BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Bolsa và khách lỡ đường

14 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 812)
Người Bolsa và khách lỡ đường
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
WESTMINSTER (NV) - Cổng thương xá Phước Lộc Thọ sớm Thứ Bảy cuối tuần này vẫn đông đúc như bao Thứ Bảy khác.

Nhiều người đàn ông ngồi quanh các băng ghế trước cổng Phước Lộc Thọ rôm rả câu chuyện bốn biển năm châu bên ly cà phê, bên tờ nhật báo.

Nhiều người dân địa phương, nhiều khách thập phương qua lại, ra vào thương xá mua sắm, chụp hình.









 

Lẫn trong những hình ảnh và âm thanh đời thường đó, là một người đàn ông trên dưới 40 ngồi lặng lẽ trên thanh gỗ phía trước cổng thương xá, cạnh bên là vài chiếc va ly hành lý cũ kỹ. Nét mặt người đàn ông pha trộn sự bồn chồn, mệt mỏi, lẫn âu lo. Trông như ông đang chờ đợi một điều gì.

Một người phụ nữ ngoài 60, mang dáng vẻ của người phụ nữ Nam bộ mộc mạc, chân chất, cắm cúi đi hướng vào bên trong khu thương xá nổi tiếng của người Việt. Bước ngang qua mặt người đàn ông, người phụ nữ nhẹ nhàng nhắc, “Ngó chừng đồ đạc cẩn thận, chú ơi!”

Người đàn ông gật đầu cám ơn.

* * *


Người phụ nữ tiếp tục đi.

Lát sau, người phụ nữ từ trong chợ đi ra, tay cầm túi đựng những hộp đồ ăn food-to-go.

Người đàn ông đang ngồi cùng đống hành lý trông thấy người phụ nữ đã “nhắc nhở” mình lúc nãy, ngập ngừng hỏi, “Dì ơi, làm ơn cho con hỏi, ở đây có chỗ nào bán thẻ điện thoại gọi về Việt Nam không? Con ở xa mới tới đây nên không biết chỗ.”

Hỏi chuyện qua lại, người đàn ông nói cho người phụ nữ biết anh từ Việt Nam mới sang được 3 tháng, ở Boston. Anh đến Little Saigon tìm việc làm chăm sóc cho một người bị liệt, mỗi tháng được trả $1,200 và bao ăn ở.

Tuy nhiên, mới làm được 8 ngày thì sáng nay anh bị chủ nhà đuổi vì “nói anh không biết làm.” Giờ anh ra đây ngồi và tìm cách gọi điện cho người quen, “nghe nói ở gần đây,” để họ đến đưa anh về ở đỡ rồi “từ từ tính tiếp.”

Nghe chuyện, người phụ nữ lấy điện thoại của bà đưa cho người đàn ông, “Nè, chú lấy điện thoại của tui gọi đi.”

Người đàn ông mừng rỡ, lấy quyển sổ tay có ghi số điện thoại, vừa bấm số, vừa nói, “Con cám ơn dì nhiều lắm. Dì tên gì vậy?”

“Tui tên Phúc. Chú gọi nói cho họ biết là chú đang ở Phước Lộc Thọ để họ biết chỗ đón.” Bà Phúc trả lời. “À, chú tên gì vậy?”

“Dạ, con tên Hưng,” người đàn ông 40 nói trong lúc chờ phía bên kia bắt máy.

Một người đàn ông khác, đội nón, đeo kính râm, đang ngồi uống cà phê gần đó bước đến. Qua giới thiệu thì đó là cháu của bà Phúc.

Bà Phúc kể nhanh chuyện anh Hưng cho người cháu nghe, xong lại hướng về anh Hưng, “Chú hỏi địa chỉ đi rồi nhờ anh này chở về cho.” Người cháu bà Phúc cũng gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

Sau một vài lần bấm số, anh Hưng cũng nói chuyện được với người quen. Anh Hưng chuyển điện thoại sang cho người cháu bà Phúc, “Anh làm ơn nghe để người cô tôi chỉ đường giùm.”

Cháu bà Phúc sốt sắng trả lời phone, “OK, cho địa chỉ và chỉ đường đi, tôi chở anh này về giùm cho.”

Phía bên kia đọc địa chỉ, và chỉ đường đi. Nghe một hồi, người đàn ông đội nón kêu lên, “Ô, xa lắm, từ đây lên đó tới 5, 6 tiếng lận!”

Người quen của anh Hưng nhắc đi nhắc lại “ở đây xa lắm, đi 5, 6 tiếng lận,” rồi tắt máy. Cháu bà Phúc thử bấm số gọi lại nhưng phía bên kia không có người trả lời nữa.

Gương mặt người đàn ông tên Hưng lộ vẻ hoang mang.

Bà Phúc và người cháu dường như cũng áy náy cho tình cảnh của anh.

Tìm hiểu tiếp thì biết anh Hưng qua đây theo diện du lịch. Sẵn được sang Mỹ, anh Hưng muốn ở lại tìm công việc làm kiếm thêm ít tiền, “làm gì cũng được, đâu có nề hà gì đâu.” Công việc của anh Phúc là chăm sóc cho con trai của một bà cụ ngoài 80 tuổi. Người con trai này “bị liệt.” Tuy nhiên, “bà cụ khó quá, làm gì bà cũng không vừa ý.” Sau 8 ngày làm việc, sáng nay là ngày thứ 9, bà cụ đuổi việc anh và trả cho anh tiền công trong những ngày làm vừa qua là $40.

“Sao con làm 8 ngày mà bác trả con có $40 vậy?” Anh Phúc hỏi, và nhận được câu trả lời là “vì cậu làm không được việc.”

Không người thân thích, lạ nước lạ cái, anh Phúc chỉ còn biết kéo hết hành lý ra ngồi ở Phước Lộc Thọ và chờ gọi cho người bà con mong họ đến đón về cho tá túc đỡ trong khi tìm công việc khác.

Như một nét văn hóa của người Việt, thấy có chuyện lao xao, nhiều người bước tới nghe.

Người im lặng lắng nghe. Người bực bội lên tiếng, “Sao kỳ cục vậy! Không mướn nữa cũng phải trả đủ tiền cho người ta chứ!” Người lại đề nghị xem có cách nào giúp đỡ người đồng hương đang gặp khó khăn không.

Bà Phúc không biết đi từ lúc nào giờ trở lại với ổ bánh mì và ly cà phê sữa trên tay.

Bà đưa thức ăn cho anh Hưng, dặn dò, “Chú ăn bánh mì và uống cà phê đi. Ngồi đây đi, coi chừng đồ đạc cẩn thận. Rồi xem coi có ai có cách gì giúp không, chứ nhà bà con chú xa quá tụi tui không chạy tới được.”

Dường như đói, anh Phúc cắn ổ bánh mì không ăn một cách ngon lành.

Một người đàn ông đứng gần, nghe chuyện, lên tiếng, “Đi hỏi xem có tiệm ăn nào quanh đây cần người không, lương ít ít cũng được, nhưng người ta cho ăn, rồi kiếm đỡ chỗ nào nghỉ tạm cũng được.”

Bằng giọng người quê mộc mạc, bà Phúc nói, “Thiệt tình nghe tội nghiệp quá tui cũng muốn cho chú về nhà tui ở đỡ. Nhưng tui cũng chỉ shared phòng của người ta, giờ đưa thêm người về sợ họ không đồng ý.”

Câu chuyện râm ran.

Một người phụ nữ khác, tên H.N., đi ngang nghe chuyện, nói, “Thôi thì nhà tôi cho ‘shared’. Tôi cho anh về ở đỡ không lấy tiền, cho anh ăn cơm nước. Chờ khi nào anh tìm được việc rồi tính.”

Anh Hưng nhìn những người không thân thuộc bằng đôi mắt biết ơn.

Một người đàn ông gầy gầy, ngoài 60, từ chỗ những người uống cà phê đi nhanh tới, dúi vào tay anh Hưng tờ $10, nói nhỏ, “Cầm lấy.” Rồi ông quày quả bỏ đi, không cần nghe một lời “cám ơn.”

Thêm vài người nữa, cũng móc vội ít tiền cho “người lỡ đường.”

* * *


Cổng Phước Lộc Thọ vẫn tấp nập người qua lại, ra vô trong buổi sáng cuối tuần nắng chói chang.

Câu chuyện người đồng hương Việt Nam chân ướt chân ráo đến Mỹ gặp cảnh trớ trêu sẽ như bao câu chuyện khác nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Còn lại chăng, có lẽ là những tình cảm giản dị, chân thật, không màu mè của người bình dân quanh Litte Saigon này đối với người gặp lúc khó khăn, đã trở thành một điều gì đó rất riêng, và rất đẹp.

Ngọc Lan/Người Việt

13-11-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn