BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73512)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tính hai mặt của đồng tiền định mệnh, trong cõi giới âm nhạc Lam Phương

14 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1072)
Tính hai mặt của đồng tiền định mệnh, trong cõi giới âm nhạc Lam Phương
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong ghi nhận của tôi, những năm đầu thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới từ ngoại quốc trở về, nắm chính quyền miền Nam, dựng nên nền Đệ Nhất Cộng Hòa thì, sự phong phú, giầu có đậm nét nhất là lãnh vực tân nhạc.



Lãnh vực như một sân chơi nghệ thuật lớn. Nó không chỉ mở rộng cửa chào đón những nhạc sĩ di cư từ miền Bắc, vốn đã thành danh từ trước điểm mốc 1954, như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Hùng Lân, Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Đan Thọ, Ngọc Bích, Khánh Băng, Lâm Tuyền, Nhật Bằng, Đức Quỳnh... Mà, nó còn dành những khoảng sân chơi tốt đẹp nhất cho sự xuất hiện rực rỡ của những tài năng mới, không phân biệt di cư, miền Bắc hay bản địa, miền Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số người mới bước vào sân chơi tân nhạc, với tài năng, tuổi trẻ, độ cường tráng trong sáng tác, có phần lấn lướt lớp đàn anh đi trước. Hiểu theo nghĩa lớp nhạc sĩ này đã mau chóng tạo được số lượng thính giả yêu mến ca khúc của họ vượt xa những tên tuổi cũ.

Điển hình cho hiện tượng vừa kể, là trường hợp của nhạc sĩ Lam Phương.

Điều đầu tiên, tôi nghĩ, chúng ta cần nhớ: Nhạc sĩ Lam Phương không thuộc thành phần miền Bắc di cư.

Theo trang mạng Wikipedia, thì Lam Phương, tên thật Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937, tại Rạch Giá. Năm lên 10, tức năm 1947, ông theo cha lên Saigon, sống tại vùng Tân Định. Và, ông ở Saigon cho đến khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra.

Nói cách khác, Lam Phương không có một chút liên hệ gần, xa nào với miền Bắc. Ông cũng không từng có dịp viếng thăm Hà Nội, Hải Phòng hay, lưu giữ nhiều kỷ niệm với bất cứ một địa danh, nhân vật nào ở bên kia bờ Bến Hải.

Vậy mà sáng tác đầu tay của ông, ca khúc “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” viết năm 1954, khi Lam Phương mới 17 tuổi, lại cho thấy tâm cảnh của một người, chí ít cũng phải có trên dưới nửa đời gắn bó và, yêu mến đất Bắc tới quặn thắt ruột, gan khi phải rời bỏ phần đất này (1).

Khả năng “nhập vai” hay khả năng tự đặt mình vào tâm cảnh của người khác (đám đông) nơi Lam Phương, tôi nghĩ, là khả năng thiên phú hoặc, tính nhậy cảm của trái tim, tâm hồn một nghệ sĩ trước những bi kịch lớn của thời đại:

 Đêm nay trăng sáng quá anh ơi

Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu

Lênh đênh trên sóng nước mông mênh

Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng

Vượt rừng vượt núi đến đầu làng

Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến

Phương Nam ta sống trong thanh bình

Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.

Đêm nay trăng sáng quá anh ơi

Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu

Lênh đênh trên sóng nước mông mênh

Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng

Vượt rừng vượt núi đến đầu làng

Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến

Phương Nam ta sống trong thanh bình

Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.

 

Ơ... ai... hò...

Dòng sông mơ màng và đẹp lắm

Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ

Hò... hớ... hò... hơ...

Em và anh cùng xây một nhịp cầu

Để mai đây quân Nam về Thăng Long

Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng.

 

Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi

Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy

Ai gieo chi khúc hát lâm ly

Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng

Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng

Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm

Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà

Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau

Ôi... ai... hò... Hò... ai... Ơi... hò....

Ơi... ơi... hò... Hò... ơi... Ơi... hò...

(Trọn bài)

 Thực vậy, nhiều năm sau khi “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” ra đời, được đám đông đón nhận, tựa một cơn sốt yêu mến lớn. Hầu như không ai biết tác giả, trước nhất chỉ là một thanh niên mới lớn. Thứ đến, ông lại là một người hoàn toàn gốc miền Nam. Ngay hiện tại, những người chỉ biết Lam Phương qua các sáng tác của ông, không để ý tới tiểu sử của tác giả này, cũng vẫn còn nhiều người đinh ninh ông là một nhạc sĩ gốc miền Bắc.

Khi “nhập vai” hay đặt mình vào tâm cảnh của một cô gái đứng trước mối tình bị đứt lìa bởi thời cuộc, với lời lẽ mộc mạc mà, thấm đẫm thiết tha, chân thành, được chuyển tải bởi một giai điệu đơn giản, tôi không biết rung động và cảm xúc của Lam Phương, khi viết xuống những nốt nhạc đầu tiên và, sự tuôn trào của ca từ tiếp theo đó, ở trạng thái nào. Nhưng hiển nhiên, ông vẫn lạc quan cho thấy niềm hy vọng mạnh mẽ, xây dựng trên tính chất thủy chung, bất hoại của một tình yêu tự thân, vốn có khả năng vượt thời gian, không gian.

Tuy nhiên, gần như song song với ca khúc “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” viết xuống như một dấu ấn tâm cảm không phải của một giai đoạn lịch sử đất nước thì, người nhạc sĩ trẻ tuổi, Lam Phương (thời đó), cũng tạo nên một cơn sốt thương cảm khác nơi thính giả. Cơn sốt khởi đi tự bản thân. Tự đời riêng. Nó như một thứ tự sự. Một loại chuyện kể về đời mình.

Đó là ca khúc “Kiếp Nghèo”:

 Đường về đêm nay vắng tanh

Rạt rào hạt mưa rớt nhanh

Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi

Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh

Lầy lội qua muôn lối quanh

Gập ghềnh đường đê tối tăm

Ngập ngừng dừng bên mái tranh

Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi

 

Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha

Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa

Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường

Đời gì chẳng tình thương không yêu thương!

Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương

Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai

Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng

Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung!

 

Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con

Một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai

Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài

Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.

(Trọn bài)

 Sinh thời, nhà báo Trường Kỳ (2), trong một cuộc tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương, ở miền Nam Cali, đã ghi lại những phát biểu của tác giả “Kiếp Nghèo,” thời mới bước chân vào con đường âm nhạc như sau:

“Suốt tuổi thanh niên, Lam Phương đã sống trong cảnh cơ cực, từ đó tư tưởng bi quan đã hằn sâu trong đầu óc của ông. Khi được hỏi có đưa một triết lý hay một quan niệm sống nào của mình vào những sáng tác, Lam Phương cho biết: ‘Có chứ!... Tôi bi quan hơn là nhìn cuộc đời với những cái đẹp này kia. Tôi thấy bi quan, cái đó do ảnh hưởng từ lúc nhỏ của mình. Lúc nhỏ mình sống trong cái hoàn cảnh khổ cực. Khổ từ trong gia đình khổ ra. Thành ra nó ảnh hưởng cho đến khi mình lớn. Cái hình ảnh đen tối nó theo đuổi tôi hoài à. Thành ra tư tưởng cũng như lời nói có vẻ bi quan hơn.’”

“Tư tưởng bi quan đó đã được Lam Phương đưa vào một nhạc phẩm rất quen thuộc của mình là ‘Kiếp Nghèo’ được sáng tác trong thời kỳ còn theo bậc trung học, khi mà cuộc sống của gia đình ông ở vào một hoàn cảnh rất bi đát như lời ông diễn tả: ‘Đi về giữa đêm mưa, mình về nhà trong cái cư xá lầy lội, nghèo khổ. Cái hình ảnh đó nó làm cho mình xúc động mình làm. Bài Kiếp Nghèo đã được làm trong một hoàn cảnh thật.’”

“Lam Phương tâm sự là không sao quên được niềm ước ao của người mẹ là có được một căn nhà nhỏ. Từ sự thúc đẩy đó, ông quyết tâm dùng con đường âm nhạc làm phương tiện để làm vui lòng mẹ...” (Trường Kỳ, trang mạng Wikipedia).

Với cá nhân tôi, khả năng nhập vai (để sống với đám đông) và, tính tự sự (kể lại chuyện mình), là hai ngọn hải đăng soi đường, hướng dẫn những con tầu (ca khúc) mang tên Lam Phương về bến. Dù cho, về sau, thể tài cũng như những chuyển biến tình cảm của ông có đa dạng, phong phú và, phức tạp hơn.

Du Tử Lê

(Kỳ sau: “Ánh sáng và, bóng tối trong ca khúc Lam Phương.”

 Theo Người Việt

Chú thích:

(1) Sự thực, sáng tác đầu tay của Lam Phương là ca khúc “Chiều Thu Ấy,” viết năm 1952, khi ông 15 tuổi. Nhưng ca khúc này không gây được tiếng vang nào mà, phải hai năm sau (năm 1954), dư luận mới biết đến Lam Phương qua hai ca khúc (sáng tác cùng một năm) là “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” và “Kiếp Nghèo.”

(2) Nhà báo Trường Kỳ tên thật Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946, tại Hà Nội. Ông mất ngày 22 tháng 3 năm 2009, tại Montreal, Canada. Ngoài tư cách nhà báo, ông còn được biết đến như một nhạc sĩ có công du nhập và, phát triển phong trào Nhạc Trẻ ở miền Nam, những năm đầu thập niên (19)70.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn