BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73519)
(Xem: 62251)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đơn xin ra báo

21 Tháng Năm 199912:00 SA(Xem: 1003)
Đơn xin ra báo
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Kính gửi: Ông Bộ Trưởng - Bộ Văn Hóa - Thông Tin

Đồng kính gửi: Thủ Tướng Chính Phủ

Tôi công dân Trần Độ có một việc đề nghị ông xem xét như sau:

1. Tôi đã đọc kỹ Hiến Pháp 1992 của nước ta, đọc kỹ luật báo chí do Quốc Hội khóa VIII ban hành năm 1989. Tôi thấy Hiến Pháp ghi ở Điều 69 như sau:

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin..." Rất đáng chú ý là điều này ghi rõ "tự do Báo Chí".

Luật Báo Chí ở điều một có ghi:

Điều 1: Vai trò chức năng của Báo chí.



Báo chí ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đản g, cơ quan Nhà nước tổ chức xã hội: là diễn đàn của nhân dân (T.Đ nhấn mạnh).

Điều 2: Bảo đảm quyền tự do Báo chí, tự do ngôn luận.

"Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do Báo chí, quyền tự do ngôn luận trên Báo chí và để Báo chí phát huy đúng vai trò của mình (T.Đ nhấn mạnh).

....................................................

Điều 4: Quyền tự do Báo chí, tự do ngôn luận trên Báo chí của công dân.

Công dân có quyền:

1. Được thông tin qua Báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới.

2..........

3. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

4. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

5. Góp ý kiến phê bình kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội... (Những chỗ nhấn mạnh là do T.Đ).

Luật Báo Chí của ta chưa thể hiện đúng tinh thần của Hiến Pháp là tự do Báo chí. Luật Báo Chí có ghi là "Không có kiểm duyệt". Nhưng trong thực tế thì sự kiểm soát còn ngặ t nghèo hơn là có kiểm duyệt. Luật quy định việc xin phép quá ngặt nghèo, không ghi quyền công dân được xin phép, và chỉ có các tổ chức được xin phép.

Tuy vậy, tôi quan tâm đến Điều 13 nói về người đứng đầu cơ quan Báo chí, tôi chú ý khoản 2 về điều kiện người đứng đầu về cơ quan Báo chí là:

- Phải có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.

- Có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ Báo chí.

Tôi nhận thấy:

- Tôi là công dân Việt Nam đã là Đảng viên Đảng cộng sản 58 năm, là ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa (3, 4, 5, 6) có địa chỉ thường trú ở 97 - Trần Hưng Đạo - Quận Hoàn Kiếm - H à Nội.

- Tôi đã từng là cán bộ nồng cốt làm báo Đảng (Báo cờ giải phóng) giúp việc đắc lực cho đ/c Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng biên tập báo (khoảng 1 năm 1944 - 1945).

- Tôi đã làm chủ nhiệm báo Vệ Quốc Quân 4 năm từ giữa 1947 đến đầu 1950.

- Tôi đã tham gia viết các Báo Viết Tay ở nhà Tù như Suối Reo ở Sơn La, đặc san Xuân ở Hỏa Lò 1942. Báo của tỉnh Đoàn Thanh niên phản đế ở Thái Bình 1941. Có nhiều bài viết đã đăng trên các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Văn Nghệ và Văn Nghệ Quân Đội. Các tạp chí Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Cộng Sản v.v...

Tôi là hội viên Hội Nhà Văn từ năm 1957, đã có một số sách được in và nhiều người biết.

Tôi tự nhận thấy tôi đã có đủ các điều kiện như luật yêu cầu để là một người đứng đầu một cơ quan báo chí.

2. Căn cứ vào những điều kiện trên, tôi thấy tôi có đủ căn cứ pháp lý và điều kiện để đề nghị Bộ trưởng cấp cho giấy phép để ra một tờ báo có thể làm tốt chức năng như đã ghi trong điều 1 của luật Báo chí là Diễn đàn của Nhân dân.

3. Tình hình đất nước hiện nay có nhiều khó khăn thử thách. Xuất hiện nhiều vấn đề mới mà ý kiến không dễ thống nhất.

Hội nghị BCH TƯ khóa 8 lần 6/2 cũng đề ra vấn đề phải chuẩn bị các ý kiến về đường lối cho Đại hội 9. Và cũng nêu lên hàng chục vấn đề đang có những ý kiến khác nhau .

Tình hình thế giới đã có những biến động lớn lao chưa từng có. Tình hình nước ta, bên cạnh những thành công, thắng lợi đáng phấn khởi, ta đang phải đứng trước những thử thách mới, những vấn đề mới ngày càng to lớn khó khăn.

Do đó, tự nhiên ở nước ta đang xuất hiện, một cách gay gắt, nhu cầu phát biểu ý kiến, đặc biệt trong giới lão thành, giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Nhu cầu phát biểu thì lớn mà điều kiện để phát biểu thì không có.

4. Tôi biết chắc chắn rằng: Trong nhân dân có rất nhiều người có ý kiến muốn phát biểu. Nhưng

- Có những người có ý kiến, nhưng không muốn nói, không dám nói, không biết nói vào đâu, nên đành cứ im lặng, mà cứ buồn phiền.

- Có những người có ý kiến thế này, nhưng khi nói ra lại nói khác. Có khi nói ngược lại lòng mình đến 180 độ. Có người nói mỗi nơi một khác, những ngườI ....., cứ bị bắt buộc hoặc tự nguyện phải sống giả dối, mất nhân cách như vậy thành một thói quen, một lối sống. Điều đó tai hại lâu dài cho đạo đức xã hội.

- Có những người có ý kiến, không có chỗ nói hoặc là chỉ có những chỗ nói mà họ không thích. Họ chỉ có thể thổ lộ khi gặp mặt bạn bè riêng tư, hoặc viết ra để cất đi, hoặc viết ra để trao đổi với các bạn bè một cách không được coi là hợp pháp.

Ta đã có rất nhiều báo chí, có "tự do báo chí" đối với các tổ chức. Nhưng chỉ mới có tiếng nói và diễn đàn của các cơ quan và các tổ chức. Chưa có Tiếng nói của nhân dân, chưa có diễn đàn cho nhân dân, như luật ghi. Tuy rằng cơ quan tổ chức nào cũng tự nhận là của nhân dân và "nhân danh nhân dân". Nhân dân chưa tự mình có tiếng nói được. Có diễn đàn trực tiếp của nhân dân tuyệt nhiên không phải là dân chủ tư sản và dân chủ vô hạn độ mà là dân chủ chân chính.

5. Tôi nhận thấy có một cơ quan ngôn luận độc lập (với các tổ chứ cơ quan) là tiếng nói và diễn đàn trực tiếp của nhân dân thì sẽ có nhiều điều lợi.

Trước hết là có chỗ để những người có ý kiến với đời sống, với đất nước có chỗ hợp pháp và công khai để phát biểu. Như thế tránh được hiện tượng các ý kiến cứ lan truyền không công khai, không hợp pháp do đó hay tùy tiện và hay có giọng điệu quá mức cần thiết.

Tuy hiện nay Nhà nước (và Đảng) đều kêu gọi mọi người phát biểu, nhưng yêu cầu phát biểu trong tổ chức và qua tổ chức. Như thế, những ý kiến (có hàng chục nghìn thư) đã gửi đến tổ chức và cơ quan, nhưng chỉ riêng cơ quan có quyền nhận xét đánh giá và thông thường thì đánh giá là các ý kiến đó là soàng và sai quấy. Trình độ những người đánh giá thì lại nhiều khi kém và quá kém. Thế là vàng thau lẫn lộn, các hạt vạng chìm lặn vào và mất hút trong cát. Lãng phí vô cùng !

Có chỗ phát biểu độc lập và hợp pháp thì người phát biểu phải thận trọng hơn, biết điều hơn và chừng mực hơn, như vậy dễ tìm thấy những điều có ích.

Ý kiến được công khai, hợp pháp thì mọi người đều biết và đều có khả năng đánh giá, kể cả người Việt sống ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm tới Việt Nam.

Như vậy có khả năng rộng lớn và nhanh chóng hiện lên điều hay điều dở, điều đúng, điều sai, điều hợp và điều không hợp. Ta thu được ý kiến không phải chỉ ở người viết ra mà còn thu được nhiều ý kiến quan trọng của những người không viết được, mà lại nhận xét và đánh giá được. Không phải 70 triệu người là có thể có 70 triệu ý kiến. Nhiều lắm cũng chỉ có được vài nghìn ý kiến. Nhưng thêm vào đó lại có hàng chục triệu nhận xét đánh giá giúp cho ta lọc được hay dở, đúng sai trong nghìn ý kiến kia. Như thế không thể là dân chủ vô hạn độ, dân chủ lộn xộn được. Mà đó mới là dân chủ chân chính. Không nên quá coi thường nhân dân. Nhân dân Thái Bình bất bình nhưng có lộn xộn đâu ! Ai nấy đều phải thừa nhận rằng nhân dân Thái Bình bất bình thế là đúng. Nhân dân đúng thì chỉ có cán bộ sai. Nhân dân đúng thì nhân dân phải có điều kiện để biểu lộ ra. Phải có diễn đàn độc lập của nhân dân. Nhân dân Thái Bình từ trước nói nhiều rồi, nhưng tiếng nói cứ bị bịt đi buộc nhân dân phải biểu thị thái độ bằng hành động. Có diễn đàn độc lập của nhân dân, ta có thể tránh được tình trạng bịt bùng dân trí đưa tới bất bình. Như vậy xã hội ổn định bền vững thêm !

6. Vì tất cả những lẽ kể trên, tôi viết thư này đề nghị ông Bộ trưởng và ông Thủ trưởng đồng ý cho tôi được đứng ra làm người đứng đầu một cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí này sẽ là:

- Một diễn đàn độc lập, không lệ thuộc vào một tổ chức và cơ quan nào.

- Diễn đàn này sẽ là diễn đàn của nhân dân, làm đủ các nhiệm vụ chức năng như luật định.

- Diễn đàn này sẽ có một tên gọi thích hợp với tính chất và chức năng của mình, ví dụ như Tiếng Dân hoặc Thanh Nghị.

Tôi kính mong các ông xem xét và quyết định cho một sự đồng ý về nguyên tắc. Sau khi có sự đồng ý như trên tôi mới chuẩn bị mọi điều kiện và thủ tục để xin giấy phép cụ thể. Bởi mọi sự chuẩn bị như trụ sở. Ban biên tập, phóng viên, các phương tiện văn phòng và thông tin liên lạc là rất nhiều công và tốn kém. Tôi không thể nào chuẩn bị những cái đó, để rồi lại dẹp bỏ. Tôi thấy tôi và các bạn tôi (là những người tôi sẽ mời cộng tác) hoàn toàn có đủ ý thức, năng lực làm cho tờ báo hoạt động đúng chức năng và nhất là đúng luật pháp. Tôi xin bảo đảm như thế.

Tôi xin rất vui lòng chờ đợi sự trả lời của các ông vào đúng thời hạn như luật định điều 19 luật báo chí. Sau đó tôi chuẩn bị mọi điều kiện để xin giấy phép cụ thể và sẽ chỉ hoạt động sau khi có giấy phép cụ thể. Xin các ông trả lời thì nói rõ giúp lý do được hay không được, và công bố rộng rãi quyết định rất quý giá của ông.

Kính chào thắng lợi,

Mong đợi,

Người xin phép

Công dân Trần Độ

 *** 

Dưới đây là bản phúc đáp của Bộ Văn Hóa Thông Tin CSVN

Bộ Văn Hóa Thông Tin

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Số 1514/VHTT - DC

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc V/V Trả lời thư ông Trần Độ

..........................................................

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 1999

Kính gửi: Ông Trần Độ

Bộ trưởng Bộ Văn Hóa - Thông tin đã nhận được đề nghị của ông ghi ngày 01-4-1999 xin phép được xuất bản một tờ báo do ông đứng đầu tờ báo đó. Về việc này, với chức năng là cơ quan giúp Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa - Thông Tin quản lý hoạt động báo chí, Vụ Báo Chí có ý kiến như sau:

Điều 1, chương I Luật Báo Chí được kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa VIII thông qua ngày 28-12-1989 ghi rõ: Báo chí ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức): là diễn đàn của nhân dân.

Điều 12 của Luật Báo Chí cũng xác định: Cơ quan chủ quản báo chí là tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.

Như vậy, theo Luật Báo Chí của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, không có quy định nào cho cá nhân đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí.

Vụ Báo Chí Bộ Văn Hóa - Thông Tin xin thông báo để ông biết.

TM/ Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa - Thông Tin. Vụ Trưởng Vụ Báo Chí. Đỗ Quý Đoàn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn