay cả khi chia sẻ với nhau về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, Nga và Trung Quốc cũng không bao giờ thực sự gần gũi và tin cậy nhau. Huống gì là bây giờ. Còn với Ấn Độ và Nhật Bản thì Trung Quốc lại càng xa cách, thậm chí, thù nghịch.
Trung Quốc chỉ có thể hy vọng tìm đồng minh ở các nước nhỏ còn lại: Việt Nam, Miến Điện, Cam Bốt, Lào và Nepal. Trong đó, quan hệ với Việt Nam không phải lúc nào cũng êm ấm và càng ngày càng không êm ấm. Nó luôn luôn đối diện với thử thách về quyền lợi, do đó, có thể bùng nổ tranh chấp bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đó cũng là một thứ quan hệ giả, ở cấp nhà nước, chứ không phải ở dân chúng: Một lúc nào đó, chính quyền phải lựa chọn giữa dân chúng và ngoại bang. Lúc đó, thứ quan hệ tưởng là đồng minh ấy sẽ tan vỡ ngay. Điều ấy đã bắt đầu xuất hiện ở Miến Điện, khi chính phủ đang toan tính mở rộng dân chủ để được sự nhìn nhận và ủng hộ từ Tây phương và cũng để giữ khoảng cách với Trung Quốc. Với các nước khác còn lại, từ Lào đến Cam Bốt và Nepal, Trung Quốc ở vào cái thế “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”: Đó là những nước nhỏ và yếu. Và vì nhỏ và yếu nên rất dễ dàng bị giao động.
Không lúc nào sự cô lập của Trung Quốc thể hiện rõ cho bằng trong cuộc hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á ở Bali vào tháng 11 năm ngoái: Hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN đều công khai lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Và hầu hết đều xem Trung Quốc như một đe dọa.
Trung Quốc chỉ thực sự có hai đồng minh gần gũi: Pakistan và Bắc Hàn.
Nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn là một thứ quan hệ lạ lùng. Trung Quốc đổ tiền nuôi dưỡng Bắc Hàn để cố duy trì sự tồn tại của một thứ đê chắn ngang giữa Trung Quốc và Nam Hàn, từ đó, với thế giới Tây phương nói chung. Nhưng Bắc Hàn không phải lúc nào cũng nghe lời Trung Quốc hoặc tôn trọng quyền lợi của Trung Quốc. Trên thực tế, đối với Trung Quốc, Bắc Hàn là một gánh nặng hơn là một đồng minh.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan chỉ tốt đẹp với một điều kiện: sự thù nghịch chung của hai nước đối với Ấn Độ. Khi sự thù nghịch ấy không biến thành hành động, Pakistan cũng sẽ không bao giờ dám hiện thực hóa quan hệ đồng minh với Trung Quốc. Hơn nữa, Pakistan còn lệ thuộc vào Mỹ rất nhiều. Ngoài ra, còn lý do này nữa: Pakistan, với mức độ nào đó, là một quốc gia dân chủ, không phải chính quyền muốn làm gì thì làm. Ý kiến của dân chúng là một sức mạnh rất lớn. Mà đối với dân chúng, các giá trị văn hóa và ý thức hệ lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ở cả hai lãnh vực, họ đều xa lạ với Trung Quốc: Họ vừa là Hồi giáo lại vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Anh, cả hai đều không có ở Trung Quốc.
Ở trên, chúng ta xét thế đứng cô lập của Trung Quốc về phương diện địa chính trị. Về phương diện thể chế, Trung Quốc lại càng bị cô lập. Hiện nay, thể chế dân chủ dựa trên bầu cử tự do hiện diện trên 60% số quốc gia trên thế giới. Trung Quốc thuộc thành phần thiểu số, nằm trong 40% còn lại. Cái tỉ lệ 40% ấy càng lúc càng giảm đi, ngay ở các quốc gia vốn là đồng minh lâu năm của Trung Quốc, từ Mông Cổ đến Miến Điện. Số còn lại cũng sẽ đối diện với nhu cầu thay đổi như thế: Nếu họ không thay đổi, họ sẽ bị sụp đổ.
Do đó, Trung Quốc vốn đã cô đơn sẽ càng ngày càng cô đơn hơn.
Dĩ nhiên, một con hổ cô đơn cũng vẫn là một con hổ cực kỳ nguy hiểm.
Chỉ có điều đáng mừng là: Nó không phải là một cái gì không thể chống cự lại được.
Nguyễn Hưng Quốc
30-03-2012
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
***
Chú thích: Các số liệu ở trên đều lấy từ bài “The loneliest superpower” của Minxin Pei.
Gửi ý kiến của bạn