BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đài BBC phỏng vấn Phương Nam - Đỗ Nam Hải

12 Tháng Tám 200512:00 SA(Xem: 868)
Đài BBC phỏng vấn Phương Nam - Đỗ Nam Hải
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong không khí lễ hội ở Việt Nam kỷ niệm 60 năm Quốc Khánh 2/9. Người ta thấy xuất hiện một bài viết của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong đó, ông nói rằng tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều. Trong bài viết đăng trên các báo lớn ở Việt Nam, ông Kiệt đề cao nguồn lực lớn nhất của mọi quốc gia chính là con người, và nguồn lực ấy cần phải được huy động mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc thực hiện đúng đắn chính sách đại đoàn kết dân tộc.Trước phát biểu như vậy, phóng viên Quốc Vinh, Ban Việt ngữ Đài BBC , London đặt câu hỏi: “ Anh có nhận xét gì về bài viết đó?”.
Anh Đỗ Nam Hải - Kỹ sư kinh tế ngân hàng hiện sống ở Sài Gòn, và được cho là một trong những người đang tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, đã trả lời như sau:

Đỗ Nam Hải: Vâng, xin kính chào anh Quốc Vinh, xin kính chào quý thính giả của đài BBC – London. Về câu hỏi của anh, trước hết tôi xin tóm tắt lại một vài ý chính:

Trong bài phát biểu mang tiêu đề: "Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta", đăng trên báo Tuổi Trẻ trong nước ngày 29/08/2005, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có bày tỏ những quan điểm của mình về vấn đề “Đại đoàn kết dân tộc”. Ông đã điểm lại nó với những cột mốc lịch sử lớn của đất nước:

1) Trong Cách mạng tháng 8/1945: “ … Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người Việt Nam đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình…”.

2) Sau năm 1954: "… Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều. Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sỹ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi là bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế…"

3) Sau ngày 30/04/1975: "… Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy,…Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần,… đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi…”

Cuối cùng ông kết luận:

“… Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công trên quảng trường Ba Đình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu…, mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Đình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người Việt Nam chúng ta.”

Theo nhận xét của tôi thì trong bài phát biểu trên của ông Võ Văn Kiệt có 1 điểm rõ nét và 1 điểm còn khiếm khuyết, mờ nhạt.

Điểm rõ nét là:

Khác với những nhận xét thường là mang tính lạc quan tếu của nhiều nhà lãnh đạo trong Đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay, để tự đánh lừa mình và đánh lừa nhân dân, thì ông Kiệt đã dám mạnh mẽ thừa nhận rằng: vấn đề “Đại đoàn kết dân tộc” hôm nay là đã kém hẳn so với 60 năm trước. Và ông mong muốn rằng dân tộc hãy tìm lại tinh thần Đại đoàn kết của Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02/09/1945. Vì theo ông, nếu con người mà không quy tụ được thì mọi nguồn lực khác cũng sẽ rơi rụng.

Còn điểm khiếm khuyết, mờ nhạt trong bài phát biểu của ông chính là việc ông phân tích những nguyên nhân đã dẫn tới việc vì sao mà tinh thần Đại đoàn kết của dân tộc ta hôm nay lại kém ngày xưa đến như vậy. Thực ra thì ông cũng có nêu nó lên, song theo tôi nêu như vậy là không đủ, nếu như không muốn nói là né tránh thực chất của vấn đề. Ông cho rằng, đó là do những nguyên nhân như: “… tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều. Bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy, bởi phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần,…”

Thế nhưng, điều quan trọng là những nguyên nhân sâu sa nào đã dẫn tới những căn bệnh trên thì ông lại không chỉ ra được. Mà nào phải chúng mới chỉ xuất hiện trong một vài năm hay một vài nhiệm kỳ của đại hội ĐCSVN đâu. Ngược lại, nó đã bị kéo dài lê thê trong suốt 60 năm qua, với 9 nhiệm kỳ đại hội (còn nếu tính từ năm 1954 trở lại đây thì cũng mất đến hơn nửa thế kỷ, với 7 kỳ đại hội Đảng), và càng ngày thì những căn bệnh trên lại càng trở nên trầm trọng hơn. Những căn bệnh đó ở các nước dân chủ, đa đảng khác có không? Tất nhiên là vẫn có. Thế nhưng, theo tôi điều khác hẳn về chất giữa hai chế độ chính trị là: nếu chúng xảy ra ở các nước dân chủ thì sẽ sớm bị phát hiện bởi các lực lượng chính trị đối lập khác; bởi nền báo chí tự do, ngôn luận tự do, … và cuối cùng là lá phiếu của cử tri sẽ có sức mạnh thực sự để hất anh ra khỏi chính trường. Dứt khóat, nó không cho phép anh miệt mài làm đạo đức gỉa với nhân dân lâu như vậy.

Và tôi cũng không tin là muốn phục hồi tinh thần Đại đoàn kết dân tộc thì cứ làm theo cách: Giữ gìn và thực hiện theo đúng tư tưởng của Hồ Chí Minh là được (nếu như ông thực sự có một cái gì đó gọi là tư tưởng, theo đúng ý nghĩa vốn có của từ này). Bởi vì, ngay cả khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống thì những sai lầm của các chiến dịch như: Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp chủ quan, nóng vội, duy ý chí; của các vụ án Nhân văn – Giai phẩm, Xét lại - Chống Đảng,… ở miền Bắc, làm phân hóa nặng nề khối đòan kết toàn dân, cũng như trong nội bộ ĐCSVN là vẫn cứ diễn ra cơ mà. (giai đọan 1954 – 1969)

Chúng ta cũng nên nhắc lại lịch sử một chút: thời kỳ ngay sau Cách mạng tháng 08/1945 là thời kỳ khi mà chính quyền cách mạng còn rất non trẻ. Nếu như không kêu gọi và thực hiện được khối Đại đoàn kết toàn dân thì chắc chắn chính quyền cách mạng, đứng đầu là ông Hồ Chí Minh sẽ bị tiêu diệt ngay từ trong trứng nước, (động lực chính làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng 08/1945 là vấn đề Độc lập dân tộc, chứ không phải là vấn đề Chủ nghĩa Xã hội.) Thế nhưng, chỉ cần sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thôi; khi mà nền chuyên chính vô sản đã được thiết lập rồi, thì ở miền Bắc đã có biết bao nhiêu người là nạn nhân của việc “can tội” yêu nước nhưng lại không chịu yêu chủ nghĩa xã hội! Đau đớn hơn nữa là có rất nhiều người trong số họ lại từng có công rất lớn trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945 – 1954).

Nêu lên những vấn đề trên, tôi hòan tòan không có ý muốn khơi lại những nỗi đau của dân tộc. Mà chỉ muốn chuyển đến quý thính giả nghe đài một thông điệp rằng: Hễ chừng nào còn chế độ độc đảng trên đất nước ta, thì chừng đó những sai lầm của giai cấp cầm quyền trong ĐCSVN sẽ không bao giờ được đem ra mổ xẻ một cách nghiêm túc và triệt để cả. Nguyên nhân là do trên chính trường không hề có các chính đảng khác làm đối trọng chính trị. Một khi mà việc đi tìm nguyên nhân không triệt để, thì tất nhiên những giải pháp nếu có nêu ra cũng sẽ không thể triệt để theo và đất nước vẫn không có lối ra.

BBC: Vâng, theo những gì anh đã nói thì cần khép lại quá khứ. Vậy theo ý kiến của anh, thì hướng giải quyết vấn đề là gì?

Đỗ Nam Hải: Theo tôi, vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới sự đói nghèo, tụt hậu, tham nhũng, bất công, … hôm nay (hay như các cụ lão thành cách mạng ở Hà Nội đã tổng kết vào tháng 06/2005 thành 2 mối quốc nhục và 5 mối quốc nạn của đất nước), chính là bởi vì trên chính trường Việt Nam không hề có sự cạnh tranh. Nghĩa là chỉ có duy nhất ĐCSVN lãnh đạo đất nước. Giả sử rằng ban đầu có thể họ là những người có lý tưởng cao đẹp, đấu tranh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhưng chính vì không có sự cạnh tranh nên nó sẽ bị chuyển hóa thành độc quyền, độc tài, phản dân chủ, phản dân tộc và sớm muộn gì cũng dẫn đến sự hư hỏng của toàn bộ hệ thống chính trị đó.

Cái gọi là “cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng” không bao giờ có đủ sức mạnh để đẩy lùi được những sai lầm của ĐCSVN. Thực tiễn Việt Nam trong suốt 60 năm qua là bằng chứng hùng hồn chứng minh cho nhận định này. Vì vậy, dân tộc ta phải cùng chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để tìm ra cách làm tốt nhất, nhằm chuyển hóa một cách hòa bình từ chế độ chính trị nhất nguyên, độc đảng hiện nay, sang chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng và pháp trị trong tương lai. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có cơ hội và khả năng để giải quyết được tốt bài toán Đại đoàn kết toàn dân.

BBC: Anh được mời đến dự buổi tiếp tân tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm lần thứ 229 - Quốc khánh Hoa Kỳ (4/7/1776 – 4/7/2005) và kỷ niệm 10 năm hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao…Anh cũng gặp các viên chức của Tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn và những khách mời Việt Nam được gọi là những người vận động cho tự do dân chủ, tự do tôn giáo. Vậy họ có chia sẻ những suy nghĩ anh vừa trình bày hay không?

Đỗ Nam Hải: Hôm đó tôi có phát biểu rằng: chúng tôi rất cảm ơn Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã mời chúng tôi tới dự buổi lễ này. Chúng tôi luôn xác định rằng: cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Việt Nam hôm nay phải do nhân dân Việt Nam chủ động làm là chính. Tuy vậy, chúng tôi cũng rất cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và có hiệu qủa của chính phủ và nhân dân các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Đức và nhiều nước khác đã nhiệt tình ủng hộ chúng tôi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Phương pháp đấu tranh của chúng tôi là: công khai, bất bạo động và hợp pháp. Và chúng tôi cũng luôn ý thức rằng: để thực hiện thành công nó thì phải có quá trình, không thể nóng vội được. Những người mà tôi có dịp nói chuyện trong cuộc gặp đó đều hoàn toàn chia sẻ những quan điểm này.

Cuối cùng, xin kính chúc quý thính giả của đài BBC luôn mạnh khỏe. Chúc sự nghiệp đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Tổ quốc Việt Nam sớm đi tới thành công!

(Tháng 8/2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn