BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73476)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vì sao chính quyền VN ‘kỷ niệm’ cụ Bùi Bằng Đoàn lúc này?

20 Tháng Chín 20196:10 SA(Xem: 1491)
Vì sao chính quyền VN ‘kỷ niệm’ cụ Bùi Bằng Đoàn lúc này?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
11
Vào tháng 9 năm 2019 nhưng không trùng với một sự kiện chính trị hay ngày lễ quan trọng nào ở Việt Nam, việc chính quyền ‘bỗng dưng’ tổ chức trọng thể và rầm rộ lễ kỷ niệm về một nhân sĩ, mà tên của ông đã bị chính quyền này quên lãng từ rất nhiều năm trước, đã nêu ra một dấu hỏi lớn trong công luận về tính mục đích của hành động kỷ niệm này.

Trọng thể và khoa trương

Nhân sĩ đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.

Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn, báo chí nhà nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ:

“Thưa Ngài,

Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.

Kính thư".

Rất đáng chú ý, lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh “cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019)” được tổ chức trang trọng vào ngày 16/9/2019 - bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức, có sự tham dự của một phần ba ‘tam trụ’ là Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và một cựu tổng bí thư đảng - người được dân gian đặt cho biệt danh là ‘Mạnh mượt’.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, giai đoạn thập niên 1940.
Cụ Bùi Bằng Đoàn, giai đoạn thập niên 1940.


Chưa kể sự tham dự của 1.000 đại biểu gồm các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể của trung ương và thành phố Hà Nội…

Lễ kỷ niệm trên còn được tường thuật trực tiếp trên sóng VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Nghi thức tổ chức trang trọng trên thường chỉ dành cho những quan chức cao cấp và những trí thức lớn (đã mất) của chế độ cầm quyền.

Theo VOV, “Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Quốc hội Việt Nam…

Làm quan trong Triều đình Nhà Nguyễn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các phong trào yêu nước.

Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp. Đây chính là nền tảng vững vàng để cụ phát huy khi được giao trọng trách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này”

Vì sao kỷ niệm?

Trong khi đó, một số trí thức độc lập lại có cách đánh giá khác hẳn. Theo họ, cụ Bùi Bằng Đoàn không phải là một nhân tố ‘có công với cách mạng’ một cách đặc biệt. Quá trình cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia vào hoạt động điều hành của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là khá ngắn ngủi. Từ rất nhiều năm qua, báo chí nhà nước rất ít khi nhắc tới tên cụ Bùi Bằng Đoàn…

Sự kiện lễ kỷ niệm trên không nhận được nhiều chú ý và phân tích của mạng xã hội. Trong khi những người thân chính quyền cho rằng đó thuần túy là hành động ‘uống nước nhớ nguồn’ của đảng, thì nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền tỏ ra thờ ơ, chỉ xem đó là một trong số nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền chính trị phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền.

Vậy tại sao chính quyền Việt Nam lại tổ chức trang trọng và có vẻ mang tính khoa trương về lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn?

Có ý kiến cho rằng lễ kỷ niệm trên nhằm phát đi thông điệp đảng cầm quyền hiện thời muốn trở về thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, huy động các nguồn lực nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước mà không phân biệt đảng phái.

Tuy nhiên, lời giải thích trên lại quá mâu thuẫn với thực tế: cho tới nay chính thể độc tài ở Việt Nam vẫn chưa có được bất kỳ một biểu hiện, thậm chí là chưa có nổi một dấu hiệu khả tín nào về việc sẽ ‘tổ chức đối thoại với các cá nhân bất đồng chính kiến trong nước’.

Chính quyền Việt Nam cũng chưa có bất kỳ động thái nào được xem là đủ thành tâm trong việc đối thoại với giới bất đồng chính kiến và tầng lớp quan chức của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 2017, ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học’ do đảng cầm quyền ở Việt Nam, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã thất bại cay đắng đến hai lần vì chẳng có nhà văn hải ngoại có tên tuổi nào chịu về Việt Nam tham dự.

Có liên quan nhà báo Bùi Tín?

Trong khi câu hỏi về lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn đọng lại như một dấu hỏi rất lớn, có một chi tiết đặc biệt mà hệ thống tuyên giáo và báo đài quốc doanh đã không một lần nhắc tới: cụ Bùi Bằng Đoàn là thân phụ của nhà báo, cựu đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Bùi Tín. Từ nhiều năm trước, ông Bùi Tín đã thoát ly khỏi chế độ cộng sản, tị nạn ở Pháp và trở thành một người bất đồng chính kiến nổi bật trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thường xuyên viết bài cho đài VOA Việt ngữ và tham gia các hoạt động cổ súy dân chủ nhân quyền cho Việt Nam và loại trừ chế độ độc tài cộng sản ở đất nước này. Tháng 8 năm 2018, ông mất tại Pháp.

Về thực chất, Bùi Tín bị chính quyền Việt nam xem là kẻ thù của chế độ.

Phải chăng có một mối liên hệ nào đó giữa lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn với người con Bùi Tín? Và liên quan đến chuyến đi Mỹ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng - có khả năng sẽ diễn ra vào những tháng cuối năm 2019, trong đó vừa ẩn vừa lộ mục đích vận động và thuyết phục nguồn lực chất xám và tiền bạc từ gần 5 triệu ‘khúc ruột ngàn dặm’ sống ở nước ngoài?

Hay đảng muốn nhắn nhủ tới những người có xuất thân như ông Bùi Tín rằng ‘quay đầu là bờ’?

Trong khi những giả thiết trên vẫn thuần túy là giả thiết và vẫn có thể chẳng ăn nhập gì với thực tế, lại có một thực tế là rất nhiều người, trong đó không ít là giới bất đồng chính kiến trong và ngoài Việt Nam, vẫn chẳng hiểu về mục đích thực chất của lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là gì.

Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn