BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73459)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mãi là thời đại của các mẹ Việt Nam anh hùng!

29 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 1117)
Mãi là thời đại của các mẹ Việt Nam anh hùng!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sài Gòn một màu xám tro buồn nhàn nhạt. Liên tiếp mấy ngày nay thành phố chẳng chút nắng vàng. Bầu trời đùng đục một màu mây mọng nước. Cứ mỗi lần tin bão xa, gần trời Sài Gòn đều như thế. Sài Gòn có cái may mắn chỉ ảnh hưởng nhẹ của thời tiết khắc nghiệt nên mọi thứ vẫn êm đềm. Ngoại trừ những cơn mưa như trút nước làm phố hóa dòng sông khiến những người buôn gánh bán bưng nhìn gánh hàng ế ẩm với bao lo toan vụn vặt chữ tiền. "Lữ khách" về nhà thêm nhọc nhằn, cái nhọc nhằn của thi vị pha chút nỗi buồn muôn thuở được tạo tác từ đám quản trị đô thị tồi!

Chiều hôm qua cứ tưởng sẽ về nhà ngay sau buổi làm. Cố để thoát qua mấy ông bạn già, nhóm bạn trẻ và một vài tay nhân viên mới ngẩn tò te rồi cũng chẳng thành. Những tiếng kêu hú, lẫn tiếng mắng "yêu" của bạn bè lôi kéo, nó đành quay xe lại, ngồi tẩn mấy chai mà lòng buồn nẫu ruột.

Đang lên "mây" thì trời đổ cơn mưa như trút nước. Mưa ào ạt từ trời cao kéo về ném vào lũ bạn nó, những tay nhậu thiện chiến vỉa hè ướt sũng, tấm bạt như chiếc lộng dù không đủ che đâu chừng chục thằng đang say sưa chiến đấu. Trong cơn mưa say chếnh choáng của đất trời bỗng xuất hiện ba mẹ con người bán vé số. Thằng bé lon ton đi theo mẹ nó đâu chừng 6 hay 7 tuổi gì đó. Con em độ 3 tuổi được bà mẹ trẻ bồng trên tay, lướt thướt đội màn mưa để mời mọc mấy ông khách nhậu đang lúc cao hứng.

Hình ảnh người đàn bà và hai đứa trẻ này xuất hiện khá lâu trong khu vực. Ước độ khoảng hai tháng trở lại đây. Dù ngày nắng hay ngày mưa, nó thấy chị vẫn nhẫn nại đi qua những hàng quán, nhẫn nại mời mọc từng người, nhẫn nại vén khéo từng đồng lời nhỏ nhoi để cố tồn tại kiếp mưu sinh cơ hàn. Nhìn cái cách chị chăm sóc hai đứa con cũng biết họ cùng huyết thống. Không như cảnh thường thấy người lớn thuê trẻ con để đi bán vé số như đã từng được báo chí phản ánh. Hai đứa trẻ đi ngang những ngôi trường mẫu giáo hay tiểu học trong khu vực. Đi ngang những quán hớt tóc thanh nữ với các nàng kiều bóng bẩy, cùng thân hình rực lửa như gọi mời khách làng chơi. Nhiều nhiều những khu nhà cà phê kích dục nữ, với hình ảnh các nàng trông thiểu não, mệt mỏi ngồi tựa cửa bất kể từ sáng đến tối mịt khi chẳng còn ai ngoài phố, ngoài những gã ma cô chở các nàng kiều đường phố lượn lờ.

Có hôm cô ấy dừng ở quán cơm chay Hoa Sen ở phố để mua một hộp cơm duy nhất dành cho cả ba con người. Thằng bé vào mua sau đó cùng mẹ tìm một nơi có bóng râm bày ra cùng chia sẻ.

Tội nhất là hình ảnh thằng bé đứng thẫn thờ nhìn những đứa trẻ khác vui đùa trong lớp. Con em bi bô đòi mẹ mua cho những chiếc bánh trưng bày trong tủ. Chị thoáng nhìn các nàng kiều thơm nức rồi vùi đầu con mình vào ngực chị nằng nặng mùi mồ hôi của tình mẫu tử! Cứ thế hàng ngày chị dắt díu những đứa con côi cút của mình lê la hết dãy phố này sang dãy phố khác trong khu vực khét tiếng của Bình Thạnh về sự sầm uất của các quán cà phê đèn mờ. Nơi mưu sinh của các cô gái nông thôn bỏ làng ra phố.

Ngoài phố vẫn còn mưa, ra về khi đã chếnh choáng hơi men. Chiếc xe cà tàng lờ đờ qua những con phố buồn, nơi các nàng đang tuyệt vọng vẫy mời cơ hội vùn vụt lướt qua. Đêm dường như dài hơn vì trống vắng. Khách đa tình không còn mấy. Đám phu hồ cũng đã về từ lâu, những người công nhân khuân vác cũng đã về ngả mình nơi phòng trọ ẩm thấp mùi mồ hôi người! Bất chợt trong nó hình thành một hình ảnh so sánh lạ lùng. Hình ảnh những bà mẹ VNAH, những người thiếu nữ đã bỏ mình khi tuổi thanh xuân ra đi theo tiếng gọi tranh đấu để thoát nghèo, để một ngày mai tương lai tươi sáng hơn. Và hình ảnh những bà mẹ quê nghèo khó ngày ngày trông ngóng tin những đứa con nghèo khó, thất học đang trôi dạt khắp chân trời góc bễ để mưu sinh, để trả hiếu cho mẹ cha một đời cơ cực vì đàn con nheo nhóc, vì tội làm nông dân cả đời mạt rệp!

Ngày xưa cả đời các mẹ nghèo khó, không một chữ lận lưng, sanh đẻ ra những đứa con bị bị buộc phải đi chiến đấu vì một lý tưởng mụ mị nào đó. Mẹ đã bao lần gạt nước mắt tiễn đưa con mình vào chỗ chết mà chẳng thể làm được gì. Bởi mẹ biết con mình đẻ ra, nhưng khi guồng máy chiến tranh khởi động thì nó thuộc vào kẻ thống trị quyền lực. Hoặc ngay chính bản thân chúng cũng bị lừa mị mà hùng hục lên đường để trả nợ máu xương!

Mẹ bất lực nhìn chúng ra đi và chết tàn rụi nơi nào đó ở góc rừng không để lại bất cứ kỷ vật gì. Hoặc may mắn hơn, chúng trở về trên đôi nạng gỗ, trở về trên cỗ quan tài. Đau đớn và câm lặng nhìn những đứa khác thay vào chỗ người đã khuất tiếp tục lao vào guồng máy chiến tranh điên cuồng. Chẳng là gì cả ngoài việc làm rạng danh cho một nhóm người thống trị hay chết nhục cùng họ khi trở thành kẻ thất trận.

Hành trình sống và chết vô nghĩa ấy tưởng đâu chỉ là thời đoạn ngắn và nhanh chóng chìm trong hư ảo. Buồn thay, nó được tiếp nối bởi những kẻ háo quyền lực và ngu muội chỉ muốn vơ vét vào tất cả cho riêng mình. Dễ dàng bỏ rơi những người bạn đồng hành đã từng một thời sống chết một thuở! Và cứ thế theo dòng thời gian u hoài một thế hệ mới các mẹ VNAH chào đời kế thừa lớp lớp các mẹ đẩy con mình vào chiến tranh hay bị cướp đi. Các mẹ ngày nay cũng con đàn cháu đống, những thiếu nữ vùng quê nghèo khó trở thành vật mua vui cho lớp người giàu có đầy quyền lực. Họ tỏa ra khắp các tỉnh thành, làm cả nhiệm vụ quốc tế mòn mỏi xứ người. Có người lấy một mảnh chồng xa xứ buồn tủi, hay may mắn hạnh phúc. Có người thì làm gái trong nhà thổ nếu may mắn có chút nhan sắc, không thì đi vào các xưởng lao động tận diệt tuổi thanh xuân đổi lấy đồng lương chết đói. Con trai thì được xung vào đội ngũ công nhân không tay nghề với đồng lương mạt hạng. Tối về trong những nhà trọ tồi tàn chẳng chút an ninh. Có những thú vui đáng sợ chào mời chung quanh chúng rượu, ma túy,...Có những bà mẹ quý hóa hơn trong truyền thống đã sinh ra những đứa con đầy quyền lực. Chung quanh chúng chất đầy cơ hội tham ô và tàn nhẫn...

Sự giống nhau ở các mẹ VNAH là câm lặng chờ tin con. Cũng giống như ngày xưa các mẹ bất lực để làm thay đổi số phận chúng. Các mẹ của ngày xưa chờ chúng trở về dù sống hay chết. Các mẹ của ngày nay thì chờ chúng trở về hạnh phúc hay bất hạnh. với tình mẫu tử muôn đời không phân biệt hành động đúng sai của các con mình. Con của ngày xưa giết người, con của ngày nay làm nghề ô nhục nhưng bù lại dẫu gì vẫn hơn nghề cướp ngày mà những bà mẹ anh hùng nào đó đang chứng kiến ê chề trên nhung lụa!

Đêm nay trời vẫn cứ mưa hoài. Mưa từng lúc từng nặng hạt hơn, nó cứ mãi miên man nghĩ về chuyện này và cả về mẹ nó. Người mẹ già 80 tuổi đang ở quê hàng ngày dõi theo những đứa con nghèo. Nhưng bà thật may mắn vì những đứa con thật thà, biết sống bằng chính mồ hôi công sức của mình. Biết vượt lên sợ hãi của chính bản thân để đi tìm tự do tư tưởng cho dù đường mãi con dài. Về đến cửa nhà vẫn cứ là con chó trung thành bất luận khuya hay sớm, trời nắng hay mưa như trút nước cũng phóng ra cửa, rên ư ử đón gã đang say! Đôi tai cụp sát ôm lấy đầu, cái đuôi ngoắc lia lịa không ngừng. Một chỉ dấu tình bạn trên cả tuyệt vời giữa người và chó cơ hàn.

Đào Hữu Nghĩa Nhân

27-09-2011

Theo NghiaNhan's Site
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn