- Xa mặt cách lòng.
Thành ngữ VN
Khi xem phim “Saving Private Ryan”, thỉnh thoảng, mấy đứa bé lại quay sang “tham khảo” với tôi về tên các loại vũ khí của “bên mình” và “bên nó”. “Nó” đây là lực luợng quân đội Đức (đang chiếm đóng nước Pháp) và “mình” là một tiểu đội lính Mỹ, được lệnh phải đi tìm một binh sĩ - có tên là James Ryan - đang bị kẹt trong lòng địch.
Vì ba người anh của James Ryan cũng đều tham chiến, và đã cùng lượt hy sinh nên đồng đội buộc phải đi tìm cho được kẻ sống sót còn lại, đểø mang cậu út về “trả lại” cho bà mẹ - trước khi quá muộn. Cuốn phim dài 2 giờ 46 phút, do Steven Spielberg làm đạo diễn, Tom Hanks là tài tử chính, và nghe đâu đã được đề nghị (tới) một tỉ giải Oscar mà sao tôi coi không “đã” mấy. Tôi cứ bị lọng cọng và lấn cấn về chuyện “phe mình” và “phe nó”.
Dù khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, tôi chưa ra đời nhưng tôi vẫn sẵn sàng “đứng” về phe Đồng Minh để chống lại phe Trục. Tôi cũng hoàn toàn tán đồng với quyết định của quân đội Hoa Kỳ, về chuyện phải giải cứu binh nhì James Ryan - bằng mọi giá.
Tuy thế, tôi e rằng mình không được phép nhận (đại) những quân nhân Mỹ thuộc … “phe mình” - một cách tự nhiên và hồn nhiên - như lũ con tôi. Tôi không sinh ra và lớn lên ở California như chúng nó. Tôi chỉ là một người tị nạn, một di dân. Tôi đến từ Việt Nam, I came from VietNam, nếu nói theo kiểu Mỹ. Và rất nhiều đêm, gần như là hàng đêm, tôi vẫn cứ lần mò trở về nơi chốn cũ.
Tôi vẫn cứ hân hoan và hăm hở đến trường, từ lúc sáng tinh mơ, dù không mấy khi vào lớp. Chúng tôi chỉ tụï tập ở ngoài sân để tính chuyện đi câu cá, đi bắn chim, hay đi ăn cắp mận (nếu vào mùa mận chin) rồi ra Bờ Hồ tắm cho đến giờ … tan học!
Về nhà, tôi chơi tạt lon. Cơm tối xong thì chúng tôi chơi năm mười, chơi rượt bắt cú tù hoặc cả đám rù nhau đi bắt dế, cho đến mãi khuya.
Khi thì “tôi đi giữa hoàng hôn, khi nắng còn vương” để nhìn “chiều rơi trên đường vắng” và để thấy “có tôi rơi giữa chiều”. Mà Đà Lạt của tôi thì có rất nhiều những con đường vắng. Cứ thế, tôi mải mê thơ thẩn đi hết con đường tĩnh lặng này, đến con đường êm ả khác trong suốt quãng đời niên thiếu và hoa mộng của mình.
Khi thì tôi trở về thăm rừng núi cũ, đứng bơ vơ giữa trăng rừng hoang vu. Có lúc tôi về thăm lại căn nhà biệt giam của trại cải tạo Tân Rai, ở ngoại ô tỉnh Lâm Đồng, giữa những trưa nóng hầm hập. Tôi nằm trơ trọi một mình, chân ở trong cùm, nguời hâm hấp sốt.
Cũng có lúc tôi trở về Rạch Giá, đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, và chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn còn lại - nếu như bên cạnh không có một đứa bé hay một cụ già, cũng đang “rình” phần cơm thừa hay canh cặn ấy.
Tôi không tin là đất nước Hoa Kỳ hãnh diện và vui vẻ chấp nhận một công dân “part - time” (cứ ngày ở/ đêm về) và thuờng trực sống trong trạng thái mộng mị như thế. Tôi chưa bao giờ thực sự sống hết lòng mình, ở phần đất mới nên không khỏi cảm thấy ngại ngần - khi cùng với lũ con thơ - nhận rằng những người lính Mỹ trong Thế Chiến Thứ Hai (cũng) thuộc … phe mình.
Rồi chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Irak xẩy ra. Quân đội Mỹ vừa chiếm xong Baghdad thì ngay ngày hôm sau người ở kế bên hớn hở mang sang một phần thịt quay và mấy gắp bánh hỏi, “để anh Tư nhậu sương sương vài ly”. Tuy chúng tôi đều là người Việt và là láng giềng hàng xóm với nhau (đã nhiều năm) nhưng quà cáp, biếu xén như thế là một chuyện rất bất thường - ở Mỹ.
-
Ý Trời, vụ gì đây cô Sáu? Bộ mới trúng lô tô hả?
- Đâu có, bữa trước em vái ông Địa cho tụi nó thua lẹ lẹ, chớ thấy lính mình qua bên đó nóng bức và nắng nôi tội nghiệp quá sức - anh à! Bữa nay nó thua thiệt nên em cúng tạ vậy thôi mà.
“Nó” đây là lính Iraq và “mình” đây (tất nhiên) là quân đội Hoa Kỳ. Rồi cô Sáu say mê kể lại chuyện lính Mỹ đã phải liều mạng ra sao trong chuyện giải cứu tù binh và cứu được môt cô binh nhì tên Jessica Lynch nào đó. Nghe cũng hào hùng và cảm động y như chuyện … phim “Saving Private Ryan” vậy.
Cô Sáu không phải là người duy nhất đã tỏ lộ sự quan tâm và cảm mến của mình đối với những quân nhân Mỹ đã tham dự vào cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Irak. Ở thành phố San Jose, California, người Việt tị nạn đã chuyển tới Hội Hồng Thập Tự gần 30, 000 đô la ủng hộ cho tiền tuyến.“Người cho 1 đồng, người cho 5, 10 đồng có người đến 2,000. Chúng tôi đi từng cơ sở thương mại, từng tư gia để nhăc nhở trách nhiệm mọi người khi đất nước đang phải đối phó với chiến tranh” (Đức Hà.“Tấm Lòng Người Di Dân GốcViệt.” Viet Mercury, 11 Apr.2003:B1).
Còn ở miền Đông Hoa Kỳ, “… một phái đoàn phụ nữ người Mỹ gốc Việt dưới sự hướng dẫn của bà Nguyễn Thị Lễ đã tháp tùng Dân Biểu Bob Hull đại diện tiểu bang Virginia đến viếng Quân Y Viện Walter Reed tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để ủy lạo các thương binh trong trận chiến với Iraq… Phái đoàn trao tấm chi phiếu trị giá $8,010.00 …, đồng thời phái đoàn cũng trao gần 80 tấm thiệp chúc mau lành bệnh mà các em nhi đồng, thế hệ sau của người Mỹ gốc Việt, đã thiết kế và gửi đến cho từng thương binh. .. [“Phái Đoàn Phụ Nữ Việt Nam Thăm Viếng Uûy Lạo Thương Bệnh Binh Tại Y Viện Walter Reed,” Lê Thuỳ Lan tường trình từ Hoa Thịnh Đốn (http://www.geocities.com/hoangmaidat/press/0519thamvieng.html).
Những nghĩa cử cao qúi và hồn nhiên như thế của đồng bào mình ở khắp nơi khiến tôi bùi ngùi, cảm động. Tôi chợt nhiên cảm thấy xấu hổ vì lối suy nghĩ hẹp hòi của mình đối với phần đất mới - nơi đã bao dung để cho tôi và cả triệu người Việt khác nữa có một cuộc sống an bình.
Bữa đó, sẵn có thịt quay bánh hỏi, tôi nhậu cho tới khi xỉn luôn. Và cũng bữa đó, tôi quyết định cởi bỏ cái mặc cảm “công dân part - time” nơi quê hương mới. Kể từ nay, như mọi người khác, tôi cũng sẽ coi lính Mỹ thuộc “phe mình” luôn - cho nó khoẻ!
Chớ còn chờ gì nữa đây, đây Trời? Tôi dã sống ở Hoa Kỳ nửa cuộc đời rồi, đã nhâp tịch và tuyên thệ “sẵn sàng cầm súng bảo vệ tổ quốc khi cần” rồi. Hãy tưởng tượng ra một cô dâu, đã làm lễ cưới, đã tuyên bố “I Do” mà đêm tân hôn thì nằm quay mặt vào tường thút thích khóc và nhất định từ chối không chịu cởi quần… Đâu có ăn ở cư xử kỳ cục như vậy hoài được, phải không? Mà cái thứ di dân sồn sồn, thất cơ lỡ vận như tôi thì “danh giá” cái con mẹ (ruợt) gì mà còn bầy đặt làm cao (cho chúng ghét) chớ?
Nói giản dị theo kiểu thường dân là như thế. Nói cách khác, văn nghệ văn gừng hơn chút đỉnh, tôi xin mượn thơ của T.T.K.H. để diễn tả tâm trạng “khắc khoải” của mình - như sau:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời.
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi.
Và từng thu chết, từng thu chết.
Vẫn giữ trong tim một bóng người!
Hai mươi mấy thu qua, tôi đã giữ trong tim cả đống (bóng) người chứ đâu phải một. Dĩ vãng của tôi nặng nề quá khiến tôi đâm ra rất lề mề khi xoay trở với hiện tại, và thấy ái ngại (hết sức) khi nhìn về tương lai - nếu cái tương lai này không có đồng bào và đất nước (Việt Nam) “của mình” trong đó! Mà nghĩ cho cùng thì đó cũng chỉ là chuyện bầy đặt “ôm rơm (cho) nặng bụng” thôi. Xót thương xuông như thế, cho dù có quay quắt chăng nữa, để làm gì cơ chứ? Cố hương ơi, thôi vĩnh biệt!
***
“Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về!” Và nó về rất là không đúng lúc.
“Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một giòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ. Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc. Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con. Ông không còn chân tay. Hai chân bị cụt trên đầu gối. Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.”
“Trong hình có ghi tên ông. Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn. Năm sinh được ghi là 1952. Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối của ông là Trung Đoàn 49, Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Cấp bậc của của ông là Trung Sĩ Nhất. Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn. Ông không còn chân tay. Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay.”
“ Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay. Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông. Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân. Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa. Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.”
Người viết những giòng chữ mà bạn vừa đọc là ký giả Bùi Bảo Trúc. Ông không biết tại sao bức hình như thế đã đến tay mình, còn tôi, tôi không hiểu tại sao bức thư của ông viết ngày 24 tháng Giêng năm 2003 mà mãi đến bây giờ mới có người chuyển đến cho tôi.
Tôi không đọc hết bức “Thư Gửi Bạn Ta” lần này vì tôi không rời mắt được khỏi tấm hình của ông Thìn. Tôi cũng tuổi thìn, Nhâm Thìn, và cũng là một kẻ chiến bại trong cuộc chiến vừa rồi - ở Việt Nam. Sao ông ấy mất hết cả tứ chi và đui luôn một mắt mà tôi lại còn được nguyên vẹn cả hình hài như thế? Tự dưng sao tôi thấy chân tay của mình thừa thãi quá? Lẽ ra, ít nhất, tôi cũng phải mất bớt một cánh tay để chia sẻ với anh Thìn - để anh ấy có thể “đánh răng rửa mặt buổi sáng, ôm mấy đứa con, xoa đầu chúng, cầm tay chúng, hay thậm chí gãi một chỗ ngứa” chứ.
Hơn một phần tư thế kỷ qua, có phái đoàn nào ghé thăm ông Thìn không? Có tấm thiệp nào gửi đến số nhà 9/8 đường Bông Sao, ở phường 5, quận 8, Sài Gòn cho ông ấy không? Có ai “đi từng cơ sở thương mại, từng tư gia để nhắc nhở trách nhiệm của mọi người” đối với những phế binh còn ở lại quê nhà - như người ta đã làm để đền ơn đáp nghĩa đối với những chiến binh ở Irak - không?
Trước tình cảnh thảm thiết của ông Thìn thì mọi niềm đau và nỗi hận của những ông “chiến binh một đời lưu lạc” (không biết “còn lang thang xứ lạ đến bao giờ?”) có vẻ đều nhỏ bé và - xem chừng- hơi phù phiếm. Liệu trong những bài diễn văn sẽ được đọc nhân dịp Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm nay, ở rất nhiều thành phố trên thế giới, có dòng chữ nào nhắc đến những phế binh - như ông Nguyễn Văn Thìn - không nhỉ?
Trung Sĩ I Nguyễn Văn Thìn, rõ ràng, là lính “bên mình” mà. Còn “lỡ” đơn vị cuối cùng của ông ấy không phải là Sư Đoàn 25 mà là Sư Đoàn Sao Vàng hay Sao Đỏ gì đó thì sao? Trời, chớ bạn muốn làm sao? Bạn nhìn kỹ ông Thìn lần nữa đi. Người phế binh đui mắt, mất hết cả hai chân, lẫn hai tay như thế làm sao có thể móc túi lấy “thẻ căn cước quân nhân”, “chứng chỉ tại ngũ” hay “chứng minh thư nhân dân” để chứng minh là ông ta “thuộc diện” nào? Đồng đội hay đồng chí? Bên ta hay bên địch? Trong khi chờ đợi “bên an ninh xác minh lý lịch của đối tượng”, xin bạn (ráng) tạm thời coi ông ta (nếu không phải là một đồng bào) như một ngườiø đồng loại -được không? Chuyện này, đối với những người đang cầm giữ quyền bính ở Việt Nam thì chắc chắn là “không” rồi. Không lẽ chúng ta cũng giống y trang như tụi nó?
Tưởng Năng Tiến
(*) Tựa mượn từ một soạn phẩm chung của Nguyễn Văn Huy và Phan Văn Hiển về cuộc sống của những thương binh ở Việt Nam. Bài viết ngắn ngủi và vụng về này xin được trân trọng gửi đến tất cả những ai, từ nhiều năm qua, vẫn âm thầm và nhẫn nại làm những công việc từ thiện để trợ giúp những phế binh Việt Nam ở quê nhà - đặc biệt là qúi vị điều hành Hội Thiện Nguyện Cứu Trợ Thương Phế Binh Bị Lãng Quên Ở Việt Nam, có trụ sở đặt tại NSW, Australia.
Địa chỉ liên lạc của Hội Thiện Nguyện Cứu Trợ Thương Phế Binh Bị Lãng Quên Ở Việt Nam như sau: 42 Cardwell St – Canley Vale. NSW, Australia.
Điện thoại: (02) 9728 3640,
điện thư (02) 9726 5003
Ngoài ra chúng tôi cũng được biết thêm một số địa chỉ khác, của những hội đoàn khác đang có những hoạt động tích cực tương tự, xin được ghi lại nơi đây:
- Khối Thương Phế Binh LHCCS,
P.O. Box 5055 Springfield,
VA 22150, U.S.A.
- Hội Thương Phế Binh Việt Nam
183 Senter Road,
San Jose, CA 95111.
ĐT: (408) 365 1743
- Hội Giúp Đỡ Thương Phế Binh
C/O Bác Sĩ Phan Minh Hiển
215 avenue Pierre Brossolette
94170 Le Perreux Sur Marne, France.
ĐT: 00.33.1.43.24.47.64
Gửi ý kiến của bạn