Bài trên International Herald Tribune hôm 6/10 năm nay phân tích vụ thuyền cá của ngư dân Phúc Kiến bị Nhật Bản giữ gần Điếu Ngư hồi tháng 9, gây ra căng thẳng ngoại giao.
Trung Quốc hiện có nhiều tàu cá hoạt động ở các vùng biển Đông Bắc và Đông Nam Á
Nhưng bài của Edward Wong từ Bắc Kinh cũng cho rằng các quan chức Hoa Kỳ và các nước châu Á chú ý đến việc "con số tàu dân sự của Trung Quốc hoạt động trong những vùng biển tranh chấp đang ngày một tăng cao".
Tác giả nhận định đây là một phần của chiến lược chiến tranh nhân dân mà Trung Quốc đang áp dụng:
"Dùng tàu thuyền của dân là một phần trọng yếu của học thuyết giới quân sự Trung Quốc gọi là Chiến tranh nhân dân."
Cựu tùy viên quân sự từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Dennis J. Blasko được trích lời nói đây không phải là điều mới.
Vì theo ông ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã nêu ra chiến lược dùng "hải quân nhân dân" (maritime people's war) như một phần của nỗ lực chiến tranh trong điều kiện hiện đại".
Hiện Hải quân Trung Quốc dùng tàu dân sự bằng một số cách:
Thứ nhất, theo tờ báo, đây là cách để Trung Quốc chỉ đạo dân quân (militia) dùng các thuyền đánh cá ra khơi.
Hoạt động đánh cá được coi là một phần thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền.
Thứ nhì, họ dùng các tàu này để phối hợp với năm cơ quan thực thi pháp luật được tổ chức giống như lực lượng tuần tra biển.
Chẳng hạn như Cục Ngư nghiệp Trung Quốc cũng có quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá và có tàu hoạt động thường xuyên tại các vùng nước tranh chấp.
Ranh giới giữa các nhóm dân sự và có quân phục cũng không rõ.
Theo nhận định của giáo sư Bernard D. Cole từ Học viện Quân sự Quốc gia từ Washington rằng một số quan chức nghề cá Trung Quốc nay có mặc quân phục và mang súng.
Còn theo ông Blasko thì việc dùng tàu dân sự sẽ giúp cho việc làm giảm đi độ khiêu khích và leo thang căng thẳng hơn là dùng các đơn vị của Hải quân Quân Giải phóng.
Tuy vậy, các phóng viên của tờ báo Mỹ cũng xác nhận gia đình ông Chiêm Kỳ Hùng, người thuyền trưởng bị Nhật Bản giữ hôm 8/9 rồi thả sau các tranh cãi ngoại giao nói ông ta "chỉ làm nghề cá".
Hải quân Trung Quốc cũng không bình luận về chuyện này khi được tờ báo hỏi.
Ngược lại, một quan chức ngư nghiệp ở Bắc Kinh thì chỉ nói các tàu cá "phối hợp hoạt động với các cơ quan chức năng lo về pháp luật, chứ không làm việc với Hải quân".
Cả hai vùng biển
Nhưng hoạt động 'ngư nghiệp' của Trung Quốc không chỉ có ở vùng biển Hoa Đông nơi xảy ra tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản.
Bài báo cũng nêu từ một thời gian nay, Trung Quốc tăng cường hoạt động 'tàu cá' ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.
Ngư dân Trung Quốc được sự hỗ trợ của các tàu tuần tra biển của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc
Báo chí Việt Nam từ nhiều tháng qua đã nêu ra các vụ tàu tuần tra biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam trong các chuyến đi phía Trung Quốc cho là để kiểm soát việc đánh bắt hải sản.
Trong vụ gần nhất, Thông tấn xã Việt Nam cho hay đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và B̀ộ Ngoại giao Việt Nam vừa có cuộc gặp hôm thứ Ba 05/10 về tình hình các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa.
Theo TTXVN, đại diện phía Trung Quốc giải thích trong cuộc gặp rằng "tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được nói đã phản đối quyết định xử lý này.
Tuy thế, khác hẳn với Nhật Bản hay Trung Quốc trong vụ Điếu Ngư, các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam không thấy lên tiếng cụ thể về các ngư dân là công dân Việt Nam.
Trong vụ bắt tàu Mân Tấn Ngư 5179 gần Điếu Ngư, lãnh đạo Nhật Bản đã lên tiếng ở cấp thủ tướng, nhấn mạnh lại chủ quyền của họ.
Phía Trung Quốc, cụ thể từ chính thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng khẳng định chủ quyền của mình và đòi phía Nhật thả ngư dân Phúc Kiến.
Thủ tướng họ Ôn cũng lên tiếng cảnh báo Tokyo nếu không xuống thang sẽ bị trừng phạt.
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn