BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hủ tiếu gõ, nghề của những người ly hương

05 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1293)
Hủ tiếu gõ, nghề của những người ly hương
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
QUẢNG NGÃI - Hủ tiếu có nhiều loại, nhiều vị khác nhau, như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Cần Thơ, hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Đà Nẵng, hủ tiếu Sài Gòn, hủ tiếu Quảng Ngãi... Và mỗi loại hủ tiếu cũng có khách của riêng mình.









Hủ tiếu bò viên, loại hủ tiếu đặc sệt chất Quảng Ngãi. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Có lẽ, số phận hẩm hiu nhiều nhất trong ‘gia đình hủ tiếu’ phải nói đến hủ tiếu gõ Quảng Ngãi. Sự hẩm hiu của nó hiện ra trong từng bước chân, tiếng lăn của bánh xe hủ tiếu, trong từng tiếng gõ và trong cả cái ngáp dài vì mất ngủ, viền mắt thâm quầng...

Mỗi loại hàng, đặc biệt là thức ăn có một kiểu rao khác nhau, cũng có kiểu rao thay đổi theo thời gian, có kiểu rao dường như chẳng bao giờ thấy thay đổi. Rao bằng ‘bộ phách gõ’ phát ra âm thanh lốc cốc từ đầu đường cho đến cuối xóm, từ đầu hẻm cho đến góc phố của mì gõ, hủ tiếu gõ là như vậy.

Tiếng gõ rao hủ tiếu thường nằm lọt thỏm trong khu phố vắng, có thể là hơi nghèo và khách hàng của nó cũng không giàu có chi. Những người bán hủ tiếu gõ thường rơi vào thứ hạng thấp nhất nếu như có một cuộc sắp xếp thứ hạng trong nghề hủ tiếu.









Một góc nhỏ của hủ tiếu giữa phố xá ngược xuôi. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Và tiếng gõ cũng mang cả thân phận của người gõ, mang cả cái nghèo từ chốn quê xa ngái vào thị thành, mang cả nỗi niềm cơ cực của một phận người chân lấm tay bùn muốn có chút gì đó đổi đời nơi xa xứ.

Thường thì một xe hủ tiếu đi bán dạo, ít khi nào là một người đi. Có thể hai người, ba người, thậm chí bốn, năm người trong một xe hủ tiếu. Người bưng, người rửa chén, người nấu, người chạy bàn... Thi thoảng vẫn có trường hợp một người một xe rong ruổi vỉa hè, nhưng hơi hiếm.

Anh Trần Tuấn, người Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán hủ tiếu được mười năm nay cho biết, “Địa bàn hoạt động của hủ tiếu trước đây khá rộng, như xe hủ tiếu của tui có bán kính hoạt động trong vòng ba cây số, khá rộng, đẩy xe đi cũng đủ toát mồ hôi. Nhưng đó là chuyện trước đây gần mười năm, còn bây giờ nhiều xe quá, địa bàn hẹp lại. Giờ bán cũng ế hơn ngày xưa”.

So với trước đây 10 năm, thành phố Sài Gòn bây giờ đông dân hơn nhiều, phần lớn là dân lao động xứ khác đến sống, làm việc. Nhưng bù vào, số lượng xe hủ tiếu tăng lên nhiều hơn gấp nhiều lần so với tỉ lệ tăng dân cư Sài Gòn. Chính vì vậy mà nghề hủ tiếu vẫn cứ gặp khó khăn.

Một chủ xe hủ tiếu khác nói, “Cái buồn nhất trong nghề hủ tiếu là những ngày trời mưa tầm mưa tả, trời Sài Gòn mà, chợt mưa chợt nắng. Nhưng có ngày trời mưa kéo dài cả ngày, ngồi nhìn mấy đứa nhỏ co ro bên xe hủ tiếu mà phát rầu!”

Những em bé đi gõ hủ tiếu

Hải, dân tộc Cor, quê ở Quảng Ngãi, 13 tuổi, vào Sài Gòn gõ hủ tiếu đã được 2 năm nay, kể: “Tụi em bắt đầu ngày làm việc lúc 6 giờ sáng, ngủ dậy, làm vệ sinh, ăn sáng và lặt rau, tẩy xương heo cho nước hầm và phụ với chủ, bắt đầu 1 giờ chiều là đi gõ thẳng tới khuya, có khi đến 3 giờ sáng. Thèm ngủ lắm!”

Bé Phấn, chỉ mới 12 tuổi, bỏ học gần một năm nay đi làm phụ giúp gia đình, mẹ em bị bệnh lao. Em bưng hủ tiếu được ba tháng nay, vừa nói vừa thút thít khi tôi hỏi em có nhớ nhà.

“Em nhớ mẹ lắm, nhưng ở nhà đi bắt ốc thì bữa có bữa không, mẹ em yếu lắm, ba em thì uống rượu suốt ngày...”

Nói đến đây em khóc thành tiếng.









Những căn nhà không người ở như thế này rất nhiều ở thôn Mỹ Trang, Quảng Ngãi vì chủ của nó đã đi bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Tây Ninh, Đà Nẵng... (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Bé Hải, năm nay 15 tuổi, dân tộc Nùng, quê Bắc Kạn nói, “Các bạn bưng hủ tiếu trong thành phố này đều có tuổi ngang em, người lớn nhất thì mười lăm, người nhỏ nhất thì chừng mười một, em thuộc hàng lão làng. Phần lớn là nghèo, nhà nghèo rách mùng tơi mới đi bưng vậy chứ không thì ở nhà đi bán vé số, đi học...”

Hỏi kĩ chút nữa, chúng tôi được biết thêm về làng hủ tiếu gõ Quảng Ngãi đang là “quán quân” ở Sài Gòn. Đặc biệt, các xe hủ tiếu ở Quảng Ngãi đều do người lớn bán. Còn những em bé bưng hủ tiếu đến từ vùng khác, là con nhà nghèo khó, dân tộc thiểu số, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Cả làng đi... hủ tiếu gõ

 Theo lời giới thiệu của anh Diện và chị Nguyệt, chủ xe hủ tiếu bán ở quận 3, Sài Gòn, chúng tôi tìm đến thôn Mỹ Trang, xã Phú Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có nguyên một làng bủa đi khắp nơi làm nghề hủ tiếu.

Đã hơn 5 giờ chiều, thôn tuy nằm sát đường quốc lộ nhưng vẫn vắng hoe bóng người, nhà nào cũng đóng cửa.

Tôi ngờ mình đi nhầm chỗ, hỏi thăm một bà cụ dắt chiếc xe đạp cũ chở rau heo đi đường, bà bảo: “Đây là thôn Mỹ Trang rồi đây chú, chú muốn tìm làng hủ tiếu phải không? Nhà tui cũng có hai người đi bán hủ tiếu trong Sài Gòn”.

Băng qua một con hẻm đất, nhìn vào những nhà trong xóm, nhà nào cũng đóng cửa, hoặc khép cửa chính, mở cửa phụ phía nhà dưới, vài ba người già, trẻ con ngồi ngoài sân ngó ra đường. Nhà nào cũng như nhà nào, vắng hoe. Xóm đầy sự im lặng.

Bà cụ tên Biên cho biết, “Cả thôn này nhà nào cũng có người bán hủ tiếu, ít thì một người, nhiều thì năm sáu người. Đây là làng hủ tiếu của Quảng Ngãi, mà không khéo là làng hủ tiếu của Việt Nam. Con gái và rể tui cũng đi bán trong Sài Gòn, tụi nó để hai đứa cháu nhỏ ở nhà tui chăm, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 3. Suốt ngày tui quanh quẩn với tụi nó cũng đủ mệt!”

Mỗi tháng, con gái và rể bà gửi tiền về bà nuôi hai đứa cháu ngoại, lo học phí, sách vở, ăn uống và tiền điện thoại, tiền điện.

Hầu hết những căn nhà ở đây đều có những cây tre buộc dây kẽm vắt ngang qua ngõ nhà một cách cẩn thận và cũ kĩ. Điều này cho thấy chủ nhà đã đi vắng khá lâu, nhà không có ai ở. Và đi khắp xóm, chúng tôi đếm không thể hết những nhà như vậy, con số lên đến cả trăm hơn.

Ông Chân, người có năm người con, tất cả đều đi bán hủ tiếu ở Sài Gòn. Riêng người con gái út được ông cho là thành đạt nhất vì chỉ vào Sài Gòn bán hủ tiếu được hai năm thì có chồng nhà giàu, đi xe hơi. Với ông vậy là quá đủ.









Bà vợ ông trưởng thôn Mỹ Trang, bà là người liên lạc và kết nối mọi thông tin của thôn, và cũng là phụ nữ trẻ hiếm hoi của thôn... (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ông đội trưởng tên Thịnh đi vắng. Vợ ông, bà Bông tiếp chuyện tôi. Bà giới thiệu nhà có hai người con, đã học xong đại học, đang đi làm ăn xa. Trước đây hai ông bà cũng đi bán hủ tiếu ở Vũng Tàu để nuôi con ăn học. Giờ đã thỏa nguyện, lại quay về quê làm vườn, cuốc ruộng mà sống qua ngày. Hai ông bà đã quá mệt với nghề hủ tiếu.

Và trong xóm bà cũng có khá nhiều người có con ăn học thành tài nhờ nghề hủ tiếu. Dân trong xóm nói riêng và trong thôn, xã nói chung thì cứ đến tuổi 18-20 nếu còn học thì học, không thì đi bán hủ tiếu.

Vẫn có nhiều thanh niên trong thôn học xong đại học về không kiếm được việc làm, lại sắm xe hủ tiếu vào Sài Gòn, Vũng Tàu, Cần Thơ... bán hủ tiếu. Con số diện này không phải ít.

Và cũng có nhiều cặp vợ chồng mới cưới, ôm giấc mộng đổi đời, vào Sài Gòn, Tây Ninh bán hủ tiếu gõ, được một thời gian, cực khổ quá, chịu không nổi, bỏ nhau. Trường hợp của V. và T. mới ly hôn, bỏ hai đứa con nhỏ 3 tuổi và 15 tháng tuổi bơ vơ sống với ông bà ngoại là một ví dụ.

Bà Bông còn cho biết thêm về khởi thủy của làng hủ tiếu Quảng Ngãi: “Thôn Mỹ Trang là cái nôi của hủ tiếu gõ, người đầu tiên làm nghề này là anh Triêm, bây giờ đã cao tuổi. Trước đây chừng 20 năm, dân Quảng Ngãi không biết gì về chuyện vào Nam làm xe hủ tiếu đi bán đâu. Nhưng nhờ anh Triêm mà có làng hủ tiếu Mỹ Trang rồi lan dần ra khắp Quảng Ngãi”.

Một làng nghề hình thành bởi cái nghèo và bỏ làng ra đi tìm đất hứa. Mỹ Trang, một cái làng nghèo vào bậc nhất Quảng Ngãi nếu như không có nghề hủ tiếu. Và là làng có nhiều người chết trong chiến tranh nhất. Làng vắng người nhất.

Trước 1975, làng vắng người vì đêm đêm Việt Cộng tìm về hoạt động, dân sợ bị bắn nhầm, bỏ đi.

Bây giờ làng lại vắng vì... hủ tiếu!

Liêu Thái

01-05-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn