Ông Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1956 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ba là người Pháp, khi người mẹ đang mang bầu ông được mấy tháng thì người cha về nước. Sau khi hạ sinh cậu bé Thuận ở Bệnh viện Trung ương Huế, người mẹ cũng bỏ núm ruột mà đi về thế giới bên kia vì sinh khó. Ông Thuận không biết gì về cha mẹ mình kể cả cái tên, chỉ biết khi lớn lên nghe người ta kể lại cha ông làm cái nghề gọi là “ông Tây nhà đèn”, tức là làm việc trong những nhà máy đèn tại các thành phố lớn, còn người mẹ làm bồi phòng cho người Pháp.
Cậu bé sơ sinh được đưa qua bên Cô Nhi Viện Tây lục, Thừa Thiên-Huế. Các bà Sơ tại đây nuôi nấng, chăm sóc cậu bé Thuận rất tốt, nhưng cậu vì ham chơi nên không học hành được gì nhiều. Từ năm 13 tuổi cậu bắt đầu ra đời, mưu sinh bằng nghề đánh giày, nhưng thỉnh thoảng cũng ghé về thăm các Sơ. Trong số các Sơ ở đó, cậu vẫn còn nhớ nhất Sơ Hai, khi đó khoảng hai mươi mấy, ba mươi tuổi, thường nâng đỡ tinh thần cậu. Nhiều năm sau này trên đường đời cậu cũng gặp lại Sơ Hai, tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi gần Ga Sóng Thần, thuộc tỉnh Bình Dương. Từ ngoài Huế, Sơ Hai chuyển vào đây tiếp tục chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Còn cậu bé và cậu thiếu niên tên Thuận ngày nào thì đã trở thành thương phế binh của một quân đội và một quốc gia không còn tồn tại. Sơ Hai cũng đã qua đời, cách đây khoảng 20 năm.
Trong những năm tháng đi đánh giày, cậu gặp những người lính Việt Nam Cộng Hòa và thấy thích sự oai hùng của họ, ước gì mình cũng được là lính như họ. Đầu năm 1974 anh thanh niên tên Thuận đăng ký nhập ngũ đi lính. Anh bắt đầu đời lính sau khi được huấn luyện 3 tháng tại trung tâm huấn luyện Dạ Lê, Thừa Thiên-Huế của sư đoàn 1. Và từng tham gia nhiều trận đánh quanh khu vực Thừa Thiên-Huế, trận cuối cùng bị thương là ở quận Hương Trà, Huế. Lúc đó chiến cuộc gần tàn. Trận đánh cầm cự kéo dài từ ngày 5/3/1975, anh Thuận bị thương vào ngày 23/3/1975. Do vừa đánh vừa rút nên lúc rút đi anh Thuận vướng mìn, bị thương nặng, cả chân, tay, mắt. Đại đội được lệnh rút quân, đem theo những người lính bị thương trong đó có anh Thuận, về tới bến cảng Thuận An-Huế là sáng 24/3. Đồng đội định đưa anh vào bệnh viện nhưng lúc đó Huế đã gần mất, mọi thứ đều hỗn loạn, không còn Bệnh viện nào hoạt động hết. Vì thương tật quá nặng anh Thuận không đi đâu được, nằm tại chỗ, cho tới sáng 25/3 mấy bà sơ ở bên Nhà thờ Thuận An kéo anh vô Nhà Thờ để băng bó, rửa nước sôi chứ cũng không có thuốc men, dụng cụ gì khác.
Ngày 26/3/1975 Huế mất vào tay cộng sản Bắc Việt. Sau đó vài ngày bộ đội Bắc Việt di chuyển các thương binh VNCH về trạm xá An Dương, huyện Thuận An, tại đây các bác sĩ cưa chân anh, cưa “sống”, không có thuốc mê, thuốc tê gì. Anh bị cụt cả hai chân dưới đầu gối, mất 4 ngón tay, mù 1 mắt.
Nhớ lại quãng thời gian đi lính ông Thuận tâm sự:
– Đời lính chú nói thật lòng là chú thấy vui nhiều hơn buồn, vì mình cầm cây súng mình tự hào là một quân nhân của VNCH, bên cạnh đó là tình đồng đội, anh em bốn phương một nhà. Còn buồn chẳng hạn như hôm nay bạn mình có người nằm xuống, hay như chính mình bị thương. Nhưng mình cứ nghĩ cuộc đời binh nghiệp thì phải chấp nhận, vì là lính đi ra chiến trường không mất mát một phần thân thể thì cũng mất mạng, mình đã biết trước những điều đó, nhưng vẫn đi, bởi vì đó là bổn phận, danh dự, trách nhiệm của một người lính, mình phải làm cho tròn mà thôi.
Vì thời gian vào lính chưa được bao lâu nên đến lúc bị thương, ông Thuận cũng chưa có cấp bậc gì. Nằm ở trạm xá 10 ngày những người cộng sản đưa ông Thuận về Bệnh viện Trung ương Huế. Ông nằm ở đó khoảng 1 tháng. Những ngày cuối cùng từ lúc bị thương ông Thuận không biết tin tức gì về chiến trận đang diễn ra. Khi thấy Việt Cộng vô thì ông cũng nghĩ “gió đi rồi gió về”, ông cứ mang cái hy vọng như vậy hoài từ năm này sang năm khác. Cho đến giờ, gần nửa thế kỷ, thì hoàn toàn không còn hy vọng gì nữa, những nỗi niềm khắc khoải trong lòng như cũng chai lì luôn rồi.
Cảm giác bị phân biệt đối xử đã có từ những ngày nằm trong Bệnh viện. Ông Thuận tâm sự:
– Trong Bệnh viện lính miền Nam nằm khu riêng, lính miền Bắc nằm riêng. Thuốc tốt trong Bệnh viện của VNCH để lại thì họ ưu tiên chữa cho lính của họ, chứ còn thương binh của VNCH như chú là không bao giờ có. Thời gian đó bác sĩ, y tá của miền Nam một số còn được giữ lại phục vụ, chú yếu để cho những người mới từ ngoài Bắc vào hoặc “thành phần cốt cán” của cách mạng học hỏi, sau khị biết rồi thì họ đuổi những người cũ của miền Nam ra, còn người nào có chức có quyền thì bị đưa đi cải tạo, đi tù luôn.
Cho tới 30/4/75 vết thương của ông Thuận vẫn chưa lành, cái chính vì không có thuốc, chỉ có thuốc xuyên tâm liên, đau bịnh gì cũng cứ xuyên tâm liên. Loại thuốc này đâu có chữa trị được vết thương, nhưng họ đưa gì thì ông uống nấy, chứ đâu có đòi hỏi được.
Sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào ngày 30/4/1975 thì sáng ngày 1/5 những người cộng sản đuổi ông và tất cả những người lính bị thương của VNCH còn đang phải điều trị ra khỏi Bệnh viện, không cho nằm nữa.
Bị đuổi ra, vì không có nhà cửa, ông Thuận phải đi lang thang. Thân thể không lành lặn, không có nguồn thu nhập nào, ông Thuận trở thành một người ăn mày ăn xin giữa chợ, giữa đường phố để sống qua ngày. Thời gian đó các tiệm pharmacy thì nhà nước đã tịch thu hết, nhưng ở ngoài chợ có những tiểu thương bán thuốc lậu, người cho ông Thuận thuốc này người cho thuốc kia, cho bông gòn, thuốc đỏ, băng…Nói chung người dân ở cái chợ Đông Ba đó cũng giúp ông nhiều, có lẽ vì họ biết đây là thương phế binh của VNCH.
Thỉnh thoảng ông Thuận gặp lại bạn bè đồng đội, cả đại đội trưởng, cuộc sống của ai cũng thay đổi, theo đúng nghĩa nước mất thì nhà tan, có người đi bán vé số, có người đạp xe thồ, đạp xích lô, đi bán cà rem, bán đủ thứ. Gặp nhau thầy trò, bạn bè ngồi uống cà phê nói chuyện xưa nhưng cũng không dám nói nhiều bởi vì cái thời đó chính quyền mới rất hà khắc, nghiêm cấm, không cho những người cũ tụ tập với nhau. Gặp nhau chào hỏi nói sơ vài câu rồi đi.
Vì không có cấp bậc và là thương phế binh nên ông Thuận không bị bắt đi học tập cải tạo.
Đầu năm 1976 có đợt truy quét người lang thang, ông Thuận bị gom luôn. Ở tại Huế trước đây có cái quân lao gọi là Lao Thừa Phủ, ông Thuận bị đưa vào đó cũng gần 6 tháng. Sau 6 tháng ông bị đưa đi trại Hoàng Cát T2 nằm tại Cam Lộ, Quảng Trị. Và ở tại đây 3 năm. Ở đây có đủ từ tù hình sự, tù chính trị, người lang thang không nghề nghiệp… Tổng cộng cũng phải vài ngàn người. Nhưng tù chính trị, tù hình sự ở các khu khác, những người lang thang không nghề nghiệp ở khu khác. Ông Thuận bị đưa vào chỉ vì lang thang không giấy tờ chứ không có tội gì nên không bị hỏi cung, tra tấn, nhưng họ bắt làm gióng gánh, chằm nón, đan rổ đan rá, thúng mủng…và nếu làm không đủ năng suất thì bị đánh. Đánh bằng tay có, hoặc gặp thứ gì họ phang thứ nấy. Buổi sáng 7g làm cho tới 10:30 ăn cơm, nghỉ trưa một chút,1:00 làm tới 4:00 chiều. Cơm nước xong là lùa vô “chuồng”. Tối thì có họp trại, bắt hát nhạc cách mạng, nói về đường lối chính sách của đảng, sự khoan hồng của đảng, v.v… Ăn uống thì kham khổ, một chén cơm chỉ có một muỗng cơm còn bao nhiêu là củ mì, bo bo… Một phòng giam khoảng từ 60-80 người. Mỗi người một cái chiếu 1m2. Không có toilet. Buổi tối họ cho bỏ vài cái thùng thiếc trong buồng để đi tiểu tiện, sáng mai khiêng đi đổ. Có một khu riêng để đổ phân, có người khác khiêng đi phơi khô để làm phân trồng trọt.
Nghĩ lại những ngày đó ông Thuận vẫn cho là mình may mắn, được ơn trên ban phước lành nên chỉ bị cái chân lâu lành còn bệnh tật thì không. Đời tù trong môi trường thiếu thốn cực khổ đủ thứ như vậy, ông Thuận biết có nhiều người đã bị chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau 3 năm ông Thuận được thả về. Và đó chỉ mới là lần thứ nhất. Ông Thuận bị đưa vào các trại khác nhau tổng cộng 3 lần. Cứ vừa ra một vài tháng, nửa năm cho tới một năm là bị bắt lại.
Lần thứ nhất sau khi thả về vì không có gia đình, không có vợ con, không có nghề nghiệp nên ông lại tiếp tục cuộc sống lang thang. Ông không ở Huế mà về Đà Nẵng, đi ăn xin từ tỉnh này sang tỉnh khác, lại bị “hốt”. 3 năm nữa. Thả về lại vô Quy Nhơn, lại bị thêm 3 năm. Tổng công 9 năm.
Lần thứ hai là đỡ nhất, vì người ta đưa ông vào trại Đồ Bàn của bên Thương binh-Xã hội chứ không phải là trại tù. Giam lỏng, nhưng cũng vẫn đi cho làm, tự do mua bán, tự do “cải thiện” bữa ăn như đi hái này hái kia. Ở trại này họ coi ông là người tàn tật nên không phải đi làm, người nào khỏe thì đi làm, người tàn tật ở nhà làm việc khác, ví dụ như xuống phụ bếp, hoặc đi phơi khô sắn, khoai… Tiêu chuẩn ăn uống cũng đỡ hơn.
Về trại Kim Sơn, Bình Định cũng khác. Tuy là trại tù, nhưng đỡ hơn hồi ở Huế. Ông Thuận nghĩ, có lẽ vì thời gian ở Hoàng Cát T2 quá mới mẻ sau biến cố lịch sử 30/4/1975 nên chính sách của nhà cầm quyền hết sức nghiêm ngặt, sắt đá, còn Kim Sơn 6 năm sau tình hình đỡ hơn.
Sau 3 đợt bị bắt vào trại ông Thuận rút kinh nghiệm, tránh cho tới giờ. Kinh nghiêm cho ông thấy nhà nước chỉ lo bắt hốt các thành phần tàn tật lang thang ở các thành phố lớn, nhất là tới những ngày lễ như 30/4, 1/9, Tết… Lý do là vì những ngày lễ nhà nước không muốn cho khách tham quan nhìn thấy những người lang thang, tàn tật, ăn xin… ở mấy thành phố. Do vậy sau này cứ vào những ngày họ chuẩn bị đi hốt là ông về thôn quê tạm lánh, hết đợt thì về.
Sau lần thứ ba được thả ra thì ông vào Sài Gòn rồi ở luôn cho tới bây giờ, cũng gần 30 năm. Ông đi hát dạo. Một nhóm 3 người, người đàn người hát người cầm cái lon đi xin tiền, thay đổi nhau. Có lúc là thương phế binh, có lúc là người tàn tật. Hùn với nhau họ mua cái đàn guitar, lắp một cái ampli nhỏ bằng bàn tay, cái bình xạc điện… Gọi là tạm sống qua ngày. Họ đi bộ từ nơi này sang nơi khác, bản thân ông Thuận thì lấy 2 miếng vỏ lốp xe lắp vô 2 cái chân cụt để đi bằng đầu gối, người cụt một chân thì chống nạng… Đi hát, tối cùng nhau tìm chỗ ngủ ở đầu đình xó chợ.
Sau này khi kiếm được một số vốn ông lấy vé số đi bán. Ông bắt đầu bán vé số cũng khoảng 10 năm trước. Khi Hòa thượng Thích Không Tánh ở chùa Liên Trì, quận 2, bắt đầu tổ chức chương trình tri ân, giúp đỡ thương phế binh VNCH thì ông Thuận cũng tham gia. Sau này một phần vì làm không nổi, một phần vì bị chính quyền gây khó dễ quá sức nên Hòa thượng Thích Không Tánh nhờ các Cha bên Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, quận 3, sau đó là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Cần Giờ, lo giúp. Mỗi năm các Cha tổ chức phát quà cho các thương phế binh VNCH một lần. Anh em đồng đội cũ gặp nhau rất vui, tay bắt mặt mừng, đàn hát, chuyện trò. Nhưng chỉ được vài năm là nhà cầm quyền tìm cách ngăn cấm, không cho tổ chức nữa.
Bây giờ ông Thuận không đi bán vé số nữa mà bán đồ chơi trẻ em, bong bóng các thứ. Ông nói:
– Bán bong bóng đỡ hơn một cái là mình không phải trả lại, ế ngày nay qua ngày mai ngày mốt vẫn bán được. Còn vé số thì chỉ trong ngày. Nhưng bây giờ ế họ cũng không cho trả nên bán vé số rât mệt mỏi và cũng nguy hiểm, bị giựt. Chú cũng bị tụi nhóc xì ke ma túy giựt vé số mấy lần, hết cả tiền.
Ông thuê nhà trọ, ở chung với hai người bị khuyết tật, bị liệt hai chân vì tai biến, cũng đi bán đồ chơi cho trẻ em như ông.
***
Câu chuyện của ông Võ Hồng Sơn, lính nhảy dù
Ông Võ Hồng Sơn sinh năm 1948, tại Quảng Nam-Đà Nẵng. Trước khi vào lính, ông chỉ học tới khi thi rớt Đệ Thất thì nghỉ luôn. Ông đầu quân nhập ngũ vào năm 1971. Năm đó ông đã 23 tuổi nhưng làm giấy khai sinh xuống 18 tuổi để đăng ký đi lính. Ông Sơn chọn binh chủng nhảy dù vì thích những người lính dù mặc bộ đồ dù mũ đỏ oai phong quá. Ông chính thức đi lính từ cuối năm 1971. Tham gia nhiều trận đánh ở ngoài Lăng Cô (Huế), trận Quảng Trị mùa hè đỏ lửa và nhiều nơi khác. Tháng 8.1974 ông Sơn bị thương nặng ở Thượng Đức, Huế. Ông được đưa về Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Huế cấp cứu, sau đó đưa về Bịnh Viện Đỗ Vinh, ở SG, rồi Tổng Y Viện Cộng Hòa nằm đó một thời gian. Sau khi bình phục ông được đưa qua Trung tâm 3 Hòa Lực ở Ngã Năm Gò Vấp để chỉnh hình, phân loại thương phế binh-1, 2 hay 3. Ông Sơn là loại 3, tình trạng thương tật 85%, vĩnh viễn không trở lại binh nghiệp được. Ông bị thương cả hai chân, chân trái bị cưa trên mắt cá một chút, còn chân phải thì nát hết xương đầu gối.
Cũng từ quãng thời gian điều trị ở Trung tâm 3 Hòa Lực này mà dẫn tới việc ông Sơn gặp được người vợ tương lai của mình. Số là tại đây ông quen biết với ông Phan Văn Nua, lớn hơn ông nhiều tuổi, cũng lính bộ binh bị thương đứt ruột phải giải phẫu, điều trị. Thấy hoàn cảnh ông Sơn gia đình ở tuốt ngoài Đà Nẵng mà thời gian này cứ 29 ngày phải đi tái khám một lần nên ông Nua bảo ông Sơn về ở tạm nhà mình tại Gò Vấp. Gia đình ông Nua có vợ người Khmer và 5 cô con gái, người vợ tương lai của ông Sơn là người con thứ hai. Gia đình ông Nua trước đó cứ đi đi về về giữa Campuchia và Việt Nam, đến năm 1970 thì về Việt Nam ở hẳn, và được chính phủ VNCH khi đó cấp nhà cho ở tại Trại giao binh ở Gò Vấp.
Đầu năm 1975 ông Sơn lập gia đình, khi đó trên giấy tờ ông ghi sinh năm 1954 tức 21 tuổi, nhưng tuổi thật là 26, 27 tuổi. Còn vợ ông, sinh năm 1957, khi đó mới 18 tuổi, còn đang đi học nghề thợ dệt. Đám cưới đơn giản theo kiểu nhà binh.
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi ông Sơn vẫn còn đang điều trị ở Trung tâm Hòa Lực, cứ 29 ngày tái khám một lần, điều mà ông lo sợ nhất là mất nước thì đã xảy ra. Đúng 12g trưa ngày 30/4/1975 Việt Cộng vô tiếp thu Trung tâm 3 Hòa Lực. Họ bắt những người thương phế binh ra trước sân, ngồi cúi đầu xuống, hai tay để trên đầu, không được ngó lên, ngồi từ 8g sáng đến 2 g chiều, sau đó đuổi ra khỏi Trung tâm.
Ông Sơn lúc đó đã gắn chân giả, là binh nhất, nên cũng bị đi “học tập” 6 tháng tại K4 Tống Lê Chân. Nhớ lại thời gian này, ông kể, thiếu thốn đủ thứ, sáng ra nhịn đói đi lao động, người cụt chân như ông thì đi nhổ cỏ, làm việc nhẹ hơn, mấy người không cụt chân thì khiêng phân đi tưới trồng rau muống, kêu là đội rau xanh. Tại đây có đủ loại lính thuộc các binh chủng khác nhau của VNCH. Không ai dám tâm sự, nói chuyện với ai hết, nói là “cán bộ” tới bảo bàn kế để trốn, rồi đánh. Nếu chấp hành theo đúng nội quy trong trại giam thì không bị gì, cứ đến giờ hô làm là làm, hết giờ đi về là về, còn vi phạm thì sẽ bị đánh. Ông Sơn có nhìn thấy những người bị đánh, cũng có người bị đánh nặng quá phải đưa đi cấp cứu sau đó không thấy về lại là biết đã “lên đường” rồi. Nhưng cái khổ về vật chất, thân xác không bằng sự ức chế, bức bối về tâm lý vì cứ bị những người thắng cuộc xài xể, mắng nhiếc, gọi là “ngụy quân ngụy quyền, tay sai của Mỹ”. Ông Sơn kể.
Trong khi đang đi “học tập cải tạo” ông Sơn sức khỏe yếu chịu không nổi, lên cơn sốt cao, tưởng như muốn chết, cán bộ trại giam phải đưa đi cấp cứu ở Bình Dương. Sau thấy ông yếu quá họ đành phải đề nghị lên trên cho ông về trước. Thế là ông Sơn về trước khi hết hạn 6 tháng.
Gia đình cha mẹ anh chị em ông vẫn còn đủ cả, đang sống ở Đà Nẵng, nhưng ông Sơn nghĩ, mình đi lính sợ về ảnh hưởng tới gia đình, lỡ em út đi làm giấy tờ mấy ổng cũng phân biệt anh mày là lính “ngụy” này kia rồi khó dễ, chẳng hạn. Nên ông ở lại Sài Gòn với gia đình vợ. Bà má vợ lại tiếp tục nấu xôi đi bán, còn hai vợ chồng ông đi bán vé số.
Có một giai đoạn cả nhà bị lùa đi kinh tế mới ở Bàu Ké, Dầu Tiếng, Sông Bé, Đồng Xoài, nhưng nhà thì chỉ toàn đàn bà con gái chân yếu tay mềm, còn hai người đàn ông thì thương phế binh sức khỏe không có, nên cuối cùng làm không nổi, được 3 tháng cả nhà lại kéo về Sài Gòn. Chỗ ở không có, cả nhà ra chợ An Đông, ban ngày bán vé số, tối trải chiếu ngủ trước cửa nhà người ta.
Cũng khoảng 4, 5 tháng như vậy thì lại có đợt “thu gom người lang thang ngoài đường”. Bà má vợ liền năn nỉ xin chính quyền địa phương cho cả gia đình hồi hương về quê ở An Giang, Châu Đốc. Tại đây chị em họ hàng bên nhà má vợ ông Sơn mới cho gia đình vợ ông miếng đất cấp cái chòi ở mé sông An Giang. Má vợ ngày 2 buổi sáng, chiều cắp thúng xôi đi bán. Cả nhà lại tiếp tục bán vé số. Cuộc sống hết sức gian nan, chật vật. Nhưng hai vợ chồng cũng có được hai đứa con. Con gái lớn sinh năm 1986. Con trai sinh năm 1993. Cả hai đều không được học hành gì bao nhiều.
Trong khi đó gia đình ông Sơn ở ngoài Đà Nẵng đời sống cũng chẳng khá gì hơn. Trước năm 1975 cha ông là tài xế xe lam, mẹ ở nhà nội trợ, người cha lái xe lam mà dư sức nuôi cả gia đình 7, 8 đứa con đi học. Trong nhà sau hai bà chị đầu Hai, Ba, ông anh thứ Tư đến ông là thứ Năm. Cả nhà chỉ có môt mình ông Sơn đi lính.
Sau ngày 30/4/1975, cả nhà đều ở lại Việt Nam, cũng có giai đoạn bị đưa đi kinh tế mới, lên đó khổ quá rồi cũng trốn về ở lại Đà Nẵng. Gia đình cũng ở gần gần nhau, đùm bọc nhau sống. Khi ba mẹ mất rồi ông Sơn mới hay tin, ông kể hồi đó không có điện thoại như bây giờ, gửi thư về thì tên, đường, khu phố họ đổi hết, nên thư từ đi lạc.
Những năm về sau này thỉnh thoảng ông cũng về, thí dụ như có đám giỗ 3, 4 năm về một lần, còn khi lớn tuổi phần vì kinh tế khó khăn, phần chỉ có một chân đi cũng khó hơn, nên gia đình những người em ở ngoài đó cũng thông cảm.
Năm 2011 hai vợ chồng ông Sơn và hai con nhỏ trở về Sài Gòn. Không có nhà, họ sống dưới gầm cầu Ngã ba Hàng Xanh. Năm 2014 Hòa thượng Thích Không Tánh ở Chùa Liên Trì quận 2, Sài Gòn, bắt đầu tổ chức chương trình tri ân thương phế binh VNCH, ông Sơn đến chùa 2 lần, năm 2016 chùa Liên Trì bị nhà nước cưỡng chế, đập phá. Chùa Liên trì vốn là một trong các cơ sở còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ trước 1975, Giáo hội không được nhà nước cộng sản thừa nhận. Bản thân Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì tại chùa Liên Trì, từng bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt tù mấy lần, trong đó có lần vào năm 1995 cùng với Hòa thượng Thích Quảng Độ, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng, mỗi người bị 5 năm tù về tội 'phá hoại chính sách đoàn kết' và 'lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước'. Do vậy ngôi chùa này đã là một “cái gai” trong mắt nhà cầm quyền.
Cuối cùng đến ngày 8/9/2016 chính quyền quận 2 đã huy động khoảng 500 người các ban ngành, trong đó có an ninh mặc thường phục, tới thực hiện việc cưỡng chế, đập phá chùa Liên Trì. Bản thân Hòa thượng Thích Không Tánh sau đó cũng đi “tỵ nạn” ở chùa khác. Nghĩ tới các thương phế binh VNCH không có ai lo, Hòa thượng Thích Không Tánh liên lạc với các Cha bên Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng, Sài Gòn xin các Cha lo tiếp. Từ đó dòng Chúa Cứu Thế phụ trách chương trình tri ân thương phế binh VNCH.
Lúc này hai con ông Sơn đã lớn đi làm công nhân ở nhà máy giày ở Đồng Nai rồi mướn nhà trọ kêu mẹ về ở chung, lo cơm nước cho hai đứa đi làm. Bản thân ông Sơn thì vô Dòng Chúa Cứu Thế cho các Cha nuôi luôn. Một thời gian sau nhờ có những người Việt có lòng hảo tâm ở nước ngoài hỗ trợ, các Cha cất cái nhà ở Vườn Rau Lộc Hưng gọi là “nhà cô đơn” cho những người thương phế binh không vợ con, không gia đình về ở, cứ 4 người/phòng, 8 căn như vậy. Ông Sơn về đây ở.
Tưởng đâu những người thương phế binh sẽ có được những ngày cuối đời bình yên, ấm cúng. Nhưng vào năm 2018, chính quyền địa phương quận Tân Bình lại cho công an, dân phòng tới giải tỏa khu này, hàng trăm căn nhà bị đập tan tành. Cùng với những người dân ở Vườn Rau Lộc Hưng, những người thương phế binh VNCH mất nơi cư ngụ. Ai có quê hương thì về quê, ai không có thì ở lại Sài Gòn, ai có tiền thì ra thuê phòng trọ, không tiền thì ra sống bụi đời ở gầm cầu, chợ…lang thang vất vưởng. Sau này các Cha cũng thuê được hai phòng ở cư xá Bắc Hải, và Gò Vập cho khoảng 8 ông ở trọ. Còn bản thân ông Sơn vẫn về chỗ vườn rau Lộc Hưng cũ, do có mấy người đồng hương sống trong những căn nhà gần đó biết ông, họ cảm thương cho hoàn cảnh của ông nên bây giờ ông xin tá túc ở trọ.
Khoảng năm 2017, 2018 vợ ông Sơn phát bệnh ung thư vú. Không có tiền điều trị, bệnh trở nặng, di căn, rồi bà qua đời tháng 12.2020. Gia đình nghèo quá không có tiền lo đám tang, không hoa, không đèn, không tiền làm di ảnh, không bà con thân thuộc vì ở xa chưa lên kịp, ngay cả người khiêng hòm cũng không có, tất cả đều trông cậy anh chị em tình nguyện viên Phòng Công lý và Hòa bình và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn trợ giúp. Ông Sơn tâm sự, đối với ông, việc vợ chết không lo được gì là nỗi đau xót khó quên nhất.
Ngẫm lại cuộc đời từ sau 30/4/1975 ông Sơn thấy toàn là những ngày tháng gian nan, vất vả, nhọc nhằn. Nhà cửa thì không có. Cũng vì nghèo mà vợ chồng con cái không thể ở gần nhau. Tệ nhất là thời gian Sài Gòn bị dịch COVID-19. Những người bán vé số, bán hàng rong, người lao động nghèo hoặc lang thang cơ nhỡ bị buộc phải ở nhà, không làm gì ra tiền. Ông Sơn cũng vậy. May mà người Sài Gòn vốn có lòng hảo tâm, nhân ái, đùm bọc chia sẻ lẫn nhau, nên những người như ông Sơn đã trụ được qua giai đoạn này nhờ những hộp cơm, bịch gạo, muối, mắm…từ những tấm lòng sẻ chia đó. Nhưng đã có rất nhiều người qua đời trong đó có những người thương phế binh VNCH vốn đã sức khỏe yếu, thân thể tàn phế, nhiều bệnh tật nên nếu thiếu ăn hoặc bị nhiễm COVID là không qua khỏi. 28 người ở Vườn Rau Lộc Hưng hồi đó chết còn có mười mấy người.
Khi được hỏi về đời lính, ông Sơn nhớ lại thời gian đi lính nhiều kỷ niệm. Dù đi lính là chấp nhận nay sống mai chết. Ông đã từng chứng kiến bao nhiêu người bạn ngã xuống. Nhưng ông nghĩ, chết sống là hên xui, là do số mạng chứ mình không tránh được, đạn nó không tránh mình thì thôi chứ mình không có tránh đạn được. Vậy mà đời lính đối với ông vẫn rất vui vì đó là ý nguyện, là mơ ước của ông được đi lính.
Sau ngày 30/4/1975 lúc bị đưa đi “học tập cải tạo”, ông cảm nhận cuộc đời từ bây giờ trở đi không thể ngước lên được. Những kẻ thắng cuộc đày, đì, mạt sát ông: mày là thằng lính ngụy, là bọn tay sai bán nước, ông tủi hận trong lòng nhưng bóp bụng sống, và cũng như ông Thuận, như bao nhiêu người khác của bên thua cuộc, ông ráng sống với niềm hy vọng, chờ coi thời thế xoay vần nhưng chờ đến nay là gần 50 năm rồi. Không còn hy vọng gì.
Hồi dòng Chúa Cứu Thế các Cha gọi về, ông gặp những người bạn lính hồi xưa tay bắt mặt mừng. Những năm 2019, 2020, có đến 6, 7 ngàn người. Gặp nhau nhận không ra vì người nào cũng tật nguyền, tàn phế, nhưng ngồi kể ra mới biết. An ninh chìm đứng canh. Ai có lời nói cử chỉ gì họ không vừa lòng sau buổi họp mặt bước ra là họ chụp bắt, rồi họ đem mấy cái loa mướn mấy tay giang hồ về nhậu nhẹt ca hát làm lấp đi tiếng hát của những anh em thương phế binh VNCH. Còn nhớ năm 2019 ông mặc nguyên bộ đồ lính dù đến dự, khi vừa ra khỏi cổng nhà thờ là bị công an bắt đưa về phường 6, quận 2. Ông kể: - Chú đội cái mũ đỏ họ lấy luôn. Họ biểu chú lột bộ quần áo ra chú không lột. Chú nói đây là cái bộ đồ thời trai trẻ của tôi, mấy ông muốn lột thì trừ khi nào tôi gục ngã trước mặt mấy ông, mấy ông muốn lột thì lột, chứ còn bộ đồ đó là kỷ niệm đời lính của tôi, tôi phải tôn trọng.
Sau đó nhờ có cha Thành ở Dòng Chúa Cứu Thế, hồi đó ông Đinh La Thắng còn làm Bí thư thành phố TP.HCM (tên nhà nước cộng sản đặt cho Sài Gòn sau này). Cha nhờ ông Đinh La Thắng gọi xuống cho công an quận 2. Công an liền gỡ phù hiệu trên bộ đồ, rồi thả ông Sơn ra.
Bây giờ không có tổ chức họp mặt ca hát được như hồi đó nữa. Có chương trình gì thì các Cha liên lạc riêng với từng người tới nhận quà, bây giờ các Cha cũng mỗi người bị đổi đi một nơi, ông thì xuống Vĩnh Long, ông thì về Cần Giờ, ông thì ra Núi Cúi, Đồng Nai, Biên Hòa… Những người thương phế binh cũng mỗi người đi một nơi, lớp chết, lớp lang thang vất vưởng.
***
Câu chuyện của ông Nguyễn Quốc Ấn, Biệt Động Quân
Ông Nguyễn Quốc Ấn sinh năm 1953, tại Quảng Nam-Đà Nẵng. Cha mẹ ông có 7 người con, ông là thứ Ba theo cách gọi của người miền Trung, miền Nam. Trên ông là một người anh trai. Gia đình ông từ ngoài Đà Nẵng chuyển vào Sài Gòn sinh sống từ khi ông còn nhỏ, cha mẹ ông mở tiệm dệt vải ở ngã tư Bảy Hiền. Hồi đó ở khu vực ngã tư Bảy Hiền có rất nhiều cửa hàng dệt vải, toàn là dân miền Trung làm. Bản thân ông Ấn chỉ đi học đến hết lớp 3 thì nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ trong nghề dệt. Đến năm 1971, khi đủ tuổi quân dịch, ông đăng ký đi lính vì lý tưởng, vì màu cở sắc áo, và chọn binh chủng Biệt động quân. Thật ra hồi đó ông cũng thích binh chủng nhảy dù nhưng không đủ tiêu chuẩn. Điều kiện để trở thành lính nhảy dù và thủy quân lục chiến trước hết chiều cao phải 1m75 trở lên, mà ông thì chỉ cao chưa tới 1m60. Ông bắt đầu bước vào đời lính từ cuối năm 1971. Ông thuộc về Quân đoàn 3, Liên đoàn 5, Tiểu đoàn 38 Biệt động quân, tham gia các trận đánh ở khu vực miền Trung như Cam lộ, Giao Linh…Quân đoàn 3 là dưới quyền của Tướng Ngô Quang Trưởng. Trận đánh lớn nhất mà ông nhớ nhất là ở Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972. Trận chiến quá căng, Quân đoàn 3 được huy động đưa ra quân đoàn 1 bốn tiểu đoàn trong đó có tiểu đoàn 38 Biệt động quân. Đó là vào tháng 4 năm 1972. Vừa ra là đụng ngay lực lượng quân chính quy Bắc Việt. Ngày 1/5/1972 quân đội VNCH trong đó có tiểu đoàn 38 Biệt động quân rút khỏi hai đô thị là Quảng Trị và Đông Hà, lui về phía Mỹ Chánh (giáp với Huế), gọi là “di tản chiến thuật”. Khi Quân đội Miền Nam rút lui thì cũng có một dòng người dân chạy theo. Việt Cộng pháo theo, dân chết, lính chết la liệt. Quãng đường dài khoảng 9km trên quốc lộ 1 Quảng Trị đã trở thành “đại lộ kinh hoàng” với hàng chục ngàn người chết.
Trước đó ở ngoài chiến trường ông Ấn không hề bị gì, nhưng khi rút lui trên đoạn đường này ông lại bị trúng đạn pháo, mất một cánh tay. Ông được đưa vào Tổng Y Viện Nguyễn Tri Phương, Huế rồi Tổng Y Viện Cộng Hòa, Sài Gòn, sau đó qua trung tâm 3 Hòa Lực làm tay giả, chờ phận loại thương phế binh. Cuối năm 1973 ông Ấn chỉnh thức giải ngũ, trở về nhà, tiếp tục công việc dệt may với gia đình để mưu sinh. Còn một tay nên những loại vải trơn láng, khó dệt như lãnh Mỹ A, satin, ông không làm được, nhưng với loại vải tám sợi thô thì ông vẫn làm được.
Thời đó đồng tiền có giá, gia đình ông có 7 cái máy dệt, mỗi ngày dệt khoảng trên 100 mét vải các loại, sống thong dong. Rồi biến cố lịch sử 30/4/1975 đến. Vì chỉ là binh nhì, thương phế binh cụt một tay nên ông Ấn chỉ phải đi “học tập cải tạo” có 3 ngày ở trường trung học Nguyễn Thượng Hiền, nhưng cũng như đại đa số đồng bào miền Nam, cuộc sống của gia đình ông Ấn sau đó trở nên khó khăn, chật vật hơn rất nhiều. Mấy đợt đổi tiền, mất tiền. Đang đời sống sung túc, hàng hóa tiêu dùng, lúa gạo, thực phẩm ê hề bỗng nhiên đói nghèo xơ xác, tháng tháng xếp hàng đi mua từng ký gạo, ký khoai, lít dầu, từng miếng thịt bạc nhạc… trở đi. Bữa cơm thì chẳng mấy khi được ăn cơm không mà phải độn khoai mì, bột mì, bo bo…Người miền Nam ngay cả trong những năm tháng chiến tranh cũng chưa hề phải ăn độn, phải chật vật đến vậy. Túng thiếu nhiều nhà có cái gì cũng đem bán. Ông Ấn nhiều lần cũng phải đem cả quần áo cũ ra “chợ trời” bán.
Sau ngày 30/4/1975 một thời gian ngắn, toàn bộ các tiệm dệt vải tư nhân ở ngã tư Bảy Hiền bị dẹp, đưa vào Hợp tác xã, gia đình nào cũng làm không đủ sống, thậm chí còn lỗ, mọi người không có tinh thần làm, cộng thêm hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam mẫu mã phong phú hơn, giá rẻ hơn nên cuối cùng mấy năm sau gia đình ông cũng dẹp, xoay nghề khác. Cả nhà chuyển sang buôn bán nhỏ, còn ông Ấn đi bán vé số từ đó.
Năm 1980 ông Ấn lập gia đình. Câu chuyện tình của ông đơn giản và cảm động. Nghĩ lại ông vẫn cho đó là duyên nợ. Gia đình vợ ông là người Bắc 54, di cư vào Nam, đạo Công giáo, vợ ông làm nghề buôn bán ve chai. (Ông Ấn thì không phải đạo “dòng” mà sau này đi lính gặp các Cha Tuyên úy đến nói chuyện rồi tin Chúa mà theo đạo từ đó). Nhiều lần hết tiền uống cà phê ông Ấn lại đem thứ này thứ kia trong nhà ra bán cho cô hàng ve chai hay đi ngang nhà. Vậy mà thành quen nhau. Lúc lập gia đình nhiều người cũng nói ra nói vô với vợ ông rằng mi đẹp gái, lấy ai không lấy lại đi lấy ông què cụt. Nhưng vợ ông trả lời tui thương ổng, vì đồng chung lý tưởng. Ý vợ ông muốn nói cả hai người cùng lớn lên dưới chế độ VNCH nên hiểu hoàn cảnh của nhau. Bên nhà vợ, ông anh vợ thì đi lính không quân, sau phải đi “học tập cải tạo” cả chục năm mới về. Còn bên ông Ấn, người anh đầu đi lính thủy quân lục chiến, quân đoàn 4 ở miền Tây, chết trận, còn ông Ấn thì biệt động quân, thương phế binh.
Cuộc sống của hai vợ chồng giản dị mà đầm ấm. Họ có 2 người con trai, sinh năm 1984 và 1991. Người con trai đầu lớn lên đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự, nhưng không được bao lâu thì phát bệnh tâm thần nhẹ nện được cho về với lý do “Tâm thần, không đủ sức khỏe phục vụ Quân đội Nhân dân”. Người con trai thứ hai khi đến tuổi cũng bị gọi đi nhưng ông Ấn lên tận phường, quận phản đối với lý do nhà chỉ có 2 người con trai, người con đầu đã đi nghĩa vụ quân sự và bị bệnh tâm thần không thể lao động, bây giờ người con trai thứ hai là lao động chính trong nhà.
Cả nhà gồm 2 vợ chồng ông Ấn, người con trai đầu, vợ chồng người con thứ hai đều ở chung. Người con đầu tuy bị bệnh tâm thần nhưng không hề phá phách gây hấn làm mất lòng gì ai, chỉ nhớ nhớ quên quên, hay ngồi nói chuyện một mình. Người con thứ hai chạy xe ôm chở hàng, cưới cô vợ là nhân viên bán hàng ở siêu thị quận 3, còn ông Ấn thì vẫn ngày ngày đi bán vé số.
Khi chương trình tri ân thương phế binh VNCH được tổ chức ở Nhà thờ Dòng chúa Cứu Thế Kỳ Đồng rồi Gò Vấp, ông Ấn có đến nhận quà rồi quen biết ông Thuận, ông Sơn, ông Mẫn và những người khác. Riêng với ông Sơn, hai ông còn quen nhau vì cùng đi bán vé số.
Trong năm 2022 người con trai lớn của ông Ấn qua đời vì đột quỵ, cao áp, tiểu đường. Đến tháng Hai năm 2023 người vợ ông cũng qua đời vì bệnh tật. Thật ra bà bị bệnh đã nhiều năm, đủ thứ bệnh trong người. Hai cái tang gần nhau, nhiều lúc ông Ấn thấy buồn quá sức. Nhưng nhìn những người thương phế binh khác ông lại tự an ủi dù sao mình cũng còn may mắn, còn có gia đình riêng, bây giờ vẫn còn lại vợ chồng người con trai, vợ nó lại mới sinh con nên ông lại có cháu.
***
Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tâm trạng, quan điểm của cả ba người đều có những điểm chung. Đó là cả ba người đều tự nguyện vào lính vì thích đời lính, vì màu cờ sắc áo, vì bổn phận người công dân trong một đất nước có chiến tranh. Và chính vì vậy, không một người nào mảy may hối tiếc đã đi lính để rồi trở thành tàn phế. Cũng chẳng ai trong số họ cảm thấy mặc cảm vì là người lính của bên thua cuộc, trái lại, khi có dịp là ông Sơn lại khoác lên người bộ đồ lính dù kỷ niệm, còn ông Ấn thì thường xuyên mặc cái áo lính đi bán vé số. Công an có xách nhiễu thì ông trả lời: - Bây giờ mấy ông chơi với Mỹ rồi còn phận biệt gì nữa. Tui là “tay sai của Mỹ” vậy mà tui còn ở Việt Nam đây, chứ mấy ông đánh Mỹ chi mà nhiều ông đưa con cái qua Mỹ ở, mua nhà bên Mỹ…
Khi được hỏi giai đoạn nào trong đời nhớ lại cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất, cả ba ông đều nói đó là những ngày đi lính. Với ông Thuận, đó là những ngày anh em đồng đội bốn phương một nhà, còn ông Sơn là những khi thắng trận, được về dưỡng quân, được nghỉ ngơi đi chơi Sài Gòn lu bù.
Thời gian đầm ấm khác với ông Sơn còn là những ngày khi các Cha Dòng Chúa Cứu Thế cất nhà cho ở, mọi người có nơi ở ổn định, ăn uống không lo, đi bán vé số được hay không được về cũng có các Sơ nấu cơm cho ăn, đau ốm có các Cha cho bác sĩ vô khám, cho thuốc, lại có bạn bè cùng cảnh ngộ sống gần nhau, buổi tối đọc kinh xong, ngồi ăn bánh uống trà, nói chuyện tâm sự với những người thương phế binh khác, rồi đi ngủ, xong một ngày bình yên. Ăn ngủ có giờ giấc, tinh thần nhẹ nhàng nên người thương phế binh nào sức khỏe cũng khá ra. Chung quanh thì toàn là người Bắc 54 đạo Công giáo cũng hoàn cảnh nghèo nhưng rất có lòng, mùa nào rau đó họ đem tới cho những người thương phế binh ăn, không lấy tiền. Vui vẻ, đầm ấm, y như người nhà. Được như vậy 4 năm, từ 2014-2018 thì khu vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế.
Còn ông Thuận, ông Ấn thì ngoài thời gian đi lính thì giai đoạn có chương trình tri ân thương phế binh VNCH, anh em gặp mặt nhau trò chuyện là vui. Những niềm vui nhỏ bé đó, những ngày tháng êm ấm đó cũng bị nhà cầm quyền tước đoạt đi. Chế độ độc tài cộng sản Việt Nam đối xử với dân quân cán chính cho tới các thương phế binh của bên thua cuộc hết sức hà khắc, tàn tệ, hoàn toàn không có chút tình người là vậy. Ngay cả bây giờ những người thương phế binh cũng không dám tụ tập, gặp gỡ nhau quá thường xuyên vì công an, dân phòng vẫn còn theo dõi, để ý, mặc dù họ chỉ là những con người tàn phế, gần đất xa trời, làm hại gì được cho chế độ này?
Như đã nói, dù bị tàn phế, những người lính VNCH như các ông không hề bao giờ có ý nghĩ nuối tiếc, ân hận cho bản thân, nhưng nuối tiếc cho đất nước. Ông Sơn nhận xét:
– Trước 4/1975 cuộc sống người dân thoải mái, tự do, đồng tiển thoải mái, một người đi làm có thể nuôi nhiều người, hồi đó làm gì có người đi bán vé số dạo, ai muốn mua vé số thì tới đại lý mua. Nhìn chung miền Nam VNCH từng phát triển hơn nhiều nước trong khu vực còn bây giờ thì Việt Nam bị tụt hậu thua xa các nước láng giềng, xã hội thì sa sút trong đạo đức, tình người.
Nói đến tính chất nhân bản ngày xưa của xã hội miền Nam, ông Sơn:
– Hồi xưa rất nhiều khi mình bắt được Việt Cộng mình đâu có giết, đâu có đánh đập gì đâu. Hồi xưa mình có học, tiên học lễ hậu học văn, ra đường gặp người già, đám ma ai nấy đều đứng nghiêm, ngã mũ chào, kính trọng, còn bây giờ đạo đức sa sút, con người làm sao biết được lẽ phải, đi ra đường không tin tưởng được ai, bán mấy cái vé số còn bị giựt, bị đổi số giả…
Ông Ấn thì ngậm ngùi nói:
– Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước. Mất nước là mất tất cả, hồi đó ông Thiệu đã nói vậy rồi…
Bây giờ các ông đều bảo cũng không muốn quan tâm tới thời cuộc, chính trị nữa vì tuổi đã cao, quan tâm rồi đầu óc buồn, suy kiệt thêm. Cả ba ông Thuận, ông Sơn, ông Ấn đều là người có đạo Công giáo, nên các ông đều đặt niềm tin vào Chúa, phó thác mọi việc vào tay Chúa, bây giờ chỉ sống với những niềm vui nhỏ bé như đi bán đồ chơi cho trẻ em hay bán vé số mỗi ngày kiếm đủ hai bữa cơm, thỉnh thoảng những người bạn thương phế binh, đồng đội cũ gặp nhau làm ly bia trò chuyện… Vậy thôi.
Câu chuyện của ông Thuận, ông Sơn, ông Ấn chỉ là 3 mảnh đời trong số hàng chục ngàn thương phế binh VNCH sau ngày 30/4/1975, hầu hết cuộc sống của những người thương phế binh này đều rất khó khăn, chật vật mưu sinh, cay đắng đủ điều. May mà còn có những hoạt động thiện nguyện thầm lặng của những vị sư, các Cha, của những người có lòng hảo tâm khiến những người thương phế binh thiếu may mắn cũng cảm thấy an ủi ít nhiều.
Song Chi
Nguồn : Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn