BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73477)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bài Đọc Trên Đài Phát Thanh Tưởng Niệm Duyên Anh

06 Tháng Hai 20178:17 SA(Xem: 3740)
Bài Đọc Trên Đài Phát Thanh Tưởng Niệm Duyên Anh
512Vote
411Vote
37Vote
24Vote
114Vote
3.148

Kính Thưa quý thính giả, nhà văn Duyên Anh mất đã đúng 20 năm, thụyvi sẽ đưa quý vị trở ngược về quá khứ, để nhớ lại những thành công, những hệ lụy liên quan đến đời sống rất con người của một nhà văn nức tiếng một thời của miền Nam VN.

young_duyenanh1Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, ngoài ra ông còn những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp PhụĐộc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học ở Thái Bình và học trung học ở Hà Nội.

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề như : bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta dạy thổi sáo trúc.

Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.

Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...

Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.

Sau biến cố ngày 30 tháng 4, 1975, Duyên Anh cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, bị nhà cầm quyền Cộng Sản liệt danh là 1 trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành. Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976).

duyenanh Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 , thời gian sau ông vượt biển đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.

Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay  và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.

Là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con người nhiều tài, nhưng cao ngạo….Chính vì bản tánh này, ông khiến nhiều người bất bình.

Duyên Anh làm thơ rất sớm, đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa mãn giấc mơ cầm bút, nhưng không đăng ở bất cứ tờ báo nào. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo.- và, Bài thơ "Bà mẹ Tây Ninh" -  sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên tờ báo này.

Một tháng sau, thêm truyện ngắn "Hoa Thiên Lý", rồi "Con sáo của em tôi" tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới thiệu "bốc" tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ, sửa chữa bài cho Duyên Anh để các sáng tác của ông được thường xuyên xuất hiện trên văn đàn.

Đến năm 1961, khi ông Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau, nhưng chính bút hiệu Thương Sinh với một giọng văn châm chọc, hết sức cay độc khiến nhiều phe phái trong chính quyền rất e ngại. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất, đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Thương Sinh.

Nạn nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, "đánh" không thương tiếc! Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây mích lòng cho không ít người. Thậm chí, sau này, lúc ở hải ngoại, ông Nguyễn Cao Kỳ đã bắn tiếng với ông Tô Văn Lai chủ trung tâm Thúy Nga Paris rằng: "Bảo, thằng Duyên Anh, câm mỏm nó lại ! "

Nhà văn Hoàng Hải Thủy cũng có lần nói về Duyên Anh :Tôi quen biết với Duyên Anh từ lâu lắm rồi, từ ngày anh mới bắt đầu viết tiểu thuyết ở nhật báo Xây Dựng và chưa nổi tiếng lắm. Sự giao du thân mật ấy giữa Duyên Anh và tôi kéo dài đã 10 năm. Thời đó chúng tôi cùng bắt đầu viết loại mục chửi bới trên nhật báo, anh ký tên là Thương Sinh và tôi ký Gã Thâm, và giữa Thương Sinh và Gã Thâm từng có lần chửi nhau trên báo tưng bừng.

Kể về tính xấu - nếu muốn nói thì Duyên Anh có hơi nhiều, nhưng, ta nên gọi đó là những khuyết điểm hơn là những tính xấu. Khuyết điểm nặng nhất của Duyên Anh, theo tôi, là anh thành công trong nghề văn quá sớm, quá dễ. Anh lại có tài viết hơn người nên anh cóc cần ai cả. Sự kiện này rất khó chịu cho những ai phải cộng tác với anh trong những tờ do anh chủ biên. Chúng tôi có cảm giác bị anh coi thường, anh ôm lấy viết hết. Do đó, chúng tôi nhận thấy anh đối xử với anh em chúng tôi không tốt bằng anh Chu Tử, anh Nguyễn Mạnh Côn. Sở trường của con người ta nhiều khi cũng chính là sở đoản. Bởi vì anh viết được hơn người, mau hơn người, nhưng, Duyên Anh chỉ là người viết tốt nhưng chưa phải là người chủ biên tốt. Tuy nhiên, vì tôi hiểu rõ Duyên Anh hơn nhiều người, tôi tin rằng nếu Duyên Anh gặp nhiều thất bại tan tành như anh Chu Tử chẳng hạn, hoặc khi anh 50 tuổi như anh Nguyễn Mạnh Côn, lúc ấy, Duyên Anh sẽ biết quí anh em hơn biết thấy cần anh em hơn. Chỉ khi đó anh mới trở thành cái cột trụ vững chắc cho một tờ báo. Duyên Anh thành danh hãy còn trẻ lắm chưa tới 40 mà lẫy lừng giàu có rồi. Tôi nghĩ rằng anh sẽ còn có dịp học hỏi nhiều ở đời.

Duyên Anh phách lối,nh khí thất thường,  Điều đó chẳng phải là bạn thân của anh ta, người ngoài nhìn cũng có thể biết. Phần nào sự tự kiêu của anh có lý. Với một số vốn học ít ỏi, một thân một mình di cư vào Nam, thời gian đầu vào Sàigòn anh phải sống trong Nhà Hát Lớn cùng với cả ngàn gia đình đồng bào di cư nghèo khác, mỗi gia đình chỉ chiếm được một cái chiếu. Duyên Anh, khi ấy chỉ là Vũ Mộng Long, đã phải làm nhiều thứ nghề lặt vặt để kiếm sống. Có lần chính Duyên Anh đã viết trên một hồi ký nào đó của anh, Duyên Anh nói với tôi rằng cho đến năm anh ngoài hai mươi tuổi, chưa bao giờ anh ôm mộng trở thành văn sĩ. Anh viết truyện ngắn vì một trường hợp ngẫu nhiên: Năm 1961, 1962 gì đó anh xin được một chân thư ký trong Nha Tổng Giám Đốc Thanh Niên thời đó do ông Cao Xuân Vỹ nắm. Nha này xuất bản 1 tờ nguyệt san với tiền của chính phủ, báo in ra phát không cho những ty Thanh Niên tỉnh và chàng thư ký trẻ tuổi được dùng vào việc ấn hành tờ báo. Duyên Anh đọc bản thảo và thấy rằng thiên hạ viết dở quá, mình cũng có thể viết được như thế và chàng bèn tập viết. Rồi truyện ngắn đầu tay của Duyên Anh được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn viết lại, rồi từ truyện ngắn này, và tiếp theo những truyện ngắn khác cũng do Nguyễn Mạnh Côn o bế và nâng Duyên Anh từ từ bay lên.  

Cuộc sống gia đình của Duyên Anh, theo Vũ Trung Hiền đã biết từ những lần đến thăm Duyên Anh ở Saigon. Vũ Trung Hiền kể : Cuộc hôn nhân của anh đã có những ngày tháng hạnh phúc; nhưng cuộc sống hôn nhân êm đềm này không được dài lắm. Tôi cũng phải nói ngay, tình trạng này, một phần, do anh gây ra. Duyên Anh không phải là một người chồng tốt, nếu dựa trên những tiêu chuẩn bất cứ người vợ nào cũng mong muốn nơi chồng mình: cơm nhà quà vợ, không bê tha rượu chè, bài bạc, trai gái…

Duyên Anh đã, ít nhiều, vướng vào mấy thứ này, gây buồn phiền cho vợ con anh. Những lúc gây buồn khổ cho gia đình, đôi khi Duyên Anh cũng biết ăn năn, dùng văn thơ, và cả âm nhạc nữa, để xin lỗi vợ con. Điển hình là ca khúc Về Với Em, Duyên Anh đã nhờ Mai Hương hát để bày tỏ lòng yêu thương và ân hận của mình đối với chị Duyên Anh, sau một lần bỏ nhà đi hoang

Tôi biết, chị Duyên Anh rất thương yêu anh, và có lẽ, cũng là người oán ghét anh nhất đời. Tôi đã chứng kiến sự tận tụy, lo lắng của chị đối với anh thời gian anh vừa bị bắt, sự chu đáo của chị những lần chuẩn bị đi thăm anh ở các trại tù, và cũng được nghe chị kể nỗi đau khổ, cả tinh thần lẫn thể xác, chị đã chịu đựng, trong đời sống hôn nhân với anh. Nhưng đó là cái giá một số bà vợ lấy chồng nghệ sĩ phải trả. Nhất là, một nghệ sĩ có quá nhiều tài năng như Duyên Anh. Nguời ta đã chẳng từng nói lắm tài lắm tật hay sao?

 

Sau ngày 30-4-1975, ông bị bắt ngày 8-4-1976 nhốt tù ba năm ở Phan Đăng Lưu và khám Chí Hòa rồi bị đưa đi cải tạo ba năm ở Xuyên Mộc và Hàm Tân. Được thả tự do đầu tháng 9-1981 nhờ các hội Ân xá và Văn bút quốc tế can thiệp nhưng lại không được đi Pháp theo diện chính thức với gia đình tháng 4-1982. Do đó ông vượt biên năm 1983 bằng thuyền và định cư tại Pháp từ 20-10-1983, tiếp tục viết truyện, thơ, làm phim và vidéo (viết dẫn giải và xướng ngôn cho Paris By Night) và làm nhạc. Duyên Anh bị tấn công trên báo chí cộng sản trong nước cũng như của người Việt hải ngoại.

Ông can đảm vượt qua nhiều nghịch cảnh, bơi ngược giòng theo triết lý mới mà ông đặt tên là triết lý sống của "con gọng vó." Cuối đời, Duyên Anh càng bị giới làm văn học và báo chí người Việt hải ngoại cô lập, ít nhắc nhở đến. Ở hải ngoại, Duyên Anh viết hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ), in thơ về thời bị tù và học tập, xuất bản truyện chống Cộng (bộ Hồn Say Phấn Lạ, ..) và đề cao tuổi trẻ (Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Một Người Tên Là Trần Văn Bá, v.v.). Có lúc ông viết lại phiếm luận với bút hiệu Đồng-Nai Tư-Mã trên tạp chí Ngày Nay của ông Hồng Long tại tiểu bang (Kansas) và định tái xuất báo Con Ong, nhưng ông đã sớm bỏ ý định làm báo ở Bắc Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và người Pháp quay phim. Gần cuối đời, ông đưa người Mỹ vào tiểu thuyết và viết đề cao về ca dao và tình tự dân tộc.

 

Chúng ta đều biết, Cộng Sản Việt Nam rất thâm hiểm, họ biết không một nhà văn Việt Nam nào, trong nước cũng như hải ngoại, trước và sau 1975, chống cộng mãnh liệt và có hiệu quả như Duyên Anh. Cho nên, trước khi, vì một số vận động và trao đổi quốc tế, phải trả tự do cho anh, họ đã bày trò dựng nên những tin bẩn thỉu, rỉ tai, mớm lời cho một số người ghen ghét Duyên Anh, trong tù cũng như ở bên ngoài. Mục đích của cộng sản là triệt hạ uy tín chống cộng của Duyên Anh, để khi thả anh ra, chữ nghĩa của anh không còn hiệu lực nữa. Cộng Sản Hà nội quỷ quyệt ở chỗ họ dùng bọn nằm vùng miệng lưỡi xảo trá, rỉ tai bôi lọ.... Họ mượn tay chính những người ở trong hàng ngũ quốc gia tấn công Duyên Anh. Và điều đáng buồn là một số người trong chúng ta đã mắc mưu cộng sản. Kẻ thù chính của chúng ta là cộng sản Hà nội, chúng ta không đánh; lại nhè anh em trong nhà mà đánh dập đánh vùi, đánh không nương tay.

Tại hải ngoại, Vào ngày 30 tháng 4 năm 1988 khi đi ra ngoài tại Cali, bất ngờ, một người đàn ông lạ mặt nhào lại tấn công hành hung Duyên Anh, cú đánh trên đầu quá nặng khiến ông bất tỉnh và đem đến tình trạng liệt một bên, mất trí nhớ và không nói được. Ông phải điều trị và với tất cả ý chí mãnh liệt, chỉ vài năm sau ông phục hồi và cầm bút trở lại. Vụ hành hung này dấy động nhiều câu hỏi là do đâu? Có người đặt giả thuyết là Duyên Anh đụng chạm với một nhóm chính trị. Có người nghi ngờ là do những ông Tướng mướn người dằn mặt, lại có tin đồn là do ghen tương... Tuy nhiên, sau khi phục hồi thì Duyên Anh biết ai đánh mình, nhưng ông không nêu danh tính, chỉ nói rằng ông đã tha thứ cho họ !?....

Về đời tư, Lúc Duyên Anh chưa di cư,ông đã có vợ và một đứa con gái, nhưng khi vào miền Nam ông đi chỉ có một mình. Sau này, sống tại Saigon ông cưới bà Nguyễn thị Ngọc Phương sinh quán tại Long Xuyên, người vợ này, tức là nhân vật trong tác phẩm Nhà Tôi - cuốn truyện đã được một nhà sản suất mua bản quyền và dựng thành phim.

Duyên Anh và bà Ngọc Phương có với nhau 3 người con : 2 người con trai và 1 người con gái. Trong ba người con của Duyên Anh, người con gái tên Thiên Hương của ông bà thừa hưởng nhiều tài năng của bố nhất. Cô bé thông thạo Anh văn, Pháp văn, chơi piano và biết viết văn tiếng Việt .

Đau đớn thay, sau khi Duyên Anh bị hành hung, lúc còn nằm điều trị thương tích tại Pháp thì cũng trong năm này tức cuối năm 1988, Cháu Thiên Hương, và chồng của cháu, đều tử nạn, trong tai nạn thảm khốc trên chuyến bay từ Hà Nội đến Thái Lan bị rơi.

Trước những tai oan dồn dập, bà Duyên Anh coi như toàn toàn suy sụp, bà gần như bị bịnh rối loạn tâm trí.

Con người Duyên Anh hình như có hai con người đối lập. văn của Duyên Anh cũng thế, một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc .

Mặc dù thế, nhưng ông vẫn được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.

Vào ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

duyenanh
Trong tang lễ vào những ngày mưa dầm thê thảm, ngoài một số bạn bè tại Pháp đến dự,  còn có ký giả Hồng Phúc , có ông Vũ Trung Hiền và ông Đặng Xuân Côn - từ Hoa Kỳ bay sang Pháp để tiển đưa nhà văn Duyên Anh.

thụyvi kính mời quý vị thưởng thức một nhạc phẩm được Phạm Duy đặt lời, và Ngọc Chánh viết nhạc cho cuốn phim VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG được phỏng theo cuốn tiểu thuyết mang cùng tên của Duyên Anh. nhạc phẩm này được trình bày do cố ca sĩ DUY KHÁNH .

( NHẠC )

thụyvi trân trọng cảm ơn quý vị đã theo dỏi chương trình, thụyvi xin kính chào tạm biệt, và, hẹn vào chương trình kỳ tới cũng vào ngày và giờ này tuần tới....

thụyvi
03-02-2017

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn