BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cháo phổi

17 Tháng Tám 198712:00 SA(Xem: 747)
Cháo phổi
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Giọng cái Hoà đọc thơ ông ổng ngoài hè:

“... Phổi đầy phấn và dạ dày... toàn cháo

Tính dân gian ngồn ngộn mỗi câu thơ”

Chị Hường chạy ra túm lấy nó:

- Này, lải nhải mãi, chị hỏi mày: mày là giáo viên dạy sinh thì mày có hiểu thế nào là tính dân tộc không?

Con bé giãy nảy:

- Ối giời, em biết nó là cái gì đâu mà chị cật vấn em, em chỉ đọc trộm mấy câu trong “Sổ tay giáo viên... nhăn răng”[1] của chị thôi mà... – nó cười khanh khách – Chị viết hay thật đấy: “Cuộc đời giáo bài ca tôi hát mãi, Hát suốt đời, phổi... đọng phấn... hàng cân (!) Hí hí. Thật đúng là “Bài ca nhà giáo” trong giai đoạn đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội... Chị có biết em thích nhất câu nào trong bài thơ của chị không? “Ôi cái nghề... cấu phổi... để mà nhai”! Tuyệt! Chị hỏi em tính dân tộc ư? Em không biết, chị ơi. Thế chị hiểu tính dân tộc là thế nào?

Nó kéo chị Hường vào trong nhà. Chị tự nhiên buồn xỉu. Ngồi im một lát, chị lặng lẽ nhìn Hoà rồi bảo:

- Hình như tao vừa tìm thấy nó - cái tính dân tộc ấy, mày ạ. Có điều tìm thấy nó rồi thì tao chán quá.

Hoà trợn mắt: 

- Sao lại thế? Mà chị tìm thấy nó từ bao giờ vậy, chị ơi?

Hai chị em ngồi bên nhau trên phản. Chị Hường nhìn xa xăm:

- Mới đây thôi. - chị mím môi, gật gù - Tao vô tình nhận ra nó trong lúc tao giảng bài ... Vào đợt giáo viên tỉnh mình nhận được chỉ thị phải tự túc lương thực.

Hoà làm bộ trợn mắt:

- Chà, cái bà này... “Đổi mới tư duy” ghê thật, lại bằng thơ nữa mới sợ, hơi bị hay đấy. Đói lòng quá đâm ra thành thi sĩ, đã thế lại còn tìm ra tính dân tộc ngân vang trong mỗi câu thơ... Ấy thế mà có nhà thơ thứ thiệt lại bảo: “Cuộc đời khốn khó giơ nanh vuốt. Cơm áo không đùa với khách thơ”. Khốn khổ, đến bây giờ chị mới biết lũ chúng mình đều là “những con người do … cơm áo sinh ra[2] hay sao?

Chị Hường thở dài:

- Hoà ơi, có lúc nào mày đã phải ăn bánh rau muống hay ăn sắn trừ bữa bao giờ chưa? Nếu đã ăn... chắc mày có lúc mày sẽ phải ngẫm nghĩ để rồi đùng một cái nhận ra cái tính dân tộc ở trong mình nó là thế nào!

- Ôi dào! ... – Hoà nhìn chị Hường, môi bĩu ra - Nói như chị thì cả nước ta, tất tật mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không trừ cả ông bà tổ tiên, đều đã biết thế nào là tính dân tộc…

Chị Hường cười méo mó:

- Tao không đùa đâu, con nhãi ạ. Quả thật chị đã tìm thấy nó, hoặc nhận ra nó, là cái gì. Hôm ấy, sáng ngày ra chị không có một hạt nào vào bụng, thế mà phải dạy bốn tiết liền... Vàng cả mắt. Bụng sôi sùng sục một hồi, sôi xong rồi cứ thế cồn cào, không sôi được nữa. Tiết cuối cùng tao tưởng xỉu tại chỗ… Bài giảng của tao hôm ấy là bài gì mày biết không? “Thánh Gióng”.

- Ừ, thì sao?

- Trớ trêu là thế. Lúc tao phân tích đến đoạn dân làng góp gạo gánh kìn kìn đến nhà Gióng để nấu một bữa những bảy nong cơm với ba nong cà cho Gióng ăn để Gióng lên đường đi đánh giặc... tao phải quay mặt đi…

- Tại sao lại phải quay mặt đi?

- Thì học sinh chúng nó cứ hau háu nhìn mình, chúng nó mà phát hiện mình đang giảng bài mà nuốt nước bọt ừng ực thì có mà chết ...

- Hì hì, đang đói mà nói đến món ăn thì nước bọt nó cứ tứa ra…

- Tao mới nghiệm ra một chân lý: “Khi đói, người ta chỉ ước được ăn no”. Ngoại giả, chẳng còn gì quan trọng. Anh hùng cũng chỉ để kiếm miếng cơm. Hèn nhát cũng chỉ vì miếng cơm.

- Quy luật muôn đời, chị ơi! 

Hoà bình luận.

Chị Hường trầm ngâm:

- Tao nghĩ: có thể viết một luận án tiến sĩ về tính dân tộc gắn liền với cái đói đấy, mày ạ. Thật mà. Đói cồn cào, đói vàng mắt, đói khắc khoải, đói triền miên. Đói từ đời này sang đời khác... “Đời ông lặp lại đời cha, đời con cháu giống mãi đời cụ kỵ. Quý khoai sắn như là sâm với quế... Tháng tám, tháng ba càng dài trận đói. Rau muống ơi, xin hãy muộn mùa hoa”....

- Đúng thế đấy, chị ạ. Đói khiếp lên được.

- Cái đói bám chằng chằng, cái đói ngầy ngà, nó theo ta từng bước, cả trong giấc ngủ nó cũng chẳng buông tha... Đói đến nỗi người nước ta chỉ còn biết tìm sự no lòng trong những chuyện thần thoại, trong cổ tích. Thánh Gióng là ai? Là hình tượng của sự no, sự được no, là sản phẩm của trí tưởng tượng của cả một dân tộc sau những cơn đói cồn cào, dai dẳng, vàng mắt. Cùng một nội dung bài giảng, sao trước đây tao thấy nó ngớ ngẩn và thậm xưng đến thế: làm gì có cậu bé nào ăn một lúc hết bảy nong cơm, ba nong cà, rồi vươn mình đứng dậy thành Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt, áo giáp sắt, nhổ hàng chục búi tre đập vào đầu giặc? Thì ra có ăn nhạt mới biết thương mèo, em ạ... Ba tháng tự túc lương thực để hôm ấy đứng nhịn đói đứng trên bục giảng, tao mới hiểu ra: nếu cho mình bảy nong cơm, ba nong cà thì yếu như chị đây cũng đủ sức phát quang cả một quả đồi. Thánh Gióng chẳng qua là nhân vật huyền thoại mới ăn hết ngần ấy thứ trong một bữa, tao người trần mắt thịt, tao chỉ ước gì có được niêu cơm Thạch Sanh để... dạ dày cứ đến lúc đói lại thì niêu cơm lại đầy.

- Thôi thôi em hiểu rồi - con bé cười phá lên - Mô típ cổ tích, thần thoại của nhiều nước trên thế giới thường na ná giống nhau: “ở hiền gặp lành, cái thiện thắng cái ác, chính nghĩa thắng gian tà”... Còn riêng trong hai chuyện cổ tích Thánh Gióng và Thạch Sanh thì bản sắc dân tộc Việt Nam ta hiện ra rõ nét nhất – mọi hành động của chúng ta đều do cái cái đói sai khiến. Cái đói có quyền lực vô biên. Không có nó thì phải tạo ra nó để giữ quyền lực. Trên thế giới không nơi nào có được cái nét độc đáo như thế... Độc nhất vô nhị. Muốn sai khiến con người trước hết phải làm cho nó đói dài ra cái đã.

- Do đói mà chúng ta mất đi sự suy nghĩ. - chị Hường gật gù - Được một bữa no vội cảm ơn kẻ bỏ đói mình dài dài.

Con bé lúc lắc cái đầu, vẻ ưu tư:

- Có lý. Chị đã nghe mấy câu này chưa?

 Con đường hàng tỉnh tôi đi

 Hai mươi năm ấy có gì đổi thay

 ... “Ông lão đánh trâu đi bừa

 Là con ông lão ngày xưa... đi cày”

... Ước chi chúng mình chỉ là con thôi, chứ không phải là cháu, chắt, chút chít, chụt chịt… của ông lão ấy, chị nhỉ? Cuộc sống mà cứ lặp đi lặp lại như thế mãi sao có thể gọi là cuộc sống?

Chị Hường chống gối đứng dậy

- Chị vẫn tiếp tục lặp lại tính dân tộc của ông bà tổ tiên xưa đây: hôm nay ăn rau muống nấu với khoai lang trừ bữa. Ăn với chị nhá?

- Thế chị tưởng em vẫn chưa biết tính dân tộc là gì à? - con bé trợn mắt.

- Chị chỉ hỏi vậy thôi... Hỏi cho vui ấy mà.

Trong bữa cơm cái Hoà bấm mấy đốt ngón tay:

- Lương lậu của em thế nào, chị biết rồi, em còn kém chị hai bậc, vậy mà bốn tháng liền nhà trường trả em toàn bằng gạch mộc, bằng bát, bằng cả xi măng với phân đạm. Em đem đổi chợ đen, tháng đầu 1kg đạm còn đổi được 1,5 - 2 kg gạo, sau phân đạm và bát sứ tràn ngập thị trường, chỉ còn được một nửa. Ai dại gì nhịn ăn để lấy đạm vãi cho mùa sau, bát sứ đầy nhà mà cơm không có?...

Bà chị an ủi cô em mắt đỏ hoe:

- Thôi thì chịu vậy, em ơi! “Sắn khoai, rau, cũng nuôi nổi con người” em ạ. Chúng mình đang làm cách mạng mà.

- Thế hả chị?

- Ừ. Rồi sẽ tới với chúng ta một ngày mai tươi sáng.

 Thị trấn Bưng - Mùa giáp hạt

8/1987

 Trần Khải Thanh Thủy


[1] Nhại “Sổ tay giáo viên nhân dân” (tên một tờ báo). 

[2] Nhại “Có những con người do chân lý sinh ra… “ (thơ Tố Hữu)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn