Âm nhạc Nguyễn Văn Đông, một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước 1975, dường như được chú ý trở lại sau khi ông qua đời hôm 26/2 ở Sài Gòn.
Kể từ đó, ông sống lặng lẽ ở Sài Gòn và dường như không còn sáng tác âm nhạc.
Trung tâm nhạc Thúy Nga hôm 29/4 vừa thực hiện chương trình Paris By Night 125 - Chiều Mưa Biên Giới ở California nhằm vinh danh các ca khúc của người nhạc sĩ.
Hai cây bút từ Melbourne, Úc và California, Hoa Kỳ, cho BBC biết đánh giá về âm nhạc Nguyễn Văn Đông.
Nguyễn Khắp Nơi, Melbourne, Úc
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nối tiếng từ những năm 1956 - 1957, nhưng lần đầu tiên tôi biết tới ông là qua bản nhạc "Chiều Mưa Biên Giới" do ca sĩ Trần Văn Trạch hát, vào khoảng năm 1961.
Từ khi bài hát "Chiều Mưa Biên Giới" được nổi tiếng, những bài hát khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới bắt đầu nổi tiếng theo, nhất là sáng tác đầu tay của ông về Lính: "Phiên Gác Đêm Xuân".
Mặc dù trong thời gian 1961, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có những cảnh hàng loạt học sinh sinh viên giã từ tuổi thư sinh theo tiếng gọi quân trường, nhưng vì những bản nhạc về Đời Lính của nhạc sĩ quá hay, nên mọi người, mọi giới đều thích những bản nhạc đó.
Tôi cũng nằm trong danh sách những người thích nhạc Lính nói trên, nên tôi đã say mê hát theo, thuộc làu từng lời ca tiếng nhạc của từng bài hát của nhạc sĩ.
Đem so sánh những bài nhạc Lính của Nguyễn Văn Đông với những bài hát về Lính đương thời, tôi thấy nhạc của ông có cái gì đó khác với nhạc Lính đương thời. Khi hát lên, có điều gì đó khác nhau mà tôi không hiểu là khác ở đâu? Và khác cái gì?
Mãi đến sau này, khi đọc nhật ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đăng trên báo "Người Việt Tây Bắc" năm 2016, tôi mới tìm ra lời giải đáp.
". . . Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười (Gò Bắc Chiêng, Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường.)
Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác..
Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân.
Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
"Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngỡ rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…"
" . . . Khi ấy, tôi mới 24 tuổi, là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến.
Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời.
Và từng chập gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…"
Thì ra, hai bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được viết khi ông đang là lính, đang đi hành quân giữ an ninh cho đất nước, nên lời của những bản nhạc này tả lại thật rõ ràng người lính đang làm gì, và tâm tư của người lính đang nghĩ gì.
Đó mới chính là Nhạc Lính - Nhạc của người Lính Chiến, viết ra tại chiến trường, hát lên cho những người Lính cũng đang ở chiến trường, cùng nghe.
Nhạc Lính của Nguyễn Văn Đông là như vậy đó!
Nhạc sĩ Lê Xuân Trường, California, Hoa Kỳ
"Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh mơ rằng đây mái nhà tranh mà ước chiếc bánh ngày xuân cùng hương khói vương niềm thương..."
Những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đời trong khi đất nước còn chinh chiến, tang thương.
Trong trái tim của người nhạc sĩ đôn hậu hiền hòa này không một phút nào không mơ tưởng đến một ngày đất nước được thanh bình.
Những ca khúc được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của ông như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… v..v..
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của chính ông.
Tôi còn nhớ những năm tháng trước năm 1975, đài truyền hình thỉnh thoảng vẫn phát những bài hát của Nguyễn Văn Đông.
Tôi nhớ mãi ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê và Sắc Hoa Mầu Nhớ. Sắc Hoa Mầu Nhớ được lồng trong vở kịch Dưới Hai Mầu Áo của đoàn kịch Kim Cương. Những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đã tiễn biệt những đợt thị dân di tản. Những âm thanh xưa cũ nay đã không còn.
Biết bao nhiều dấu ái của một nền tảng âm nhạc của biết bao nhạc sĩ thời đó cũng đã lẳng lặng biến mất vào mùa hè năm ấy.
Tôi được may mắn hầu chuyện với nhiều nhạc sĩ lớn trước đây, chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là tôi chưa được trò chuyện cùng ông.
Nhạc của ông cấu trúc giản dị, nhưng để lại những man mác trong lòng người nghe, một phần vì theo sát thời cuộc và một phần là ai cũng cùng chung một tâm trạng như ông, do đó nhạc của ông gần với mọi người.
Rất may mắn văn nghệ Việt Nam có ông và cũng rất tiếc khi ông đã ra đi miên viễn.
30/04/2018
Nguồn BBC