BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73421)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện đêm giữa ban ngày

03 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1219)
Chuyện đêm giữa ban ngày
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Nhật ký rỗi hơi của Nguyễn Quang Minh


Chuyện thứ nhất dưới thiên đuờng của bác Mao.

Câu chuyện thứ nhất về một anh nông dân tên She Xianglin, huyện Jingshan, tỉnh Hồ Bắc, bên Trung Quốc. Năm 1994, anh ta bị kết án về tội giết vợ.

Biến

Vợ anh Xiangli bỗng dưng biến mất năm 1994. Ba tháng sau, người ta phát giác ra một tử thi nữ đã thối rữa gần làng. Gia đình bên vợ quả quyết đó là xác của Zhang Zaiyu, vợ của anh ta. Thế là nông dân She Xianglin vào tù và bị toà án nhân dân địa phương huyện kết án tử hình. Anh ta kháng án. Toà án nhân nhân tối cao tỉnh Hồ Bắc giảm xuống còn 15 năm dù không thấy bằng chứng nào chứng tỏ anh ta giết vợ. Thực ra, nhờ vào hồ sơ chấp cung, anh ta có đến bốn lần khai cách giết vợ hoàn toàn khác nhau. Thế rồi, giòng đời cứ tà tà trôi theo số phận hẩm hiu của chàng nông dân 39 tuổi này cho đến tháng 3 năm 2005, bỗng dưng quay 359 độ.

Hiện

Tháng ba năm nay, Zaiyu đã bỗng dưng hiện về bằng xương bằng thịt như nàng bỗng dưng biến cách đây 11 năm.

Nàng về đến nhà cũ như chẳng hay biết chuyện bi hài gì đã xảy ra. Zaiyu tưởng cuộc đời ông chồng Xianglin với đứa con gái sẽ khấm khá hơn sau khi nàng cất bước ra đi. Người ta hỏi nàng, sao lại bỏ đi. Nàng rằng, một nắng hai sương mà vẫn khố rách áo ôm. Của đáng tội, vì nghèo, thỉnh thoảng họ có hục hặc với nhau. Cái anh chàng nông dân Xianglin lại chẳng thèm quan tâm đến vợ. Tủi thân và tủi phận, thế là nàng biến. Tam thập lục kế, tẩu là thượng sách, Zaiyu nghĩ vậy. Zaiyu lang thang chân trời góc bể, rồi dừng chân ở một làng quê khác thuộc tỉnh Quảng Đông. Nàng gặp được người tình mới, rồi lấy nhau. Từ đó, Zaiyu lao vào chuyện sinh kế, quên luôn bố con anh Xianglin.

Chuyện gì đến rồi cũng đến nhưng nó đến quá muộn. Theo tờ Beijing News, người ta hỏi Xianglin không giết vợ sao lại nhận tội. Trên khuôn mặt còn nguyên vẻ hốt hoảng của kẻ về từ cõi chết, anh giải thích với nhà báo rằng tại công an tra tấn ác quá. Tra tấn dã man. Liên tục 10 ngày. Ban ngày được ăn no đòn và ban đêm lại được treo lên trần nhà ngủ nghỉ. Liên tục 11 đêm. Qua ngày thứ 12, chịu hết nổi, anh ta đành thú nhận giết vợ. Anh tự nhủ, thà ở tù vẫn sướng hơn là thác oan dưới âm phủ. Thác oan là ngu. Và cuối cùng anh ta đúng ở điểm này. Có điều nó đắt quá xá.

She Xianglin

Sao Thái Bạch

Số phận hẩm hiu của anh đã đành. Đằng này sao Thái Bạch còn chiếu luôn cả vào mẹ ruột anh ta. Người anh ruột. Đứa con gái. Hai người anh họ khác. Bà mẹ kêu cứu khắp nơi để minh oan cho con mình. Hình như kêu đến cả cả vong hồn bác Mao và bác Đặng. Tòa án nhân dân bèn tặng luôn bà già lỳ lợm 9 tháng tù. Đó là năm 1996. Mới hưởng tù 3 tháng, bà buồn khổ sinh bệnh, rồi từ giã thiên đuờng XHCN để đi theo bác Mao. Mãi đến hai năm sau, nhà nuớc mới nhân đạo báo tin mẹ chết cho đưá con bạc phước Xianglin.

Ông anh ruột cũng đến gõ cửa nhà nước kêu oan cho em. Tòa án nhân dân bèn ưu ái tặng ông này 41 ngày tù. Hai người bà con khác, gào cổ chứng minh người vợ anh nông dân còn sống cũng bị a-lê vào tù về tội cứng đầu cứng cổ. Đứa con gái không được phép đi học vì bố là kẻ sát nhân. Vì thế, cô bé năm nay 18 tuổi, mà còn mù chữ. Chuyện cứ như là mơ.

Cái việc đầu tiên của anh chàng nông dân Xianglin khi ra tù là đến thẳng mộ mẹ mà khóc. Anh đập đầu vào đất mà khóc như mưa.

Kiện củ khoai

Có lẽ trong giòng nuớc mắt, có cả nuớc mắt xót xa cho bi kịch của một cuộc đời và nước mắt oán hận cái thiên đường của bác Mao.

Dư luận lên án cái tòa án nhân dân. Chính đảng ủy Hồ Bắc lúc đấy còn công khai trên báo nhắn nhủ rằng nghị quyết của đảng bộ đã đề nghị giảm tử hình xuống tù 15 năm là nhân đạo hết cỡ thợ mộc rồi.

Bây giờ anh ta làm đơn kiện nhà nuớc của nhân dân. Anh ta đòi bồi thường hơn 4 triệu nhân dân tệ, khoảng 50.000 đô la mỹ, cho 11 năm tù oan, tức 4 000 ngày bóc lịch oan. Vị chi 4 500 đô la mỗi năm hay hơn 12 đô la mỗi ngày. Nhưng đấy là cách tính theo lịch Tây. Ta phải tính theo lịch Tàu mới cảm hết cái nỗi đau đớn của sự tù oan. Người Trung Hoa cho rằng 1 ngày ngồi tù dài cỡ bằng 1 000 (nhất nhật thiên thu !) ngày sống tự do. Nghiã là 11 năm bóc lịch Tàu bằng bóc 11 000 cuốn lịch Tây. Sơ sơ dài 4 triệu ngày. Đấy là chưa kể đến việc ngồi tù còn khốn nạn hơn chó.

Rốt cuộc, mỗi ngày bóc lịch của nông dân Xianglin giá 1 cent 25. Chưa biết toà án nhân dân xử toà án nhân dân - tức tự xử- ra sao. Nhưng xem ra, cái anh nông dân này quả còn ”lơ láo”, dám kiện nhà nước của nhân dân. Tha là may. Còn vấn đề tự xử này chắc chỉ là hình thức làm dáng… với vài lời xin lỗi. Kiện là kiện cái con củ khoai.

Chuyện Việt Nam

Câu chuyện dưới đây vô cùng đơn giản. Có một em bé tên Nông Văn Phương. Năm nay (2005) em lên 8 tuổi. Em Văn Phương con ông Nông Văn Giềng (cùng là dân tộc Tày với bác Nông Đức Mạnh). Bố mẹ em ở xóm Nà Tản, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là một cái tên rõ thơ. Mèo Vạc cũng là cái tên gợi hình và gây ấn tượng mạnh. Con mèo mà trèo cây cau. Vạc đêm. Vạc rạ. Thế chân vạc. Nà Tản nghe rất vô vi nhàn nhã. Nậm Ban là trời đầy hoa ban trắng. Nông Văn Giềng nghe rất nai đồng quê. Rựa mận. Nhất trên đời. Văn Phương cũng là một cái tên xinh xắn. Phương trời văn chương viễn mộng.


Bé Nông Văn Phương đang được bôi thuốc trên giường bệnh


Ảnh: VNexpress


Nhưng cuộc đời lại không đẹp cho em Văn Phương vì em sinh ra dưới một ngôi sao quá xấu.

Khi mở mắt chào đời, em Văn Phương đương nhiên là công dân Việt Nam nhưng em chưa được quyền làm người. Số là, em Văn Phương bị mang một thứ bệnh ở ngoài da. Da đỏ sần xùi, chảy mủ, khi khô thì đóng lớp vảy trắng. Dân gian gọi là bệnh vẩy nến. Xóm Nà Tản, xã Nậm Bàn là một vùng sơn cước. Cái nơi mà báo chí gọi là ”vùng xâu vùng xa”… Nghĩa là vùng rất sâu, không thể tìm thấy trên bản đồ và rất xa kinh thành ánh sáng Hà Nội. Sâu và xa đến nỗi mà nền y tế khó có thể với đến được. Sâu và xa đến nổi mà bao nhiêu của cải, tiền bạc, thuốc men, viện trợ đáng tiền tỷ ”quỹ xoá đói giảm nghèo” không thể nào bén mảng đến được. Đến 4 tuổi mà em Văn Phuơng vẫn ghẻ lở. Dân làng đoán em Văn Phương bị ”ma”. Bệnh này lây lan thì có khi chết cả làng xã Mèo Vạc, bèn khuyên ông bà Giềng mang bé Văn Phương đi rắc vôi chôn sống ! Vì thương con, không nỡ chôn sống, nên ông bà Giềng bèn dựng một cái chòi bằng lá, to hơn cái lỗ mũi voi, ở bìa rừng cho em ở. Bà Giềng hàng ngày đem cho em một bát cơm bắp. Thỉnh thoảng có hôm, mưa gió hay mệt quá thì có quên. Bà mẹ kể lại, lúc đầu bỏ em một mình giữa chòi, em khóc lóc lắm, nhưng riết rồi, quên khóc luôn.

Phương ở trong một túp lều nhỏ xơ xác nằm ở ven rừng cách nhà khoảng 200 m. 8 tuổi nhưng Phương chỉ nhỏ như đứa trẻ 1 tuổi do bị suy dinh dưỡng nặng, cháu cũng chỉ mới biết ngồi. Thân thể cháu toàn vảy nến, chằng chịt những mảng da khô rơi rụng quanh chỗ ngồi. Xung quanh là mùi hôi thối nồng nặc vì đã 4 năm qua cháu không được tắm rửa. Hằng ngày đến bữa ăn, mẹ cháu chỉ đưa cơm, nước ra để đấy cho cháu, cháu tự ăn và vệ sinh ngay tại chỗ. Hằng ngày, cháu chỉ ngồi một chỗ hoặc lê quanh chiếc lều với chiếc chăn chiên rách nát”.

Mùa đông cũng như mùa hè, ngày cũng như đêm, không đèn, không màn, không chăn ấm, bữa đói bữa no nhưng cháu vẫn sống đến ngày hôm nay.”

Cứ thế, xuân hạ thu đông,với một tấm vải rách, em vẫn sống. Cuối năm 2004, có một anh cán bộ y tế xã, tên là Vương Văn Tuấn có đến thăm quan. Anh Tuấn mủi lòng … báo cáo uỷ ban xã, đảng ủy xã nhưng chẳng ai rỗi hơi ngó ngàng đến. Anh ta đành lờ luôn.

Cho đến một ngày đẹp trời khác vào tháng 5, năm 2005 , ông giời có mắt ngó xuống trần gian, thế là cuộc đời em thay đổi. Có người tốt bụng khám phá câu chuyện thương tâm, đem em Phương đi chữa. Lúc đó em nặng 10 ký, cao 95 cm. Chỉ biết ngồi, chưa biết đi.

Chuyện bên Tây


Toà án thượng thẩm Gulating của Na Uy vừa tuyên án một bản để đời như sau : một khách chơi hoa phải bồi thường cho một em bán hoa 330 000 kroner Na Uy (khoảng 50,000 USD).

Sự thể là như thế này. Anh chàng này say sau khi nhậu bí tỷ, bèn tìm đường đi mua hoa, giết cha cái sự đời. Có lẽ trong cơn say xỉn hay vì lý do nào đó, anh ta bèn cầm cái lò sưởi để bàn táng vào đầu em. Em phải tạm nghỉ việc bán hoa vài tuần. Thế rồi em kiện cái anh chàng này ra tòa, đòi bồi thường thương tật và thua thiệt lợi tức bán hoa. Toà sơ thẩm bắt anh chàng ta ngồi tù 1 năm 6 tháng vì tội đánh người và bồi thường 30,000 kroner (khoảng 5,000 USD) vì thất thoát lợi tức.

Tay chơi này bèn kháng án lên tòa thượng thẩm Gulating. Tòa Gulating bác bản án toà dưới. Hủy án tù. Và hủy số tiền bồi thường 30,000 kroner do thất thoát lợi tức. Vì em chẳng có bằng chứng rõ rệt đã thất thu như thế nào. Lợi tức bán hoa, em lại không khai thuế. Tuy nhiên, toà lại bắt tay mua hoa này phải bồi thường 330,000 kroner vì tội danh khác. Bồi thường vì gây thương tích là 280,000 kroner và bồi thường danh dự 50,000 kroner. Cộng chung là 330,000. Tay mua hoa này chắc đau lắm.

Thế mà em vẫn chưa hài lòng. Em tiếp tục kháng án lên Tối Cao Pháp Viện, đòi bồi thường thêm việc thất thu sau khi bị ăn đấm. Em viện dẫn rằng, ở Na Uy, bán hoa bị cấm và mua hoa cũng cấm luôn. Nói chung, mua bán hoa đều phạm luật. Vậy thì em làm sao mà khai thuế, thưa qúy tòa. Cho nên, em xin tòa chấp nhận bằng chứng gián tiếp thôi. Nghề bán hoa cũng là một nghề như bất cứ nghề khác. Hơn thế nữa, nghề của em còn là nghề truyền thống, xưa nhất trên hành tinh này. Lao động cật lực, từ sáng đến khuya. Thu nhập của em tương đối khá, đủ trang trải phí tổn cuộc sống mà không ăn bám vào an sinh xã hội. Tính sơ sơ, lợi tức trung bình của em, cao hơn kỹ sư mới ra trường. Hơn nữa, khách hàng của em đều loại khách đặc biệt. Khách vãng lai, tức vô danh. Giá cả lên xuống tùy thời vụ. Mấy tháng mùa đông thì em gáp vặt. Coi như lỗ vốn. Mùa hè, hoạt động ba ca không kịp thở. Đã thế khách còn vòi vĩnh đủ thứ. Được voi họ lại đòi tiên. Họ thích trả tiền tươi và rất ghét biên lai rắc rối. Bấy nhiêu chuyện nhiêu khê như thế, tòa bảo em phải khai thuế như thế nào được. Em bây giờ mang sẹo ở trán, hoa chỉ có nước bán cho “ma”, chắc bỏ nghề thôi. Vậy em xin bồi thường thêm 300.000 kroner nữa để em có điều kiện chuyển nghề, hoàn lương.

Nghe có lý phải không các bạn ?

Nguyễn Quang Minh

Bài viết xong từ năm 2005, xong bỏ vào ngăn tủ. Nay mang ra hầu mua vui độc giả.

Theo nguyenvantuan.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn