BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhạc sĩ Tô Hải (Phần 1)

31 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 1002)
Nhạc sĩ Tô Hải (Phần 1)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này xin giới thiệu Nhạc sĩ Tô Hải, một nhạc sĩ nổi tiếng rất sớm của Miền Bắc. Ông được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây vì đã tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc của sinh viên tuy tuổi đã ngoài 80.

 Mặc Lâm có cuộc nói chuyện với ông sau đây.

Người nhạc sĩ đa tài




Thưa quý vị, một đoạn ngắn nhạc phẩm "Nụ cười sơn cước" mà quý vị vừa nghe là nhạc phẩm đã đưa nhạc sĩ Tô Hải đến với quảng đại quần chúng Miền Bắc trong thập niên 50. Nhạc sĩ Tô Hải đã dành cho chúng tôi một cuộc nói chuyện lý thú chung quanh việc sáng tác cũng như các hoạt động khác trong suốt cuộc đời ông. Ngoài ca khúc, giao hưởng, nhạc thính phòng, ông còn viết nhạc cho hàng chục vở kịch, bộ phim. Nhạc sĩ Tô Hải còn là dịch giả của hơn chục đầu sách, trong đó có các tác phẩm của những nhà văn lớn như Victor Hugo, Peter Adam...

Người nhạc sĩ đa tài này năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn còn ngày ngày ngồi trước máy tính để viết trên trang blog của mình. Có lẽ Nhạc sĩ Tô Hải là một blogger lớn tuổi nhất Việt Nam và những trang viết của ông vẫn còn đậm chất trữ tình, hài hước xen lẫn những lý luận sắc bén trước nhiều vấn đề xã hội. Trước tiên ông cho biết:

NS Tô Hải: Tôi thuộc loại thanh niên trước Cách Mạng Tháng Tám (1945), tôi đã tham gia làm "tự vệ chiến đấu" chuẩn bị để "cướp chính quyền". Rồi đến ngày 2 tháng 9 tôi chuyển từ tự vệ chiến đấu sang Vệ Quốc Đoàn để chống Pháp, để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, chống bất công xã hội. Lúc bấy giờ thanh niên có học không ai là không muốn làm cái chuyện đó cả.

Mặc Lâm: Thưa Nhạc Sĩ, có phải chính thời gian đi kháng chiến này mà ông đã bước vào lĩnh vực sáng tác hay không?

NS Tô Hải: Đúng. Trong thời gian chiến đấu, nhất là khi rút lui lên trên rừng, lúc bấy giờ làm gì có phương tiện gì như tivi, radio, cho nên mình cũng phải nghĩ ra cách làm thế nào để bộ đội người ta vui. Thế là tôi viết kịch, tôi làm nhạc - gọi là làm ca khúc cho đúng chữ hơn. Tôi có khiếu nhạc từ lúc còn học trường dòng, kể cả đi học chữ thì ngày xưa cũng có trường dạy âm nhạc, cho nên tôi có viết một số các sơ lược về các nguyên tắc "composition", "harmonie", cho nên tôi có khá hơn anh em, vì thế tôi làm được một loạt những bài hát như "Nụ cười sơn cước" được phổ biến. Lúc bấy giờ tôi có là nhạc sĩ nhạc siếc gì đâu. Hoàn cảnh lúc bấy giờ gọi là nghĩ cái gì, cảm thấy cái gì là mình viết, chớ cũng chưa phải biết là âm nhạc phải phục vụ chiến đấu gì đâu. Cứ thế là anh em đều làm, mạnh dạn viết. Tôi, Ngọc Bích, Canh Thân đi theo bộ đội thì đều sáng tác theo kiểu khúc thức, thậm chí đến cả giai điệu, cả đến tiết tấu, nhịp điệu là đều ảnh hưởng đủ các thứ, nào là nhà thờ cúng có, hướng đạo cũng có, rồi thì phim ảnh của Pháp, của Mỹ, bắt chước phim Horoshi, cả đến những bài của Nhật Bản lúc bấy giờ nó sang, sau này là đế quốc Mỹ - Bob Hope, cho nên chúng tôi cứ sáng tác thục mạng lên, thế là dần dần bổng dưng nổi tiếng trở thành nhạc sĩ lúc nào không biết.

Mặc Lâm: Có một thời gian ông được học âm nhạc từ các giảng viên nước ngoài, ông có thể kể lại vài điều về thời kỳ này hay không?

NS Tô Hải: Tôi được tập trung cũng với các anh Nguyễn Xuân Khoát, anh Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Văn Tý, Vũ Trọng Hối, Trương Ngọc Trác. Chúng tôi được tập trung, bỏ hẳn công việc để mà tập trung vào một nơi và được các chuyên gia nước ngoài dạy cho các hình thức sáng tác khác với lại ca khúc. Chúng tôi được tập trung học 18 tháng tất cả các hình thức nhạc nào mà Việt Nam từ xưa tới nay chưa được học. Nhưng mà khổ một nỗi là trong âm nhạc, học là một việc, còn làm được hay không lại là một chuyện, thì trong số đó anh em chúng tôi chỉ có một vài anh làm được, trong đó có tôi. Thì tôi có viết một số tác phẩm mà bên này thường gọi là "những tác phẩm âm nhạc đích thực"; họ gọi là "composition" đó, thì tôi có được một tác phẩm được khen thưởng và được biểu diễn ít hôm rồi thì là phải xếp, tại vì thời đó chúng tôi làm gì có dàn nhạc giao hưởng, cho nên phải đi mượn cả ở các nơi như trường nhạc, quân nhạc, một số đoàn văn công, cuối cùng tác phẩm cũng sống được một thời gian.

Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy


Mặc Lâm: Trong loạt bài được ông sáng tác ở giai đoạn này có một bài được nhắc tới nhiều đó là bài "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy". Bài này sáng tác vào năm 1958 lúc đó Miền Bắc và Trung Quốc đang trong giai đoạn nồng ấm, nhưng ông đã cảnh báo hãy coi chừng biên thùy phía Bắc. Ông có thể cho biết lý do nào đã thúc đẩy ông sáng tác nhạc phẩm này không?

NS Tô Hải: Tình hình lúc bấy giờ tôi cũng không có ý thức chính trị gì lắm đâu, nhưng mà tôi luôn nghĩ rằng biên thùy là phía Bắc, chứ nước Việt Nam chia đôi thì tôi không nghĩ đó là biên thùy. Thế còn bên Lào với bên Campuchia thì tôi ở trong quân đội nên tôi biết thừa là quân đội của mình đang ở hẳn bên đó, ở Cánh Đồng Chum đánh nhau, hy sinh ở bên đó rất nhiều, thì tôi không nghĩ có chuyện gì bên biên giới Lào. Ý thức của tôi là giữ biên thùy như ông cha chúng ta thường giữ.

Trong các tác phẩm của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận ngày xưa viết về Ải Chi Lăng, viết về Hội Nghị Diên Hồng, bàn về bảo vệ đất nước, đánh hay thắng thì toàn ở phía Bắc. Cái ý thức của tôi là như thế, nhưng tôi không hề có chữ nào là chống Trung Quốc. Mà nếu bây giờ tôi viết thì sẽ viết khác. Thế nhưng các bài đó lúc bấy giờ phổ biến bình thường. Chỉ có điều là đến thời kỳ Trung Quốc đánh ta năm 1979 thì các bài đấy được phát liên tục. Thế nhưng sau khi hòa hoãn với "16 chữ vàng" và "bốn tốt" thì các bài đấy xếp xó.

Mặc Lâm: Xin mời quý thính giả thưởng thức một đoạn của "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" do nhạc sĩ Tô Hải sáng tác.

Biểu tình chống Trung Quốc cùng sinh viên VN


Mặc Lâm: Xin quay lại với Nhạc sĩ Tô Hải. Thưa ông, các trang blog trên mạng đã đồng loạt đưa tin về việc ông cùng với các sinh viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Xin ông cho biết vài chi tiết về sự việc này.

NS Tô Hải: Tôi thì nói thật là đã lâu rồi tôi chán, thậm chí có lúc tôi rút về ở một cái làng nhỏ ở Nha Trang. Cho nên vào đây tôi ở trên một cái lầu tầng 11, tôi bảo là mình đi tu tiên. Tôi chả dính líu gì đến xã hội, tôi chả sinh hoạt gì, thậm chí đến hội nhạc thành phố mời tôi thì tôi cũng chả dự. Thế nhưng đến lúc thấy chuyện anh em sinh viên biểu tình đúng quá. Tình hình như thế này, vào thời buổi này thì làm sao mà giấu nổi mà các nhà lãnh đạo thì cứ giấu! Cái chuyện Trung Quốc ăn dần đất nước của mình cả trong đất liền lẫn ở ngoài biển, thế mà anh em sinh viên chúng nó là con cháu tôi, chúng nó đi biểu tình thì bị các anh đàn áp. Thì tôi ra đây để cho chúng mày đàn áp.

Nói thật là tôi cũng chỉ muốn ra để hà hơi tiếp sức cho anh em vì nói chung bây giờ anh em sinh viên - thanh niên ở đây không được như thanh niên - sinh viên các nước đâu. Họ bị o ép, họ bị dọa đuổi khỏi học đường. Vì những chuyện đấy mà mình muốn ra để tranh thủ nói được với anh em một vài điều.

Tôi thấy các nhà lãnh đạo hiện nay phải nói thẳng là "quá hèn". Trước sự xâm lược của Trung Quốc mà tất cả những bạn bè tôi, những anh em mà tôi gọi là "cựu chán binh" chứ không phải "cựu chiến binh" mà không ai ra ủng hộ các cháu, các em. Chúng nó chỉ căng cái khẩu hiệu "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" thế mà lại đi đàn áp chúng nó, bắt chúng nó. Và hôm đó tôi nói rất nhiều chuyện. Anh em chúng nó có tội tình gì, không hề có một câu nào chống chủ nghĩa xã hội, đả đảo cộng sản, hay là đả đảo ông Triết, ông Dũng gì cả. Chúng nó chỉ có mỗi khẩu hiệu "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", thế mà anh lại đàn áp. Tại hiện trường họ không dám bắt bớ ai nhưng mà sau này họ tìm rất nhiều cách để họ trù dập, thậm chí họ bắt bằng cách vu cho những tội khác. Tôi thấy mình bây giờ đã 83 tuổi, người ốm yếu như thế này mà mình còn sợ bị bắt cùng với anh em hay sao, cho nên tôi cứ ra, chứ tôi cũng chẳng có cái gan to đến nổi đi đầu ra để làm ông Yeltsin leo lên xe tăng đâu.

Kính thưa quý vị, hồi gần đây nhạc sĩ Tô Hải đã được một nhà xuất bản tại hải ngoại nhận in và phát hành cuốn hồi ký của ông mang tựa đề: "Hồi ký một thằng hèn". Tác phẩm này mặc dù đã lưu hành trên mạng Internet một thời gian nhưng việc in cuốn sách là một bước ngoặc mới đối với sự nghiệp của người nhạc sĩ. Mời quý vị theo dõi buổi nói chuyện với Nhạc sĩ Tô Hải về cuốn sách này trong kỳ phát thanh tới .

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
31/05/2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn