BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73444)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đơn khiếu nại của Luật Sư Nguyễn văn Đài, Luật Sư Lê thị Công Nhân, Ông Lê Duy Phương

22 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 924)
Đơn khiếu nại của Luật Sư Nguyễn văn Đài, Luật Sư Lê thị Công Nhân, Ông Lê Duy Phương
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


--------


ĐƠN KHIẾU NẠI


Kính gửi: Bộ Công An

Chúng tôi, những người đứng tên dưới đây:

Ông Nguyễn Văn Đài

Sinh ngày: 1969, nghề nghiệp: Luật sư

Địa chỉ: P302, Z8 Bách Khoa, Hà Nội.

Bà Lê Thị Công Nhân

Sinh năm: 1979, nghề nghiệp: Luật sư

Địa chỉ: p316 A7 TTVPCP, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

Ông Lương Duy Phương

Sinh năm: 1980, nghề nghiệp: phiên dịch

Địa chỉ: Số 29 tổ 8 phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cùng viết đơn này khiếu nại Bộ Công an về việc k cho chúng tôi xuất cảnh. Sự việc cụ thể như sau:

Ông Nguyễn Văn Đài bị không cho xuất cảnh các lần:

Lần 1: Ngày 23 tháng 9 năm 2006 trên đường sang Băng Cốc, Thái Lan, bị tạm dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài;

Lần 2: Ngày 25 tháng 10 năm 2006 trên đường đi New Delhi, Ấn Độ, bị tạm dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài.

Ngoài ra, ngày 10-11-2006, ông Nguyễn Văn Đài còn bị công an chặn tại sân bay Nội Bài không cho đi vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, mà không hề có bất kỳ lý do hợp pháp nào từ phía công an.

Bà Lê thị Công Nhân: bị không cho xuất cảnh các lần

Lần 1: 11h20p tối ngày 26.10.2006 bị không cho xuất cảnh đi Balan dự hội nghị về Quyền lao động. Bà Công Nhân đã bị công an cửa khẩu Nội Bài chặn lại sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục về hải quan và an ninh tại sân bay (5 thủ tục), thậm chí cuống của Boarding Card đã được xé.

Lần 2: 9h ngày 26.12.2006 bị không cho xuất cảnh trên đường đi sang Băng Cốc, Thái Lan.

Ngoài ra, bà Lê Thị Công Nhân: 6h chiều ngày 22.11.2006 bị công an A42 (làm theo lệnh Bộ Công an) chặn lại ngay tại nhà không cho đi vào Quảng Bình để thực hiện công việc bào chữa cho thân chủ trong một vụ án Ma túy, và tiếp tục bị công an theo dõi ngăn chặn trong những ngày sau đó cho đến tận khi phiên tòa kết thúc. Sau khi phiên tòa kết thúc thì công an A42 tuyên bố với bà Lê Thị Công Nhân là : “Cấm vô thời hạn Lê Thị Công Nhân ra khỏi Hà Nội.” mà không cần có bất kỳ lý do nào.

Ông Lương Duy Phương bị chặn không cho xuất cảnh các lần:

Lần 1: Ngày 2 tháng 8 năm 2006 trên đường sang Băng Cốc, bị tạm dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài;

Lần 2: Ngày 25 tháng 10 năm 2006, trên đường sang New Delhi, Ấn Độ, bị tạm dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài.

Tất cả giấy tờ mà công an cửa khẩu Nội Bài đưa ra cho chúng tôi là một (cho mỗi lần bị công an chặn) tờ giấy A4 có tiêu đề là “ Biên bản dừng xuất cảnh”, trong đó ghi lý do dừng là “Theo đề nghị của Tổng cục An ninh – Bộ Công an”. Theo đúng quy định của pháp luật Hành chính trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước đại diện cho công quyền, thì cơ quan đó có nghĩa vụ phải tống đạt văn bản cho đương sự bị áp dụng quyết định hành chính đó. Do vậy, chúng tôi đã yêu cầu được có văn bản đề nghị/lệnh đó của Bộ Công An thì được trả lời là “Không có, chỉ có lệnh mồm”.

Chúng tôi kịch liệt phản đối và lên án mạnh mẽ việc làm này của công an. Việc ngăn chặn trái pháp luật chúng tôi xuất cảnh này của công an đã xâm hại nghiêm trọng quyền tự đo đi lại của công dân, vi phạm pháp luật Việt Nam về cả hình thức và nội dung, và cũng vi phạm pháp luật quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Việc làm này đã làm tổn hại nghiêm trọng tới pháp chế của Việt Nam và mất lòng tin của người dân vào bộ máy “Công an nhân dân”. Việc ngăn chặn bất hợp pháp này của công an còn gây ảnh hướng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm và thiệt hại tài chính của chúng tôi

Theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, xét thấy chúng tôi đều khiếu kiện cùng về một loại sự việc và nội dung, nên chúng tôi cùng viết đơn này khiếu nại yêu cầu Bộ Công an giải quyết sự việc trên một cách đúng đắn và trong thời hạn luật định.

Căn cứ:

- Điều 31 Luật khiếu nại tố cáo của Việt Nam hiện hành: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Điều 14 Nghị định 05.2000 CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: công dân Việt Nam chưa được phép xuất cảnh thuộc một trong những trường hợp sau đây: người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang có trách nhiệm thi hành án hình sự hoặc đang bị cơ quan điều tra yêu cầu chưa cho xuất cảnh hoặc chưa cấp hộ chiếu để phục vụ công tác điều tra.

- Điều 68 Hiến pháp Việt Nam hiện hành: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.

- Điều 146 Hiến pháp Việt Nam hiện hành: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản khác phải phù hợp với hiến pháp.

- Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam hiện hành: khoản 1:Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Khỏan 2:Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề. Khỏan 3: Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.

- Điều 2 Tuyên bố toàn thế giới về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản Tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ sự phân biệt nào về địa vị chính trị, pháp quyền hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà một người xuất thân, cho dù quốc gia hay lãnh thổ đó được độc lập, được đặt dưới chế độ ủy trị, chưa tự quản hay có chủ quyền hạn chế.

- Điều 13 Tuyên bố toàn thế giới về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948: Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.

- Điều 29 Tuyên bố toàn thế giới về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948: Khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung của một xã hội dân chủ.

- Điều 30 Tuyên bố toàn thế giới về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong bản tuyên ngôn này.

- Điều 2 Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp quốc năm 1966: các quốc gia hội viên ký kết Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất kỳ thân trạng nào khác. Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công ước để các quyền này có hiệu lực.

- Điều 12 Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp quốc năm 1966: Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ. Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình. Những quyền tự do này không thể bị giới hạn, ngoại trừ trường hợp luật định vì nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do của người khác, và nếu không trái với những quyền tự do khác được thừa nhận trong Công ước này.

Chúng tôi là những công dân có lý lịch hoàn toàn trong sạch. Chúng tôi là những người bất đồng chính kiến và đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Với tất cả trách nhiệm, lương tâm và sự hy sinh, chúng tôi dùng biện pháp công khai, ôn hòa bất bạo động nói lên quan điểm, chính kiến của mình và đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Chúng tôi không phải là tội phạm hay khủng bố, do vậy, việc làm này của công an Việt Nam là hành động đàn áp, trù dập những người bất đồng chính kiến. Trong khi, lẽ ra hơn ai hết, công an Việt Nam phải bảo vệ chúng tôi và ủng hộ việc làm của chúng tôi, thì mới đúng và xứng đáng với tên gọi là Công an Nhân dân. Do vậy, công an không thể lấy lý do là phục vụ cho công tác điều tra tội phạm để ngăn chặn quyền tự do đi lại của chúng tôi, trong khi mọi họat động của chúng tôi đều là công khai và bất bạo động.

Việc ngăn chặn quyền tự do đi lại của chúng tôi trong suốt thời gian dài vừa qua mà không hề có bất kỳ một văn bản giấy tờ nào ngoài mấy tờ Biên bản dừng xuất cảnh do công an cửa khẩu lập và với rất nhiều những “lệnh mồm”, là điều không thể chấp nhận được vì đã vi phạm nghiêm trọng tới hình thức thực thi pháp luật của cơ quan / cá nhân người được trao công quyền đại diện cho nhà nước của nhân dân.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Bộ Công an giải quyết các nội dung sau:

  1. Chấm dứt ngay việc ngăn chặn bất hợp pháp chúng tôi xuất cảnh cũng như đối với việc ngăn chặn chúng tôi đi lại tự do trên lãnh thổ Việt Nam.

  2. Bồi thường thiệt hại tài chính cho chúng tôi do việc ngăn chặn này trực tiếp gây ra, như: thiệt hại do việc phải trả lại vé máy bay, tiền làm visa, tiền taxi đi đến và về từ sân bay, tiền vé tàu hỏa ..v.v.. sẽ được tính toán chi tiết cho từng trường hợp cụ thể trong quá trình giải quyết khiếu nại.

  3. Bảo vệ quyền của chúng tôi đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và luật quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.


Chúng tôi cam kết những thông tin cung cấp là đúng sự thật và gửi kèm theo đây bản sao các “Biên bản dừng xuất cảnh”.

Kính đơn,

Hà Nội, ngày 22.01.2007

Ký tên

Nguyễn Văn Đài

Lê Thị Công Nhân

Lương Duy Phương
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn