BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76210)
(Xem: 62963)
(Xem: 40370)
(Xem: 31970)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Blogger Trương duy nhất vẫn chưa được gặp luật sư và gia đình

01 Tháng Năm 20197:08 SA(Xem: 1414)
Blogger Trương duy nhất vẫn chưa được gặp luật sư và gia đình
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt giam, cho đến nay, ông vẫn chưa được gặp gia đình và luật sư của mình. Thậm chí các đơn xin gặp thân chủ của luật sư đều bị trả về.

Cô Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada, khi trao đổi với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do hôm 30/4/2019, cho biết tình hình hiện nay của Ba cô:

“Tính đến bây giờ, chưa có ai bên phía luật sư cũng như gia đình được gặp ba nên các thông tin như sức khỏe ba ra sao tạm thời chưa có câu trả lời.”

Theo Cô Trương Thục Đoan, Mẹ cô và luật sư Trần Vũ Hải, người được blogger chỉ định từ trước khi bị bắt để làm đại diện cho mình, đã nhiều lần nộp đơn, thậm chí đến tận bộ công an và cơ quan cảnh sát điều tra để yêu cầu được gặp ba theo như đúng luật định, nhưng đều không được tiếp xúc với blogger.

Blogger Trương Duy Nhất
Blogger Trương Duy Nhất

Blogger Trương Duy Nhất là người từng có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ. Trước khi bị bắt, ông đã sang Thái Lan để xin tị nạn vì lo ngại mình có thể bị bắt giữ vì những thông tin quan trọng mà ông biết về chính phủ. Tuy nhiên, ông đã mất tích đột ngột hôm 26/1.

Hai tháng sau, Bộ Công an Việt Nam mới thông báo trong một họp báo ở Hà Nội rằng blogger này đã bị bắt vì có liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”, một cựu sĩ quan công an đang phải ngồi tù với một loạt cáo buộc liên quan đến tham nhũng đất đai, lợi dụng chức vụ quyền hạn….

Cô Trương Thục Đoan cho biết, ngày 20/3/2019 mẹ cô, bà Cao Thị Xuân Phượng, lần đầu thăm nuôi blogger Trương Duy Nhất ở trại T16 tại Hà Nội và gửi được một chút đồ ăn cùng tiền mặt cho blogger.

Bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ ông Trương Duy Nhất mang đồ tiếp tế cho chồng ở trại giam T16 tại Hà Nội hôm 20-3-2019. Court
Bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ ông Trương Duy
Nhất mang đồ tiếp tế cho chồng ở trại giam T16
tại Hà Nội hôm 20/3/2019.

Courtesy of FB Phạm Xuân Nguyên

Tuy nhiên, ngày 22/4/2019, khi bà Cao Thị Xuân Phượng ra thăm nuôi blogger Trương Duy Nhất lần 2, giới chức trại giam cho biết cơ quan cảnh sát điều tra có lệnh xuống là blogger Trương Duy Nhất không được phép nhận đồ thăm nuôi của gia đình.

Nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên, một thân hữu của blogger Trương Duy Nhất, người đi cùng bà Cao Thị Xuân Phượng - vợ blogger Trương Duy Nhất đến trại T16 ngày 22/4, cho biết:

“Vừa rồi vào ngày 22/4, tức mỗi tháng được thăm nuôi một lần vào ngày chẵn, chị Phượng là vợ Anh Nhất, bay từ trong Đà Nẵng ra, sau đó tôi chở chị Phượng đến T16 là trại tạm giam của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an. Dù trước đó vào lúc sáng chị Phượng đã lên cơ quan cảnh sát điều tra nộp đơn xin thăm gặp theo luật quy định trong thời gian tạm giam, tuy nhiên khi vào thì không được gặp, mà chỉ được tiếp tế. Nhưng khi làm thủ tục thì được sĩ quan trực mang hàm đại úy cho biết lần này Trương Duy Nhất không được nhận đồ tiếp tế, do có công văn chỉ đạo từ cơ quan cảnh sát điều tra.”

Ông Phạm Xuân Nguyên cho biết, bà Phượng đã đến văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra để hỏi cụ thể. Tuy nhiên theo bà Phượng cho biết thì người trực ban cũng chỉ ghi nhận và nói là sẽ báo cấp trên. Cho đến giờ, gia đình blogger Trương Duy Nhất vẫn chưa nhận được câu trả lời nào về quyết định này.

Ông Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm, Luật sư Trần Vũ Hải cũng đã làm đơn lên cơ quan công an xin gặp ông Nhất, nhưng các đơn gửi đều bị trả về vì sai địa chỉ. Luật sư Trần Vũ Hải cho gia đình biết ông đã thụ lý nhiều vụ khác, và đã nhiều lần gửi văn bản lên địa chỉ này nhưng chỉ riêng trường hợp Trương Duy Nhất thì bị trả về.

Đài Á Châu Tự Do không liên hệ được với Luật sư Trần Vũ Hải để xác minh thông tin này.

Ngoài thông tin ít ỏi đưa ra tại buổi họp báo hôm 25/3 của Bộ Công an, cho đến nay, gia đình và luật sư của blogger Trương Duy Nhất vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ phía chính quyền cho biết là đã bắt blogger Trương Duy Nhất ở đâu và bắt như thế nào?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 30/4 liên quan quy định của pháp luật về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết:

“Về vấn đề thăm gặp thì bên an ninh, cảnh sát điều tra tự bản thân họ đặt ra cái điều luật là sau khi kết thúc điều tra mới cho luật sư cũng như thân nhân gặp, để đảm bảo bí mật điều tra. Tuy nhiên việc này theo luật, Viện trưởng Viện kiểm sát là người quyết định có cho luật sư và gia đình thăm gặp hay không, tiếp xúc hay không, cho luật sư tham gia tố tụng hay không? Nhưng cơ quan an ninh điều tra cứ tự ý ban ra vì tội an ninh quốc gia nên kết thúc điều tra mới được thăm gặp.”

Báo cáo về Nhân quyền Việt Nam năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích Việt Nam về những trường hợp công an ngăn cản không cho luật sư tiếp cận thân chủ của mình cho đến hết quá trình điều tra, thậm chí chỉ đến khi gần sát phiên tòa.

Trong trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, đến lúc này gia đình và luật sư vẫn không thể biết đến bao giờ quá trình điều tra mới kết thúc.

Theo Bộ Luật Hình sự của Việt Nam, quá trình điều tra có thể kéo dài cả năm, đối với những trường hợp bị coi là đặc biệt nghiêm trọng, thời gian tạm giữ trong quá trình điều tra có thể kéo đến 20 tháng.


Theo Nhà báo tự do, blogger  Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, ở California, người đã từng ở chung tù với blogger Trương Duy Nhất trước khi ông được trả tự do vào năm 2014, cơ quan công an chỉ muốn cô lập Trương Duy Nhất:

“Nói chung trong quá trình điều tra, họ tìm mọi cách để họ gây khó khăn, cô lập tù nhân để họ khai thác. Họ gây sức ép với tù nhân, mà việc này là trái quy định pháp luật, những người bị tạm giữ, tạm giam là chưa thành án, họ vẫn có quyền công dân, quyền được thăm nuôi và tiếp tế từ gia đình, gặp gỡ luật sư… Nhưng cơ quan điều tra đối với các vụ án chính trị thì họ thường làm như vậy.”

Cô Đoan cho biết thêm, vì lo lắng, mẹ cô có yêu cầu xem chữ ký xác nhận của ba trong tờ giấy kê khai các món đồ gửi vào trại T16 hồi tháng 3, và bà Phượng đã xác nhận đó chính xác là chữ ký và nét chữ của Blogger Trương Duy Nhất.

Nhưng theo Cô Đoan, động thái cấm nhận đồ thăm nuôi mới đây của chính quyền có thể là một hình thức tra tấn và khủng bố về tinh thần:

“Với một nhà báo như ba con, bị bỏ tù đồng nghĩa với việc bị cưỡng ép rời bỏ ngòi bút và các phương tiện tác nghiệp khác thì đó đã là một sự ngược đãi khủng khiếp. Nhưng họ chỉ có thể cưỡng bức hành vi chứ không bao giờ cưỡng bức nổi tư tưởng của ba con.”

Có rất nhiều nghi ngờ xung quanh sự mất tích của blogger Trương Duy Nhất. Trong khi phía công an Việt Nam không đưa ra bất cứ lời giải thích nào về tình huống blogger này bị bắt giữ khi đang ở Thái Lan, các nghi ngờ cho rằng blogger này có thể đã bị mật vụ Việt Nam bắt giữ khi đang ở Bangkok.

Cô Trương Thục Đoan cho rằng cha của cô mất tích kể từ ngày 26 tháng 1 ở Thái Lan và 28/1 lại ở Việt Nam. Cô cho rằng rõ ràng người cha không thể tự nguyện trở về trong nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự Do, đã có 12 Nghị sĩ của Nghị Viên Châu Âu, Ba Dân Biểu Mỹ cùng nhiều Tổ chức lên tiếng cho trường hợp của Blogger Trương Duy Nhất như: Human Rights Watch, Committee  to Protect Journalists, Amnesty International, Reporters Without Borders (RSF), US Agency for Global Media (USAGM)...

Trung Khang, RFA
30/4/2019
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn