BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73438)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lớp người bị xua đuổi

26 Tháng Tư 200812:00 SA(Xem: 919)
Lớp người bị xua đuổi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cho đến bây giờ, tớ vẫn không hiểu nổi : Tại sao người ta thù ghét một lớp người mà sự tồn tại của họ không những chẳng làm hại ai mà chỉ làm lợi cho cuộc sống bình thường của một thành phố. Đó là lớp dân nghèo thành thị. Vì đói khổ, họ phải bỏ làng, bỏ xóm ra đi, lên thành phố để “hầu” mọi ai cần họ, từ việc làm ô-shin đến đạp cyclô, nấu bếp, trông trẻ…. Từ đội thúng xôi đến đẩy chiếc xe bánh mỳ, quẩy gánh bún bò,…. Tất cả đều như những bánh xe nhỏ của một bộ máy lớn khởi động mỗi ngày, làm nên hoạt động của một thành phố. Ấy vậy mà, họ luôn là “cái gai” trước mắt những nhà “quản ný”. Dưới mắt mấy vị này, họ luôn là ” thành phần phúc tạp” nào là “ăn bám”, nào là “tư thương”, gian thương, là thành phần trung gian, buôn đi bán lại, không sản xuất ra của cải xã hội(?)… Nói chung là “thành phần phức tạp”, làm xấu bộ mặt thành phố…?. Và người ta tìm mọi cách để dần dần loại bỏ họ ra khỏi đời sống xã hội bằng những quy định này, chỉ thị kia. Ở Hànội, trước 75, đã một thời gian dài, vắng bóng những người phụ nữ nông thôn hiền lành, sáng sáng đội trên đầu những chiéc thúng, thoăn thoắt trên đường tiếng rao lanh lảnh “Ai cốm vòng đây!”, ”Bánh cuốn Thanh Trì, chả quế đây!” Tất cả ai muốn ăn sáng thì xin cứ đến Mậu dịch xếp hàng, trả tiền, lấy phiếu rồi nhận một bát bánh phở đã bốc sẵn, đi qua một ô cửa chìa vào để cô mậu dịch đổ cho một môi nước (gọi là nước dùng), thế là xong! Ôi !nghĩ lại mà khủng khiếp cái thời ăn chui,u ống chui, mua chui, bán chui…., cái thời muốn ăn một bát phở bò thứ thiệt phải đi vòng vo qua bao con hẻm toàn hố xí thùng, để đến được với cái quán phở Tạm thương, y như những kẻ ăn cắp, ăn trộm cả người mua lẫn kẻ bán! Nghe nói trong cuộc triển lãm “cái thời bao cấp” ấy năm ngoái, có anh nào đó định chưng lên tấm ảnh mấy cụ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu…ngồi bệt ngay xuống đất ở “Chuồng Cọp” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), uống bia hơi “chui”, với vài củ lạc rang, của “tư nhân”, nhưng tấm ảnh này sau bị hạ xuống vì…trông nó …“dã man” quá ! Chỉ vì tác giả đã thu được vào ống kính cả một pha rất điển hình: một chú áo vàng đang túm ngực áo một phụ nữ gầy gò tay dằng lại can bia chui bị tịch thu, tay che ngực, miệng khóc mếu trước mặt mấy vị “kỹ sư tâm hồn” tiếng tăm thế giới mà chẳng ai dám giơ một ngón út tay can thiệp! Những cảnh rượt đuổi, tịch thu, thậm chí, đập, phá, đá, đổ… diễn ra cứ như có tà ma, voi dữ, về thành phố vậy, là chuyện diễn ra thường xuyên một cách lạnh lùng và vô cảm như thế đã nhiều năm ở miền Bắc… Những cuộc xua đuổi,l ẩn trốn, bán chui, ăn nhủi cứ thế diễn ra với mục đích là “lùa” tất cả mọi người vào những quán ăn của mậu dịch nhà nước ăn cái gì nhà nước cho ăn, uống cái gì nhà nước cho uống, xem cái gì nhà nước cho xem…. Cái quái thai “chuyên chính vô sản” trong quản lý xã hội này, khi đem vô miền Nam, cho đến bây giờ, đã bộc lộ hết những phi lý, những phản khoa học, những bất nhân của nó cho nên ….Đổi Mới (như cũ!) đã ra đời !...(nhưng chẳng ai dám nói ra là những gì người ta làm trước kia là “sai lầm chết người” cả, thậm chí vẫn còn đang tiếp tục để làm sạch bộ mặt thành phố?))

Những gì tớ sẽ kể ra sau đây chỉ là những chuyện đau lòng mắt thấy tai nghe xung quanh cái “xã hội Sài gòn” nhỏ của tớ tức là cái building 23 Gia Long mà tớ đã được bố trí ở gần 20 năm trời. Tớ sẽ nói về những con người bị xua đuổi mà chẳng biết mình có “tội” gì!

XÓA SỔ HỆ THỐNG PHỤC VỤ CAO ỐC- Ngay từ những ngày đầu đến nhận căn hộ 346, tớ đã phải ngợp về hệ thống phục vụ cái cao ốc chỉ có 7 tầng lầu này. Chạy dài theo cả hàng ngang cao ốc là một loạt các quán hàng có mái che, có bàn ghế, điện nước, quạt máy… Nó gần như chỉ phục vụ cho dân cư trú tại cao ốc và những người đi thăm, nuôi bệnh nhân của bệnh viện Grall (khi đó mặt tiền còn ở đường Gia Long). Được sự đồng ý của chủ cao ốc, được cung cấp nước, điện, nó hoạt động gần như 24/24 giờ ngày. Người ta có thể xuống đường hoặc ngồi tại nhà cũng có thể có được từ tô hủ tiếu, chiếc bánh mỳ, thậm chí cả miếng bít tết với giá rẻ hơn các tiệm ăn lớn đến một nửa. Tớ cũng từng ăn cơm “không bụi tí nào” của thím Xoa, một người phụ nữ trạc 50 tuổi, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười để lộ chiếc răng bịt vàng ở hàm trên bên trái. Nằm giọc theo bờ đường bên phải là một thứ chợ chồm hổm của những dân buôn thúng bán mẹt nghèo khổ hơn. Đó là những bà bán xôi, (mà trong số họ, tớ biết có vợ của một cựu danh thủ bóng đá trước 75), một cặp vợ chồng nhà giáo “chạy loạn” vô Sài gòn rồi kẹt lại, để rồi trở thành :chồng; đạp cyclô, vợ :bán bún bò …chạy! Một nhân vật mà tớ không thể quên nữa là chú Sơn, một hạ sỹ quân đội Cộng Hòa, thoát nạn cải tạo, người cao lêu đêu như sếu vườn, nước da tái xanh mầu sốt rét sau hai năm đóng quan ở Tây Nguyên, hàng ngày ngồi ngay dười chân cột điện phía bên Thư Viện Pháp, chuyên sửa xe, lau ô-tô cho những cư dân cao ốc chúng tớ…. Mọi chuyện đều diễn ra bình thường và suôn sẻ … cho tới một hôm… ”.lệnh trên”(?) ban xuống : Dẹp mọi hoạt động buôn bán mất trật tự ở khu vực cao ốc và trước cửa bệnh viện! Người ta lấy lý do là cao ốc này sắp trở thành cơ quan nhà nước. Không thể để một cái chợ tự do vô tổ chức này tồn tại được.. Và thế là…. cả cái cao ốc bỗng như một bộ máy bị tháo đi một con ốc nhỏ nhưng cần thiết và tiện lợi vô cùng. Cả hàng chục quán hàng khang trang, sạch sẽ bỗng chốc bị giải tỏa để trở thành những người bán chui, bán chạy và “thượng đế” thì trở thành người ăn chui, ăn chạy luôn! Hậu quả là dân chung cư, kể cả tớ, mất nhờ vào cái hệ thống phục vụ tự phát rất cần thiết này. Những anh độc thân như tớ còn có thể phóng xe đi kiếm bữa ăn vừa túí tiền ở tận Chợ cũ. Những gia đình có con thì đành phải đốt lửa nấu bếp (mà lúc ấy thì làm gì có gaz! ). Ai có dầu hỏa thì dùng dầu hỏa, ai không có thì dùng củi, dùng than. Có gia đình, để tránh khói, mang luôn cả bếp ra hành lang xông khói cả cao ốc luôn!…. Còn các ông bà ngoại quốc chờ ngày xuất cảnh thì lục tục “nhổ neo” đi nơi khác, nhường lại các căn hộ cho mấy “ông cơ quan”, ở không hết thì…nuôi heo ngay ở trên lầu 5! Buổi tối từ đầu đường Hai Bà Trưng đi về nhà, đèn đường tối mò tối mịt, trở thành những nơi kín đáo cho các vụ mặc cả mua bán thịt người!... Sự xuống cấp của xã hội nhỏ của tớ là trông thấy, ngửi thấy, nghe thấy từng ngày.. Nhưng cái làm tớ luôn phải sống trong sự ăn năn bứt rứt về nhữngviệc mình không gây ra là : Số phận những con người bị xua đuổi đó sẽ đi đâu? về đâu? Họ sẽ biết ơn hay căm thù muôn đời những người đã xua đuổi họ, dồn họ về phía những người… khó mà có thể hòa hợp được sau này…. Trong số những số phận con người bị xua đưổi đó, cho tới giờ này, ai còn ai mất, ai sống ở trong nước, ai đã sang được bên Tây, bên Tầu? ai làm mồi cho cá biển Đông, tớ không thể nào biết hết. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt đã ảnh hưởng đến cái đầu và trái tim tớ, tạo nên một thằng tớ luôn có những “suy nghĩ ngược chiều” và luôn đặt lại vấn đề của mọi vân đề nảy sinh trong cả quá trình làm anh “cán bộ cách mạng” nhưng… chứng kiến quá nhiều cảnh bất công, mất mát của quá nhiều con người. Sau đây là những số phận nghiệt ngã đã dành cho những con người vô tội bị xua đuổi khỏi cái Building tớ đã sống 18 năm trời nhé...

CHÚ SƠN SỬA XE- Sau ít ngày cố "trụ" lại với cái thùng đạn đựng ít đồ nghề, cuối cùng trong buổi bố ráp lần cuối, người ta tước luôn cả công cụ sản xuất của chú để “mời lên phường giải quyết”! Cũng chính cái buổi sáng hôm đó, tớ dắt chiếc Honda C50 ra khỏi nhà thì đạp mãi nó cũng chẳng chịu nổ cho. Tớ dắt sang bên kia đường định nhờ chú Sơn thì thấy chú đang nằm dạng háng ngay trên vỉa hè, rên rỉ một câu mà tớ đến hôm nay vẫn còn nhớ: ”Trời ơi là trời!.... Tui có làm chi hại các ông đâu mà các ông hại tôi thế này! Sống sao cho được đây các ông ơi!”… Tiếng ngân kéo dài của ba tiếng “các ông ơi” đó có lẽ vang trong tớ suốt cuộc đời… Nó như một lời nguyền rủa, lên án chính bản thân tớ, một người rất thân thiện với chú Sơn vì chú thực sự “hợp” với ông Việt Cộng để ria Clark Gable đến mức tớ có thể giao xe cho chú hoàn toàn khi cần sửa chữa mọi hỏng hóc… Đáp lại sự tin tưởng của tớ là những hành động tớ cảm được, nhận được từ chú. Như : xe tớ lúc nào cũng sạch sẽ, sáng loáng, mọi sửa chữa lặt vặt ít khi chú lấy tiền. Hằng ngày, mỗi lần gặp nhau, hai chúng tớ đều “Chú chú, cháu cháu” như có họ hàng thật. Đôi khi Sơn còn xưng hô với tớ là "Bố bố, con, con" nữa. Nhưng hôm nay, tớ đành bất lực, lặng lẽ dắt xe đi, không cất nổi một lời nào dù để chia tay chú vì cũng từ hôm đó, không còn bóng chú Sơn sửa xe ở góc đường Đồn Đất-Lý Tự Trọng nữa… Hình ảnh của một chú Sơn với câu than “Trời ơi là trời…" đầy đau khổ cũng phai mờ dần vì hàng vạn chú Sơn khác đã diễn lại tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, tại ngay trên các con đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Chợ Bến Thành… với những vụ ra quân tịch biên, tịch thu, kê biên... từ đôi dày, mét vải .. .đã át hẳn đi cái hinh ảnh chú Sơn bị tước thùng đồ nghề sửa xe… (để rồi những thứ bị tước đoạt đó đi đâu, không ai biết?)….

Cho đến một hôm, đang ngồi chơi tại nhà một người bạn bên Quận 4 thì thấy ngoài đường có tiếng ồn ào, chửi rủa… Từ trên gác nhìn xuống tớ thấy một chú áo vàng vừa lôi kéo vừa không ngừng đấm đá một thanh niên mặc bộ đồ rằn ri bạc phếch… máu trên đầu rỉ xuống đỏ lòm cả mặt mày… Tớ định thần nhìn cho kỹ: Đúng là chú "Sơn sửa xe" năm xưa của tớ đây rồi. Thì ra, từ một người sửa xe có lương tâm, có lễ phép, luôn mồm “Dạ, thưa, cảm ơn”, luôn yêu đời, khi rảnh rang còn biết nghêu ngao mấy câu hát “Đại bác ru đêm” của Trịnh công Sơn, qua mấy lần bị xua đuổi đã trở thành… “Sơn Sếu” nổi tiêng trong giới anh chị ở quận 4! Đã nhiều lần, đồng bọn bị bắt gần hết, riêng Sơn sếu vẫn trốn thoát ! Nhưng lần này, Sơn Sếu đã rơi vào tay luật pháp sau nhiều giờ lẩn tránh thậm chí chống cự lại cảnh sát đến cùng! Tớ chạy vội xuống nhà, len lỏi qua đám đông đang "mượn gió bẻ măng" xỉa xói, chửi bới tên tướng cướp mà tớ quen. Như có một linh tính gì mách bảo, Sơn Sếu ngước đôi mắt một mí nhìn về phía tớ…. Và như một chú Sơn khác, Sơn Sếu bỗng cất lên tiếng rú cuối cùng của một con sói bị dồn đến đường cùng : ”Khổ quá đi chú Hải ơi! Cháu có muốn như thế này đâu!…”. Tiếng rú đó cho đến nay vẫn vang lên trong tớ như một câu hỏi không lời đáp: Còn bao nhiêu chú Sơn nữa đã không được phép sống cho ra sống, sống như một con người ?? Cho tới nay, không bao giờ tớ gặp lại Sơn sửa xe nữa. Cầu trời cho chú đừng bỏ xác ở một trại giam hay một trại cải tạo nào!

VỢ CHỒNG CHÚ TƯ- Hai vợ chông chú Tư là những người đầu tiên giới thiệu mọi tiện nghi, mọi cách xử dụng máy lạnh, điện thoại của căn hộ cho tớ… Họ là những người không thuộc “biên chế” của chung cư nhưng từng làm người phục vụ buồng cho mọi chủ hộ ở cao ốc đã 10 năm. Quét giọn hành lang, giặt giũ, đổ rác… nghĩa là làm như một con sen, con ở của mọi nhà… Chú Tư độ 60 tuổi, đi lính từ thời Bảo Đại cũng xì xồ ba tiếng Pháp. Thím Tư, trẻ hơn độ 10 tuổi, bao giờ cũng gọn gàng trong chiếc áo bà ba trắng tinh, có phủ ngoài một tấm tạp dề. Thím Tư lại còn có ưu điểm là nói được đôi ba câu tiếng Anh thông dụng, rất thuận tiện trong việc giao dịch với khá nhiều khách ngoại quốc còn cư trú trong cao ốc.… Đối với tớ, hai vợ chồng chú đều có một cảm tình đặc biệt… Lý lịch của từng hộ ở cao ốc cũng do vợ chồng chú cho tớ biết qua loa cả. Có lẽ trong tướng mạo, cách ăn mặc, nhìn tủ sách và qua cách giao tiếp bỗ bã “ít có lập trường” của tớ mà hai vợ chông chú thấy dễ gần hơn người khác chăng? Thông thường là mỗi lần dọn vệ sinh, thay chăn, thay drap, các hộ đều trả tiền cho vợ chồng chú. Riêng với tớ, dù tớ đã tuyên bố : ”Tớ không quen cảnh người hầu, kẻ hạ lâu rồi, Mọi việc cứ để tớ tự túc” Tuy vậy, khi có dịp là hai vợ chồng chú luôn tím cách giúp đỡ tớ vì thương tớ “đơn độc một minh”…

Tớ cũng coi vợ chồng chú như người thân, thậm chí đi xa có thể giao chìa khóa cho thím Tư thỉnh thoảng vào làm vệ sinh, đóng, mở cửa.. xem tình hình điện, nước… Có hai vợ chồng chú, tớ như có được hai người nhà thật sự… Cho đến một hôm, chú Tư,miệng ngậm điếu thuốc sâu kèn muôn thuở, bước vào phòng tớ buồn bã nói : "Ban cải tạo nhà đất đã quyết định giải tán bộ phận service (phục vụ) của Building này. Đến chiều mai là hẹn cuối cùng để bọn tớ rút hết. Ban quản trị mới sẽ do mọi người trong chung cư bầu ra… Vợ chồng tôi thì còn có quê mà về chứ bọn thằng Thu, thằng Viêt, con Thanh… chẳng hiểu rồi chúng sẽ đi đâu?..."

Tớ lại trở thành tên "tội phạm" nhận mọi lời trách mắng, đôi khi chửi rủa về một cái chủ trương phá, phá hết để sớm “vô sản hóa” cả cái thành phố “hòn ngọc viễn đông” này. Lại như mọi lần, tớ chỉ biết ú ớ, chỉ biết chúc hai chú thim về quê làm ăn mạnh khỏe, phát tài…. Hẹn chú trưa mai sẽ cùng vợ chồng chú chia tay bằng một chầu “nhậu chay” ngay ở căn hộ tớ. Nghĩa là ...không bia rượu (Vì chú luôn bị thím cấm uống rượu do huyết áp cao, còn tớ thì ngửi mùi bia rượu là đã có dị ứng, gãi khắp người rồi) thì……vào khoảng hai giờ đêm, thím Tư bấm chuông … Vừa mở cửa ra thím dã nói trong tiếng nức mở :”Chú Hải ơi! Ông nhà tôi…đi rồi”… Tôi chưa biết nói gì thêm thì thím Tư đã rãi bầy… ”Ông nhà tôi hay cả nghĩ lắm. Đã hay lên máu mà cứ động tới chuyện gì không vừa ý là ông ấy lại uống đến cả lít rượu… Tối nay, đang nhậu với lũ nó, thì ổng gục xuống bàn … Chở cyclô vào bênh viện bình dân thì không kịp nữa. Ổng đã “đi ngay” ở trên xe…. Bệnh viện nói là đứt mạch máu não gì đó!... Tớ lại câm nín, ngậm hột thị như mọi khi. Chẳng biết nên an ủi thím Tư như thế nào cho… ”phải đạo”. Nhưng trong lòng tớ thì vang lên một câu hỏi không thốt lên được thành lời “Giá mà người ta đừng xua đuổi chú về quê, liệu chú có chết thảm thế không?"....

Còn thim Tư, do không gia đình con cái, tiếp tục bám lấy một quầy hàng chạp phô của một người bạn cùng quê ở Chợ Cũ, để kiếm sống qua ngày… Tớ còn qua lại và được thím giúp đỡ khi mua cho lạng tôm khô, khi lạng sườn non…sau đó đến vài năm nữa.. (tớ tự túc nấu ăn khi không còn khả năng ăn hàng những năm sau đó)…. Bẵng đi vài tháng tớ đi công tác xa, trở về Sài Gòn, đi chợ, đến quầy hàng đồ khô mà thím Tư giúp việc thì bà chủ quầy đã hấp tấp báo cáo với tớ : ”Chú Hải ơi! Thím Tư Lành chết rồi! Mà chết thảm lắm!” Thì ra thím đã trở về Tây Ninh, tìm đường vượt biên, may ra có cái qua trình “phục vụ Sở Mỹ” mà đổi đời không. Nhưng….số phận nghiệt ngã đã đổ xuống đầu cả gia đình chú thím. Trên đường vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia, cả Đoàn người đi tìm tự do đó đã rơi vào ổ phục kích của Khơ Me đỏ…. Trừ một vài người thoát chết về kể lại, tất cả gần 20 con người, cả đàn bà, trẻ em đều bị chúng … chặt đầu, mổ bụng, moi gan… Tớ nghe mà rùng mình... Nhưng rùng mình hơn là: ngay sau đó ít hôm, tớ lại đọc trên báo có tin “Đông chí(?) Khiêu xăm Phan thăm HàNội! Và chỉ ít lâu thì lại có tin Xe-âu-Xét-Cu(Rumania) thăm Pnom Pênh và …. cũng chỉ sau đó vài tháng, ở bên Tầu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng cách xua quân đánh thẳng vào Lạng Sơn Lào Cai… làm thành bình địa bao thị xã, nhà máy và giết chết không biết bao “đồng chí môi hở răng lạnh” Việt Nam… Một lần nữa, hàng loạt những dấu hỏi lại như những cái móc kéo tớ ra khỏi cơn mê hoảng “Chủ nghĩa quốc tế vô sản” lại là chủ nghĩa không tính người như thế này sao…? Cái sự “mất lập trường vô sản” của tớ ngày càng nặng thêm kể từ khi “cải cách ruộng đất”, rồi cải tạo tư sản ở miền Bắc, rồi các chiến dịch X nọ, Z kia, ở miền Nam… .được điển hình hóa bằng những số phận của hai cô sinh viên ở Lầu 2, rồi ba em học sinh bụi đời được giải thoát, đến cái chết của vợ chồng chú Tư rồi đến cái sự biến người lành thành kẻ ác của chú Sơn sửa xe, đã củng cố trong tớ một quyết định làm thay đổi cuộc đời tớ : Kiên quyết rời bỏ cái đất Sài gòn về tìm một nơi an thân, ẩn dật,…đọc sách, nghe nhạc đến cuối đời, khỏi phải nghe những điều dạy dỗ mà càng nghe càng thêm ghê tởm đến... buồn nôn, buồn mửa!…. Một quyết định hoàn toàn “tiêu cực” những năm đó.nhưng nào ngờ… nó lại làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của tớ những năm cuối đời… .Đó là tớ quyết định : Biến về Nha Trang, LẤY VỢ LÂN THƯ HAI ở năm 59 tuổi! Lấy vợ tự do, chẳng ai có thể ý kiến ý cỏ gì…chẳng phải xin phép xin tắc ai… chẳng để ý đến những lời đàm tiếu, dèm pha ác ý ... khi không ít người biết được người vợ mà tớ chung sống cho đến hôm nay, chính là …cái “cô giáo miền núi bán bún bò chạy” ở cạnh chung cư tớ ở năm xưa, một người mà đến hôm nay, nếu không đến với tớ như một niềm an ủi, động viên, giúp đỡ lớn, chắc gì tớ đã sống được đến tuổi 82, mà cứ đơn độc, gậm nhấm cả ngàn vạn nỗi buồn đau, tiếc nuối, hối hận… về những gì mình không hề gây ra cho những kiếp người như vợ chồng chú Tư, chú Sơn, bác Sáu…và hàng vạn, hàng triệu con người mà tớ luôn coi họ là nạn nhân của hàng loạt chính sách sai lầm ghê gớm những năm 75-90 của thế kỷ trước…

Entry sau sẽ là một entry rất… khó nói vì nó đề cập đến “cuộc tình cuối” của chính tớ và… cô giáo miền núi bán bún bò chạy…Tớ sẽ cố thuyết phục bà xã bớt đi cái phần “bi” mà chỉ nói đến những gì là tốt đẹp của hai người mà thôi! Âu cũng là giải đáp một số thắc mắc của các friends về cuộc đời riêng tư của tớ…Các friends đừng sốt ruột nhé!

Tô Hải

26-04-2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn