BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chợ đêm Bà Chiểu

10 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1242)
Chợ đêm Bà Chiểu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cứ tầm 5 giờ chiều, khi cửa nhà lồng chợ Bà Chiểu đóng (mặt quay ra đường Phan Đăng Lưu, Chi Lăng cũ) là lúc “trung tâm thời trang giá rẻ” Bà Chiểu bắt đầu đi vào hoạt động và kết thúc vào khoảng 0 giờ sáng hôm sau. Đối diện chợ là đầu đường Lê Quang Định. Do đặc điểm có ngã ba tại đây nên lòng đường đoạn này rộng, từ mặt chợ chính ra giữa đường Phan Đăng Lưu có một “con trăn” to đùng, người bán hàng chiếm dụng cả đoạn phía trong từ “con trăn” trở vào chợ để bán hàng, người đi đường chỉ đi phần đường từ “con trăn” trở qua phía đường Lê Quang Định.

Chủ nhân của những “shop” thời trang này không phải là các hộ kinh doanh bên trong chợ Bà Chiểu bày hàng ra bán thêm mà là các “shop di động” khắp nơi cứ đến giờ là tụ hội về địa điểm này. Chợ bán nhiều mặt hàng, nhiều nhất là quần áo may sẳn, nội y nam nữ, giày dép, dây nịt, nữ trang. Những gian hàng bán giày dép, quần áo thường ở dãy phía trong và “quy mô” hơn, hàng hóa bày trên sạp gỗ thâm thấp cách mặt đất chừng một gang tay, phía trên có căng tấm bạt ni-lông sọc xanh đỏ để “chống mưa”. Dãy phía ngoài sát mặt đường giao thông người bán thường trải tấm ni-lông trắng rồi bày hàng hóa lên đó, khi có “động” thì chỉ việc túm bốn góc tấm ni-lông lại rồi chạy. Mỗi gian hàng có một cái đèn nê-ông nhỏ loại dùng bình xạc điện của Đài Loan, Trung Quốc để chiếu sáng.

 Nhìn từ xa, chợ đêm thu hút người đi đường bởi ánh đèn sáng choang, màu sắc rực rỡ từ các loại hàng hóa và nhộn nhịp kẻ mua người bán. Khách đi chợ đêm thường là người trẻ, coi đi chợ đêm chọn hàng cũng như đi chơi, đi dạo phố. Họ thủng thỉnh từ gian hàng này đến gian hàng khác chọn lựa, ướm ngay vào người mà không ngại ngùng gì.

 Một ông đứng tuổi, chuyên bán áo thun và quần tây may sẳn loại “big size” nói với tôi ông thuê chổ bán ở đây vào ngày thứ Ba và thứ Sáu, những ngày còn lại ông đi bán ở nơi khác, chổ ông ngồi người khác thuê. Tôi hỏi ông: “Anh ngồi ngoài đường vầy thì trả tiền thuê chổ cho ai?”. Ông nói: “Không biết nữa, tôi không bán mỗi ngày nên không biết rõ. Tối tối một chút có người đến thu tiền chổ, thấy ai bán ở đây cũng đưa tiền cho ông đó thì tôi cũng đưa thôi, có chổ ngồi bán là tốt rồi”. Ông nói hàng của ông là “hàng công ty” bị ế nên thanh lý dạt ra đây, áo 30 ngàn/cái, quần 50 ngàn/cái và mời tôi mua hàng. Xem lại thấy quần áo ông bán toàn kiểu lỗi thời và kích cỡ quá bự, người phải cỡ 70 ký trở lên mới mặc vừa. Cái này mua gởi về quê cho ông già bà cả “tốt tướng” mặc thì được, chớ ở Sài Gòn tôi mà mặc thứ này ra đường người ta cười chết.



Giá bán ở “trung tâm thời trang đêm” này thoạt đầu tưởng chừng như rất rẻ. Một cái áo sơ-mi, áo thun hoặc áo kiểu có giá từ 15 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng. Có chổ còn bán bán áo thun hai dây từ 10 ngàn đến 15 ngàn đồng/cái. Quần áo trẻ em đủ kiểu, sườn xám Tàu, áo dài, áo bà ba đến đồ “bụi” cho các bé 10 tuổi trở xuống, giá từ 15 ngàn đến 60 ngàn đồng/bộ. Dây nịt 10 ngàn đồng/sợi muốn kiểu gì cũng có. Giày sandal dây đủ kiểu thật đẹp giá từ 25 ngàn đến 35 ngàn/đôi. Giầy Trung Quốc từ 50 ngàn đến 60 ngàn/đôi. Nội y nữ mẫu mã rất đẹp từ 5 ngàn đến 25 ngàn/cái. Dây, nơ cột tóc, băng-đô đủ màu sắc rực rỡ 5 ngàn đồng/cái, mua 5 cái được tặng thêm 1 cái, muốn lấy cái nào cũng được tùy ý khách chọn. Bông tai Trung Quốc đủ kiểu lấp la lấp lánh trong ánh đèn nhìn thiệt hấp dẫn, giá từ 10 ngàn đến 50 ngàn/đôi, tùy kiểu đơn giản hay phức tạp, ngắn hay dài đến vai người đeo. So ra thì giá bán hàng hóa ở đây chỉ bằng ½ hay 1/3 giá bán trong chợ ban ngày.

 Nói vậy đừng thấy rẻ mà ham không coi kỹ, mua một đống đem về rồi “hối hận muộn màng”. Tôi xốc hết đống áo thun, quần jean hết gian hàng này đến gian hàng khác thấy toàn loại size nhỏ, cỡ thấp bé nhẹ cân “mình hạc xương mai” chừng mét rưỡi trở xuống mặc được, cỡ tôi cũng đâu có bự con gì mấy mà không tìm ra được cái quần, cái áo nào vừa mình. Đồ lửng mặc ở nhà loại áo hai dây, quần dài tới đầu gối, vải tol, size XXXL (cho người từ 60 kg trở xuống) chủ hàng cũng hét giá 65 ngàn/bộ, tức là bằng giá tôi mua trong chợ Tân Định ban ngày chớ đâu có rẻ hơn. Mà mua trong chợ Tân Định thì mẫu mã, bông hoa phong phú hơn tha hồ lựa chọn, hàng đóng từng gói riêng mới hơn, chớ không phải đổ đống nhão nhừ cũ xì như ở đây.

 Mua giày thì bạn tôi có “bài học đau thương” rồi. Có lần đi ngang, thấy giày đẹp quá mà lại rẻ, bạn tôi mua một đôi sandal cao gót 35 ngàn, xỏ vô chân đi từ chổ bán về đến nhà vừa đúng lúc đế giày một nơi, quai giày một nơi. Nếu trừ quãng đường ngồi xe ra thì 35 ngàn đi được hơn 200m. Dây cột tóc, băng-đô tôi cũng có “kinh nghiệm thương đau”. Một gói dây thun cột tóc (5 cái) kiểu giống như đan bằng len giá 5 ngàn đồng, về xài mỗi cái được một tuần thì bỏ vì nó… hết co giãn. Băng-đô bên ngoài bằng vải bọc cái khung bên trong bằng nhựa tái sinh (theo tôi nghĩ thì không thể nào tái sinh thêm được nữa) giòn đến mức độ xài được vài lần là nó gãy béng ra làm hai.

 Hàng nội y đẹp, người bán lại nói “hàng công ty thanh lý”, tôi bới ra xem thấy đa số xuất xứ từ Trung Quốc hoặc của những cơ sở may gia công nhỏ tại Sài Gòn, không có thương hiệu. Áo sơ-mi Việt Tiến nếu mua tại đại lý chính hãng từ 150 ngàn đến 250 ngàn/cái thì Việt Tiến ở đây có 50 ngàn/cái mà kiểu dáng y chang, ngay cả chữ VT hoa thêu ở măng-sét tay áo cũng có nữa. Xem kỹ thấy tất cả đều giá rẻ là ở chất liệu vải, từ nội y đến sơ-mi đều dùng một loại vải pha ni-lông khá nhiều, độ co giãn kém, nhìn đẹp nhưng vải ít thấm nước, không rút mồ hôi, mặc vào người sẽ rất nóng. Thằng em tôi nó mua luôn bốn áo sơ-mi một lúc, hết 200 ngàn đồng. Nó nói rằng mỗi cái áo nó mặc ba tháng thì bỏ, tính ra mỗi ngày nó “mặc” chưa đến một ngàn đồng, vẫn rẻ và sướng hơn là mua Việt Tiến thiệt được có một cái áo.

 Thấy dây nịt đẹp, tôi cũng định mua. Bạn tôi cản lại nói dây nịt đó nó làm bằng giấy đó, xài được vài bữa là nó bở ra hết. Mua hàng ở chợ đêm, bạn thường nghe người bán hàng nói câu: “Bán lấy công làm lời. Ở đây mà bán mắc quá không ai mua đâu”. Nghe lời xáp dzô rồi mới biết “tiền nào của nấy” hà.

 Tuy nhiên, nói “của rẻ là của ôi” thì cũng không đúng lắm và “oan uổng” cho người bán. Nếu chịu khó tìm và lựa kỹ thì cũng mua được vài thứ vừa ý mà lại rất rẻ. Có điều đi chợ này phải có thời gian thư thả để lựa hàng, chớ cập rập quá thì không mua được. Nếu như tôi mua quần áo ở trong chợ ban ngày chỉ cần coi mẫu một cái, nếu vừa ý rồi bảo người bán lấy y chang như vậy thêm mấy cái nữa, về nhà chất lượng giống nhau, đem về coi lại không đúng có thể mang ra đổi lại lấy cái khác. Còn ở đây bạn phải tự mình lựa từng cái, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng. Có lần tôi chọn mua 5 cái áo nội y, 3 cái đầu thì mình chịu khó nắm kéo qua kéo lại và thử nên về nhà thấy chất lượng tốt, dùng được. Còn 2 cái vì lúc đó đông người chen lấn giành nhau lựa làm mình cũng chọn cho xong để đi ra cho dễ thở mà quên thử độ co giãn, thành ra khi dùng mới biết nó cứng đờ. Thôi tự an ủi có 100 ngàn mà chọn được ba cái áo mặc đẹp cũng tốt, còn hai cái kia coi như “cúng rằm tháng Bảy”.

 Có một thứ duy nhất tại chợ đêm này mua không sợ lầm, khỏi cần lựa và khỏi cần trả giá là bắp nếp luộc nóng hổi 4 ngàn đồng/trái. Mua xong lột vỏ bắp ra ăn ngay tại chổ, hạt bắp vừa mềm, vừa dẻo, vừa ngọt dịu, vừa thơm mùi đồng quê dân dã, thật là món ăn rẻ mà tuyệt vời, làm ấm lòng trong không khí đêm lành lạnh sau khi vừa dứt cơn mưa. Dù sao thì chợ đêm Bà Chiểu cũng đáp ứng được nhu cầu cung cấp hàng giá rẻ cho sinh viên hay người lao động ít tiền và không có thời gian đi chợ ban ngày.

 Tạ Phong Tần

 Theo Nhà Báo Tự Do Công Giáo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn