BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73434)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một góc quán chợ nhỏ Thị Nghè

22 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1408)
Một góc quán chợ nhỏ Thị Nghè
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
 




Một quán nhỏ bình dân ở Thị Nghè, bảng hiệu không tên, chỉ có địa chỉ số nhà. (Hình: Sa Giang)



Ở đầu hẻm chợ nhỏ Thị Nghè có một quán cà phê. Không phải cà phê vườn hay cà phê cửa kính kín mít, không phải cà phê salon hay ghế đẩu ngoài vỉa hè. Không sang cũng chẳng quá lụp xụp, bình thường như mọi quán bình dân người ta thường nhìn thấy bên đường. Quán mở cửa từ sáng tới tối bán mọi thức uống. Cũng cà phê, đá chanh, nước ngọt đủ màu xanh đỏ bày trên kệ...

Đúng là nó chẳng có tên tuổi gì, bảng hiệu chỉ là số nhà nhưng lúc nào cũng có người ra vào. Ở trong đó đủ mọi loại người. Mỗi quán cà phê đều có khách quen của mình. Buổi sáng, anh nha sĩ cuối đường đi bộ một quãng tới đây uống ly cà phê vừa đọc báo, ông quản đốc xưởng may về hưu tập tành làm thơ, rất thích nói chuyện thơ thẩn với ông thi sĩ già đang để hết tâm trí cầu trúng số...

Mọi loại chuyện trên đời tập trung ở quán đó. Nhất là buổi sáng thì rôm rả lắm: Bàn số đề, kết quả đá banh, lũ lụt Pakistan, giá xăng tăng... Ngồi một lúc thì nắm đủ tin tức dưới gầm trời. Góc quán treo một chiếc TV quay mặt vào trong. Bởi có những người khách một mình không biết đi đâu, làm gì. Họ kêu ly cà phê, bỏ chân lên ghế với một tờ báo duyệt kỹ càng hết tin tức và quảng cáo hoặc ngồi nghiền ngẫm màn hình TV là có thể tiêu hết thời gian suốt buổi. Chủ quán dọn ra bình trà, cứ cạn lại được châm tiếp. Chừng nào khách chán đứng lên đi không giới hạn thời gian. Đặc điểm mọi quán cà phê đều như vậy.

Vào mùa giải túc cầu lớn, tới giờ trái banh lăn, quán đông khách ngồi ken sát như cái rạp xi nê nhỏ. Chỉ tốn vài ngàn cho một ly cà phê đen mà mọi người được hòa vào đám đông say mê, hồi hộp theo cái không khí cầu trường tha hồ reo hò đầy khí thế. Cho nên tới những dịp ấy, quán cà phê lo kê thêm bàn ghế.

Đó cũng là chỗ bàn chuyện làm ăn, áp phe, nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ...

Quán nhỏ và rất tấp nập, có thể vừa bước vào nơi chật nứt bàn ghế đó đã thấy một số tay chuyên giới thiệu các show diễn ban đêm, khắp nơi từ vũ trường đến tổ chức đại nhạc hội ở sân khấu Saigon và cả quận mới thành lập như quận Nhì, quận Chín... luôn việc mở phòng triển lãm cho giới hội họa... Đây được coi là bàn làm việc để sắp xếp ca sĩ mới hát kèm ca sĩ cũ hoặc đóng chút tiền để kiếm giấy phép...

Quán 81 từng là nơi quy tụ văn nghệ sĩ trẻ mới ra nghề theo các đàn anh để tạo tên tuổi. Ngồi cà phê ở đó thường có Trần Áng Sơn, nhạc sĩ Nhật Minh, cả sáo sĩ Tô Kiều Ngân khề khà... Nhưng sau này dường như hội quán đó có nhiều tay buôn nhà đất bàn chuyện làm ăn hơn là văn nghệ tụ tập nên anh em cũng bỏ đi nhiều.

Quán Tí Nị quy tụ hầu hết giới văn nghệ cũ Saigon. Bây giờ cũng khá đìu hiu. Trước đây là nơi tụ họp xôm trò của Trần Thiện Hiệp, Hoàng Hương Trang, Nguyễn Thụy Long và những nhà văn còn lại sau 75 hiện đã già và rụng nhiều.

Bây giờ chúng tôi thường gặp nhau gần nhà vì ngại đi xa, thêm nữa quán Chợ Nhỏ quen thuộc từ lâu. Thị Nghè là khu dân cư đông đúc nên hàng quán bán thứ gì cũng đông khách. Ông bà cụ chủ quán trước làm nhà in ở Nguyễn Thiện Thuật sau dời sang Thị Nghè mở quán tuy bình dân nhưng cà phê khá đặc biệt.

Các anh em tìm thăm tôi đều ra đây ngồi tán gẫu với nhau.

Trước đây khá lâu, người ngồi quán cà phê Chợ Nhỏ đầu tiên sau 75 là Vũ Bằng và Lý Minh. Lần Phạm Quốc Bảo về đi với giáo sư Nguyễn văn Đậu, có cả Sấu Mai. Chúng tôi rất vui khi nhắc chuyện bạn bè, làm ăn và sách báo với nhau. Sau đó Phạm Quốc Bảo và Nguyễn văn Đậu sang thăm thi sĩ Động Hoa Vàng là Phạm Thiên Thư ở quán Hoa Vàng. Từ Tây Đức về, Mai Vi Phúc và cả Nguyễn Chánh ghé thăm tôi. Nếu ở nhà không thấy, họ ra quán cà phê Chợ Nhỏ thì gặp ngay. Đầu xuân năm trước, Phan Bá Thụy Dương cũng về thăm, uống cà phê ở đó rồi từ giã tôi đi tìm Tường Linh để... cứu nguy cho bạn già! Nói chung quán cà phê nhỏ nhưng từng ghi dấu rất nhiều anh em văn nghệ hải ngoại về chơi.

Cứ ngồi ở đó nhìn thấy cuộc sống mỗi ngày diễn ra chung quanh. Vé số liên tục vào từng bàn trong quán mời chào. Tỉnh nào cũng phát hành vé số nên ngày nào cũng có số xổ, toàn phụ nữ từ người già đến trẻ em đi bán, ít có thanh niên. Đội quân bán vé số gia tăng do số trẻ em miền Trung vào Nam kiếm ăn mùa hè.

Trước cửa quán đủ thứ hàng hóa san sát nhau: Sạp báo tới trưa thì dẹp, xe nước sâm đứng suốt ngày, bàn thuốc lá trời mưa lắc rắc vội vã chống cây sào bán thêm áo mưa. Mùa sen năm rồi, có chị chuyên bán dạo gương sen, bán từng xâu, mỗi xâu mười ngàn đồng. Tôi thích ngồi uống cà phê giữa nắng trưa, bên cạnh người tình ngồi bóc vỏ sen cho mình ăn từng hột một. Cái vị nhân nhẩn như vị tình...

Có hai người đàn bà ngồi bán hoa hồng trước quán. Lâu quen rồi họ thường trò chuyện với tôi về việc bán hoa hồng cho các các cặp tình nhân. Thỉnh thoảng tôi cũng mua vài cành. Hồng nhung thơm và đẹp nhưng không biết tặng ai...

Năm nay thì sau những ngày nắng hạn hơn bốn mươi độ, trời bắt đầu mưa và báo bão. Tôi ngồi uống cà phê một mình, nghĩ tới ông bà chủ quán mới mất năm rồi. Có họ nói chuyện thêm vui hơn vì họ rất rành những văn nghệ sĩ thời trước.

Một người đàn ông già nhưng quắc thước bước vào quán. Thấy hơi quen thì ra ông chủ bán chim gần Thị Nghè.

Hàng của ông sáng nào người ta cũng ngồi tụ tập uống cà phê để nghe đủ loại chim hót. Ông nuôi chim trong các lồng chạm trổ cầu kỳ thật sạch sẽ và chuyên nghiệp. Do nạn cúm gà, Saigon cũng bị họa lây. Có lúc nhà nước bắt tiêu diệt hết các loại chim nuôi, đi ngang không thấy ông còn nuôi con chim nào. Tôi bắt chuyện:

-Ông còn nuôi chim nữa không?

Ông cười bình thường:

- Dịch cúm nên chim bị cấm nuôi. Bỏ hết rồi, một số cho bọn trẻ đem về quê nuôi mặc dù tôi có tiêm thuốc ngừa cúm cho chim cả.

Anh bạn uống cà phê đen bên cạnh còn trẻ mặc áo đóng thùng, mang giầy như một ông chủ dưới quê mới lên nói:

-Cúm gà tôi bị thiêu hủy cả trại rồi bồi thường không đủ tiền ăn cháo.

Anh ta càng nói càng to hơn. Người chủ hàng chim Thị Nghè đứng lên bỏ đi không nói câu nào.

Trời đã nặng hột, chợt nghe có tiếng mấy con khướu kêu rất lớn. Một chị gánh bốn năm lồng chim ghé quán đụt mưa. Tôi vốn mê chim chóc như lúc còn trẻ, thích nuôi chim nhưng lại sợ nuôi chim. Cứ mua chim nuôi một thời gian ngắn rồi lại thả cho bay đi, nhiều khi phải nhờ người mang ra tận bãi xa thả.

Thời ở quê có lần tôi nuôi con cưỡng bông được một năm. Sau này đi tù cải tạo mười năm cứ bị ám ảnh mãi về ý nghĩ do bắt chim trời về nuôi trong lồng nên hậu quả mới đi tù.

Sau tôi mặc kệ. Thích thì cứ nuôi một vài tuần rồi thả. Ngắm các con chim trong lồng, tôi chọn hai con khướu với chiếc lồng có lưới giá hai trăm năm mươi ngàn, và hỏi:

-Sao chị gánh chim đi bán dạo. Bộ không có chỗ bán hay sao?

-Chỗ bán thì nay họ cho bán, mai họ đuổi hoặc bảo là chim lây cúm gà nên bắt hết, không phạt là may rồi.

-Thôi được, tôi mua con khướu. Chị nhớ cái quán cà phê nhỏ này nhé. Khi nào có con két hay con vẹt biết nói chị đem cho tôi một con.

Chị ta bảo:

-Két vẹt bây giờ nhiều lắm. Giá cũng rẻ. Ông ngồi luôn ở quán này hả?

-Ờ, quán khác tôi đã chán hết rồi. Quán này bên phải có bán cá kiểng, bên trái bán cây cảnh và hoa lan. Còn đằng trước bán cả gương sen nữa. Đó là món tôi ưa thích.

-Sắp hết mùa sen rồi.

-Chị thấy bên kia đường có quầy bán hạt dẻ nữa. Muốn ăn quà vặt nhìn quanh chỗ nào cũng có hết.

Tôi trả chị ta số tiền vét túi cuối cùng.

Quán trưa ngoài đường nắng như thiêu vẫn đông nghẹt. Một đám tóc nhuộm vàng, nhuộm nâu kéo vào quán xếp hai cái bàn liền nhau ồn ào. Đó là đám thanh niên tối nào cũng theo tháp tùng tụi đua xe bị chết, bị thương vẫn không ngán.

Tôi ra về mang theo hai con khướu, không biết treo nó ở đâu trên căn gác nhỏ xíu của mình.

Sa Giang

20-08-2010

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn