Tôi cũng thuộc thế hệ Nguyễn Đình Cống, cũng học Trường cấp III Phan Đình Phùng Hà Tĩnh cùng một khóa với Cống, cũng là học sinh giỏi (đậu đầu toàn tỉnh trong kỳ tốt nghiệp 1956) và cũng có hoàn cảnh y như Cống, là con cái địa chủ, có trở về thăm mẹ và em giữa lúc cuộc đấu tố đang bắt đầu diễn ra, cũng bị người của đội đến nhà dẫn vào cho ông đội trưởng giải thích chính sách, rằng đã là con cái thành phần bóc lột thoát ly thì lúc này không được trở về nhà, hãy đi ngay, chờ bao giờ cải cách xong hẵng về. Và về sau, khi mọi sự đã yên hàn, cả nhà lại sum họp, được nghe kể nhiều chuyện, không chỉ về đấu tố khốc liệt, địa chủ lớp bị bắn, lớp bị đem đi tù ở Trại Đưng (vùng núi Hương Sơn), còn lại hết thảy đều phải ra ở chuồng bò, để lại nhà cửa cho nông dân chia nhau vào ở (một phần của cái gọi là “quả thực”). Riêng nhà tôi có một thư viện từ thế kỷ XIX, nhiều sách cổ chữ Hán (đặc biệt có hai bộ Di cảo Nguyễn Du và Di cảo Nguyễn Trường Tộ) và chữ Pháp (như bộ Từ điển thế kỷ XX 6 tập khổ lớn rất nhiều tranh ảnh màu, một người lực lưỡng bê một tập cũng không xuể), bị xem là tài liệu của phong kiến và đế quốc nên đội đã tổ chức một cuộc “hỏa thiêu”, cho gánh gồng tất cả ra sân vận động Cồn Chủi đốt trong hai ngày, trẻ con tha hồ giành nhau các tờ tranh có màu sắc cũng như xé giấy phết cờ thỏa thích.
Nhưng đúng như Nguyễn Đình Cống nói, giữa bão tố ngút trời vẫn có một lớp người thầm lặng, đội ra sức “phát” mà họ không hề “động” (khâu đầu tiên của CCRĐ là “phát động quần chúng”). Họ bị xem là “rễ thối” và bị loại sau một vài vòng. Một lớp người khác thuộc thành phần được đội ưu tiên “thăm nghèo hỏi khổ” là những người làm công cho địa chủ lâu năm, có khi cha truyền con nối, được gọi là hạng ”thầy tớ”, thì chính lớp người này lại ngấm ngầm giúp đỡ bằng mọi cách, khôn ngoan kín đáo nhất để không lộ (lộ thì chỉ có nước chết), ra sức cứu trợ các gia đình địa chủ đang lâm cơn cùng quẫn; nếu không có họ chắc chắn con số người chết trong CCRĐ còn lớn hơn nhiều.
Suy xét về hiện tượng trên đây tôi vẫn cho rằng, quan hệ truyền thống trong công xã nông thôn là quan hệ tương trợ tương liên, có nhiều hạt nhân là những gia tộc giỏi làm ăn nổi lên như những trung tâm trong mỗi làng mỗi xã; xung quanh họ quy tụ những gia đình nghèo có sức lao động. Một bên có trí khôn biết cách thu góp và cải tiến kinh nghiệm, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng và cũng biết thông thương để giá trị của sản phẩm được nhân lên; một bên có kỹ năng làm việc; hai bên gắn kết, nương tựa vào nhau trở thành một mối quan hệ đạo đức lâu bền. Trong mỗi xóm làng nhiều trung tâm như thế vẫn tồn tại và đó là thực chất của tình làng nghĩa xóm, không thể nào phá bỏ. ĐCSVN nghe lời Tàu Cộng dạy đưa rất nhiều cán bộ không hiểu biết gì về những điều như thế về nông thôn “phát động quần chúng”, chính là nhằm đập phá những nền móng, cột trụ tinh thần này, đảo lộn mối quan hệ truyền thống ở nông thôn, biến chúng thành những kiểu sống tráo trở, “ăn cháo đái bát”, một xã hội bát nháo… May sao cú phá hoại đầu tiên của họ tuy có làm liêu xiêu làng xóm, để lại những vết thương đến nay chưa lành, nhưng đạo lý nghìn đời của người Việt vẫn chưa đến nỗi tan nát (chỉ có lòng tin là từ đấy bắt đầu suy giảm, tàn héo dần đi cho mãi đến ngày nay).
Phải nói, công lao chính là nhờ có những con người thầm lặng, những “rễ thối” trong nông thôn ngày ấy. Nguyễn Huệ Chi
Gần đây (ngày 9; 10 tháng 9/ 2023) tác giả Từ Thức viết bài “Những nhân chứng sống sót của một thời thảm khốc”, đăng trên Tiếng Dân và Bauxite Việt Nam, giới thiệu hai cuốn truyện của Phan Thúy Hà kể về những thảm khốc xảy ra trong thời Cải cách ruộng đất (CCRĐ): Cuốn Gia đình và cuốn Đoạn đời niên thiếu. Truyện ghi lại những lời do nhân chứng còn sống kể theo trí nhớ, trong đó viết về những tàn ác, dã man đối với những nạn nhân của CCRĐ. Từ Thức còn viết: “Với những gì họ (nhân chứng)của họ trải qua, nếu không ghi lại thì tiếc quá”. Rồi ông nhận xét “Việc làm của Phan Thúy Hà, hay những việc làm tương tự, sẽ là những chất liệu quý cho những người sau này muốn viết văn, viết sử hay nghiên cứu về VN cận đại”.
Tôi tự cho rằng mình không chỉ là một nhân chứng sống sót mà còn là nạn nhân. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Từ Thức, nhưng xin có lời trao đổi với Thúy Hà và cung cấp “một vài bí mật” ít người biết.
Năm 1953, lúc 16 tuổi tôi đang học lớp 7 (hệ phổ thông 9 năm), ở khá xa nhà thì được nghe về CCRĐ. Lúc này quê tôi đã thoát ách tạm chiếm của Pháp, trở thành vùng du kích chịu sự quản lý của chính quyền Việt Minh. Nhà tôi chỉ có mẹ già ở một mình, cha và anh tôi đã hy sinh trong kháng chiến. Các chị, người đã có chồng ra ở riêng, người thoát ly họat động.
Tôi tìm hiểu chính sách CCRĐ và đinh ninh rằng mẹ tôi chỉ có thể bị qui thánh phần có ít ruộng phát canh. Tôi khá an tâm vì trong thời gian dài mẹ tôi phát canh thu tô toàn bộ ba mẫu ruộng (15 ngàn mét vuông) và gia đình đã kiệt quệ vì bị truy thu thuế nông nghiệp và giảm tô. Để nuôi tôi đi học mẹ đã phải bán một số ruộng.
Năm 1954 tôi ra Hà Tĩnh học lớp 8 và được chứng kiến công cuộc CCRĐ thực tế ở đó hoàn toàn không giống với những gì viết trong chính sách. Nó tàn ác, khốc liệt. Tôi đã bỏ học một tuần đi bộ ba ngày về nhà kể cho mẹ nghe những điều tai nghe, mắt thấy và dự đoán khi CCRĐ mẹ có thể bị qui thành phần địa chủ, bị đấu tố. Tôi khuyên mẹ nhẫn nhịn chịu đựng mọi sự dựng chuyện vu cáo.
Năm 1956 CCRĐ về đến Quảng Bình. Mẹ tôi bị qui là địa chủ thường, bị tịch thu toàn bộ ruộng đất và nhà cửa, bị đuổi ra khỏi nhà, cho ở trong một túp lều rách nát, nguyên là của một cố nông. Từ đó tôi không còn nhận được bất kỳ một sự tiếp tế nào từ gia đinh. Tôi phải vừa lao động kiếm sống vừa cố gắng học xong lớp 9. Lại còn phải tích lũy để có tiền đi Hà Nội thi đại học. May là ngoài việc bỏ nhiều buổi học để lao động mà tôi vẫn học và thi đậu phổ thông, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của một số bạn bè và người hảo tâm mới thoát qua được vòng trần ai.
Trước khi đi Hà Nội thi đại học, tôi phải tính toán rất kỹ việc đi bộ về quê tạm biệt mẹ. Thật quá may khi tôi đọc được bài trên báo viết về chính sách của Đảng đối với con địa chủ đang còn đi học. Tôi mang theo tờ báo đó và vài bơ gạo về quê. Gặp được tôi, mẹ vừa mừng vừa lo sợ việc tôi có thể bị bắt. Tôi nói cho mẹ an tâm rằng tôi đã có bùa hộ mệnh.
Mẹ tôi, đã nhiều ngày không có cơm ăn, nay có gạo, vội đi nấu cơm, dọn ra chưa kip ăn thì hai dân quân mang súng đến bắt tôi giải lên ủy ban xã với tội về quê, không trình báo chính quyền mà tự tiện vào nhà kẻ thù của nông dân. Tôi đưa tờ báo ra, cãi lý với các anh, họ phải thả cho tôi đi với lời đe dọa : “Lần sau có về phải trình báo”.
Sau này nghĩ lại tôi rùng mình khi rút ra nguyên tắc: “không nên nói lý với người ngu”. Lỡ ra những người mà tôi đấu lý là những người kém trí tuệ, họ dở trò thô bạo thì một tờ báo chứ trăm tờ khác nhau cũng không cứu được tôi lúc đó.
Ở Hà Tĩnh, trong việc “Đổi tên đoàn thanh niên” (từ Thanh niên cứu quốc thành Thanh niên lao động) tôi bị đuổi ra khỏi đoàn chỉ vì con địa chủ, trong lúc tổng kết năm học tôi nhận được giấy khen vì có kết quả học tập xuất sắc.
Sửa sai, mẹ tôi được xóa thành phần địa chủ, được qui lại thành phần có ít ruộng phát canh, được trả lại nhà, không trả lại ruộng đất. Khi đang học ở Đại học Bách khoa tôi nhận được quyết định khôi phục lại sinh hoạt Đoàn.
Với Phan Thúy Hà, tôi tin rằng cô ghi chép lại đúng những lời đã nghe từ các nhân chứng. Tôi chỉ băn khoăn về trí nhớ của họ.
Đã có nhiều bài học thực tề chứng tỏ rằng trí nhớ của con người có những lúc không đáng tin. Chuyện xảy ra đã lâu, lúc mình còn bé, không ghi chép để đối chiếu, bây giờ già rồi, nhớ lại có thể gặp phải một số chi tiết không chính xác. Vì thế mà Từ Thức viết rằng : “có những chuyện tàn ác “vượt xa sức tưởng tượng của những nhà văn giàu tưởng tượng nhất”.
Về ý kiến: “Với những gì họ (nhân chứng) trải qua, nếu không ghi lại thì tiếc quá”. Đúng như vậy. Nhưng có những chuyện tương đối bí mật, phải có người gợi ý ra rồi có người đi điều tra thì mới phát hiện được. Bỏ qua những chuyện đó thì càng đáng tiếc hơn.
Tôi tạm qui các bí mật trong CCRĐ mà tôi định trình bày về hai nhóm: Rễ thối và Mạch ngầm.
Về rễ thối. Khi cán bộ đội cải cách đến địa phương, việc đầu tiên là “bắt rễ và xâu chuỗi”. Bắt rễ là tìm nhà nông dân nghèo, đến ở cùng họ, cùng ăn, cùng làm rồi khơi gợi sự cực khổ của họ, dạy cho họ lòng căm thù giai cấp, cách đấu tố địa chủ. Xâu chuổi là từ rễ đó lan ra những người khác. Khi đã có rễ và chuỗi chắc chắn mới tổ chức họp nông dân để đấu tranh.
Thỉnh thoảng có cán bộ chọn nhầm phải người không chịu nghe lời, không chịu học cách đấu tố. Đội cải cách gọi họ là “rễ thối”, phải loại bỏ để chọn lại rễ khác. Những rễ thối này thấm nhuần và thực hiện phương châm “đói cho sạch, rách cho thơm”, không chịu bán rẻ nhân phẩm vì vài quyền lợi vật chất tước đoạt của người khác. Đối với nhân loại họ là những người rất tử tế, có nhân phẩm cao.
Rễ thối không phải là bí mật gì lớn. Trong nhiều chuyện kể về CCRĐ của các trí thức, các nhà văn, thỉnh thoảng có nhắc tới, nhưng thường chỉ là mới nói qua mà chưa có phân tích sâu sắc, chưa có dẫn chứng cụ thể.
Ngoài các rễ thối thì cũng còn những nông dân tử tế. Họ từng là những tá điền, những người ở, những “con nuôi” của một số gia đình bị đem ra đấu tố để qui thành phần địa chủ. Họ được cán bộ đội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách “tố khổ” nhằm buộc tội người bị đấu, nhưng họ nhất định không nghe theo để làm việc bất nhân, bất nghĩa, trái với luân thường đạo lý. Mẹ tôi có một người con nuôi như thế. Anh được nuôi làm con từ rất bé. Chúng tôi tuy gọi “anh cu nuôi”, nhưng vẫn xem anh như anh cả. Trong CCRĐ, chị vợ anh có theo vài người đấu tố mẹ tôi, nhưng anh thì kiên quyết không.
Về Mạch ngầm. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, khi nhà nước Đức và nhiều binh sĩ Đức tàn sát người Do Thái thì vẫn có một số người Đức bí mật giúp đỡ họ. Điều này đã được một số người viết. Mạch ngầm trong CCRĐ là những hoạt động bí mật của một số nông dân giúp đỡ những người lâm vào tình trạng bi đát.
Sau này, mẹ tôi có lần kể về sự giúp đỡ như vậy. Một hôm, trời đã tối, không trăng sao, bà chưa ngủ, bỗng nghe có tiếng động ở phía sau lều, hình như có ý cho bà biết. Sáng hôm sau bà ra tim thấy một bọc lá chuối, trong đó có chừng một bơ gạo. Bà không thể đoán được người nào đã giúp mình. Về sau còn xảy ra vài lần như vậy với quả trứng hoặc vài củ khoai.
Trao đổi với các bạn cùng hoàn cảnh con địa chủ tôi cũng được nghe những chuyện tương tự. Nếu không có những “rễ thối”, những “mạch ngầm” thì phải chăng xã hội đã hoàn toàn biến thành địa ngục.
Tôi đã nhiều năm trăn trở với câu hỏi, tại sao những người nông dân hiền lành, chất phác, những trẻ em còn thơ ngây, bỗng chốc biến thành ác quỷ, tại sao trong lúc nhiều người dễ dàng biến thành ác quỷ thì vẫn còn có được những “rễ thối”, những “mạch ngầm”.
Tôi đã giải thích được phần nào, định thu thập thêm số liệu để viết ra “một cái gì đó”, nhưng rồi “lực bất tòng tâm” nên không làm được việc như Phan Thúy Hà đã làm.
Những chuyện về “rễ thối” và “mạch ngầm” là những đốm sáng trong CCRĐ. “Nếu không ghi lại thì tiếc quá”. Những điều tôi vừa viết chẳng qua chỉ là phát hiện vấn đề. Tôi hy vọng những bạn như Phan Thúy Hà sẽ cảm thông được vấn đề, phát hiện thêm và viết được những câu chuyện có ý nghĩa.
Nguyễn Đình Cống
Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2023/09/toi-muon-tiet-lo-vai-bi-mat.html